Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

Về cuộc gặp gỡ của đồng chí Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ


(Trả lời phỏng vấn báo Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh)

Câu 1. Với tư cách là Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ của Trung ương Đảng, xin đề nghị đồng chí cho biết cảm nghĩ của đồng chí về cuộc gặp gỡ của đồng chí Nguyễn Văn Linh với hơn 100 văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hoá được tổ chức vừa qua tại Hà Nội.


Trả lời: Cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các văn nghệ sĩ ngày 6 và 7 tháng 10 là một cuộc gặp gỡ lý thú. Cuộc gặp này được tổ chức theo sáng kiến của chính đồng chí Tổng Bí thư. Nó có mấy điểm tôi cho là thú vị nhất (và cũng nhiều người đồng ý với tôi):
- Trong hai ngày, tính chính thức giờ làm việc, có khoảng 14, 15 tiếng đồng hồ. Đồng chí Tổng Bí thư chỉ mở đầu khoảng 10 phút và phát biểu lúc kết thúc khoảng 1 tiếng. Còn bao nhiêu thì giờ là anh chị em văn nghệ sĩ phát biểu. Tất cả có 26 người phát biểu. Có nhiều người không phát biểu vì sau khi nghe, thì thấy không cần phát biểu, những điều chủ yếu đã được nói lên rồi. Có những người cần phát biểu nhưng không kịp, hoặc do có sự điều hành của Ban Văn hoá - Văn nghệ (tức là tôi) có thiếu sót, ví dụ các nghệ sĩ nhiếp ảnh chưa có tiếng nói,
- Không khí đặc biệt chân thành, cởi mở và tâm huyết. Mỗi người đều muốn nói lên điều mình day dứt từ lâu và muốn “dốc bầu tâm sự” với đồng chí Tổng Bí thư, mà anh chị em tin cậy và mến yêu. Đồng chí Tổng Bí thư nghe chăm chú và trân trọng. Do đó, khi đồng chí Tổng Bí thư phát biểu sau cùng, đã nói lên những điều then chốt và bản chất nhất làm anh chị em xúc động.
Cuộc gặp diễn ra trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Bộ Chính trị (đã họp ngày 17-10) đề ra Nghị quyết về văn hoá văn nghệ, có ý nghĩa lớn.
Phải nói thêm rằng, cũng có người muốn hạ thấp ý nghĩa của cuộc gặp gỡ, nhưng ý nghĩa thực sự của nó sẽ do cuộc sống định giá thêm chứ không phải do ý muốn người này hay người khác. Có người chê thành phần văn nghệ sĩ được mời gặp chưa tiêu biểu. Thực ra có nhiều người không đến dự, nhưng có vai trò quan trọng và thành tích lớn lao hơn. Danh sách cuộc họp này do các Ban thư ký các Hội đề xuất (theo phân bổ số lượng) và có trao đổi với Ban Văn hoá Văn nghệ. Chúng tôi nhất trí là để đồng chí Tổng Bí thư gặp được nhiều người đang tích cực lao động có hiệu quả, chứ không phải chỉ là những người tiêu biểu.
Cảm tưởng chung của tôi là công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực, cũng như trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ là sự đòi hỏi cấp bách của cuộc sống. Công cuộc này sẽ rất khó khăn phức tạp, phải vượt qua nhiều trở ngại, nhưng nó đã được khởi động tốt đẹp và chắc chắn sẽ thắng lợi.
Câu 2. Từ ý kiến của nhà lý luận Hồ Ngọc trong cuộc gặp gỡ, chúng tôi muốn biết quan niệm của đồng chí về mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ?
Trả lời: Về vấn đề mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, đồng chí Hồ Ngọc với tính cách của mình đã phát biểu một cách hơi cứng nhắc. Theo tôi văn nghệ với chức năng xã hội của mình, không thể nào tách khỏi chính trị. Khi ta nói văn nghệ cách mạng là ta đã nói văn nghệ phải theo đường lối chính trị cách mạng, phải tuân thủ mục đích chính trị của cách mạng. Vẫn có thể nói văn nghệ phục vụ chính trị với ý nghĩa là văn nghệ phục vụ và có nhiệm vụ thực hiện đường lối chính trị, thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Đó là điều tất yếu và hiển nhiên. Còn nếu như hiểu văn nghệ phục vụ chính trị là phục vụ các công tác cụ thể hàng ngày và phục vụ các tổ chức chính trị, các cán bộ chính trị và do đó cán bộ chính trị là cao hơn văn nghệ sĩ thì đó là cách hiểu sai và thô thiển. Văn nghệ thực hiện các nhiệm vụ chính trị bằng chức năng của mình, ngôn ngữ của mình, không nên đồng nhất văn nghệ với chính trị.
Về vấn đề này, đồng chí Trường Chinh đã nói trong bài nói chuyện trước Đại hội văn nghệ toàn quốc lần II năm 1957:
“Văn nghệ phục vụ chính trị, tức là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, phục vụ sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phương thức phục vụ rất phong phú: văn nghệ sĩ phải hoàn toàn tự nguyện và phải chủ động trong sáng tác của mình”.
Sau đó đồng chí Trường Chinh nhắc một câu rất hay của Sôlôkhốp. Đồng chí còn nói thêm:
“Văn nghệ phục vụ chính trị là phục vụ chính trị giai cấp, chứ không phải phục vụ chính trị chung chung hoặc phục vụ cá nhân nào làm chính trị… Đó cũng chính là tính Đảng của văn nghệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” (Về văn hoá và nghệ thuật, tập I, trang 217, NXB Văn học, 1985).
Đồng chí Lê Đức Thọ cũng có lần đã phân tích. Đó là những ý kiến hết sức xác đáng. Tuy nhiên, vấn đề này còn cần được phân tích kỹ hơn, toàn diện và linh hoạt hơn.
Câu 3. Một đường hướng và phương thức hoạt động như thế nào là tốt trong sinh hoạt văn hoá, văn nghệ để không bị ràng buộc bởi những dây trói như nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện đã nêu lên?
Trả lời: Những sự gò bó, áp đặt và trói buộc là không thích hợp với đặc thù của hoạt động văn nghệ.
Đúng là ở ta có những hiện tượng gò bó, áp đặt và đối xử không thoả đáng đối với một số sự kiện văn nghệ và văn nghệ sĩ. Đó là vì sự nhận thức còn chưa đúng và chưa đủ về chức năng và đặc thù văn nghệ. Trong quá trình đổi mới của ta hiện nay, những hiện tượng nói trên nhất định sẽ được khắc phục dần dần.
Câu 4. Cũng nhân ý kiến của đồng chí Nguyễn Khắc Viện, chúng ta có đánh giá lại những tác phẩm, những ý kiến cá nhân bị bác bỏ trong quá khứ và cùng với vị trí cá nhân của tác giả đó không?
Trả lời: Theo tôi ở ta không có sự kiện nào oan khuất ghê gớm. Có một số tác phẩm có quyết định cấm, nếu cần có thể xem xét lại từng tác phẩm cụ thể. Có thể có tác phẩm bị cấm là đúng, có thể có tác phẩm bị cấm là không đúng – không phải tất cả sự cấm đều sai. Vừa qua Ban Bí thư đã xem xét và cho chiếu rộng rãi bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”. Có những tác phẩm bị ngừng lưu hành mà không hề có lệnh cấm mà chỉ vì hoặc ý kiến công chúng không công nhận hoặc do có một số ý kiến “có thẩm quyền” phê phán, rồi nhà xuất bản không tái bản, không lưu hành. Thì nay những tác phẩm đó, không bị coi là bị cấm. Tuy nhiên, có những tác phẩm không lưu hành nữa là do bản thân tác phẩm đó cũng không đủ sức sống để tồn tại. Về những việc này, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và những Nghị quyết mới của Đảng, sẽ được xem xét cụ thể theo đúng tinh thần của Đảng, không có vấn đề rũ rối và lật lại tất cả mọi vấn đề.
Từ nay ta sẽ cố gắng chấm dứt những tình trạng “án treo” và “án chung thân” đối với sự kiện văn nghệ (tác phẩm và tác giả).
Câu 5. Ban Văn hoá - Văn nghệ đang tiến hành những công việc gì, theo hướng chủ yếu nào để tác động tới Nhà nước nhằm thiết lập một trật tự phân phối công bằng cho văn nghệ sĩ như đồng chí Nguyễn Văn Linh đã từng nêu lên trong bài trả lời phỏng vấn của tạp chí Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh (số tháng 6-1987).
Trả lời: Ban Văn hoá - Văn nghệ đang có một chương trình công tác nặng nề. Sau khi có nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hoá, văn nghệ, Ban Văn hoá - Văn nghệ sẽ có những ý kiến về một số mặt chủ trương công tác cấp thiết của Bộ Văn hoá và sẽ làm việc với các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hoá để phát biểu và trao đổi. Ban Văn hoá - Văn nghệ phải triển khai công tác nghiên cứu để chuẩn bị ý kiến về một loạt vấn đề của công tác văn hoá, văn nghệ như:
- Các vấn đề về từng ngành trong văn học, nghệ thuật,
- Các vấn đề lý luận phê bình,
- Các vấn đề bồi dưỡng lực lượng trẻ,
- Các vấn đề về chính sách kinh tế trong văn hoá,
- Các vấn đề cơ chế quản lý để xử lý các vấn đề văn nghệ cho phù hợp với đặc thù của văn nghệ,
- Các vấn đề về tổ chức các hội sáng tác văn học, nghệ thuật,…
Chúng tôi dự kiến sẽ phải có một tập san tên là “Thông tin công tác văn hoá, văn nghệ” để cung cấp những kiến thức và thông tin cần thiết cho các cấp lãnh đạo, quản lý và các cán bộ trong giới văn hoá, văn nghệ để công tác được tiến hành thuận lợi.
Câu 6. Trong cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hoá, đồng chí Nguyễn Văn Linh nêu câu hỏi: “Từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay, những thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo hơn trước, không biết có đúng thế không?”. Theo chúng tôi, đây là một câu hỏi lớn, rất nên có những cuộc trao đổi ý kiến rộng rãi của giới văn hoá, văn nghệ trong cả nước, để đi tới những kết luận đúng và đi tới những phương hướng sửa chữa có hiệu quả. Vậy ý kiến của đồng chí như thế nào?
Trả lời: Đây là một câu hỏi tổng quát, mà những câu trả lời 5 câu trên hợp lại có thể coi là câu trả lời chung – không cần nói gì thêm.
Đồng chí Tổng Bí thư đã bày tỏ thái độ. Đảng đã có nghị quyết (Nghị quyết Bộ Chính trị). Hiện nay, vấn đề là trách nhiệm của văn nghệ sĩ, là những công việc sáng tạo rất nặng nề căng thẳng mà mọi người phải cùng nhau ra sức gánh vác.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét