Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Đêm ông Độ về thăm mẹ



Ông lão nông ngoài 70 tuổi trông còn rắn rỏi mặc bộ quần áo sĩ quan quân đội, dận đôi giày da đen đi lộp cộp trên đường làng mới đổ bê tông. Ông nắm chặt tay tôi, xưng em ngọt sớt vì theo họ mạc thì ông cùng đời nhưng thuộc chi dưới. 


Khuôn mặt rám nắng với nước da màu đồng, ánh lên những tia mắt tinh tường, giọng ông nói vẫn sang sảng:


- Em vẫn còn nhớ vào mùa hè năm ấy, ông Độ vừa ở chiến trường ra có ghé về thăm bà cụ. Chiều hôm ấy, người thư ký đi theo ông thông báo cho huyện: tối nay ông sẽ ngủ lại nhà mặc dù trước đó khi biết tin ông về huyện đã cử Bí thư Huyện ủy đến nhà thăm bà cụ và chào hỏi ông nhưng cứ nghĩ như thường lệ: các ông Trung ương chỉ ghé qua nhà, sau đó chiều tối lại đi, hoặc lên Thị xã nghỉ ở Nhà khách Tỉnh. 

Bí thư Huyện lại tới mời ông ra Trụ sở ăn bữa cơm thân mật và sắp xếp để ông nghỉ lại ở Huyện tiện cho việc bảo vệ... Ông cảm ơn và nhắn lại: Hôm nay tôi về thăm quê hương, thăm bà cụ vì đã lâu, rất lâu tôi mới về quê thăm mẹ một cách đàng hoàng như thế này! Vì vậy, tối nay tôi muốn ăn cơm và thưa chuyện với bà cụ, sau đó ngủ một đêm với mẹ! Còn số anh em đi theo tôi thì gửi trên Huyện... 

*  *  *  

Vào những năm hoạt động bí mật, ông Trần Độ đã sớm từ biệt làng xóm, người mẹ rất mực yêu thương đi tham gia cách mạng. Một lần từ Thanh Hóa qua làng, ông vừa đi vừa mong ngóng gặp được bà cụ thường đi chợ sớm trên đoạn đường này. 

Trong Hồi ký, Ông kể: “Đến đoạn đường cái quan mà người làng tôi vẫn đi chợ, tôi lần xuống men thềm bờ ruộng để tránh gặp phải người quen. Được một đoạn thì tôi nhìn thấy mẹ tôi đang đi trên đường cái, đầu đội thúng hai tay vung vẩy, bước thong dong, có lẽ bà từ chợ về. Nhìn thấy mẹ, tôi bối rối quá. Bụng dạ thúc tôi chạy lên với mẹ, nhưng gặp giữa đường lại đột ngột thế này thì cụ xúc động quá làm sao giữ được bình tĩnh, lỡ cụ khóc lóc thì rầy rà to. Đang suy tính thì cụ cũng nhận ra tôi. Cụ giơ tay vẫy, tôi vẫy lại. Cụ biết ý, từ từ rẽ xuống ruộng đi tới gặp tôi. Hai mẹ con chỉ nói với nhau trong chốc lát. Tôi xin phép:


- Thôi con xin phép đi, vì công việc vội lắm, vả lại nói chuyện ở đây lâu không tiện. 

Để hóa trang tôi đã phải bôi đen răng và đội nón cời sùm sụp làm dân quê đi làm ruộng, nhưng không thể mất cảnh giác. Nét mặt mẹ tôi rất bịn rịn cứ nhìn tôi như muốn giữ chặt lấy đứa con trai, song miệng lại thốt lên: 

- Thôi! Con đi đi! 

Đi được một quãng, tôi quay lại nhìn, mẹ tôi vẫn đứng nguyên đó, im lìm. Tôi nhớ lại thấy mẹ tôi tay lần bao thắt lưng, tôi hiểu ý bà muốn cho tiền nên đã xua tay lắc đầu, liền đó mẹ tôi đưa giải yếm lên chấm mắt. Dù gặp chốc lát tôi đã được yên tâm về mẹ, về gia đình”



Sau 10 năm từ chiến trường miền Nam, ông Độ về thăm Mẹ

*  *  *


Vẫn giọng nói sôi nổi, ông kể tiếp: "Biết không thể làm khác ý ông Độ, Huyện ủy và Ủy ban hội ý chớp nhoáng và cắt cử một trung đội thuộc Huyện đội canh gác xung quanh nhà. Chúng em xuống đến nơi lúc bảy giờ, trời bắt đầu tối. Đi qua vòng ngoài là các chốt gác của dân quân, rồi đến gần nhà thì gặp đồng chí công an xã đi ra bàn bạc hợp đồng phân công: Công an xã bảo vệ xung quanh nhà, bộ đội chốt các ngả đường đi vào, còn phía ngoài là dân quân xã… Thế là từ lúc đó cho đến 5 giờ sáng hôm sau, chúng em thay phiên nhau canh gác, đi tuần xung quanh nhà bà cụ một đêm bình yên. 

Cho đến những năm tháng sau đó, mặc dù công tác ở huyện cho đến khi về nghỉ hưu nhưng chả bao giờ được gặp mặt ông. Chỉ đến hôm đưa ông về nghĩa trang chúng em lại được đưa ông đi…"

Đoạn sau cùng, giọng kể chuyện của ông nhỏ dần. Đôi mắt ông ầng ậng nước. Bất giác, tôi kéo đôi vai gày của ông áp vào ngực.

Thủ Lệ, tháng 6 năm 2015

1 nhận xét: