Tại sao phải đặt vấn đề nghiên cứu kinh
tế trong văn hoá?
1. Từ trước tới nay, ta vẫn thấy kinh tế và văn hoá là
hai lĩnh vực khác biệt hầu như không có quan hệ với nhau hoặc có quan hệ rất ít,
không đáng kể.
Nhưng đến nay, thực tiễn của cuộc sống lại chỉ rõ trong kinh tế
có các vấn đề văn hoá, trong văn hoá cũng có các vấn đề kinh tế. Trong văn hoá
có các vấn đề xây dựng cơ sở vật chất, có các hoạt động kinh tế.
2. Ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nhà nghiên
cứu văn hoá thấy vấn đề này từ lâu và đang đặt nhiệm vụ nghiên cứu vấn đề quản
lý văn hoá và trong đó có những vấn đề kinh tế. Có nước đặt vấn đề nghiên cứu các
vấn đề kinh tế trong văn hoá và trao nhiệm vụ này cho các Viện nghiên cứu văn
hoá. Ở Liên Xô, Bun-ga-ri và Tiệp Khắc, đã có những hội nghị quốc tế bàn về vấn
đề xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho văn hoá và vấn đề kinh tế trong văn hoá.
Phương hướng nghiên cứu của mỗi nước có những điểm khác nhau và nói chung ở nhiều
nước cũng còn nhiều vấn đề chưa được giải đáp đầy đủ, còn phải tiếp tục tìm tòi
nghiên cứu.
Trong một số lĩnh vực hoạt động văn hoá - nghệ thuật,
vấn đề kinh tế trở thành hẳn một môn học để đảm bảo cho hoạt động của lĩnh vực đó
như điện ảnh, xuất bản.
3. Ở Việt Nam, cũng xuất hiện nhiều cuộc thảo luận lẻ tẻ nhưng không
kém phần gay go và sôi nổi: có vấn đề kinh tế trong văn hoá không? Nếu có thì
nó như thế nào? Nó là những vấn đề gì ? Đặt vấn đề kinh tế trong văn hoá có
khuyến khích khuynh hướng thương mại trong văn hoá và nghệ thuật hay không?
v.v… và v.v…
4. Nghị quyết của Hội nghị Trung
ương Đảng lần thứ 8 (khoá V) ra đời đặt câu hỏi: áp dụng Nghị quyết 8 trong
các lĩnh vực hoạt động văn hoá - nghệ thuật ra sao? Thế nào là chống quan liêu
bao cấp trong văn hoá, thế nào là hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ
nghĩa trong văn hoá, cách tính giá thành, giá trị một sản phẩm văn hoá, một tác
phẩm nghệ thuật như thế nào?, v.v…
Như vậy rõ ràng yêu cầu giải đáp các vấn đề kinh tế
trong văn hoá ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách.
Mục đích và
phạm vi trong lần nghiên cứu này
Đây là lần đầu tiên ta đặt vấn đề nghiên cứu, ta chưa
có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, ta lại chưa có điều kiện thu thập được nhiều thông
báo khoa học về vấn đề này để tham khảo, cân nhắc và liên hệ, ta cũng chưa có cán
bộ chuyên môn được đào tạo đầy đủ, chưa có cơ quan chuyên môn nghiên cứu để thu
thập các dữ liệu, số liệu một cách có hệ thống để làm căn cứ phân tích các vấn đề.
Vì vậy lần nghiên cứu này chưa thể có những mục đích
cao xa và lớn lao, chưa thể bao gồm tất cả các phạm vi, các khía cạnh của vấn đề,
càng chưa có thể giải quyết cụ thể nhiều vấn đề còn lúng túng vướng mắc ở trong
hoạt động này hay hoạt động khác.
Lần nghiên cứu này chỉ nhằm giải quyết để thống nhất
nhận thức về một số vấn đề quan điểm cơ bản như :
- Có hay không có vấn đề kinh tế trong văn hoá ?
- Nội dung cơ bản của vấn đề kinh tế trong văn hoá là
những gì ?
Rồi, trên cơ sở những quan điểm cơ bản ấy xem xét một
số vấn đề lớn như : Các dạng hoạt động văn hoá và tính chất kinh tế của các dạng
đó khác nhau như thế nào ; những ý kiến có ý nghĩa nguyên tắc về vấn đề đánh giá,
giá thành, giá trị và xem xét giá cả trong hoạt động văn hoá.
Phương pháp tiếp cận vấn đề của chúng tôi là từ những
cách nhìn tổng quát vấn đề, xây dựng những quan điểm cơ bản, lấy những quan điểm
cơ bản đó làm xuất phát điểm để tiếp tục nghiên cứu sâu vào các mặt sau này.
Chúng tôi đều biết trong mỗi lĩnh vực hoạt động cụ thể,
có hàng loạt vấn đề cụ thể phải được giải quyết về nhận thức cũng như về cơ chế.
Nhưng chúng tôi đều thấy để giải quyết các vấn đề cụ thể đó mọi người cần có chỗ
xuất phát thống nhất thì ý kiến giải quyết mới nhất quán được.
Chúng tôi tin rằng các nhà nghiên cứu kinh tế, các nhà
nghiên cứu văn hoá, cũng như các đồng chí hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực văn
hoá có rất nhiều ý kiến phong phú, sâu sắc, sáng tạo. Tuy nhiên, chúng tôi cho
rằng điều đó không trở ngại gì cho chúng ta cùng nhau thống nhất một số quan điểm
cơ bản và những ý kiến phong phú, sâu sắc, thiết thực còn có nhiều dịp khác phát
biểu để tiếp tục giải quyết một bước cao hơn, các vấn đề kinh tế cụ thể hơn
trong các lĩnh vực hoạt động văn hoá. Vì vậy lần này chúng tôi trình bày :
1) Một số vấn đề quan hệ giữa kinh tế và văn hoá.
2) Có hay không có vấn đề kinh tế trong văn hoá ?
3) Nội dung các vấn đề kinh tế trong văn hoá là gì ?
4) Các dạng hoạt động văn hoá được phân loại theo góc độ
kinh tế và các dạng hoạt động kinh tế trong văn hoá.
5) Mấy vấn đề nguyên tắc giá cả trong văn hoá.
6) Mấy ý kiến về phương hướng tiếp tục nghiên cứu.
Ngoài ra, chúng tôi có đề cập đến hai vấn đề lớn, nhưng
dưới dạng những thông tin khoa học mà chưa phải những ý kiến kiến nghị cụ thể, đó
là :
1- Vấn đề đầu tư cho văn hoá trong một dạng cụ thể là
tài trợ cho sáng tác nghệ thuật,
2- Vấn đề hệ thống chỉ tiêu để đánh giá mức độ phát
triển văn hoá và để làm kế hoạch phát triển văn hoá.
I. Tầm quan
trọng xã hội của văn hoá và mối quan hệ giữa văn hoá và kinh tế.
Một số người - ở nước ta cũng như ở các nước chậm tiến
khác cho rằng giải quyết được vấn đề kinh tế, đưa trình độ phát triển kinh tế nước
mình tiến kịp trình độ các nước công nghiệp hoá phương Tây thì sẽ giải quyết được
tất cả mọi vấn đề khác nhau như tệ nạn xã hội, tiêu cực, đạo đức cá nhân và xã
hội, ý thức thẩm mỹ, thái độ lao động, v.v…
Họ nhận thức văn hoá như là vấn đề rất thứ yếu trong
toàn bộ chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế. Kế hoạch văn hoá được xem như
là cái đuôi của kế hoạch chung phát triển kinh tế quốc dân. Chỉ mới trong vòng
hơn 10 năm lại đây “kế hoạch phát triển kinh tế” mới được trở thành “kế hoạch
phát triển kinh tế và xã hội”, nội dung của từ “xã hội” trong nhận thức của nhà
làm công tác kế hoạch, bao gồm cả giáo dục, khoa học, y tế, thương binh – xã hội
và văn hoá và trong bốn mục này văn hoá nghệ thuật cũng chiếm một vị trí khiêm
tốn, hầu như chưa có vị trí rõ ràng trong kế hoạch.
Bắt đầu từ những năm 70, người ta đề xuất khái niệm về
một chiến lược phát triển toàn diện và toàn bộ, trong đó yếu tố kinh tế là rất
quan trọng và cơ bản, nhưng vai trò chủ đạo và hướng dẫn lại thuộc về văn hoá.
Không có cơ sở vật chất - kỹ thuật nhất định thì không
thể nói tới đời sống văn hoá và tinh thần phong phú. Đấy là điều khẳng định. Thế
nhưng phát triển kinh tế không đúng hướng sẽ dẫn tới, tạo ra bất bình đẳng xã hội,
tạo điều kiện cho máy móc loại con người ra khỏi lao động sản xuất và sáng tạo,
hay là biến con người thành vật phụ thuộc, thành nô lệ của máy móc và điều nguy
hiểm hơn cả là, đối với những quốc gia vốn là nạn nhân của đế quốc phương Tây
thì sau khi tống chủ nghĩa thực dân kiểu cũ ra khỏi nhà bằng cửa trước thì lại
chủ động mở cửa sau cho chủ nghĩa thực dân mới lọt vào nhà mình, hoành hành, tác
oai, tác quái tác hại một cách đáng sợ. Bởi vì kèm theo sự du nhập của mô hình
phát triển kinh tế phương Tây, có sự tràn ngập của kỹ thuật, văn hoá, lối sống
phương Tây. Sự tràn ngập đó thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, của
lối sống tiêu dùng, khiến cho một bộ phận dân chúng, đặc biệt là lớp tuổi thanh
thiếu niên, dần dần tiêm nhiễm tư tưởng sùng bái phương Tây, coi thường những
giá trị văn hoá truyền thống lành mạnh và cao đẹp của dân tộc mình.
Văn hoá, văn nghệ bị một số người nhận thức lầm như là
truyện giải trí và thư dãn, sau một tuần hay một ngày lao động nặng nhọc, vất vả,
hay là một phương tiện, một con đường thoát để giải toả những mặc cảm và ức chế
của bộ phận sung sức, có nhiều hoài bão và ước mơ trong dân chúng, trước hết là
lớp thanh niên.
Đúng là có cả một nền văn hoá giải trí và thư dãn, nhưng
quan trọng hơn là có cả một nền văn hoá của lao động, của sản xuất, một nền văn
hoá của giao tiếp, của lối sống, v.v… Có thể nói là văn hoá xâm nhập thẩm thấu
vào tất cả mọi mặt, mọi khía cạnh của đời sống, đời sống con người và bản thân
con người.
Có lúc, người ta nói nhiều đến vận tải và giá vận tải.
Đi lại đâu phải có ý nghĩa kinh tế đơn thuần : người cùng trong một nước, dù là
ở xa cách nhau hàng nghìn cây số, nếu thật sự đi lại dễ dàng, nói chuyện, viết
thư báo cho nhau dễ dàng thì mới cảm thấy gần gũi, thân thương, từ trong máu thịt
và tình cảm của mình, tất cả đều là công dân của một nước, một dân tộc, vui, buồn,
sống chết có nhau. Các tuyến đường trong một nước không phải chỉ là những mạch
máu chính trị, xã hội văn hoá và tình cảm nữa. Cái lối nhận thức các hiện tượng
xã hội chỉ thấy có mặt kinh tế là rất tai hại.
Thời gian dân tộc Việt Nam bị phong kiến Trung Quốc cai trị từ đầu kỷ nguyên kéo
dài 10 thế kỷ. Âm mưu đồng hoá của Đại Hán thâm độc, xảo quyệt biết bao. Một dân
tộc lớn, đông hàng trăm triệu người. Một quốc gia bề thế, đồ sộ, to như cả một
châu lục, lại nằm sát cạnh nước ta. Ấy thế mà nền văn hoá Việt Nam, con người
Việt Nam vẫn giữ được truyền thống và bản sắc văn hoá của dân tộc mình, tự hào
về nền văn hoá của mình và qua đó nuôi dưỡng một ý chí tự lực, tự cường không
bao giờ tắt, chỉ chờ dịp là bùng lên thành những cuộc khởi nghĩa, những chiến
thắng quân sự vẻ vang. Đó là sức mạnh bất khuất của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của nền văn hoá Việt Nam.
Văn hoá Việt Nam có một bề dày lịch sử mà mọi người Việt
Nam phải tự hào, nên niềm tự hào văn hoá đã trở thành một nguồn sức mạnh lớn, có
thể huy động vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện
nay.
Văn hoá là tổng hợp những giá trị vật chất và tinh thần,
do con người sáng tạo ra và được tích luỹ, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ
khác, suốt dòng phát triển của lịch sử nhân loại. Hoạt động của con người tạo
ra những giá trị văn hoá đó, cũng là một hiện tượng văn hoá. Và con người chủ
thể của mọi hoạt động văn hoá, cũng là một sản phẩm của văn hoá và là đối tượng
phải hướng tới của mọi hoạt động văn hoá.
Như vậy bản chất văn hoá là con người, là sự tiến bộ
hoàn thiện của con người, thiếu văn hoá cùng đồng nghĩa với thiếu tính người.
Nói rộng ra và đúng đắn hơn, con người phải là đối tượng
phục vụ, là đối tượng phải hướng tới của mọi hoạt động xã hội, kể cả kinh tế,
chứ không riêng gì hoạt động văn hoá.
Thật là đáng được chú ý, sự so sánh của Mác giữa thế
giới cổ đại Hy Lạp và thế giới tư bản hiện đại: đối với thế giới Hy Lạp cổ đại,
con người bao giờ cũng là mục tiêu cứu cánh của sản xuất, còn trong thế giới hiện
đại thì “sản xuất trở thành mục tiêu cứu cánh của con người, và sự giàu có trở
thành mục tiêu cứu cánh của sản xuất” (Mác – Bút thảo 1857 – 1858, Pa-ri, 1980,
trang 424, bản tiếng Pháp).
Quan niệm văn hoá như trên - một quan niệm mà hầu hết
các nhà xã hội học và văn hoá học hiện đại đều chia sẻ là quan niệm văn hoá như
một hiện tượng rộng, không hạn chế ở thượng tầng kiến trúc xã hội, mà nó thẩm
thấu vào tất cả mọi mặt, mọi khía cạnh của hoạt động của con người và xã hội,
bao gồm cả hoạt động kinh tế, lĩnh vực kinh tế. (Xem: Ma-rca-ri-an – Phát biểu
tại cuộc hội thảo về quan niệm giữa văn hoá, văn minh và hình thái xã hội –
kinh tế. Tạp chí Liên Xô “Khoa học – xã hội” - số 4/1984).
Tuy rằng sự phát triển văn hoá được quyết định bởi những
điều kiện vật chất của đời sống xã hội và do đó, lĩnh vực sản xuất của cải vật
chất là rất quan trọng trong mọi xã hội. Nhưng thực ra, không phải của cải vật
chất dồi dào sẽ tạo ra hạnh phúc của con người trong một xã hội lý tưởng. Như vậy
chẳng lẽ xã hội đại tiêu thụ kiểu Hoa Kỳ lại là mục tiêu và mẫu mực cuộc sống mà
mọi quốc gia phải hướng tới hay sao?
Ngay tại Hoa Kỳ, xứ sở của xã hội hậu công nghiệp và
tiêu thụ, một nước dồi dào của cải vật chất vào bậc nhất thì những hiện tượng
khủng hoảng văn hoá và vô văn hoá cũng tràn lan một cách đáng sợ trong khắp xã
hội như: tăng tỷ lệ bệnh điên, bệnh tâm thần, tội phạm trong thanh thiếu niên,
nạn ma tuý, mãi dâm, trấn lột và cướp bóc, …
Còn ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em, kể cả ở Liên Xô
cũng đã quan tâm vấn đề đời sống vật chất nâng cao sẽ có thể làm cho một số người
bị thoái hoá. Tác giả Liên Xô Ma-xe-rốp trong cuốn “Đại hội Đảng Cộng sản Liên
Xô lần thứ XXV và các vấn đề thời sự của giáo dục cộng sản chủ nghĩa đối với
thanh niên”, viết:
“Nếu chúng ta không tạo ra nhu cầu một cuộc sống tinh
thần cao cả, nếu cuộc sống và lao động không được chói sáng bởi những lý tưởng
cao quý thì có thể xảy ra khả năng một số người tự đóng khung mình trong thế giới
hạn hẹp của những lo lắng vị kỷ, trong khi mức sống vật chất tăng lên không ngừng.
Tiện nghi vật chất lúc đó có thể chuyển ngược lại, từ cơ sở của sự phát triển
tinh thần trở thành một sức mạnh làm bóp méo nhân tính, khiến con người tách rời
những chân giá trị của cuộc sống” (Xem sách đã dẫn, trang 40, Mát-xcơ-va – 1967
- bản tiếng Nga).
Kinh nghiệm thực tiễn hơn ba thập kỷ vừa qua cho chúng
ta thấy rằng sự tăng gia của cải vật chất phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng
sống của con người. Và con người thì luôn luôn mơ ước những giá trị mới. Sự mơ ước
đó là một thái độ văn hoá, qua đó con người thể hiện phẩm giá của mình, sự bình
đẳng giữa mình và mọi người, giữa dân tộc mình và các dân tộc khác, qua đó con
người sáng tạo ra những giá trị và đồng thời cũng sáng tạo ra chính bản thân mình.
Sản xuất của cải vật chất luôn luôn có tầm quan trọng
quyết định đối với toàn bộ sự phát triển xã hội nói chung và sự phát triển văn
hoá nói riêng. Xã hội càng giàu lên, đời sống vật chất của dân chúng cao lên,
thời gian rỗi tăng thêm thì mọi người sẽ có nhiều thời gian hơn, nhiều phương
tiện hơn để chăm lo đời sống văn hoá, đời sống tinh thần của mình, nhiều sản phẩm
văn hoá, nhiều dịch vụ văn hoá được cung cấp, nhiều phương tiện kỹ thuật hùng hậu
giúp cho sự sáng tạo văn hoá và phổ cập văn hoá. Đấy là điều cần khẳng định, thế
nhưng những phương tiện kỹ thuật hùng hậu trong lĩnh vực thông tin đại chúng chỉ
có thể giúp cho sự phổ cập văn hoá nghệ thuật (phương tiện kỹ thuật ấn loát,
truyền thanh, truyền hình) chúng cũng tạo nên điều kiện mới cho sáng tác (điện ảnh,
v.v…) nhưng chúng không thể thay thế được bản thân người sáng tác, tài năng và
nghệ thuật sáng tác, sự thông cảm giữa nghệ sĩ và quần chúng. Cho nên, có thể
khẳng định nội dung của sinh hoạt văn hoá, trình độ sáng tạo cũng như trình độ
hưởng thụ không phải được quyết định bởi quy mô của sản xuất của cải vật chất,
tuy rằng, muốn phát triển văn hoá, cần thiết phải có một cơ sở vật chất nhất định.
Sự phát triển kinh tế nhất thiết phải đi đôi với việc bảo vệ và phát huy những
giá trị nhân bản, vốn có trong nền văn hoá của mọi dân tộc, phải nhằm phát triển
con người, phục vụ con người. Sự phát triển con người và những giá trị nhân bản
phải được giành quyền ưu tiên số một, ưu tiên tuyệt đối trong mọi chiến lược phát
triển, kể cả phát triển kinh tế. Mà phát triển con người tức là phát triển văn
hoá, trên toàn bộ bề mặt đa diện của nó: đạo đức, thẩm mỹ, triết học, v.v…
Văn hoá xã hội chủ nghĩa ảnh huởng tới sự phát triển
kinh tế trước hết là thông qua yêu cầu và mục tiêu cứu cánh mà nó đặt ra cho tất
cả mọi chiến lược và kế hoạch kinh tế: Mọi kế hoạch và chiến lược phát triển
kinh tế đều phải hướng về mục tiêu cao nhất và bảo đảm yêu cầu cơ bản nhất là bảo
vệ con người, phục vụ con người, nâng cao con người, đồng thời bảo vệ và làm đẹp
thêm, phong phú thêm một môi trường sống và khung cảnh sống hàng ngày và lâu dài
của con người. Bất cứ một chính sách, biện pháp kinh tế nào về sản xuất, lưu thông
hay phân phối, về giá, lương, tiền, hàng hoá cũng đều phải thể hiện mục tiêu
cao nhất đó, yêu cầu cơ bản đó, tức là vì lợi ích của con người và được lòng người!
Quản lý kinh tế một cách có văn hoá đòi hỏi người lãnh
đạo kinh tế cũng phải có một trình độ văn hoá nhất định. Cảnh quan xí nghiệp,
nhà xưởng cho đến mỗi phân xưởng đều phải được bố trí sáng sủa, gọn gàng, sạch
và đẹp. Cán bộ lãnh đạo phải bảo đảm những mối quan hệ tốt đẹp nhất giữa lãnh đạo
và tập thể công nhân, giữa công nhân với nhau trong xí nghiệp nói chung và
trong từng phân xưởng nói riêng. Quan hệ giữa người và người trong sản xuất cũng
phải có văn hoá. Nghĩa là lãnh đạo quan tâm tới người lao động không phải chỉ
như một phương tiện lao động, mà phải như một con người. Không phải chỉ với ý
thức bồi đắp sức lao động mà với ý thức vì hạnh phúc thực sự của con người, vì
mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của từng con người lao động, từng
gia đình người lao động. Lãnh đạo kinh tế và sản xuất được như vậy mới gọi là lãnh
đạo có văn hoá. Một nền nếp lãnh đạo mới như vậy nhất định tạo được, phát huy được
nhiệt tình sản xuất của công nhân, đảm bảo xí nghiệp phát triển sản xuất tốt đẹp.
Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối “tiến hành đồng
thời ba cuộc cách mạng” để thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là một nền
sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, một chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa và một
nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa, nêu lên “nhiệm vụ trung tâm của cách mạng tư
tưởng, văn hoá là xây dựng con người mới”, lại nêu khẩu hiệu chiến lược : “Vì Tổ
quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”. Như vậy, quan điểm của Đảng
ta về văn hoá cũng là “văn hoá là con người”, vì con người, vì hạnh phúc và sự
phát triển của từng con người. Như vậy văn hoá hoàn toàn không phải là một cái
gì phụ thuộc vào kinh tế, theo sau kinh tế và chỉ là kết quả của sự phát triển
kinh tế. Không phải là cái gì để trang trí đời sống có cũng được, không có cũng
không sao.
Trong hoạt động thực tiễn, có nhiều hoạt động văn hoá
phải nhằm phục vụ cổ vũ cho việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế. Vì vậy có người
chỉ thấy có khía cạnh đó và chỉ thấy văn hoá là phương tiện, là công cụ cho kinh
tế, cho chính trị.
Thực ra văn hoá với quan niệm đầy đủ nội dung và bản
chất của nó còn là động lực cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Vì văn
hoá xây dựng và bồi dưỡng con người, làm cho mỗi con người nâng cao kiến thức,
nâng cao kỹ năng, nâng cao thể lực, nâng cao nhiệt tình và sự khéo léo trong
lao động. Chính vì vậy mà nó là động lực cho sự tăng năng suất, phát triển sản
xuất và phát triển xã hội. Văn hoá là hướng vào con người, hướng vào việc xây dựng
những con người phát triển toàn diện và hài hoà để tạo một xã hội văn hoá cao.
Vì vậy văn hoá còn là mục tiêu cao nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đúng là
các hoạt động văn hoá có nhiệm vụ và có tác dụng phục vụ các nhiệm vụ chính trị,
nhiệm vụ kinh tế. Nhưng bản thân các hoạt động văn hoá cũng có một nhiệm vụ chính
trị to lớn là xây dựng con người và các hoạt động văn hoá cũng có nhiệm vụ chính
trị cụ thể là tạo đời sống tươi vui, hạnh phúc cho nhân dân trong cuộc sống hàng
ngày. Chính vì vậy, chúng ta thường hay nhắc một ý kiến rất biện chứng và sâu sắc
của đồng chí Lê Duẩn là văn hoá vừa là phương tiện, vừa là động lực, vừa là mục
đích của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Văn hoá với quan niệm đầy đủ như vậy, có mặt trong mọi
ngóc ngách của đời sống xã hội. Các hoạt động văn hoá phục vụ các nhiệm vụ kinh
tế, các hoạt động kinh tế lại phải có văn hoá, góp phần xây dựng văn hoá (hay nói
cách khác phải phục vụ văn hoá). Điều đó thể hiện:
- Hoạt động kinh tế (nhất là thương nghiệp, dịch vụ)
phải tạo điều kiện thuận lợi, lịch sự, thoải mái cho người được phục vụ, phải tạo
nên quan hệ đẹp giữa con người,
- Sản phẩm kinh tế phải đẹp,
thuận lợi tạo nên những khoái cảm cho người sử dụng; phải phát triển các ngành
nghề tạo nên các vật dụng vừa tiện lợi vừa đẹp vừa mang bản sắc văn hoá của dân
tộc (thủ công - mỹ nghệ). Sản phẩm phải có bao bì đẹp, hấp dẫn. Đồ dùng phải
được tạo dáng đẹp, thuận tiện. Kiến trúc phải tạo khoái cảm cao cho người ở một
cách thường xuyên trong cuộc sống con người. Giao thông cần làm cho con người
di chuyển cũng được dễ chịu như khi ở nhà, có được trạng thái tinh thần thanh
thản, thoải mái, v.v…
Như vậy quan hệ giữa văn hoá và kinh tế là mối quan hệ
tích cực và bình đẳng, mối quan hệ trong mục đích chính trị chung là xây dựng
con người, phục vụ hạnh phúc của con người, văn hoá là động lực cho kinh tế phát
triển. Kinh tế với mục đích xã hội chủ nghĩa, cũng phải có văn hoá, phải tạo điều
kiện cho văn hoá phát triển, chứ không phải là mối quan hệ ban ơn, bố thí. Hiệu
quả của văn hoá tác động vào năng suất, sản lượng và sự phát triển kinh tế rất
to lớn và rất hiển nhiên, chỉ có điều chưa ở đâu có phương pháp và có được đơn
vị, đại lượng để đo lường hiệu quả đó thành những số liệu cụ thể. Để xây dựng xã
hội, không phải chỉ có sức mạnh kinh tế, mà còn có sức mạnh văn hoá – đó là chưa
kể đến vai trò quyết định của sức mạnh chính trị. Không phải chỉ có sức mạnh
kinh tế tạo ra văn hoá, nhiều lắm kinh tế cũng chỉ góp phần tạo ra những cơ sở
vật chất kỹ thuật cho văn hoá mà văn hoá có sức mạnh riêng, sức mạnh ấy thúc đẩy
sức mạnh kinh tế, tổng hợp với sức mạnh kinh tế mà tạo ra sức mạnh của cuộc sống
một xã hội, một dân tộc.
Không quan niệm được đúng đắn mối quan hệ này thì ta sẽ
rơi vào tình trạng để cho một số thành tựu kinh tế có thể phá huỷ hoặc làm tổn
thương sức mạnh văn hoá và ngược lại.
Trên đây là một vài ý kiến sơ khởi về mối quan hệ qua
lại giữa kinh tế và văn hoá - nghệ thuật. Đã quá ư lạc hậu và lỗi thời rồi, những
quan niệm văn hoá nghệ thuật là xa xỉ phẩm của tầng lớp thượng lưu trong dân chúng.
Văn hoá – nghệ thuật phải có mặt, phải xâm nhập vào mọi khía cạnh khác, mọi mặt
của đời sống xã hội và của con người, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Kinh tế
phát triển phải thúc đẩy sự phát triển văn hoá; cả kinh tế và văn hoá đều có
nhiệm vụ bảo đảm phát triển toàn diện từng con người trong xã hội xã hội chủ
nghĩa. Không phải chỉ có sự phát triển kinh tế ban ơn và bố thí cho sự phát triển
văn hoá.
II. Có hay
không có vấn đề kinh tế trong văn hoá?
Mọi dạng hoạt động văn hoá – nghệ thuật đều ít hay nhiều
đều có ý nghĩa kinh tế và đặt ra các vấn đề kinh tế, cần được cân nhắc và giải
quyết, bởi lẽ mọi dạng hoạt động văn hoá – nghệ thuật đều đòi hỏi một cơ sở vật
chất kỹ thuật nhất định, đều đòi hỏi có sự tham gia của ít hay nhiều người. Nói
như Lê-nin: “Cuộc cách mạng văn hoá đối với chúng ta có những khó khăn không
thể tưởng tượng được, về mặt văn hoá cũng như về mặt vật chất (bởi lẽ, muốn trở
thành những con người có văn hoá thì các tư liệu vật chất của sản xuất phải có
một cơ sở vật chất nhất định). (Lê-nin toàn tập - cuốn 33, trang 488).
Ý nghĩa kinh tế càng lớn, các vấn
đề kinh tế càng phức tạp, với những hình thức hoạt động văn hoá – nghệ thuật sử
dụng những phương tiện kỹ thuật hùng hậu và hiện đại và hướng tới một công
chúng đông đảo hàng triệu người.
Trong các nước xã hội chủ nghĩa chúng ta, văn hoá -
nghệ thuật không còn là chuyện giải trí của một tầng lớp thượng lưu trong xã hội,
mà đã trở thành sự nghiệp tự giác của quần chúng đông đảo, của hàng triệu triệu
người. Cho nên, các vấn đề kinh tế của văn hoá – nghệ thuật xã hội chủ nghĩa đặt
ra cũng to lớn, phức tạp, đòi hỏi phải được xử lý giải quyết một cách thích đáng,
khoa học. Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện
nay, nhiều loại hoạt động văn hoá – nghệ thuật như điện ảnh, vô tuyến truyền hình,
âm nhạc thu vào băng và đĩa, v.v… huy động với một số rất lớn như : trang thiết
bị tối tân và phức tạp, một số đông đảo cán bộ và công nhân kỹ thuật thuộc nhiều
ngành nghề.
Nói chung lại, ở nước ta cũng như ở các nước khác, hoạt
động văn hoá – nghệ thuật, hướng tới quần chúng đông đảo, một mặt huy động một
nguồn tài, vật lực và nhân lực lớn, mặt khác cũng là một nguồn thu hút đáng kể
(chưa khai thác hết), một ngành tạo công ăn việc làm ổn định và thu nhập cao
cho nhiều ngành nghề. Ý nghĩa kinh tế quan trọng của hoạt động văn hoá – nghệ
thuật chính là ở chỗ đó.
Đó là lý do vì sao hiện nay, ở các nước tiên tiến
trong thế giới tư bản chủ nghĩa cũng như xã hội chủ nghĩa, các giới kinh tế học,
cũng như nhiều cán bộ quản lý và hoạt động văn hoá bắt đầu quan tâm và nghiên cứu
một cách nghiêm chỉnh các vấn đề kinh tế trong văn hoá – nghệ thuật. Ở nước ta,
đặc biệt là sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (khoá V), các vấn đề kinh tế
trong văn hoá – nghệ thuật cũng thu hút sự chú ý của Bộ Văn hoá, của cán bộ trực
tiếp quản lý các thiết chế văn hoá nghệ thuật, các văn nghệ sĩ, v.v…
Ở đây cần đề cập đến ngay một loại ý kiến nói rằng “có
một nền kinh tế văn hoá”. Có thể rất ít người nghĩ như vậy, nhưng cần phải phân
tích ý kiến này. Trong xã hội ta, khi quy mô hoạt động văn hoá ngày càng lớn, đụng
nhiều đến vấn đề vật tư, kỹ thuật, đầu tư, chi, thu thì mặt kinh tế có vẻ nổi lên
và làm cho có người nghĩ rằng “có một nền kinh tế văn hoá”. Nếu khẳng định như
vậy thì tức là không có vấn đề văn hoá với nhiệm vụ và mục tiêu của nó, mà các
hoạt động văn hoá chỉ còn là hoạt động kinh tế, văn hoá ấy cũng là một ngành
kinh tế, như kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp và nó chỉ có nhiệm vụ
kinh tế mà thôi. Đây là một sự nhầm lẫn không chấp nhận được. Nếu theo như ý kiến
này thì mọi hoạt động văn hoá, mọi hoạt động nghệ thuật đều phải nhằm kinh
doanh thu lãi và tìm mọi cách thu lãi lớn càng tốt, cũng là hoàn thành nhiệm vụ
tốt (?). Chính do ảnh hưởng của ý kiến này, có nhiều địa phương khi đặt kế hoạch
xây dựng các công trình văn hoá cũng đặt mục đích kinh tế lên hàng đầu, chọn công
trình này có thể có hoạt động thu hồi vốn nhanh và mau có lãi, mà không xem xét
đến nhiệm vụ chính trị của các thiết chế văn hoá là nâng cao đời sống văn hoá
cho nhân dân. Có địa phương ra quyết định chính thức giao chỉ tiêu nộp ngân sách
cho một thiết chế văn hoá (nhà văn hoá) như là một trong những nhiệm vụ chủ yếu
của nó. Và cũng do ảnh hưởng của ý kiến này, mà có lúc các cơ quan có thẩm quyền
giao chỉ tiêu cho các đơn vị nghệ thuật như giao chỉ tiêu cho một đơn vị kinh
doanh, điều đó đã dẫn đến tình trạng có Giám đốc nhà hát, Trưởng đoàn nghệ thuật
khi đi tìm tiết mục cho đơn vị mình chỉ đề ra có một yêu cầu là “ăn khách, bán được
nhiều vé”, còn không cần xem xét gì đến yêu cầu tư tưởng, yêu cầu nghệ thuật ; và
vì thế có một hồi chúng ta đã phải sôi nổi báo động, phê phán ngăn chặn một hiện
tượng gọi là “nghệ thuật thương mại”. Thực ra hiện tượng “nghệ thuật thương mại”
có nhiều khía cạnh cần phân tích. Ở đây chỉ đề cập tới khía cạnh “ý kiến kinh tế”
mà thôi.
Có một loại ý kiến cực đoan khác là “không có vấn đề
kinh tế trong văn hoá”. Văn hoá là văn hoá, bất cứ một hoạt động văn hoá nghệ
thuật nào đều không có vấn đề kinh doanh, không có vấn đề tính toán lỗ lãi.
Trong hoạt động văn hoá, chỉ có vấn đề yêu cầu chính trị, tư tưởng là quan trọng
nhất, “lãi” duy nhất và chủ yếu của hoạt động văn hoá là “lãi về chính trị, tư
tưởng”. Ý kiến này thường dẫn đến một phương châm là phải hoạt động, phải tạo
ra cho kỳ được một sự kiện văn hoá, theo yêu cầu chính trị với “bất cứ giá nào”
– có thể gọi xu hướng này là xu hướng “bất cứ giá nào”.
Xu hướng này sẽ dẫn đến tình trạng có những sự lãng phí
ghê gớm trong hoạt động văn hoá, hoặc là đến chỗ bế tắc không thể nào thực hiện
được bất cứ loại hoạt động văn hoá nào vì không có vật tư và kinh phí.
Đó là một xu hướng cực đoan coi nhẹ, thậm chí phủ định
mọi tính toán kinh tế trong văn hoá nghệ thuật, từ đó nảy sinh ra tệ nạn quan
liêu, bao cấp, tệ lãng phí bừa bãi, chi tiêu bất kể, trong khi cả nước đang phải
tiết kiệm từng đồng một để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã
hội. Phản đối thương mại hoá nghệ thuật, không có nghĩa là coi nhẹ thị hiếu của
công chúng khán giả và thính giả, của nhiều loại công chúng, thuộc giới tính khác
nhau, lứa tuổi khác nhau, nhiều nghề nghiệp khác nhau, nhiều vùng và địa phương
khác nhau.
Nước ta là một nước nghèo đang đi chặng đường đầu đầy
khó khăn gian khổ của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hoạt động văn
hoá nghệ thuật đúng hướng, với một chi phí tối thiểu và hợp lý về nhân tài vật
lực trong một thời gian không lâu sẽ nâng cao nhanh chóng trình độ văn hoá của
quần chúng, bảo vệ và phát huy bản sắc độc đáo của nền văn hoá dân tộc, động viên
những gì là cao đẹp nhất trong nền văn hoá dân tộc đó, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội, giảm bớt những khó khăn bước đi ban đầu. Hoạt động văn hoá –
nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của cuộc cách mạng văn hoá xã hội chủ nghĩa
nói chung. Đó là điều đã được khẳng định. Thế nhưng hoạt động văn hoá – nghệ
thuật ở cấp Trung ương cũng như địa phương, cần được tiến hành một cách có kế
hoạch, theo một trình tự ưu tiên rõ ràng, được các giới lãnh đạo và bản thân các
văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hoá, văn nghệ bàn bạc kỹ, có tính toán khoa
học, có tính toán cả về mặt kinh tế.
Qua những phân tích như trên, chúng tôi đi đến một ý
kiến khẳng định là “có những vấn đề kinh tế trong văn hoá”.
“Có những vấn đề kinh tế trong văn hoá” hoàn toàn khác
với “có một nền kinh tế văn hoá”. Cần bàn thêm một số mặt của vấn đề.
Có các đồng chí ở ngành điện ảnh nêu lên “điện ảnh là
một ngành kinh tế quốc dân”. Đó là điều phải bàn. Quả thực, điện ảnh là một ngành
hoạt động trên cơ sở những thiết bị phức tạp đắt tiền về cơ khí, điện tử, hoá học,
vật lý quang học, v.v… và chi phí những món tiền lớn, thu về những món tiền cũng
rất lớn, các mặt hoạt động của nó liên kết với nhiều ngành, nhiều môi trường rộng
rãi, tác động một cách phong phú tới nhiều mặt đời sống từ thông tin, khoa học
kỹ thuật, giáo dục, xã hội. Một đồng chí trong bộ phận lãnh đạo của Uỷ ban điện
ảnh Nhà nước Liên Xô có nói rằng tổng số lãi thu được của ngành điện ảnh Liên Xô
có thể xấp xỉ tổng số chi quốc phòng của Liên Xô trong ngân sách. Quả thật kinh
tế bao gồm cả vật tư, thiết bị, tài chính quyết định sự sống còn của hoạt động điện
ảnh và điện ảnh cũng có khả năng to lớn trong việc đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Ngành điện ảnh Việt Nam cũng có tổng số thu về hàng năm lớn nhất trong tất cả
các ngành hoạt động của Bộ Văn hoá. Vậy có phải là vì điện ảnh có quy mô kinh tế
lớn mà thành ra một ngành kinh tế quốc dân không ? Có lẽ nên thống nhất là ngành
điện ảnh trước hết là một ngành văn hoá – nghệ thuật. Sản phẩm chính của điện ảnh
là các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh với các thể loại của nó, nhưng vì đặc điểm
công nghiệp trong hoạt động của nó, nên vấn đề kinh tế trong điện ảnh lớn hơn,
phức tạp hơn so với các loại hoạt động nghệ thuật khác, hoặc ta có thể quan niệm
những vấn đề kinh tế trong điện ảnh cần đặt ra như đối với một ngành kinh tế quốc
dân vì nó yêu cầu vốn lớn, đầu tư xây dựng cơ bản lớn, vốn lưu động lớn và các
chính sách chế độ về tài chính bảo đảm tận thu, mở rộng thu kể cả trong xuất nhập
khẩu cũng rất lớn. Chúng tôi thấy nhất thiết không nên coi nó là một ngành kinh
tế, mà nó là một ngành văn hoá – nghệ thuật. Nó phải hoạt động tuân theo những
quy luật đặc thù của văn hoá – tư tưởng, đồng thời tuân theo các quy luật kinh
tế. Nó phải coi hiệu quả xã hội về tư tưởng và nghệ thuật là mục tiêu chủ yếu,
chứ không phải lợi nhuận kinh tế.
Nói “những vấn đề kinh tế trong văn hoá” là vì có nhiều
loại vấn đề kinh tế đặt ra khác nhau trong các dạng hoạt động văn hoá, ở các cấp
văn hoá khác nhau. Ở mỗi dạng và mỗi cấp, cách giải quyết vấn đề kinh tế một khác.
Hướng giải quyết các vấn đề kinh tế trong văn hoá là ở
chỗ tạo ra nguồn vốn và phát triển vốn để bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật và
kinh phí cho hoạt động văn hoá, chứ không phải nhằm kinh doanh có lãi. Các hoạt
động văn hoá hiện nay đều yêu cầu cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng lớn và càng
cao. Nên mỗi hoạt động văn hoá đều phải đạt được cả hai mặt hiệu quả. Một là, sự
tác động về tư tưởng, tình cảm và đời sống tinh thần của nhân dân. Hai là, hiệu
quả kinh tế là hiệu quả của việc sử dụng ở mức độ ngày càng cao các cơ sở vật
chất kỹ thuật và kinh phí, hiệu quả của việc tự mình phát triển cơ sở vật chất
kỹ thuật để cho hoạt động văn hoá có hiệu quả xã hội ngày càng cao hơn, rộng hơn
và sâu hơn. Những chỉ tiêu kinh tế đạt được của các cơ sở hoạt động văn hoá chỉ là những chỉ tiêu chứng minh một số
lượng của hiệu quả xã hội do cơ sở hoạt động văn hoá tạo nên chứ không thể là
những chỉ tiêu cứu cánh của nó, không thể là chỉ tiêu duy nhất hoặc chủ yếu
đánh giá hoạt động của cơ sở.
III. Nội dung
vấn đề kinh tế trong hoạt động văn hoá – nghệ thuật
Về nội dung các vấn đề kinh tế trong văn hoá ở các nước
xã hội chủ nghĩa anh em, hay ít nhất ở Liên Xô được biết, người ta cũng còn đang
thảo luận, trao đổi và có nhiều ý kiến khác nhau :
Có loại ý kiến cho rằng các vấn đề kinh tế chỉ có
trong khu vực sản xuất vật chất, còn ở khu vực thường gọi là khu vực “không sản
xuất”, hay là khu vực “sản xuất phục vụ”, hoặc “khu vực phục vụ” thì còn có nhiều
nghi vấn đặt ra.
Khu vực này có tạo ra thu nhập quốc dân hay không ?
Khu vực này có đặc điểm hoạt động quan hệ người – người trực tiếp, phải chăng là
không tạo ra một giá trị nào cả ?
Có loại ý kiến cho rằng trong khu vực văn hoá – nghệ
thuật chỉ có thể tính toán được mặt chi phí của xã hội đối với các hoạt động này,
không tính được mặt tác dụng xã hội của nó hoặc là đặc thù của việc sản xuất phục
vụ văn hoá xã hội không nhằm mục đích kinh tế mà chỉ nhằm các mục đích văn hoá
xã hội.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng khu vực phục vụ có tạo
ra thu nhập quốc dân (cho các người được phục vụ). Phải tìm cách nghiên cứu đánh
giá bằng tiền các kết quả hoạt động đó.
Có thể tính hiệu quả của lĩnh vực sản xuất phục vụ ở
ba khía cạnh ;
a) Nó nâng cao hiệu quả các ngành sản xuất vật chất.
b) Nâng cao hiệu quả các chi phí vật chất trong lĩnh vực
phục vụ.
c) Nâng cao hiệu quả xã hội của các hoạt động phục vụ.
Người ta thấy nhịp độ tiến bộ xã hội phần lớn phụ thuộc
vào việc phát triển số lượng những người làm việc trong khu vực phục vụ, trên cơ
sở cải tiến, cơ khí hoá và nâng cao năng suất lao động trong khu vực sản xuất của
cải vật chất.
Theo sách “Kinh tế quốc dân Liên Xô 1974” và “Thống kê
học” 1975 thì số lượng những người làm việc trong khu vực không sản xuất vật chất
tăng từ 11,7 % năm 1940 lên 21,3 % năm 1970, trong đó số lượng cán bộ văn hoá
nghệ thuật tăng lên 6 lần. Theo tính toán của một nhà thống kê học Ba Lan tên là
V. Sô-pin-xki thì năm 1970 cứ có 100 người làm việc ở “khu vực sản xuất vật chất”
gồm công nghiệp, nông lâm nghiệp, xây dựng, có một số lượng người làm việc
trong “khu vực không sản xuất vật chất” như sau :
- Ba Lan : 39
; - Tiệp Khắc : 53 ;
- Cộng hoà dân chủ Đức : 73 ; - Cộng hoà Liên bang Đức : 75 ;
- Thuỵ Điển : 81
; - Pháp : 86
;
- Anh : 101
; - Mỹ : 165.
Con số đó ở Việt Nam trong năm 1983, tính chung trong xã hội là 100 và
8,6, riêng trong khu vực Nhà nước là 100 và 54.
Ở đây, chỉ xin hạn chế phạm vi
bàn bạc ở một số khía cạnh thực tiễn là tìm hướng giải quyết mấy quan niệm cụ
thể trong lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật.
Như đã nói ở trên, mọi hoạt động văn hoá, dù là với
quy mô nhỏ, địa phương, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đều đòi hỏi vật tư,
kỹ thuật và sự tham dự của một số ít hay nhiều người. Mọi hoạt động văn hoá đều
đòi hỏi kinh phí và kinh phí đó phải được tính toán, đối chiếu với hiệu quả.
Kinh phí bỏ ra càng lớn thì yêu cầu tính toán kinh tế càng phải cụ thể, chính xác,
có luận chứng khoa học. Không phải ngẫu nhiên mà những ngành hoạt động văn hoá
lớn như điện ảnh, đều đã sớm bố trí một số cán bộ kinh tế chuyên trách, được đào
tạo có hệ thống ở nước ngoài. Chúng tôi tán thành đẩy sâu việc nghiên cứu các vấn
đề kinh tế trong văn hoá – nghệ thuật, nhưng theo chúng tôi, không nên quan niệm
là có một môn học gọi là môn kinh tế - văn hoá, xếp ngang hàng với các bộ môn
kinh tế khác như kinh tế công nghiệp, kinh tế nông nghiệp, kinh tế địa lý, … vì
thực ra không thể có môn kinh tế - văn hoá chung được, mà các vấn đề kinh tế của
mỗi lĩnh vực văn hoá nghệ thuật cần phải được xem xét riêng biệt và khác nhau.
Hiệu quả của một hoạt động văn hoá – nghệ thuật trước
hết phải được xác định bằng quan hệ tỷ lệ giữa hiệu quả thực tế đạt được và hiệu
quả dự kiến, tức là hiệu quả kế hoạch, thể hiện bằng công thức , trong đó h là ký hiệu cho hiệu quả thực tế đạt được và H là
hiệu quả nhiệm vụ hay là hiệu quả kế hoạch. Đại lượng h càng cao thì hiệu quả càng
lớn. Công thức trên cần kết hợp với công thức , ở đây, T chỉ cho chi phí của hoạt động văn hoá – nghệ
thuật cụ thể.
Nói chung lại, chúng ta phải kết hợp sử dụng cả hai công
thức trên đây, mới đánh giá hiệu quả toàn bộ - kể cả hiệu quả kinh tế của một hình
thức hoạt động văn hoá – nghệ thuật nhất định. Chúng ta sẽ tránh được nhìn lệch
một chiều về phía hiệu quả kinh tế, hay là một chiều về phía - hiệu quả xã hội
– chính trị - giáo dục.
Chú ý đầy đủ ý nghĩa kinh tế trong hoạt động văn hoá –
nghệ thuật có nghĩa là phải :
a) Sử dụng một cách tiết kiệm nhất, hợp lý nhất mọi phương
tiện, mọi cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có.
b) Tận thu mọi nguồn thu có khả năng, không để thất
thu.
c) Chi những mục cần phải chi, với tinh thần tiết
kiệm. Tiết kiệm phải được mọi ngành, mọi Bộ quán triệt như là một quốc sách.
d) Xác định rõ ràng một cách có cơ sở khoa học những cơ
sở nào hoạt động phải có lãi, những cơ sở nào Nhà nước phải bù lỗ một phần hay
toàn bộ, những cơ sở nào Nhà nước chỉ phải tài trợ một số vốn ban đầu, sau đó
phải hoạt động có hạch toán, v.v…
Nói sử dụng tiết kiệm nhất, đề cao quốc sách tiết kiệm
không có nghĩa là sử dụng dè sẻn, nhỏ giọt, càng không có nghĩa là cất vào kho,
không sử dụng. Sử dụng tiết kiệm có nghĩa là phát huy tối đa hiệu quả của mỗi đồng
trang thiết bị, mỗi mét vuông nhà cửa, động viên khả năng tối đa của mỗi người,
mỗi cán bộ. Có thể dùng chỉ tiêu quan hệ giữa chi phí trang thiết bị và chi phí
hoạt động để kiểm tra tình hình sử dụng trang thiết bị hiện có của các thiết chế
văn hoá. Hãy tưởng tượng một nhà văn hoá mà vốn xây dựng và trang bị ban đầu tốn
đến hàng chục triệu, mà mỗi tuần hay mỗi tháng chỉ mở cửa một lần. Chúng ta suy
nghĩ thế nào về một Hội trường lớn, nhưng cả một quý cứ đóng cửa im ỉm ! Về một
Thư viện không cho mượn sách, mỗi tuần chỉ mở cửa vài ngày và số người đến đọc
sách cũng lơ thơ, về một Viện bảo tàng không ai đến, về những cơ sở du lịch không
có khách du lịch lai vãng ! Thế thì lấy gì để khấu hao số vốn đầu tư ban đầu, vốn
xây dựng cơ bản cũng như vốn trang thiết bị ? Lấy gì để trang trải lương bổng của
công nhân viên ?
Chi phí hoạt động cao thường có
nghĩa là khai thác và sử dụng trang thiết bị hiện có với tỷ lệ cao, có nghĩa là
phát huy tốt hiệu quả của trang thiết bị. Tuy nhiên, việc phân tích số liệu phải
được bổ sung bằng kiểm tra ở hiện trường.
Đáng tiếc là tệ quan liêu bao cấp hình như lại khuyến
khích các cơ sở và thiết chế văn hoá hoạt động cầm chừng ! Một nhà văn hoá hay
một câu lạc bộ văn hoá, một rạp hát hay rạp chiếu bóng, một đoàn kịch, một thư viện,
một viện bảo tàng, v.v… dù có hoạt động ít hay nhiều, có nhiều hay ít sáng kiến,
hoạt động tại một chỗ hay là đi lưu động, diễn vở cũ hay vở mới, nhiều hay ít vở,
v.v… thì mức chênh lệch trong thù lao và thu nhập cũng không được bao nhiêu, đời
sống của văn nghệ sĩ và cán bộ quản lý cũng không được cải thiện mấy. Do đó các
nhà văn hoá, câu lạc bộ văn hoá cũng như các rạp và đoàn hát, ca kịch, v.v… không
được động viên để làm hết nhiệt tình và khả năng của mình. Các nhà đạo diễn, biên
kịch cũng có một trạng thái tương tự. Không có gì thật sự kích thích họ làm nhiều
hơn, nhất là tìm tòi cái mới, cái sáng tạo. Để có thể cải thiện đời sống của công
nhân viên, văn nghệ sĩ một cách đáng kể, người ta chờ đợi nhiều ở cái gọi là “kế
hoạch ba”, được nhận thức và thực hiện tuỳ tiện, co giãn thậm chí “phi pháp”. Hãy
tưởng tượng một Viện nghiên cứu không lo việc nghiên cứu, hàng mấy tháng, năm
không có công trình khoa học nào đáng kể, nhưng cán bộ nghiên cứu lại sống rất
khấm khá nhờ chiếu phim thuê, nhận làm gia công những sản phẩm thủ công mỹ nghệ,
bán căng-tin ! Trái lại, một Viện nghiên cứu khác mỗi năm có thể xuất bản hàng
chục công trình có tiếng tăm nhưng cán bộ nghiên cứu ở đây sống chật vật vì “không
biết làm kế hoạch ba”.
Trong thời gian qua, việc xuất bản một số sách văn học
hay, các lịch đẹp và sự xuất hiện một số vở kịch thành công như “Nhân danh công
lý”, “Tôi và chúng ta”, “Người cha thô bạo”, đã cho chúng ta thấy một tình hình
là các tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm văn hoá chất lượng cao có khả năng tạo
ra hiệu quả xã hội, chúng ta phải làm sao cho hai mặt hiệu quả phát triển theo
tỷ lệ thuận : có vốn tốt tạo điều kiện có sản phẩm hay. Sản phẩm hay đáp ứng tốt
nhu cầu và thị hiếu của nhân dân tạo nguồn thu lớn. Không nên để nó phát triển
theo tỷ lệ nghịch : Tác phẩm hay, sản phẩm càng đắt tiền thì càng lỗ to. Tác phẩm
rẻ tiền, nhiều điều dở, điều xấu lại tạo nguồn thu lớn.
Nhất là chúng ta nên hạn chế kiểu cố tạo ra sự kiện văn
hoá nghệ thuật “với bất cứ giá nào”, chỉ để đáp ứng một yêu cầu chính trị cụ thể.
Nhưng với việc xoá bỏ tệ bao cấp, quan liêu trong toàn
ngành văn hoá – nghệ thuật, hy vọng chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa.
Chúng ta phải nghĩ tới một cơ chế mới linh hoạt và uyển chuyển, có tác dụng
thật sự hỗ trợ cho sáng tạo và sáng tác, cho việc tìm tòi cái mới, cái độc đáo,
cái phong phú. Một cơ chế bao gồm các đòn bẩy kinh tế và quản lý, pháp chế,
tinh thần, v.v… ; một cuộc cải tiến trong cơ chế quản lý văn hoá – nghệ thuật
thật sự, tương xứng với những thành tích của dân tộc ta trên các lĩnh vực quân
sự và chính trị.
Từ trước tới nay vì không chú ý đầy đủ ý nghĩa kinh tế
của hoạt động văn hoá – nghệ thuật, cho nên không những chúng ta lãng phí nhiều,
không biết sử dụng với hiệu quả cao nhất nhân lực, tài lực, vật lực hiện có, mà
chúng ta còn để thất thu rất nhiều, kể cả thất thu ngoại tệ. Nhu cầu thưởng thức
văn hoá – nghệ thuật, tất nhiên có những nét đặc thù của nó, nhưng nếu được đáp
ứng và thoả mãn thì cũng cần được trả giá xứng đáng và công chúng, kể cả công
chúng nông dân và nông thôn sẵn sàng trả giá. Nhưng vì thói quen, vì tệ nạn
quan liêu bao cấp, vì sĩ diện, cho nên chúng ta lại xem đó như là những dịch vụ
không phải trả tiền hay là chỉ trả tiền tượng trưng ! Trong khi đó, thì các văn
nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, những người đã và đang sáng tạo ra những giá trị,
làm giàu kho tàng văn hoá dân tộc, là niềm tự hào của dân tộc chúng ta lại phải
sống và lao động trong những điều kiện vật chất khó khăn.
Chúng ta cần kiểm kê lại và phân tích mọi khả năng
thu, mọi nguồn thu trong toàn ngành văn hoá – nghệ thuật, kể cả những bộ môn xưa
nay chúng ta không thu một đồng nào, như Bảo tàng, Thư viện, Công viên, Triển lãm,
v.v… Chúng ta nên bỏ thói quen theo con đường mòn, con đường dễ dàng, con đường
của công chức, buổi sáng vác ô đi, đến chiều vác ô về, làm việc không có sáng
kiến. Chúng ta cứ thử suy nghĩ xem, thí dụ trong bộ môn thư viện có nguồn nào
thu không, có cách nào thu không, thu mà người trả tiền phấn khởi, thấy rất có
lợi, hứng thú. Có nên chăng phân loại các sách, báo chí, tư liệu, có loại phổ
thông, không đặc biệt, có nhiều bản thì ai đọc cũng được. Nhưng có bản đọc phải
trả tiền, mà phô-tô-cô-pi lại càng phải trả nhiều tiền nữa. Có loại sách cho mượn
phải trả một số lệ phí nhất định và số lệ phí này tăng theo thời gian mượn sách.
Có những báo, tạp chí mua từ các nước tư bản bằng ngoại tệ, ai muốn khai thác
thì phải trả một số lệ phí nhất định. Tất nhiên, thư viện phải làm một số thủ tục
như quảng cáo về các sách và tạp chí đặc biệt đó, nội dung có bài ảnh gì hấp dẫn
và có giá trị, các tác giả là ai, nổi tiếng hay không, bản thân cuốn sách đó đã
có tiếng vang như thế nào trên quốc tế, v.v… Đối với các viện bảo tàng cũng vậy,
có những gian trưng bày ai vào cũng được và không phải trả tiền và có những
gian vào phải trả một số tiền lệ phí nhất định.
Đối với công viên hay là những thắng cảnh, di tích lịch
sử hay văn hoá cũng vậy. Nếu nói đã vào công viên hay đến một thắng cảnh là mất
tiền thì ai cũng ngại. Nếu nói là vào công viên hay là xem các thắng cảnh không
mất tiền thì ai cũng thích. Nhưng một khi đã
từ xa đến rồi, có một hay một số khu vực có những cảnh quan hay hoạt động hấp
dẫn, bổ ích, người vào phải đóng tiền mới được vào, thì dù là đóng nhiều tiền
người ta cũng sẵn sàng vào. Nếu chúng ta khoanh những khu vực phải trả tiền mới
được vào, nhưng vào trong đó không có gì là hấp dẫn, là đáng tiền, thì người ta
sẽ vào có một lần mà thôi.
Đây là một công việc mới, đòi hỏi phải có sáng kiến và
có đầu óc tổ chức, thậm chí phải có điều tra nghiên cứu, phải làm thí nghiệm.
Thí dụ, có bao nhiêu mức lệ phí và lệ phí bao nhiêu thì vừa ? Và tổ chức như thế
nào, cho một bộ phận quan trọng của số tiền thu đó trả vào ngân sách văn hoá của
Bộ Văn hoá hay là của địa phương. Cơ quan đứng ra trực tiếp tổ chức thu được giữ
lại bao nhiêu trong số tiền thu đó ? Đó là những vấn đề phải được khảo sát,
nghiên cứu làm thí nghiệm. Chúng tôi thấy nên mời Bộ Tài chính cùng tham gia
nghiên cứu vấn đề này. Những vấn đề thực tiễn này cần được xử lý một cách khoa
học.
Các chuyên gia và khách du lịch nước ngoài, hiện đang
công tác hay đang tham quan nước ta cũng là một thị trường quan trọng tiêu thụ
những sản phẩm và dịch vụ văn hoá của ta. Thị trường này chúng ta có khai thác,
nhưng chưa tốt có lẽ vì chúng ta chưa đặt vấn đề nghiên cứu khảo sát một cách
khoa học.
Tất nhiên, chúng ta không thể đề ra một phương châm
chung là mọi hoạt động văn hoá – nghệ thuật, mọi đơn vị và cơ sở hoạt động văn
hoá – nghệ thuật đều phải có lãi, đều phải thăng bằng thu chi. Một quyết định
như vậy cũng quan liêu và thiếu thực tế. Trong tình hình hiện nay không thể bắt
một đoàn hát Tuồng, Chèo, một Đoàn vũ balê hay ôpêra hoạt động có lãi được. Dựng
một vở kịch kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ đòi hỏi nhiều công phu và nhiều
tiền, nhưng không thể diễn nhiều lần một vở như thế. Các sách khoa học và chính
trị thường phải in nhiều, đẹp dù là không bán rộng rãi và bị lỗ. Chúng ta không
thể từ cực đoan quan liêu, bao cấp chuyển ngoặt sang cực đoan khác : coi nhẹ,
thậm chí lãng quên mục đích cao nhất của mọi hoạt động văn hoá – nghệ thuật xã hội chủ nghĩa là cung
cấp những giá trị tinh thần và thẩm mỹ cao đẹp, vượt trên mọi định lượng bằng đồng
tiền nhằm giúp cho con người mới xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện, hài hoà
và cân đối. Chính sách kinh tế đối với các loại hoạt động văn hoá, nghệ thuật,
các cơ sở hoạt động văn hoá nghệ thuật là một chính sách có phân biệt đối đãi.
Chúng ta phải phân loại các cơ sở và hoạt động văn hoá, văn nghệ dưới góc độ
kinh tế và trên quan điểm chung bảo vệ bản sắc dân tộc của nền văn hoá đó, đồng
thời tiếp thu những gì là tốt đẹp nhất, nhân bản nhất trong nền văn hoá của các
nước khác.
Tóm lại, nội dung của vấn đề kinh
tế trong một cơ sở hoạt động văn hoá hay ở một dạng hoạt động văn hoá buộc ta
phải suy nghĩ và tính toán vấn đề :
a) Giải quyết các vấn đề vật tư kỹ thuật, kinh phí
hoạt động bao gồm :
- Vốn tạo ra những cơ sở ban đầu,
- Vốn để cho quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, bổ sung,
- Kinh phí ban đầu và những kinh phí hoạt động thường
xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất bất kỳ.
b) Phát hiện tạo ra những hoạt động có thu, tạo nguồn
thu để đáp ứng những đòi hỏi về kinh phí hoạt động, kinh phí chính sách, tận dụng
các khả năng hoạt động chuyên môn để phát triển nguồn thu, mức thu.
Cả hai mặt tạo vốn, chi và thu đều có tính toán cân nhắc
tìm ra phương thức và mức độ thế nào là hợp lý nhất, là góp phần phát triển chức
năng xã hội của hoạt động văn hoá.
IV. Phân tích
các loại hoạt động văn hoá dưới góc độ kinh tế
Chúng tôi đã trình bày ý kiến để xác định hai quan điểm
:
- Có những vấn đề kinh tế trong các hoạt động văn hoá,
- Quan niệm về nội dung và tính chất vấn đề kinh tế
trong hoạt động văn hoá về số lượng cũng như về chất lượng chứ không phải tính
toán lỗ lãi đơn thuần, tuy rằng về mặt kinh tế, các hoạt động văn hoá cũng phải
có phương thức kinh doanh và hạch toán thích hợp.
Trên cơ sở hai quan điểm trên,
cần phải xác định với nhau thêm một bước nữa về các dạng hoạt động kinh tế
trong các hoạt động văn hoá. Chúng ta đều biết hoạt động văn hoá rất phong phú,
đa dạng. Mỗi loại có kiểu hoạt động kinh tế riêng của mình. Một cửa hàng sách
không thể giống một nhà hát hay đoàn nghệ thuật, lại càng không thể nào giống
một nhà văn hoá hay một thư viện. Cho nên chúng ta phải làm việc liệt kê và
phân loại các dạng hoạt động văn hoá dưới góc độ kinh tế để xem xét phân tích
các vấn đề kinh tế khác nhau. Ta có thể phân loại các dạng hoạt động dưới góc
độ quản lý hành chính, dưới góc độ nghiệp vụ và nghệ thuật, dưới góc độ chức
năng và nhiệm vụ.
1. Các cơ sở sản xuất các loại vật tư văn hoá : Như sản
xuất phim sống, nhạc cụ, mực in, máy ampli, vải lụa, trang trí, son phấn, nói tóm
lại tức là các loại nguyên liệu vật tư trực tiếp phục vụ hoạt động biểu diễn và
sáng tác văn hoá văn nghệ. Chúng tôi phân biệt hai khái niệm “vật tư văn hoá” và
“sản phẩm văn hoá”.
Vật tư văn hoá có nhiều đặc điểm :
- Có loại vật tư chỉ chuyên dùng trong ngành văn hoá và
trong hoạt động văn hoá. Trong loại này cũng có thứ phải dùng nguyên liệu thông
dụng như gỗ, sắt, kim khí, hoá chất, thông thường chỉ có quy cách và quy trình
chế tạo sản xuất là khác. Có thứ vật tư tuy là chuyên dùng của ngành văn hoá,
nhưng trong xã hội cũng có yêu cầu sử dụng rộng rãi và thông thường (như phim ảnh, giấy ảnh, bột màu, bút vẽ) có loại vật
tư tuy là vật tư thông dụng của xã hội như vải, giấy, son phấn, tăng âm, đèn
chiếu sáng nhưng dùng vào hoạt động văn hoá nó lại yêu cầu quy cách chất lượng
riêng biệt hoặc cao hơn.
Vì vậy để giải quyết vấn đề vật
tư, ngành văn hoá phải theo hai hướng :
- Một là tự tổ chức những cơ sở của riêng mình,
- Hai là gia công đặt hàng cho các cơ sở sản xuất của
các ngành kinh tế khác rồi thu mua tổ chức bán lại một cách có kế hoạch cho các
cơ sở trong hệ thống văn hoá. Hoạt động này có tính chất kinh doanh thật sự.
2. Các cơ sở sản xuất các sản phẩm văn hoá – nghệ thuật,
như các xí nghiệp ấn loát, xí nghiệp xuất bản, xí nghiệp sản xuất băng nhạc và đĩa
hát, xí nghiệp sản xuất phim, v.v… từ “sản xuất” ở đây được dùng bởi lẽ, mặc dù
là sản phẩm với tất cả mọi đặc tính văn hoá – nghệ thuật của nó, thế nhưng quá
trình sản xuất hay nhân bản lại mang tính chất công nghiệp hàng loạt. Có những
loại sản phẩm, lúc ban đầu chỉ là sản phẩm sáng tạo của cá nhân hay là một tập
thể tương đối ít người như một cuốn sách, một bức hoạ, một bản nhạc, một điệu vũ,
nhưng nhờ phương pháp công nghiệp sử dụng những phương tiện kỹ thuật hùng hậu và
tối tân, những sản phẩm ban đầu đó được nhân bản hàng vạn, chục vạn, thậm chí hàng
triệu lần. Như vậy là sáng tạo ban đầu, mang tính chất thủ công nghiệp tiếp sau
đó lại được sản xuất hàng loạt mang tính chất công nghiệp hiện đại, giúp cho tác
phẩm tiếp xúc với quần chúng rất đông đảo trong nước và ngoài nước.
Mọi loại sản phẩm khác, ngay từ ban đầu sáng tác, dàn
dựng đòi hỏi có những trang thiết bị tối tân, đồ sộ, đắt tiền và huy động cùng
một lúc nhiều công nhân, kỹ sư và kỹ thuật viên thuộc các ngành khác nhau, không
kể đông đảo những diễn viên chính và phụ, đạo diễn, nhạc trưởng cùng với dàn nhạc,
chủ nhiệm và giám đốc sản xuất ; ví dụ : các loại phim truyện, phim khoa học,
phim tài liệu, các buổi hoà nhạc và biểu diễn văn nghệ hát qua đài truyền thanh
và truyền hình.
Cũng có thể chia các tác phẩm trên thành hai loại, tuỳ
phương pháp sử dụng của người tiêu thụ. Có loại như cuốn sách, tờ báo, băng nhạc,
đĩa nhạc, băng vi-đê-ô thì khách hàng sử dụng được nhiều tự do hơn ; một cuốn sách
chỉ cần mua một lần, rồi để trên giá sách, còn thì đọc lúc nào cũng được, đọc
bao nhiêu lần cũng được. Có băng và đĩa nhạc, băng vi-đê-ô cũng có đặc tính như vậy. Chúng ta có thể gọi đây là loại sản phẩm
văn hoá in. Trong số này, có những loại rất cao cấp, phục vụ cho một đối tượng
hạn chế, chọn lọc, ví dụ : các loại sách triết học, chính trị, khoa học, thơ ca
và nhạc cổ điển, những bức hoạ của nghệ sĩ nổi danh, v.v…
Một loại sản phẩm văn hoá thứ hai có thể là loại sản
phẩm văn hoá biểu diễn như các loại phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học,
các chương trình phát thanh, truyền thanh và truyền hình (phần văn hoá văn
nghệ) nhằm phục vụ một công chúng đông đảo hàng nghìn, hàng vạn, hàng chục vạn
trong một ngày. Thế nhưng, công chúng có một thái độ sử dụng thụ động hơn. Các
rạp chiếu phim nào thì được xem phim ấy, đài phát thanh và truyền hình phát đi
chương trình nào thì được xem chương trình ấy. Công chúng không có quyền đòi
hỏi và lựa chọn. Công chúng chỉ có cái quyền tự do rất hạn chế là đi xem hay
không đi xem, mở hay tắt đài mà thôi. Nói chung, đối với tất cả những cơ sở
“sản xuất” ra các loại sản phẩm in và biểu diễn nói trên, vì xây dựng và trang
thiết bị rất tốn kém nên Nhà nước thường cung cấp một số vốn ban đầu, nhưng một
khi đã được xây dựng và trang bị xong xuôi, khi đã bắt đầu sản xuất thì mỗi cơ
sở như vậy phải có hạch toán, phải thăng bằng thu chi, phải có lãi. Tuy nhiên,
Nhà nước vẫn có thể tài trợ một phần cho một số sản phẩm văn hoá đặc biệt, để
giải quyết một nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục đặc biệt, Nhà nước có thể đặt
hàng sản xuất một số loại sản phẩm như thế (cho các cơ sở sản xuất). Và Nhà
nước sử dụng hoặc phát không hoặc bán rẻ, chịu lỗ ; không nên để các cơ sở chịu
lỗ về những loại sản phẩm như vậy.
3. Các cơ sở biểu diễn và sáng tạo nghệ thuật bao gồm
các rạp và đoàn hát các loại kịch nói, vũ nhạc ô-pê-ra, vũ balê, kịch câm, xiếc,
tạp kỹ.
Các loại cơ sở này cũng có ý nghĩa sản xuất, nhưng mà
là sản xuất sáng tạo, đồng thời có ý nghĩa dịch vụ, nên đứng trên góc độ kinh tế
thì có thể phân loại chúng như sau :
- Có những cơ sở sáng tạo và biểu diễn một loại hình
nghệ thuật mà đông đảo công chúng rất ham thích có khả năng bán vé thu tiền lớn
như xiếc, cải lương, tạp kỹ, nhạc nhẹ, những loại hình nghệ thuật này có thứ Nhà
nước chủ trương khuyến khích phát triển, có thứ không chủ trương khuyến khích
(tuy cũng không cấm).
Đối với các cơ sở như vậy, cần có chính sách tài chính
cụ thể để thực hiện việc khuyến khích và không khuyến khích.
- Có những loại cơ sở phụ trách những loại hình nghệ
thuật cao cấp mà việc sáng tác dàn dựng, đào tạo rất tốn kém khó khăn trong khi
đó công chúng chưa quen biết hoặc chưa ham thích (như ô-pê-ra, balê, giao hưởng,
tuồng, chèo, v.v…).
Đối với các loại này, có loại nhất thiết phải được duy
trì để làm cho bộ mặt nghệ thuật đất nước phong phú, một mặt để chuẩn bị cho những
bước phát triển nghệ thuật cao hơn sau này. Đối với các loại này, Nhà nước cần
có chính sách tài chính thích hợp.
Cũng có loại tuy cần thiết, nhưng vì có những yêu cầu
hết sức cao về kinh tế và kỹ thuật mà tình trạng kinh tế chung của đất nước chưa
giải quyết được thì phải cân nhắc xem nên lập hay không nên lập, dứt khoát không
để xảy ra tình trạng “đẻ mà không nuôi”.
Mỗi loại cơ sở này phải có một phương pháp tính toán
kinh tế phù hợp với đặc điểm hoạt động của nó – Nhưng có điều có thể khẳng định
là các loại cơ sở nghệ thuật này không thể là những cơ sở kinh doanh, các cơ sở
này phải có nhiệm vụ tính toán hiệu quả kinh tế để bảo đảm phát huy cao hơn hiệu
quả xã hội của nghệ thuật. Nhà nước phải có chính sách tài chính cụ thể đối với
từng cơ sở với tinh thần “đỡ đầu” và khuyến khích cho mọi sáng tạo nghệ thuật. Đồng
thời các cơ sở cũng không nên coi nhẹ tính toán kinh tế và không nên chỉ hoạt động
“với bất cứ giá nào”.
4. Các cơ sở dịch vụ, bảo tồn, bảo tàng, các cơ sở làm
chức năng truyền bá và phổ cập văn hoá như : các Viện bảo tàng, nhà Triển lãm,
nhà Truyền thống, Thư viện, nhà đọc sách, báo, v.v…
Tuỳ tình hình, các cơ sở này có thể thu một số khoản lệ
phí nhất định, một mặt để đóng góp vào ngân sách văn hoá chung của Trung ương
hay địa phương, mặt khác để gây quỹ hoạt động cho mình, cán bộ lãnh đạo các cơ
sở này phải là những cán bộ năng nổ, có nhiều sáng kiến, thật sự là những hạt
nhân văn hoá của vùng, của địa phương, không thể làm việc theo kiểu người công
chức cũ, có thái độ buông trôi, thả lỏng để mặc cho quần chúng ai muốn xem thì
xem, không đến thì thôi. Nếu không có những cán bộ hoạt động văn hoá như vậy,
không thể bàn chuyện thu tài chính đối với loại cơ sở này.
Các nhà văn hoá ở các cấp có nhiều
chức năng, có nhiều hình thức hoạt động chính như sáng tác, phổ cập, bảo tồn và
đào tạo, đồng thời lại thường đóng vai trò trung tâm xúc tác văn hoá của địa
phương và vùng, làm nơi tập hợp cán bộ và quần chúng trong những ngày lễ hội có
ý nghĩa chính trị, v.v…
Do có một vai trò như vậy nên các nhà văn hoá nên được
hưởng một quy chế tài trợ riêng, do các cấp chính quyền địa phương quyết định,
tuỳ theo tình hình cụ thể.
5. Các cơ sở kinh doanh có tính chất dịch vụ thương
nghiệp như các loại cửa hàng, cửa hàng sách, văn hoá phẩm, cửa hàng mỹ thuật, mỹ
nghệ, cửa hàng chụp ảnh, cửa hàng sửa chữa các thiết bị văn hoá, v.v…
Những cơ sở này hoạt động theo phương thức thương nghiệp
và dịch vụ - nghĩa là buôn bán lấy lãi và làm thuê lấy công. Các cửa hàng có thể
kinh doanh một mặt hàng hoặc nhiều mặt hàng có tính chất gần nhau. Các cơ sở này
phải có lãi và thu nhập, nhưng phải coi trọng chức năng truyền bá văn hoá. Các
mặt hàng kinh doanh phải bảo đảm tính lành mạnh và tiến bộ, tuyệt đối không biến
các cửa hàng thành những nơi đầu cơ, buôn lậu và buôn bán các hàng phản văn hoá,
vô văn hoá.
Về điểm này, cần bàn thêm một số ý kiến như sau :
Trong đời sống hàng ngày của người dân có rất nhiều
nhu cầu văn hoá cụ thể và phong phú rất cần được đáp ứng, có những mặt hàng như
quyển lịch, tờ tranh, khung ảnh, khung bằng khen, giấy mừng, thiếp mời, đồ mỹ
nghệ trang trí, có nhiều nhu cầu dịch vụ như may quần áo theo thời trang, trang
điểm đầu tóc, mặt mũi, trang trí hộ gia đình (cưới, tang, sinh nhật, liên
hoan). Đó là những nhu cầu phải được đáp ứng với khá nhiều người. Cho nên ở nhiều
đô thị xuất hiện nhiều cơ sở tư nhân đảm nhận việc cung ứng này và có nhiều cơ
sở thu lãi khá. Loại dịch vụ này đáp ứng nhu cầu cá nhân hàng ngày và người có
những nhu cầu này sẵn sàng bỏ tiền mua sắm. Ngành văn hoá ở các cấp nên cố khai
thác nhiều khả năng trong loại dịch vụ này và trong loại dịch vụ này, nếu có đầu
óc kinh doanh nhạy bén năng động, nắm đúng nhu cầu thị hiếu xã hội thì ngành văn
hoá sẽ có một nguồn lãi không nhỏ bù đắp cho các loại kinh phí khác và cải thiện
đời sống.
Ta không thể chấp nhận kinh doanh trong nghệ thuật cũng
như trong nhiều hoạt động văn hoá có yêu cầu tư tưởng, yêu cầu nghệ thuật cao.
Nhưng trong lĩnh vực này lại nên khuyến khích kinh doanh.
6. Các cơ quan nghiên cứu đào
tạo, các trường học, các viện nghiên cứu.
Các trường học văn hoá, văn nghệ các cấp, các loại là
những nơi đào tạo những văn nghệ sĩ có năng khiếu, những nhà hoạt động và quản
lý văn hoá có tài năng, có trình độ. Các Viện nghiên cứu văn hoá các cấp là những
nơi tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học, nhằm vào những chủ đề được sự
quan tâm của giới văn hoá – văn nghệ, ở Trung ương cũng như địa phương, những
chủ đề mà nếu giải quyết tốt và thích đáng, sẽ có tác dụng đẩy mạnh sự phát triển
của toàn ngành văn hoá, văn nghệ nói chung hay của một số ngành nói riêng. Các
trường học, các Viện nghiên cứu cũng thường là những nơi phát xuất những trào
lưu văn hoá, văn nghệ mới, những nơi phát ngôn có trọng lượng đối với các vấn đề
lý luận hay thực tiễn của văn hoá, văn nghệ, đang được tranh luận và bàn cãi.
Các cơ sở này vốn đã có kinh phí theo tiêu chuẩn
chung, nhưng kinh phí đó thường hết sức hạn chế. Trong khi đó chất xám và sức
lao động của các cơ sở chưa được khai thác nhiều. Ở đây có thể có hoạt động kinh
tế nhằm phát huy cao hơn nữa trình độ và khả năng chuyên môn của các cơ sở và tăng
cường khả năng tài chính cho các cơ sở.
Trong mấy năm gần đây, một số Viện nghiên cứu có kinh
nghiệm phối hợp nghiên cứu những đề tài và các công trình của địa phương như tham
gia biên soạn hay làm chủ biên các tập chuyên khảo về địa chí văn hoá, lịch sử
văn hoá, các bộ sưu tầm về văn hoá dân gian, v.v… Đó là những kinh nghiệm tốt vừa
nâng cao uy tín của các Viện và các Trường, vừa giúp các địa phương làm những
việc mà tự các địa phương làm không được, vừa tăng nguồn thu nhập chính đáng
cho các Viện và Trường.
Theo một cách phân tích khác, các hoạt động văn hoá được
phân loại theo chức năng là :
1. Sáng tạo và sáng tác (création).
2. Phổ cập (diffusion).
3. Bảo tồn (conservation).
4. Đào tạo nghiên cứu (formation).
Cách phân loại này làm nổi bật các chức năng nào có thể
đảm bảo nguồn thu lớn nhất và ngày càng lớn và những chức năng nào tuy rằng hết
sức cần thiết nhưng chỉ có chi nhiều và thu không được bao nhiêu. Cách phân loại
này giúp chúng ta có một định hướng chiến lược về chi và thu trong lĩnh vực văn
hoá nghệ thuật, tránh được cái tệ thu chi “cò con”, “nhỏ giọt” của lối làm ăn
tiểu nông xưa nay chúng ta thường quen nói, đồng thời cũng tránh được cái tệ
quan liêu bao cấp, có “xin” mới “chi” và cắt các khoản chi một cách tuỳ tiện, còn
thu thì càng nhiều càng hay, bất kể là thu hợp lý hay không.
Rất rõ ràng, trong bốn chức năng trên thì chức năng phổ
cập không những có ý nghĩa rất quan trọng về mặt văn hoá, giáo dục và tư tưởng,
bởi vì không những nó đảm bảo các sản phẩm văn hoá và dịch vụ văn hoá tiếp xúc
với công chúng đông đảo, mà còn có ý nghĩa kinh tế hết sức quan trọng. Bởi vì, đây
là lĩnh vực có thể làm ăn theo kiểu công nghiệp, theo kiểu hàng loạt và do đó,
có thể dùng những phương tiện và phương pháp công nghiệp, đặc biệt là những thành
tựu hiện đại điện tử và vi điện tử, cũng như những thành tựu khoa học hiện đại
khác. Rõ ràng trong lĩnh vực này phải tranh thủ cái hiện đại nhất, tranh thủ làm
lớn. Bởi lẽ dễ hiểu là càng hiện đại, càng làm lớn, làm nhiều thì càng có tiền,
càng kinh tế, đấy là không kể kỹ thuật hiện đại đã đảm bảo được đầy đủ tính thẩm
mỹ của tác phẩm, của dịch vụ biểu diễn. Một máy ampli tốt, một kỹ thuật âm
thanh tối tân không những đảm bảo một bản nhạc một lúc đến tai hàng triệu người
nghe mà điều quan trọng hơn là phương tiện kỹ thuật hiện đại ghi nhận và phản ánh
trung thực lời ca, giọng hát, tiếng đàn của nghệ sĩ biểu diễn. Trong lĩnh vực này,
đầu tư một đồng có thể thu lãi hàng chục đồng, hàng trăm đồng.
Một cuốn sách hay in hàng chục vạn bản và được dịch ra
nhiều thứ tiếng. Một đĩa nhạc hoặc một băng nhạc hay cũng có thể nhân lên nhiều
bản như vậy và tiếp xúc với công chúng rất đông đảo thông qua sự tiếp vận của vệ
tinh nhân tạo, một buổi hoà nhạc xuất sắc có thể một lúc đến với hàng trăm triệu
người, trên nhiều châu lục. Lĩnh vực phổ cập, đồng thời cũng là lĩnh vực tạo ra
nhiều công ăn việc làm nhất không những cho văn nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn,
mà còn cho kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân thuộc nhiều ngành nghề khác có liên
hệ ít hay nhiều đến hai ngành phát thanh và truyền hình. Nghĩa là một lĩnh vực
tạo ra nhiều nguồn thu nhập nhất, số thu nhập lớn nhất, kể cả thu ngoại tệ, tạo
ra nhiều công ăn việc làm nhất kể cả lĩnh vực này mạnh có hỗ trợ cho cả ba lĩnh
vực kia, đồng thời cùng phát triển mạnh, đặc biệt là lĩnh vực sáng tác.
Tất nhiên, đã thu nhiều thì phải chi nhiều, nhất là lúc
ban đầu, nhưng một đồng chi ra trong lĩnh vực này có thể kéo lại hàng chục đồng
thu, nếu không hơn nữa. So với lĩnh vực kia, thì đây là lĩnh vực đầu tư có lợi
nhất.
Qua sự liệt kê và phân loại như trên, ta có thể phân tích
thêm các dạng hoạt động kinh tế trong các loại hoạt động văn hoá như sau :
- Có những cơ sở hoạt động văn hoá mang tính sản xuất,
sản phẩm là những vật tư dùng cho ngành văn hoá hoặc những sản phẩm văn hoá là
những tác phẩm được sản xuất hàng loạt để truyền bá rộng rãi,
- Có những cơ sở hoạt động mang tính sản xuất, nhưng là
sản xuất sáng tạo, sản phẩm là những tác phẩm được biểu diễn bằng bản thân các
nghệ sĩ tiếp xúc thẳng với đông đảo công chúng,
- Có cơ sở hoạt động văn hoá mang tính dịch vụ và thương
mại, nhằm phân phối, tiêu thụ truyền bá các giá trị văn hoá và nghệ thuật,
- Có những cơ sở hoạt động văn hoá có thể có các hình
thức hoạt động kinh tế như thu lệ phí, dùng khả năng chuyên môn dịch vụ và các
hình thức liên kết hợp đồng để mở rộng hoạt động với các cơ sở xã hội khác,
- Cũng có những cơ sở hoạt động văn hoá mà các vùng hoạt
động kinh tế mang nhiều tính chất : vừa sản xuất vừa dịch vụ, thương mại, vừa lệ
phí như các nhà hát, các nhà văn hoá, v.v…
Đó là một đặc điểm nổi bật của hoạt động kinh tế trong
văn hoá. Nhưng hoạt động văn hoá là một hoạt động có tính đặc thù. Trong xã hội
xã hội chủ nghĩa, các hoạt động văn hoá đều phải có kế hoạch nhằm bồi dưỡng những
tư tưởng lành mạnh cao đẹp tình cảm và xây dựng thế giới tinh thần, môi trường
xã hội, cảnh quan văn hoá một cách tự giác tập trung vào mục tiêu xây dựng con
người mới xã hội chủ nghĩa. Do vậy, các hoạt động văn hoá làm chức năng xã hội,
đều nhằm đạt hiệu quả chính trị, tư tưởng và nghệ thuật có định hướng. Hoạt động văn hoá là một lĩnh vực được
quản lý có điều khiển, không chấp nhận bất cứ một hiện tượng tự phát nào và
không có sự điều tiết tự nhiên nào. Sự quản lý điều khiển thông minh và đúng
đắn là sự điều khiển nắm chắc được các quy luật vận động khách quan trong đời
sống và sự phát triển các nhu cầu văn hoá, các thị hiếu nghệ thuật, thẩm mỹ, sự
biến động và tâm lý của các vùng, các tầng lớp nhân dân. Cho nên các vấn đề
kinh tế, văn hoá xã hội chủ nghĩa phải được giải quyết theo những nguyên tắc
nhất định như sau :
1. Các cơ quan Nhà nước phải là
người có trách nhiệm lớn nhất trong việc đầu tư, bảo trợ cho các hoạt động văn
hoá sáng tạo, đồng thời Nhà nước có thể huy động sự tham gia đóng góp của nhân
dân theo một thể chế nhất định.
Hoàn toàn không thể để mặc cho các cơ sở hoạt động văn
hoá tự xoay xở, tự túc trong các hoạt động của mình được.
2. Các cơ sở hoạt động văn hoá đều phải có trách nhiệm
về hai mặt hiệu quả của mình là “hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế”. Hiệu quả
kinh tế là nhằm phát huy cao nhất hiệu lực của cơ sở vật chất kỹ thuật và tài
chính có thể có để nâng cao hiệu quả xã hội của hoạt động văn hoá. Phải có phương
thức thu hút sự đóng góp của nhân dân một cách gián tiếp (qua việc bán sản phẩm
văn hoá, bán vé và thu lệ phí) một cách hợp lý với khả năng thanh toán của nhân
dân. Tuyệt đối không hoạt động kinh tế theo lối thu càng nhiều lãi càng tốt, nhưng
cũng không bỏ qua một khả năng thu nào và cũng không hoạt động theo kiểu “bất cứ
giá nào”.
3. Mỗi hoạt động văn hoá có một kiểu hoạt động kinh tế
khác nhau.
Nhà nước cần xác định các chính sách tài chính một cách
có hệ thống phù hợp với các dạng hoạt động kinh tế trong các hoạt động văn hoá để
đảm bảo nguyên tắc 1 và nguyên tắc 2, không thể áp dụng nguyên xi các thể chế tài
chính với các cơ sở văn hoá (kể cả các cơ sở sản xuất vật tư) như đối với cơ sở
sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế.
4. Phải triệt để vận dụng phương châm “Nhà nước và nhân
dân cùng làm” theo công thức nhân dân tham gia đóng góp như sau :
a) Nhân dân trực tiếp đóng góp vật tư, lao động, tiền
của, để xây dựng các công trình văn hoá, các thiết chế văn hoá.
b) Nhân dân đóng góp gián tiếp
(mua vé, nộp lệ phí, mua sản phẩm văn hoá để thoả mãn nhu cầu của mình) mà làm
giàu cho vốn hoạt động văn hoá.
c) Nhân dân đóng góp sức lực, trí tuệ và khả năng sáng
tạo để tạo nên những hoạt động, những sinh hoạt văn hoá ở cơ sở.
Cần tính toán và thể chế hoá sự đóng góp này sao cho
phù hợp với sức của nhân dân, được lòng dân. Cần chống mọi hiện tượng lạm dụng.
V. Mấy nguyên
tắc về giá cả trong văn hoá
Vấn đề giá cả trong văn hoá là một vấn đề cực kỳ phức
tạp và khó khăn. Như ta đã biết, trong các dạng hoạt động văn hoá có một dạng
hoạt động rộng rãi, rất phổ biến ở nhiều đoạn, nhiều chỗ, đó là hoạt động phân
phối lưu thông để truyền bá và tiêu thụ các giá trị văn hoá. Những giá trị này
có thứ là hàng hoá vật thể, có thứ không là hàng hoá hay là chi phí hàng hoá.
Nhưng hàng hoá vật thể như cuốn sách, tờ tranh, đĩa hát, v.v… còn những thứ phi
hàng hoá như xem biểu diễn, nghe âm nhạc, xem triển lãm, dự lễ hội, vui chơi. Có
thứ hàng hoá vật thể nhưng lại được tiêu dùng bằng cách khai thác ở đó những giá
trị nghệ thuật văn hoá được truyền bá như máy truyền hình, máy quay đĩa, máy
ghi âm, v.v… Tuy vậy cũng có thể thấy có mấy loại giá cả :
- Giá cả của sự sáng tạo tức là giá bản quyền, nhuận bút
cho tác giả, các giá thù lao cho những đạo diễn, diễn viên,
- Giá cả các sản phẩm văn hoá
dưới hình thức văn hoá và phi hàng hoá,
- Giá cả các loại dịch vụ văn hoá,
- Giá cả các loại lệ phí mà công
chúng đóng khi thăm viếng hay khi tham dự những công trình, những thiết chế có
nội dung hay có hoạt động văn hoá.
Về giá cả của sự sáng tạo, phải
có cách tính toán phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo. Giá này không phải
chỉ để hồi phục sức lao động mà là để hồi phục và phát triển sức sáng tạo, sức
lao động sáng tạo đồng thời để bù đắp chi phí vật tư cần cho sự sáng tạo, đặc
biệt đối với nghệ thuật tạo hình. Giá cả này nằm trong chế độ bản quyền, nhuận
bút và nằm trong cả quyền lợi tác giả được hưởng khi tác phẩm của mình được
tiêu thụ đơn chiếc hoặc hàng loạt.
Từ trước, ta chưa tính đến đoạn thứ hai – cho nên nhạc
sĩ có hài hát hay hoặc bản nhạc hay là hàng triệu người muốn nghe và được nghe
thì cũng được hưởng nhuận bút như tác giả một bài hát có khi hát năm ba lần rồi
thôi. Tác giả bức tranh được triển lãm, được hưởng một số tiền gọi là “nhuận
treo” giá trị có khi chỉ bằng 1/100 chi phí tác giả bỏ ra mua sắm vật tư làm thành
bức tranh, sau đó bức tranh có thể được tiêu thụ, có thể không, và nếu cơ quan
chỉ đạo triển lãm động viên sáng tác thì sau khi triển lãm không tiêu thụ được
bởi không có người tiêu thụ. Các nghệ sĩ không thể nào khôi phục được sức lao động
sáng tạo, hồi phục được vốn để tiếp tục sáng tạo. Phải nói rằng nghệ sĩ của ta
có nhiệt tình tuyệt vời, vẫn khắc phục mọi khó khăn để sáng tạo.
Đối với các tác giả như biên kịch, đạo diễn sân khấu và
điện ảnh cũng có những vấn đề đã khó tính toán như vậy.
Nói chung, chế độ nhuận bút còn nhiều nhược điểm, khuyết
điểm chưa khắc phục được.
Đây là một chuyên đề lớn mà phương hướng nghiên cứu giải
quyết là phải làm sao cho các nghệ sĩ tài năng chuyên nghiệp có thể sống bằng sự
tiêu thụ tác phẩm do đó phải có chính sách bản quyền, nhuận bút thích đáng, lại
phải có chính sách tiêu thụ thích hợp. Chính sách tiêu thụ phải do chính sách
nghệ thuật của Đảng quy định.
Về loại giá cả các sản phẩm văn hoá, thì thứ giá cả các
sản phẩm văn hoá được truyền bá bằng đường phi hàng hoá phải được nghiên cứu tính
toán đầy đủ và hợp lý. Đó là các giá xem phim, xem biểu diễn, nghe ca nhạc,
v.v… Nếu tính toán một cách đơn giản thì ta có thể thấy hoạt động biểu diễn và
chiếu phim có ba loại chi phí :
- Loại chi phí cho vật tư, nguyên liệu, cơ sở vật chất
kỹ thuật như trang phục, trang trí, tiền thuê (hoặc khấu hao) nhà hát, tiền điện,
ánh sáng (âm thanh, nhiệt độ, nhạc cụ hoặc tiền thuê phim, khấu hao máy móc),
- Loại chi phí trả tiền tác giả, đạo diễn, hoạ sĩ, nhạc
sĩ, v.v… (tiền này trong phim thì nằm cả trong tiền thù lao thuê phim cho nhân
viên hậu đài, bảo vệ, bán vé, quảng cáo, in chương trình, v.v…),
- Tiền bảo đảm vận chuyển, bảo đảm bất trắc, tiền thu
trội (lãi) để bù đắp vào vốn cơ bản cho đơn vị.
Như vậy nếu tính riêng chi phí cho từng buổi biểu diễn
cũng khó tính, tính gộp một thời gian hay một chương trình tiết mục rồi chia
cho buổi diễn, lấy đó làm cơ sở tính giá vé cũng không được vì có buổi diễn ở
nhà hát nhiều chỗ ngồi, có buổi diễn ở nhà hát ít chỗ ngồi.
Đối với loại giá cả các sản phẩm văn hoá thành hàng hoá
thì tương đối dễ tính hơn.
Giá cả các dịch vụ, các lệ phí cũng có những chi tiết
phức tạp khó tính toán hoặc không tính được.
Sau khi xem xét một vài khía cạnh còn đơn giản như trên,
có thể đi tới mấy nhận xét như sau :
1) Vấn đề giá cả trong văn hoá, ở trong xã hội tư bản
hoàn toàn do sự điều tiết của thị trường quyết định. Có những tên trùm tư bản nắm
quyền hành kinh tế tuyệt đối trong tay, thao túng và điều khiển mọi hoạt động văn
hoá qua các biện pháp kinh tế, có kết hợp với các biện pháp khủng bố và lừa mị.
Giá cả trong lĩnh vực văn hoá không ổn định và biến động theo sự điều khiển của
các nhóm trùm tư bản. Các nhà xuất bản lớn, các tên cai thầu văn hoá có thể ổn định
các chính sách giá cả theo lợi ích của chúng và đều nhằm thu lợi nhuận tối đa.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, toàn bộ hệ thống giá cả
trong các lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật đều phải do Nhà nước định đoạt và quản
lý theo những chính sách xã hội chủ nghĩa của mình đồng thời cũng phù hợp với
quy luật và hoàn cảnh khách quan. Phương pháp tính toán giá cả trong văn hoá của
xã hội xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không giống chút nào phương pháp tính toán giá
cả trong xã hội tư bản.
2) Chính sách giá cả trong văn hoá ở xã hội ta đều phải
theo những nguyên tắc sau :
a) Phải cân nhắc tính đặc thù của lao động sáng tạo,
phải trả giá cho lao động sáng tạo tương xứng với giá trị của nó và với một
quan tâm sâu sắc đến điều kiện sống của nghệ sĩ, điều kiện lao động của nghệ sĩ,
tạo điều kiện bồi dưỡng sức lao động và phát triển khả năng sáng tạo của nghệ sĩ.
b) Nhà nước phải gánh chịu phần chi phí chủ yếu theo mục
đích chính trị cần có của các hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Có những hoạt động
văn hoá nghệ thuật, Nhà nước đầu tư toàn bộ, nhân dân được hưởng thụ không phải
trả tiền. Có những loại sản phẩm văn hoá, Nhà nước phải chịu một phần lớn hay
nhỏ sự chi phí, còn nhân dân chịu một phần (qua giá vé) không thể đánh đồng đều
giá cả các sản phẩm văn hoá như nhau.
c) Phải hết sức quan tâm tính toán đầy đủ mọi chi phí để
biết rõ hiệu quả kinh tế của hoạt động văn hoá, không thể nào chi phí vô tội vạ,
và cái gì cũng “cho không”, cái gì cũng ban ơn, bố thí. Trong cuộc sống, nhân dân
luôn luôn sẵn sàng trả giá cho những hưởng thụ văn hoá của mình, nếu quả sự hưởng
thụ văn hoá cần thiết và hấp dẫn.
d) Khi tính toán các giá cả, phải cân đối với khả năng
thanh toán của nhân dân lao động có thu nhập trung bình.
Đó là 4 điều có thể nêu lên, đề nghị làm nguyên tắc
cho những cơ quan nghiên cứu chính sách giá cả trong văn hoá. Thật ra vấn đề này
cần có nhiều chuyên đề cụ thể hơn nữa.
VI. Mấy ý kiến
về phương hướng tiếp tục
Cuộc Hội nghị nghiên cứu này chỉ
là một bước mở đầu và đặt vấn đề. Việc nghiên cứu các “vấn đề kinh tế trong văn
hoá” cần phải được tiếp tục tiến tới sâu hơn. Có thể nêu những nhiệm vụ và phương
hướng tiếp tục nghiên cứu (và đồng thời cũng là những nét lớn của một chương
trình nghiên cứu) như sau :
1. Xác định vị trí và nội dung của kế hoạch phát triển
văn hoá (chủ yếu là văn hoá – nghệ thuật) trong kế hoạch kinh tế xã hội của Nhà
nước, gồm một hệ thống chỉ tiêu kế hoạch. Hệ thống chỉ tiêu này là căn cứ để đánh
giá sự phát triển văn hoá và những chỉ tiêu kế hoạch. Đồng thời xác định vị trí,
nội dung, khoản mục của văn hoá – nghệ thuật trong các danh mục của ngân sách
Nhà nước. Việc này là trách nhiệm của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính.
Nhưng việc nghiên cứu có thể vẫn được tiến hành ở Viện Văn hoá và có sự giúp đỡ,
bảo trợ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính.
2. Tiếp tục khảo sát để có thể liệt kê và phân loại đầy
đủ, chính xác hơn các dạng hoạt động kinh tế nằm trong các loại hoạt động văn
hoá như báo cáo này sơ bộ nêu lên :
- Loại hoạt động sản xuất vật tư văn hoá,
- Loại hoạt động sản xuất sản phẩm (để truyền bá) văn
hoá,
- Loại hoạt động sản xuất sáng tạo các sản phẩm nghệ
thuật biểu diễn,
- Các loại dịch vụ văn hoá,
- Các loại lệ phí văn hoá,
Từ đó phát hiện các khả năng phát triển hoạt động kinh
tế, các loại cơ chế kinh tế phù hợp với tính chất hoạt động văn hoá, để có thể
kiến nghị những chính sách tài chính của Nhà nước đối với từng loại hoạt động văn
hoá, kiến nghị các phương thức hoạt động kinh tế và phương thức, hình thức hoạt
động kinh tế trong mỗi dạng hoạt động văn hoá nhằm đạt 2 yêu cầu :
- Bảo đảm cho ngành văn hoá tạo nguồn vốn, phát triển
vốn để tự giải quyết cho mình những yêu cầu vật tư, kỹ thuật, tài chính nhằm phát
triển hoạt động, phát triển cơ sở vật chất,
- Bảo đảm cho ngành văn hoá sử dụng tốt nhất các loại
vốn vật tư kỹ thuật tài chính có trong tay (do Nhà nước cấp và do ngành tạo ra)
để nâng cao hiệu quả xã hội của các hoạt động văn hoá xã hội.
Cần khảo sát chuyên đề sâu các mặt kinh tế của một số
loại cơ sở văn hoá khác nhau như :
- Một nhà xuất bản,
- Một nhà văn hoá,
- Một nhà hát,
- Một xí nghiệp phim.
Rồi tiến tới một công viên, một thư viện, một bảo tàng,
v.v… để có những số liệu tư liệu cụ thể chứng minh các vấn đề có ý nghĩa quy luật
của vấn đề kinh tế.
3. Nghiên cứu các loại giá cả, kể cả giá cả vật tư, giá
sản phẩm, chính sách chế độ bản quyền, nhuận bút, thù lao, các loại giá vé, giá
các loại dịch vụ, giá các lệ phí. Đặc biệt cần đi sâu nghiên cứu lý luận và thực
tiễn các loại giá trả cho lao động sáng tạo (bản quyền nhuận bút, thù lao và giá
vé các loại biểu diễn, trình diễn (phim, sân khấu) rồi đến các loại giá dịch vụ
- trên quan điểm bảo đảm phát huy cao độ chức năng xã hội của văn hoá – nghệ
thuật, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc sáng tạo nghệ thuật và truyền bá
văn hoá đến đông đảo nhân dân lao động.
Về phương hướng này có thể có một loạt chuyên đề hẹp để
đi sâu, đồng thời có sự phân tích để phát hiện các vấn đề cơ chế có ý nghĩa quy
luật vận động của kinh tế trong văn hoá.
Vấn đề kinh tế trong văn hoá là một vấn đề mới mẻ, không
những thế lại là vấn đề có nhiều yếu tố khó tính toán, nhiều mối tương quan lắt
léo.
Các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng còn đang tổ chức việc nghiên cứu và cũng đang cần xác định phương pháp luận, tuy rằng có một số vấn đề cụ thể, các nước anh em đã có kinh nghiệm tốt. Lần này chúng tôi cứ mạnh dạn đặt ra một số vấn đề mong được sự đóng góp ý kiến của nhiều đồng chí, để mở đường cho việc nghiên cứu tiếp tục sâu hơn, kỹ hơn.
(Trích Trần Độ tác phẩm, Tập III, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng còn đang tổ chức việc nghiên cứu và cũng đang cần xác định phương pháp luận, tuy rằng có một số vấn đề cụ thể, các nước anh em đã có kinh nghiệm tốt. Lần này chúng tôi cứ mạnh dạn đặt ra một số vấn đề mong được sự đóng góp ý kiến của nhiều đồng chí, để mở đường cho việc nghiên cứu tiếp tục sâu hơn, kỹ hơn.
(Trích Trần Độ tác phẩm, Tập III, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét