Hà
Nội, 20/12/1993
Cháu
Thanh yêu quý!
Hôm
rồi gặp cháu, cháu nhắc rằng sắp đến ngày kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ (7-5-1994) và hỏi chú có những suy
nghĩ và cảm tưởng gì về ngày kỷ niệm đó. Chú không trả lời ngay cháu được, nay chú
mới viết thư cho cháu.
Vì 40 năm qua, chú đã trải qua cuộc sống của hơn một nửa
đời người và cũng trong 40 năm qua, bao nhiêu là sự kiện và biến động lớn lao,
cả trên thế giới và trong đất nước mình: Đất nước ta phải trải qua một cuộc
chiến tranh cực kỳ ác liệt và cũng có một thắng lợi rất lớn: thống nhất được đất
nước, giành được độc lập và hoà bình. Rồi gần 20 năm trong hoà bình, nhân dân
ta được sống không có bom đạn và chiến tranh, nhưng lại gặp bao nhiêu khó khăn
và đau khổ do chiến tranh để lại và do sự nghèo khốn. Thế rồi đất nước lại đi vào
“đổi mới” và đang phải vượt qua những khó khăn mới nhưng cũng đang đứng trước
những triển vọng mới và cơ hội mới. Tuy vậy, những xáo động về tinh thần, về đạo
đức đã làm cho bất cứ ai đều phải lo nghĩ và trăn trở. Nước ta đang phải hoà nhập
với thế giới, mà thế giới lại cũng đang gặp bước biến động lớn, có nơi là những
đảo lộn.
Điều
đáng chú ý là: tuy phải sống trong bối cảnh như vậy, nhưng đối với những chiến
sĩ Điện Biên Phủ cũng như đối với toàn dân Việt Nam
thì Điện Biên Phủ vẫn là một điểm chói lọi trong lịch sử đất nước và trong cuộc
đời của mỗi con người.
May
sao gần đây, chú có liên hệ với một chiến sĩ cũ của đơn vị chú, đó là một chiến
sĩ thi đua có thành tích đặc biệt ở Điện Biên Phủ. Người chiến sĩ Điện Biên Phủ
này là tiểu đội phó và là tổ trưởng Đảng trong tiểu đội của một đại đội “dao nhọn”
trong trận đánh chiếm đồi Độc Lập, là một trong hai trận lớn (Him Lam và Độc Lập),
những ngày 13 và 15 tháng 3 năm 1954, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. Chú kể
cháu nghe.
Ảnh : Thăm lại gia đình các đồng đội của Đại đoàn 312 |
Tên
đồng chí này là Nguyễn Văn Cấc, một nông dân nghèo ở tỉnh Ninh Bình. Trong trận
đánh đồi Độc Lập, đồng chí đó bị thương, nhưng vẫn dũng cảm chiến đấu và thay
thế những đồng chí có nhiệm vụ cắm cờ vào cứ điểm địch nhưng bị hy sinh và bị
thương, để đưa được lá cờ tới đích. Sau trận đánh, chính chú đã gặp tiểu đội trưởng
và đồng chí Cấc ở Chỉ huy sở Sư đoàn để nghe báo cáo cụ thể về trận đánh. Lúc ấy,
chú đã xúc động và viết ngay một ký sự ngắn lấy tên là “Lá cờ của Bác” để đăng
lên báo (in litô) của sư đoàn mà động viên toàn sư đoàn. Bài ký sự ấy sau được
in trong tập sách “Kể chuyện Điện Biên” của chú. Đồng chí này là thương binh và
được ra quân, về quê từ năm 1957. Gần đây, do đời sống quá khó khăn, đồng chí Cấc
tìm đến chú và cho chú biết là vết thương cũ tái phát mà đồng chí đó là thương
binh hạng ba, nên mỗi tháng chỉ được lĩnh 35.000 đồng tiền phụ cấp, không đủ sống.
Chú nhờ nhiều anh em quen biết làm việc ở các cơ quan giúp đỡ đồng chí Cấc được
đi khám lại thương tật. Hội đồng giám định đã nâng hạng cho đồng chí Cấc lên là
thương binh hạng hai và mỗi tháng hiện nay đồng chí đó được lĩnh hơn 100.000, đã
sống tàm tạm.
Chuyện
đó đã xảy ra cách đây gần một năm, khi đồng chí đó tìm đến chú, chú nhận ngay
ra người chiến sĩ với lá cờ ở đồi Độc Lập. Đó là một ông già nông dân bé nhỏ, còm
cõi, tai đã nghễnh ngãng, đi lại khó khăn, ăn mặc tồi tàn. Khi người chiến sĩ gặp
lại chính uỷ Sư đoàn là chú thì xúc động kể lại kỷ niệm chiến đấu và đời sống
khó khăn. Hai anh em gặp nhau tâm sự, các con chú cứ gọi đồng chí đó là bác vì
trông già hơn chú. Đồng chí ấy bảo các con chú là gọi đồng chí là chú thôi vì
so tuổi thì đồng chí đó còn kém chú một hai tuổi. Và đồng chí đó nhận chú là
anh và coi nhau như anh em. Đồng chí đó kể về đời sống khó khăn, nhưng không hề
tỏ ý phàn nàn hay oán giận gì và khi được giải quyết chính sách thì đồng chí đó
rất phấn khởi và yên tâm.
Gần
đây đồng chí ấy lại viết thư cho chú kể chuyện tình hình đời sống tạm ổn và nhân
sắp kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ, đồng chí ấy có một nguyện vọng thật cảm động.
Đó là làm sao được đi viếng Bác Hồ trong lăng một lần, được vào Bảo tàng Quân đội,
xem lại lá cờ đồng chí đó đã cắm trên đồi Độc Lập và được chụp một bức ảnh với
lá cờ. Điện Biên Phủ vẫn sống mãnh liệt trong lòng những con người Điện Biên Phủ
như thế đó !
Chú
kể chuyện này cho cháu để cháu biết một giá trị tinh thần. Đồng chí Cấc này quả
thật là :
“Một
lính già đầu bạc,
Kể
lại chuyện Điện Biên không mỏi”.
Chú
để ý xem thì thấy ông già này kể lại chuyện Điên Biên với một phong cách “huyền
thoại hoá” rất dễ thương. Đồng chí ấy nói với chú thế này:
“Ngày
ấy, đồng chí Phạm Văn Đồng ở Giơ-ne-vơ điện về cho Bác Hồ tình hình thương thuyết
với Pháp, Pháp ngoan cố. Bác Hồ liền gọi thợ may, may một lá cờ quyết chiến quyết
thắng gửi lên mặt trận cho anh (tức là chú) và anh trao cho trung đoàn để cắm lên
đồi Độc Lập…”.
Đấy,
ông ấy kể như thế, chú cũng không nỡ cải chính, cứ để mặc ông ấy sống với kỷ niệm
thiêng liêng và đẹp đẽ đó. Vì có nói lại, ông ấy cũng không nghe và chỉ giữ
trong trái tim mình những hình ảnh cụ thể và cao cả đó.
Thực
ra, Bác Hồ quyết định là tặng mặt trận Điện Biên Phủ một lá cờ Quyết chiến quyết
thắng làm giải thưởng luân lưu trong chiến dịch và hết chiến dịch thì đơn vị nào
lập công nhiều nhất sẽ được giữ hẳn cờ đó. Sau chiến dịch, chính Sư đoàn của chú
đã được giữ cờ đó. Do vậy, nên trận đánh nào cũng có một lá cờ để cắm vào cứ điểm
mình đánh. Và các chiến sĩ đều hiểu rằng đó là lá cờ Hồ Chủ tịch trao cho.
Cuộc
đời của ông Cấc này không có gì may mắn và không hề được ưu đãi. Nhưng trong tâm
hồn chất phác của ông ấy thì Điện Biên Phủ là một kỷ niệm kỳ diệu và thiêng liêng.
Chú
đã chiến đấu ở Điện Biên Phủ với ông Cấc và những người như ông ấy. Chú lại cũng
đã chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ
với Ba cháu và những người như Ba cháu. Hôm nay chú kể cho cháu, một con liệt sĩ
hy sinh ở miền Đông Nam Bộ, về một con người Điện Biên Phủ để cháu lại thấy
trong dòng máu Ba cháu để lại trong cháu cũng có cả máu Điện Biên Phủ nữa. Chú đã
già và già dặn hơn. Chú biết được nhiều hơn về cuộc đời. Chú đã gặp nhiều người
như ông Cấc và Ba cháu và chú cũng gặp không ít người có cuộc sống, tư cách ngược
lại. Tuy vậy, chú vẫn là:
Người
lính già bạc đầu,
Kể
mãi chuyện Điện Biên
Cho
cháu và các bạn cháu nghe.
Chúc
cháu khoẻ, nhiều thành công và hạnh phúc, xứng đáng với lịch sử của dân tộc.
Chú,
một bạn chiến đấu của Ba cháu.
Trần Độ
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Trần Độ
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét