Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Xây dựng cơ sở cho văn hoá


Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng đã chỉ rõ: “Phát triển mạnh mẽ phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng làm cơ sở cho nền văn hoá, văn nghệ mới”. 

Đây là một phương hướng quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thấm nhuần Nghị quyết đó, Ban cán sự Bộ Văn hoá đã xác định mục tiêu cho công tác năm 1979, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là “Phải phấn đấu xây dựng một nền tảng văn hoá ở cơ sở trên ba mặt: củng cố tổ chức, gây dựng phong trào và xây dựng cơ sở vật chất”.
Cách đặt vấn đề đúng đắn này đi từ nguyên tắc của Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải chủ động tổ chức việc bảo đảm thoả mãn những nhu cầu vật chất và văn hoá ngày càng cao của nhân dân. Những nhu cầu văn hoá của nhân dân bao gồm: nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật làm phong phú đời sống tinh thần; nhu cầu thẩm mỹ trong lao động và sinh hoạt; nhu cầu nâng cao kiến thức, mở rộng sự hiểu biết ở mọi lĩnh vực; nhu cầu nghỉ ngơi sau giờ lao động bằng những giải trí lành mạnh, tươi vui; nhu cầu sáng tạo giá trị tinh thần bằng các hoạt động nghệ thuật ngoài giờ lao động.
Xây dựng cơ sở cho văn hoá là một công tác không thể thiếu trong việc đào tạo, xây dựng con người mới. Thoả mãn toàn bộ nhu cầu văn hoá nói trên là góp phần tích cực xây dựng con người mới phát triển toàn diện và hài hoà ở các mặt, nâng cao trình độ học vấn, nâng cao tình cảm trong sáng và tốt đẹp, làm cho quan hệ giữa người và người ngày càng thể hiện tinh thần, đạo đức cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.
Muốn bảo đảm xây dựng cái nền văn hoá cho cấp cơ sở, chúng ta cần chú ý tăng cường các loại hoạt động nhằm đáp ứng những nhu cầu nói trên. Mỗi cơ sở cần tổ chức lực lượng như người hướng dẫn, người tổ chức, chọn những người tích cực làm nòng cốt cho các phong trào, chú ý chăm lo cơ sở vật chất, cố gắng trang bị một số phương tiện và công cụ tối thiểu tạo điều kiện cho các chương trình văn hoá ở cơ sở hoạt động.
Cấp Huyện bao gồm toàn bộ địa bàn một huyện với thị trấn của nó và tất cả các điểm dân cư trong các làng, xã của huyện. Những hoạt động văn hoá, văn nghệ ở cấp Huyện trước mắt cần có là phong trào văn nghệ quần chúng của các đoàn không chuyên, Thư viện và phong trào đọc sách, nhà Bảo tàng, khu di tích giáo dục truyền thống cách mạng, câu lạc bộ có những hoạt động giải trí và nâng cao kiến thức, phong trào thông tin, cổ động và phong trào xây dựng nếp sống mới. Nghị quyết Đại hội IV của Đảng nêu rõ: “Vận động một cách kiên trì và sâu rộng để tạo ra nếp sống mới có văn hoá trong xã hội, đưa cái đẹp vào trong cuộc sống hàng ngày, vào lao động sản xuất. Ngoài những trung tâm và công trình văn hoá quy mô lớn cho cả nước, ở từng vùng, tỉnh, thành, huyện và xã, ấp, làng, bản, cần xây dựng những công trình văn hoá quy mô vừa và mang màu sắc địa phương khác nhau, thể hiện tính phong phú của nền văn hoá chung của dân tộc ta”.
Thực hiện được phương hướng đẩy mạnh xây dựng các phong trào hoạt động và các phong trào văn hoá ở gần hết các huyện thì sau một vài năm, nước ta sẽ xuất hiện một bộ mặt nông thôn đẹp đẽ và nhộn nhịp, tươi vui, đời sống văn hoá sẽ được nâng cao rõ rệt.
Phát triển văn hoá không phải chỉ thoả mãn những nhu cầu hiện nay mà còn không ngừng phát triển những nhu cầu đó, từng bước nâng lên và mở rộng, chủ động thoả mãn những nhu cầu ngày càng cao. Vì vậy, vừa đáp ứng những nhu cầu trước mắt, vừa xây dựng cơ sở vật chất phát triển các phong trào văn hoá.
Những cơ sở này cần được xây dựng đơn giản, phù hợp với những điều kiện vật chất hiện có, do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Rất nhiều xã đã và đang có phong trào xây dựng các Nhà văn hoá, Thư viện xã, v.v… Nhiều huyện đã xây dựng những Nhà văn hoá, Thư viện, Rạp chiếu bóng với sự đóng góp của nhân dân. Nhà nước hướng dẫn về kỹ thuật thiết kế, nhân dân góp vật tư xây dựng và tuỳ nơi, tuỳ lúc, chính quyền huyện có thể đầu tư một phần vốn.
Xây dựng cơ sở cho hoạt động văn hoá là công tác nghiệp vụ của ngành văn hoá và thông tin đồng thời là công tác của các cấp, các ngành. Nghị quyết Đại hội IV của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Những người làm văn hoá, văn nghệ chuyên nghiệp có trách nhiệm lớn đối với phong trào này, góp phần tích cực nâng cao năng lực sáng tạo và trình độ thưởng thức nghệ thuật của nhân dân lao động, nâng cao chất lượng và các hình thức hoạt động văn hoá, văn nghệ của quần chúng. Các cấp uỷ đảng, các cơ quan chính quyền cũng như các đoàn thể quần chúng (Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ) phải chăm sóc những hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng, coi đó là công tác quan trọng của mình. Nhà nước cần có những chính sách và biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia hoạt động văn hoá, văn nghệ và bảo đảm nhu cầu về thưởng thức và hoạt động văn hoá, văn nghệ của nhân dân từ thành thị đến nông thôn, từ nơi đông người đến những vùng xa xôi, hẻo lánh, được đáp ứng ngày càng đầy đủ”.

        (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét