Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Anh “Bộ đội Cụ Hồ” và cuộc sống hôm nay! hay là Anh bộ đội Cụ Hồ, danh hiệu đạo đức của lương tri


Anh “Bộ đội Cụ Hồ” là một danh hiệu vẻ vang đặc biệt. Danh hiệu này không có huy chương, không có bằng chứng nhận, không có lễ phong tặng, không có tiền thưởng. Nhưng là một danh hiệu vẻ vang đặc biệt, đó là một danh hiệu đạo đức sâu sắc và bền vững. Mỗi người có thể tự phong cho mình, đứng trước lương tâm của mình và ai muốn tự phong cho mình cũng cần có được sự công nhận của nhân dân, nhân dân hoá thân vào lương tâm của mình, mỗi người tự đối diện với lương tâm mình như đối diện với nhân dân. Không có gì làm dấu hiệu để cho mọi người nhận diện ra ai là anh “Bộ đội Cụ Hồ” và ai là không? Ai cũng có thể tự thấy mình mang danh hiệu đó và ai cũng có thể không xứng đáng với danh hiệu đó, không có được danh hiệu đó.


Anh bộ đội Cụ Hồ, đó là một chiến sĩ (bao gồm cả người chỉ huy) đứng trong đội ngũ do Bác Hồ xây dựng nên, do Bác hướng dẫn và đề ra những yêu cầu đạo đức, Bác dạy dỗ mọi điều. Đó không phải chỉ là danh hiệu dành riêng cho chiến sĩ cán bộ trong lực lượng vũ trang, mà nói chung là dành cho tất cả cán bộ, đảng viên, những người cách mạng. Thế rồi với tất cả những phẩm chất, đức tính đạt được, người chiến sĩ đó, người cách mạng đó được phong tặng cho danh hiệu “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Những phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ biểu hiện trước hết ở lòng yêu nước cao cả sâu sắc, lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng và lòng trung thành này được biểu hiện cụ thể bằng lòng trung thành với Bác Hồ, mỗi người sống và chiến đấu theo lệnh của Bác, theo ý nguyện và phương hướng của Bác. “Bác bảo đi là đi, Bác bảo thắng là thắng”. Từ lòng trung thành đó, mỗi người có đầy đủ nghị lực và sức mạnh để chiến đấu anh dũng tuyệt vời, có sức chịu đựng gian khổ đến mức thần kỳ. Mọi người đều noi gương Bác, lấy việc làm vui lòng Bác làm một hạnh phúc tuyệt vời của cuộc sống. Mỗi người đều dâng hiến toàn bộ trái tim và sinh mệnh của mình cho Bác và cũng tức là cho Tổ quốc. Bác Hồ gần như đồng nghĩa với Tổ quốc, với nhân dân. Với lòng trung thành ấy, mọi người đi vào cuộc chiến đấu cách mạng với tinh thần hào hứng cao độ, với một sự hồn nhiên trong sáng lạ thường, mà mỗi ý thức ích kỷ, mỗi sự dối trá, thiếu trung thực với đồng đội, với tổ chức, với nhân dân đều trở thành một điều nhục nhã.
Anh “Bộ đội Cụ Hồ” là một danh hiệu đạo đức, một khái niệm đạo đức cách mạng. Nó bao quát nhiều phẩm chất tốt đẹp mà cơ sở là lòng yêu nước và lòng trung thành với cách mạng. Mỗi hành vi kém đạo đức đều có thể bị chất vấn: “Có xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ không? hoặc “Bộ đội Cụ Hồ” mà thế à?
Danh hiệu và những yêu cầu phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ” nảy sinh ra trong điều kiện lịch sử nhất định với nhiệm vụ cách mạng và tình thế của đất nước nhất định. Nhưng nó trở thành một giá trị đạo đức có ý nghĩa vĩnh cửu, ngày nay nó vẫn tồn tại như một giá trị trừu tượng và phẩm chất một con người, nó vẫn là ánh sáng chói loà soi rọi một cách cực kỳ nghiêm khắc vào mỗi lương tâm con người.
* * *
Có thể, có người cho là danh hiệu “Anh Bộ đội Cụ Hồ” chỉ tồn tại trước kia, trong một giai đoạn lịch sử, nó chỉ là hình ảnh con người cụ thể của một giai đoạn cách mạng, ngày nay không còn nữa. Nghĩ như vậy không đúng. Có thể có người khác lại cho rằng: “chỉ ngày xưa” mới có anh Bộ đội Cụ Hồ, ngày nay làm gì có người như thế nữa!? Nghĩ như vậy cũng sai.
Ngày xưa, khi đại thể mỗi người dân đều nhận thấy ở những người cách mạng, những người đảng viên, những người theo Đảng – một chiến sĩ, cán bộ quân đội, là một anh Bộ đội Cụ Hồ, thì cũng vẫn có những người, hoàn toàn không xứng đáng danh hiệu đó. Trong con mắt của nhân dân và nếu người nào đó biết tự thấy mình trong lương tri của mình thì điều đó đã rõ ràng. Đó là chưa kể những kẻ phản bội biến chất và phạm những kỷ luật ghê tởm. Cho đến ngày nay, có những người trước đây đã có thời là một “Bộ đội Cụ Hồ” nhưng bây giờ có thể có chức, quyền và lương cao. Thế mà lương tri và nhân dân không thể nào coi họ vẫn là “Bộ đội Cụ Hồ” được. Cũng có thể có người vẫn yên chí mình đã và đang là “Anh Bộ đội Cụ Hồ”, lớn tiếng tuyên bố với mọi người, vỗ ngực về tự khoe với mọi người tất cả quá trình oanh liệt của mình, những phẩm chất “đạo đức cao cả của mình”, kể cả những huân chương nhiều vô số và lấp lánh rực rỡ, hoặc những chức vị cao sang nhưng thực chất lại không thể có chút phẩm chất thực sự nào để xứng đáng với danh hiệu “Anh Bộ đội Cụ Hồ”. Điều đó chỉ có lương tri anh ta và nhân dân biết mà thôi. “Anh Bộ đội Cụ Hồ” là một danh hiệu của lương tâm và lương tri của nhân dân. Nhân dân không thể và không tiện chỉ rõ ra ai là “Anh Bộ đội Cụ Hồ” và ai là không. Nhưng trong cuộc sống có sự việc ấy thật đấy.
* * *
Ngày nay, danh hiệu “Anh Bộ đội Cụ Hồ” có nhiều yêu cầu khắt khe hơn, khó khăn hơn nhiều. Đó là ta đối chiếu với đạo đức vĩ đại của Bác Hồ. Ta rất đau đớn xót thương khi nghĩ đến sự việc là Bác Hồ không còn nữa. Ta có thể có một niềm tin vững chắc rằng nếu Bác Hồ có mặt trong những ngày này của tình hình đất nước, Bác Hồ sẽ vẫn là tấm gương chói lọi và sống động của những phẩm chất cách mạng cần thiết trong sự nghiệp cách mạng ngày nay.
Trước đây phẩm chất “Anh Bộ đội Cụ Hồ” là sự giải quyết tuyệt vời mỗi quan hệ giữa nhiệm vụ chung đối với Tổ quốc và lợi ích cá nhân mà Bác Hồ là tấm gương cao đẹp tuyệt đối. Bác đã hy sinh toàn bộ cuộc sống riêng tư cho sự nghiệp cách mạng. Sự hy sinh của Bác là siêu phàm, mà Bác cũng cho là cần thiết, không đòi hỏi mọi người đều phải sống giống y như Bác. Bản thân Bác cũng có ham muốn tột độ là mỗi người trong nhân dân được ấm no, học hành, tức là có hạnh phúc. Bác cũng luôn chăm lo, quan tâm chú ý đến đời sống gia đình riêng tư của mỗi người cách mạng, mỗi anh bộ đội mà Bác gặp.
Ngày nay, mỗi người lại phải đứng trước mối quan hệ đó với một tình trạng phức tạp gay gắt hơn nhiều. Vì bây giờ nhiệm vụ cách mạng chung là phải xây dựng một xã hội có đời sống mỗi người ấm no đầy đủ hơn, một xã hội giàu có, trong đó mỗi người có cuộc sống giàu có và đầy niềm vui, hạnh phúc. Những điều đó không thể có lực lượng nào, sức mạnh nào làm ra tất cả và ban phát công bằng cho mỗi người mà trái lại mỗi người, mỗi gia đình phải tự mình tạo dựng cuộc sống cho mình và bảo đảm điều đó bằng cách là làm giàu cho xã hội. Ngày xưa ta có thể dễ dàng phê phán người này, người khác “nặng tư tưởng gia đình” và người bị phê phán sẵn sàng sửa chữa “tư tưởng” đó một cách dễ dàng và nhẹ nhàng. Lúc đó, người vợ nào không đòi hỏi mà lại khuyến khích chồng con đi làm cách mạng thì được cảm phục, được khen ngợi, biểu dương. Nhưng ngày nay người đàn ông nào không lo được tốt cho vợ con thì rất có thể đó là người vô trách nhiệm, người vợ nào không tạo dựng được một gia đình đầm ấm, no đủ thì có thể bị coi là kém cỏi, dại dột. Nhưng ranh giới giữa “lo cho hạnh phúc của mình và gia đình mình một cách chân chính” với sự “vun vén cho mình và gia đình mình một cách ích kỷ, xâm phạm đến lợi ích và tài sản xã hội” là một ranh giới thật mong manh và mơ hồ. Ranh giới này có thể có luật pháp và dư luận xã hội vạch ra được, nhưng về chiều sâu của vấn đề thì lại vẫn là ở lương tri của mỗi người. Thậm chí có lúc bản thân một người lương thiện làm một việc gì đó, tự vấn lương tâm mà vẫn không phân xử được sự đúng sai chỗ nào, nghĩa là cũng không tự phân định được ranh giới của sai và đúng. Ngày xưa một chiến sĩ, một cán bộ cách mạng chịu đựng gian khổ và sẵn sàng hy sinh trong điều kiện cả nước đánh giặc, toàn dân chịu đựng gian khổ và hy sinh và sự chịu đựng gian khổ hy sinh trở thành lẽ sống bình thường, lối sống phổ biến và nếp sống hàng ngày.

Ảnh: Nhận Huân chương Hồ Chí Minh, 1992, lúc đúng 70 tuổi
Ngày nay một chiến sĩ chịu đựng những điều kiện sống cực kỳ gian khổ và ngày đêm giáp mặt với kẻ thù, ngày đêm kề cận với sự sống chết, trong lúc đại bộ phận đất nước lại sống trong cảnh thanh bình trong lao động sản xuất. Ngày xưa, người chiến sĩ có một hậu phương vững chắc về tinh thần và tình cảm. Ngày nay trong đời sống bình thường ở hậu phương lúc có sự thu nhập nhiều, thu nhập ít, lại có sự bất công, sự chèn ép. Những sự bất công, chèn ép ấy lại nhiều khi rơi trúng ngay vào gia đình những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở tiền tuyến. “Anh Bộ đội Cụ Hồ” ngày nay vừa phải có ý chí gang thép trong cuộc sống chiến đấu, lại vừa phải có sự kiên định tinh thần như bàn thạch, mới đủ bản lĩnh xử lý các sự việc trong đời sống bình thường của mình và của gia đình.
Ngày nay, nhiều người than phiền hiện tượng tiêu cực và vô kỷ luật của Quân đội có nhiều hơn, có cả trong sĩ quan các cấp nhưng điều đó không có nghĩa là bản chất truyền thống của quân đội mất đi. Trong mỗi con người chiến sĩ quân đội và chiến sĩ cách mạng đều vẫn còn phần phẩm chất vững chắc tốt đẹp và vẫn có phần khác là những điểm yếu của con người bình thường: sự nông cạn và sức chịu đựng chưa đạt tới mức kiên định cần thiết sự xúc động nông nổi trước những hiện tượng bất công nhiều mặt của xã hội. Để duy trì và nâng cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” phải đồng thời giải quyết cả trên 3 mặt: rèn luyện ý chí cho mỗi người, bảo đảm những điều kiện tối thiểu của cuộc sống và xây dựng được những quan hệ công bằng lành mạnh giữa người và người trong toàn bộ xã hội đặc biệt trong các cơ quan của nhà nước và tổ chức Đảng. Khó có thể nói mặt nào là chủ yếu. Tuy nhiên ý chí con người có khả năng vượt lên trên điều kiện sống và môi trường xã hội. Nhưng ngược lại, môi trường xã hội và điều kiện sống cũng bảo đảm cho ý chí được ổn định và bền vững. Một điều kiện phức tạp hơn là trước đây tinh thần chịu đựng gian khổ và hy sinh được cổ vũ một cách công khai rầm rộ và đồng loạt, thì ngày nay tinh thần phấn đấu đó có khi lại phải diễn ra trong âm thầm và có khi cả trong lãng quên.
Cần phải nhận thật rõ sự thay đổi này của hoàn cảnh sống, tình thế xã hội và nhiệm vụ cách mạng, để suy nghĩ thêm về đạo đức xã hội nói chung và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” nói riêng không thể chỉ so sánh các loại hiện tượng, các loại số liệu và phần trăm mà đơn giản trong nhận xét, phân tích được. Có thể thấy khá rõ, trên khắp mọi miền đất nước, chỗ nào cũng có những con người trước đây đã là “Anh Bộ đội Cụ Hồ” và đã có khá đủ những phẩm chất ấy, ngày nay đang là những người tự đem cuộc sống còn lại của mình hoà trong cuộc sống của con cháu, của nhân dân, tiếp tục làm sáng tỏ đạo đức Cụ Hồ ở từng nơi, từng lúc. Phải có những lời chào kính trọng và yêu mến đến những “Anh Bộ đội Cụ Hồ” cao đẹp ấy. Đồng thời trên khắp mọi lĩnh vực hoạt động xã hội cũng đang hình thành những “Anh Bộ đội Cụ Hồ” mới và cuộc sống tất yếu phải như thế.
* * *
“Anh Bộ đội Cụ Hồ” không phải là một hình tượng cụ thể, mà là một khái niệm đạo đức của lương tri. Trên mặt đó, mà xem xét, bàn bạc thì còn rất nhiều điều phức tạp và tinh tế. “Anh Bộ đội Cụ Hồ” không thể đòi hỏi có những tiêu chuẩn cụ thể về một con người, mà là một phẩm chất bao quát về một con người, một con người cách mạng, kể cả một con người bình thường, trong môi trường sống bình thường với những mối quan hệ bình thường. Trong cuộc sống bình thường, những chỗ yếu thông thường của con người lại dễ bộc lộ, dễ phát sinh, dễ phát triển. Đó là tính ích kỷ, hám danh, hám lợi, ghen tỵ, sĩ diện, v.v… Đó lại còn là lối tư duy theo công thức cứng nhắc hằn sâu trong nếp nghĩ, làm cho sơ cứng sự suy nghĩ, không dám tính đến những cách tư duy linh hoạt, nhiều hướng, nhiều chiều. Chúng ta thử quan sát, sẽ thấy trong xã hội ta có những kẻ đã mất hết lương tâm, đã biến chất trở thành sâu mọt. Nhưng chúng ta cũng có thể thấy có những người bất lương và vô nhân một cách rất hồn nhiên. Đối với những người “bất lương và vô nhân một cách hồn nhiên”, thật khó mà dùng thuyết lý để trình bày và dùng toán học để phân tích. Chỉ có thể có sức mạnh của nghệ thuật mới vạch trần được, lôi được cái bất lương ra ánh sáng tố cáo nó và cảnh tỉnh mọi người. Những điểm yếu bình thường của con người bình thường cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống. Nhưng ở những người này thì nó chỉ làm cho cuộc sống phức tạp hơn lên một cách đơn giản và nó trở thành những chuyện bình thường của “đời thường”. Trái lại ở những người khác nó lại phát triển thành tội ác.
Ở chỗ tội ác mà bảo nó là bình thường thì là “bất lương một cách hồn nhiên”. Còn ở chỗ bình thường lại quy nó thành tội ác thì “vô nhân một cách hồn nhiên”. Những ai đó đối với bản thân thì cho nó là chuyện bình thường, còn đối với người khác thì sẵn sàng quy thành tội ác, những người đó vừa bất lương, vừa vô nhân. Phẩm chất “Anh Bộ đội Cụ Hồ” ngày nay đòi hỏi phải biết tôn trọng nhân cách người khác cũng như tự mình phải biết coi trọng nhân cách mình. Luật pháp nhiều khi cũng không đủ tỷ mỉ để phát hiện ra mà kết tội được những người bất lương và vô nhân như vậy, chỉ có văn nghệ, công luận mới đủ quyền năng vạch trần, tố cáo.
Đáng mừng thay, trong luồng gió “Đổi mới” có Đại hội Đảng lần thứ VI mang lại. Báo chí, dư luận công chúng và văn nghệ đã bắt đầu phát huy quyền năng của mình. Và dân chủ, công khai là hai thứ vũ khí quan trọng để từng bước làm trong sạch được xã hội. Chúng ta đang đứng trước sự thử thách khắc nghiệt của vận mệnh dân tộc, nhân dân. Chúng ta không thể ảo tưởng vượt qua thử thách này một cách dễ dàng. Nhưng chúng ta có nhiều điểm tựa để có thể tạo sức mạnh vượt qua. Đó là lương tâm con người, lương tri người cộng sản cùng với làn gió “Đổi mới” do Đảng Cộng sản khêu lên, lương tri Cộng sản đòi hỏi mọi người phải đổi mới tư duy, mỗi người cần phải tự khắc phục vượt qua các khuôn sáo sơ cứng của tư duy cũ. Giá trị đạo đức của “Anh Bộ đội Cụ Hồ” là tổng hoà của các điểm tựa đó, cái sức mạnh đó. Và ngày nay, nghĩ về “Anh Bộ đội Cụ Hồ” ta có thể nhen nhóm một lòng tin!
12-1988

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

2 nhận xét: