Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Anh hùng và chân lý


Viết nhân dịp Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam 12-1973.


Đất nước ta đã trải qua một chặng đường lịch sử cực kỳ quan trọng đối với đời sống của dân tộc và nhân dân ta, quân đội ta cũng đã giành được một thắng lợi hết sức vĩ đại.



Trong thắng lợi ấy, nhân dân ta, quân đội ta đã sản sinh ra anh hùng của chúng ta – tinh hoa của dân tộc anh hùng – tiêu biểu cho ý chí, tình cảm, đạo đức và phẩm chất vô cùng cao đẹp của nhân dân ta và quân đội ta.

Chúng ta tự hào với đất nước ta, dân tộc ta và quân đội ta bao nhiêu, thì chúng ta lại càng tự hào với anh hùng của chúng ta bấy nhiêu. Anh hùng của chúng ta đã trở thành niềm tự hào chung của loài người, giữa lúc lịch sử loài người đang đứng trước những vấn đề cấp bách và nóng hổi của thời đại. Anh hùng của chúng ta còn là hiện thân của niềm tin và hy vọng, của tự do và công lý, của nhân phẩm và lương tri, của đấu tranh và chiến thắng, của con người chân chính.
Chính vì lẽ đó, đã có một người bạn sống rất xa đất nước của chúng ta lại ước muốn: sau một đêm ngủ dậy được trở thành người Việt Nam! Ước muốn trở thành người Việt Nam là để sống với những sự tích anh hùng của chúng ta, mà sự tích ấy đã từng rung động bao nhiêu con tim trên khắp mặt địa cầu. Ước muốn đó cũng còn là để tìm xem cái nguyên nhân nào, cái mục đích nào, đã làm cho nhân dân và quân đội ta có anh hùng.
Chúng ta “có anh hùng là vì có Đảng anh hùng, có dân tộc anh hùng, có quân đội anh hùng” như Bác Hồ kính yêu đã nói. Đó là cái nền tảng sản sinh ra anh hùng của chúng ta.
Nói đến anh hùng là tất nhiên phải có sự cống hiến và hy sinh. Vậy cái mục đích nào để anh hùng của chúng ta cống hiến và hy sinh? Cái mục đích để anh hùng của chúng ta cống hiến và hy sinh là độc lập, tự do và hạnh phúc. Mục đích đó cũng là mục đích của đỉnh cao cuộc sống của dân tộc ta mà hàng nghìn đời nay lịch sử đất nước đã tắm bằng máu đào để vươn lên.
Độc lập, tự do, hạnh phúc vừa là mục đích, vừa là lẽ sống của dân tộc ta, vừa là lý tưởng anh hùng của chúng ta. Một người sống anh hùng khi có một lý tưởng anh hùng. Một dân tộc anh hùng cũng vì lẽ sống anh hùng của dân tộc. Lẽ sống anh hùng của dân tộc ta là độc lập thật sự, tự do thật sự, hạnh phúc thật sự. Chúng ta phải nhấn mạnh chữ thật sự, bởi vì kẻ thù của chúng ta rất sợ cái lẽ sống chân chính sáng ngời của dân tộc ta. Chúng đã cố phun khói mù hòng che lấp và lẫn lộn trắng đen hòng đánh lừa mọi người chịu làm nô lệ.
Mục đích độc lập, tự do, hạnh phúc đã có từ khi dân tộc ta mới hình thành, và mục đích ấy đã được thử thách qua mấy nghìn năm lịch sử, được thử thách trên sóng nước Bạch Đằng, được thử thách trong tiếng “Sát Thát”, được thử thách trong tiếng vó ngựa thần tốc đánh quân Thanh… Nhưng cho đến thời đại của chúng ta – Thời đại Hồ Chí Minh quang vinh – độc lập, tự do, hạnh phúc mới thật sự trở thành lẽ sống duy nhất, lý tưởng cao đẹp, chân lý sáng ngời của nhân dân ta, của anh hùng chúng ta.
Những sự tích của anh hùng chúng ta hôm nay phản ánh chân lý đơn giản và sáng ngời, đồng thời cũng là tấm gương chiếu yêu soi rõ những luận điệu xảo trá, những hành động gian ngoan, xảo quyệt của kẻ thù. Những sự tích anh hùng đó cũng chính là những lý giải rõ ràng nhất, sinh động nhất cái lẽ sống. Anh hùng của ta là anh hùng cách mạng, chân lý của ta là “không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Đối với một con người, cái quý nhất là cuộc sống. Nhưng với một dân tộc về một mặt nào đó mà nói, cái quý nhất lại là Tổ quốc và là Tổ quốc độc lập. Mỗi cuộc sống của con người đều gắn liền với Tổ quốc, và ngược lại, Tổ quốc cũng không thể thiếu được cuộc sống con người. Vì vậy, số phận mỗi con người đều gắn liền với số phận dân tộc. Độc lập là cái quý nhất của một đất nước, một dân tộc và cũng là cái quý nhất của mỗi con người.
Dân tộc ta đã trải qua nhiều chặng đường thăng trầm, mỗi chặng đường thăng trầm đó đều được đánh dấu bằng độc lập của Tổ quốc còn hay mất. Qua mỗi chặng đường thăng trầm, nhân dân ta lại càng hiểu sâu sắc giá trị của độc lập và khổ đau của nô lệ. Vì vậy, độc lập là lẽ sống của dân tộc ta và của mỗi con người chúng ta.
Từ lâu, nhân dân ta đã có câu “mất nước thì nhà tan”. Không hiểu câu nói đơn giản ấy có tự bao giờ, nhưng nó đã thật sự là một chân lý của lẽ sống, đã trở thành tình cảm và suy nghĩ của từng con người đối với sự mất còn của Tổ quốc. Nước mà mất thì cả cuộc đời ta, cả cuộc sống của ta cũng mất. Vì vậy nhân dân ta, anh hùng của chúng ta thông qua cuộc đời mình để hiểu sâu sắc hơn như thế nào là độc lập thật sự.
Độc lập chẳng những là lẽ sống rất thiêng liêng và rộng lớn, mà còn là những cái gì gần gũi nhất, thiết tha nhất trong đời sống hàng ngày của con người. Một con người mất độc lập cũng có nghĩa là mất tất cả những cái gì gần gũi thiết tha, làm cho cuộc đời ta trở nên cô đơn và tủi nhục. Và chính trong cái cô đơn, tủi nhục của từng cuộc đời, con người lại càng sâu sắc cái ý nghĩa lớn lao của một Tổ quốc độc lập.
Nguyễn Minh Thắng lúc mới mười hai tuổi hiểu độc lập thật sự bằng cách hiểu chính cuộc đời của mình. Lúc ấy anh chưa hiểu hết được giang sơn và đất nước. Nhưng giang sơn, đất nước theo anh cũng giống như cái ao làng xinh đẹp của anh bên bờ sông Sài Gòn. Cái làng ấy của anh tuy không giàu, cuộc sống của con người vẫn là vất vả, nhưng dù sao anh cũng thật sự có một quê hương. Quê hương ấy có ngôi nhà của anh, dù nhỏ bé nhưng ấm áp trong tình thương của mẹ, của em.
Nhưng một buổi sáng, anh bừng mắt dậy thì từng đoàn xe tăng, từng tốp máy bay lên thẳng của giặc Mỹ đã ào tới. Chúng ủi sập từng ngôi nhà, từng gốc cây, biến cái làng của anh thành một cảnh hoang tàn đáng sợ.
Anh ngỡ ngàng hỏi mẹ: đi đâu? Mẹ anh chưa kịp trả lời thì lưỡi lê bọn giặc Mỹ đã lùa từng đoàn người xuống tàu, rồi xuôi theo dòng sông, chở đến một nơi xa lạ, sống chen chúc trong những lớp rào kẽm gai. Anh thấy vô cùng đau đớn. Nhưng lại càng đau đớn hơn là những ngày anh sống ở đó, bọn giặc đã đánh, đá anh như đánh, đá một con vật. Chúng giật tiền bán kem trên tay anh làm như tiền của chúng.
Một con người dù nhỏ, nhưng đến khi đã bị xúc phạm, nhất là xúc phạm đến cái quyền lao động tối thiểu để nuôi mẹ, nuôi em thì con người đó đã hiểu một cách rõ ràng cái gì đã mất mát. Đó là cuộc sống trên quê hương đối với anh đã mất. Anh phải giành lại cái đã bị mất mát ấy. Anh xin phép mẹ, dặn dò em rồi ra đi. Anh theo một chiếc tàu chở khách ngược sông, tìm về cái làng cũ của anh. Làng cũ đã bị xóa sạch rồi, nhưng anh còn nhận ra được cái bến sông quen thuộc, có từng chỗ đất lở, có từng chòm rễ cây đầy rêu. Anh lao mạnh xuống dòng sông, đạp nước vào bờ…
Với đôi chân nhỏ xíu như đôi chân một con chim, anh chuyền hết đống gạch này đến bờ đất nọ, tìm hết bụi cây này, chòm lá khác. Anh nóng lòng tìm về nền đất nhà cũ, nhưng nóng lòng hơn cả là tìm gặp các anh, các chị du kích. Anh tìm mãi, tìm mãi nhưng chưa gặp được ai. Gió từ lòng sông từng đợt, từng đợt đưa bổng tiếng anh gọi : “Các anh, các chị ơi, các anh các chị ở đâu cho em theo với!”.
Ôi! Thiết tha và giục giã làm sao là tiếng gọi ấy. Nguyễn Minh Thắng đã hiểu qua cuộc đời mình như thế nào là mất độc lập và đã bật thành tiếng gọi nóng bỏng ấy, tiếng gọi của lẽ sống giành độc lập.
Nguyễn Minh Thắng bắt đầu đi giành độc lập cho cuộc đời mình bằng tiếng gọi tha thiết bên bờ sông Sài Gòn, còn Nguyễn Thị Phúc bắt đầu đi giành độc lập cho bản thân và gia đình bắt đầu từ tiếng hát bất khuất giữa lao tù Mỹ - ngụy.
Mới mười lăm tuổi, Nguyễn Thị Phúc đã phải nhận tất cả đòn roi và tra tấn của kẻ thù, vì chị đã đào hầm bí mật để che giấu những người thân. Cái buổi chúng tra tấn hôm ấy là một cái mốc quan trọng trong cuộc đời của chị. Bọn ác ôn hầm hè trước mặt chị với những bộ mặt bự thịt, những cặp mắt mờ đục.
- Phải tiêu diệt những thằng “cộng sản” này – chúng chỉ vào cha và chú Phúc, rồi chúng chỉ vào Phúc – và cũng phải tiêu diệt cái mầm mống “cộng sản” trong con nhỏ này nữa!
Lúc ấy Phúc chưa thật sự hiểu cộng sản, nhưng cha và chú Phúc thì Phúc hiểu hơn ai hết. Cha và chú Phúc đều là những người tốt, đã tham gia kháng chiến chống Pháp trước đây. Mà kháng chiến thì đâu phải là có tội. Cha và chú Phúc cũng tốt với mọi người, thương mọi người như người thân, chăm lo hàng xóm như bà con ruột thịt. Hay là chúng muốn tiêu diệt những con người đã thương yêu Phúc như tình thương của người mẹ đã mất sớm. Những người thân yêu ấy chính là một phần cuộc đời Phúc. Bọn giặc muốn tiêu diệt những con người ấy chính là muốn cướp đi một phần cuộc đời mình. Phúc đã tím ruột bầm gan phải nhìn một sự thật mất mát của cuộc đời.
- Này con nhỏ, hãy coi đây! – Tên ác ôn hất đầu bảo Phúc, rồi hắn đưa con dao xẻo hai vành tai của người chú ném mạnh xuống đất.
Phúc rùng mình như chính con dao xẻo vào tai mình. Tên ác ôn nhìn hầm hầm vào mặt người chú :
- Mày muốn thấy chủ nghĩa cộng sản hử? Tao không cho mày thấy một cái gì trên đời này hết. Này! – Hắn thọc con dao khoét đôi mắt người chú rồi giơ lên trước mặt Phúc.
Phúc nhắm mắt lại. Làm sao một cô gái mới mười lăm tuổi, rất hiền dịu – hiền dịu như những tàu dừa trên quê hương Bình Định – chịu đựng được cái cảnh sống như con quỷ ăn thịt người trong chuyện cổ tích ngày nào mẹ Phúc đã kể. Nhưng Phúc lại mở mắt ra khi người chú gọi:
- Cháu Phúc, cháu hãy nhớ những cảnh này, đừng bao giờ quên nghe cháu…!
Tên ác ôn lồng lộn:
- À! Mày to gan, tao xem thử gan mày bao lớn! – Vừa nói tên ác ôn vừa đưa con dao rạch bụng người chú kéo ra từng đùm ruột.
Lần này, Phúc không nhắm mắt được nữa. Cặp mắt đã ráo hoảnh như bật ra trăm nghìn tia lửa. Trước mắt Phúc thân hình người chú đầy máu me như một cây lửa rực đỏ.
Bọn chúng đã tiêu diệt “cộng sản” và mầm mống “cộng sản” là như vậy. Chúng buông dao nhìn Phúc:
- Này con nhỏ, chịu đòn như thế được rồi. Bây giờ hãy hát lên một bài hát quốc gia thì sẽ được tha.
Đó là cách chúng kiểm tra kết quả của phương pháp tiêu diệt mầm mống “cộng sản”. Nhưng chúng đã lầm. Mầm mống yêu nước mà chúng gọi là cộng sản chẳng những không bị diệt mà lại còn vươn mạnh lên từ cái buổi ấy. Giữa nhà giam đầy dụng cụ tra tấn, Phúc không một chút run sợ. Phúc vuốt lại tóc, hiên ngang đứng dậy, dõng dạc cất tiếng hát những bài ca cách mạng.
Ôi! Mạnh mẽ làm sao và cũng trong sáng làm sao, cái mầm mống “cộng sản” đã vút lên thành tiếng hát giữa lao tù. Tiếng hát ấy còn bắt nguồn từ tình thương yêu cha, chú, bắt nguồn từ những mất mát đau thương. Tiếng hát đã làm cho một lũ quân thù phải run tay, tái mặt. Chúng không hiểu tiếng hát ấy có cái gì đã làm cho chúng phải khiếp sợ kỳ lạ. Tiếng hát ấy có phải phát ra từ miệng một cô gái bị tra tấn quằn quại, hay từ một nơi nào bay đến.
Quả thật bọn chúng không hiểu được, nhưng Phúc lại rất hiểu tiếng hát của mình, tiếng hát là lẽ sống vì độc lập của một con người.
Anh hùng của chúng ta đã từ những mất mát, đau thương như vậy mà tìm ra một lẽ sống thực sự cho cuộc đời mình. Và cũng từ những mất mát, đau thương của cuộc đời mình lại hiểu ra cái mất mát, đau thương lớn lao của đất nước, của dân tộc. Con đường tìm ra lẽ sống độc lập thực sự của anh hùng chúng ta và cũng như bao người đã bắt đầu là như vậy. Và khi con người được sống trong lẽ sống đó thì con người lại quyết bảo vệ cái lẽ sống đó.
Lê Mã Lương được thực sự sống trong lẽ sống độc lập của nhân dân giành cho, do đó Lê Mã Lương lại rất khao khát được chiến đấu để bảo vệ. Lê Mã Lương lớn lên trong một xã hội tuy chưa phải là đầy đủ nhưng quả là một cuộc sống tươi đẹp. Cái cảnh đói rách, kéo cày cho địa chủ không còn nữa mà trên quê hương anh lại mỗi ngày thay da, đổi thịt, luôn luôn bắt gặp niềm vui của cuộc đời. Cách mạng đã mở rộng tâm hồn, trí óc anh và tạo cho anh có đầy đủ điều kiện làm nên những việc to lớn hơn cuộc đời của cha anh mình.
Cũng như bao người, Lê Mã Lương yêu quê hương, Tổ quốc một cách nồng cháy, vì cái đẹp của Tổ quốc quê hương đã có máu bao người, trong đó có máu của người cha đã tô thắm. Trong những ngày ngồi trên ghế nhà trường, lòng anh nuôi bao ước mơ, muốn đem tài năng và sức lực để xây dựng Tổ quốc, quê hương ngày càng tươi đẹp. Nhưng cũng chính những ngày ngồi trên ghế nhà trường đó, tiếng súng xâm lược của đế quốc Mỹ đã vọng đến mái trường anh. Tiếng xe tăng, tiếng đại bác đang cào xé một phần đất nước, làm nghẹn lòng anh. Tiếng gầm rú của máy bay phản lực đủ kiểu, đủ loại cũng rít sát bên tai anh.
Cái ước mơ anh nuôi dưỡng bao năm tháng đang bị quân thù đe dọa. Tổ quốc, quê hương đang bị quân thù xâm lăng. Sự nghiệp của bao người và cha anh đang bị quân thù chà đạp. Trong giờ phút đó, sự mất còn của Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng nhất, cháy bỏng nhất. Thiêng liêng và cháy bỏng như những dòng nhật ký của anh:
“Bố ơi! Bố hy sinh giữa chừng khi mới giải phóng được nửa phần đất nước. Con đã tiếp bước đi của bố. Chẳng lẽ bây giờ nước nhà còn bị giặc xâm lăng, con chưa đi tới đích bố hằng mong ước là giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, mà bây giờ con lại có thể bình thản nhận lấy phần hưởng thụ hay sao?… Con muốn tự mình bước vào đời mà sự hy sinh của bố là tấm gương sáng để con noi theo…”.
Suy nghĩ ấy của Lê Mã Lương đã nói lên cái lẽ sống độc lập thật rõ ràng. Độc lập đối với anh là ước mơ xây dựng đất nước, là sự nghiệp cách mạng anh được hưởng do bao người đã hy sinh đem lại. Vì vậy, hành động bảo vệ lẽ sống độc lập của anh là: “Có cứu nước mới xây dựng được đất nước, mới có nước để mà xây dựng”. Thế là Lê Mã Lương đã rời ghế nhà trường, tình nguyện ra tiền tuyến chiến đấu.
Biết bao thanh niên đã chiến đấu bảo vệ độc lập như Lê Mã Lương, những con người đã có lẽ sống thực sự do độc lập của dân tộc ta đã giành được. Cũng có rất nhiều người khát khao được chiến đấu bảo vệ độc lập vì đã hiểu một cách sâu sắc như thế nào là đắng cay của nô lệ và như thế nào là sung sướng, là tự hào của độc lập. Anh Tạ Quang Tỷ đã trải qua những đắng cay và sung sướng trong cuộc đời mình qua mỗi thời kỳ nước bị mất và nước độc lập.
Khi vết giày đinh của bọn xâm lược Mỹ nện trên đất miền Nam chính là đã nện vào trái tim anh. Nó gợi lại cho anh quãng đời cực nhục dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Cuộc đời lúc đó của người dân mất nước chỉ là máu và nước mắt. Mất độc lập lúc đó đối với anh là cuộc đời đi ở đợ. Độc lập đã đến với anh cũng thật cụ thể rõ ràng : anh được thực sự sung sướng làm người từ cái ngày cờ đỏ sao vàng bay phấp phới từ Lạng Sơn đến bãi Cà Mau vào mùa thu năm 1945. Và anh lại càng sung sướng hơn khi dân tộc ta đã giành được độc lập nửa phần đất nước. Nửa phần đất nước ấy đã và đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, một hiện thực rất tươi sáng trong ước mơ của đời anh. Nửa phần đất nước đó tuy mới bắt đầu, nhưng nó là cuộc đời anh, là máu thịt của anh, là máu thịt của cả nước.
Không có một sự so sánh nào bằng cuộc đời của một con người trải qua hai chế độ, hai cuộc sống khác nhau. Độc lập đối với anh rất rõ ràng. Độc lập là cuộc đời không ở đợ, độc lập là cuộc sống xã hội chủ nghĩa, một ước mơ của loài người chân chính. Anh yêu quý cái độc lập đó như yêu quý đời anh. Anh bảo vệ cái độc lập ấy như bảo vệ trái tim anh. Vì vậy khi giặc Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam là anh lập tức hành quân lên đường chiến đấu với tất cả sức mạnh của khổ đau và tự hào của cuộc đời anh, với tất cả những nhận thức đầy đủ của con người đã chứng kiến qua hai chặng đường lịch sử. Khi anh trở về chiến đấu trên miền Đông với một đội quân xâm lược mạnh gấp mười lần đội quân xâm lược Pháp trước đây thì anh cũng lại có sức mạnh gấp mười lần. Sức mạnh ấy đã khơi dậy ở tình cảm sâu xa nhất, dữ dội nhất của một con người.
Những người anh hùng của chúng ta đã hiểu độc lập và đã chiến đấu cho lẽ sống độc lập bằng những cuộc đời khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau nhưng lại rất giống nhau. Độc lập đối với Nguyễn Minh Thắng là phải làm chủ cuộc đời mình, làm chủ quê hương mình; độc lập đối với Nguyễn Thị Phúc là phải được giữ trọn tình thương yêu, giữ trọn gia đình, cha chú, anh em mình; độc lập đối với Lê Mã Lương là thành quả cách mạng đem lại, là ước mơ của tuổi thanh niên; độc lập của Tạ Quang Tỷ là đất nước và đất nước xã hội chủ nghĩa… Từ độc lập rất đơn giản, gần gũi và thiết tha với cuộc đời, anh hùng của chúng ta đi tới độc lập của một Tổ quốc có hàng nghìn năm lịch sử, có một dân tộc yêu lao động, cần cù và sáng tạo, đã đổ máu và mồ hôi trên từng mảnh đất. Độc lập của Tổ quốc, của nhân dân và của chính cuộc đời họ. Do đó kẻ thù của chúng ta dù có rùm beng, ngụy biện cũng không thể làm lẫn lộn trắng đen hai chữ độc lập được.
Chúng đã cố dựng nên những cái gọi là “độc lập”, gọi là “quốc gia” hòng lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân phục vụ cho quyền lợi cướp nước và bán nước của chúng. Chúng làm gì có quốc gia để mà gọi là độc lập. Quốc gia của chúng là đồng tiền. Thực chất của những danh từ rỗng tuếch ấy là nhằm tạo nên những khái niệm đối lập: “Quốc gia” và “Cộng sản”. Từ đó chúng đưa ra khẩu hiệu rất phản động “diệt cộng sản để bảo tồn quốc gia”. Nhưng âm mưu chính của chúng là tiêu diệt những người yêu nước để bảo vệ cái quyền lợi bán nước của chúng.
Thử hỏi diệt những người mà chúng gọi là “cộng sản” như cha, chú chị Phúc là để bảo vệ chị Phúc hay để làm cho cuộc đời chị Phúc bơ vơ, đau khổ? Rước giặc về ủi xới những xóm làng như làng của Nguyễn Minh Thắng là để bảo vệ những đứa trẻ mười hai tuổi như Nguyễn Minh Thắng ư? Đem bom giội lên quê hương tươi đẹp của Lê Mã Lương là để bảo vệ ước mơ của Lê Mã Lương được xây dựng quê hương đó chăng? Quỳ gối cho giặc Mỹ xâm lược là để giải thoát cuộc đời Tạ Quang Tỷ hay là tròng vào cổ Tạ Quang Tỷ cái kiếp sống nô lệ như dưới ách thống trị của thực dân Pháp?
Trong lịch sử dân tộc ta đã từng có nhiều thứ độc lập. Có thứ độc lập của Trưng Trắc, Trưng Nhị, của Ngô Quyền, của Trần Hưng Đạo, và cũng có cái gọi là “độc lập” của Trần Ích Tắc. Có thứ độc lập của Lê Lợi, của Quang Trung và cũng có cái gọi là “độc lập” của Lê Chiêu Thống, của Nguyễn Ánh.
“Độc lập” của kẻ bán nước hiện nay là “độc lập” của Trần Ích Tắc, của Lê Chiêu Thống, của Nguyễn Ánh. Độc lập của chúng ta ngày nay là độc lập chân chính của Nguyễn Trãi, Quang Trung, là độc lập của thời đại Hồ Chí Minh, độc lập mà tất cả mọi người lao động làm chủ cuộc đời mình, làm chủ đất nước mình.
Tổ quốc của các anh hùng là Tổ quốc của nhân dân lao động, của công nhân, của nông dân và của tất cả những người lao động chân chính, lao động chân tay hay lao động trí óc.
Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước đã có biết bao nhiêu tính toán, từ những hành động tàn bạo đến những luận điệu xảo trá để tước mất độc lập của nhân dân ta, muốn đẩy đất nước ta về thời đại xa xưa. Nhưng tất cả những tính toán ấy đều gặp những bất ngờ của lẽ sống độc lập của nhân dân ta. Chúng đã gặp cái bất ngờ của tiếng hát Nguyễn Thị Phúc, gặp cái bất ngờ “còn cái lai quần cũng đánh” của chị Út Tịch, gặp cái bất ngờ “ăn lá bóp đánh giặc” của Bi Năng Tắc, gặp cái bất ngờ “bầy ong đánh giặc” của Nguyễn Văn Tư, và cả cái bất ngờ trong tiếng mìn Nguyễn Văn Bé. Cái bất ngờ ấy ở trong những con người hết sức bình dị, nhưng đến khi đất nước có ngoại xâm thì đã bùng dậy trong từng trái tim sức mạnh của những hòn núi lửa.
Trong những ngày xích xe tăng giặc Mỹ nghiến nát trên từng mảnh đất, thì mặt đất của Tổ quốc ta cũng đã rền vang bước chân hành quân ra trận của triệu triệu người. Tiếng gầm rú của máy bay phản lực Mỹ không át nổi tiếng gọi cứu nước vang vọng từ những cánh rừng già đến đất miền Đông sóng vỗ. Cả đất nước ta vang lên lời thề “diệt Mỹ”.
Ôi ! Một đất nước vốn có một cuộc sống rất bình dị, nhưng khi giặc ngoại xâm kéo đến thì đất nước ấy thật hào hùng và vĩ đại. Lũ giặc có sức mạnh của sắt thép, của khoa học kỹ thuật hiện đại, thì chúng ta có sức mạnh của lẽ sống độc lập. Lẽ sống đó đã từng chứng minh qua lịch sử “đánh trận đầu sạch sanh kình ngạc, đánh trận nữa tan tác chim muông”. Và ngày nay lẽ sống đó đã biểu hiện “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “thà chết chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lời thề “diệt Mỹ” là tiếng “Sát Thát” hôm nay của dân tộc ta, đã kích động mọi tấm lòng yêu nước, từ cụ già Củ Chi đến em bé Đà Nẵng. Mỗi người đều mong muốn trở thành “dũng sĩ diệt Mỹ”. Danh hiệu đó đã trở thành tiêu chuẩn cụ thể của nghĩa vụ mỗi người đối với Tổ quốc, là thước đo cụ thể của ý chí và tinh thần quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Khi chị Út Tịch nói “Còn cái lai quần cũng đánh” là chị hiểu : Để quyết thắng thì dù nhà có tan, cửa có nát nhưng Tổ quốc phải độc lập. Khi chị Lê Thị Thanh đào khẩu súng từ sau nhà lên, cắt máu thề cùng chị em chiến đấu là chị hiểu để quyết thắng, dù có ngã xuống như người chồng của chị, nhưng sự nghiệp của chồng chị phải mãi mãi sống cùng đất nước.
Sự tích những con người bình dị ấy thật là đẹp. Sự tích đó đã tô đậm thêm tầm vóc của dân tộc ta, một dân tộc có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, đã nhận thức và xử trí một cách đúng đắn những vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc mình và đời sống của các dân tộc khác. Dân tộc ấy có những người cha vót chiếc gậy cho con vượt Trường Sơn ra trận, những người vợ đảm đang đồng ruộng, nhà máy cho chồng con lên đường cứu nước. Những con người bình dị ấy cũng nhận thức và xử trí một cách đúng đắn những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình và vận mệnh của cả dân tộc. Họ trở thành anh hùng vì biết nhận thức và xử trí đúng đắn giữa cái riêng và cái chung, giữa tình cảm và lý trí, giữa tình riêng và nghĩa cả, giữa gia đình và Tổ quốc, giữa thù nhà và nợ nước.
Cuộc đời chị Võ Thị Huynh là cuộc đời biết nhận thức và xử trí đúng đắn những mối quan hệ đó. Chị cũng như trăm nghìn người phụ nữ khác, cũng yêu chồng, yêu con, yêu cha mẹ, yêu mảnh vườn và cuộc sống. Chị cũng ao ước được sống bên chồng để chăm sóc cho chồng từng bữa cơm, từng manh áo vá. Chị cũng ước ao được nuông chiều con, lo cho con từng nụ cười, từng giấc ngủ. Nhưng giặc Mỹ đã cướp mất những người thân yêu ấy. Khi chị đào những nhát cuốc chôn những người thân thì hình như chính chị đã chôn đi một phần cuộc đời chị. Nước mắt chị bao đêm tuôn tràn cũng không thể nào lành lại đau thương và xóa hết hận thù. Từ một người bình thường chị đã tìm hướng đi của chị.
Chị xin cả bên chồng, bên ruột để cho chị đi tham gia Quân giải phóng. Bên chồng cũng đồng ý và bên ruột cũng vui lòng, vì bên chồng và bên ruột cũng thấy cái hướng đi của chị là đúng. Cái đúng ở đây là biết đem cái “thù nhà” nhập vào cái “nợ nước” để chiến đấu. Nợ nước trả được thì thù nhà mới yên.
Cái chất anh hùng trong một con người bình dị là ở chỗ đó. Từ một tình yêu quanh quẩn một cuộc đời, chị đã hòa trong tình yêu của hàng triệu triệu cuộc đời để có một tình yêu Tổ quốc chân chính. Lòng nhớ thương những người đã mất được bù đắp bằng tình thương yêu của những người đang sống chung quanh chị. Chị cũng đã thao thức, hồi hộp và lo lắng từng dáng đi, từng giấc ngủ của từng đồng chí thương binh. Tình yêu ấy chính là tình yêu đồng chí, tình yêu nhân dân, tình yêu Tổ quốc.
Trước đây chị đào từng nhát cuốc chôn đi một phần cuộc đời chị, thì lúc này những nhát cuốc đào củ nuôi thương binh đã trả về cho chị một cuộc đời thật sự cao đẹp và trong sáng. Nghĩa nước và tình nhà đã xe quyện thành vóc dáng một người phụ nữ có lẽ sống độc lập. Lẽ sống đó đã trở thành tự giác trong tình cảm và hành động. Những con người như vậy càng yêu gia đình bao nhiêu thì càng yêu Tổ quốc bấy nhiêu, càng yêu cuộc đời mình bao nhiêu thì càng yêu cả nòi giống bấy nhiêu.
Những con người anh hùng như vậy thì làm sao bọn giặc có thể xuyên tạc được là những con người “vô Tổ quốc”, “vô gia đình”, và chúng lại tự xưng là bảo vệ “Tổ quốc” bảo vệ “nòi giống”.
Thật là một sự mỉa mai kinh tởm. Một lũ người đã cầm súng cho giặc Pháp trước đây bắn lại đồng bào ta, trong lúc cả nước chiến đấu giành độc lập, mà nay lại dám tự xưng là bảo vệ Tổ quốc ư ? Một lũ người không chịu nổi gian khổ của cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta, đã đi đầu hàng giặc Pháp xâm lược để kiếm chút bơ thừa sữa cặn, ngày nay cũng còn dám nhắc đến tổ tông, nòi giống ư ? Cũng nhóm người đó hết thờ giặc Pháp lại ôm chân giặc Mỹ để cho chúng giày xéo lên đất nước ta mà lại dám tự xưng là vì dân tộc ư ? Thử hỏi Tổ quốc của chúng ở đâu ? Độc lập của chúng là gì ?
Chúng hoàn toàn không có gì cả, ngoài cái cuộc đời bán nước của chúng. Chẳng phải chúng đã từng tuyên bố “biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” đó sao ? Chẳng phải chính trong bọn chúng đã công nhận chúng chỉ là một lũ bù nhìn đó sao ?
Cuộc đời của chúng chẳng qua là một thứ rác rưởi đang bị dòng thác đấu tranh của nhân dân ta cuốn phăng.
Cuộc đời của anh hùng chúng ta là cuộc đời có thủy chung với lẽ sống, biết cống hiến và hy sinh mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì sự cống hiến và hy sinh đó không phải là mất mát. Võ Thị Huynh biết hy sinh, biết cống hiến sức lực mình trong những ngày tháng gian khổ nhất thì chính chị mới có lại niềm vui của cuộc đời, mới có được một nhân phẩm xứng đáng trong đời sống. Nguyễn Minh Thắng đứng lên cầm súng chiến đấu là cũng chính để cho cuộc đời mình khỏi đi ở đợ, khỏi những đòn roi khinh rẻ của lũ giặc. Những anh hùng đó xác định dù có hy sinh cũng không phải là mất mát, mà là được một cuộc sống làm người thật sự. Ông cha ta xưa đã từng nói : “Thà làm quỷ đất Nam” là ông cha ta đã được, được cả một giang sơn gấm vóc đến ngày nay.
Nguyễn Văn Trỗi hiên ngang trước họng súng của kẻ thù là anh đã hiểu chắc chắn sự nghiệp của anh chiến đấu sẽ đạt được. Niềm tin ấy thể hiện trong tiếng hô bất khuất : “Đả đảo đế quốc Mỹ !”, “Việt Nam muôn năm !”, “Hồ Chí Minh muôn năm !”. Khi con người biết được rằng sự nghiệp mình chiến đấu sẽ đạt được, thì con người ấy không có gì phải xót xa, ân hận. Cái niềm tin ấy của Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành sự thật. Cái mảnh đất mà anh ngã xuống không còn một bóng tên xâm lược. Cũng như Võ Thị Sáu trước khi ra pháp trường đã thanh thản chải lại mái tóc mượt mà, nhìn lại mảnh đất Tổ quốc thân yêu với niềm tin Tổ quốc sẽ độc lập. Anh hùng của chúng ta đã cống hiến và hy sinh với một thái độ sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc như vậy. Đó cũng chính là lòng thủy chung của anh hùng chúng ta đối với lẽ sống.
Lòng thủy chung là một lối sống nhân nghĩa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, và cũng là một sự giác ngộ giai cấp rất sâu sắc. Thủy chung là uy vũ không hề khuất phục, giàu sang không hề cám dỗ gian khổ không hề sờn lòng, cả cuộc đời là một sự tận tụy, trung thành với lý tưởng.
Anh hùng Nguyễn Minh Thắng khi bị sa vào tay giặc cũng đã chịu đựng biết bao nhiêu đòn roi và tra tấn của chúng. Thân thể anh bị mềm nhũn ra nhưng tinh thần anh vẫn vững vàng, không hề nao núng, bởi vì lẽ sống đã xuyên rễ vững chắc trong anh. Bà con nhân dân đứng chung quanh nhìn bọn giặc tra tấn anh đã rơi nước mắt, và họ cũng nhận thấy trong ánh mắt của Nguyễn Minh Thắng nhìn lại như muốn nói với họ : “Các bác, các chú, tôi không khi nào quên công ơn các bác, các chú nuôi tôi từ một đứa bé nghèo khổ đã trở thành một chiến sĩ. Vì vậy, các bác các chú đừng lo, tôi không khai báo một lời nào về các bác, các chú đâu. Tôi sẽ đền ơn các bác, các chú. Dù tôi có bị quân thù giết chết, chúng cũng đừng hòng moi tôi một lời nào”. Bà con lại càng thương anh hơn bao giờ hết, họ lại đứng ra bảo vệ anh, nhận anh là con, là cháu của họ. Lòng trung thành ấy đã giúp anh chết đi rồi sống lại, trở về với đồng chí, đồng đội, tiếp tục chiến đấu. Và trong một trận chiến đấu sát nách Sài Gòn, anh lại thể hiện lòng trung thành của mình đối với đồng chí, đồng đội, với nhân dân một cách đẹp đẽ. Chỉ một công sự anh chiếm giữ, nhưng anh hiểu đó cũng là mảnh đất Tổ quốc. Bọn giặc đã dùng cả tiểu đoàn để tiến công, nhưng không vượt qua được chiếc công sự ấy. Suốt một ngày trời, anh đã đánh lui tám đợt xung phong của giặc, giết chết hàng chục tên để bảo vệ những đồng chí của anh ở phía sau, bảo vệ nhân dân một làng bên cạnh. Sức mạnh của kẻ thù không thể vượt được sức mạnh của lý tưởng vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì đồng chí, đồng đội.
Những con người như thế không có uy vũ nào khuất phục được. Vì uy vũ chỉ gây nên đau thương, còn lẽ sống mới tạo nên sức mạnh. Uy vũ đã gây đau thương cho chị Nguyễn Thị Phúc, còn lòng yêu nước, yêu nhà, yêu cha, yêu chú, yêu nhân dân mới là sức mạnh phi thường của chị. Với dáng người nhỏ nhắn, mang một khẩu súng cũng đã vượt quá đầu, nhưng có một sức mạnh như những khối thuốc nổ trong tay, Phúc đã làm nổ tung từng hầm ngầm, từng lô cốt giặc và cũng đã nổ tung, xé xác giặc trên cái nơi mà quân giặc đã tàn sát người chú thân yêu của chị.
Những con người như thế cũng không có gì cám dỗ họ được, chỉ có lẽ sống chân chính : chiến đấu cho Tổ quốc, cho nhân dân là cám dỗ họ. Và những con người như thế, gian khổ lại càng không làm cho họ sờn lòng. Vì có cái gian khổ nào bằng cái gian khổ mất độc lập. Khi Nguyễn Minh Thắng xin mẹ đi bộ đội, mẹ anh đã lo lắng nói : “Đi cách mạng là cực khổ lắm đó con ạ !”. Thì anh đã trả lời : “Cực khổ nào bằng cực khổ đi chăn trâu cho người ta hở má ?”. Quả vậy, cực khổ là tấm thân nô lệ. Còn cái cực khổ của Nguyễn Minh Thắng trong những ngày chiến đấu, phải ăn đói, phải nhịn khát, phải nằm hầm, phải ngủ bụi là cái cực khổ của một con người say sưa lý tưởng, chỉ có biết vượt qua để đạt cho kỳ được.
Sự nghiệp của anh hùng chúng ta trong những năm tháng chiến đấu giành độc lập đã đến đỉnh cao của thời đại. Trên cái đỉnh cao ấy, dân tộc ta có quyền tự hào với các dân tộc văn minh tiên tiến trên quả đất này. Tự hào vì chúng ta đã chiến đấu cho một lẽ sống chân chính và thật sự của thời đại. Lẽ sống ấy là cái xương sống dựng lên tầm vóc dân tộc ta và là cột trụ của niềm tin các dân tộc đang vùng lên giải phóng, giành độc lập. Cả loài người đã gửi gắm niềm tin chiến thắng ở dân tộc ta, vì Việt Nam không chiến thắng thì cả loài người sụp đổ.
Ngày nay chúng ta đã chiến thắng, sự chiến thắng của lẽ sống độc lập và các dân tộc khác cũng sẽ chiến thắng vì lẽ sống độc lập.
Ôi ! Việt Nam từ trong biển máu
Người vươn lên như một thiên thần.
Đúng như vậy, dân tộc ta đã thành một “thiên thần”, thiên thần của lẽ sống độc lập.
Tự do đối với mỗi con người ngày nay đã trở thành một khát vọng chân chính.
Kẻ thù của chúng ta cũng nói rất nhiều về tự do. Chúng dùng mọi hình thức, mọi phương tiện để tuyên truyền, quảng cáo về tự do như tuyên truyền, quảng cáo một món hàng mới lạ. Chúng cũng dựng lên thành chủ nghĩa, thành triết lý về tự do.
Vậy tự do của chúng là cái gì ? Phải chăng là tự do cướp giật, tự do hãm hiếp, tự do lừa đảo, tự do bóc lột, tự do chà đạp lên nhân phẩm, tự do nói láo, tự do bán rẻ Tổ quốc, v.v…
Chúng ta công nhận quả thật chúng có những thứ tự do đó, nhưng chúng ta không bao giờ chấp nhận những thứ tự do đó. Bởi thứ tự do đó chỉ nhằm phục vụ tham vọng và dục vọng của kẻ địch. Đó là những thứ tự do ăn cướp và tự do làm nô lệ.
Sống trong một xã hội mà con người cướp bóc nhau, hà hiếp nhau, lừa đảo nhau, chà đạp nhân phẩm của nhau … thì con người phải luôn luôn nơm nớp lo sợ trước cuộc sống. Vì vậy, những thứ tự do mà chúng tuyên truyền quảng cáo rùm beng lại trở thành nỗi khủng khiếp đè nặng lên con người.
Cứ nhìn vào từng cuộc đời thực của anh hùng chúng ta khi còn sống trong cái xã hội “tự do” của chúng thì chúng ta sẽ rõ nó khủng khiếp đến dường nào.
Khi còn sống trong ấp chiến lược, Nguyễn Minh Thắng phải lo sợ rất nhiều. Lo sợ từ hàng rào kẽm gai đến lo sợ từng tên lính ngụy cầm súng. Vì chúng tự do đánh đập anh, tự do cướp tiền bán kem của anh, tự do dọa nạt mẹ anh khi chúng thấy một con gà, một con vịt trong nhà. Đất đai trên quê hương anh mêng mông phì nhiêu nhưng lũ giặc đã tự do biến thành vành đai trắng. Chúng tự do bắn giết những ai đi sớm về muộn. Một cuộc sống như vậy chẳng phải là một sự khủng khiếp hay sao ?
Anh Đinh Panh đã sống một cuộc đời núi rừng ở miền Tây Quảng Ngãi. Ở đó, với bàn tay lao động của anh, cây rừng cũng phải rạp xuống, những sườn đồi cằn cỗi cũng phải biến thành bắp, lúa. Nhưng khi tên Ngô Đình Diệm lập ra những ấp chiến lược thì núi rừng đó không thuộc của anh nữa. Lúa, bắp anh làm ra cũng không thuộc của anh nữa. Lúa, bắp anh làm ra bị chúng tịch thu hết rồi lại đem phát cho gia đình anh từng lon một như bố thí. Một buổi đi rừng không xin phép là bị chúng đánh đập vì “tội” liên hệ “Việt Cộng”. Chúng tự do bắt gia đình anh phải đi làm phu, phải đi vây bắt “Việt Cộng”, thực chất là đi bắt những người nghèo như anh. Một cuộc sống như vậy chẳng phải là một nỗi khủng khiếp đó sao ?
Còn đối với cuộc đời chị Võ Thị Huynh thì thứ tự do của chúng quả là một nỗi khủng khiếp đáng sợ. Với đức tính đảm đang của người phụ nữ, chị có thể vun đắp cho gia đình một cuộc sống hạnh phúc : con có chiếc áo lành, mẹ có bát cơm ngon. Nhưng giặc Mỹ lại tự do giày xéo lên quê hương chị, tự do xây đồn, cắm bót khắp nơi. Chúng coi đất nước của chị như đất không người. Chúng tự do cho xe ủi mồ mả, nhà cửa, tự do giội bom, bắn pháo lên đầu nhân dân. Chúng cũng tự do giết chóc, tàn sát chín người trong gia đình chị. Một con người bình thường như chị làm sao sống được trong cái thứ tự do ấy của chúng ?
Trên đất nước ta đã có hàng vạn, hàng triệu người bị cái thứ “tự do” ấy của chúng làm cho vô cùng đau đớn và tủi nhục. Nhân dân ta quyết không chấp nhận thứ tự do như vậy, và chúng ta cũng không để cho thứ “tự do” đó được tồn tại trên đất nước ta.        
Chúng ta có thứ tự do thật sự của chúng ta, thứ tự do thật sự của nhân dân, tự do thật sự cả thể xác và tinh thần. Tự do của chúng ta bắt nguồn từ một quan hệ chân chính giữa con người với xã hội. Bởi vì không ai có thể sống một cuộc đời biệt lập cả. Nếu con người mà sống biệt lập với xã hội thì chẳng khác nào con cá rời khỏi nước, con chim tách khỏi bầu trời. Vì vậy, con người sống phải có quan hệ sống giữa người và người, giữa người và giai cấp, giữa gia đình và xã hội. Cái quan hệ đó khi được giải quyết một cách công bằng, hợp lý, không có sự đối lập thì cuộc sống con người sẽ có tự do.
Trong cái gọi là “thế giới tự do” của kẻ địch, những sự đối lập luôn luôn tồn tại và phát triển. Giai cấp thống trị đối lập với giai cấp lao động, người giàu đối lập với người nghèo, kẻ ác đối lập với người thiện … Một sự đối lập như vậy đã tạo ra một quan hệ sống không công bằng và không hợp lý. Muốn duy trì được cái không công bằng, cái không hợp lý đó, kẻ thù phải dùng đến vũ lực để tước đoạt mọi quyền tự do của người khác. 
Những ngày còn sống trong vùng kiểm soát của giặc, chị Võ Thị Huynh chẳng những đã mất độc lập mà còn mất cả tự do. Cuộc đời đã đau thương mà cuộc sống thì ngột ngạt. Không còn con đường nào khác là con đường tham gia kháng chiến. Chị đã xin phép bên gia đình ruột, bên gia đình ruột rất đồng ý nhưng còn ngại bên gia đình chồng. Chị lại xin phép bên gia đình chồng, bên gia đình chồng chẳng những vui lòng mà còn động viên chị đi theo con đường cách mạng là hoàn toàn hợp lẽ phải, hợp với lương tâm. Chỉ trong quan hệ một gia đình như vậy mà chị cũng đã xử sự một cách đầy tình nghĩa, nên chị ra đi với một tình cảm thật thoải mái. Em chồng thì đưa đường, cha ruột thì chèo thuyền qua sông đưa chị lên chiến khu. Đến chiến khu, chị cũng gặp những người thương yêu chị, thông cảm với chị như sự thương yêu và thông cảm của cha mẹ, của anh em. Ở đó mọi người giúp đỡ chị, giảng cho chị hiểu, dạy cho chị học, chăm lo cho chị từ vật chất đến tinh thần. Ngược lại, chị cũng chăm lo cho mọi người, chị nuôi nấng thương binh trong những điều kiện gian khổ, ác liệt nhất. Mọi người sống với nhau cùng một suy nghĩ, cùng một lo lắng cùng một nguyện vọng. Cuộc sống của mọi người đều gian khổ nhưng quan hệ giữa mọi người không có gì đối lập nhau, chèn ép nhau.
Cuộc đời chị đã có một quan hệ giữa gia đình và cách mạng, giữa chị và mọi người, giữa cuộc đời riêng và cuộc đời chung đều tốt đẹp. Vì vậy, chị sống thật dễ chịu và thoải mái. Chị đã tìm thấy tự do của mình trong cuộc sống. Tự do đó chính là cái quan hệ sống đã được giải quyết công bằng và hợp lý.
Không phải đến bây giờ cái quan hệ đầy tính nghĩa trong cuộc đời chị Võ Thị Huynh mới có. Từ lâu nhân dân ta đã có tình nghĩa như vậy. Đó là truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Nhưng bây giờ trong tình nghĩa ấy còn có cái gì cao đẹp hơn. Gia đình chị Võ Thị Huynh vui lòng và động viên chị đi kháng chiến vừa là tình nghĩa đối với con cái, nhưng vừa là tình nghĩa đối với Tổ quốc. Mọi người thương yêu và chăm sóc chị ; ngược lại, chị cũng thương yêu và chăm sóc mọi người. Đó không những là tình nghĩa giữa con người mà còn là tình nghĩa của giai cấp, của đồng bào, của đồng chí. Nói cách khác, đó là quan hệ sống của những con người có lẽ sống.
Dân tộc ta biết bao lần, biết bao thế hệ đã từng đổ máu trong những cuộc đấu tranh giành tự do. Nhưng đến thời đại ngày nay, cuộc đấu tranh của nhân dân ta để giành tự do mới có nội dung của tự do thật sự, bởi vì nhân dân ta đã gắn liền đấu tranh giành tự do với đấu tranh giành độc lập.
Tự do bao giờ cũng phải nằm trong độc lập thì tự do mới là chân chính và thật sự. Từ cái gốc là độc lập thì cái quan hệ sống của con người mới là cái quan hệ cùng lẽ sống công bằng và hợp lý thật sự và đó là tự do chân chính và thật sự.
Nguyễn Minh Thắng tìm cách đi bộ đội không phải chỉ để thoát khỏi ấp chiến lược. Đinh Panh lên chiến khu không phải chỉ để được về với rừng núi, mà những con người ấy còn đi chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc. Đó là thái độ giải quyết mối quan hệ của con người đối với xã hội, mối quan hệ đó không đối lập với ai vì mọi người đều chung một lẽ sống độc lập. Những con người đó trước hết là được tự do trong tình cảm và tinh thần. Từ tình cảm và tinh thần tự do nên con người mới có tự do trong hành động.
Tình cảm và tinh thần chị Võ Thị Huynh không bị một ràng buộc, gò ép nào trong những ngày ở chiến khu, nên hành động của chị là xuất phát từ tình cảm và tinh thần của chị. Chị lập được những thành tích anh hùng bởi vì chị đã hành động theo lý tưởng, theo tình cảm của mình và được mọi người tạo mọi điều kiện để hành động ấy đạt được thì đó là tự do thật sự.
Kẻ địch thường xuyên tạc cuộc sống những con người như vậy là cuộc sống mất tự do, gò bó và bị thúc ép. Sự xuyên tạc đó là nhằm bóp méo hình ảnh cao đẹp của anh hùng chúng ta đã chiến đấu vì một lý tưởng cao đẹp. Chúng ta không cần phải lý giải xa xôi, mà chính những cuộc đời chiến đấu của anh hùng chúng ta là sự lý giải xác thực nhất về tự do, và bẻ gãy mọi luận điệu xuyên tạc lố bịch của chúng.
Nguyễn Minh Thắng vượt ra khỏi ấp chiến lược, vượt ra khỏi đòn roi, cướp giật của lũ giặc là để đi tìm cuộc sống thích hợp, một cuộc sống mà trong đó anh thực hiện được ý muốn chiến đấu của mình. Cái ý muốn đó anh không thể nào thực hiện được nếu anh còn ở trong vòng dây kẽm gai của giặc.
Mới mười lăm tuổi anh đã được tham gia chiến đấu trận đầu tiên. Trong trận đánh đó, anh đã lăn trên xác Mỹ để chiến đấu. Những tên giặc không còn hống hách được với anh, mà chúng đã run sợ và chết gục dưới từng loạt đạn của anh. Ý muốn chiến đấu để trả thù cho mẹ, cho em, cho bốn mươi người thân yêu trong gia đình, họ hàng đã hy sinh vì Tổ quốc, trả thù cho xóm làng, đã được thực hiện một cách trọn vẹn. Anh thực hiện được ý muốn đó là vì những người chung quanh anh đã giúp đỡ, đã tạo điều kiện cho anh. Lúc anh đi trinh sát thì có những cụ già, những chị bán hàng, những em bé chăn trâu chỉ đường, dẫn lối. Lúc vào trong vùng địch thì có những mẹ, những chị che giấu, đùm bọc. Lúc sa vào tay giặc thì có các bác, các chú đấu tranh để giành giật lại anh. Trong một cuộc sống như vậy, con người đã tự giác trong hành động theo ý muốn của mình. Và đã tự giác thì dù có gian khổ, khó khăn đến mấy cũng vẫn là cuộc đời tự do, không có một chút gò bó, thúc ép.
Nguyễn Thị Phúc cũng đã chiến đấu một cách tự giác theo tình cảm và suy nghĩ của mình. Trận đầu tiên chị đã nằng nặc xin các đồng chí của mình cho chị được tham gia. Thấy chị còn nhỏ tuổi và nhỏ người, các đồng chí khuyên chị :
- Em ra sau bụi dứa kia ngủ đi, chừng nào đi, các anh gọi dậy.
Chị không ngủ được vì chị sợ mất phần chiến đấu. Chị bò qua bụi dứa để lén nghe các đồng chí bàn phương án chiến đấu. Trong phương án chiến đấu không có tên chị. Như một đứa em gái hờn dỗi với các anh, chị nói :
- Các anh bàn phương án chiến đấu sao lại không có tên em ? Em đi bộ đội là để được chiến đấu chớ có phải đi để ngủ đâu ?
Trước sự tự giác chiến đấu đó, không một ai nỡ lòng phản đối. Lúc hành quân qua sông, nước lớn, người chị đã thấp mà chị lại không biết bơi. Các đồng chí định để chị ở lại. Chị nói một cách tha thiết :
- Các anh mang hộ súng cho em, em vịn vai các anh lội qua được thôi. Các anh phải cho em đi chiến đấu đêm nay mới được !
Đi chiến đấu là đi vào nơi cái sống cái chết trực tiếp với con người mà con người lại có một ham muốn thật kỳ lạ. Ham muốn đó không phải ai thúc ép mà do chính từ tình cảm, suy nghĩ của chị. Trong trận chiến đấu, Nguyễn Thị Phúc đã hoàn thành nhiệm vụ thật đẹp. Đánh hết những lô cốt, những ụ súng được phân công, Phúc lại xin lựu đạn, thủ pháo của đồng đội tiếp tục diệt những ụ súng, hầm ngầm khác. Chị muốn tiêu diệt thật nhiều địch để trả thù cho chú, cho cha, cho bà con, để trút bỏ những uất ức khi chị phải nhìn lũ giặc hành hạ cha chị, giết hại chú chị.
Lúc vượt qua hàng rào, hàng rào lại chưa mở xong, chị lấy súng đè lên để vượt qua, theo kịp đồng đội xông vào đồn địch. Vượt qua hàng rào thứ hai, tóc chị vướng vào dây thép gai lằng nhằng. Chị bứt tóc để chạy theo đồng đội cho kịp giờ nổ súng.
Nguyễn Thị Phúc đã hành động đúng như ý muốn của mình. Trong nhiều trận chiến đấu tiếp theo, chị cũng đã hành động đạt như ý muốn. Trong một trận chiến đấu khác ở một thị trấn, Nguyễn Thị Phúc đánh sập được một đồn cảnh sát và giết chết một lũ ác ôn nhưng khi thấy một chiếc xe chở những tên ác ôn khác đậu trước cửa đồn, chị lại tìm cách tiêu diệt luôn. Chị đã thực hiện được ý định đó. Cả chiếc xe và ba tên ác ôn đều tan xác.
Tự do đối với Nguyễn Thị Phúc trong những ngày chiến đấu là tự do được cống hiến cho cách mạng. Chị xin được đi chiến đấu là vì muốn cống hiến. Chị muốn tiêu diệt thật nhiều địch, hoàn thành thêm nhiệm vụ cũng là vì muốn cống hiến. Tự do cống hiến là tự do lớn nhất, cao đẹp nhất của anh hùng chúng ta, của những con người có lẽ sống chân chính.
Lê Mã Lương đã rời ghế nhà trường đi chiến đấu là để được tự do cống hiến cho Tổ quốc trong những ngày Tổ quốc có giặc xâm lăng. Trên chốt thép Quảng Trị, Lê Mã Lương đã được trọn quyền tự do cống hiến cho ước mơ của mình, cho đất nước, cho quê hương, cho sự nghiệp của bao người để lại. Vì vậy, anh đã có một sức mạnh gấp trăm lần kẻ địch, bắt quân thù phải đền tội tại nơi ấy.
Tự do được cống hiến là một quan niệm đúng đắn nhất đối với quan hệ sống của mỗi con người. Mọi người đều thiết tha cống hiến vào sự nghiệp chung. Vì vậy, trong cuộc sống, không có ai phải lo sợ, phải nơm nớp vì cướp giật, vì lừa đảo, vì chèn ép. Một cuộc sống như vậy quả là một cuộc sống tự do thật sự.
Bác sĩ Đỗ Hoài Nam đã được trọn quyền tự do cống hiến, cho nên tài năng của anh phát triển một cách nhanh chóng trên một chiến trường đầy khó khăn và thiếu thốn. Nhiều đêm anh thức trắng đọc sách, nghiên cứu. Nhiều lúc anh quên ăn, suốt ngày đứng bên người bệnh. Những đồng chí, đồng nghiệp của anh cũng cùng thao thức, cùng cặm cụi nghiên cứu với anh.
Mọi người đã tạo cơ hội để cho anh cống hiến được nhiều. Nếu một người thầy thuốc không có lẽ sống chân chính, không có quan niệm cống hiến đúng đắn thì không thể có những hành động như vậy. Nếu có thì cũng vì một động cơ khác, động cơ về danh vọng, về hưởng thụ. Ở đây Đỗ Hoài Nam không vì danh vọng và hưởng thụ. Cuộc sống của anh vẫn là cuộc sống của một chiến sĩ quân đội cách mạng. Vẫn phong phanh chiếc áo vải, vẫn cơm sắn canh rau như mọi người. Động cơ của anh là tình yêu thương những con người cùng giai cấp, cùng lý tưởng để cống hiến. Tài năng của anh do đó mà phát triển. Hàng nghìn cuộc phẫu thuật của anh chẳng những đã đem lại sự sống cho đồng chí, đồng đội mà còn cống hiến vào những thành tựu tiên tiến của nền y học hiện đại.
Thành tích anh hùng của bác sĩ Đỗ Hoài Nam lý giải rõ ràng : tài năng của một con người chỉ có thể phát triển được khi con người được tự do. Sống trong cái chế độ đầy thối nát, dù anh có tài năng thì cũng sẽ bị vùi dập, hoặc bị lợi dụng để phục vụ cho những mục đích trái ngược hẳn với mục đích của y học là mang lại sức khỏe và sự sống cho con người để con người lại lao động xây dựng cuộc sống. Kẻ thù của chúng ta khi muốn cám dỗ những người trí thức, thường hay ba hoa nhiều về những thứ tự do vui hưởng một cuộc sống vật chất xa hoa. Nhưng cuộc đời và hành động của anh Đỗ Hoài Nam lại nói lên một thứ tự do cao cả, rộng lớn hơn nhiều : tự do phục vụ Tổ quốc, tự do phục vụ nhân dân. Đó là một chân lý đơn giản mà vô cùng sâu sắc cũng như cuộc sống. Hoạt động của anh giản dị mà thắm tình thắm nghĩa, luôn luôn sôi nổi trong một cuộc đấu tranh nhiều mặt.
Trong cái xã hội của kẻ thù còn có biết bao những con người có tài mà bị vùi dập, hoặc là bị lợi dụng. Lợi dụng và lừa dối là lối sống “tự do” của kẻ thù. Thậm chí đến cha cũng lợi dụng và lừa dối con, đến chồng cũng lợi dụng và lừa dối vợ. Như thế thì sao gọi là tự do thật sự được. Vì không có tự do cho nên đã có những người như một phụ nữ châu Âu đã từng sống trong những thành phố có nhà chọc trời, có đèn điện lóa mắt, có xe hơi chạy như mắc cửi, có những tiệc rượu, những dạ hội, những hộp đêm ầm ĩ, huyên náo mà phải lặn lội đi tìm tự do khắp nơi. Người phụ nữ ấy đã nhiều phen phóng xe hơi đi khắp châu Âu, châu Mỹ, nhưng vẫn toàn thấy một cuộc sống ngột ngạt và tù túng. Tâm hồn chị luôn luôn u uất, tình cảm luôn luôn bị gò ép. Chị oán ghét cái xã hội phù hoa, giả dối ấy. Chị lại phóng xe đi nhiều nẻo đường trên đất miền Nam. Chị vào Sài Gòn, chị ra hạm đội Mỹ, để nhìn tận mắt, thấy tận nơi. Nhưng chị vẫn không trông thấy gì ngoài sự tàn bạo và dối trá. Chị đi vào vùng giải phóng miền Nam nước ta, và chính ở đây, ở những xóm làng và chiến khu kháng chiến miền Trung, chị đã tìm thấy một cuộc sống tự do thật sự. Ở đó giặc Mỹ đã trút xuống hàng vạn tấn bom đạn, đào xới từng gốc cây, ngọn cỏ để gieo chết chóc và đau thương. Nhưng ở đó có những con người sống với nhau hết sức trung thực, hết sức bình đẳng, nhất là những người phụ nữ được mọi quyền bình đẳng, được đem sức lực và tài năng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành tự do và độc lập như mọi người. Cuộc sống ở đó tuy có gian khổ nhưng quả là một cuộc sống dễ chịu và thoải mái về tinh thần. Cuộc sống ấy, chị không tìm thấy được trong những thành phố và xã hội chị đã sống.
Vì vậy khi rời vùng giải phóng miền Nam nước ta, người phụ nữ châu Âu ấy đã khóc. Chị khóc có lẽ là vì chị sung sướng được nhìn thấy một cuộc sống tự do thật sự của con người và cũng là khóc cho số phận những người phụ nữ như chị còn sống trong một xã hội mất tự do, nhân phẩm đã bị chà đạp, bị rẻ rúng. Khi về nước, chị khẳng định với mọi người rằng : Nếu tôi là người Việt Nam thì tôi sẽ làm “Việt Cộng”.
Không riêng gì chị đã nói lên cái tình cảm ấy mà còn nhiều người trên quả đất này như một người bạn Mỹ đã công nhận : dân tộc Việt Nam đã dạy tôi một điều vô cùng lớn lao. Đó là cuộc đấu tranh cho một nền tự do chân chính và thật sự, cho một nền công lý chân chính và thật sự, cho một Tổ quốc chân chính và thật sự.
Quả như vậy, vì một nền tự do chân chính và thật sự cho nên anh hùng của chúng ta có một cuộc sống tự do trong đấu tranh, tự do trong suy nghĩ và hành động. Những con người ấy lại là những con người tự giác trong suy nghĩ và hành động, những con người đầy lòng tin yêu nhau, đoàn kết gắn bó với nhau, tạo thành những tập thể có tổ chức, có kỷ luật chặt chẽ để phát huy mọi mưu trí và sáng tạo, vượt qua mọi thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù. Đó cũng là một đặc trưng của phẩm chất và đạo đức của những tập thể anh hùng của chúng ta.
Trung đoàn Ba Gia mới thành lập, cơm thiếu, quần áo thiếu, súng đạn cũng thiếu, nhưng nhiệm vụ đòi hỏi rất nặng nề. Đứng trước những thử thách đó, đồng chí chính ủy kính mến đã chặt một cọc gỗ từ những cây rừng Trường Sơn giao cho trung đoàn lúc lên đường làm nhiệm vụ. Đồng chí nói : “Thép của chúng ta đây. Ông bà ta khi xưa cũng đã dùng những thứ thép này để tiêu diệt một đội quân hung hãn đã chiếm gần hết châu Âu và châu Á. Ngày nay các đồng chí cũng vậy, với cọc gỗ này các đồng chí sẽ thay cuốc xẻng để chiến đấu, nhưng chẳng bao lâu các đồng chí sẽ đào bật đồn bốt của kẻ thù … !”.
Thật là một điều kỳ lạ. Những điều kỳ lạ ấy lại rất dễ hiểu. Nó dễ hiểu là vì cái tập thể ấy đầy lòng quyết tâm với một tinh thần được tự do đã dám suy nghĩ và dám hành động. Đó cũng chính là phong cách của những con người có một cuộc sống tự do. Tập thể ấy đã tin yêu nhau trong tổ chức và kỷ luật để thực hiện điều mong muốn của đồng chí chính ủy.
Sự tích kỳ lạ “thép của chúng ta đây” đã trở thành những sự tích anh hùng. Trung đoàn Ba Gia đã lập biết bao chiến công, mà mỗi chiến công đã trở thành những dấu ấn trong lịch sử đấu tranh của nhân dân miền Trung như Ba Gia, Vạn Tường, Đồng Dương …, đã thêu dệt nên lá cờ chiến thắng của một tập thể anh hùng.
Từ những sự tích tưởng chừng như kỳ lạ đó, quân đội ta đã trưởng thành nhanh chóng, đã đánh bại nhiều binh đoàn của giặc được tổ chức, trang bị rất quy mô và hiện đại. Nhiều tập thể anh hùng của chúng ta đã làm cho từng mảnh đất của Tổ quốc ta lấp lánh những chiến công anh hùng. Trung đoàn Phú Xuân trên thành phố Huế, trung đoàn Plây Me trên núi rừng Tây Nguyên, đoàn Rừng Sát trên con sông Lòng Tàu, trung đoàn Đồng Xoài trên chiến trường miền Đông, trung đoàn Đồng Tháp trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long …
Kẻ thù của chúng ta rất khiếp sợ trước những anh hùng và tập thể anh hùng như vậy. Chúng muốn dùng sắt thép, muốn dùng khoa học, kỹ thuật hiện đại để đè bẹp chúng ta, nhưng ngược lại, những con người ấy đã vượt lên tất cả để đè bẹp chúng. Những con người như vậy thì không có nhiệm vụ nào họ không hoàn thành, không có gian khổ nào họ không vượt qua, không có kẻ thù nào họ không đánh thắng.
Kẻ thù cũng ngạc nhiên và chúng không hiểu vì sao lại có những con người như vậy. Sống rất tự do, sống rất anh hùng, thậm chí những con người ấy khi ở trong lao tù của chúng vẫn là con người tự do, con người anh hùng. Tuy chúng giam hãm và kìm kẹp thân thể đồng chí chúng ta, nhưng chúng không giam hãm và kìm kẹp được tinh thần của đồng chí chúng ta. Vì con người của đồng chí chúng ta là con người của cách mạng, là con người có mục đích sống. Tuy thân thể mất tự do, nhưng tinh thần của họ rất tự do. Từ đó, họ đã tạo thành tổ chức, thành kỷ luật, họ đã biến nhà tù thành trường học, rèn giũa ý chí để tiếp tục chiến đấu. Cuối cùng họ là những con người chiến thắng.
Kẻ thù của chúng ta ngạc nhiên là phải. Bởi vì con người của chúng là con người nô lệ cho uy vũ, nô lệ cho đồng tiền. Chúng không có một lẽ sống để dựng thẳng dậy con người của chúng. Còn con người của chúng ta không lệ thuộc một thứ gì ngoài lẽ sống chân chính là độc lập và tự do. Cách mạng đối với chúng ta là ngày hội của những con người có tinh thần tự do. Ngày hội đó tạo cho chúng ta có những mưu trí và sáng tạo phát triển song song với chủ nghĩa anh hùng cách mạng đến đỉnh cao trong chiến đấu.
Những con người như Tô Văn Đực, Nguyễn Văn Tòng, Võ Viết Thanh từ nông dân mà ra, nhưng đã sáng tạo được vũ khí, từ lựu đạn, súng trường đến hỏa tiễn để tiêu diệt giặc. Tiểu đoàn thồ 44 với sức lao động đã lập nên những kỷ lục kỳ lạ trên chiếc xe đạp : 400 ki-lô-gam, 500 ki-lô-gam rồi 600 ki-lô-gam. Đại đội 7 xe tăng Tây Nguyên và anh hùng Bùi Đình Đột đã lập nên những hiệu suất chiến đấu phi thường trên những chiếc xe tăng chưa phải hiện đại nhất. Những người anh hùng của chúng ta đã sáng tạo vô song, đã biến những bầy ong thành những đội quân xung kích, những sợi dây chuối thành “hàng rào điện tử” vây giặc, những hòn đá trên Trường Sơn thành vũ khí diệt thù. Những người anh hùng của chúng ta như Võ Thị Huynh, Nguyễn Thị Phúc, Lê Thị Hồng Gấm, Hồ Thị Ký, … không những đã tự giải phóng cho đời mình mà còn làm rạng rỡ thêm truyền thống đất nước.
Qua những sự tích anh hùng đó, chúng ta thấy rất rõ quan hệ sống, thái độ sống và phong cách sống của nhân dân ta, và cũng là mẫu mực đối với chúng ta về lẽ sống tự do. Đẹp biết bao, lãng mạn biết bao và cũng cao cả biết bao một cuộc sống rất tự do, tự do một cuộc sống anh hùng.
Hạnh phúc là ước mơ trong cuộc sống của mỗi con người. Nhân dân ta hàng nghìn đời nay đã hai sương một nắng, đã cần cù lao động và đã ra công khai sơn phá thạch là để mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc.
Vậy hạnh phúc là như thế nào, và làm như thế nào để có hạnh phúc ? Đó là một câu hỏi đặt ra trước cuộc sống của mỗi con người và của cả dân tộc ta.
Mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau và mỗi giai cấp khác nhau đều có một quan niệm, một cách mưu cầu hạnh phúc khác nhau. Vậy đối với thời đại chúng ta, đối với mỗi con người chúng ta, như thế nào mới gọi là hạnh phúc. Có phải hạnh phúc như kẻ địch thường rêu rao thành tiêu chuẩn là một cuộc sống an nhàn, ăn sung mặc sướng, vợ đẹp con xinh … hay không ?
Trước nhất ta cần quan niệm hạnh phúc đúng đắn của con người suy cho cùng và xét cho kỹ là niềm vui đối với con người. Một con người sống mà không có niềm vui thì không thể gọi là một con người có hạnh phúc.
Kẻ địch khi nói đến hạnh phúc thường đề cao lối sống vật chất vì chúng chỉ tìm được cái gọi là niềm vui trong ham muốn vật chất. Chúng cố tìm những ham muốn vật chất của chúng trên xương máu của đồng bào, bằng cả con đường phản bội, nhục mạ tổ tiên. Đương nhiên có một đời sống vật chất đầy đủ cũng là một niềm vui đối với con người, nhưng không phải vì thế mà gọi là con người có hạnh phúc. Một hạnh phúc như vậy chưa hoàn toàn đúng đắn, và cũng chưa hoàn toàn đầy đủ. Nhiều lúc có một đời sống vật chất đầy đủ cũng không đem lại cho con người một niềm vui nào cả, và ngược lại, có khi một đời sống vật chất chưa đầy đủ lại đem đến niềm vui cho con người.
Nguyễn Minh Thắng lúc còn đi ở đợ, phải chịu tủi nhục, phải chịu đựng trước sự tàn bạo của giặc chà xát quê hương, thì tất nhiên không thể nào có một niềm vui được. Nguyễn Thị Phúc cũng vậy, làm sao có được niềm vui khi còn sống trong nanh vuốt của lũ giặc. Nhưng khi Nguyễn Minh Thắng, Nguyễn Thị Phúc sống một cuộc đời chiến đấu, tuy đời sống vật chất chưa đầy đủ nhưng họ lại có được niềm vui. Những con người đó có niềm vui vì họ được sống giữa những con người thương yêu nhau, đùm bọc nhau, lo lắng cho nhau, như những người ruột thịt. Niềm vui đó có phải đâu là trên một đời sống vật chất đầy đủ, mà là niềm vui của tinh thần. Vậy niềm vui của một con người được xây dựng trên hai yếu tố cơ bản là vật chất và tinh thần, và như vậy mới gọi là hạnh phúc.
Chúng ta có niềm vui tinh thần của chúng ta. Nguyễn Minh Thắng, Nguyễn Thị Phúc tìm thấy niềm vui tinh thần trong những ngày chiến đấu gian khổ vì Nguyễn Minh Thắng, Nguyễn Thị Phúc có độc lập và có tự do. Vậy hạnh phúc chân chính và thật sự của con người phải là hạnh phúc trong độc lập thật sự và tự do thật sự.
Nguyễn Văn Trỗi đã nói thẳng vào mặt kẻ thù khi chúng vẽ lên trước mặt anh một thứ hạnh phúc theo kiểu của chúng.
“Còn giặc Mỹ thì không ai có hạnh phúc cả”.
Đúng như vậy, còn ách thống trị của ngoại xâm, còn cuộc sống nô lệ thì làm sao có hạnh phúc.
Kẻ thù của chúng ta không thể có độc lập, và cũng không thể có tự do, nên chúng mới đề cao lối sống chạy theo vật chất và xem đó là tiêu chuẩn của hạnh phúc. Chúng ta không thừa nhận thứ hạnh phúc như vậy, một thứ hạnh phúc không phải của con người chân chính. Chúng ta có hạnh phúc thật sự của chúng ta, hạnh phúc trong lẽ sống độc lập và tự do thật sự. Chân lý và hạnh phúc của ta là : có một niềm vui sâu sắc về tinh thần trên cơ sở một đời sống có sự phân phối công bằng của những người lao động.
Đất nước ta kinh tế còn nghèo nàn và lạc hậu thật, đời sống vật chất còn thiếu thốn và khó khăn thật. Nhưng nửa đất nước ta đã được hoàn toàn độc lập, hoàn toàn tự do, đang xây dựng một đời sống tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là hạnh phúc lớn của dân tộc ta. Nhân dân ta thắt lưng buộc bụng, phải vất vả, gian truân, nhưng đã tống cổ được quân xâm lược Mỹ ra khỏi đất nước. Đó là một hạnh phúc rất đáng tự hào của nhân dân ta. Trong hai mươi năm qua, mỗi chúng ta đã đầu đội trời, chân đạp đất, bữa cơm, bữa rau, từ tay không chúng ta đã đánh bại nhiều binh đoàn sừng sỏ của giặc. Đó là hạnh phúc trong chiến thắng của chúng ta.
Những hạnh phúc đó dân tộc ta, nhân dân ta, quân đội ta và mỗi chúng ta đã giành được trên con đường chiến đấu giành độc lập và tự do. Kẻ địch xuyên tạc chúng ta là những con người không có hạnh phúc. Vì chúng nhìn hạnh phúc theo kiểu của chúng. Còn chúng ta có hạnh phúc thực sự trên con đường đấu tranh vạn dặm để đạt tới đỉnh cao của hạnh phúc.
Bà mẹ Nguyễn Minh Thắng khi nói với đứa con của mình : “Đi cách mạng là khổ lắm đấy con ạ !”. Là bà nói một cách thành thực. Bà đã hiểu cách mạng qua thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chồng bà cũng phải gian khổ, vất vả và chịu đựng nhiều hy sinh ác liệt. Một người mẹ bao giờ cũng lo lắng cho đứa con mình. Nhưng thực tại con bà cũng đã khổ, mà bà cũng không có cách nào cho con bà được sướng hơn. Ngày ngày con bà đã phải lao động khổ nhọc lại còn bị mắng chửi, khinh rẻ. Ở đời cái khổ cộng với cái nhục thì thật là đau đớn vô cùng.
Trước băn khoăn ấy, Nguyễn Minh Thắng cầm chặt tay mẹ nằn nì : “Khổ nào bằng đi chăn trâu cho người ta hở má ?”. Lúc ấy lòng bà mẹ sáng hẳn lên. Suy nghĩ của đứa con đã gặp cái day dứt từ lâu của người mẹ. Người mẹ nhìn đứa con như tìm thấy được sự khôn lớn từ lâu bà đã mong chờ. Đi cách mạng có khổ thật nhưng lại không bị nhục, điều đó làm cho người mẹ có niềm vui, một niềm vui thật sự …
Mấy năm sau, người mẹ ấy gặp lại đứa con mình đã lập được những chiến công anh hùng. Người mẹ đã sung sướng gấp bội. Bà sờ nắn từ đầu đến tay con, bà thấy đứa con mình cao lớn hơn nhiều, vầng trán nó rất kiên nghị, đôi vai nó nở nang, cái miệng nó cười rất tươi, nhất là trong ánh mắt của nó có cái gì làm bà rung cảm một cách kỳ lạ. Nước mắt bà đã chảy, nhưng khuôn mặt tưởng chừng không còn những nếp nhăn. Bà nói : “Bây giờ đời sống của má vẫn còn khổ, nhưng má thấy con được đi với cách mạng, lập được thành tích cùng anh em, thì má sung sướng lắm rồi ! Con đừng lo cho má nhiều, hãy lo nhiều cho cách mạng … !”.
Hạnh phúc thật sự của người mẹ là như vậy đó. Tuy còn phải bữa cháo, bữa rau nhưng bà đã có được hạnh phúc trong lẽ sống. Lẽ sống ấy, bà thấy được ở đứa con của bà đã biết chiến đấu như cha, chú nó vì nghĩa lớn đối với nước, với dân. Dân tộc ta có biết bao nhiêu bà mẹ đã tìm thấy hạnh phúc lớn lao trong sự nghiệp chung của dân tộc, trong sự cống hiến những đứa con mình cho Tổ quốc.
Bà mẹ của Lê Mã Lương cũng muốn cho con mình được sung sướng trong sự nghiệp chồng bà đã để lại. Bà có ý định cưới vợ cho con, xây dựng cho con một gia đình êm ấm. Đó cũng là hạnh phúc chân chính của người mẹ. Nhưng khi bà hiểu được đứa con mình có suy nghĩ : “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, thì bà thấy một hạnh phúc lớn lao hơn nhiều. Người mẹ nào lại không tự hào về đứa con có chí nối nghiệp lớn của cha anh. Trên trận tuyến đánh quân thù ấy, đứa con bà sẽ giáp mặt với địch để đền nợ nước, trả thù nhà, càng làm sáng đẹp hơn sự nghiệp của người cha để lại. Tuy có nhớ thương khi đứa con ra trận nhưng bà rất tự hào. Càng tự hào hơn khi đứa con trở thành Anh hùng.
Giá như Lê Mã Lương không ra trận mà ở nhà xây dựng một gia đình êm đẹp, thì tất nhiên người mẹ cũng có được niềm vui bây giờ đã trở thành niềm vui của mọi người, của xóm làng và của cả nước. Người ta nhắc đến tên con bà như nhắc đến cái tên quen thuộc, thân yêu. Làm sao một người mẹ không tự hào trước một đứa con như vậy. Tự hào ấy cũng chính là một hạnh phúc thật sự.
Lê Mã Lương thấy “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” là vì trên trận tuyến ấy anh sẽ được cống hiến cho sự nghiệp mà anh hằng ước mơ. Mỗi khi con người có ước mơ và ước mơ đó được thực hiện thì con người có hạnh phúc. Ở đây Lê Mã Lương không phải ước mơ những việc nhàn rỗi cho bản thân mình mà là ước mơ của lẽ sống. Ước mơ ấy phải giành giật nơi trận tuyến, vì vậy, trận tuyến ấy sẽ làm cho cuộc đời anh đẹp hơn lên. Cái đẹp mà Lê Mã Lương hiểu chính là hạnh phúc thật sự.
Một người mẹ phải mang nặng đẻ đau, phải khó nhọc nuôi con khôn lớn, phải nhịn ăn nhịn mặc cho con, nhưng người mẹ lại không thấy mất mát mà lại thấy được hạnh phúc làm mẹ. Anh hùng của chúng ta cũng vậy, cống hiến là để đạt được đất nước không còn bóng quân xâm lược, đất nước phải hoàn toàn độc lập, phải hoàn toàn tự do. Hạnh phúc của dân tộc đạt được thì hạnh phúc của Lê Mã Lương cũng đạt được. Sự cống hiến của anh hùng chúng ta là sự cống hiến “mình vì mọi người”.
“Mình vì mọi người” là một quan niệm về cống hiến mà cũng là một quan niệm về hạnh phúc. Trong xã hội được nhào nặn theo kiểu Mỹ, nhiều con cái của bọn chuyên nghề bóc lột không tìm được niềm vui. Chúng trở thành những lớp “thanh niên bụi đời”, “thanh niên híp-pi” lang thang trên khắp đường phố một cách chán chường và lay lắt.
Anh hùng của chúng ta có hạnh phúc thật sự trong sự chăm lo hạnh phúc của đồng bào, đồng chí của mình. Bác sĩ Đỗ Hoài Nam tìm được hạnh phúc thật sự không phải trong điều kiện vật chất đầy đủ mà là bên bàn mổ cứu tính mạng đồng chí của mình. Mỗi lần đứng vào bàn mổ anh đều suy nghĩ : “Quân thù đã cướp đi một phần cơ thể của đồng chí, giờ đây mình chẳng những phải cứu sống tính mạng mà còn phải giữ lành lặn những phần cơ thể còn lại”. Với suy nghĩ ấy anh đã trắng đêm nghiên cứu, mải miết quên ăn. Việc làm đó đã đem lại hạnh phúc cho đồng chí.
Có lần gặp một ca mổ hết sức hiểm ác, ba trường hợp đại phẫu thuật trên cơ thể. Nhưng bí hiểm của thương tật vẫn chưa tìm ra. Hội đồng chẩn đoán họp đi họp lại nhiều lần vẫn chưa xác định được. Có nhiều ý kiến đã ngả về phía cắt bỏ đi một phần cơ thể quan trọng để cứu sống người. Nhưng anh biểu rằng mất một cái chân đối với một đồng chí tuổi còn trẻ là một điều rất đau đớn. Vì vậy, anh quyết không chịu lùi trước khó khăn. Anh mải miết nghiên cứu và bí quyết đã tìm được trong lần hội chẩn cuối cùng. Sau mười giờ làm việc bên bàn mổ, anh đã thành công một cách tốt đẹp.
Mấy tháng sau đồng chí thương binh đã khoác ba lô lên đường về đơn vị. Đồng chí xúc động ôm chặt lấy anh :
- Cảm ơn các đồng chí, các đồng chí đã cứu sống tôi và đã cho tôi niềm vui được trở về với cuộc sống chiến đấu.
Anh cũng ôm chặt lấy đồng chí thương binh như ôm chặt niềm hạnh phúc to lớn của mình. Hạnh phúc đã đến với anh theo những năm dài kháng chiến. Những lá thư từ các chiến trường kể cho anh nghe rất nhiều chuyện. Từ chuyện chiến thắng đến chuyện riêng tư của từng đồng chí. Anh ngỡ trong chiến thắng ấy đã có mình, trong hạnh phúc riêng tư ấy có cả hạnh phúc của mình. Anh đã chăm lo hạnh phúc cho mọi người, thì mọi người cũng đem lại cho anh một hạnh phúc thực sự, hạnh phúc của những kết quả khoa học đã đạt được. Trong ba lô anh cũng như ba lô của mọi người chiến sĩ, nếu có khác là trong ba lô anh có từng gói, từng hộp đựng những viên sỏi thận, những hạt bom bi, những mảnh bom nổ … làm kỷ niệm những ca mổ phức tạp và thành công, đánh dấu những niềm vui trong cuộc đời của anh.
Chính vì biết cống hiến “mình vì mọi người” cho nên biết bao nhiêu trường hợp hiểm nghèo tưởng chừng như không vượt qua được, anh hùng của chúng ta vẫn vượt qua được và hạnh phúc thật sự đã đến với họ. Những ngày chị Võ Thị Huynh hoạt động trên một chiến trường ven Sài Gòn là những ngày có thể nói biết bao trường hợp hiểm nghèo đến với đơn vị chị.
Có lúc chị đã ngất xỉu khi đi đào củ rừng về nuôi thương binh. Các đồng chí thương binh vừa thương vừa lo cho chị, cho nên đã ngăn chị :
- Chị Ba ơi ! Chị mệt lắm rồi đó. Ngày mai chị đừng đi đào củ nữa. Chúng tôi nhịn đói một ngày không chết đâu chị Ba !
Chị mệt thật, nhưng ngày mai ở nhà thì anh em thương binh sẽ bị đói, chị không đành lòng.
Thế là ngày hôm sau chị lại tiếp tục đi đào củ, và lại mang về những bòng củ thật đầy. Chị ngồi nhìn từng đồng chí thương binh húp từng bát cháo củ rừng mà không giấu được những giọt nước mắt sung sướng lăn trên má. Thiết nghĩ ở đời này cũng ít người có được cái niềm sung sướng to lớn như chị lúc đó. Suốt những ngày tháng trên một chiến trường như vậy, chị luôn luôn có niềm sung sướng thật chân chính, từ việc che giấu thương binh trong những trận càn được an toàn đến những lúc để thương binh dựa lưng mình cho bớt đau vết thương, yên từng giấc ngủ.
Những người anh hùng như vậy đã cống hiến “mình vì mọi người” cho nên cuộc sống giữa con người với nhau thật là đậm đà tình nghĩa giai cấp. Tình nghĩa ấy làm cho mỗi người chúng ta dù gian khổ đến mấy cũng luôn luôn bắt gặp những niềm vui to lớn. Niềm vui ấy làm cho tâm hồn ta thêm khoáng đạt, tình cảm ta thêm trong sáng, cả cuộc đời chiến đấu của ta là một bản tình ca của cuộc sống. Câu chuyện riêng tư của gia đình chị Nguyễn Thị Phúc là một bản “tình ca” như vậy.
Giữa những ngày Phúc đang hoạt động, bọn giặc bắt Phúc và cha nhốt vào lao tù vì cái “tội” làm cách mạng. Gia đình Phúc lúc đó không còn người lớn. Ba đứa em còn nhỏ. Nhiều lúc chúng phải đi kiếm ăn lang thang. Chúng ta thử hình dung các em phải tủi nhục dường nào nếu trong nhân dân ta không có những người như thím Nhung. Nhà thím cách nhà Phúc chỉ vài ba sào đất, một tiếng gà cũng đánh thức chung. Nhà thím cũng nghèo như nhà Phúc, nhưng thím rất giàu tình người. Vì vậy, thím không đành lòng nhìn các em bị tủi nhục. Từ tình người mà thím đã có một trách nhiệm. Trách nhiệm đối với những đứa con của người đang chiến đấu vì sự nghiệp chung của nhân dân. Thím nói với bà con : “Tôi xin đem các cháu về nuôi để anh Ba (tức cha Phúc) và cháu Phúc ở trong tù khỏi buồn … !”.
Đẹp làm sao cái nghĩa tình như vậy. Thím đã dồn tất cả niềm thương yêu cho các em như thương yêu những đứa con tự mình sinh ra.
Hai tiếng “đồng bào” sao mà rõ ràng trong cái tình nghĩa “nhiễu điều phủ lấy giá gương” như vậy. Trong lao tù của Mỹ - ngụy loảng xoảng xiềng xích cũng không thể giam hãm niềm vui của người cha và người chị các em nhỏ đó. Niềm vui đó phải chăng là niềm vui “mình vì mọi người” và do đó, “mọi người vì mình” ?
Từ cái tình nghĩa cao đẹp ấy mà đi đến cái tình của tuổi già cũng thật là tươi mát. Sau này thím Nhung đã trở thành người mẹ kế rất thân yêu của Phúc. Tình yêu của hai con người đã lớn tuổi ấy không phải là một thứ tình yêu đơn giản, mà là tình yêu của những con người có lẽ sống chân chính, biết chăm lo đến hạnh phúc của mọi người. Người mẹ kế ấy cũng có biết bao đêm trằn trọc nhớ con đi xa. Nhiều lúc nước mắt cũng lăn dài khi con được về hậu phương lớn ăn học. Tuy không phải là những đứa con ruột thịt, nhưng mối tình ấy chính là mối tình của người mẹ ruột. Còn có hạnh phúc chân chính nào hơn hạnh phúc trong một gia đình như vậy. Ôi ! nhân nghĩa của dân tộc ta trong những ngày chiến đấu sao mà đậm đà và trung thực đến thế !
Trong những ngày chiến đấu, đất nước ta đã phải chịu đựng nhiều đau thương, nhưng chúng ta không thấy cô đơn, u buồn và khổ hạnh. Biết bao nhiêu người đã chăm sóc cho ta và lo lắng cùng ta. Những hạt gạo mẩy tròn làm ra trên những cánh đồng sông Hồng, trên những triền núi Lai Châu cũng cắn làm hai, làm ba cho những người đi chiến đấu mọi nẻo. Một trận lụt ở Vĩnh Phú cũng làm cho những con người trên đất Bến Tre cầm bát cơm ăn không biết ngon. Một thước vải làm ra do những cô thợ dệt trẻ miệt mài tận khi sao mai gọi sáng cũng để gửi cho những chiến sĩ trên núi rừng Tây Nguyên đêm sương lạnh buốt. Cả nước ta chung một buồn vui, cả dân tộc chung một niềm hạnh phúc. Chúng ta chiến đấu trên một đất nước như vậy, dù trải qua gian nan thử thách, nhưng hạnh phúc thật sự đầu tiên đã đến trong từng cuộc đời chúng ta. Và từ niềm hạnh phúc thật sự đầu tiên đó, chúng ta sẽ nắm chắc trong tay niềm hạnh phúc trọn vẹn như lòng ta hằng mong muốn.
Hạnh phúc ấy chúng ta luôn luôn bắt gặp từ những tấm lòng thơm thảo trên mỗi vùng đất ta qua. Trên vùng đất Bình Định chúng ta gặp tấm lòng của Nguyễn Thị Phúc. Trên vùng đất Bến Tre chúng ta gặp cái nghĩa tình của Nguyễn Thị E, trên vùng đất Sài Gòn – Gia Định chúng ta gặp cái thủy chung của Nguyễn Thị Thu Trang. Ba người con gái ấy ở ba nơi khác nhau, mỗi người công tác, chiến đấu trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng lại rất giống nhau ở tấm lòng rất cao đẹp, tấm lòng tất cả vì cách mạng.
Người con gái nào cũng có những kỷ niệm riêng tư. Nhưng những kỷ niệm của ba người con gái ấy vừa là riêng tư vừa mang nhiều ý nghĩa sâu nặng với cuộc đời. Đối với Nguyễn Thị Phúc, kỷ niệm sâu nặng nhất là mối tình của người cha và người mẹ kế. Mối tình ấy nảy nở trên tấm lòng nhân đạo của con người. Nhiều đêm Phúc đã khóc thầm theo câu chuyện kể về tình thương của người mẹ kế đối với các em. Lúc Phúc lên đường đi bộ đội, người cha và người mẹ kế, mỗi người đã tặng Phúc một chiếc nhẫn. Người mẹ kế nói với chị :
- Con giữ những chiếc nhẫn này làm kỷ niệm trong khi đi công tác. Đó là tình nghĩa của cha mẹ đối với nhau và cũng là đối với con. Mỗi lần con nhìn đến, con sẽ hiểu thêm nghĩa tình ấy của cha và mẹ … !
Phúc đinh ninh sẽ giữ mãi chiếc nhẫn cho đến trọn đời.
Nguyễn Thị E cũng có một kỷ niệm như vậy … Trước khi xa nhà đi kháng chiến, người mẹ cho chị một chiếc nhẫn và dặn :
- Giữ chiếc nhẫn này, con luôn luôn nhớ đến nhiệm vụ của con. Con đừng làm gì cho má, cho gia đình ta, cho họ hàng ta phải buồn lòng … !
Suốt những năm chiến đấu trên một vùng trọng điểm “bình định” của giặc, chiếc nhẫn như một lời động viên nhắn nhủ của mẹ và của bao người ở bên chị. Chị đã vượt qua tất cả những thử thách tưởng chừng không thể vượt nổi.
Còn đối với Thu Trang, chiếc nhẫn của mẹ cho đã trở thành một lời thề chiến đấu không bao giờ mất đi trong trái tim mình. Mỗi lần nhìn chiếc nhẫn là Thu Trang như thấy lại hình ảnh người mẹ đã chết trong tiếng nổ của pháo địch giữa một đêm mùa hè ở ngoại vi Sài Gòn. Mẹ chị không nói được lời cuối cùng nào, bàn tay người mẹ đã nắm tay Thu Trang và vân vê trên mặt chiếc nhẫn, như chính những ngón tay run rẩy ấy đã nói thành lời :
- Con hãy nhớ mà trả thù cho má …
Suốt những năm hoạt động giữa lòng địch. Thu Trang đã gặp biết bao nhiêu khó khăn và phức tạp, nhưng chị đều vượt qua và giữ trọn lòng sắt son đối với cách mạng. Chị thầm hứa trọn đời không bao giờ xa rời chiếc nhẫn mẹ cho.
Mỗi chiếc nhẫn của mỗi người con gái đó mang một tình cảm rất sâu sắc, mang một ý nghĩa thủy chung trong cuộc đời.
Thế nhưng ba người con gái ấy đã gặp ba trường hợp khác nhau khi nhiệm vụ và công tác cần thiết. Họ đã sẵn sàng xa rời những vật thiêng liêng của mình. Nguyễn Thị Phúc cần có vật liệu để chuẩn bị một trận đánh giữa một thị trấn. Nguyễn Thị E cần có đường, có sữa, có thuốc để nuôi dưỡng thương binh trong những ngày khó khăn. Còn Thu Trang thì lại cần điều tra tình hình để diệt một khách sạn Mỹ giữa Sài Gòn. Lúc này cấp trên chưa cung cấp được những điều kiện cần thiết. Đứng trước những hoàn cảnh đó, họ đã đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, đặt lợi ích của đồng chí, đồng đội lên trên hết. Các chị sẵn sàng đem bán những chiếc nhẫn. Nguyễn Thị Phúc lần lượt bán cả hai chiếc để lấy tiền chuẩn bị cho chiến đấu. Mỗi người đều có một ý nghĩ tuy khác nhau, nhưng rất giống nhau.
Nguyễn Thị Phúc suy nghĩ : “Mình giữ những chiếc nhẫn này là giữ nghĩa tình của cha mẹ. Giờ đem bán những chiếc nhẫn này để hoàn thành nhiệm vụ cũng là trọn nghĩa tình với cha mẹ. Nếu vì những chiếc nhẫn này mà không hoàn thành nhiệm vụ thì chính mình đã phụ cái nghĩa tình ấy … !”.
Nguyễn Thị E thì lại suy nghĩ : “Mình bán chiếc nhẫn của mẹ để nuôi dưỡng thương binh. Việc làm đó chắc mẹ sẽ vui lòng vì mình đã làm đúng lời mẹ dặn”.
Còn Thu Trang, giữa đêm khuya chị ngồi một mình, đặt chiếc nhẫn lên một trang giấy hồng, đồ lại hình dáng chiếc nhẫn để sau này nhớ lại, rồi thì thầm với chiếc nhẫn : “Má ơi ! Khi má chết má không nói được lời nào, nhưng chắc má muốn dặn con là phải trả thù cho má ! Giờ đây, dịp trả thù bọn cướp nước đã đến. Chắc má vui lòng cho con bán chiếc nhẫn để hoàn thành trận đánh sắp tới, một trận đánh con được dịp trả thù cho mọi người và cho má … !”.
Ra khỏi cửa hiệu kim hoàn, Thu Trang vô cùng nhớ tiếc chiếc nhẫn nhưng trong lòng lại thấy lâng lâng một niềm vui. Trước mặt chị như hiện lên một trận đánh thành công. Quả vậy, 90 tên Mỹ và ác ôn đã tan xác trong một khách sạn là chính từ cái sự tích chiếc nhẫn ấy. Chiếc nhẫn của Nguyễn Thị Phúc đã biến thành những tiếng nổ sôi động, giết chết hàng chục tên ác ôn giữa một thị trấn chằng chịt bốt đồn giặc. Còn chiếc nhẫn của Nguyễn Thị E đã biến thành đường, thành sữa, thành thuốc men nuôi thương binh vượt qua những ngày vô cùng ác liệt trên một chiến trường đầy đầm lầy, sông rạch. Mẹ của Nguyễn Thị E chẳng những đã vui lòng, mà còn bán tiếp một con heo gửi tiền cho con nuôi dưỡng thương binh.
Rõ ràng cái đẹp từ sự tích những chiếc nhẫn của ba người con gái ấy rất giống cái đẹp của sự tích chiếc nhẫn của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi. Mặc dù những vật kỷ niệm thiêng liêng ấy không còn nữa, nhưng kỷ niệm của hạnh phúc trong cuộc đời của mỗi người vẫn còn mãi mãi và trong lòng mỗi chúng ta cũng in sâu những kỷ niệm ấy không bao giờ phai.
Cuộc đời chị Võ Thị Huynh đã có biết bao nhiêu đau thương chồng chất. Chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã phải chứng kiến cái cảnh cha chết, chồng chết, con chết, anh em chết vì lũ giặc. Từ chỗ có một gia đình ấm cúng, chị chỉ còn lại một mình. Một người đàn bà đã mất đi những người thân yêu như vậy thì đau khổ biết dường nào. Đau khổ đến mức trở thành cô đơn trong cuộc sống.
Nhưng cuộc đời của Võ Thị Huynh không cô đơn. Chị đã tự vươn lên lấy lại niềm vui trên con đường cách mạng. Trên con đường đó, ban đầu chị chập chững bước, nhưng đã bước được để vượt qua khổ đau. Nếu chị không dám mạnh bước thì suốt đời chị sẽ phải sống trong niềm thương, nỗi nhớ và rồi cũng sẽ bị lũ giặc chà đạp lên cuộc đời chị.
Thế là sau những bước chập chững, chị đã lấy đà dũng cảm bước theo con đường cách mạng, tuy con đường đó bày ra trước mắt chị lắm chông gai và ghềnh thác. Mọi người thương yêu chị, thông cảm với chị và đã giao công tác cho chị. Nhưng khả năng của chị thì chưa với tới được. Chị phải học. Thật là khó khăn đối với chị. Còn khó khăn hơn những ngày lao động và nuôi con. Buổi học đầu tiên, những chữ a, b, cứ nhảy múa thách thức trước mắt chị, và quyển vở với dòng chữ đã nhòa đi trong nước mắt. Những giọt nước mắt ấy chứa đựng bao căm thù đối với cái chế độ cũ đã làm cho chị có đôi mắt sáng mà phải chịu mù chữ.
Mọi người lại động viên chị : “Cứ ráng lên, ai cũng vậy, khó khăn là buổi ban đầu”. Chị lau nước mắt và lại tiếp tục học. Những dòng chữ hình như cũng biết thương chị. Chúng nằm im trong tiếng đọc. Chị tiếp tục học ngày, học đêm, học cả trong giấc ngủ. Chị say mê học và chẳng bao lâu chị đã đọc được những tên thuốc ký-ninh, vi-ta-min và chị cũng đã đọc được thư chúc Tết của Bác Hồ. Chị đã tìm thấy niềm vui sau bao ngày đêm nghị lực vượt qua khổ đau để học tập và để trở thành người y tá phục vụ cho cách mạng, lập được những thành tích anh hùng.
Hạnh phúc của Võ Thị Huynh chính là do ở nghị lực của mình để vươn lên. Chúng ta cũng đã biết rõ nghị lực của Lê Mã Lương trên chiến trường Quảng Trị, nghị lực của Nguyễn Minh Thắng trên chiến trường Sài Gòn – Gia Định.
Hai người ấy ở hai chiến trường khác nhau nhưng lại rất giống nhau là có nghị lực để thực hiện ước mơ của mình. Giữa những ngày chiến đấu đang sôi sục thì hai người đó bị thương tật phải về phía sau điều trị và an dưỡng. Mặc dù phải ở phía sau nhưng ước mơ của họ là được chiến đấu ở phía trước. Để thực hiện ước mơ ấy, họ đã có một nghị lực phấn đấu rèn luyện để vượt qua bệnh tật.
Lê Mã Lương rèn luyện đôi mắt mình bên bếp lò nấu cơm. Anh để cho sức nóng táp vào mặt, cho khói xông vào đôi mắt, cứ mặc cho nước mắt cay xè, thái dương nhức tựa kim đâm. Ngã xuống ngất bên bếp lò, nhưng gượng dậy được là lại vào bếp. Cứ như vậy mà một thời gian, con mắt còn lại của anh đã có khả năng như một đôi mắt bình thường.
Còn Nguyễn Minh Thắng thì phải tập vịn cây đi từng bước. Ngã xuống rồi lại tự đứng dậy chập chững đi tiếp. Đi được rồi thì tập chạy, tập nhảy, tập cả mang vác nặng. Anh còn vác xẻng vào rừng đào củ suốt ngày, vừa cải thiện cho cơ quan vừa tập đôi tay cho khỏe để đào được công sự chiến đấu. Và trong một thời gian Nguyễn Minh Thắng cũng như Lê Mã Lương đã trở về được với đơn vị chiến đấu.
Nghị lực của những con người ấy không hẹn mà gặp nghị lực của Pa-ven Coóc-sa-ghin, một con người đã được thanh niên chúng ta hằng yêu thích. Những con người ấy chứng minh một điều rất rõ ràng là hạnh phúc không phải tự nhiên đến với con người, mà con người phải có đầy đủ nghị lực mới tìm thấy được hạnh phúc. Hạnh phúc của chúng ta là hạnh phúc trong lao động và đấu tranh.
Đất nước ta đã trải qua 30 năm chiến đấu, biết bao nhiêu gian truân và vất vả, chịu đựng biết bao nhiêu tổn thất và đau thương, nhưng con người trên đất nước ta có đầy đủ nghị lực phi thường để đạt những ước mơ lớn lao. Nghị lực đó đã trở thành sự say mê của mỗi người. Say mê đến mức kỳ lạ như Trịnh Xuân Hiệp say mê đánh kho bom. Mấy lần bị thương vẫn không chịu đi bệnh viện, hoặc có vào bệnh viện cũng tìm cách xin ra để được trở về tiếp tục trinh sát, đánh nổ những kho bom trên đất Mỹ Tho. Say mê như đội 5 Rừng Sát, năm tháng ròng rã sống trên sông rạch, nhịn đói nhịn khát, đánh lộn với cá sấu để mở đường chiến đấu, vẫn không rời nhiệm vụ của mình. Vì vậy hàng chục tàu chiến địch đã bị nhận chìm trên sông Lòng Tàu, hàng dãy kho tàng của chúng đã bị phá hủy trên bến cảng Nhà Bè.
Có nghị lực và say mê để đạt đến hạnh phúc, nên biết bao nhiêu mơ ước tưởng chừng như xa xôi đã dần dần trở thành hiện thực trên đất nước ta một cách rất sinh động. Tất nhiên, chúng ta còn phải phấn đấu gian khổ để thực hiện những ước mơ trọn vẹn. Chúng ta phải giành hoàn toàn độc lập cho Tổ quốc, giành tự do hoàn toàn cho nhân dân. Chúng ta sẽ phấn đấu cho nhân dân ta có một đời sống thực sự hạnh phúc, có những thành phố thật nguy nga, những xóm làng thật trù phú. Có nhà hát, có nhà dưỡng lão, có những trại trẻ, có những gian nhà ấm cúng với những vườn cây rộn tiếng chim và những đàn ong rì rào hút mật. Nhưng chúng ta vẫn hết sức tự hào sung sướng với hạnh phúc của ngày hôm nay, hạnh phúc mà giặc Mỹ muốn chà đạp thì nó lại nảy mầm trong cuộc đấu tranh anh hùng của chúng ta. Cái hạnh phúc ấy như một người bạn Mỹ đã thấy và nói : “Chính ở Mỹ bom chưa hề rơi bao giờ, tôi lại ngửi thấy mùi thối rữa của cái chết. Còn ở đây, tại Việt Nam, nơi có biết bao nhiêu chết chóc, và biết bao nhiêu đau khổ, tôi lại ngửi thấy mùi hương, mùi hoa trời, hương thơm của cuộc sống”.
“Hương thơm của cuộc sống” ấy chính là hạnh phúc chân chính và thực sự chúng ta đã giành được trong những năm tháng chiến đấu rất anh hùng và rất vinh quang.
Dân tộc ta đã trải qua một chặng đường đấu tranh vô cùng oanh liệt và cũng đã giành được những thắng lợi vô cùng vẻ vang. Trong cuộc đấu tranh đó, hai tiếng Việt Nam đã tượng trưng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng đang rực chói trên trái đất.
Từ đây dân tộc ta sẽ bước vào một thời kỳ mới, một thời kỳ phát triển cao độ đưa dân tộc ta, đất nước ta đến những thắng lợi huy hoàng hơn nữa.
Nhưng những năm chiến đấu chống Mỹ, cứu nước vừa qua vẫn là những dấu son in đậm vào những trang lịch sử của những thế hệ mai sau. Và mỗi thành quả của mai sau đều có từ những chất liệu thành quả hôm nay xây đắp nên.
Chúng ta tự hào với những năm tháng chiến đấu đó, những năm tháng dân tộc ta đã sống và chiến đấu làm cho đất nước ta thành một đất nước của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chủ nghĩa anh hùng ấy mãi mãi xanh tươi cùng với đất nước muôn đời.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng ấy đã cho chúng ta biết bao sự tích, mà mỗi sự tích đều thể hiện lẽ sống của con người, thể hiện cách đối nhân xử thế của một dân tộc. Sự tích của anh hùng chúng ta là một bản tổng kết sinh động một chặng đường lịch sử đấu tranh và cho chúng ta những bài học rất sống trong cuộc đời.
Các anh hùng của chúng ta vẫn là những con người giản dị, bình thường, giác ngộ mục đích đấu tranh và chân lý bằng chính ngay những đắng cay quằn quại của chính cuộc đời mình và gia đình mình. Nhưng điều đó thật bao nhiêu ! Sâu sắc bao nhiêu ! Và chính nó là bản thân cuộc sống. Nó đang và sẽ bổ sung một cách hết sức quan trọng và phong phú vào những kho tàng nhận thức của loài người.
Ngay khi những con người giản dị và bình thường đó đã làm nên những sự tích phi thường, họ vẫn tiếp tục là những con người giản dị và bình thường, đến nỗi gặp họ ta không thể tưởng tượng được trong tâm hồn, tư tưởng họ đã có những ý nghĩ trong sáng, cao cả, lớn lao, và cuộc sống của họ đã trải qua những giờ phút kinh khủng ghê gớm hoặc huy hoàng rực rỡ, với những lo lắng cháy ruột cháy gan, những niềm đau xót không thể tưởng tượng được, hoặc với những niềm vui phơi phới mà ít người có được.
Cuộc sống của cả dân tộc ta hầu như cũng vậy. Cả dân tộc ta lặng lẽ, cần cù, dũng cảm làm việc, chiến đấu, thúc đẩy lịch sử đi lên. Mỗi ngày, mỗi phút đều xuất hiện những sự tích anh hùng. Trước mắt nhân loại tiến bộ, trước mắt những người có lương tri trên thế giới, dân tộc Việt Nam vụt cao lớn hẳn lên tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp mà “bất cứ ai đứng chỗ nào trên trái đất đều nhìn thấy”, thể hiện rõ chân lý sáng ngời của thời đại. Thế mà cả dân tộc ta vẫn lặng lẽ, cần cù, dũng cảm tiếp tục cuộc đấu tranh của mình, đấu tranh cho lẽ sống của dân tộc và cho chân lý của thời đại. Dân tộc ta vẫn giản dị, bình thường, và chân lý vốn cũng rất giản dị như vậy.
Trên đất nước ta không còn những bộ quân phục của quân xâm lược, nhưng tàn tích và nọc độc của chúng vẫn còn, bè lũ tay sai đắc lực của chúng vẫn còn. Nhân dân ta, quân đội ta còn phải tiếp tục quét sạch những tàn tích, những nọc độc cùng bè lũ tay sai để đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân tộc ta hoàn toàn tự do.
Với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chúng ta mãi mãi gương cao chân lý sáng ngời : “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” để chiến thắng tất cả mọi kẻ thù. Trước mắt ta, con đường còn lắm chông gai, ghềnh thác, nhưng đoạn đường thử thách to lớn nhất chúng ta đã vượt qua, thì đoạn đường sắp tới nhất định chúng ta cũng sẽ vượt qua một cách thắng lợi. Chân trời trước mắt đã mở rộng bao la, nhất định dân tộc ta sẽ đi đến đích cuối cùng là độc lập thật sự, tự do thật sự, và hạnh phúc thật sự.
Mục đích ấy thật là tươi sáng và cao đẹp. Vinh quang mãi mãi thuộc về nhân dân ta, thuộc về quân đội ta, thuộc về anh hùng của chúng ta.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét