Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

Những vấn đề cần đặt ra khi nghiên cứu nếp sống xã hội chủ nghĩa


(Tham luận Hội nghị khoa học “Về lối sống xã hội chủ nghĩa” do Bộ Văn hoá tổ chức 7 – 1984 tại Hà Nội)

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ V đã ghi: “Xây dựng nền văn hoá mới và con người mới là điều cần và có thể thực hiện từng bước, từng phần ngay từ hôm nay.



Trong chặng đường trước mắt này, có những điều kiện khách quan và chủ quan cho phép chúng ta bước đầu tạo ra một xã hội đẹp về lối sống, về quan hệ giữa người và người, một xã hội trong đó nhân dân lao động cảm thấy sống hạnh phúc, tuy mức sống vật chất còn chưa cao” (Văn kiện Đại hội V, trang 93).

Đây là một vấn đề có ý nghĩa lý luận khoa học lớn, cần phải nghiên cứu từ nhiều phía, nhiều khía cạnh. Đây cũng là một vấn đề thực tiễn hàng ngày. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, những nhận thức về vấn đề này lại hết sức tản mạn, khác nhau tùy theo nhận thức của các địa phương, các loại người và các lớp người.

Vì vậy, trước khi đi vào nghiên cứu cụ thể các vấn đề trong phạm trù lối sống nói chung, cần nêu lên một số vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận. Những vấn đề chung nêu lên sau đây có thể tạo ra phương hướng chung cho sự nghiên cứu nhằm vào hướng gần gũi nhau hơn. Theo ý tôi, ta không nên câu nệ các thuật ngữ của nước ngoài: (tiếng Pháp: mode de vie, manière de vivre, v.v…) mà bối rối xem các khái niệm của ta cần dịch tương ứng như thế nào. Chúng ta cứ dựa trên thực tế cách mạng tư tưởng và văn hóa ở nước ta, để đi đến thống nhất nội hàm của các khái niệm theo quan điểm của chúng ta thôi.

Chúng tôi nêu ra bốn vấn đề trong khi nghiên cứu nếp sống văn hóa xã hội chủ nghĩa.

I- Về một số thuật ngữ

Một công trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải xác định rõ đối tượng nghiên cứu, có như vậy mới xác định được phạm vi của vấn đề đặt ra, phân tích và tổng hợp được những đặc trưng và thuộc tính của nó.

a) Chúng tôi đề nghị xem xét 3 thuật ngữ : lối sống, nếp sống, cách sống.

Thuật ngữ lối sống có sự kết hợp biện chứng yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, gắn liền với phương thức sản xuất của xã hội, với chế độ chính trị xã hội, với hình thái kinh tế xã hội, một nền văn hóa xã hội. Theo M. N. Rút-kê-vích, tiến sĩ triết học Liên Xô thì “Lối sống là một trong những khái niệm cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, nó liên quan chặt chẽ với một khái niệm có ý nghĩa mấu chốt, đối với nó là phương thức sản xuất của cải vật chất…” (Lối sống xã hội chủ nghĩa, Nxb. Sự thật, 1982, tr.12).

Theo quan điểm của chủ nghĩa cộng sản khoa học, lối sống là một khái niệm có tính tổng hợp và đồng bộ, bao gồm các mối quan hệ kinh tế, xã hội, tư tưởng, tâm lý, đạo đức, văn hóa và các mối quan hệ khác của con người được xây dựng từ một hình thái kinh tế xã hội nhất định. Vì vậy, nó trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau.

Theo quan điểm của các nhà tâm lý – giáo dục học, “lối sống là sự biểu hiện tập trung của ảnh hưởng của môi trường xã hội, cách quan niệm và tư duy của con người được thể hiện trong lối sống. Đến lượt mình, lối sống lại ảnh hưởng đến cách  tư duy, đến các quan niệm, tình cảm, tâm tư, v.v… “ (Những cơ sở tâm lý học và giáo dục học trong công tác Đảng, Hà Nội, Nxb. TTLL, 1982, tr.86). Những ý kiến trên đã được trải qua thảo luận nhiều ở nước bạn và đã được công bố ở những công trình khoa học lớn. Tôi đề nghị ta có thể công nhận quan niệm lối sống như vậy là được.

Nếp sống hàm chứa ý nghĩa hẹp hơn. Nếp sống bao gồm những cách thức, hành động và suy nghĩ, những quy ước được lắp đi lắp lại hàng ngày trở thành thói quan, tập quán trong sản xuất, sinh hoạt, trong phong tục, nghi lễ, trong hành vi đạo đức, pháp luật. Theo thói quen của ngôn ngữ Việt Nam hiện nay, trên sách báo đều dùng cả hai từ Lối sống và nếp sống. Ta nên chấp nhận một tình hình như sau: Ta coi đó là hai thuật ngữ cùng nói lên một phạm trù: Lối sống. Hai thuật ngữ này có thể dùng thay thế cho nhau, coi như hoàn toàn đồng nghĩa. Nhưng cũng có những trường hợp phải dùng khác nhau. Sự khác nhau này là ở chỗ: Lối sống nói lên tính định hướng, định tính, chỉ ra phương hướng chính trị và tư tưởng của vấn đề, còn nếp sống nói lên tính định hình, định lượng. Khi ta dùng hai thuật ngữ khác nhau để dịch một thuật ngữ của nước ngoài cũng trên một cơ sở quan niệm như vậy. Không nên coi hai từ ấy hoàn toàn chỉ là một và cũng không nên coi hai từ ấy là hai phạm trù khác nhau.

Cách sống có nghĩa hẹp và cụ thể. Đó là kiểu sống cụ thể theo cá tính và thị hiếu của cá nhân hoặc một điều kiện quy định cụ thể nào đó của một môi trường nhỏ. Có thể nói cách sống của một gia đình nào đó, cách sống người già, cách sống của người độc thân, cách sống của một nghệ sĩ, v.v… Nhưng cách sống có đẹp có đúng hay không phải phục tùng một Lối sống, một nếp sống nào đó.

Chung quanh thuật ngữ nếp sống còn có nhiều thuật ngữ liên quan – phong hóa, phong tục, sống… Chúng ta hãy tạm dùng thuật ngữ “nếp sống văn hóa”. Coi như khoanh lại một phạm vi của nếp sống nói chung. Thực ra, nói nếp sống là nói đến văn hóa, nếp sống là biểu hiện kết quả của văn hóa, văn hóa là quá trình xây dựng nếp sống. Nói nếp sống văn hóa chúng tôi muốn nói đến một loạt hành vi có nhiều biểu hiện văn hóa nhất trong các hành vi sống mà thôi.

b) Lối sống xã hội chủ nghĩa

Chúng ta nghiên cứu lối sống xã hội chủ nghĩa dựa trên hai cơ sở: Thứ nhất, những tài liệu, những quan điểm, những định nghĩa,… về lối sống xã hội chủ nghĩa của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, nghiên cứu theo quan điểm của chủ nghĩa mác-xít. Thứ hai, theo quan điểm của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Lối sống xã hội chủ nghĩa là một phạm trù lịch sử, ra đời cùng với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và phát triển theo sự trưởng thành của chủ nghĩa xã hội. Lối sống xã hội chủ nghĩa ra đời là kết quả tổng hợp của những cải biến cách mạng do giai cấp công nhân tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội đời sống con người trên cơ sở chế độ sở hữu công cộng đối với các tư liệu sản xuất, sự thống nhất về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa của xã hội trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Lối sống xã hội chủ nghĩa có những đặc trưng cơ bản như sau : biểu hiện của sự tôn trọng lao động chủ nghĩa tập thể, thể hiện chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, thể hiện chủ nghĩa dân chủ triệt để, thấm nhuần tinh thần của chủ nghĩa quốc tế, biểu hiện chủ nghĩa lạc quan xã hội. Trong cuốn “Lối sống xã hội chủ nghĩa” các nhà triết học Liên Xô cho rằng: có cơ sở là phương thức sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, là sự thống trị sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất, là chế độ chính trị - xã hội mới, lối sống xã hội chủ nghĩa được đặc trưng bằng quan niệm lao động là nghĩa vụ, quyền lợi và niềm vui của con người, bằng chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa dân chủ, chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa lạc quan xã hội (Lối sống xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, 1982, tr.83).

Đảng ta có nhiều sáng tạo trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Các lãnh tụ phát biểu nhiều về cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa. Hồ Chủ tịch nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người mới xã hội chủ nghĩa”. Người chỉ ra đức tính của con người mới là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đồng chí Lê Duẩn nói: “Tình thương và lẽ phải”. Những ý kiến đó sau này nhất định sẽ là những nguyên tắc chỉ đạo cho chúng ta nghiên cứu lối sống xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong Đại hội IV, văn kiện dùng khái niệm nếp sống mới có văn hóa: “Vận động một cách kiên trì và sâu rộng để tạo ra nếp sống mới có văn hóa trong xã hội: đưa cái đẹp vào đời sống hàng ngày vào lao động sản xuất” (Đại hội IV, Báo cáo chính trị, Nxb. Sự thật, tr.125).

Trong Đại hội V, văn kiện dùng khái niệm lối sống. Ngoài câu đã trích ở đầu bài, còn có câu này: “Cuộc đấu tranh giữa hai con đường, giữa cái mới và cái cũ, tiên tiến với lạc hậu, tiến bộ với phản động, trên lĩnh vực  văn hóa, tư tưởng và lối sống, đang diễn ra hàng ngày rất phức tạp” (Văn kiện Đại hội V, Tập 1, tr.91, 92).

Trong bài nói tại cuộc họp Kỷ niệm 40 năm đề cương văn hóa của Đảng, đồng chí Trường Chinh trình bày vấn đề lối sống và nếp sống như sau: Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa nước ta đòi hỏi phải xây dựng một nếp sống mới, nếp sống xã hội chủ nghĩa. Đó là nếp sống thấm nhuần nguyên tắc “Mọi người vì một người, một người vì mọi người”. Nếp sống mới gắn liền quyền lợi với trách nhiệm và nghĩa vụ. Nó đòi hỏi từng người phải hiểu rằng lợi ích riêng nằm trong lợi ích chung. Cần cù lao động, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng luật pháp, giữ gìn trật tự an ninh,… không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của mỗi người, được thực hiện với ý thức tự giác.

Trong nếp sống mới của xã hội ta thái độ yêu thương quý trọng lẫn nhau là biểu hiện đẹp của một nền văn hóa cao. Mỗi người được bảo đảm phát huy quyền làm chủ của mình, đồng thời có trách nhiệm tôn trọng đầy đủ quyền làm chủ của người khác. Đó thực chất là sự tôn trọng đầy đủ quyền làm chủ của người khác. Đó thực chất là sự tôn trọng phẩm giá con người trong xã hội ta.

Sau đó, đồng chí Trường Chinh nói cụ thể mấy điểm:

1. Sự đối xử với nhau bình đẳng và nhân ái – Đó tức là nói về sự giao tiếp trong xã hội giữa người và người;

2. Nếp sống công cộng, yêu cầu phải có những biểu hiện văn minh;

3. Các hoạt động văn hóa giáo dục như đọc báo, đến thư viện, câu lạc bộ phải dần dần trở thành nhu cầu và thói quen của nhân dân lao động – tức là cũng phải thành nếp sống;

4. Xóa bỏ các hủ tục cũ, như mê tín dị đoan, v.v…;

5. Xây dựng phong tục tập quán mới, phổ biến kiến thức văn hóa, những hiểu biết khoa học và đời sống, về vệ sinh công cộng, vệ sinh cá nhân, những tri thức và năng lực thẩm mỹ cho đông đảo công chúng.  

Việc sử dụng thuật ngữ nếp sống, lối sống khác nhau trong các văn kiện Đảng, như tôi nêu trên, hoàn toàn không có ý nghĩa gì mâu thuẫn. Có thể có người cho rằng lối sống xã hội chủ nghĩa gắn chặt với phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, nghĩa là với một nền kinh tế công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đã phát triển cao. Ta hiện nay mới đang ở bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa, nên kinh tế còn nhiều thành phần khác nhau, còn nhiều yếu tố không xã hội chủ nghĩa và cả chống lại xã hội chủ nghĩa. Như vậy ta chưa thể xây dựng được lối sống xã hội chủ nghĩa. Ý kiến đó hoàn toàn sai. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin thì thượng tầng kiến trúc của xã hội quan hệ biện chứng với hạ tầng cơ sở. Nó do hạ tầng cơ sở quyết định nhưng nó cũng tác động trở lại hạ tầng cơ sở. Đảng ta quan niệm một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vừa là động lực thúc đẩy tiến trình cách mạng. Đảng ta chủ trương tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, mà trong đó cách mạng tư tưởng văn hóa có vai trò quan trọng. Xây dựng lối sống nằm trong phạm trù cách mạng tư tưởng và văn hóa. “Ta cần phải và có thể xây dựng lối sống đẹp trong khi mức sống chưa cao” là vì:

a) Lối sống gồm nhiều hệ thống hành vi ứng xử của con người trong cuộc sống. Bất cứ sống thế nào cũng có hành vi ứng xử hàng ngày. Vậy ta hướng những hành vi ứng xử đó vào phương hướng nào? Nhất định ta không để cho nó hoàn toàn tự phát và hoàn toàn bị chi phối bởi những yếu tố không xã hội chủ nghĩa và chống xã hội chủ nghĩa. Ta phải định hướng xã hội chủ nghĩa cho các hành vi sống. Điều đó phải khẳng định, ta phải xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa chứ không phải bất cứ lối sống nào khác. Nhưng không phải nói xây dựng lối sống là ta chỉ cần tiến hành một số công tác cụ thể trong vài tháng hoặc vài năm là xong. Mà nó là một sự nghiệp, một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ;

b) Trong các hành vi ứng xử của con người để tạo nên lối sống có những loại hành vi nhất định phải phụ thuộc vào những cơ sở vật chất cụ thể, do những cơ sở vật chất đó quy định. Nhưng cũng có nhiều loại hành vi không cần phải có cơ sở vật chất nào quy định, ví dụ sự đối xử, nói năng với nhau lịch sự lễ phép, tình cảm thương yêu lẫn nhau. Những điều này phải được xây dựng bằng những yếu tố tinh thần tư tưởng, bằng sự giáo dục tư tưởng, nhận thức, bằng cách xây dựng phong tục tập quán tốt đẹp.

Chỉ có nhận thức rõ như vậy mới khẳng định được một vấn đề nguyên tắc lớn: Mục tiêu của cách mạng tư tưởng văn hóa là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là mục tiêu cơ bản và duy nhất của việc xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa. Xây dựng lối sống là xây dựng một kiểu sống cho mỗi người, mỗi người sống thế nào, theo một định hướng giá trị thế nào thì mới hình thành một lối sống như vậy. Mỗi người sống đẹp thì mới có lối sống đẹp. Một xã hội có lối sống đẹp thì mỗi người sinh ra trong xã hội đó mới biết sống đẹp. Con người theo lối sống xã hội chủ nghĩa chính là con người lao động và làm chủ tập thể. Lao động và tập thể là hai đặc trưng cơ bản nhất, bản chất nhất của lối sống và con người xã hội chủ nghĩa, tất nhiên còn nhiều đặc trưng khác nữa ta cần tính đến.

II- Thử bàn mấy vấn đề quy luật

Việc hình thành một lối sống hay một nếp sống tất yếu phải có những quy luật của nó. Những quy luật ấy biểu hiện các mối quan hệ trong sự hình thành nếp sống, biểu hiện những hình thức và những bước đi của sự hình thành ấy.

Việc hình thành một nếp sống phải có quy luật. Đó là khoa học. Trách nhiệm của ta phải nhận thức được những quy luật ấy một cách chính xác và ta phát huy vai trò tự giác chủ động, bằng cách nhận thức đúng và dựa vào những quy luật khách quan để thúc đẩy sự tiến lên chứ không thể chủ quan, tự đề ra những việc thiếu căn cứ và không phù hợp với quy luật. Chúng tôi bước đầu nêu lên mấy vấn đề theo quan niệm như vậy. Nó có thể chưa đúng, chưa đủ. Nhưng chúng tôi cứ mạnh dạn đưa ra để thu nhận nhiều ý kiến thêm.

Trong cuộc sống có lẽ một lối sống hình thành được phải có nhiều loại quy luật kể cả các quy luật xã hội và quy luật tự nhiên như địa lý, khí hậu, sinh vật tác động tổng hợp để tạo nên.

Đây là một vấn đề hoàn toàn mới, chưa ai lý giải đầy đủ. Nhiều sách nói về việc xây dựng lối sống có nói đến những cơ sở kinh tế, cơ sở chính trị, đến sự tác động của văn hóa, đến sự tác động qua lại giữa tính quyết định của xã hội và tính tích cực của cá nhân. Đó thực chất cũng là những vấn đề quy luật.

Ở đây, bước đầu đề cập đến vấn đề này, chúng tôi chỉ xin thu hoạch ý kiến của một số nhà khoa học thử nêu một số mối quan hệ có thể biểu hiện những quy luật hình thành lối sống để cùng nhau trao đổi.

Những mối quan hệ ấy có thể là:

1. Mối quan hệ giữa tính phổ quát và tính dân tộc

Khi ta nói đến lối sống và con người sống, trước hết là ta nói đến cuộc sống của tất cả mọi người (toàn nhân loại) trên trái đất. Mỗi dân tộc, mỗi lớp người đều có lối sống của mình, nhưng đều phải sống, nghĩa là phải có một số hành vi ứng xử trong cuộc sống như nhau. Ví dụ sống phải ăn, phải mặc, phải kết hôn, sinh đẻ, nuôi con, ốm đau, làm việc, già, chết, quan hệ họ hàng, hàng xóm, v.v… Tất cả những hành vi đó đều phải diễn ra, xảy ra đối với mọi người và nó diễn ra đối với mỗi dân tộc, mỗi lớp người hết sức khác nhau. Sự khác nhau bị quy định bởi những điều kiện vật chất nhất định như địa lý, khí hậu, trình độ kinh tế, nhưng nó cũng bị quy định bởi những phong tục, những thói quen truyền thống và trình độ kiến thức, tinh thần. Tuy vậy, mỗi hành vi lối sống ấy đối với tất cả mọi người lại đều có những yêu cầu chung giống nhau đối với bất cứ ai. Ví dụ ăn thì ai cũng cần ăn no đủ và ăn ngon, mặc thì ai cũng đều cần mặc đủ che thân, đủ ấm và phải đẹp, thuận lợi. Đẻ con, ai cũng yêu con và lo chăm sóc được cho con có những điều kiện tốt đẹp nhất, tiếp khách ai cũng muốn làm đẹp lòng khách nhất, v.v… Chính vì vậy, từ thời kỳ nguyên thủy, không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều điểm trên thế giới xuất hiện những phương thức chăn nuôi trồng trọt giống nhau, có những công cụ sản xuất tương tự, có những phong tục tập quán trong các hành vi sống giống nhau. Cũng chính vì vậy, trong lối sống, sự giao lưu giữa các địa phương, các dân tộc diễn ra rất mạnh mẽ và thường xuyên. Biết được một món ăn của dân tộc khác, một phong tục lạ, một sự giao tiếp đặc biệt khác trở thành một nhu cầu văn hóa lớn của thời đại hiện nay. Đồng thời giữa các giai cấp đối kháng thì lối sống của giai cấp thống trị tạo nên những khoái lạc cho bọn bóc lột, lại gây nên những tai họa, đau khổ cho giai cấp bị bóc lột, giai cấp bóc lột lại muốn tạo ra và áp đặt một lối sống cho giai cấp bị bóc lột để bảo đảm sự bóc lột của chúng. Và ở đây nảy sinh ra sự căm thù của giai cấp bị bóc lột đối với lối sống của giai cấp bóc lột. Một nước đi xâm lược cũng muốn đồng hóa văn hóa, áp đặt lối sống đối với dân tộc bị xâm lược. Vì vậy, ở đây không có sự giao lưu tự nguyện, không có sự giao lưu như một nhu cầu văn hóa tiến bộ, mà chỉ có sự áp đặt lừa bịp, mê hoặc bằng mọi thủ đoạn.

Trong những tình hình khác nhau như vậy, khi ta đặt vấn đề tính dân tộc của lối sống, ta không thể cắt rời tính dân tộc ra khỏi tính phổ quát, tính nhân loại, mà phải nhận thức được mối quan hệ giao lưu tất yếu. Nhưng đồng thời ta cũng phải nhận thức rõ có những mối giao lưu bao hàm sự áp đặt sự đồng hóa để xóa bỏ bản sắc văn hóa của các dân tộc bị xâm lược. Trong một quan hệ có tính quốc tế xã hội chủ nghĩa ta phải chú trọng thúc đẩy sự giao lưu văn hóa tất yếu, làm cho lối sống dân tộc ta ngày càng thu nhận được nhiều yếu tố tiến bộ, phong phú. Nhưng đồng thời trong khi ta đứng trước kẻ thù đế quốc và phản động các loại, ta phải tỉnh táo chống lại sự xâm nhập những lối sống có thể làm suy thoái tư tưởng tình cảm của dân tộc, làm xói mòn bản sắc dân tộc. Có thể nói xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa của ta cũng phải diễn ra trong cuộc đấu tranh trên hai mặt vậy.

2. Mối quan hệ giữa cái vật chất và cái tinh thần trong lối sống

Trong cuộc sống của con người, luôn luôn có hai mặt vật chất và tinh thần, hai mặt này cùng tồn tại thống nhất và đều có quan hệ với nhau, hoặc chi phối nhau, hạn chế nhau hoặc chứa đựng nhau hoặc thâm nhập nhau.

Trong tục ngữ của ta có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa” vừa có ý nghĩa nói lên sự phụ thuộc của tinh thần vào vật chất, vừa có ý nghĩa chê bai sự lệ thuộc của tinh thần (nghi lễ) vào điều kiện vật chất. Lại có câu “giấy rách giữ lấy lề” – “đói cho sạch, rách cho thơm” nói lên ý nghĩa tự hào về những giá trị tinh thần, giữ vững những giá trị tinh thần không để cho điều kiện vật chất chi phối. Cả hai câu với hai loại ý nghĩa đó chỉ có thể áp dụng trong một số loại trường hợp chứ không thể nói lên tính phổ biến, tính tuyệt đối của mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần được. Điều đó nói lên rằng mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần là mối quan hệ biện chứng, năng động, phong phú và phức tạp. Trước hết cần gạt bỏ ngay một loại ý kiến khẳng định rằng không có điều kiện vật chất tốt thì không thể xây dựng lối sống đẹp được. Đồng thời cũng cần gạt bỏ một loại ý kiến cực đoan khác cho rằng hễ cứ có giáo dục tư tưởng đúng thì với bất cứ hoàn cảnh vật chất thế nào cũng có lối sống đẹp được. Loại ý kiến này rơi vào chủ nghĩa tư tưởng thống soái, tức là chủ nghĩa duy tâm.

Mối quan hệ giữa cái vật chất và cái tinh thần trong cuộc sống có ở nhiều quy mô và tính chất rất khác nhau, từ quy mô lớn nhất bao gồm toàn bộ cuộc sống một xã hội đến quy mô nhỏ nhất trong từng hành vi sống rất nhỏ hàng ngày của mỗi con người. Trong phạm vi toàn xã hội, đó là quan hệ giữa phương thức sản xuất và lối sống (phương thức sống) hoặc là quan hệ giữa cơ sở kinh tế và lối sống. Trong phạm vi hẹp hơn là quan hệ giữa mức sống vật chất và lối sống, trong phạm vi cụ thể hơn nữa là những điều kiện vật chất cụ thể của cuộc sống như nhà ở, quần áo, tiện nghi, đồ dùng, khả năng mức độ ăn uống, v.v…

Thực ra, muốn có một điểm tốt trong lối sống là ăn ở trật tự, vệ sinh, sạch đẹp thì nhất thiết phải có một diện tích ở tối thiểu hợp lý, phải có điều kiện tối thiểu hợp lý về nguồn nước và ánh sáng. Không thể không quan tâm gì đến điều kiện vật chất tối thiểu hợp lý đó mà cứ hô hào suông phải ăn ở cho trật tự vệ sinh, sạch đẹp, v.v… Lại như yêu cầu mọi người phải đến cơ sở làm việc đúng giờ, mà trong điều kiện giao thông luôn bế tắc, phương tiện giao thông hỏng hóc thường xuyên, v.v… thì cũng là điều khó thực hiện.

Nhưng ngược lại cũng trong điều kiện vật chất tương tự như nhau nhưng có gia đình có một cách sống hòa thuận êm ấm, ai cũng cảm thấy hạnh phúc, lại có gia đình mà mỗi thành viên sống trong đó luôn thấy nghẹt thở hoặc như “sống trong địa ngục”.

Trong trường hợp khác có người nhà ở rất cao sang, phương tiện tiếp khách sang trọng, chè ngon, rượu đắt tiền, tách chén đẹp đẽ, phòng khách lộng lẫy, nhưng khách đến chơi cảm thấy khó chịu, ngượng nghịu không thoải mái. Ngược lại một chỗ khác chật chội nghèo nàn, nhưng những người khác đến chơi lại vô cùng hào hứng cảm thấy hạnh phúc trong một quan hệ tình người đầm ấm.

Như thế, khi xây dựng lối sống, ta hết sức quan tâm tới các cơ sở vật chất, tối thiểu hợp lý, trong phạm vi chung, phải hết sức xây dựng một nền kinh tế mạnh giàu, hết sức chú ý những chi tiết trong việc tổ chức cuộc sống như trật tự vệ sinh công cộng, các dịch vụ đời sống phong phú và thuận lợi. Có như vậy ta mới tạo được những tiền đề cho việc xây dựng lối sống được thuận lợi. Nhiều cấp ủy chính quyền địa phương đã đặt vấn đề như vậy vì đó là cách đặt vấn đề hết sức chính xác và sáng suốt. Đồng thời, ta phải quan tâm nêu lên những chuẩn mực chung, định hướng giá trị tinh thần để làm căn cứ mà đánh giá trình độ lối sống từng cá nhân trong các mối quan hệ sống hoặc trình độ nếp sống của từng tập thể lớn nhỏ. Chuẩn mực là những nội dung tinh thần hết sức quan trọng. Ví dụ ngay trong các mối quan hệ hàng ngày giữa cấp trên và cấp dưới, giữa đồng sự và bạn bè, có những cái bắt tay, lời chào hỏi, ánh mắt nụ cười biểu hiện được sự chân thật nồng nhiệt tạo nên những niềm vui cuộc sống nho nhỏ, nhưng thường xuyên hàng ngày. Nhưng cũng có những hành vi ứng xử vẻ hình thức thì không thiếu, cũng bắt tay, cũng cười, cũng chào nhưng nó lại nhạt nhẽo, giả dối hoặc hách dịch, khinh thường và tình hình đó chỉ gây nên sự buồn bực không thoải mái, thậm chí tởm lợm trong cuộc sống hàng ngày. Những điều này thì lại không đòi hỏi cơ sở vật chất gì mà hoàn toàn yêu cầu những chuẩn mực tinh thần, những chuẩn mực mang ý nghĩa đạo đức rất lớn và cả ý nghĩa thẩm mỹ nữa.

Đây cũng là điều chúng tôi còn muốn đề cập đến sau.

3. Mối quan hệ giữa tính kế thừa và tính phát triển

Sự sống là liên tục, không thể có một chút đứt đoạn nào, cho nên lối sống cũng diễn ra trong sự liên tục đó, có sự kế thừa tất yếu. Sự kế thừa diễn ra mạnh mẽ và chủ yếu trong từng gia đình và từng cộng đồng nhỏ tạo nên một sự kế thừa trong cả một dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa sâu sắc của từng dân tộc. Một đức tính sinh ra và lớn lên không bao giờ thoát khỏi được ảnh hưởng của ông bà, cha mẹ, anh chị em, nó luôn mang theo dòng máu gia tộc và một nền nếp sống của gia đình tạo nên. Xã hội càng ổn định thì nếp sống gia đình cũng ổn định và ngày trở nên sâu sắc. Xã hội phát triển mạnh, ít ổn định cũng ảnh hưởng tới các nền nếp gia đình, nhưng không thể đảo lộn hết được sự kế thừa liên tục, trong gia đình vẫn có những yếu tố bền vững cố định vô cùng. Một dân tộc sống trong một thế giới xáo động cũng bị xáo động theo nhưng có những yếu tố bản sắc dân tộc cũng bền vững vô cùng, đặc biệt là khi dân tộc đó nhận thức được giá trị bản sắc của mình. Nếu để bản sắc dân tộc bị phá vỡ, sự khôi phục lại bản sắc đó hết sức khó khăn, thậm chí có khi không thực hiện được. Hiện nay những nước đang phát triển bị cuốn vào cơn lốc công nghiệp hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật càng phải coi trọng vấn đề này.

Việc xây dựng lối sống luôn nằm trong quá trình kế thừa liên tục, mỗi người có trách nhiệm cần phải nhận thức cho rõ nội dung sự kế thừa này, nội dung những giá trị bản sắc của gia đình mình, cộng đồng mình và dân tộc mình. Nhưng quá trình kế thừa, không phải là quá trình lắp lại, quá trình kế thừa lại chính là quá trình phát triển. Sự phát triển đi lên của cuộc sống cũng là quy luật kế thừa và phát triển là thống nhất. Phải trên quan điểm phát triển để nhận thức và thực hiện sự kế thừa. Phải nắm vững bản sắc dân tộc để định hướng cho sự phát triển. Nhiều người tỏ ra hoảng hốt hoặc kêu than báo động trước một số hiện tượng đổi mới thì dễ rơi vào tình trạng bảo thủ trì trệ. Những người luôn luôn phủ nhận toàn diện và triệt để những giá trị vốn nó đang liên tục trong cuộc sống cũng dễ rơi vào chủ nghĩa hư vô và mất phương hướng, mất bản sắc dân tộc.

Mối quan hệ này cũng là một mối quan hệ biện chứng và tất yếu. Muốn xây dựng lối sống mới tốt đẹp ta phải nhận thức được sâu sắc mối quan hệ này, nhận thức thật sâu sắc giữa kế thừa và đổi mới phát triển.

4. Mối quan hệ tập thể và cá nhân

Chủ nghĩa tập thể là đặc trưng chủ yếu của lối sống xã hội chủ nghĩa, đối lập với chủ nghĩa cá nhân của lối sống tư sản. Xây dựng chủ nghĩa tập thể của lối sống xã hội chủ nghĩa nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng trong xã hội nhưng không có nghĩa là đồng hóa cá nhân. Chủ nghĩa tập thể của lối sống xã hội chủ nghĩa không đối lập với sự phát triển của cá nhân như các nhà tư tưởng tư sản xuyên tạc. Chủ nghĩa tập thể này đã giải phóng cá nhân, tạo điều kiện cho cá nhân phát triển toàn diện. Vấn đề này thực chất là vấn đề quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Trong khi ta phải lo đề ra những yêu cầu để xây dựng nếp sống chung cho toàn xã hội, cho những tập đoàn xã hội lớn, cho những vùng xã hội lớn, ta phải thấy rõ nếp sống còn yêu cầu những truyền thống, những điều kiện riêng của các tập đoàn, các dân tộc, tập thể nhỏ, đồng thời còn có những điều kiện khác nhau của từng gia đình, những cá tính và thị hiếu riêng của từng lứa tuổi, từng cá nhân. Cho nên ta không thể đặt vấn đề xây dựng những nếp sống chung có những chi tiết khuôn mẫu quy định chung cho tất cả mọi thành phần trong một xã hội được. Đó là một vấn đề có ý nghĩa quy luật, ta phải hết sức quan tâm khi bàn vấn đề xây dựng nếp sống.

5. Mối quan hệ giữa cưỡng chế và tự lựa chọn

Trong cuộc sống, chúng ta thường hay gặp một câu hỏi: làm thế nào để xây dựng nếp sống văn hóa? Câu hỏi này là của tất cả những người quan tâm tới các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, bất bình trước những tình hình sa sút mọi mặt về nếp sống. Cũng có những người mong muốn ta có những biện pháp gì thật nghiêm ngặt, chặt chẽ, đầy tính cưỡng chế để nhanh chóng xóa bỏ những hiện tượng tiêu cực và sa sút về nếp sống. Cũng có người cho rằng có một hoặc những ngành nào đó có hoàn toàn trách nhiệm hoặc có khả năng để thực hiện điều mong muốn đó như ngành văn hóa, ngành giáo dục hoặc ngành công an. Cũng từ mong muốn chính đáng đó, có người có những ý kiến khác nhau về những yêu cầu và chuẩn mực của nếp sống. Ví dụ có người yêu cầu có luật cấm mặc quần áo đỏ, có người ở một số cơ quan đặt ra lệ không tiếp người tóc dài, quần loe, một số nhà hát không cho những người tóc dài, quần loe vào cửa. Có người muốn có một quy chế mẫu mực chung cho tất cả mọi đám cưới, đám tang, v.v… Đồng thời cũng có người cho rằng mọi hành vi sống văn hóa không thể quy định được, cần để “nhân tâm tùy thích”, ai muốn làm thế nào thì làm.

Chúng tôi cho rằng cần phải thực hiện tinh thần tích cực, chủ động và tự giác (Nghị quyết Đại hội IV) cao trong việc xây dựng nếp sống văn hóa nói riêng.

Bởi vì một lối sống thật sự xã hội chủ nghĩa và những nếp sống văn hóa xã hội chủ nghĩa phải xuất hiện và tồn tại trên cơ sở một xã hội có nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa. Thế mà đất nước ta đang ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đang diễn ra gay gắt. Chúng ta xây dựng một lối sống đẹp, trong lúc nền kinh tế chưa phát triển cao, trong lúc phải đấu tranh, xóa bỏ những nếp sống cũ, lạc hậu, những tàn dư của phong kiến, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, trong lúc những nếp sống, quan hệ mới của xã hội mới còn đang hình thành, chưa thành tập quán, thói quen. Nên việc tổ chức, hướng dẫn chỉ đạo quần chúng xây dựng nếp sống văn hóa mới là hết sức cần thiết. Chúng ta đã có một chính quyền vô sản chuyên chính, tuy chưa có một nền công nghiệp lớn xã hội chủ nghĩa, nhưng chúng ta phải xây dựng một lối sống đẹp (xã hội chủ nghĩa) ngay từ bây giờ không chờ kinh tế phát triển cao. Thực sự lịch sử đấu tranh của ta cũng đã chứng minh rằng có những lúc đời sống vật chất của ta vô cùng thiếu thốn, gian khổ, rõ nhất là trong các thời kỳ của hai cuộc kháng chiến. Thế mà ta đã có được một lối sống đẹp đầy tình thương yêu tôn trọng nhau giữa người và người. Gần đây đồng chí Anđrôpốp cũng đã nêu lên một quan niệm về mức sống: mức sống cao không phải chỉ là mức tiêu dùng các tiện nghi vật chất cao. Mức sống cao bao gồm một trình độ tiêu dùng hợp lý và một nền đạo đức cao. Vì vậy, trong các lĩnh vực của đời sống, của nếp sống nhất định ta phải có sự lãnh đạo, sự hướng dẫn. Đồng thời ta cũng cần thừa nhận có những lĩnh vực cần để cho các cá nhân tự do lựa chọn. Và sự lựa chọn cũng không thể đi ra ngoài quỹ đạo của sự hướng dẫn. Trong lịch sử từng dân tộc cũng như trong lịch sử chung của loài người, đã từng có những phong tục, tập quán, những nếp sống được hình thành nên bởi một sự chuyên chế rất ngặt nghèo của các nhân vật độc tài. Chúng ta không thể thừa nhận cưỡng chế là biện pháp duy nhất. Nhưng chúng ta phải coi cưỡng chế là một  trong những biện pháp cần thiết để thực hiện sự lãnh đạo và hướng dẫn để hình thành lối sống một cách tự giác. Sự lãnh đạo và hướng dẫn về nếp sống văn hóa có thể được thực hiện ở nhiều cấp độ hình thức can thiệp.

- Có những hình thức can thiệp (cưỡng chế) bằng pháp luật: Trong Hiến pháp, trong các Bộ luật, các Pháp lệnh, các quy định của Nhà nước,… Hình thức này đầy tính cưỡng chế bắt buộc mọi người tuân theo;

- Có những hình thức can thiệp bằng giáo dục rèn luyện qua các hệ thống giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường, các tác phẩm và các hoạt động văn học nghệ thuật;

- Có những hình thức can thiệp bằng sức ép dư luận xã hội mà vai trò quan trọng nhất thuộc về phương tiện thông tin đại chúng, các sinh hoạt chính trị xã hội của các tổ chức xã hội, các loại quy chế, quy ước của các đơn vị nhỏ;

- Người ta còn có một hình thức rất có hiệu quả là tổ chức đời sống cho nhân dân một cách chu đáo trong điều kiện nghèo nàn để xây dựng nếp sống. Đó là việc tổ chức sự ăn ở, tổ chức giải quyết các vấn đề vệ sinh, trật tự, tổ chức sự phân phối lưu thông ở từng cơ sở. Đó chính là nhờ những cơ sở vật chất thích hợp để xây dựng nếp sống theo truyền thống: đói cho sạch, rách cho thơm. Đó chính là một hình thức hướng dẫn hiệu quả nhất.

Trong các hình thức kể trên, ngoài hình thức pháp luật, các hình thức khác chỉ có ý nghĩa là những lời khuyên giải, hướng dẫn. Về điều đó phải tạo nên một tinh thần tự giác rất cao và sâu sắc ở mỗi người, thì những nền nếp gì ta xây dựng nên mới có thể bền vững mà trở thành nền nếp được. Ngược lại nếu dùng nhiều biện pháp áp đặt và cưỡng chế vào những lĩnh vực không cần thiết đến pháp luật thì có nhiều khi tạo ra những kết quả ngược lại với mong muốn của ta. Sự giáo dục và hướng dẫn phải đầy tính thuyết phục, phải có sự kiên nhẫn, biết chờ đợi.

Ảnh : Đoàn Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội khóa VII làm việc ở phường Trung Dũng, Thành phố Biên Hòa, tháng 9/1984

Biện pháp tổ chức đời sống cụ thể để xây dựng nếp sống là một biện pháp cực kỳ quan trọng.

Như vậy ta có thể thấy cưỡng chế có hai mức độ: một mức độ là cưỡng chế trực tiếp, bắt buộc, một mức độ là gián tiếp mà ta có thể dùng khái niệm “điều kiện hóa”.

Trước đây Mỹ xâm lược nước ta chiếm miền Nam Việt Nam, chúng không đặt vấn đề xây dựng lối sống Mỹ, nhưng chúng đặt vấn đề “điều kiện hóa lối sống”, nghĩa là chúng tạo ra tất cả mọi thứ điều kiện về vật chất và tinh thần, bằng cả bom đạn bạo lực để lùa mọi từng lớp nhân dân của ta buộc phải đi vào một lối sống do chúng đề xướng : lối sống Mỹ - lối sống tiêu thụ ăn bám, lối sống chống lại lao động, lối sống người với người là chó sói, “khôn sống mống chết”, “mạnh được yếu thua”, “sống chết mặc bay”, v.v…

Chúng ta lên án hết sức nghiêm khắc âm mưu đó của Mỹ. Nhưng chúng ta phải thừa nhận trong cuộc sống có vấn đề “điều kiện hóa”, vấn đề này cũng đã được thể hiện một phần trong mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần.

Nhưng khi ta nói điều kiện hóa ở đây ta quan niệm có cả điều kiện hóa vật chất và điều kiện hóa tinh thần. Điều kiện hóa vật chất bao gồm việc tạo cơ sở vật chất, nâng cao trình độ tổ chức đời sống vật chất. Còn điều kiện hóa tinh thần, bao gồm các điều lệ, quy định, quy chế, quy ước của các tổ chức các cộng đồng, tập thể lớn nhỏ, các khẩu hiệu, các cuộc vận động, các phong trào, các loại dư luận xã hội.

Mặt cưỡng chế có quan hệ  với một mặt khác là sự tự nguyện của con người. Những biện pháp điều kiện hóa  của ta phải đầy sức thuyết phục và đưa mỗi người từ chỗ chưa tự nguyện đến chỗ tự nguyện hoàn toàn.

Đồng thời trong đời sống có những hành vi sống thuộc về lĩnh vực thị hiếu, cá tính, ta không cần can thiệp, có những phong tục riêng biệt của từng địa phương hoặc từng dân tộc nhỏ mà nó không có hại, nó có thể đáp ứng những yêu cầu mà chúng tôi nêu tiếp sau đây, thì ta không nên can thiệp và thậm chí còn cần khuyến khích để tạo nên sự phong phú đa dạng trong văn hóa, tạo nên sự kết hợp hài hòa những phong cách khác nhau như Nghị quyết Đại hội IV và V về văn hóa nêu ra. Ta không nên coi những ý thích cá nhân về màu sắc, về loại hình về thể loại nghệ thuật, về thị hiếu, về tổ chức đời sống cá nhân cũng nghiêm trọng như các vấn đề ý thức chính trị và đạo đức. Tuy vậy, cũng cần nói thêm ranh giới giữa các vấn đề này rất mong manh và tinh vi. Và chính các loại kẻ địch cũng rất xảo quyệt và tinh vi trong việc lợi dụng lĩnh vực này để phá hoại tư tưởng và nếp sống của xã hội ta. Mọi người có trách nhiệm phải được nâng cao đầy đủ nhận thức, kiến thức, trình độ nhạy cảm mới có thể xử lý đúng đắn được. Những cách xử lý thô bạo, nóng vội và đơn giản trong lĩnh vực này thường có một nguyên nhân là kém hiểu biết. Đặt việc xây dựng nếp sống văn hóa mới trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ tức là xác định trạng thái động của nó phát triển dần dần từ thấp đến cao. Vai trò hướng dẫn rất quan trọng và sự tự lựa chọn sẽ dẫn đến những hình mẫu ngày càng hoàn thiện.

6. Cần phải nói đến một quan hệ nữa: quan hệ giữa đấu tranh xóa bỏ và xây dựng

Trong bối cảnh cả xã hội ta ở trong tình trạng cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai con đường, hai lối sống, mà một trong những nét tiêu biểu nhất là sự xuất hiện và phát triển các hiện tượng tiêu cực trên nhiều lĩnh vực, đồng thời ta phải có nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn và xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực đó. Muốn thế ta phải làm cho về kinh tế thì các thành phần và yếu tố kinh tế xã hội chủ nghĩa cả trong sản xuất cũng như trong phân phối lưu thông ngày càng củng cố và mở rộng. Về tư tưởng văn hóa thì chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong đó có nhân sinh quan cách mạng ngày càng có vị trí thống trị trong tư tưởng xã hội, phải xây dựng được nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, phải xây dựng được một nền văn học, nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa chất lượng cao.

Ta phải ổn định từng bước đời sống nhân dân và tổ chức cho các tầng lớp nhân dân đời sống được tốt đẹp, công bằng trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, làm cơ sở cho việc xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực. Đảng ta đã chỉ rõ phải kết hợp xóa bỏ lấy xây dựng làm chính, trong xóa bỏ cải tạo phải có xây dựng.

Điều đó cũng có ý nghĩa bao hàm nhiều mối quan hệ đã nói trên và cũng là một điều phù hợp với quy luật lúc này.
Rõ ràng ta phải tiến hành cuộc đấu tranh để xây dựng một lối sống tốt đẹp. Muốn xây dựng được thế phải đấu tranh xóa bỏ và cải tạo. Nhưng từ việc nhỏ đến việc lớn ta phải lấy xây dựng làm mục tiêu. Vì lối sống gồm các hành vi sống diễn ra hàng ngày, ta xóa bỏ các kiểu, lối hành vi sống này thì phải lập tức có hành vi sống khác được thay thế. Nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo cần nắm vững nguyên lý đó, coi trọng mục tiêu xây dựng và không thể xóa bỏ hành vi tiêu cực này lại để cho hành vi tiêu cực khác tự phát nảy sinh để thay thế.

Đây là một mối quan hệ hết sức quan trọng trong lúc này.

III- Thử bàn về vấn đề chuẩn mực và khuôn mẫu

Đến đây, tôi hy vọng các bạn đọc và tôi ta có thể cùng nhau nhận thấy rằng xây dựng lối sống hay nếp sống xã hội chủ nghĩa không phải chỉ là một công tác (dù cho đó là công tác lớn, phức tạp dài hạn, hoặc trọng tâm) mà nó còn là một hệ thống công việc cần được suy nghĩ một cách có hệ thống bằng phương pháp tư duy khoa học để đưa nó vào các loại chỉ tiêu, biện pháp xây dựng và quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Cần bình tĩnh phân tích mọi hiện tượng tiêu cực, cũng như những hiện tượng mới lạ xuất hiện trong xã hội trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, tâm lý, lịch sử và quốc tế. Không thể chỉ nôn nóng hô vài khẩu hiệu hoặc phát động vài cuộc vận động, họp vài cuộc họp, ra vài quyết định mà có thể giải quyết vấn đề lối sống được.

Lối sống nó hình thành trong cuộc sống. Có những cái ta không muốn có, nó vẫn tự hình thành. Nó hình thành có những quy luật của nó. Nên ta muốn xây dựng nó ta phải hiểu cuộc sống, các loại quy luật của cuộc sống và các quy luật hình thành lối sống. Phải có tư duy khoa học, duy vật, không thể duy ý chí chủ quan và duy tâm.
Hơn nữa, ta lại không để cho lối sống tự nó hình thành một cách hoàn toàn tự phát. Mà ta phải lãnh đạo, hướng dẫn chỉ đạo nó, ta phải định hướng cho nó hình thành. Câu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V là “Có thể xây dựng một lối sống đẹp không cần chờ kinh tế phát triển cao”. Không thể được hiểu như là sự tách rời giữa kinh tế và lối sống giữa cái vật chất và cái tinh thần. Bởi vì quy luật cuộc sống đã chỉ rõ không phải có kinh tế cao, mức sống vật chất đầy đủ thì tự nhiên có lối sống đẹp, mà ở bất cứ một trình độ kinh tế nào, ở một mức sống vật chất nào cũng có thể có một lối sống đẹp của người nghèo và nếp sống bẩn thỉu của những người giàu có. Tuy nhiên không phải vì thế mà ta chỉ chủ trương tìm một lối sống nghèo mà đẹp là được. Ta vẫn chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội, nghĩa là làm cho nước ta có một nền kinh tế giàu mạnh, nhân dân ta có đời sống vật chất cao, trong khi đó ta vẫn ra sức để xây dựng một lối sống đẹp vì đó nhất thiết là lối sống xã hội chủ nghĩa.

Như vậy lại có một vấn đề khác nữa đặt ra câu trả lời. Đó là : Để định hướng cho việc xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa, ta có thể định trước ra những chuẩn mực, những khuôn mẫu để xây dựng không?

Tôi xin trả lời điều này có thể được và cần thiết nhưng phải với điều kiện quan niệm chuẩn mực và khuôn mẫu thế nào cho linh hoạt và phù hợp, không nên quan niệm là có thể định ra được những chuẩn mực và khuôn mẫu như là những quy định cụ thể cho tất cả các loại hành vi ứng xử của con người trong tất cả lĩnh vực hoạt động sống, cho tất cả các loại người, các lớp người ở mọi địa phương khác nhau. Nhưng lại rất cần thiết có những chuẩn mực chung nhất làm phương hướng chính cho mọi hành vi ứng xử con người. Đồng thời từ những chuẩn mực chung đó mà thống nhất quan niệm về các giá trị đạo đức, văn hóa, lấy nó làm cơ sở và phương hướng để định ra các khuôn mẫu ứng xử cho từng loại hành vi trong cuộc sống.

Chúng tôi cũng xin thu hoạch ý kiến một số nhà khoa học nêu lên mấy “tính” để coi như những chuẩn mực định hướng chung cho việc xây dựng lối sống (lối sống xã hội chủ nghĩa) ngay từ lúc bắt đầu này. Đây hoàn toàn chưa phải là những chuẩn mực đặc trưng cho lối sống xã hội chủ nghĩa. Nó chỉ mới là những yêu cầu để có thể định ra những chuẩn mực hướng tới những chuẩn mực đặc trưng lối sống xã hội chủ nghĩa (như tôi đã trình bày ở đoạn đầu). 

Tôi xin nêu như sau:

Chúng tôi nêu vấn đề này lên cũng như nêu một vấn đề có tính quy luật, tính lý luận. Chúng tôi muốn đề xuất mấy nội dung thể hiện những yêu cầu cơ bản của nếp sống văn hóa và cũng là những chuẩn mực lớn, chuẩn mực chung của nếp sống văn hóa.

a) Tính khoa học:

Để thắng được những thói quen cũ lạc hậu thì những thói quen mới mà chúng ta xây dựng phải thật sự khoa học, phải nghiên cứu đưa ra những hình mẫu mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Tính khoa học thể hiện ở những yêu cầu vệ sinh, trật tự và nghiêm túc trong các hành vi sống hàng ngày, các tổ chức sinh hoạt. Tính khoa học được thể hiện toàn diện từ trong nếp tư duy, nếp lao động đến nếp sống tiêu dùng hàng ngày, nếp sống gia đình, nếp nghỉ ngơi, nhu cầu văn hóa nghệ thuật.

b) Tính truyền thống và đổi mới:

Lối sống xã hội chủ nghĩa không chỉ có tính giai cấp, còn có tính dân tộc. Xây dựng nếp sống văn hóa mới ở nước ta là phải phát huy được những truyền thống văn hóa hơn bốn nghìn năm của con người Việt Nam. Truyền thống ấy được biểu hiện ở lòng yêu nước thiết tha, sẵn sàng hy sinh bảo vệ độc lập Tổ quốc; ở truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, ở truyền thống dân chủ, bình đẳng, yêu thương lẫn nhau; ở truyền thống về một nếp sống giản dị, lạc quan, ở nhiều phong tục mà ta gọi là thuần phong mỹ tục.

Truyền thống ta nói đây là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những truyền thống cách mạng phù hợp với nguyên tắc xã hội. Đồng thời ta phải kiên quyết xóa bỏ và phản đối những truyền thống lạc hậu, trì trệ, v.v… Cho nên tính truyền thống không thể tách rời tính đổi mới và phải thống nhất với tính đổi mới như những ý chúng tôi đã phân tích ở mối quan hệ kế thừa và phát triển.

c) Tính đạo đức:

Có thể thấy rằng lối sống là bộ mặt đạo đức của một xã hội: cái cốt lõi, bản chất nhất tạo ra phương hướng và sắc thái của lối sống, là thế giới quan và nhân sinh quan. Nhân sinh quan quyết định quan niệm của con người và bản chất cuộc sống và mục đích sự sống – Điều đó lại chính là cái cốt lõi nhất và bản chất nhất của đạo đức. Đạo đức quyết định thái độ con người đối với bản thân đối với những người khác trong xã hội, đạo đức quyết định nghĩa vụ và trách nhiệm con người đối với cuộc sống của bản thân và của xã hội. Một lối sống phi đạo đức là một lối sống phi nhân, không chấp nhận được. Cho nên cần cho rằng tính đạo đức là tính cơ bản nhất để xây dựng cái chuẩn mực và khuôn mẫu của lối sống và nếp sống.

d) Tính thẩm mỹ:

Việc xây dựng nếp sống văn hóa nhằm mục đích làm cho xã hội và con người hoàn thiện, thể hiện lối sống đẹp như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V nêu ra, nên việc tiến hành xây dựng nếp sống văn hóa mới tất yếu phải bao hàm tính thẩm mỹ trong mọi mặt hoạt động của con người, phải tạo ra cái đẹp trong cuộc sống.

Mỗi địa phương khi tiến hành xây dựng nếp sống văn hóa đều dựa vào những đặc điểm kinh tế, dân cư, tập quán, dân tộc,… ở địa phương mình. Và tất nhiên có những cách làm sáng tạo khác nhau. Nhưng dù làm bằng cách nào cũng không được phản lại tính khoa học, tính truyền thống và tính thẩm mỹ.

Vấn đề khuôn mẫu và định hướng:

Nêu lên phần này chúng tôi đặt cho nó ý nghĩa vạch ra phạm vi những vấn đề trong lĩnh vực nếp sống chứ không phải liệt kê hết các vấn đề của lối sống xã hội chủ nghĩa. Đồng thời chúng tôi vận dụng tinh thần của các điểm lý luận nói trên muốn đề xuất những yêu cầu, những chuẩn mực có tính định hướng phù hợp với tinh thần nội dung văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Có thể có đồng chí cho là đề ra như vậy thì như là đề ra những khuôn khổ mẫu mực có tính áp đặt mọi người noi theo và như vậy không phù hợp với quy luật hình thành nếp sống. Có đồng chí không tán thành chữ “khuôn mẫu” vì chữ đó nó thể hiện tinh thần cứng nhắc và áp đặt.

Thực ra, chúng tôi quan niệm việc xây dựng nếp sống mới trong hoàn cảnh xã hội của ta hiện nay đòi hỏi tính tự giác rất cao, đòi hỏi sự hướng dẫn chu đáo. Những khuôn mẫu chúng tôi đề ra hoàn toàn theo tinh thần như vậy.

Không ai liệt kê hết được các hành vi ứng xử trong đời sống một con người – Và cũng chưa ai có cách phân loại các hành vi ứng xử nói trên thành một hệ thống hợp lý được mọi người công nhận.

Nhưng rõ ràng muốn thực hiện việc xây dựng nếp sống chúng ta phải đi đến sự sắp xếp phân loại rất nhiều hành vi ứng xử hết sức phong phú, khác nhau lại xen kẽ chằng chịt. Mỗi người trong cuộc sống đồng thời phải thực hiện nhiều vai trò xã hội của mình. Một người là cán bộ Nhà nước, là đảng viên Đảng cộng sản, là đoàn viên Công đoàn, có thể còn là hội viên Hội nhà văn, là chiến sĩ hoặc sĩ quan dự bị, là chồng và cha và có khi là ông trong gia đình mình, là một người trong hệ thống gia tộc nội ngoại, là bạn của nhiều bạn cũ mới, v.v… và v.v… Ở mỗi một vai trò xã hội ấy, người ta phải có hàng nghìn hàng vạn loại hành vi ứng xử cho tốt đẹp. Có người làm tốt vai trò xã hội này nhưng lại làm rất tồi vai trò xã hội khác. Và có nhiều trường hợp có người rất lúng túng khi phải ứng xử những trường hợp đặc biệt trong một loại vai trò xã hội nào đó.

Đó là chưa kể còn bao nhiêu sự kiện sinh hoạt văn hóa trong xã hội với nhiều quy mô, tính chất khác nhau, những sự kiện mà nhiều người đang quan tâm và nhiều ý kiến là: cưới xin, tang lễ, giỗ chạp, lễ hội, trang phục, tình trạng mê tín dị đoan, lối sống buông thả, la cà, lang thang, tệ nói tục, phá trật tự vệ sinh công cộng, v.v…

Cuộc sống phong phú và phức tạp như vậy, nhưng cũng có nhiều người muốn đơn giản hóa, muốn có một số biện pháp nào có hiệu lực “ngay lập tức” để “lập lại trật tự” trên tất cả mọi lĩnh vực hoặc dứt điểm từng lĩnh vực cho rõ nét.

Theo chúng tôi, ta phải bình tĩnh suy tính và với tất cả những ý kiến đã trình bày, chúng tôi thấy cần tiến hành một quy trình đại thể như sau:

a) Ta phải điều tra và tham khảo để đi tới được một sự xếp loại các hành vi ứng xử khả dĩ bao gồm được hầu hết các lĩnh vực sống của con người và xã hội. Có thể lấy con người cá thể làm trung tâm mà xếp loại làm ba lĩnh vực như sau:

- Những hành vi ứng xử của bản thân một con người đối với tự mình;

- Những hành vi ứng xử của một con người trong các vai trò trong cuộc sống gia đình của mình;

- Những hành vi ứng xử của một con người trong sự giao tiếp với xã hội và tham gia các sinh hoạt công cộng của xã hội.

Trong mỗi lĩnh vực, lại cần liệt kê và xếp loại cụ thể hơn các loại hành vi ứng xử.

b) Khi ta có được một cách xếp loại như vậy, ta có thể tiến hành vạch ra khuôn mẫu ứng xử, đối với mỗi loại khuôn mẫu hoàn toàn chưa phải là quy định mẫu. Khuôn mẫu mới là vạch ra những phương hướng cụ thể hóa các chuẩn mực chung như tính khoa học, tính truyền thống và đổi mới, tính đạo đức, tính thẩm mỹ.

Để có các khuôn mẫu hợp lý, có khi phải có những hoạt động làm thử, hoặc điều tra thu thập những kinh nghiệm sáng tạo của các loại cơ sở.  

c) Sau khi có những khuôn mẫu ấy, các nội dung của nó có thể được sử dụng để biến thành pháp luật, điều lệ, quy định, quy ước, có những cuộc vận động thực hiện.

d) Để nghiên cứu ra các loại khuôn mẫu cần có các loại cơ quan nghiên cứu chuyên đề, có các cán bộ nghiên cứu được đào tạo chuyên môn sâu, ví dụ: có những cán bộ chuyên môn về tổ chức lễ hội, có cán bộ chuyên sâu về các loại nghi thức, có cán bộ chuyên sâu về trang phục, mốt, v.v… Thực tế cuộc sống đòi hỏi hiện nay các cơ sở may mặc và bán hàng của Bộ công nghiệp nhẹ và Bộ nội thương đã buộc phải có các cơ quan chuyên nghiên cứu, giới thiệu, thu thập ý kiến về các mốt quần áo.

Chúng tôi chắc cuộc sống cũng sẽ thúc đẩy sự ra đời các cơ quan chuyên sâu khác về các lĩnh vực khác và chỉ có như thế mọi vấn đề mới dần dần được giải quyết một cách thỏa đáng.

Đó chính là tình hình nói lên sự cần thiết phải có các khuôn mẫu. Các khuôn mẫu sẽ cụ thể hóa và xác định thêm định hướng của các chuẩn mực chung và đóng vai trò có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng để hướng dẫn và xây dựng lối sống mới.

Mấy lời kết luận

Phá bỏ nếp sống cũ, xây dựng nếp sống mới là một quá trình khoa học cần có lý luận. Có tìm những quy luật hình thành nếp sống trong xã hội, nhận thức sâu sắc nó ta mới tự giác vạch phương hướng để xây dựng. Phá bỏ thói quen cũ xây dựng thói quen mới cần thiết dư luận đông đảo của quần chúng ủng hộ, đóng góp. Những vấn đề lý luận này thực chất là sự hướng dẫn quần chúng trong quá trình xây dựng nếp sống văn hóa. Các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước công nhận được những điểm lý luận nêu lên thì sẽ sử dụng nó trong khi xác định những chỉ thị để chỉ đạo của mình, thì sẽ là điều hết sức tốt đẹp.
Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài và phức tạp trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, song chúng ta tin chắc rằng những vấn đề chúng ta đang bàn hôm nay sẽ còn được nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn và được áp dụng trong cuộc sống.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét