Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Lên đường

Blogger: Có nhiều bài viết của ông Trần Độ đăng trên các báo từ 1946 đến 1954 được các nhà báo ở Hà Nội gửi đến và một số bài chúng tôi sưu tầm được trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng Năm 2014). Từ hôm nay sẽ được lần lượt giới thiệu.

Lên đường



Hai cánh cửa sắt nhà tù Hỏa Lò đen sì nặng nề hé mở. Tiếng ồn ào ở bên trong đưa ra, tiếng la thét kêu gọi bên ngoài vang dậy hòa với nhau hỗn độn. A! Khúc nhạc lên đường của đoàn chiến sĩ. Đoàn chiến sĩ lặng lẽ bước ra ở giữa cái cuống quýt lăng xăng của bọn cai ngục, bọn lính áp tải. Một lớp đầu trọc, một dãy bộ mặt trắng nhợt hay xanh xao, ghi đượm đầy khí sắc. Quần áo họ ngắn cũn cỡn điểm số, lệch lạc, ai cũng đeo tay gói nặng chĩu sau lưng và lách cách cái bát gáo, đôi đũa tre bên cạnh. Hai người xích làm một, họ đi lếch thếch nhũng nhẵng.
Đám người đứng bên kia đường nhốn nháo, chạy đi chạy lại. Những tiếng gọi liên tiếp, âu yếm, đau đớn và thê thảm nữa: “Anh ơi, con ơi, nhà tôi ơi, em ơi, bố ơi!”. Những nụ cười vàng úa, hồn hậu nở ra, những cánh tay, những mùi xoa vẫy vẫy. Tất cả chứa đầy một tuyệt vọng, một căm hờn; có cả những giọt nước mắt đang long lanh trên những gò má răn reo.
Bọn chúa ngục và tên Tây áp tải hục hặc quát tháo.
Bỗng dưng như có một luồng điện chuyển qua đoàn người, một loạt nắm tay giơ lên, một tiếng hét đồng thanh:
- “Đoàn chính trị phạm gửi lời chào quốc dân”.
Tiếng ấy vang vang, rung lên một niềm kiêu hãnh tiếp theo ngay một điệu ca hùng tráng:
“Hỡi quốc dân, mau vùng lên!
“Hỡi quốc dân, mau vùng lên!
Cờ giương đỏ chói sao vàng tiền phong …
Tiếng hát vang đều, uy nghi mà sôi nổi, những vẻ mặt ốm gày lộ một vẻ cương quyết, căm hờn dưới những cặp mắt cú vọ xanh biếc hung tợn.
Đoàn người bị cắt làm ba khúc và bị ấn vào ba chiếc ô tô hàng chở khách để sẵn bên đường.
Vẫn tiếng gọi, tiếng hét và tiếng hét, những câu dặn dò, những lời từ biệt và những tiếng cười thách thức, mỉa mai, khuyến khích, …
Xe nổ máy, tiếng hát vang thêm, tiếng kêu gọi dặn dò tha thiết thêm, đau đớn thêm. Xe chuyển bánh, những mùi xoa phấp phới, những tấm lòng quặn đau, những vợ trẻ, mẹ già chấm lệ, đôi người ngồi xụp xuống, những cha già thờ thẫn, những em nhỏ ngơ ngác và chiến sĩ giận dữ căm hờn. Từ ba cái xe, tiếng hô bật dậy:
“Đánh đuổi giặc Pháp!”
“Việt Nam cách mạng thành công muôn năm!”
“Việt Minh muôn năm!”
Tiếng máy xe rú lên! Xe chạy vụt đi, chuyển theo dư âm rầm rĩ.
Tôi ngồi ở xe thứ ba, tôi không có người nhà, tôi chỉ say mê hô khẩu hiệu và hát. Mỗi khi có dịp là tôi gào lên, có khi hăng quá, tôi giật tay mạnh làm đau cả tay bạn xích của tôi. Tôi náo nức quá, hầu như điên. Tôi hăm hở ngồi về một bên xe. Tôi vẹo người vịn cái tay không xích vào thành xe, ngoái nhìn ra ngoài. Tôi càng náo nức, mỗi khi được chứng kiến một cử chỉ tỏ cảm tình của dân chúng. Mọi người chăm chú nhìn theo chúng tôi. Họ trầm trồ, nhiều người không hề quen, biết vẫy tay nhìn theo chúng tôi cười hiền hậu. Có những người kín đáo giơ nắm tay lên ngang tai thật nhanh. Có những người dịu dàng khẽ cúi đầu. Và có những người ngơ ngác trố mắt nhìn kính phục. Chúng tôi thấy rõ rệt chúng tôi không cô độc, bên cạnh chúng tôi, đằng sau chúng tôi, bao nhiêu là đồng chí không quen biết đang tiếp tục công việc của chúng tôi. Tôi thấy sự tin tưởng càng vững vàng sáng sủa.
Tôi càng gào, càng thét, lòng tôi càng phấn khởi, có những đồng chí cũng không kém tôi, cầm căng cái khăn mặt đỏ ra ngoài cho nó phất phơ. Nhìn chiếc khăn mặt bay, giẫy lên cuộn cuộn, à mà không phải là khăn mặt nữa, chiếc cờ của chúng tôi đây, chiếc cờ đang lướt gió tung bay …, máu tôi lại như sôi lên, không biết mặt tôi có đỏ không, tôi thấy nó cứ rần rật lên.
Xe vượt một đám tang, tôi sắp sửa giơ tay hét, bạn tôi bịt lấy miệng tôi, ra hiệu. Tôi im bặt, cùng các bạn yên lặng cúi đầu giơ tay chào vong linh người quá cố.
Xe vùn vụt chạy tung bụi khuấy lộn thành phố Hà Nội. A, đây cái chợ đây, đông quá, này hét này:
“Đoàn chính trị phạm kính chào quốc dân”
Mọi người hướng nhìn chúng tôi. Chúng tôi tiếp:
“Đánh đuổi giặc Pháp!”
“Việt Nam cách mạng thành công muôn năm!”
“Việt Minh muôn năm!”
Vui quá, thú quá, dân chúng lại trầm trồ, lại nhìn theo.
Bỗng dưng tôi thấy u uất trong tâm, vì xe đương chạy trên con đường vắng vẻ giữa nhà quê. Cảnh đời đày ải hiện ra trong tâm trí tôi, ngực tôi nằng nặng. Tôi thương tiếc mà chẳng biết thương tiếc cái gì? Tôi hờn ghét mà cũng chẳng ra hờn ghét ai. Một tình yêu rộng rãi, một nỗi buồn chia ly man mác, một hy vọng nơi phương trời xa cùng một lúc sà vào lòng tôi. Tôi ngoái trở lại phác tưởng đến đoàn bà con thân mến đang vẫy chúng tôi, gọi chúng tôi.
Các bạn tôi hát, tôi không hát. Tôi nhìn những người quần áo nâu sồng, mặt mũi đen tối, chân tay cằn cỗi đang ngơ ngác bên đường. Tôi nhìn những cánh đồng xa tắp, những lũy tre xanh biếc im lặng. Ôi cái im lặng truyền kiếp và kéo dài. Tôi thở dài. Ba chiếc xe vẫn vùn vụt, những tiếng hát rạo rực vung ra giữa một vùng không gian bát ngát. Xe chạy, chạy mãi, con đường trước mặt tôi tun hút mất vào những chòm núi xanh lam mờ dưới làn sương đục. Đây đó những nấm mồ hay những chòm cây dại. 
Xe lên dốc và xuống dốc xóc long lên. Tiếng hát vẫn không ngớt. Người trong xe đã bắt đầu cựa quậy. Mặt trời chói lọi và những con ruồi bướng bỉnh bay loạn trong xe làm ai nấy đều khó chịu.


(Báo Cứu quốc Chủ nhật, số 1/1946)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét