Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

Một kế hoạch vượt ngục


Kể từ khi tôi bị bắt, tôi đã có nhiều ý nghĩ tìm cách thoát khỏi tay bọn đế quốc để tiếp tục hoạt động.

Mật thám bắt tôi ở Thái Bình vào một đêm mùa hạ, chúng cho tôi là quan trọng, nên chúng bắt tôi ngồi cùng ô-tô với chánh mật thám (hồi ấy là thằng La-néc em – lúc ấy có hai La-néc: anh ở Hà Nội, em ở Thái Bình). Lúc đó tôi có ý nghĩ là chồm lên giằng tay tài xế cho xe lao xuống ruộng rồi tôi chạy. Nhưng sau tôi suy tính mọi mặt nào là chúng nó đông người quá, nào là hai tay mình bị xích, v.v… Những ý nghĩ ấy chỉ là những ý nghĩ mà thôi.

Lại đến khi tôi bị giam ở sở mật thám, tôi bị xích hai chân và hai tay lại, bỏ riêng đằng sau cái ô-tô trong gian nhà ga-ra ô-tô của sở mật thám một thời gian. Chúng không muốn cho tôi tiếp xúc với các bạn tôi. Tôi đã nảy ra ý nghĩ là gặp đêm nào bọn mật thám lấy xe đi bắt đêm, tôi sẽ bám vào sau xe của nó, ra khỏi tỉnh lỵ một lúc lâu tôi buông tay ra và lăn xuống… Nhưng cũng chưa lúc nào tôi thử bám xem sao, vì những ý nghĩ tiếp sau chưa giải đáp hết cho tôi những con toán khó gỡ: lăn xuống rồi đi làm sao? – đi về đâu?…

Lại nữa, khi có một người lính khố xanh giải một mình tôi từ Thái Bình đi Hà Nội. Chúng tôi đi xe lửa từ Nam Định đi Hà Nội. Trên xe lửa, tôi nhìn ra những cánh đồng và làng mạc ở Hà Nam, tôi vẫn đang tưởng tượng tới các đồng chí hoạt động ở đó. Tôi định thuyết phục người lính khố xanh, tôi định nhảy tàu, tôi định diễn thuyết, tôi định gây nên một cái gì lộn xộn rồi chuồn… Nhưng rồi lại chỉ “định” là “định”. Lúc ấy tôi còn ít tuổi quá, thường nếu có một cái gì kích thích đặc biệt thì có thể rất liều như đã diễn thuyết khi bị bắt, đã diễn thuyết ở toà án Thái Bình. Nhưng khi có một mình, cảm thấy lẻ loi, lại hay thẹn thì chỉ toàn dự định là dự định.

Bước chân đến Hỏa Lò, thường phải cùng anh em suy nghĩ tổ chức đời sống và đối phó luôn luôn với kẻ địch, nên hầu như không nghĩ gì được đến chuyện trốn. Đêm đêm nằm nghe tiếng “guốc đi về” và sáng sớm nghe tiếng rao “bánh rán nóng” vang lên, day dứt ngâm mấy câu thơ của Tố Hữu, lúc đó tôi coi như đã bước hẳn vào giai đoạn “tù” một cách yên trí, tập trung tư tưởng vào cuộc chiến đấu trước mắt : bảo vệ đời sống, tổ chức học tập, giữ vững lòng tin. Hồi đó, khi từ biệt mẹ, tôi nói: “Không bao giờ con ở hết mười lăm năm tù đâu, mẹ cứ coi con như đi học xa dăm năm rồi về thôi”; nhưng tôi lại chuẩn bị tư tưởng cách khác và nghĩ rằng: hết 15 năm là mới năm  1956, mới hơn ba mươi tuổi, còn trẻ lắm. Tất cả các bạn tù của tôi hồi ấy phải bàn nhau làm nhiều việc : - chúng tôi ốm đến bảy mươi phần trăm, có đồng chí mất máu, chân tay cứ tím dần đi rồi chết. Tôi là một thanh niên được coi là khỏe, mà ngồi xuống đứng lên cũng lảo đảo, đổ đom đóm mắt, lắm khi quét nhà không dám cúi xuống quét gầm sàn vì sợ ngã… Lúc đó bọn đế quốc cho chúng tôi ăn rất tệ hại: cơm thì nấu lẫn với vôi, nước xuýt trâu pha nước lã, cá mè con luộc sống, rau muống già lẫn đỉa, rau cần lẫn trứng cóc, cá mắm có giòi, đậu phụ có cả thạch thùng nằm trong, v.v… Chúng tôi phải tìm cách nấu lại thức ăn, tổ chức xin quà ở nhà vào, tổ chức săn sóc người ốm - đấu tranh với thần chết.

Chúng tôi còn phải đấu tranh bảo vệ danh dự và nhân cách – vì lúc đó hòa nhịp với sự khủng bố phong trào rất mạnh ở bên ngoài, bọn giám ngục cũng định khủng bố chúng tôi trong tù. Chúng phạt luôn và thỉnh thoảng thốt ra chửi một câu hoặc đánh chúng tôi. Chính trong cuộc đấu tranh chống chửi láo, tôi đã bị phạt giam ba mươi ngày cùm hai chân trong xà lim.

Chúng tôi lại còn phải đấu tranh giữ thống nhất nội bộ. Vì lúc đó chúng tôi bị giam chung với một đám tù Đại Việt ở Lạng Sơn (phong trào của Trần Trung Lập). Đế quốc gắn cho tù chính trị một miếng vải xanh ở ngực: cộng sản thì vuông, “Lạng Sơn” thì chéo. Lúc đó gọi là tù số vuông và tù số chéo. Trong anh em “Lạng Sơn” có người tốt và sau trở thành cộng sản – nhưng cũng có kẻ không tốt - Đế quốc muốn lợi dụng điều đó chia rẽ tù chính trị, dễ bề khủng bố và chúng nhằm chủ yếu là khủng bố tù cộng sản…

Đứng trước cuộc đấu tranh tuy nhỏ bé, nhưng phức tạp và rất mới mẻ đối với tôi đó, tôi bị hút vào. Tôi có sức khỏe, nhanh nhẹn, nên hoạt động nhiều. Các đồng chí lớn tuổi có kinh nghiệm chú ý bồi dưỡng cho tôi với một tình đồng chí đặc biệt, pha lẫn tình cảm cha con. Đêm đêm các đồng chí nói chuyện kinh nghiệm, bày mưu tính kế cho tôi và tôi cùng một số anh em khác làm “trật tự” để lo việc đối phó mọi mặt.

Chúng tôi còn theo kinh nghiệm các đồng chí cũ, tổ chức sinh hoạt văn nghệ, ra báo, diễn kịch, thi thơ, v.v…

Hầu như tôi tạm yên trí xa cái “hoạt động bên ngoài” ít lâu…

Thế rồi đoàn đồng chí Đ. vào. Anh Đ. vào đem theo một không khí sôi sục mới cho nhà tù, anh nói chuyện Mặt trận Việt Minh, nói tình hình phong trào đấu tranh. Tôi thấy anh Đ. không coi cái nhà tù ra cái gì, anh hướng toàn bộ trí lực của anh vào việc thoát khỏi nhà tù ra với phong trào. Tôi không nhớ là anh đã làm thế nào. Nhưng tôi chỉ nhớ là tư tưởng tôi hoàn toàn biến chuyển. Nhà tù đối với tôi trở nên hết sức tạm bợ và tôi cũng chỉ nhăm nhăm “vượt cũi sổ lồng”.

Anh Đ. ơi! tôi luôn luôn ghi sâu hình ảnh của anh, một chiến sĩ kiên cường bất khuất, một đồng chí thân yêu của chúng tôi lúc bấy giờ và về sau này. Anh mặc một cái áo số ngắn tay, một cái quần đùi. Anh chắp tay đi lại trong sân tù dưới gốc hai cây bàng già cỗi. Hai cánh tay và hai bắp chân đen đủi của anh chắc nịch và gân guốc như chứa đựng một sức mạnh ngàn cân. Đầu anh to, tóc ngắn dựng ngược, cằm anh vuông, lún phún mấy sợi râu hung đỏ và hơi nhô ra như thách thức. Cặp môi dày của anh nghiêm khắc thỉnh thoảng mới nở một nụ cười. Trong nụ cười của anh vẫn chứa đựng một cái gì chua chát cay đắng. Mà cái chua chát cay đắng ấy tôi thấy rõ hoàn toàn không phải là cái gì thuộc về riêng tư của anh. Đôi mắt anh bình thường lại hơi nhài quạt. Đôi mắt không sáng quắc nhưng u ẩn và bí hiểm lạnh lùng. Tôi thấy bộ mặt anh toàn như thép đúc, nặng nề, cương nghị, u uất. Tôi thấy anh như một tảng đá sẵn sàng vươn ra trước gió bão, các thử thách đấu tranh như những làn sóng bể hùng hổ sùi bọt quật vào anh cũng sẽ chỉ vỡ tan tành rồi rút lui ra xa khuất phục, còn anh anh cứ đứng vững. Nét mặt anh như vậy, tôi còn được thấy mãi trong những ngày trên đường đi đày lên Sơn La, những ngày ở Sơn La và trong những lúc ở chiến dịch Biên Giới, ở Điện Biên Phủ sau này. Khi khó khăn, gian khổ dồn dập thì nét mặt đó như nói rằng: “Cứ vững vàng, sẽ chiến thắng”. Khi thắng lợi to lớn, anh nâng cốc chào mừng thì nét mặt đó lại lạnh lùng như bảo “còn phải phấn đấu nhiều”. Khi các đồng chí khác có khuyết điểm nhìn vào nét mặt của anh lòng cảm thấy xấu hổ, có tội với cách mạng. Tôi vẫn thường tự nhủ nét mặt của anh, nụ cười của anh, đôi mắt của anh luôn luôn mang dấu vết đau thương, phấn đấu của thời đại.

Chính anh Đ. với tất cả những nét độc đáo của anh đã khuấy động tâm hồn chúng tôi trong lúc ấy.

Tôi không nhớ rõ anh đã hình thành kế hoạch của anh như thế nào. Tôi chỉ biết tôi được tham dự vào nhóm vượt ngục của anh tổ chức và được tham gia tích cực vào các kế hoạch của anh. Kế hoạch đó đại khái như sau: Tổ chức một nhóm hơn hai mươi người để đủ số người ở vào một căn nhà trong số bốn căn nhà tù chính trị lúc bấy giờ. Tất cả nhóm chuẩn bị trốn này gọi là một lớp học chính trị đặc biệt do anh Đ. phụ trách, thời gian huấn luyện sẽ vào khoảng hơn hai mươi ngày. Khi đã ở trong căn nhà đó rồi thì tổ chức đào hầm. Chúng tôi sẽ đục một cửa hầm vuông mỗi bề năm mươi phân. Hầm đó đào sâu xuống độ ba thước xong sẽ đào ngang ra độ mười hay mười lăm thước, rồi lại đục ngược lên, hoặc là nếu gặp cống thì sẽ theo đường cống mà đi ra. Đêm cuối cùng sẽ là đêm đục được cửa hầm ra rồi vùng lên chạy trốn. Đã chia các tổ, đã phân phối địa phương chạy về và quy định cách thức liên lạc.
Tháp chùa Keo, Thái Bình, một công trình kiến trúc độc đáo. Ảnh : Trần Độ
 
Tôi không nhớ hết các chi tiết tỉ mỉ. Nhưng tôi chỉ nhớ rằng kế hoạch của chúng tôi phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp như sau:

- Làm sao giữ được bí mật với địch, với cả anh em trong tù? Giả danh là tổ chức một lớp học.

– Làm sao giữ bí mật được cửa hầm? – Phải đục cửa hầm cho vuông vắn khéo léo, làm một nắp hầm bằng gỗ (lấy một cái “lập là” – hộp đựng cơm, phá ra lấy gỗ đóng) có trát một lần xi măng mỏng, đậy vào, lấy cát xoa cái mép. Cửa hầm mở ở trong một góc tối nhất dưới gầm sàn nằm.

- Làm sao giữ được bí mật tiếng đào đất? – Tối đến, tổ chức học hát tập thể. Mỗi kíp hai, ba người đào. Ai chưa đến lượt đào thì hát. Sau một thời gian đào sâu xuống rồi thì thôi hát, chỉ cần nói chuyện rôm rả là được.

- Lấy gì đào? – chúng tôi tìm quanh quẩn được mấy miếng sắt to, nhỏ khác nhau. Miếng to làm búa, miếng bé làm choòng, đục – đã phân công nhau mài cho mũi nó sắc.

- Một trong những vấn đề nan giải là đào đất ra đổ vào đâu? Chúng tôi làm nhiều con toán về số đất phải đổ - Thấy tối thiểu phải mất ba mươi thước khối (kể cả hệ số nở), có khi lên đến năm mươi mét khối. Nếu đào hầm xa thì bảo đảm, nhưng lại nhiều đất… Về sau tạm thời giải quyết là đem đổ chuồng xí, tìm cách phân tán ra đổ vào nhiều chuồng xí, cho dính vào các thứ thùng, đem ra máy nước rửa cho tan đi, v.v… Cuối cùng vấn đề này vẫn là vấn đề thấy chưa ổn.  

- Đục cửa để ra ở chỗ nào? Lúc ra, nhảy ra làm sao? – Làm thế nào cho đúng hướng? Chọn chỗ ra làm sao cho lính gác không trông thấy? v.v… Tất cả những vấn đề đó đều có bàn đến và đều chỉ mới bàn nửa chừng, chưa có vấn đề nào được giải quyết dứt khoát. Định rằng cứ làm đi đã rồi sẽ hay.

Khi chọn người, ngoài tiêu chuẩn tin cậy, anh Đ. chú trọng chọn anh em trẻ và có nhiều khả năng khác nhau. Anh chọn những người mà anh đã phân công từ trước khi ra sẽ phụ trách gì. Anh thì phụ trách công vận, anh nông vận, anh làm báo, anh huấn luyện, anh nhà in, v.v…

Ngày tập trung và khởi sự là ngày hết sức vui sướng của chúng tôi. Trong đám anh em này có người quen nhau từ khi hoạt động ở ngoài, có anh mới biết tiếng nhau, có anh thì chỉ mới quen nhau từ khi mặc áo tù. Nhưng khi tập trung vào với nhau ở đây thì tự nhiên có một cái gì gắn chặt lấy nhau. Chúng tôi nhìn nhau bằng con mắt tin cậy chân thật vì mỗi người đều biết là khi đã chọn nhau vào nhóm này mỗi người đều đã nhìn thấy ở đồng chí của mình hoặc một lịch sử đấu tranh, một hành động dũng cảm, một phẩm chất tốt đẹp, một năng lực đầy hứa hẹn. Chúng tôi rất nhiều cảm giác phấn khởi vui vẻ khác nhau lẫn lộn. Chúng tôi có cảm tưởng như là mình ở trong đoàn quân đang chuẩn bị đi tấn công, háo hức, hồi hộp, tin chắc mình sẽ có chiến công, lại cũng có cảm tưởng như là những chiến sĩ cách mạng hoạt động ở bốn phương nay tụ tập về học tập, khai hội với nhau ít lâu rồi lại chia tay ; lại cũng có cảm giác như một đoàn khách giang hồ, tạm cùng nhau trọ một đêm rồi để lại chia tay, lại có cảm tưởng như đàn con của một gia đình lớn sắp sửa bước vào đời

Mấy đêm đầu, khi đi ngủ, mỗi người đều mang theo những tình cảm nhẹ nhàng, thoải mái, đều tự nhiên tin tưởng rằng ngày mai ngủ dậy thế nào cũng có một cái gì mới mẻ, thần kỳ chờ đón. Cho nên những buổi tối, tuy chúng tôi hát để “ngụy trang tiếng động”, nhưng chúng tôi cũng đã hát với tất cả sự phấn khởi của tâm hồn, với tất cả một tinh thần chiến đấu và với tất cả niềm say sưa của tuổi trẻ.

Tôi có hai bạn cùng lứa tuổi cùng tính chất học sinh với nhau và khoái nhau nhất. Một người hiện nay ở xưởng phim tên anh là C., một người hiện nay ở Khu gang thép, tên anh là Kh. – Bây giờ các anh ấy đổi tên rồi và đều là cán bộ quan trọng trong các ngành ấy cả. Hình như chúng tôi cũng là tổ đào đầu tiên thì phải. Tất cả mọi sự chuẩn bị cho việc “thi công” đều thuận lợi cả. Đêm đầu, chúng tôi hăng say bắt tay vào việc. Nhưng những động tác đầu tiên chúng tôi vấp phải những khó khăn buồn cười, rất giản đơn mà chúng tôi không nghĩ ra. Đó là việc chúng tôi chui vào gầm sàn ngồi cũng phải cúi lom khom thành ra không có chỗ nào vung “búa” lên để quai vào choòng sắt cả. Choòng của chúng tôi chỉ dài độ ba mươi phân và búa là một thanh sắt dẹt dài độ 50 phân. Chúng tôi xoay xở mãi mới đành chỉ gõ gõ được mà thôi. Gõ rất ghê, nhưng chúng tôi làm lâu lắm cũng chỉ hơi sứt sứt mặt nền xi-măng ra một chút mà thôi. Chúng tôi cứ làm, cứ thay kíp và cứ hát và chúng tôi lại thảo luận. Kết luận sơ bộ là thế này: chỉ chịu khó mấy đêm đầu thôi, sau khi đã bật hết được xi-măng lên, khoét sâu xuống thì sẽ gặp những thuận lợi mới. Chúng tôi phấn khởi và tin tưởng tiếp tục sự nghiệp. Đêm đầu có lẽ chúng tôi mới chỉ gãi ra được một vạch dài độ 30 phân, sâu độ vài phân, rộng dăm phân thôi. Chưa gặp khó khăn gì về đổ đất cả. Ngày thứ hai, chúng tôi tiếp tục phấn khởi, tin tưởng, coi như chưa có trở ngại gì đáng kể. Trong nhà tù chúng tôi đã học được cách mài dây thép, làm kim, gỡ áo lấy chỉ, khâu những khăn mặt bông với các hình đẹp mắt. Vậy thì việc gãi xi-măng đào thành hầm cũng là chuyện thường thôi…

Chúng tôi tiến hành việc “thi công” độ bốn, năm ngày gì đó tôi không nhớ nữa, kết quả vẫn không hơn được tí nào. Cái nắp gỗ trát xi-măng vẫn chưa dùng đến và vẫn chưa phải đổ đất. Nghĩa là chúng tôi chỉ mới vạch được một vạch nửa hình vuông và sâu từ 3 đến 5 phân mà thôi. Những cảm tưởng hào hứng ban đầu nhạt dần thay thế cho những lời bàn tán mảnh với nhau, phát hiện ra nhiều khó khăn mới. Bọn thanh niên chúng tôi vẫn hăng, nhưng chỉ mong đợi có một cái gì thật may mắn, bất ngờ xảy đến, chứ chưa hình dung được rõ đường lối sẽ đi ra sao. Ví dụ: mong bất ngờ nện một choòng nổ bật ngay được nắp lên; chạm ngay thấy đất, v.v… Anh Đ. thì thỉnh thoảng cười và với giọng vừa dịu dàng vừa kiên quyết: “Gay đấy! phải nghiên cứu xem!”.

Tôi không nhớ rõ hôm nào, chúng tôi dùng một câu chuyện gợi khéo của chúng tôi cần thu thập thêm ý kiến và kinh nghiệm của anh em khác. Giờ ban ngày được ra sân, chúng tôi vờ gõ xuống bờ hè tán chuyện là: rắn gớm nhỉ? – Có lẽ chỉ đục xuống một tỵ thì tới đất chứ chó gì? – v.v… Sau khi thu hút được sự chú ý của anh em về vấn đề đó thì có một đồng chí phát biểu có vẻ thành thạo, phân tích rõ là: muốn làm một khu nhà kiên cố như Hỏa Lò, người ta đã xây móng rất công phu, ít ra là sâu hàng thước đổ toàn đá hộc, hoặc đá nhỏ trộn xi-măng, ở dưới nữa còn có đóng cọc sắt và cọc tre dài và ngay về nền nhà này thì lớp xi-măng tráng ở mặt nó mỏng nhưng cái nền thì suốt bề dày của nó cũng rất cứng và kết với nhau thành một khối chắc. Muốn phá được phải có một sức chấn động lớn để làm cho toàn khối nó rã ra, rồi đào từng phần nhỏ mới được. Nếu không có thuốc nổ, phải có buá tạ quai thật mạnh nhiều lần…

Cho đến bây giờ tôi cũng chưa có dịp hỏi các nhà chuyên môn lại xem có đúng không, nhưng lúc ấy thì chúng tôi thấy có lý. Và chắc chắn là những  tính toán của chúng tôi đã sai lệch quá xa đối với tình hình thực tế. Chúng tôi họp lại để quyết định “thôi”. Anh Đ. cười khà khà và vỗ vai bọn thanh niên chúng tôi: “Khó thật đấy, thua keo này bày keo khác, cần gì! ?”.

Và chúng tôi tiến hành công việc của một lớp học thật sự. Sự vui mừng của chúng tôi kéo dài trong 4 – 5 hôm từ nay chuyển sang thành một ý chí phấn đấu mới thầm lặng nhưng vững chắc hơn…
Tháng 9-1962

Sau khi bố tôi mất, mẹ tôi ở vậy nuôi con, lặn lội và bao dung như bản chất bà vẫn có.

Vào khoảng 1940, tôi được tham gia một cuộc mít tinh bí mật tại địa phương. Cái cớ để tổ chức cuộc họp là kỷ niệm danh nhân Lý Thường Kiệt hay Phạm Ngũ Lão, lâu ngày tôi không còn nhớ rõ, nhưng chỉ là một trong hai nhân vật lịch sử nổi tiếng đó. Lần đó, tôi thấy vai trò của bà chị tôi cực oai. Bà là người sắp đặt công việc, điều động nhân lực lại còn là đại diện cho Đảng Cộng sản đứng lên diễn thuyết trước thiên hạ. Trong khi chuẩn bị, bà giao nhiệm vụ cho tôi là huy động thanh niên đi bảo vệ cuộc mít tinh, vì rất có khả năng bị khủng bố. Đám trai trẻ chúng tôi được thế thì khoái trá bàn nhau mỗi thằng sắm một cái gậy tre gộc để nếu xảy ra bất trắc thì dùng làm vũ khí chống trả. Quần áo thì cứ đồ nâu sẫm dễ kiếm và cũng tiện cho việc đi đêm. Cả nhóm chúng tôi hào hứng sôi nổi, bí mật thì thào, trao đổi, kín kín, hở hở ở nhà tôi. Mẹ tôi cứ lặng thinh như không hay biết gì cả.
Gần đến ngày tổ chức, bỗng cụ hỏi thật tự nhiên:
- Này, chúng mày cho mẹ đi với chứ?
Điều chắc chắn là cụ chưa biết các con mình làm gì. Song lòng cụ có niềm tin vững chắc là bọn con mà tham gia thì việc đó là cần và cụ muốn cùng có mặt bên các con. Bà khẩn khoản :
- Cho mẹ đi với.
Chị tôi khéo léo khước từ.
- Mẹ ạ, nhà chỉ ba mẹ con. Em nó và con đã nhận phần việc, không thể không có mặt. Mẹ cũng đi nữa thì đêm hôm nhà bỏ không ai trông sao? Bọn con đinh ninh có mẹ ở nhà mới dám nhận việc đấy chứ.
Nghe con gái trình bày như một sự phân công thỏa đáng, bà cụ lẳng lặng thu dọn nhà cửa. Nhìn vẻ nhẫn nhịn của bà thật đến rầu lòng. Chúng tôi ra đi với ánh mắt mẹ thỏa thuận và khuyến khích. Trước nay vẫn vậy, cụ như hiểu công việc của các con là quan trọng và tự nguyện giữ kín cho con cái. Cảnh chúng tôi đi đêm đi hôm, thất thường, cụ chẳng cật vấn, phàn nàn lấy một lần. Ánh mắt bao dung của bà làm hai mẹ con thành đồng hội đồng thuyền.
Cuộc mít tinh đêm ấy tập hợp ngót ngàn người tham dự. Thật là hùng vĩ ! Quang cảnh chưa hề có. Bọn tuần phiên ở địa phương cũng đã đánh hơi được nên chúng ập tới xua đuổi và tìm cách bắt giữ những người chủ mưu. Cũng nhờ có bố trí các trạm gác ở mỗi ngả đường nên có báo động là bà con cứ theo lối đã được phân định mà thoát, chỉ một hai người lớ ngớ bị bắt giữ nhưng không bị lộ vì họ chỉ là phần tử thấy lạ thì đi theo. Tôi chạy thoát sang thôn bên, đến nhà một người bạn thân, tính xin trú qua đêm. Song phút chộn rộn qua, lòng tôi cứ nóng như lửa đốt vì lo cho mẹ. Bên thôn tôi tiếng chó sủa dữ quá về phía khu vực nhà tôi. Bạn tôi bàn tính hay dở và khuyên tôi ở lại đến sáng hãy tính. Tôi không thể dằn lòng được nên quyết xin bạn ra về. Sự băn khoăn về mẹ làm tôi lao đi quên hết ngại ngùng. Đến cổng nhà, tay vừa đụng vào cánh cửa, tôi chưa kịp lên tiếng gọi thì lập tức cánh cửa mở và trước mắt là mẹ. Bà kéo ngay tôi vào nhà và giục :  
- Thay quần áo đi ! Lấy đồ trắng mặc vào rồi lên giường nằm đó.
Tôi xúc động líu ríu làm theo, lòng thắm đậm niềm vui sướng được mẹ chăm chút như vậy. Hẳn là khi xảy ra chuyện, nghe chộn rộn bà đã lo lắng lắm, đã đứng sau cánh cửa chờ con từ lúc ấy đến giờ, đã tỉnh thức, bảo vệ con cái. Khi tôi vừa cởi bộ quần áo nâu, bà liền lấy đem giấu xuống ao bên nhà để phi tang ngay. Đêm ấy, chị tôi không về. Chốc chốc mẹ tôi lại hỏi :
- Thế chị con đâu ?
- Con không biết, hai chị em mỗi người chạy một ngả.
Càng về khuya mẹ tôi càng lộ vẻ bồn chồn lo lắng. Tôi phải trấn an:
- Mẹ ơi, chị con thành thạo mọi việc. Chính chị đã bày vẽ cho bọn con tránh tuần phiên. Vì vậy con tin là chị ấy thoát yên lành, mẹ đi nghỉ đi, sáng sẽ hay. Mẹ như thế làm chị con lo lắm đây !
Sáng tinh mơ đã có một người gõ cửa hỏi mua gio. Trước nay chưa bao giờ có ai hỏi sớm như thế.
- Nhà có gio đấy, mời chị vào.
Chị là người mua gio thật hay là kẻ dò la ? Tôi đang băn khoăn suy tính để đối phó, thì người đi mua hàng sà tới nhét vào bàn tay tôi mảnh giấy. Đó là tin chị tôi nhắn về: “Chị đang ở điểm X, mẹ và em hãy yên tâm, chiều chị về”.
Mãi hai ngày sau, tri huyện mới đi ô tô về làng lùng sục đe nẹt. Ngày ấy, cứ ô tô về làng là có chuyện nghiêm trọng. Hai chị em tôi cũng lo thắt ruột, bàn tính mọi việc nếu xảy ra điều chẳng lành ! Song cả hai chúng tôi còn có ý định bám một thời gian nữa mới thoát ly.
Ở làng có một người bạn gái nhỏ hơn chị tôi mấy tuổi cùng hoạt động. Chị này đến nhà tôi, vẻ hớt hải, hối thúc :
- Thôi chết, tại sao giờ này chị Thư còn ở nhà ? Tụi nó đến bắt bây giờ ! Đi ngay đi chớ. (Thư là bí danh của chị tôi thời ấy).
Miệng nói, chân bước, chị đã xông ngay vào buồng rút hết quần áo của hai chị em tôi nhét vào chiếc thúng mang theo.
Hai chị em tôi chỉ còn kịp xin phép mẹ :
- Chúng con đi ít lâu, mẹ nhé !
Mẹ tôi bình thản đáp :
- Ừ các con đi đi, yên tâm mà làm việc. Nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng để thua chị kém em. Ở nhà mẹ tự lo liệu được. Không phải bận tâm gì về mẹ cả.
Miệng an ủi chúng tôi, bà cụ tranh thủ xếp gọn lại quần áo chúng tôi vào vội trong thúng. Tôi nhìn mẹ, lòng xót xa như xát muối :
- Thôi mẹ ơi, cứ xem như ngày nào con lên Hà Nội đi học. Đi rồi lại về với mẹ thôi mà.
Song, chuyến báo động đó không do địch lùng sục. Đúng như chị tôi đã cãi lại rằng tình hình đang yên tĩnh, chưa có dấu hiệu gì tỏ ra bị lộ, cứ lưu lại ít ngày nữa xem sao! Mà có tình hình gì nữa thì cũng không thể phó mặc quần chúng mà đi như thế. Chị kia cứ khăng khăng phải tránh đi mà tính toán đối phó nắm phần chắc hơn là để bị động với chúng. Về sau mới vỡ nhẽ là vì tình yêu mà chị ta đã bày ra chuyện như thế. Tôi cũng mới hay là được chị ấy yêu nồng nhiệt đến thế.
Lúc này và cả một thời gian dài sau này, chính chị tôi giao công việc cho tôi. Chị đã là Đảng viên và trực tiếp dìu dắt tôi. Tôi thấy chị thỉnh thoảng lại đi vắng lâu, có khi đến hàng tuần lễ nhưng không rõ chị làm gì. Sau mới hay lúc đó, chị ấy đã là Tỉnh ủy viên. Những chuyến đi vắng nhà qua đêm là chị lên xứ ủy nhận chỉ thị. Trở về chị lại giao nhiệm vụ mới cho tôi và tôi dốc sức hoàn thành trách nhiệm, quên cả nguy hiểm.
Đơn vị hành chính thời đó trên xã có tổng - trên tổng là phủ. Tôi được giao nhiệm vụ tổ chức thanh niên ở xã, rồi thống nhất tổ chức thanh niên các xã lại thành đơn vị tổng và tôi được anh chị em bầu làm bí thư tổng. Đó là thời kỳ của tổ chức Thanh niên Dân chủ sau chuyển thành Thanh niên Phản đế. Tôi lại đứng ra liên hệ với các tổng khác, lập ra tổ chức thanh niên của phủ. Lúc hoạt động ở xã, tôi được chị gái giao nhiệm vụ lên nói chuyện ở nhiều buổi mít tinh, quanh các chủ đề truyền thống đấu tranh dành và bảo vệ độc lập dân tộc, tình hình thế giới và cảnh nước nhà lúc đó. Các cuộc nói chuyện của tôi gây được ấn tượng mạnh đồng thời tôi lại mở rộng được việc kết nạp hội viên mới. Rồi một hôm bỗng chị tôi hỏi :
- Thế chú có muốn tham gia một tổ chức cao hơn không ?
Tôi liền thắc mắc hỏi lại :
- Thế em chẳng tham gia tổ chức là gì ?
Chị bảo :
- Tổ chức cao hơn kia.
- Cao hơn là tổ chức gì ?
Tôi cứ cật vấn chị như vậy. Sở dĩ tôi hỏi là vì bấy lâu vẫn tưởng mình là cộng sản rồi, còn gọi tên này tên khác chẳng qua là cách gọi do yêu cầu giữ bí mật. Chị tôi liền bảo : đó là Đảng Cộng sản, em có muốn tham gia tổ chức Đảng không ?
- Thế thì em mong quá.
Thâm tâm tôi có chút bị hẫng vì bấy lâu vẫn tưởng mình là cộng sản. Song nỗi mừng thì vô hạn. Nghe thế, chị chẳng nói chẳng rằng trao tôi cuốn điều lệ Đảng. Mấy hôm sau, chị tôi bảo :
- Đi họp với chị !
Tôi băn khoăn hỏi :
- Họp gì thế chị.
- Đi rồi khắc biết.
Đến nơi, mới vỡ lẽ ra là họp chi bộ. Có khoảng năm sáu người, trong số đó có: chị Trương Thị Mỹ. Buổi họp đã tuyên bố kết nạp tôi là Đảng viên dự bị (lúc này vào khoảng đầu năm 1941). Thế là thoát ly vừa được hai tháng, tôi đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ tiên phong. Hai đồng chí phụ trách vùng tôi thời ấy là các anh Đào Năng An và Nguyễn Thượng Mẫn. Cả hai tỏ ra quan tâm đến lớp trẻ, đặc biệt là thanh niên có học hành ít nhiều. Tôi thuộc thành phần học sinh đáng lẽ phải dự bị trong sáu tháng, nhưng hai anh đã xét công nhận chính thức, đặc cách cho tôi trước thời hạn.
Trở thành Đảng viên chính thức, tôi được phân công phụ trách một vùng với các chi bộ các xã ở trong phủ. Thời đó phủ Kiến Xương có một phủ ủy tức là Ủy ban chấp hành Đảng trong phủ. Tôi được bầu vào phủ ủy và được chỉ định làm phó bí thư. Sau đó anh bí thư bị bắt, tôi trở thành bí thư phủ ủy. Đến cuộc họp toàn tỉnh mà sau này lịch sử Đảng bộ Thái Bình gọi là Đại hội, chủ toạ cuộc họp có đưa ra một danh sách đề cử vào ban chấp hành mà chân tỉnh ủy viên dự khuyết là Tạ Ngọc Phách (tức là tôi : Trần Độ). Danh sách đề cử đó được hội nghị tán thành. Tôi sau đó được phân công phụ trách thanh niên của tỉnh Thái Bình và là người bí thư tỉnh đoàn đầu tiên ở địa phương.
Với danh nghĩa là tỉnh ủy viên dự khuyết, phụ trách thanh vận, tôi tự tin hơn và cũng dám hoạt động mạnh hơn. Tôi phát triển nhiều cơ sở thanh niên, đặc biệt là dám xông vào vận động số thanh niên trung học ở thị xã. Tôi ra được tờ báo của Thanh niên. Tiếp theo là tổ chức Đại hội Đoàn thanh niên toàn tỉnh. Chưa kể việc tôi đi vận động nhiều cuộc đấu tranh khác. Chỉ trong vòng hai tháng mà tôi làm được như vậy kể cũng nhiều. Để phát triển thanh niên thị xã, nhất là số trung học, tôi thích dùng cách kỳ bí ảnh hưởng của tiểu thuyết trinh thám. Tìm đối tượng thân quen mà tôi tin tưởng bồi dưỡng kỹ càng rồi sắp xếp cho họ bắt mối rộng ra. Cùng nhiệt huyết như nhau, nên công việc nhân mối cứ tăng theo cấp số nhân. Trong số này có con trai nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan tức Nguyễn Tài Khoái. Tiếp xúc với Khoái, tôi giao trách nhiệm nhân mối thêm. Khoái vui vẻ nhận lời. Chính từ đấy mà tôi với bà Lê Minh gián tiếp biết nhau, nói cho đúng là qua Khoái tôi biết bà ấy, chứ bà không biết tôi. Được hơn một tháng, mấy vị làm hăng quá gần như công khai nên công việc bại lộ và bị bắt giữ. Trong số bị bắt này có cậu con trai ông Nguyễn Công Hoan - lúc này ông đang dạy học ở Thái Bình. Một số cậu khác cũng thuộc các gia đình công chức trong tỉnh. Điều đó đã làm tay công sứ Pháp ở Thái Bình phải suy tính và hắn đã ra lệnh thả hết.
Có thể nói hoạt động cách mạng của tôi bắt đầu năm 1938 là năm phong trào dân chủ lên cao, báo chí ra nhiều, cùng với việc ra đời Mặt trận Bình dân. Từ thoái trào cách mạng sau Xô Viết Nghệ An 1930, đến lúc này lại nổi lên cao trào đòi dân chủ khá mạnh và khá rộng …
Năm 1939, tôi làm báo “Người mới” cùng ông Nguyễn Thượng Khanh tức Trần Mai Ninh ở Hà Nội. Trong cuộc ruồng bố của thực dân Pháp năm đó, tôi bị chúng bắt giữ. Nhưng không có chứng cứ gì để buộc tội, chúng phải thả tôi ra. Tôi lại đi học tiếp. Cuối 1939 đầu 1940, những người tôi thân quen bị bắt nhiều. Cảm thấy mình bơ vơ trơ trọi giữa nơi đô hội này, tôi sinh chán học, bỏ học về quê hoạt động và được kết nạp Đảng năm 1941. Cho đến cuối 1941 đầu 1942, tôi lại bị bắt bị khảo tra ác liệt và chúng đưa ra tòa án Thái Bình xử tôi 15 năm tù. Trước tòa tôi đã mạnh dạn vạch trần tội ác kẻ đi đô hộ và Chính phủ Nam triều và tôi chống án. Chúng phải gởi hồ sơ của tôi về tòa Thượng thẩm Hà Nội để xử lại. Đó là vào mùa thu 1942.

Khởi đầu quãng đời hoạt động của tôi đã diễn ra như vậy. Giữa lúc phong trào bình dân đang lên cao cuốn hút lớp trẻ vốn sẵn sự quan tâm đến thời thế và tương lai đất nước.
Chúng tôi, lớp trẻ được học hành ít nhiều, đến với cách mạng như một lẽ sống, tự nhiên, thoải mái, phần nào còn hứng thú vì tính ly kỳ, cái mạo hiểm của công việc cách mạng. Người ta bảo thanh niên đồng nghĩa với cách mạng, kể cũng có cơ sở.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét