Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Cái gường của ông Độ



Một trong những đồ đạc của ông Độ để lại cho gia đình có kích thước lớn nhất, có hành trình “lịch sử lâu dài” và “oanh liệt” nhất: Đó là cái giường cá nhân. 

Cái giường được làm không giống truyền thống chút nào, nghĩa là không có bốn chân, không có đầu hồi cũng như không có cả giát giường… Nó cũng chả phải loại giường mô đéc, chả phải loại giường hộp… mà thời đó đang là những kiểu được các gia đình ao ước theo khuôn mẫu từ nước ngoài. Và đặc biệt nhất là cái giường do chính tay ông vẽ kiểu cho thợ đóng.


Gọi là cái giường vì nó có cái mặt phẳng rộng cỡ 1 mét, dài gần 2 mét vừa chỗ một người nằm. Cái mặt phẳng để nằm này có dáng dấp một cái sập ở nhà các cụ đồ ngày xưa, tuy nó chỉ là miếng ván dày hơn 1 phân được bào nhẵn và đánh véc ni bóng loáng. Cái khung giường là bốn mặt quây cũng bằng ván 2 phân mà khi ghép thành hình cái giường có làm gờ xung quanh để đặt lọt cái mặt giường khít khịt. Cái khung chỉ để hở một khe chừng 5 phân làm… gầm giường. Nếu chỉ có thế thì nó giống như cái bàn hộp thời nay. Cái đặc biệt lại là hai mặt quây quanh cái giường được chia ngăn chạy suốt chiều ngang và chiều dọc cái giường. Chiều ngang – phía đầu giường được chia làm hai ngăn. Chiều dọc được chia làm năm ngăn, trong đó có ngăn ở giữa đục thủng lưng một ô chữ nhật, có vẻ như có một tấm gương được gắn vào, nhưng sau này thường có một cái radio nhỏ đặt vào đó. Các ngăn được bố trí để các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt thường ngày: cái đèn pin, cái cắt móng tay, cái kéo, cái bút chì… và chủ yếu là nhét sách vở các cỡ. Phần trên mặt các ngăn là bề mặt có thể xếp đặt nhiều thứ, từ cây đèn đọc sách, cái quạt giấy… và không ít sách vở. 


Cái giường được đóng vào đầu năm 1964, lần đầu tiên nó được kê vào căn phòng rộng nhất của cái nhà xây cho ông Chính ủy (và một cái nữa cho ông Tư lệnh) tại thị xã Hà Đông. Ban đầu nó được dùng làm cái chỗ cho ông nghỉ trưa hoặc chỗ đọc sách trong căn phòng làm việc và tiếp khách. Có vẻ như chủ nhân cũng muốn khoe với khách cái độc đáo của cái giường này. Tất nhiên, cái giường được đóng bằng gỗ tốt, một loại gỗ lim, lát… gì đó, có hoa văn rất đẹp, đôi chỗ ánh lên những vân xà cừ… Chỉ mới sử dụng có gần một năm, ông lên đường vào chiến trường miền Nam… mười năm. 

Lúc đầu, cái giường được cất giữ cẩn thận cho ông. Sau nó phải di chuyển theo Quân khu: từ thị xã Hà Đông đi thị xã Kiến An. Nếu nó chỉ là cái giường bình thường thì có lẽ đã bị hư hỏng hoặc… thất thoát đâu đấy! Đằng này nó lại chềnh ềnh một khối, không thể tháo rời và đương nhiên là rất… nặng. Bốn người ì ạch. Hơn nữa, lại khó ở cái thế đi đứng khi khiêng nó. Thế là chỉ có “nước sông công lính” mới tha lôi được nó. 

Bà Hằng và những kỷ vật của ông Độ
Năm 1969, trong lần ra họp ở Hà Nội, ông Độ có hỏi về cái giường. Ngay lập tức, Quân khu cho xe mang trả lại cái “của nợ” này. Chở từ Hà Đông đi Kiến An, nay lại từ Kiến An trở về… Hà Nội cho bà Hằng vì lúc này ông Độ đang trong chiến trường, chứ chưa có nhà riêng. Nghe kể trong thời gian này, cái giường cũng được vài người sử dụng. Tuy chỉ là để trong cơ quan nhưng có lẽ ít người quen được một cái giường mà chả ra… giường, trở mình đụng đâu cũng va phải gờ cứng, sắc cạnh… đau điếng!


Vậy thì để đâu? Thời gian này bà Hằng đang ở nhờ nhà cơ quan nên cái giường được mang tới chỗ ở của bà: số 2C, phố Đường Thành. Bốn thanh niên khỏe mạnh nhấc bổng cái giường từ ô tô đưa lên tầng hai vào chỗ ba Hằng. Khổ nhất  là đưa cái giường qua một cầu thang hẹp, quanh co làm các thanh niên “bở hơi tai” cả buổi mới đưa vào được nhà. Cái giường tuy được “nâng niu” nhưng cũng bị sứt sẹo đôi chút. Lúc đó, cái giường như một trung tâm giải trí của chúng tôi. Nghỉ ngơi, nghe nhạc qua cái radio điện tử Latvia với mấy cái đĩa than của ông Độ mua thời gian học tập ở Liên Xô những năm 1961, 1962… mà Quân khu đã trả lại cùng theo cái giường. Sau này, vào quãng năm 1973, có thêm một máy cát sét và vài băng nhạc được ông Độ gửi ra từ chiến trường với mục đích chính là để “nghe” thư và “nói” thư (thư qua băng ghi âm).


Đến năm 1974, ông Độ ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, ông lại tha nó vào Hà Đông. Cái giường lại được các “chiến sĩ Quân giải phóng” đưa lên xe jeep chiến lợi phẩm chở chềnh ềnh trên đường phố. Rồi cũng chính cái xe jeep ấy lại đưa trở lại Hà Nội vào đầu năm 1975 về nhà 97, phố Trần Hưng Đạo và được ông Độ sử dụng cho đến cuối đời. Những năm tuổi cao, ông có cho trải đệm nằm đỡ đau người. Rồi cũng từ cái giường, vào năm cuối đời, ông ngã ngồi xuống sàn nhà và gãy cổ xương đùi.


Cũng thời gian này, ông Độ còn cho đóng bộ ba cái tủ để các dàn máy nghe nhạc Nhật Bản. Cũng tương tự cái giường, đám thợ mộc vừa làm vừa thắc mắc: Quái lạ! Tủ rả gì mà phía trước thì cửa đóng lại có cả ổ khóa mà phía sau thì để trống. Họ chưa thể biết rằng các thiết bị, máy móc đều có bó dây nối phía sau…


Khi ông Độ mất, cái giường được lưu giữ lại bởi vì nó vẫn chắc chắn như xưa và vẫn… dùng được. Năm 2006, chúng tôi quyết định xây lại ngôi nhà trên nền nhà cũ của ông bà để lại, cái giường lại được đưa đi “sơ tán” theo. Giữa năm 2008 khi hoàn thiện nhà mới, cái giường được đưa trở lại nơi ở cũ. Rút kinh nghiệm những lần di chuyển trước, vì kích thước và trọng lượng của nó, lần này giường được đi “vận thăng” lên tầng trên. Chúng tôi quyết định tân trang lại vào năm 2010: sửa chữa và đánh véc ni lại toàn bộ. Cái phản nằm được dán thêm một thanh gỗ rộng 2 phân cho khít.

Như vậy sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, cái giường là kỷ niệm của gia đình chúng tôi vì nó gắn với cuộc đời của ông Độ: người sáng tạo ra và sử dụng nó. Hơn thế là vì cả sự độc đáo của nó – nếu không nói là có một không hai trên thế gian này.

Tháng 7 năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét