Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Vài kinh nghiệm công tác thương binh



Về tổ chức săn sóc và bảo đảm quyền lợi cho thương binh

1- Từ hỏa tuyến về có các trạm cấp cứu và tải thương, ở các trạm nên tổ chức như sau:


a) Có cán bộ phụ trách chu đáo, có cấp dưỡng luôn luôn có nước nóng, có đường, có cháo, có sữa sẵn sàng. Anh em về qua là được uống nước ngay. Về phương diện quân y có những thứ thuốc tiêm cần kíp cho thích hợp từng trạm.

b) Có cả nước nóng để rửa mặt, rửa tay sạch sẽ.

c) Trước khi xuất trận, anh em thường để chăn ở nhà nên tập trung ở mỗi đại đội vài ba chục cái chăn (hoặc lấy chăn chiến lợi phẩm) để sẵn ở các trạm. Khi anh em về, ai rét quá hoặc quần áo rách nhiều hãy khoác tạm một cái.

2- Gần đến ngày đánh nhau, quản trị đại đội phải thanh toán tiền ăn hàng ngày cho anh em. Quần áo, chăn màn của anh em trước khi đi, nên gói từng gói có đề tên. Khi được tin đồng chí nào bị thương, lập tức quản trị gói riêng tiền kèm theo bản thanh toán, quân trang. Sau đó cử người đem hỏa tốc đến đội điều trị. Như thế rất nhanh và khỏi dây dưa.

Về nội dung công tác chính trị trong các trạm tải thương và các đội điều trị
Một bản ở Mường Phăng. Ảnh: Trần Độ

1- Chủ yếu là bảo đảm giữ vững quyết tâm đề cao tin tưởng cho anh em, phải liên hệ với Tham mưu Chính trị, luôn báo tin về kết quả trận đánh, về tin tức của đơn vị lập công ra sao? Phổ biến kịp thời ý nghĩa chiến thắng. Liên hệ rõ để các anh em thấy rõ phần công trạng của mình. Nhất là đối với những anh em bị thương sớm từ lúc xuất kích hay trước khi mở đột phá khẩu.

2- Bảo đảm vinh dự của người bị thương, tránh tình trạng chê bai vết thương, luôn luôn có thái độ tôn trọng các vết thương bất kỳ nặng nhẹ. Phải quan niệm mỗi giọt máu đó đều vì nhân dân, Tổ quốc mà đổ.

3- Phải kiên nhẫn giải thích những lý do và kỷ luật chuyên môn, yêu cầu thương binh không nên nói dối quanh. Trình độ tự giác của chiến sĩ ta bây giờ rất cao, chỉ cần giải thích kỹ, ví dụ tại sao không được uống nước, tại sao không nên ăn thịt, v.v…

4- Các cán bộ, các nhân viên luôn luôn nêu cao tình thương yêu giai cấp, biểu lộ một tinh thần săn sóc tận tụy, nhưng luôn luôn truyền đạt kịp thời và tự động sự quan tâm và săn sóc của nhân dân, của cấp trên, v.v… để thương binh luôn thấy mình ở trong một đại gia đình cách mạng.

TRẦN

(Báo Quân đội Nhân dân, số 138, ngày 31/3/1954)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét