Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

Những câu chuyện Gia đình (1)


Dưới đây là câu chuyện do Bà Tạ Thị Xuyến kể lại, Anh Trần Toàn Thắng ghi chép lại năm 2003 và thể hiện trong tập “Chuyện Xưa... Chuyện Nay”. Blog biên tập và tuần tự giới thiệu các đoạn sau:

- Cụ Vũ Thị Thục với mảnh đất quê hương;

- Gia đình Cụ Phán Long;

- Những người con cụ Phán Long.

***

Cụ Vũ Thị Thục với mảnh đất quê hương

Theo gia phả họ Tạ gốc làng Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình: “Kể từ khi cụ Sơ Hoàng Thủy Tổ họ Tạ là Tạ Đình Ninh và cụ Tổ họ Lê là Lê Lang từ Diêm Phố Thanh Hóa về vùng ven biển quận Châu Định lập ấp đến nay đã hơn 400 năm, con cháu đã đến đời thứ 24...”

Trong chi 4, ngành 6 họ Tạ tại Thư Điền, đến đời thứ 11 có Cụ Tạ Ngọc Điến. Bà vợ hai của Cụ là Cụ Vũ Thị Thục...

Cụ Vũ Thị Thục là con gái nhà quan (đô đốc, thượng thư?), yêu và lấy một thày đồ nghèo rồi đưa nhau lên sinh sống ở miền ngược. Cụ Thục có với cụ Đồ hai người con trai là Cận và Dương. Cụ Thục làm nghề buôn tre nứa về xuôi để lo cho cuộc sống gia đình. Do có về Tây Giang bán tre, nứa ở chợ Huyện nên quen biết Cụ Tạ Ngọc Điến.

Gia đình trên nền nhà cũ của Cụ Vũ Thị Thục để lại
Khi các con của Cụ Thục là Ông Cận được 5 tuổi và Ông Dương được 2 tuổi thì Cụ Đồ mất. Trong vùng có một người giàu có, quyền thế, thấy Cụ đẹp gái, giỏi làm ăn nên muốn ép lấy làm vợ lẽ. Cụ Thục vờ nhận lời và xin đi buôn một chuyến cuối cùng. Cụ đổ hết vốn liếng mua hàng, mang theo hai con đi chuyến cuối. Ông nhà giàu nọ cử 12 người theo, tiếng là giúp Cụ nhưng thực ra là để canh chừng. Biết vậy, Cụ đợi đi được nửa đường mới tìm cách trả tiền công cao hơn để đổi lại họ quay về, cho Cụ đi tự do. Sau đó, Cụ thuê người làm mới đưa toàn bộ chuyến hàng về xuôi an toàn. Cụ cùng hai con tới Thư Điền sinh sống. Khi mãn tang chồng, Cụ nhận lời lấy Cụ Điến làm vợ lẽ và sống với gia đình Cụ Điến tại Giang Đoài.

Gia đình năm 1974, khi Ông Tạ Ngọc Phách ra Bắc
Được một thời gian do không chịu nổi cảnh lẽ mọn. Cụ mua lại miếng đất (180 m2) của cụ Quản Phan ở Giang Bắc gần chợ Huyện và chuyển ra sống ở đó. Thời gian Cụ mua thửa đất này có thể vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX. Thửa đất Cụ Thục mua có kích thước ngang khoảng 11,5 m và sâu khoảng 16 m. Nhìn về hướng Tây Nam. Thế đất cao nhìn ra con đường làng rợp bóng tre xanh, tiếp đến là dòng sông nhỏ chảy qua chợ Huyện. Ngày xưa, mỗi phiên chợ Huyện dòng sông lại tấp nập thuyền bè chở hàng đi chợ, trong đó có cả những bè tre, gỗ của Cụ Thục.

Bà Tạ Thị Thi, Ông Tạ Ngọc Phách và Bà Tạ Thị Xuyến đứng trước ngôi mộ Cụ Tô Thị Phủng
Khởi đầu, Cụ Thục dựng một ngôi nhà gỗ năm gian, hai hồi có tường xây nhìn ra phía sông. Khi sa sút, Cụ đã phải dỡ bán đi và thay vào đó là nhà tre nứa, lợp rạ. Khi Cụ Thục mất, miếng đất này thuộc Cụ Phán Long, sau đó truyền cho Ông Phách. Trong kháng chiến chống Pháp, nhà cửa bị đốt cháy hết. Hòa bình lập lại, Cụ Phủng dựng một ngôi nhà nhỏ, tường đất, lợp rạ trên nền ngôi nhà đầu tiên. Lúc này cả Ông Oanh cũng dựng nhà ở chung trên mảnh đất đó. Ông Phách ở xa nhà từ trẻ, chỉ có Bà Xuyến là con út của Cụ Long ở nhà chăm nom mẹ suốt ba, bốn chục năm trời, cho tới bây giờ vẫn tiếp tục chăm nom thờ cúng Ông, Bà và giữ gìn mảnh đất đó.

Gần đây Ông Phách đã làm thủ tục để hợp thức hóa chủ quyền mảnh đất đó cho Bà Xuyến. Trong những năm 60, 70, Bà Xuyến đã xin thêm được hơn trăm mét vuông và mảnh đất này hiện nay có diện tích khoảng gần 300 mét vuông. Trên đó, năm 1974, Bà Xuyến đã xây một ngôi nhà gạch ba gian quay về hướng Đông Nam, cao ráo, sạch sẽ, có đủ chỗ cho con cháu đi về. Gia đình chúng ta có thể tự hào vì vẫn giữ gìn được mảnh đất do các Cụ truyền lại hơn trăm năm nay.

Năm 2003, Bà Xuyến đề xuất xây trên mảnh đất này một ngôi nhà thờ nhỏ, để thờ cúng các Cụ. Cả gia đình hưởng ứng và ngày 06 tháng 10 Âm lịch, ngôi nhà thờ đã được khởi công xây dựng ngay trên chính nền ngôi nhà đầu tiên thời Cụ Thục.

Nhà thờ Gia đình được xây trên chính mảnh đất của Cụ Vũ Thị Thục để lại...

Ông Tạ (Trần) Toàn Thắng đứng trước bàn thờ các Cụ trong Nhà thờ
Những năm sau này, các cháu chắt nội ngoại của Cụ chiều chiều vẫn ra sông bơi, tắm và đùa nghịch với lũ bạn bè trong xóm. Bây giờ dòng sông đã có nhiều chỗ cạn, có chỗ người ta đã san lấp để chuẩn bị làm nhà. Dòng sông tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm vui buồn của lũ trẻ con chúng tôi đang mất dần...

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét