Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Đổi mới văn hóa từ bài nói chuyện



Khi chuẩn bị làm cuốn “Trần Độ tác phẩm” tôi được Nhà thơ Hữu Thỉnh hẹn làm việc tại trụ sở Hội Nhà văn, số 7, Nguyễn Đình Chiểu. Vừa đến, Nhà văn Tô Đức Chiêu nắm tay kéo vào một căn phòng và bảo: Vào đây tý! Ngồi quanh cái bàn nhỏ, tôi được vinh dự gặp gỡ và trò chuyện với các Nhà văn, Nhà thơ cùng có mặt trong phòng, tôi để ý có chị Hoàng Tuyên, cán bộ của cơ quan Hội. Biết tôi là con trai ông Trần Độ, chị Hoàng Tuyên liền góp chuyện với hồi ức cách đó 35 năm...

Với tâm trạng bồi hồi, chị kể lại những ngày đầu tiên ông Trần Độ về Bộ Văn hóa với trọng trách Bí thư Đảng đoàn của Bộ cuối năm 1976: 


Hồi đó, chị công tác ở cơ quan Bộ Văn hóa. Một hôm, có thông báo cuộc họp nghe ông Trần Độ nói chuyện tại Hội trường cơ quan. Biết tiếng tăm của ông đã lâu: từng là chỉ huy quân đội đánh đuổi thực dân Pháp, là tướng trong chiến tranh chống Mỹ, nay về làm lãnh đạo Văn hóa… vả lại nhiều người chưa từng được gặp ông, … nên tất cả cơ quan háo hức chờ ông xuất hiện. 

Với dáng người đậm, chắc, tác phong khoan thai nhẹ nhàng trong bộ quân phục bộ đội không có phù hiệu, quân hàm, ông xuất hiện trong sự ngỡ ngàng của nhiều người từng tưởng tượng những vị tướng trận mạc: oai phong lẫm liệt hoặc ít ra cũng cao to lừng lững…

Ông Trần Độ đến thăm họa sĩ Nguyễn Sáng


Toàn thể Hội trường gần như nín thở chuẩn bị nghe những lời “huấn thị” của cấp trên thời ấy: phải thế này, phải thế kia… Nhưng ông rất từ tốn, nhìn bao quát toàn bộ Hội trường, cất tiếng nói nhẹ nhàng:


- Không biết tôi có vào nhầm chỗ chăng? – Ông dừng một lát, cả Hội trường ngơ ngác – Nhìn trang phục của các anh, các chị, tôi tưởng là vào một đơn vị thanh niên xung phong chứ không phải là những người làm văn hóa của một quốc gia!


Mọi người lúc đó mới thở phào, ồ lên và nhìn lại xung quanh. Đúng là không ai bảo ai, từ già đến trẻ, nam nữ đều khoác lên mình những bộ quần áo giản dị nhất có thể, chỉ có những màu xanh: xanh công nhân, xanh bộ đội… Có nhiều người mặc quần áo bộ đội, thanh niên xung phong thời đó. Đúng là thời điểm đó, cán bộ viên chức còn thiếu nhiều thứ, nhưng không đến nỗi thiếu quần áo đẹp, màu sắc, nhất là những cán bộ viên chức ngành văn hóa.


Vì thời gian cũng quá xa, chị Hoàng Tuyên không nhớ nội dung bài nói chuyện của ông Trần Độ thế nào, nhưng chị vẫn nhớ cho đến bây giờ: Không khí cuộc họp hôm đó rất thân mật, thoải mái,… thỉnh thoảng cả Hội trường còn rộ lên vỗ tay hoặc cười nói vui vẻ vì trong câu chuyện của ông pha chút hài hước, dí dỏm. Và sau buổi nói chuyện ấy của ông, mọi người trong cơ quan bắt đầu mạnh dạn thay đổi những bộ trang phục nhiều màu sắc, thậm chí các cô, các chị còn diện váy, áo hoa sặc sỡ… các anh diện áo “chim cò” đến cơ quan làm việc.


Ghi chép tháng 12 năm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét