Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Sống trong rừng miền Đông


Rừng miền Đông có những cái lạ mà rừng miền Bắc không thấy có. Thứ nhất là rừng rất hiền, tôi cảm thấy vậy. Ở miền Bắc việc ngủ rừng khó khăn lắm vì rất nhiều côn trùng. Ở đây cũng có côn trùng nhưng cứ chỗ nào hơi bằng phẳng, trải một đám lá hay tấm ni lông là có thể yên trí nằm ngủ. 
         Có những vùng vắt cũng nhiều. Nhưng ở miền Đông nói chung ít phải nằm đất vì có cái võng rất tiện lợi. Võng bằng vải ni lông gói gọn chỉ bằng hai nắm tay, giắt ở thắt lưng. Tới đâu thì mắc vào cây, ngủ thoải mái. Nắm được kỹ thuật thì mắc và tháo võng rất nhanh. Buổi đầu chưa thạo, tôi cũng lúng túng và đã có lần bị ngã võng. Nằm võng ở rừng miền Đông tôi xem là một cái thú.
Tiếp đến là cây trái. Nằm ở một cái lán, tôi thấy mái lợp lá nhưng cứ như lợp ngói rất đẹp mắt. Sau hỏi ra mới biết đó là lá trung quân. Có người còn nói cả nguồn gốc tên gọi đó. Hồi Gia Long bị quân Tây Sơn đánh đuổi chạy vào rừng đã dùng lá này lợp chòi mà lẩn trốn. Về sau làm vua đã nhớ đến công che nắng che mưa của lá cây này nên đã phong là lá “trung quân”. Tôi nghĩ cũng là một sự thêu dệt thôi. Nhưng điều thú vị là khi khô, lá này khó bắt lửa. Nó lại có màu tươi rất bắt mắt. Dùng lợp nhà, với đặc điểm đó, lá này hợp hơn nhiều loại lá khác. Nằm võng êm ái, dưới mái lá nâu tươi của căn nhà gỗ, giữa khuôn rừng xanh rờn êm ả, phảng phất gió kể cũng là sang.
Rừng miền Đông có rất nhiều trái dại: bưởi, ổi, bòng bong, dâu da... rất sẵn và cứ như những thứ giải khát trời bày sẵn cho ai đi rừng. Có thứ gọi là trái gùi, thân dây leo mà rất sai quả, cỡ như quả trứng gà có xơ có cơm. Trái chín vào đầu mùa mưa, hái về gọt vỏ, lấy xơ và cơm quậy với đường thành thứ nước giải khát đặc sản, vị chua chua ngọt ngọt đem mời khách ai cũng mê. Về sau có kinh nghiệm chế biến, chúng tôi đã hái thật nhiều, dỡ cơm của quả ra đánh thành nước, cô lại cho vào chai dùng dần.
Rừng có lắm thứ hoa, nhiều nhất là mai vàng. Quanh chỗ chúng tôi gần như một rừng mai. Trước một tháng, cây nào còn xanh lá, anh em trèo lên tuốt sạch rồi tưới nước, có thể pha cả nước giải, là cách thúc cây nảy nụ tập trung đón Tết. Hoa mai vừa đẹp vừa sang. Được đứng giữa một rừng mai bừng bừng hoa nở lòng ta cũng thanh thản, trong sáng hơn.
Rừng cũng đầy phong lan. Nhưng anh em tôi rất thú chơi phong lan Đai Châu. Đó là tên gọi quen miệng nhưng ý nghĩa nguồn gốc thì mỗi người nói một cách. Người gọi là phong lan Đai Châu vì hình dáng chuỗi hoa rừng từ ba tấc đến nửa thước dài, cánh hoa trắng đốm đỏ hồng, lung linh trong gió xem ra còn đẹp hơn, sang hơn cả chuỗi ngọc. Đâu có hoa thì cả cánh rừng sực nức hương thơm. Trời càng nắng, hương càng ngát. Đâu dễ tìm ra được thứ hoa đủ cả hương sắc như vậy.
Rừng miền Đông Nam bộ trong chiến tranh. Ảnh: Trần Độ
Đã là rừng thì có gỗ. Gỗ rừng miền Đông có phần dễ chế tác. Cơ quan đều đã cất nhà, làm hầm có lót ván. Nhà cũng gọn gàng chỉ cần đủ chỗ làm việc và mắc võng. Về sau sách vở, tài liệu tăng lên lại có thợ mộc cưa xẻ nên đã chế ra một thứ giá sách đa năng. Thường nhật là giá để sách, để tài liệu. Khi cần di chuyển thì ghép thành cái hòm (rương), lúc cần dùng có thể làm thành chiếc tủ gỗ. Có sẵn gỗ, sẵn thợ, các vật dụng bằng gỗ cứ sinh sôi theo thu cầu, hóa cồng kềnh dần.
Rừng miền đông có bụi le rất kín đáo và măng le ăn ngon, được nhiều người thích. Thịt rừng cũng nhiều thứ. Có voi, hổ, nai, trâu rừng... cũng có cả giống hoẵng ngoài Bắc mà trong này gọi là con mễn. Nó giống hệt hươu nhưng bé hơn, chỉ khoảng mười ký. Thịt mễn nấu cháo ăn thì vừa ngon vừa bổ. Con giọc, thịt không ngon. Khi làm thịt giọc trông rất kinh vì cạo sạch lông nhìn cứ như đứa trẻ.
Các loài chim thì nhiều lắm. Tại đây tôi mới biết và mới hiểu từ anh em thường nói là đi “săn thịt” nghĩa là săn thú lấy thịt. Anh em thích dùng súng thể thao vì súng AK tiếng nổ to, dễ lộ bí mật nên bị cấm. Có những tay thiện xạ với súng thể thao vẫn hạ được gấu, nai, hươu, lợn rừng.
Có lần tôi mang khẩu súng thể thao, đạn dư dật để bắn tiêu khiển hơn là đi săn. Tự biết bắn xoàng nên tìm chim để bắn. Anh em thấy thế nói: “Thủ trưởng lãng phí đấy. Một phát đạn bắn chim thì có trúng nữa cũng chỉ được một lạng thịt là nhiều. Chúng tôi đặt mục tiêu một phát đạn phải có chục ký, ít ra thì cũng là con giọc, con mễn gì đó”. Quanh chuyện đi săn cũng có nhiều điều rắc rối. Có cậu đi lạc đường phải ngủ rừng hoang sau khi loanh quanh tìm không ra đường về. Sáng dậy mở mắt ra lại thấy chị nuôi đang vo gạo ngay cạnh. Cũng có lúc bắn nhầm nhau. Và đau đớn là có trường hợp cá biệt bị trúng đạn. Anh Tư Nguyện, bí thư tỉnh ủy Bình Long đã kể chuyện một cậu đi săn mà con mồi cướp mất súng: “Anh ta bắn con hươu, con mồi bị thương chạy. Anh đón đường dang tay ra bắt. Cánh tay vẫn toòng teng khẩu súng. Con mồi lao tới và móc luôn vào dây đeo súng. Nó càng hoảng và mang luôn cả khẩu súng phóng vào rừng. Thế là đi săn mà không được thú lại bị tước cả súng”.
Có lần chúng tôi đến một căn cứ mới. Vệ binh đến trước đã bắn được một con gấu. Hôm ấy được một bữa thịt gấu. Anh em ưu tiên dành cho thủ trưởng (là tôi) được món chân gấu.
Tôi cũng có nghe đồn trong các món sơn hào hải vị có món chân gấu này, ngon và cực kỳ bổ. Ăn chân gấu đúng là ngon hơn chân giò nhiều, mùi vị lại rất thích. Nhưng vốn không sành ẩm thực nên tôi bất lực không tả nổi. Về sau tôi còn có dịp ăn thịt cò ngẳng - loại cò giống con chim cút. Thịt cò ngẳng cũng ngon như vậy.
Còn con cheo, trông giống con mễn, nhỏ bằng con mèo. Vốn có câu “nhát như cheo” nên săn nó có lúc chẳng cần bắn. Bắn không trúng cũng có khi bắt được cheo vì nghe tiếng nổ nó sợ nằm lăn ra đấy, ngất đi, chỉ việc đến lượm. Tuy vài cân thịt thôi nhưng hôm nào được đãi cháo cheo thì khỏi phải bàn, ăn rồi còn ngon mãi.
Song ở đâu và lúc nào cũng vậy, cuộc sống vẫn có hai mặt. Ở rừng miền Đông, bên những điều thú vị hiếm thấy, thì bệnh sốt rét ở đấy cũng ghê lắm, gọi là sốt rét ác tính. Có lúc số anh em tân binh ở miền Bắc bổ sung vào chỉ một nửa là có thể đưa xuống các đơn vị chiến đấu, còn phải nằm điều trị sốt rét một thời gian. Bấy giờ bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã tìm được phương pháp chữa sốt rét và phục hồi sức khoẻ rất hiệu nghiệm và anh đã được thưởng huân chương vì công lao này. Thanh niên đang tuổi hai mươi mà lúc khiêng tới trạm xá chỉ còn da bọc xương, nằm bất động, chỉ còn chừng ba mươi ký. Anh Thành đã dùng in-su-lin liều nhỏ tiêm, hay chữa bằng huyết thanh đẳng trương làm anh em ăn được rất nhanh. Có anh em một ngày ăn chục bát cơm vẫn đói, phải thêm nửa nải chuối. Với sức ăn như vậy, người lên sức, lên ký cũng nhanh, có cậu rời trạm cân được năm mươi ký.
Ở rừng ngày ấy chúng tôi rất ngại rắn độc. Có nhiều thứ lắm nhưng ngại nhất là rắn chàm ngoặp. Thân nó nhỏ, ngắn chỉ độ ba bốn mươi phân, di chuyển chậm chạp. Nhìn lờ đờ thế mà đụng tới là bị nó mổ ngay. Nó mổ trúng chân là lập tức quỵ xuống, không chữa chạy kịp thời là chết! Tiếng dữ rộn cả miền. Tôi đã viết một bài báo gọi rắn này là “ông ba bước”, tức là bị nó mổ phải thì bước ba bước là quỵ thôi. Có một anh ở Cục Chính trị đêm nằm ngủ để dép ở dưới chân, buồn đi giải, thả chân quờ dép thì bị nó đớp. Phải đưa đi cấp cứu ngay nhưng cũng nằm điều trị đến hàng tháng. Một cậu cán bộ tuyên huấn to khoẻ bảnh trai cũng bị rắn cắn. Chữa trị xong không ra hồn người nữa. Là loài rắn cực độc lại có nhiều, sơ ý là bị với nó ngay. Rắn lục cũng không hiếm. Người bảo là rắn độc, kẻ bảo là hiền chỉ thích bắt chuột. Cho nên có lần tôi thấy nó bò lên mái lều cũng để vậy. Nếu nó bắt chuột thật thì hay quá. Có rắn hổ mà ngoài Bắc gọi là Cạp nong. Có loại thân cứ khoanh trắng khoanh đậm nhìn đến ghê. Có lúc nhìn rắn bò bên cạnh lại mơ màng nghĩ là hầm mình chuyển động. Đánh đuổi chúng cũng không dễ, hễ động là chúng trườn xuống dưới thanh lát. Đành phải nghĩ rằng: “thì hãy sống chung với chúng mày vậy!” Tuy thế, với kẻ đồng phòng này, mình cũng phải cảnh giác thường trực, vì nó mà trườn ra mình sơ ý là bị mổ ngay. Số bị rắn cắn khá nhiều nhưng nhờ cấp cứu kịp và các bệnh viện có đủ thuốc từ ngoài Bắc gửi vào và có kinh nghiệm chữa trị. Mỗi người vượt Trường Sơn vào đều mang theo thuốc chống rắn và chữa rắn cắn. Có thứ thuốc anh em gọi là “da tây” tức là da con tê giác. Lần tôi đi khu Sáu, anh em cho một miếng bằng bàn tay. Đưa về tôi sẻ cho mỗi người một mảnh bằng đồng xu. Bị rắn cắn, đặt miếng da vào vết cắn, nó sẽ bám chặt và hút hết nọc độc ra, rất linh nghiệm.
Các loại côn trùng ở rừng cũng chẳng thiếu và con nào cũng ngoại cỡ. Rết thì như đủ cả, dài cả hai mươi phân. Cuốn chiếu thì dài hơn hai mươi phân, đen trùi trũi, mình bằng ngón chân cái. Bọ cạp cũng lắm. Ai lỡ đụng phải đuôi nó thì bị nhức nhối khổ sở một ngày một đêm mới đỡ chút ít. Ông Tấn treo áo ở vách hầm, không may bò cạp chui vào mà không hay, ông lấy áo mặc đã bị một trận, la trời. Trong các loại kiến thì đáng kiềng nhất là kiến bù nhọt. Hễ đánh hơi mồi là nó kéo tới đen nền nhà. Nằm võng vô tình chống chân vào chúng là bị đốt ngay, nọc nó làm nhức nhối khó chịu không kém. Trị loại kiến không gì bằng dầu hỏa, cứ phun dầu là chúng lẩn hết. Có lúc không có dầu hoả, anh em phun nước bọt thấy cũng có kết quả nhưng mất thì giờ hơn.
Mối rừng dữ dội lắm, cứ từng đống một dọc đường đi. Càng mối giống như càng cua, nhỏ nhưng rất sắc. Có lần chị Ba Định đi họp về giữa đêm tối, đang đi thì chị hét lên, chân giãy cuống quýt. Chiếu đèn pin vào mới hay chị bước vào đống mối càng. Các cháu cùng đi xúm vào gỡ cho chị. Càng mối cắn như găm chặt vào da thịt. Cứ dứt con mối ra là đứt cả da thịt. Chân chị Ba đẫm máu.
Lại một lần anh Nguyễn Chí Thanh bị sốt. Bác sĩ cho cặp nhiệt độ thì có cao, nhưng bắt mạch và làm các khám nghiệm khác thì không rõ có hiện tượng bệnh tật gì. Cho uống thuốc giảm sốt vẫn không có kết quả. Cứ thế đến hai ba hôm. Sau anh em có kinh nghiệm ở rừng bảo anh Thanh vén áo lên xem. Thì ra có ve bám vào chỗ hiểm cắn. Nó vốn mình dẹt như hạt cốm đã qua cối giã, nay mình đầy máu căng tròn như hạt đỗ. Gỡ ve ra cũng phải biết cách: lấy cái díp nung nóng rồi cặp vào nó một lát là nó nhả ngay và vết cắn tự lành. Nếu gỡ bằng tay thì không được, nếu cạy nó ra thì cái vòi vẫn còn đó, gây ngứa và nhức nhối cả năm. Tôi bị ve cắn ở trán, không có kinh nghiệm gạt nó ra và đã bị nhức nhối đến cả năm trời. Loại ve này thích cắn vào chỗ da mềm, chúng cứ nhè vào những chỗ kín nên rất khó phát hiện.
Có một giai thoại Tây bị ve cắn. Hắn là chủ đồn điền cao su, bị sốt liên miên, thuốc gì cũng chẳng được. Vợ nó đi lễ cầu xin thần thánh phù hộ cũng không xong. Nó bèn thông báo ai chữa được cho nó khỏi sốt, sẽ được thưởng. Có người phu cao su biết là nó bị ve cắn, anh bảo cho gặp riêng thằng Tây, bảo nó cởi hết quần áo ra xem, anh xức dầu cù là vào tay mình rồi đặt vào chỗ con ve. Bị dầu nóng thì ve nhả ra, thằng Tây hết sốt, bình thường trở lại, nhưng vẫn không biết là bị ve cắn. Anh phu được nó thưởng như đã hứa, nhưng không cho nó hay vì sao nó sốt.
Ảnh: Trong nhà lưu niệm ở khu căn cứ Miền (Khu di tích lịch sử Tà Thiết, Lộc Ninh).
Rừng miền Đông Nam Bộ dù ai chỉ sống với nó một, hai năm cũng đã có bao nhiêu chuyện muốn nói. Và tôi cũng như mọi người, điều đọng lại sâu sắc nhất là những năm tháng đầy gian khổ và hy sinh ấy, con người vẫn lạc quan yêu đời với những ngày tháng sống cùng thiên nhiên, chim muông, động vật hoang đã, quý hiếm, kể cả những con vật dữ dằn nhất.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

2 nhận xét:

  1. Cụ viết rất hay, chả kém Đoàn Giỏi viết về rừng U Minh.

    Trả lờiXóa
  2. Giá có ai viết về Miền Tây, Đồng Tháp Mười hay Khu 6 như ông Chín Vinh này thì hay quá.
    Đọc xong đám lính Miền Đông này thấy lòng mình nôn nao quá, nhớ quá

    Trả lờiXóa