Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Mấy ý kiến về nghiên cứu vùng văn hoá ở nước ta


(Những ý kiến rút ra từ cuộc Hội thảo về vùng văn hoá – năm 1986)


Loài người nói chung và những nhóm, những tộc người, những cộng đồng người trong một dân tộc, một quốc gia nói riêng, hiện diện trong lịch sử theo những điều kiện tự nhiên và xã hội nhất định, với một trình độ phát triển nhất định và trong hiện thực lịch sử đó, con người làm ra văn hoá và tồn tại với văn hoá của mình. Bộ mặt văn hoá, do đó, ngoài những nét chung thống nhất còn có những nét khác biệt mà sự khác biệt này không chỉ diễn ra theo thời gian trong tiến trình phát triển mà còn diễn ra trong không gian của cùng một thời điểm lịch sử giữa các nhóm, các cộng đồng, các quốc gia ở các vùng, các khu vực khác nhau. Đó là cơ sở thực tế đẻ ra lý thuyết vùng văn hoá và phân vùng văn hoá.
Cách đây 70 năm, nhà dân tộc học tiến bộ người Mỹ Ch. Wissles đã đưa ra lý thuyết “khu vực văn hoá”, khẳng định vai trò sáng tạo các dân tộc trên thế giới, ngược với quan điểm của một số học giả tư sản cho rằng châu Âu là trung tâm văn hoá của nhân loại, các nơi khác chẳng qua là sự truyền bá, sao chép lại châu Âu mà thôi.
Gần đây nhiều nhà dân tộc học Liên Xô đã tiến hành xây dựng cơ sở lý thuyết của khái niệm “khu vực lịch sử - văn hoá” và đã áp dụng lý thuyết này để nghiên cứu nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á và Việt Nam.

Cảnh hồ Xuân Hương, Đà Lạt. Ảnh : Trần Độ
 Nước ta từ khi thành lập đến nay luôn luôn phải đương đầu với âm mưu thôn tính nô dịch của các thế lực phong kiến phương Bắc, nên cha ông ta vốn có ý thức xây dựng một dân tộc độc lập cả về phương diện chính trị, kinh tế và văn hoá. Nói riêng về phương diện văn hoá, nước ta là một vùng văn hoá độc lập (ngay trong tương quan so với văn hoá Trung Hoa, với ý đồ đồng hoá văn hoá của chúng), như Nguyễn Trãi đã từng khẳng định:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
(Đại cáo Bình Ngô)
Tuy nhiên, có được một quốc gia thống nhất với một lãnh thổ trải dài như ngày nay là do ông cha ta đã thực hiện hai quá trình vận động từ núi xuống biển và từ Bắc vào Nam mà nói riêng về mặt văn hoá, suốt mấy nghìn năm nay không lúc nào không xuất hiện các vùng văn hoá khác nhau về sắc thái, về độ dày lịch sử cũng như quy mô không gian tự nhiên, địa lý.
Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà ta đang trải qua, theo một ý nghĩa chung nhất là thời kỳ cái mới đang hình thành và phát triển trên cơ sở cái cũ đang bị phá vỡ. Nền văn hoá mới ở thời kỳ quá độ này cũng nằm trong quy luật vận động đó, đang nẩy mầm từ một nền văn hoá cổ truyền mà bứt lên, định hướng, phát triển. Để chủ động tham gia thúc đẩy quá trình ấy, chúng ta phải, trước hết, nhận diện, “kiểm kê” đánh giá cho được cái tài sản văn hoá cổ truyền ấy không chỉ ở phương diện vạch ra những đặc điểm bản chất của nó mà còn phải xác định sự hiện diện của nó trong không gian và thời gian vì bản thân đối tượng văn hoá không phải là một cái gì siêu thực mà nó là một hiện tượng xã hội, một tồn tại khách quan có thể biết được. Phân vùng văn hoá là một sự tiếp cận vốn di sản văn hoá dân tộc cổ truyền theo hoàn cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể của sự phát triển của hiện tượng văn hoá nước nhà.
I. Thế nào là vùng văn hoá?
Ở Liên Xô, các nhà nghiên cứu thường dùng thuật ngữ “khu vực lịch sử dân tộc học” (cũng gọi là “khu vực dân tộc học - lịch sử”) hay “khu vực lịch sử - văn hoá” (cũng gọi là “khu vực văn hoá - lịch sử”).
Ở nước ta, có lúc ta đã dùng lại khái niệm “khu vực văn hoá lịch sử”. Theo ý chúng tôi, di sản văn hoá là cái có độ dày thời gian, cái tồn tại trong lịch sử và qua lịch sử, cho nên khi phân vùng, ta chỉ cần dùng thuật ngữ “vùng văn hoá” là đủ.
Các nhà dân tộc học Liên Xô, nhất là M. G. Lê-vin và N. N. Trê-bốc-xa-rốp, những người có công đầu trong việc xây dựng cơ sở lý thuyết này, quan niệm rằng: “Khu vực lịch sử văn hoá (hay khu vực lịch sử dân tộc học) là một vùng địa lý ở đó sinh sống những tộc người, có cùng trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trong quá trình lịch sử lâu dài giữa họ diễn ra những giao lưu ảnh hưởng qua lại khăng khít, do vậy, ở đó hình thành nên những đặc trưng văn hoá chung về vật chất cũng như tinh thần, vận mệnh lịch sử của dân tộc ấy gắn bó mật thiết với nhau” (Iu. V. Brôm-lây: Tộc người và dân tộc học, Mát-xcơ-va, 1975, Đại cương lý thuyết tộc người, Mát-xcơ-va, 1985 - bản tiếng Nga).
Ở nước ta, từ lâu các nhà nghiên cứu đã đề cập đến hai thực thể “văn hoá làng” và “văn hoá nước”. Nay ta cần xem xét thêm thực thể “văn hoá vùng” xen giữa hai thực thể “văn hoá làng” và “văn hoá nước”. Ngô Đức Thịnh, trong bài báo “Các vùng lịch sử văn hoá và vai trò của nó trong việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam” đã dùng khái niệm “vùng văn hoá lịch sử” (hay “vùng lịch sử dân tộc học”). Ngay trong cách đặt vấn đề của mình, trong bài “Những suy nghĩ bước đầu xoay quanh vùng văn hoá” tôi đã dùng thuật ngữ “vùng văn hoá”, khẳng định nước ta có các vùng văn hoá và đã trả lời câu hỏi vùng văn hoá là gì? “Đó là các dạng thức văn hoá mang đậm sắc thái tâm lý cộng đồng, thể hiện trong sinh hoạt, trong ngôn ngữ, trong thái độ đối với di sản các giá trị tinh thần, trong sự cảm thụ và thưởng thức nghệ thuật, trong phong thái ứng xử, quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với những gì ràng buộc xung quanh nó” (Trần Độ: Những suy nghĩ bước đầu xoay quanh vùng văn hoá, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, 1985, số 2).
Vùng văn hoá có gắn chặt với vùng lịch sử dân tộc học, nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Mỗi dân tộc, mỗi tộc người có văn hoá của mình nhưng ở Việt Nam, có thể một tộc người (như người Việt) qua quá trình lịch sử lâu dài có thể hình thành nhiều vùng văn hoá và các dân tộc thiểu số thường sống xen kẽ với nhau vừa có nét đặc thù văn hoá của mình vừa có sự hoà trộn văn hoá trong một vùng địa lý nhất định.
Khi nói vùng văn hoá, ta cần quan niệm đó là vùng văn hoá cổ truyền được hình thành qua lịch sử và vì thế không cần nói vùng văn hoá lịch sử.
Ta nghiên cứu các vùng văn hoá ở Việt Nam để làm gì?
Để ta có thể nhận thức được toàn bộ nền văn hoá Việt Nam cổ truyền trong sự thống nhất và đa dạng phong phú của nó. Ta tìm các vùng và nhận biết cái sắc thái khác nhau về văn hoá của các vùng không phải để nhấn mạnh cái khác nhau đó và không phải để đi tới coi mỗi vùng văn hoá là một đơn vị độc lập. Ta nhận biết các sắc vẻ khác nhau để ta thấy được sự phong phú của văn hoá của ta, sự phong phú ấy được tạo ra do quá trình lịch sử lâu dài, oanh liệt và đau khổ của cha ông ta, sự phong phú đó do một chủ thể thống nhất sáng tạo dần nên. Việc này cũng giống như ta có một viên ngọc quý nhiều sắc vẻ, nhiều góc cạnh, ta ngắm từng góc cạnh phân tích từng sắc vẻ để thấy được cái toàn vẹn, cái thống nhất rực rỡ của viên ngọc.
Ta nghiên cứu vùng văn hoá còn để làm gì nữa?
Để ta có thể tự giác và chủ động hướng dẫn sự phát triển văn hoá dân tộc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến lên ngày càng hiện đại mà vẫn giữ bản sắc dân tộc của văn hoá, trong sự đa dạng và phong phú của nó. Hiện nay ta đã phân các vùng xây dựng kinh tế - xã hội; ở mỗi vùng, sự phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với phát triển văn hoá. Nếu trong một vùng, ta cần tìm hiểu đặc điểm địa lý, tài nguyên, khí hậu, ngành nghề thì phải hiểu thêm mặt xã hội, mặt lịch sử văn hoá, để phương hướng phát triển kinh tế của ta giữ được tính liên tục, phát huy được sức mạnh truyền thống trong các truyền thống lao động, ngành nghề, như vậy chúng ta mới có sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng bộ hài hoà giữ vững được sự thống nhất văn hoá, bảo đảm cho sự tiến bộ văn hoá tác động tích cực vào việc phát triển kinh tế và việc xây dựng nền văn hoá mới đúng hướng “văn hoá có nội dung xã hội chủ nghĩa và có tính dân tộc”, làm cho nền văn hoá mới của ta đậm đà bản sắc dân tộc. Các vùng kinh tế - xã hội mới sẽ không trùng với các vùng văn hoá cổ truyền, mỗi vùng kinh tế có thể bao gồm nhiều vùng văn hoá cổ truyền (hay đúng hơn là gồm nhiều trung tâm văn hoá cổ truyền). Mỗi vùng kinh tế còn nhận biết được sâu sắc và rõ rệt tất cả di sản văn hoá của vùng mình, biết được những sự biến đổi phát triển có quy luật của nó, thì mới tiến hành xây dựng vùng kinh tế - xã hội mới tốt đẹp được. Không thể có những vùng văn hoá lệch với các vùng kinh tế. Xây dựng kinh tế là nhằm mục đích cao quý: mang lại hạnh phúc cho con người. Cho nên xây dựng kinh tế phải có văn hoá (bao gồm cả những vốn văn hoá cổ truyền) và phải tạo ra văn hoá. Văn hoá có một sức mạnh riêng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Cho nên nghiên cứu các vùng văn hoá cổ truyền có một ý nghĩa rất lớn đối với việc xây dựng xã hội, xây dựng đời sống nhân dân cho ngày nay và cho ngày mai.
II. Các tiêu chí phân vùng văn hoá
Tuỳ theo mục đích của việc phân vùng mà có thể có các tiêu chí khác nhau, cũng do đó, định ra các cấp độ vùng khác nhau. Ở Liên Xô, các nhà dân tộc học khi phân vùng đã đưa ra các cấp độ vùng khác nhau : Miền, khu vực, tiểu khu vực và vùng lịch sử văn hoá. Từ đó, đối tượng áp dụng nghiên cứu của lý thuyết này cũng rất rộng lớn, chẳng hạn Đông Nam Á, Việt Nam, v.v…
Trong phạm vi nghiên cứu di sản văn hoá dân tộc cổ truyền ở Việt Nam, chúng tôi căn cứ vào tình hình và đặc điểm cụ thể của ta để phân các vùng văn hoá trong đất nước Việt Nam mà thôi. Như phần trên chúng tôi đã có dịp nhắc đến rằng lịch sử hình thành và phát triển của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam từ xưa đến nay luôn luôn cùng tồn tại hai loại văn hoá mới và cũ trong so sánh lẫn nhau, được tạo lập trên cơ sở của vùng đất mới và vùng đất cũ. Các vùng đất văn hoá mới này, vùng này tiếp vùng kia và trên đó do những điều kiện tự nhiên, địa lý khác nhau, độ dày lịch sử khác nhau, hình thành các vùng văn hoá khác nhau. Một đặc điểm nữa, ai cũng thấy là trên lãnh thổ Việt Nam từ ngàn xưa, ngoài tộc người Việt là chủ thể, có trên 50 dân tộc (tộc người) anh em cùng chung sống, chung lưng đấu cật xây dựng một nền văn hoá Việt Nam thống nhất. Tình hình đó buộc chúng ta trong quá trình phân vùng văn hoá phải chú ý đến hai đặc điểm có tính chất hệ quả của hai hiện tượng vừa nêu trên. Nghĩa là trong khi chú ý đến các vùng văn hoá được hình thành một cách tự phát trong lịch sử, ta còn phải chú ý đến văn hoá các tộc người trên lãnh thổ Việt Nam vì rõ ràng các tộc người đều sáng tạo ra văn hoá của mình với những nét riêng biệt, độc đáo, những ưu điểm và những nhược điểm nhất định.
Khi xét việc phân vùng văn hoá, ta thấy mỗi vùng đều có những hiện tượng văn hoá có sắc thái riêng, khác các vùng khác. Đó là tiêu chí để phân định vùng văn hoá. Có thể hiểu tiêu chí để phân vùng là những nhân tố (hay yếu tố) quyết định các sắc thái đặc thù của từng vùng. Do vậy, đối với mỗi vùng cần xem xét hai loại yếu tố:
Loại yếu tố quyết định, đó là những yếu tố về địa lý, điều kiện tự nhiên như khí hậu, khí tượng, những đặc điểm tộc người của dân cư, đặc điểm cư trú canh tác, ngành nghề, những đặc điểm quá trình phát triển lịch sử đấu tranh vũ trang, v.v…
Loại yếu tố biểu hiện, tức là những biểu hiện văn hoá của vùng, mà trên các biểu hiện đó có những dấu hiệu của cái sắc thái khác biệt của mình. Những yếu tố này có thể có rất nhiều nhưng có thể khái quát lại mấy yếu tố như sau:
- Lối sống và phong tục tập quán,
- Nghệ thuật, mà chủ yếu là nghệ thuật dân gian bao gồm âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, múa, sân khấu,
- Ngôn ngữ và văn học, chủ yếu là văn học dân gian.
Tất cả ba yếu tố trên lại tập trung biểu hiện ở con người, tính cách, tâm lý con người.
Khi ta nhận biết một vùng văn hoá là ta nhận biết qua các yếu tố biểu hiện như trên. Những yếu tố biểu hiện ấy được quyết định bởi những yếu tố địa lý và lịch sử và nó được hình thành trong sự phát triển của lịch sử mà định hình ở các thời điểm ta đang xem xét. Do vậy, khi ta nói một “vùng văn hoá” là ta nói một vùng có những biểu hiện văn hoá đã được định hình qua sự phát triển lịch sử (có thể dài hoặc ngắn). Như vậy ta không cần nói vùng “văn hoá lịch sử” hay vùng “lịch sử văn hoá” nữa. Vùng văn hoá như vậy, khác với vùng “văn hoá dân tộc học” tuy khi ta xét các biểu hiện văn hoá, không thể nào không xét tới các yếu tố tộc người. Tuy nhiên ở Việt Nam, rõ ràng ta có thể có vùng văn hoá trùng với một vùng văn hoá dân tộc học, nhưng có thể có vùng văn hoá bao gồm nhiều dân tộc thiểu số sống xen kẽ nhau và có sự hoà trộn văn hoá với nhau. Còn dân tộc (tộc người) Việt lại có thể có nhiều vùng văn hoá khác nhau.
Theo tiêu chí phân vùng văn hoá dân gian của Hoàng Tiến Tựu đề xuất thì vùng văn hoá dân gian của người Việt được chia ra theo 4 loại đơn vị từ nhỏ đến lớn là làng, vùng, khu vực và miền. Cụ thể, miền Bắc gồm 3 khu vực (trung du Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng, khu vực sông Mã), miền Trung gồm hai khu vực (Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên) và miền Nam gồm 3 khu vực (khu vực Thu Bồn – Trà Khúc, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long).
Lê Văn Hảo đặt vấn đề tìm hiểu phong cách dân tộc và những nét sắc thái, phong cách, những đặc điểm của cái trục ấy thành ra những đặc điểm bản chất nhất của văn hoá.
Ưu điểm của tiêu chí phân vùng theo vùng văn hoá dân gian, theo chúng tôi, là chỉ ra được mối liên hệ lịch sử tự nhiên giữa các tộc người trong vùng (nếu có) và do đó, nó lần theo được những vùng khác nhau vốn có của tộc người Việt chủ thể văn hoá Việt. Phân vùng văn hoá theo tiêu chí tộc người sẽ giúp ta chú ý đến sắc thái riêng của các dân tộc trên đất nước, nhưng do vậy, nó ít cho thấy mối liên hệ giữa các tộc người trong vùng, và hơn nữa, trái với tiêu chí phân vùng theo vùng văn hoá dân gian, nó nhập các vùng khác nhau của văn hoá tộc người Việt trong một vùng quá rộng.
Chúng tôi muốn xuất phát từ chính mục đích của việc phân vùng để đề xuất tiêu chí phân vùng. Mục tiêu của việc phân vùng là nhằm tìm ra những mặt mạnh, mặt yếu trong vốn di sản văn hoá dân tộc cổ truyền, đặng giúp ích cho công cuộc xây dựng nền văn hoá mới. Cũng có nghĩa là chúng ta nhằm tìm ra những thế mạnh (thế trội) của văn hoá vùng. Chẳng hạn, trong nền văn hoá mới sẽ không thể thiếu cái đặc sắc của các làn điệu dân ca, các giai điệu tâm hồn của các vùng: quan họ Bắc Ninh, Nghệ Tĩnh, Huế, đồng bằng Nam Bộ,… như một nhà thơ đã viết:
Điệu hò mái đẩy thì cao,
Lời ru Đồng Tháp thì vào mênh mông.
Câu ca quan họ bồng bềnh,
Ví đò đưa lại thương sông nhớ thuyền.
(Lời ru ở tuổi bốn mươi)
Điều đáng lưu ý là trong khi tìm các vùng văn hoá theo những hiện tượng văn hoá nổi bật, phát hiện thế mạnh (thế trội) văn hoá của mỗi vùng sẽ có ưu điểm là chính từ những nét, những hiện tượng văn hoá nổi bật mà nhờ đó, kéo theo rất nhiều những hiện tượng văn hoá khác tập hợp xung quanh nó, tạo thành những điểm, những tụ điểm, những trung tâm của một vùng văn hoá. Trở lại cái ví dụ về những làn điệu dân ca đặc sắc vừa nêu, ta sẽ tìm thấy cùng với nó (và chính nó) là những biểu hiện cái sắc thái tâm hồn, tình cảm, những biểu hiện về tâm lý, phong cách, lối sống, lối sinh hoạt của con người vùng đó, cũng như các thể thức sinh hoạt văn hoá (lễ thức hội lễ, các trung tâm sinh hoạt của hội, v.v…) Cho nên, không lạ là các vùng dân ca nói trên đều thuộc vào những vùng (hay tiểu vùng) văn hoá khác nhau, ai cũng dễ nhận thấy.
Việc phân vùng dựa vào thế mạnh (thế trội) văn hoá của vùng đó rõ ràng có ưu điểm là vừa đáp ứng được mục đích tìm ra những mặt mạnh để khai thác di sản không bỏ sót vùng nào, hơn nữa, mà nó cũng không quên đề cập đến văn hoá tộc người của những tộc người khác nhau trên lãnh thổ nước ta. Bởi lẽ, tiêu chí phân vùng theo thế mạnh (thế trội) của chính vùng đó, theo những hiện tượng văn hoá tiêu biểu, nổi bật riêng biệt của mỗi vùng sẽ cho phép chúng ta chấp nhận văn hoá tộc người vì chính văn hoá tộc người tự thân nó có cái riêng, cái độc đáo so với tộc người khác và nó sẽ được phát triển theo hướng của nền văn hoá mới. Tiêu chí phân vùng dựa trên sự phát hiện thế mạnh (thế trội) văn hoá của vùng cũng tự nó giúp ta khai thác các vùng văn hoá khác nhau trên một địa bàn của tộc người Việt chủ thể tất yếu có nhiều vùng văn hoá vì địa bàn cư trú trải dài từ Bắc vào Nam.
Theo ý chúng tôi, phân vùng văn hoá là bản đồ của những gam màu, những vạt màu chứ không thể là ranh giới theo những đường kẻ chỉ rạch ròi vì rằng bản thân cái văn hoá là một thực thể, một hiện tượng phức tạp, thông qua con người mà luôn luôn có sự giao lưu tiếp biến lẫn nhau. “Các vùng văn hoá không thể phân chia bằng những ranh giới cụ thể và dứt khoát” (Trần Độ: bài đã dẫn).
Có điều dễ nhận ra là các hiện tượng văn hoá không trải đều, hoặc chung cho khắp các vùng mà rõ ràng có sự hội tụ ở những điểm, tạo thành những “trung tâm văn hoá vùng”. Điều này cho phép ta khi tiến hành “khoanh vùng” không sợ lẫn với những vùng khác. Những điểm, những tụ điểm này có một ảnh hưởng đối với chung quanh giống như kiểu quang phổ, càng xa trung tâm càng nhạt dần ảnh hưởng. Do đó, giữa hai vùng văn hoá tiếp điểm nhau sẽ xuất hiện những vùng “đệm” vừa mang sắc thái của văn hoá vùng này vừa có sắc thái của vùng bên cạnh, nhưng chưa đủ để ngả về bên nào và cũng chưa đủ mạnh để tự mình thành một vùng độc lập.
III. Các vùng văn hoá ở nước ta
Theo hướng tìm thế mạnh văn hoá của các vùng, trên cơ sở tìm đến với những hiện tượng văn hoá riêng, nổi bật để tiếp cận vùng, bước đầu chúng ta cũng thấy ngay rằng mỗi tộc người cần phải được khai thác với tư cách là những vùng tương đối độc lập. Bởi lẽ, mỗi thành phần dân tộc (hay tộc người) đều đã sáng tạo ra văn hoá tộc người của mình với những sắc thái riêng, truyền thống riêng, những ưu điểm cũng như những nhược điểm nhất định. Yên tâm với những đặc điểm như vậy, ta sẽ tìm đến được các vùng văn hoá của các tộc người theo địa bàn cư trú của họ. Ngoài vùng văn hoá của tộc người Việt chủ thể với một địa bàn rộng lớn và có nhiều vùng, ta sẽ xét riêng, sau đây là các vùng văn hoá tộc người mà ta có thể nhận biết được.
1) Vùng văn hoá Tày – Nùng: Với địa bàn thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn,…
2) Vùng văn hoá Thái: Sơn La, Lai Châu, Nghệ Tĩnh, Thanh Hoá. Có bao gồm tiểu vùng văn hoá Hà Nhì – Lô lô ở Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Cao Bằng.
3) Vùng văn hoá Khơ-me: Chủ yếu là các tỉnh Hậu Giang, Cửu Long, Kiên Giang, Minh Hải.
4) Vùng văn hóa Mường: Trên các địa bàn thuộc Hà Sơn Bình, Thanh Hoá, Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn,…
5) Vùng văn hoá H’mông – Dao: Thuộc địa bàn các tỉnh Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn,…
6) Vùng văn hoá Kh-mú - Khắng: Ở Lai Châu, Sơn La.
7) Vùng văn hoá Chàm: Ở Thuận Hải.
8) Vùng văn hoá Bru – Vân Kiều – Cơ Tu – Tà Ôi: Ở dọc Bắc Trường Sơn.
9) Vùng văn hoá Gia Rai, Ê đê, Ba na, Ăơ đăng, Cơ ho, H’rê, Mnông, Mạ: Ở Tây Nguyên.
Các vùng văn hoá tộc người thiểu số trên đây không phải độc lập mà thường xen kẽ, giao lưu ảnh hưởng lẫn nhau, trong nền ảnh hưởng chung của văn hoá quốc gia là văn hoá của tộc người Việt với một địa bàn rộng lớn bao gồm nhiều vùng khác nhau ở ba miền Bắc – Trung – Nam.
Với những hiện tượng văn hoá tiêu biểu, riêng biệt, nổi bật của mỗi vùng và với những đặc điểm lịch sử chính trị xã hội của từng khu vực, ta có thể điểm qua các vùng của tộc người Việt từ Bắc đến Nam như sau:
1) Vùng trung du Bắc Bộ: Cùng với văn hoá Sông Lam, sông La, đây là một vùng văn hoá vào loại cổ kính nhất của người Việt, nơi người Việt và người Mường chung sống bên nhau lâu đời, xứ sở của hát xoan, hát ghẹo, của sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước”, của truyền thuyết Hùng Vương (hội đền Hùng).
2) Vùng Thăng Long – Hà Nội: Là vùng văn hoá trung tâm của cả nước trong suốt tiến trình lịch sử với các nền văn hoá – văn minh tiêu biểu như văn minh Sông Hồng thời đại dựng nước, văn hoá Thăng Long thời đại Đại Việt, văn hoá Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh.
3) Vùng Kinh Bắc – Hà Bắc: Là vùng văn hoá có lịch sử lâu đời, cùng với văn hoá Thăng Long – Hà Nội và vùng văn hoá Sông Lam – Sông La, là một trong ba vùng văn hoá quan trọng nhất của đất nước trong thời đại Đại Việt, đây là xứ sở của dân ca quan họ, hội chùa Lim, truyện Gióng, truyện Man Nương, truyện Tấm Cám, của tranh làng Hồ, chèo Chái Hê,…
4) Vùng Sơn Nam (Hà Nam Ninh - Hải Hưng, Thái Bình): Là một vùng văn hoá hình thành vào khoảng Thế kỷ XIII, quê hương của hát dặm, hát văn, múa lải lê, múa rối nước, hội đền Kiếp Bạc, truyền thuyết Liễu Hạnh,…
5) Vùng văn hoá Hưng Hoá – Hà Sơn Bình: Quê hương của hát hội Rô, hát chèo Tàu, hội chùa Hương, của những kiến trúc đền chùa cổ nổi tiếng (chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Mía,…)
6) Vùng Sông Mã – Sông Chu: Là một vùng phong phú về dân ca, dân vũ và trò diễn dân gian, quê hương của hò Sông Mã, hát ghẹo, hát khúc Tĩnh Gia, múa Xuân phả, múa tiên cuội, trò Ngô, trò Tú Huần, truyền thuyết Lam Sơn,…
7) Vùng Sông Lam – Sông La: Là một trong hai vùng văn hoá tiêu biểu của miền Trung, quê hương của hát ví, hát dặm, thần thoại Mụ Dạ, truyền thuyết cố Nợ, nơi đã sản sinh ra cho dân tộc nhiều thiên tài chính trị, văn hoá,…
8) Vùng sông Gianh – sông Hương (Thuận Hoá – Bình Trị Thiên ngày nay): Là quê hương của hò khoan Lệ Thuỷ, hò mái nhì, mái đẩy, ca Huế. Trong nhiều thế kỷ, vùng Thuận Hoá là quê hương trung tâm của một nửa nước (Đàng trong), rồi nơi đây có kinh đô Phú Xuân, trở thành trung tâm của cả nước. Tiếp thu văn hoá Thăng Long, Phú Xuân trở thành kinh đô thứ hai của đất nước sau Thăng Long và giai đoạn Phú Xuân là một giai đoạn tiêu biểu của văn hoá Đại Việt thời phong kiến.
9) Vùng Thu Bồn – Trà Khúc (xứ Quảng): Một vùng văn hoá phong phú về hò, lý, vè, hát Bài Chòi, hát nhân ngãi, hát bõ trạo,… Một vùng giao lưu và tiếp biến văn hoá Việt – Chàm rất đặc sắc.
10) Vùng Bình Định – Quy Nhơn: Là quê hương hát bội, vè chàng Lía, truyền thuyết Tây Sơn, võ Tây Sơn, cái nôi của phong trào nông dân Tây Sơn vĩ đại.
11) Vùng Phú Khánh - Thuận Hải: Cũng là nơi giao lưu tiếp biến văn hoá Việt – Chàm rất sâu sắc, nơi đây văn hoá Chàm đã chan hoà với văn hoá Việt và trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hoá Việt Nam.
12) Vùng đồng bằng sông Đồng Nai.
13) Vùng Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh: Là trung tâm văn hoá của đất Nam Bộ xưa.
14) Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Là một vùng văn hoá đặc sắc của phía Tây Nam của Tổ quốc, một vùng đất mới, một vùng “văn hoá mới”.
Trên đây là những nét tiêu biểu của những vùng văn hoá mà ta có thể thấy, trong tương lai, còn nhiều việc phải làm, bổ sung, thực tế có những vùng văn hoá có sự đan xen các tộc người thì việc xử lý văn hoá tộc người ngoài tộc người Việt cũng phải tiến hành khảo sát, nghiên cứu riêng vì nó bao giờ cũng mang sắc thái riêng. Về văn hoá tộc người thiểu số ở Việt Nam, có một số công trình đã đề cập đến, theo ý chúng tôi, trong quá trình phân vùng ta không thể không tham khảo tới, cần xem như những dẫn liệu bước đầu.
Trên đây, chúng tôi căn cứ vào những quan niệm về vùng văn hoá, về tiêu chí của một vùng văn hoá và thu nhận nhiều ý kiến khác nhau để nêu lên các “vùng văn hoá có thế”. Trong khi chúng tôi cũng biết được nhiều nhà khoa học cũng đã có những ý kiến phân vùng văn hoá của mình, trực tiếp là ý kiến của nhà dân tộc học Ngô Đức Thịnh, ý kiến của giáo sư Lê Văn Hảo. Ngoài ra, cũng còn có những ý kiến đối với ý kiến của Ngô Đức Thịnh và Lê Văn Hảo, không bác mà cũng chưa tán thành cách phân vùng đó, có ý kiến cho rằng chưa thể phân vùng nổi, nếu không làm nhiều bước nghiên cứu khác nữa.
Để có thể tiến hành phân vùng văn hoá, chúng ta phải có một lực lượng liên ngành của nhiều ngành khoa học, nhiều nhà khoa học vì vốn dĩ bản thân đối tượng văn hoá là một tổng thể phức hợp, đa dạng phong phú của quá trình sáng tạo của con người trong lịch sử. Trên cơ sở đó mà hình thành nên một đội ngũ các chuyên gia văn hoá vùng, trực tiếp khai thác xây dựng văn hoá cho các cơ sở thuộc vùng, cũng như việc xử lý các giá trị văn hoá vùng trong tương quan của văn hoá cả nước. Muốn khai thác các giá trị văn hoá cổ truyền một cách tốt đẹp, chúng tôi dự định phác ra các “vùng khảo sát văn hoá”, để có kế hoạch tổ chức khảo sát, sau đó phân tích thảo luận, trao đổi và đối chiếu để đi tới một phương án phân vùng văn hoá chính thức với những quan niệm thống nhất. Đó là những bước cần thiết và có thể làm được để giải quyết việc phân vùng văn hoá.
       Đây là vùng văn hoá cổ truyền, không phải là vùng văn hoá trong tương lai, vì rõ ràng văn hoá cổ truyền và văn hoá hiện đại là hai sản phẩm xuất phát từ những yêu cầu và nhiệm vụ khác nhau của các thời đại khác nhau. Nhưng cũng phải thấy rằng còn lâu dài mới có thể cải biến được vùng văn hoá cổ truyền vì nó không thể do ý thức chủ quan của con người nào quyết định, mà điều đó chỉ có thể diễn ra trên cơ sở của sự thay đổi về chính trị và kinh tế - những vấn đề mà chúng ta còn phải phấn đấu lâu dài. Nhưng chính vì thế, thêm một lần, nó nhắc nhở chúng ta thấy sự cần thiết phải tiến hành phân vùng văn hoá để nhận biết được một cách đầy đủ về văn hoá đã có của ta và từ đó vạch được phương hướng phát triển văn hoá cho các vùng xây dựng kinh tế theo hướng dân tộc - hiện đại một cách có căn cứ hơn. Đây là một việc cần thiết có ý nghĩa lâu dài và toàn diện.

        (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, 2012, Nxb Hội Nhà Văn)

1 nhận xét: