Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

Chị tôi

Trần Độ

Tôi có hai bà chị: Chị cả tên là Tạ Thị Thi, sinh năm 1916 lấy chồng sớm và buôn bán làm ăn. Chị thứ hai là chị giáp tôi tên là Tạ Thị Câu, sinh năm 1919, tham gia hoạt động cách mạng từ 1936. Khi có phong trào dân chủ, năm 1939-1940 là Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Thái Bình. 


Tôi sinh năm 1923, từ năm 1938, được chị Câu tôi dìu dắt và tham gia hoạt động cách mạng. Chị Câu tôi giới thiệu tôi vào Ðảng và tôi được kết nạp năm 1940. Tôi còn có một cô em gái sinh năm 1930 tên là Tạ Thị Xuyến. Năm 1940, ở làng tôi có cuộc mít tinh bí mật ở cánh đồng Ðông Lang. Mit tinh bị lộ, tuần phiên và lính phủ (huyện) xông vào đánh và bắt mọi người. Thế là phong trào bị khủng bố. Chị tôi cùng tôi thoát ly gia đình cùng đi làm cách mạng chuyên nghiệp.

Sau khi thoát ly, chị tôi rời xa địa phương và hay xuất hiện ở vùng Bắc Ninh và Hà Ðông. Tôi đoán là chị tôi làm việc cho xứ uỷ Bắc Kỳ và không biết là làm gì? Khi tôi đã bị bắt, bị kết án 15 năm tù (1941) và bị đầy đi Sơn La (1942) thì tôi được biết chị Câu tôi ở Hoả Lò, hai chị em thường xuyên viết thư thăm hỏi nhau và kể chuyện. Thỉnh thoảng chị tôi còn gửi quà cho tôi. Chị tôi xé áo của mình ra khâu những chiếc khăn tay gửi cho tôi. Chị tôi ở Hoả Lò, ở tù chung với nhiều người, trong đó có chị Nguyễn Thị Minh Thái là vợ trước anh Võ Nguyên Giáp, chị Trương Thị Mỹ sau là Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, và chị Nguyễn Thị Hằng sau là vợ tôi. Chị Câu tôi bị bắt khoảng năm 1941, tôi không nhớ rõ ngày tháng, chỉ nhớ rằng những năm tôi ở Sơn La (1942-1943 đến đầu năm 1944) chị em tôi vẫn liên lạc với nhau bằng thư từ.

Thế rồi đầu năm 1944 trên đường bị giải từ Sơn La về Hoả Lò để bị đầy đi Côn Ðảo, vào sau Tết đầu năm 1944, thì tôi được Chi bộ nhà tù tổ chức cho trốn thoát để tiếp tục hoạt động cách mạng, tôi không được gặp chị tôi ở Hoả Lò như đã hẹn.


* * *

Sau đó chị tôi ốm chết ở Hoả Lò vào ngày 29/09/1944 (ngày này được ghi trong giấy báo tử của chính quyền Pháp gửi cho mẹ tôi, sau khi chị tôi chết, và người làm gia phả họ tôi ghi nhận như vậy).

Sau Cách mạng tháng 8/1945, tôi được bạn bè gửi cho 3 bức ảnh chân dung của ba người, đó là tôi, chị Câu và chị Hằng - vợ tôi. Ba ảnh này các bạn thu được trong hồ sơ của Sở Mật thám Hà Nội. Tôi vẫn giữ được đến bây giờ. 


        (Trích Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, Nxb Phụ Nữ, 2013)

2 nhận xét: