Từ năm 1976 đến nay, xuất phát từ
luận điểm của Đảng: “xây dựng một xã hội có văn hoá cao, không chờ nền kinh tế
phát triển cao”.
Hoạt động văn hoá – thông tin đã lấy mục tiêu: Xây dựng nền
tảng văn hoá cơ sở làm vấn đề chủ yếu, nhằm từng bước tạo điều kiện “không
ngừng nâng cao trình độ thưởng thức và năng lực sáng tạo nghệ thuật của quần
chúng, thoả mãn ngày càng đầy đủ nhu cầu thưởng thức và hoạt động văn hoá của
nhân dân…”.
Chủ trương đó đã được thực hiện bước đầu ở nông thôn. Đến
nay đã có những mô hình hoạt động văn hoá – thông tin với các công trình văn hoá; trong đó có nhà văn hoá huyện và xã – nơi trung tâm sinh hoạt văn hoá của những
người nông dân tập thể và cũng là nơi đào tạo bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ văn hoá
– thông tin trên địa bàn huyện.
Đối với công nhân, việc tổ chức đời sống văn hoá của
anh chị em lâu nay tuy có nhưng còn nghèo nàn, chưa đồng đều và rộng khắp; nhất
là chưa được nghiên cứu một cách toàn diện về đời sống, lao động sản xuất của công
nhân để có những tổ chức và hình thức hoạt động phù hợp.
Khi nêu vấn đề này ra, có một số người cho rằng: tình
hình thực tế của nước ta đang gặp một số khó khăn, có nên đặt vấn đề hưởng thụ
văn hoá?
Một số người đơn thuần cho rằng
nhu cầu văn hoá chỉ là xem phim, xem cải lương, … Số khác lại tách rời giữa nhu
cầu văn hoá với nhu cầu vật chất.
Thực tế, nhu cầu văn hoá tinh thần của con người luôn
luôn gắn chặt với nhu cầu vật chất. Thí dụ: ăn, mặc, ….
Do đó, quan tâm với nhu cầu văn hoá của nhân dân là
quan tâm tới đời sống và nâng cao đời sống của nhân dân.
Vì vậy, công tác văn hoá để thoả mãn nhu cầu văn hoá của
nhân dân là một nhiệm vụ chính trị cách mạng. Công thức văn hoá vừa là công cụ
thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa đồng thời bản thân nó cũng là nhiệm vụ chính
trị.
Thông qua việc thoả mãn nhu cầu văn hoá của quần chúng
mà giáo dục con người một cách toàn diện. Qua những hoạt động muôn màu muôn vẻ
của công tác văn hoá để xây dựng con người ngày càng cao đẹp, để rèn luyện phẩm
chất con người mới xã hội chủ nghĩa.
Đối với công nhân cũng thế. Chúng ta phải biết quy luật
khách quan để chủ động thoả mãn nhu cầu của công nhân, qua đó mà giáo dục.
Hoạt động văn hoá phải hấp dẫn, vui thú làm cho quần
chúng đạt được khoái cảm. Nhất thiết việc giáo dục tư tưởng phải thông qua nhu
cầu thoả mãn văn hoá của công nhân.
Phải đáp ứng nhu cầu được thông tin, nâng cao kiến thức
về mọi mặt (khám phá hiểu biết) làm cho người công nhân ngày càng có tư tưởng lành
mạnh, tình cảm tốt đẹp, một cách sống, một thái độ sống đẹp ; nhất là nếp lao động
mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
Do đặc điểm đời sống của người công nhân, nên mỗi người
công nhân đều có hai môi trường: môi trường trong lúc lao động ngay tại xí
nghiệp và môi trường sinh hoạt nghỉ ngơi cùng với gia đình sau giờ lao động ở
khu tập thể hoặc ở các khối phố, thị xã, …
Ở mỗi một môi trường đều có những nhu cầu khác nhau. Ở
môi trường sản xuất, nhu cầu văn hoá chỉ liên quan đến bản thân người công nhân.
Còn nhu cầu văn hoá ngoài giờ lao động, liên quan đến toàn bộ gia đình người công
nhân, nó đồng nhất với nhu cầu của người dân thành thị. Do đó cũng là đối tượng
hoạt động văn hoá ở các tiểu khu, khối phố, thị xã, trong thành phố.
Việc đưa hoạt động văn hoá câu lạc bộ vào khu nhà tập
thể công nhân, viên chức là cần thiết và cấp bách, vì số giờ mỗi người sinh hoạt
gia đình bao giờ cũng nhiều hơn số giờ họ làm việc ở xí nghiệp, trong đó có nhiều
giờ nhàn rỗi đòi hỏi có hoạt động văn hoá.
Có đưa hoạt động văn hoá, câu lạc bộ vào khu tập thể
thì mới hạn chế được những hiện tượng tiêu cực và tạo cho công nhân có điều kiện
hưởng thụ văn hoá, vì các khu tập thể của công nhân, nhất là sau này ở càng xa
nơi làm việc hay trung tâm thành phố.
Nhu cầu văn hoá của người công nhân ở gia đình, thường
là thưởng thức văn hoá - nghệ thuật: sách báo, phim ảnh và các mặt về kiến thức
khoa học - kỹ thuật. Còn ở xí nghiệp, nhu cầu chủ yếu của bản thân người công
nhân là được thông tin, biết tình hình kế hoạch sản xuất ở đơn vị mình và sản
phẩm của mình làm ra được bao nhiêu? Thành tích của từng đơn vị thế nào?
Mặt khác, thời gian nghỉ ở nơi sản xuất, thường là thời
gian xen kẽ, rất ngắn, nên đòi hỏi hoạt động văn hoá phục vụ cho người công nhân
phải làm sao phục hồi được sức lao động cho họ.
Để thực hiện được việc thoả mãn nhu cầu văn hoá của công
nhân, ta phải có các hình thức tổ chức và hoạt động rõ ràng, cụ thể.
Phải đi từ nhỏ đến lớn, có nhiều cấp khác nhau: câu lạc
bộ, nhà văn hoá, cung văn hoá.
Quy mô, số lượng các nhà văn hoá (hoặc câu lạc bộ,
cung văn hoá), kể cả rạp chiếu bóng, thư viện, nhà bảo tàng, hiệu sách, … của một
thành phố cần được tính toán cho phù hợp với mật độ dân số ở từng khu phố (quận),
khu tập thể, …
Làm sao cho người công nhân đi từ gia đình đến những công
trình văn hoá công cộng không quá từ một đến hai cây số, để đảm bảo thời gian
cho người công nhân nghỉ ngơi, giải trí có hiệu quả cao.
Về kinh phí phục vụ cho việc hoạt động của nhà văn hoá,
Nhà nước có lẽ sẽ trợ cấp từ 50 đến 60 %, còn lại bản thân nhà văn hoá phải tự đảm
nhiệm để tiến tới giảm dần chi phí của Nhà nước.
Chỉ có làm như vậy, nhà văn hoá của ta mới ngày càng
phát triển nhanh, mạnh và hoạt động trở nên phong phú.
Khi nhà văn hoá đã lớn mạnh, hoạt động của nó không những
chỉ tự cung tự cấp trong việc trả lương cho cán bộ công nhân viên làm việc
trong nhà văn hoá, mà còn có lãi để tích luỹ mở rộng mua sắm thiết bị.
Kinh nghiệm hoạt động của nhà văn hoá các nước xã hội
chủ nghĩa anh em như Liên Xô, Bun-ga-ri, … đã cho ta thấy rõ điều đó.
Riêng đối với các câu lạc bộ, những người phụ trách không
nằm trong biên chế Nhà nước, mà là những cán bộ kiêm nhiệm như các đồng chí
trong Ban quản trị khu tập thể, Bí thư chi đoàn thanh niên, nhất là cán bộ, công
nhân đã về hưu. Làm được như vậy, chúng ta sẽ có hàng vạn câu lạc bộ.
Song, muốn thực hiện được những điều đã nói trên, chúng
ta phải có sự quy định trách nhiệm cụ thể.
Trách nhiệm tổ chức đời sống văn hoá cho công nhân tụ
lại ở ba cơ quan chủ yếu : công đoàn, giám đốc xí nghiệp, cơ quan văn hoá Nhà nước.
Ba tổ chức này phải phối hợp chịu trách nhiệm giúp đỡ
lẫn nhau, nhưng có thể đặt ra công đoàn là cơ quan chịu trách nhiệm chính.
Cụ thể là, công đoàn phụ trách quản lý, chỉ đạo về mọi
mặt hoạt động của văn hoá (hoặc cung văn hoá). Kinh phí hoạt động trích từ quỹ
phúc lợi (phần chi cho văn hoá xã hội), kinh phí công đoàn (phần chi cho hoạt động
văn hoá quần chúng) và một phần do thu nhập có kinh doanh của nhà văn hoá (phần
này dần dần sẽ giữ vai trò chủ yếu).
Giám đốc xí nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp chỉ đạo về
nội dung hoạt động (nhất là đối với những loại nhà văn hoá tổ chức ngay trong xí
nghiệp hoặc ở trong khu tập thể đương nguyên của xí nghiệp). Và đóng góp một phần
biên chế cho nhà văn hoá theo tinh thần thông tri giữa Bộ Lao động - Tổng công đoàn
Việt Nam số 11 ra ngày 01-5-1965.
Cơ quan văn hoá Nhà nước là cơ quan thay mặt chính quyền
các cấp chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cung cấp vật tư chuyên dùng,
hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ cho các nhà văn hoá. Ngoài ra còn có trách nhiệm
tham gia ý kiến quy hoạch kinh tế - văn hoá chung để xác định địa điểm xây dựng
các nhà văn hoá phù hợp với yêu cầu của công nhân và nhân dân thành phố (thị xã).
Xác định vốn xây dựng cơ bản và thiết bị bên trong cho từng loại nhà văn hoá.
Trong chừng mực nào đó, có thể đầu tư một phần kinh phí, vật tư cho các công trình
đó.
Để thực hiện được như vậy, chúng ta cần chú ý một số vấn
đề trong việc tổ chức và xây dựng bước đầu như : cung cấp một số cơ sở vật chất
và vật tư chuyên dùng tối thiểu cho các nhà văn hoá (nhà cửa, sân bãi, …) và các
vật tư chuyên dùng cho hoạt động văn hoá nghệ thuật do ngành văn hoá – thông
tin quản lý, các ngành khác quản lý như : ra-đi-ô, máy vô tuyến truyền hình, dụng
cụ thể dục thể thao, …
Trong khi chưa có nhà văn hoá ở khu tập thể lớn hoặc của
thành phố, cần phải đẩy mạnh các hoạt động văn hoá – thông tin ở môi trường xí
nghiệp và các khu tập thể nhỏ. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng hoặc bổ sung
một số chế độ, chính sách cho thích hợp.
Để có thể thực hiện những điều nói trên, Bộ Văn hoá Thông
tin sẽ phải cùng với Tổng Công đoàn đề ra thông tri liên bộ về tổ chức đời sống
văn hoá cho công nhân. Quy định cụ thể về tổ chức biên chế, kinh phí, nội dung
hoạt động, trách nhiệm của mỗi cơ quan ; công đoàn xí nghiệp, chính quyền (cơ
quan văn hoá – thông tin các cấp) với sự phối hợp của các đoàn thể như thanh niên,
phụ nữ, …
Xây dựng quy chế hoạt động từng loại nhà văn hoá, xây
dựng các loại chế độ chính sách như chế độ sử dụng quỹ phúc lợi, kinh phí công đoàn
vào các hoạt động văn hoá – thông tin ở từng cấp, chế độ đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ cho cán bộ nhà văn hoá, chế độ lương cho cán bộ chuyên trách hay nghiệp
dư, chế độ hoạt động kinh doanh của các nhà văn hoá, …
Bộ Văn hoá Thông tin cùng với Tổng Công đoàn nên nghiên
cứu việc tổ chức đời sống văn hoá cho công nhân ở những đơn vị công nghiệp đặc
biệt như nông trường, lâm trường, … cho thích hợp với môi trường sản xuất và đời
sống lao động của từng loại xí nghiệp có đặc thù riêng biệt.
Làm được như vậy, nhất định chúng ta sẽ có một nền văn
hoá cao mà không cần chờ có một nền kinh tế phát triển cao.(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét