Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Chị Ba, cô Ba, bác Ba, bà Ba


Đó là cách gọi chị Ba Nguyễn Thị Định, tùy theo vị trí và lứa tuổi trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Chị Ba là con út trong gia đình. Tôi thấy các cháu chị gọi chị là Cô Út, Dì Út nhưng khi chị đi làm cách mạng thì chị lại nhận một thứ: đó là thứ ba.

Chị Ba (Thiếu tướng Nguyễn Thị Định), khi là  Phó Tư lệnh Các lực lượng vũ trang GPMNVN. Ảnh: Trần Độ
 Phong tục ở Nam Bộ là gọi nhau bằng thứ chứ không gọi tên. Vì vậy chỉ cần gọi Chị Ba, Cô Ba,... là người ta biết ngay đó là Nguyễn Thị Định. Sau khi nước nhà thống nhất, người miền Bắc nói đến chị, mới nói đầy đủ Ba Định. Nhưng cũng rất nhiều người chỉ nói chị Ba, cô Ba, bác Ba và các cháu nhỏ thì bà Ba với một sự trìu mến kính trọng. “Ba” đã thành một tên không phải chỉ là tên người cụ thể, mà là tên của một cuộc đời đấu tranh, tên một phẩm chất, một tấm lòng và một tâm hồn.
Hôm nay với Chị, tôi cũng nhắc đến chữ “Chị Ba” với ý nghĩa như vậy.
Tôi được biết chị từ đầu năm 1965. Lúc ấy tôi vừa chân ướt chân ráo vào đến chiến truờng, gặp anh Nguyễn Chí Thanh (Anh Thanh cùng nhóm với tôi, nhưng vào được trước mấy tháng cùng anh Lê Trọng Tấn). Anh Thanh với tính cách sôi nổi và hồn nhiên, trong những câu chuyện đầu tiên, nói về Đại hội Phụ nữ mới họp. Anh nói đến Đại hội Phụ nữ để yêu cầu tôi phải thu xếp dự Đại hội Thanh niên sắp họp. Trong những câu chuyện về Đại hội Phụ nữ, anh hết lời ca ngợi phụ nữ miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng, anh nhấn mạnh tới ba phẩm chất đặc biệt của Phụ nữ miền Nam : anh hùng, trung hậu, đảm đang. Anh rất hào hứng nói về các đại biểu dự Đại hội và đặc biệt nói nhiều về Chị Ba và nữ du kích Tô Thị Huỳnh (sau được tuyên dương anh hùng). Lúc ấy, “Chị Ba” đã gắn chặt với phương thức đấu tranh “Đồng Khởi”, “ba chân hai mũi”, “Ba mũi giáp công”. Tất nhiên không phải một mình chị là tác giả của các khái niệm vừa kể, nhưng tự nhiên tên tuổi chị gắn chặt với nó, vì chị đã sống trong thực tiễn đấu tranh của mấy phương thức đó và vì chị thuyết minh về những phương thức đó một cách rất sinh động và hấp dẫn. Anh Thanh nói về Tô Thị Huỳnh một cách ngây thơ thú vị, tôi còn nhớ anh nói: “Huỳnh 19 tuổi, đánh 101 trận hơn Napoléon vì Napoléon đánh có 11 trận, Huỳnh hiền khô và rất dễ thương”. Anh bảo tôi nhất thiết phải dự Đại hội Thanh niên để được gặp chị và Tô Thị Huỳnh là những nhân vật anh hùng có thật của cuộc chiến tranh, mà chúng tôi chỉ mới nghe nói. Tôi nói anh Nguyễn Chí Thanh ngây thơ là vì khi tôi gặp Tô Thị Huỳnh thì thấy Huỳnh không “hiền khô” mà là một nữ thanh niên to lớn, trông hơi “dữ tướng” và so sánh Huỳnh với Napoléon là quả khập khiễng vì Napoléon đánh 11 trận là 11 chiến dịch tầm cỡ quốc gia. Còn Huỳnh đánh 101 trận là kể cả những trận bắn vài phát đạn quấy rối một đồn địch, rồi về “ăn cháo gà”. Khi Đại hội chiến sĩ thi đua, Huỳnh nghe thành tích của anh hùng Bi Năng Tắc ở khu 6 ăn lá bép 6 tháng để đánh địch, Huỳnh bảo “các chú đánh giặc chi mà cực quá trời. Chúng cháu đi đánh giặc, mẹ ở nhà nấu cháo gà chờ về ăn. Chú Tắc mới thật là anh hùng”. Còn chị thì đúng như anh Thanh nói : khoẻ mạnh, hoạt bát và nhanh nhẹn.
*  *  *
Thế là sau đó chị đã là Phó Tư lệnh Miền của Quân giải phóng, phụ trách phong trào du kích, với tất cả những sắc thái phong phú và mới mẻ của nó mà chị là một tư lệnh địa phương giàu kinh nghiệm.
Những năm tháng chị công tác ở Bộ Tư lệnh Miền có rất nhiều kỷ niệm. Tôi không muốn nói nhiều về nội dung công tác, tôi muốn nhớ nhiều đến những kỷ niệm. Chị ở Bộ Tư lệnh Miền, vừa là một vị tướng du kích, nhưng cũng có vai trò một người chị, một người mẹ ở cơ quan. Chị theo dõi phong trào với tính cách rõ rệt một người dân Bến Tre và một phụ nữ. Tôi còn nhớ rõ sự bộc lộ những xúc động rất sôi nổi của chị khi quê hương Bến Tre có một thành tích, một chiến công hoặc một khó khăn mới nảy sinh. Chị cũng sôi nổi như vậy khi trên khắp đất nước có một chiến công, một thành tích nào của một đơn vị hay một người du kích nữ, dù đó là đơn vị ở Quảng Nam Đà Nẵng, ở Long An hay ở Châu Đốc. Chị không thể quên nhắc cơ quan xét thành tích và đề nghị khen thưởng, và chị không ngớt bình luận về tài năng quân sự của các nữ du kích. Tôi còn nhớ chị bình luận rất nhiều về một tấm ảnh đội nữ pháo binh địa phương, trong đó có khẩu đội trưởng đang chỉ ngón tay làm động tác chỉ huy. Chị không ngớt khen ngợi bàn tay đó với ngón chỏ cong cong và chị cho là tuyệt vời. Trong các hội nghị tổng kết chiến tranh du kích và các Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua. Chị đặc biệt ân cần đối với các nữ đại biểu. Chị hầu như thuộc lòng các bản thành tích và lý lịch của các nữ du kích. Chị chăm lo việc tặng cho các chiến sĩ đó những món quà thiết thực trong chiến đấu như súng ngắn, tiểu liên nhẹ, vải ngụy trang, vải mưa. Chị còn quan tâm đến cả những trắc trở trên đường đời riêng tư của các thiếu nữ anh dũng mà xinh đẹp. Chị chú ý hơn tới những chiến trường gian khổ hoặc quyết liệt. Những lúc này tình cảm một người chỉ huy cao cấp gần đồng hóa với tình cảm một người chị cả trong gia đình. Chị yêu quê hương thật tha thiết (Bến Tre) nhưng chị không cục bộ. Chị tự hào và bênh vực chị em phụ nữ một cách mạnh mẽ và quyết liệt nữa. Nhưng chị không biệt phái. Tôi có thể nhận xét một cách vô tư và chính xác như vậy. Bởi vì tôi luôn lo cho chị về những điểm đó. Nhưng nỗi lo của tôi đã tỏ ra vô căn cứ. Chị dành một tình cảm đặc biệt sâu sắc đối với cán bộ và chiến sĩ miền Bắc được bổ sung vào chiến trường. Chị đã thông cảm khá đầy đủ với cảnh các bà mẹ và các người vợ tiễn con và chồng đi chiến đấu. Chị rất thương xót những thanh niên còn trẻ dại rời nhà trường để đi vào Nam chiến đấu (trong đó có cả con trai tôi). Tôi đã thấy chị khóc khi nghe anh em ở B3 (Tây Nguyên) báo cáo về đời sống thiếu thốn và gian khổ của các cán bộ và chiến sĩ. Chị hay bàn luận với chúng tôi: tôi và anh Ba Long (Lê Trọng Tấn) về sự hy sinh của đồng bào miền Bắc với lòng khâm phục và tình thương yêu đặc biệt.
Chị mới về công tác ở Bộ tư lệnh Miền được mấy hôm, với tính tình cởi mở của chị, tôi đã được biết rõ cuộc đời cách mạng của chị. Tôi được biết mối tình đầu của Chị với anh Bích, nỗi đau của chị khi mất anh Bích, tôi lại được biết nỗi đau của chị khi cháu Minh được tập kết ra Bắc ăn học rồi bị bệnh mà bỏ mình. Tôi đã thay chị trong dịp năm 1969 ra viếng mộ cháu Minh ở Văn Điển (mà chị vẫn gọi cháu là thằng On). Tôi thấm thía nỗi đau của người mẹ và càng quí trọng chị hơn. Chị đã gánh trọn nỗi đau người dân mất nước, mất tự do bị ngục tù, hành hạ; nỗi đau của người vợ trẻ xa chồng và mất chồng; nỗi đau của người mẹ mất đứa con duy nhất. Chị đã dành tất cả tình thương cho mấy đứa cháu được gần chị. Chị cũng nhận được niềm an ủi lớn lao, nhưng cái đó vẫn không bù đắp được nỗi đau mênh mông và sâu thẳm của chị.
Tôi rất xúc động khi được biết là mới gần đây, chị đã đích thân đưa hài cốt cháu On về nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh. Và ngay sau đám tang chị các cháu Thung và Mẫn đã thu xếp để táng hài cốt cháu On chung với chị. Vậy là cháu On, cuối cùng đã được về trong lòng chị, được chị ôm ấp, che chở mãi mãi. Hai mẹ con chị đã được ở bên nhau vĩnh viễn. Phải chăng đó cũng là một ước mơ thầm kín của chị đã được chị và các cháu tự mình thực hiện. Xin mừng cho chị.
Cuộc đời của chị là một đời cách mạng cao cả toàn bộ sinh lực và tinh thần của chị dành cho cách mạng. Luôn luôn chị sống với công tác cách mạng nhưng cũng luôn luôn chị đã sống như một người chị, người mẹ. Chị là một Phó tư lệnh như những người phó tư lệnh khác với chức trách của mình, nhưng chị lại vừa như một nữ chủ nhân của một gia đình gồm cả các tướng lĩnh và các cô, các chú binh nhất binh nhì. Chị lo cho mọi người từ miếng ăn, manh áo, liều thuốc. Các cô cấp dưỡng y tá đã tíu tít quanh chị nhận những lời khuyên nhủ, dạy bảo của một mẹ hiền. Cũng rất độc đáo là trong Bộ Tư lệnh hình thành một tục lệ do anh Nguyễn Chí Thanh đề xướng: hễ từ ở chiến trường có một báo cáo là tiêu diệt một tiểu đoàn, thì chị Ba phải chiêu đãi anh em một bữa bánh bao. Thế là những lúc đó, Phó tư lệnh lại có mặt ở bếp để chỉ đạo nhào bột, làm nhân và hấp bánh.
Chị còn đầy tinh thần cách mạng trong việc học tập. Chúng tôi quý chị lo cho chị học và tổ chức việc học cho chị. Chị là một học viên rất chăm chỉ và nghiêm túc. Cùng một lúc chị học văn hóa với các môn Sử, Địa, Toán, Lý và học quân sự với các thứ lý thuyết về chiến lược, chiến dịch chiến thuật, lý thuyết tấn công và phòng ngự, những kinh nghiệm lịch sử về chiến tranh du kích ngoài ra chị còn phải tự hoàn chỉnh những kinh nghiệm riêng của chị.
Tinh thần học tập của chị chứng tỏ chị ý thức đầy đủ những gì còn thiếu trong trí thức và năng lực. Chị không cần tỏ ra khiêm tốn, vì thông thường ở nhiều người cái “tỏ ra” đó nó giả dối, mà chị là người trung thực, chị chứng tỏ ý thức của chị bằng việc làm. Cách sống tận tụy và trung thực của chị vẫn còn mãi sau này khi chị đã lớn tuổi. Những năm tháng chị hoạt động trong Hội đồng Nhà nước, chị đi nhiều nhất, kiểm tra nhiều nhất và nhiều kiến nghị nhất. Chị thường trao đổi với tôi nỗi băn khoăn lo lắng của chị về tình hình đất nước về đời sống và lợi ích của nhân dân. Chị đã trung thành tuyệt đối với những lý tưởng cách mạng cao đẹp của chị cũng như của tất cả chúng ta.
Nay chị không còn nữa, nhưng chị đã sống đẹp, sống tốt. Tôi tâm niệm và suy ngẫm nhiều về cuộc sống của chị. Đó là một cuộc sống của một con người trung thành với lý tưởng đời mình, trung thực và tận tụy với trách nhiệm và công việc đầy lòng thương yêu mọi người.
Chị đã có nhiều danh hiệu cao quý:
Một vị nữ tướng quân duy nhất của đất nước.
Một chủ tịch của Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Một Phó chủ tịch của Hội đồng Nhà nước.
Như tôi thấy nhân dân thương tiếc chị không phải ở những danh vị đó, mà họ chỉ thấy thương tiếc một “Chị Ba”, một “Chị Ba” có tấm lòng, sống với mọi người đầy tình cảm và đạo lý. Đối với một cuộc đời, một con người, cái đó là quý giá nhất. Chị mất đi, đời thương tiếc chị vì những gì chị để lại cho đời. Chị có thể yên lòng an nghỉ. Chắc chắn sự vận động của quy luật cuộc sống sẽ thực hiện được những lý lưởng của chúng ta. Nhân dân, người đời đã tỏ ra thật vô tư và hiểu đúng được những giá trị đích thực.
Chị hãy yên lòng và vui vẻ.
Nhân lễ 100 ngày mất của Chị Nguyễn Thị Định.
4-12-1992

Chín Vinh

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

1 nhận xét: