Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Đạo của một người cộng sản


Nhà văn Võ Thị Hảo
Ngày 13/12/1996, Trung đoàn Thủ đô làm lễ kỷ niệm 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến và thành lập Trung đoàn Thủ đô. Ban tổ chức lần tìm lại những nhà lãnh đạo cao nhất của mặt trận khu Hà Nội lúc đó như Vương Thừa Vũ, Lâm Cẩm Nhu, Đàm Quang Trung để mời về dự ngày lễ trọng, nhưng buồn thay họ đều đã khuất núi.

May thay còn một người. Người đó đang trọng bệnh song vì mối thâm tình đồng đội, cũng gắng chống gậy đến dự. Đó là người Chính uỷ đầu tiên của mặt trận Hà Nội (lúc đó gọi là Chính trị viên Khu).
Người chính uỷ đầu tiên của Khu Hà Nội.
Khi nhận trọng trách mới 23 tuổi. Tuổi đời non trẻ. Mặt trận trứng nước. Mà trách nhiệm thì thật nặng nề. Quân mới thành lập, huấn luyện chưa tốt, trang bị yếu. Chỉ trông vào tinh thần chiến đấu. Nhiệm vụ của chính trị viên là phải làm sao động viên dũng khí chiến đấu của các chiến sĩ. Và lúc đó, những đội tình nguyện quyết tử quân ra đời.
Tình nguyện quyết tử quân là những người sẵn sàng hy sinh thân mình cho cuộc chiến đấu giải phóng thủ đô. Dù cầm chắc cái chết, song hồi đó rất nhiều người xung phong vào đội, phần vì mục đích bảo vệ Thủ đô, phần vì thấy các cán bộ lãnh đạo đơn vị đều đồng cam cộng khổ, lời nói việc làm không khác nhau, trong chiến đấu cũng sẵn sàng quyết tử. Vì khí thế chiến đấu ấy, quân ta đã giành chiến thắng.
Nhớ về những ngày ấy, lão tướng Trần Độ vẫn còn rưng rưng xúc động, ông nói : “Hồi đó có một đơn vị chiến đấu đóng ở trại bảo an binh trước cửa rạp chiếu bóng Tháng Tám góc Hàng Bài - Trần Hưng Đạo. Đội này có hơn hai chục chiến sĩ xung phong vào Tình nguyện quyết tử quân. Chỉ huy nghĩ ra một cách thử tinh thần anh em, làm một mệnh lệnh thông báo cho các đội viên: 2 giờ sáng hôm sau sẽ nhận nhiệm vụ quyết tử. Ai có nhắn nhủ gì người thân thì viết thư để lại. Cả mấy chục đội viên đều viết thư, người gửi bố mẹ, vợ, người gửi người yêu, ông bà, dì chú,… Có thư dài một hai trang, có thư chỉ vỏn vẹn một hai dòng. Tôi đọc thư mà không cầm nổi nước mắt. Tất cả đều là lời trối trăng trước phút lâm chung. Hết sức chân thật, tình cảm song đều thể hiện tấm lòng quyết hy sinh cho Tổ quốc, không chút nao núng. Vì tinh thần đó, Bác Hồ đã viết thư động viên, trong đó có câu: “Các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh…”.
Mắt vị lão tướng mờ đi theo dòng ký ức. Những người trai trẻ coi cái chết “tựa lông hồng” ngày ấy đã hy sinh cho Tổ quốc. Đồng đội của ông, người hy sinh trong chiến trận, người cũng đã theo tuổi già, tật bệnh về với đất. Ông nói như trò chuyện một mình:
- Ngày ấy, chúng tôi tìm mọi cách phát triển Đảng trong quân đội. Cứ sau mỗi trận chiến đấu, số đảng viên lại tăng vọt. Chỉ sau một tuần chiến đấu, số đảng viên đã tăng gấp khoảng 20 lần…
Tôi hỏi:
- Vào Đảng hồi đó và vào Đảng bây giờ, khác nhau chỗ nào, thưa bác?
- Hồi đó, mỗi người vào Đảng đều có ý thức rõ, để hy sinh, để xung phong nhận trách nhiệm nặng nề gian khổ nhưng coi đó là vinh quang. Chiến đấu là “thử lửa”. Ai sẵn sàng hy sinh, chịu đựng gian khổ vì người khác, bộc lộ rõ rệt, không thể giả dối. Còn bây giờ, một số người dựa vào danh hiệu đảng viên để cầu lợi, chứ không phải để hy sinh. Trong kháng chiến, Đảng đối với dân là một cái gì đó thiêng liêng, biểu tượng cho tinh thần chiến đấu hy sinh chứ không phải là biểu tượng của quyền lực. Ý Đảng là lòng dân. Vì thế đã tạo nên được sức mạnh ghê gớm giành toàn thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.


Dâng tặng cả đời trai trẻ cho cuộc chiến tranh vệ quốc
Kháng chiến chống Mỹ. Phải, sau Toàn quốc kháng chiến, người Chính uỷ ấy đã lên đường theo cuộc trường chinh của dân tộc, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi 10 năm ở căn cứ chiến khu trong nhiệm vụ Phó Chính uỷ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam. Lại một cuộc đọ trí và đọ sức có những lúc quá bất lợi giữa ta với địch. Và chỉ có một cách: Phải thắng. Lại phải nghĩ phương cách động viên, tuyên truyền nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội sao cho thích hợp hiệu quả. Lại phải sống sao để lính tin rằng vị lãnh đạo này không lý thuyết suông. Phương châm “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Bắt Mỹ phải đánh theo cách của mình chứ mình không theo cách đánh của Mỹ”,… những sách lược hết sức sáng suốt đó được tổng kết từ thực tiễn chiến đấu của quân và dân ta. Những bài bình luận quân sự đầy sức thuyết phục với bút danh Cửu Long hồi ấy đã như thứ vũ khí tinh thần tăng thêm sức chiến đấu cho quân đội ta, góp phần vào những chiến thắng vang dội.
Đi, đi và đi! Cuộc đời của tướng Trần Độ luôn gắn với chiếc ba lô sạm khói chiến trường và những kỷ niệm cảm động về đồng đội. Ông đã dâng tặng đời trai trẻ, những năm tháng đẹp nhất của mình cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Năm 1974 ông từ chiến trường ra thì bị bệnh tiểu đường. Vài năm gần đây bệnh biến chứng hoại thư bàn chân. Mắt không đọc được chữ, song ông vẫn quan tâm đến việc bổ sung kiến thức cần nhất và quan tâm đến thời cuộc. Tác phong người kính tri thức đã trở thành máu thịt trong ông. Là Ủy viên BCHTƯ Đảng liền trong các khoá III, IV, V, VI, là Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VIII và ngay cả giờ đây, khi hàng ngày đang phải vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo, lúc nào ông cũng là người dám đóng góp những ý kiến tâm huyết của mình với Đảng mọt cách có nguyên tắc tổ chức, có trách nhiệm.
Những đóng góp to lớn của vị lão tướng Trần Độ cho đất nước là không thể phủ nhận. Tuy vậy, ông lại là người rất nghiêm khắc khi nhận xét về mình. Khi được hỏi về thời đã qua, ông nói:
- Nghĩ lại thời trước, cũng có đôi lúc tôi máy móc và ấu trĩ. Nhớ thời ông Hoàng Cầm (khi chưa làm tướng) có yêu một cô gái, hỏi ý kiến tôi, tôi không trả lời rõ ràng, ông cắt đứt (có lẽ vì thế). Với gia đình, tôi là một người chồng, người cha tồi, một người con bất hiếu vì suốt đời đi xa, gần như không lúc nào sống với gia đình để chăm sóc vợ con, cha mẹ. Chiến tranh kết thúc thì đã quá ngũ tuần. Khi sống với gia đình thì lại đau ốm… Trước đây, trong chiến đấu ác liệt phải di chuyển nay đây mai đó, tôi không giữ được tập thư của các quyết tử quân. Tôi ân hận mãi về điều này.
Dâng tặng cuộc đời mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc. Mang tâm huyết, tri thức và trách nhiệm xây dựng đất nước lúc hoà bình. Dám nói và dám chịu trách nhiệm, nghiêm khắc với bản thân. Đó phải chăng là cái đạo lớn nhất của người cộng sản?
(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn học, 2013).

4 nhận xét:

  1. Những đảng viên hiện nay rất cần phải đọc những bài.

    Trả lờiXóa
  2. Chú Độ là 1 tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, dám đấu tranh với cái sai, dám bảo vệ cái đúng. Việc tưởng dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Những năm cuối nhiều lần tôi được tháp tùng chú mỗi lần vào Nam hay sang trò chuyện với chú mồi lần ra Bắc, tôi biết thêm nhiều chuyện rất đời rất thực.
    Anh em nhà 99 luôn kính yêu cô chú.

    Trả lờiXóa
  3. Kể thêm về Nhà văn Võ Thị Hảo :
    Nhà văn Võ Thị Hảo nguyên là Trưởng Văn phòng đại diện báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội, khi làm thủ tục bổ nhiệm giữ chức Phó tổng biên tập báo Gia đình và xã hội nhưng vì không là đảng viên nên các cấp uỷ Đảng có lời đề nghị nên chấp thuận vào Đảng nhưng nhà văn đã nói : “Tôi không vào Đảng để chỉ đổi lấy một cái chức. Nếu mà vào Đảng như vậy thì rất là cơ hội, rất là tồi. Nếu mà quyền lực chỉ để phân phối cho những đảng viên thì Đảng chỉ thu hút được những kẻ cơ hội, những kẻ chỉ vì một miếng mồi lợi, vun vén cho bản thân mình mà thôi! Và như thế thì Đảng sẽ suy yếu, sẽ mọt ruỗng từ bên trong, từ tâm hồn, hành vi của mỗi đảng viên”.

    Trả lờiXóa
  4. Ảnh đoàn vào Lăng viếng Bác có phải đoàn đại biểu QĐ trong Đại hội Đảng 4? Tôi thấy nhiều gương mặt thân quen: các cụ Song Hào, Lê Hiến Mai, Chu Văn Tấn, Lê Quang Đạo, Trần Độ... bạn chiến đấu của cha tôi.

    Trả lờiXóa