Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

Niềm vui Đổi mới


Ngẫm lại cuộc đời hoạt động cách mạng gần 60 năm của mình tôi có khá nhiều niềm vui lớn. Đầu tiên là niềm vui chiến thắng được những đòn tra tấn dã man của kẻ thù ở nhà lao Thái Bình lúc tôi vừa tròn 18 tuổi.

Năm 1943, trong đoàn tù từ Sơn La về Hà Nội để lên tàu ra Côn Đảo, đến Hòa Bình tôi đã vượt ngục thành công và một hạnh phúc lớn bất ngờ đến với tôi, được Đảng phân công làm người giúp việc cho đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và sau đó được là người thay mặt Đảng phổ biến “Đề cương Văn hóa” cho nhóm Văn hóa Cứu quốc. Đối với tôi đây là một hạnh phúc kép.
Ngày 7 tháng 5 năm 1954, trong chiến hào Điện Biên Phủ, tôi và anh Lê Trọng Tấn đã ôm chặt nhau, sung sướng nghẹn ngào khi được tin chính các chiến sĩ Đại đoàn 312 của mình đã bắt sống tướng Đờ Cát ngay trong hầm chỉ huy của nó.
Hơn mười năm sau, với cương vị Phó chính ủy Quân giải phóng miền Nam, tôi lại được hưởng niềm vui lớn khác của chiến thắng, lần trước là thắng Pháp, bây giờ là thắng Mỹ.
Rồi đến những ngày tưng bừng của Đại hội VI và sau đó là Nghị quyết 05.
Đã trên 60 tuổi rồi mà trong những ngày này tôi cảm thấy như mình đang được sống lại thời trai trẻ của những ngày đầu cách mạng lãnh đạo cướp chính quyền thắng lợi ở Phúc Yên, những ngày chiến đấu bảo vệ Hà Nội cuối năm 1946 và những ngày Điện Biên Phủ anh hùng.
Những ngày đó niềm vui, niềm hạnh phúc được làm việc, được cống hiến khiến tôi như trẻ lại chục tuổi. Đến bữa ăn bụng không thấy đói, đến giờ ngủ còn muốn thức mãi để viết, để làm việc, chuẩn bị cho công việc ngày mai, công việc cứ dồn dập đến, với những niềm vui tưởng như vô tận. Trong những ngày này thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp Nghiêm Hà, thư ký của tôi, nhìn tôi tủm tỉm cười - Tôi cũng cười hỏi: “Cậu cười cái gì?” Hà trả lời tôi bằng một câu nói có vẻ khiêu khích: “Sao dạo này anh vui thế?”. Chính vì có nhiều cuộc gặp mặt giữa các nhà văn, nhà viết kịch, các nghệ sĩ,... trụ sở Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương như một câu lạc bộ, thường xuyên mở rộng cửa đón tiếp các văn nghệ sĩ đến trao đổi ý kiến, bàn bạc mọi vấn đề liên quan đến công cuộc đổi mới của đất nước, tất nhiên là tập trung vào chủ đề đổi mới văn nghệ theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội VI.

Một dáng cây hiên ngang trước biển. Ảnh: Trần Độ.
 Là người đã tham gia các chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được tận mắt chứng kiến không khí sôi động của hàng vạn cán bộ chiến sĩ trước khi bước vào trận đánh mới, tôi bỗng có sự liên tưởng đến không khí của đời sống văn hóa văn nghệ của đất nước trong những ngày này, thực chẳng khác gì không khí chuẩn bị bước vào một chiến dịch lớn mà mục tiêu phía trước cần vươn tới là Nghị quyết chuyên đề của Đảng về Văn hóa Văn nghệ.
Từ giữa tháng 6 năm 1987, hầu như toàn bộ tâm tư, tình cảm của những người làm công tác văn hóa nghệ thuật Việt Nam đều hướng tới mục tiêu đó cả guồng máy của Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương hầu như mở hết công suất để hướng mọi người vững bước đi lên đạt tới mục tiêu đó. May mà Ban Văn hóa Văn nghệ lúc này đã có sự đổi mới về cơ chế tổ chức, tuy chỉ mới là bước đầu nhưng thực sự đã phát huy tác dụng là một cơ quan tham mưu của Đảng về Văn hóa Văn nghệ…
Mỗi đồng chí từ các hội thảo mang theo những ý kiến mới mẻ trở về, biến các buổi sáng gặp nhau trở thành những buổi trao đổi sôi nổi chưa từng có ở Ban Văn hóa Văn nghệ. Tôi phấn khởi lắng nghe ý kiến của anh em và nói với anh em là bây giờ trách nhiệm của chúng ta, là những chuyên viên làm tham mưu cho Đảng, chưng cất ý kiến của hàng trăm anh em văn nghệ sĩ thành trí tuệ của Đảng, để Đảng đưa vào nghị quyết chỉ đường cho nền văn hóa văn nghệ đất nước bước sang một bước ngoặt mới.
Chính vì xác định tầm quan trọng đó mà chúng tôi chủ trương mở rộng các thành phần càng nhiều càng tốt, lắng nghe mọi ý kiến khác nhau, không chỉ riêng văn nghệ sĩ mà cả các nhà khoa học như Phan Đình Diệu, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Khắc Viện,... Tính ra hơn 200 văn nghệ sĩ có mặt ở Hà Nội trong thời gian này đều như bị cuốn hút vào phong trào sôi nổi, rộng lớn nhằm góp ý cho Đảng những ý kiến tâm huyết nhất của mình, với niềm mong ước sâu xa nung nấu từ lâu là sự lãnh đạo của Đảng có sự đổi mới phù hợp với trào lưu đổi mới của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Chính Đại hội VI là bà đỡ có tác dụng quyết định cho Nghị quyết 05 ra đời.
Có thể nói, trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam, chưa có giai đoạn nào mà đời sống Văn hóa Văn nghệ của dân tộc lại sôi động, phong phú như những ngày chuẩn bị tiến tới Nghị quyết 05, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI lịch sử. Không phải chỉ riêng chúng tôi, những “quan chức văn nghệ” phải ngày đêm lăn xả vào công việc như trên tôi đã nói, mà trong những ngày này, hàng trăm văn nghệ sĩ cũng “lăn xả” vào sự nghiệp đổi mới nền văn hóa văn nghệ nước nhà, sự nghiệp mà mấy chục năm qua họ đã đem hết sức mình, kể cả xương máu để cống hiến, xây dựng. Có dự những cuộc hội thảo, những cuộc trao đổi của các anh chị em văn nghệ sĩ, được tận mắt nhìn những gương mặt của họ, nghe giọng nói chân thành của họ mới cảm nhận hết sự lo toan đáng trân trọng của họ đối với những bức xúc đang đặt ra đối với sự phát triển của nền văn nghệ. Trong các cuộc họp, Ban chúng tôi thường nói với nhau, chúng ta là những người làm tham mưu cho Đảng về công tác văn hóa văn nghệ phải tự nâng mình lên để xứng đáng với anh chị em văn nghệ sĩ, những người đã từng lao động gian khổ, sáng tạo nên những giá trị tinh thần cho đất nước và hiện đang trăn trở tìm một hướng đi đúng đắn trong giai đoạn phát triển mới của dân tộc.
*  *  *
Có hai việc lớn phải tập trung vào làm cho tốt là chuẩn bị một báo cáo đánh giá đúng thực trạng tình hình văn nghệ trong thời gian qua, cả ưu điểm và tồn tại, cả về sáng tác và quản lý, phương châm là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nếu cần thì coi như là một bản báo cáo nội bộ và đề xuất phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Báo cáo này mang tính chất một tờ trình đối với Bộ Chính trị và Ban Bí thư để các anh nắm được vấn đề và suy nghĩ trước.
Việc lớn thứ hai là trên cơ sở báo cáo đó, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết, thật súc tích, cô đọng sao cho mọi ý kiến, mọi nguyện vọng của anh em văn nghệ sĩ thuộc các giới văn học nghệ thuật, sau khi đã “chưng cất” đều sẽ được đưa đầy đủ vào Nghị quyết.
Guồng máy của Ban Văn hóa Văn nghệ lại được tăng tốc. Mệt nhưng vui, tôi như thấy khỏe hẳn lên.
Vào tuổi 40 tôi được tham gia vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Vào tuổi 60 tôi được tham gia vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, sự nghiệp đã đưa dân tộc ta bước sang một bước ngoặt mới, đến hạnh phúc và ấm no. Hai mươi năm trước tôi là một vị tướng, là một nhà quân sự, một nhà chính trị còn hôm nay tôi vẫn là một chiến sĩ của Đảng nhưng là chiến sĩ trên mặt văn hóa, như lời Bác Hồ đã dạy. Qua gần mười năm bước vào lĩnh vực mới này, tôi càng thấy ý nghĩa sâu sắc lời dạy của Bác. Không phải chỉ nơi chiến trường bom đạn mới gay go, gian khổ, mới cần sự dũng cảm của người lính, mà ở lĩnh vực mới này, sự gian khổ gay go cũng không kém, mà xét về mặt nào đó còn phức tạp hơn nhiều, cần có bản lĩnh của người chiến sĩ.
Trong những năm tháng này, ngoài niềm hạnh phúc lớn phấn đấu cho sự nghiệp đổi mới của văn nghệ như trên tôi đã nói, tôi còn có được niềm hạnh phúc riêng là được làm việc với Nguyễn Văn Hạnh. Có thể nói cuộc đời đã ưu ái cho tôi những người bạn, người đồng chí tuyệt vời, hay như người ta nói: “ở hiền gặp lành”. Trong chiến tranh tôi có Lê Trọng Tấn như trên tôi đã nói, còn trong những ngày này tôi có Nguyễn Văn Hạnh, chưa nói đến tình cảm, tư tưởng hai đứa như đồng nhất là một, chỉ riêng công việc thôi, có thể nói nếu không có Nguyễn Văn Hạnh thì tôi không thể nào hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ để kịp Nghị quyết 05 ra đời vào tháng 11 năm 1987.
Sau Đại hội VI, tôi lại trở về làm Trưởng ban thì người đầu tiên tôi nghĩ đến là anh Hạnh. Tôi báo cáo với anh Linh và trao đổi với Nguyễn Đức Tâm xin anh Hạnh về. Lúc đầu anh Hạnh có phân vân. Công tác bên giáo dục tuy là tay trái, nhưng dù sao cũng đã ổn định, cũng đã cuối đời rồi. Trở lại văn nghệ không hiểu rồi sẽ ra sao ở các lĩnh vực có nhiều gai góc này. Về sau tôi nài mãi, thuyết phục mãi, cuối cùng vì nể tôi, Nguyễn Văn Hạnh đã nhận lời. Tôi mừng quá, thật như vớ được vàng. Khi nhận lời, Nguyễn Văn Hạnh tâm sự với tôi: “Thật ra văn hóa văn nghệ mới là sở trường của tôi, mới là tay phải của tôi, nhưng quả thật tôi rất ngại. Nhưng vì tôi quý anh, thích phong cách làm việc của anh và cuối cùng cái quan trọng nhất là anh và tôi cùng chung một quan điểm, cùng chung một tư tưởng mà cả hai đều tin rằng chúng ta đúng”. Cuối cùng anh Hạnh cười : “Về với anh cũng có nghĩa là xả thân vì sự nghiệp”.
Tôi chỉ mới quen anh Hạnh từ năm 1981, trong dịp cùng sang Liên Xô dự một lớp nghiên cứu về Văn hóa Văn nghệ. Tôi là Đoàn trưởng, còn anh Hạnh phụ trách Bí thư Chi bộ. Chính thu hoạch của lớp học này cũng là một tiền đề quan trọng của Nghị quyết 05.
*  *  *
Để chuẩn bị cho Nghị quyết 05, với cương vị là ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, tôi đã có nhiều buổi làm việc với Ban Bí thư Trung ương để phản ảnh những vấn đề mà chúng tôi đã “chưng cất” được qua hàng trăm ý kiến của anh chị em văn nghệ sĩ. Đồng thời, chúng tôi cũng nêu những chính kiến của mình và nói rõ đây là những vấn đề cốt lõi làm cơ sở cho dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị sắp tới.
Trước hết là nhận định tình hình văn nghệ hiện nay và sự đánh giá đội ngũ văn nghệ sĩ. Tâm trạng phổ biến của văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa là thấy mình vẫn hết lòng hết sức dùng văn nghệ làm vũ khí cách mạng sao cho có hiệu quả nhất vì lợi ích của cách mạng. Nhiều người với tâm hồn nghệ sĩ sâu sắc cảm thấy thật sự hiến thân cho sự nghiệp. Ngay ở một số người có nhiều tính toán thiệt hơn trong thu nhập, nhưng trong chiều sâu của tâm hồn có một cái gì rất thiết tha vì sự nghiệp. Đó là điểm đẹp, điểm sáng trong tâm hồn nghệ sĩ, chính vì vậy họ vẫn cảm thấy không được hiểu hết niềm tâm sự ấy và vẫn bị coi như mình ở trong một lĩnh vực bạc bẽo, một lĩnh vực thấp kém hơn các lĩnh vực khác. Trong khi họ thấy họ đang cố gắng sáng tạo ra những giá trị tinh thần có thể trở thành những tài sản quý giá cho dân tộc, cho lịch sử, họ thấy rõ ý nghĩa vẻ vang của công việc của họ. Nhưng hình như xã hội chưa chấp nhận điều đó, tâm lý của nhiều người trong xã hội (kể cả trong cán bộ lãnh đạo) đều thấy văn nghệ là một lĩnh vực phức tạp, đều thấy mặt tiêu cực, ý nghĩa xấu (pejoratif) của khái niệm phức tạp. Trong những câu chuyện thân tình bộc lộ suy nghĩ thực chất của một số người thường chỉ thấy văn nghệ là xỏ xiên, là nguy hiểm, coi văn nghệ sĩ hầu như là một lớp người phức tạp, mà không coi văn nghệ sĩ là những chiến sĩ của Đảng, của ta.
Có nhắc đến tâm trạng của văn nghệ sĩ thì thường cho là “biết rồi khổ lắm nói mãi”, là những “đòi hỏi tiểu tư sản” và vì vậy thì chả đáng quan tâm. Nhất là đa số cán bộ chính trị ít hiểu biết về đặc trưng đặc thù của văn nghệ sĩ, về hiệu quả tinh thần cao cả kỳ diệu của văn nghệ sĩ thì thấy hình như văn nghệ luôn luôn có thể phát huy tác dụng phá hoại. Tôi cho điều này không đúng với tinh thần chủ nghĩa Mác Lênin và trái với tinh thần nghị quyết của Đảng.
Từ đó, có vấn đề thời sự đặt ra là việc đánh giá tình hình văn nghệ thời gian vừa qua (và đi liền đó là đánh giá văn nghệ sĩ trên thực tế). Tôi nghĩ rằng: văn nghệ vừa qua nói chung là tốt và lành mạnh, có một số biểu hiện lệch lạc và không lành mạnh, nhưng những biểu hiện đó đã được phê phán và vẫn đang bị phê phán trong một khung cảnh đấu tranh gay gắt và lâu dài. Đã là đấu tranh lâu dài thì không thể một vài cuộc phê phán là xong ngay được. Còn phải đấu tranh bằng tác phẩm, bằng tiết mục, bằng lý luận phê bình và bằng nhiều phương pháp khác nữa. Vì vậy, tôi không tán thành cách đánh giá cho rằng tình hình văn nghệ vừa qua là “bất trị” là có cái gì như là chống đối dai dẳng, có cái gì như là hỗn loạn và cho là phải “lập lại trật tự trong văn nghệ”.
Từ đó thì nhìn đội ngũ văn nghệ sĩ không thấy hết tấm lòng của anh em, ý thức của anh em đã được rèn luyện hàng chục năm, mà chỉ thấy như là một đám người lăm le phá hoại, lăm le làm rối trật tự, lăm le chống đối. Họ buồn ở chỗ họ không được coi là những người lao động. Tất nhiên, trình độ nhận thức hiện thực của văn nghệ sĩ là chưa kịp với yêu cầu của cách mạng, nhưng thực trong bản thân văn nghệ sĩ cũng đang có những yêu cầu phát triển khác trước và anh em muốn vươn lên mà còn bối rối. Sự lãnh đạo và quản lý của các cơ quan Đảng và Nhà nước chưa giúp được văn nghệ sĩ vượt qua được sự bối rối đó. Không phải là một số anh em ngoan cố không chịu thông suốt mà chính vì những bối rối trong lòng anh em chưa được tháo gỡ, sự phê phán, sự uốn nắn của ta chưa đạt được tính thuyết phục cao, chưa thuyết phục được hoàn toàn anh em.
Đặc biệt phải quan tâm thấy tình hình phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ, số văn nghệ sĩ do Đảng đào tạo rèn luyện hiện nay chiếm đa số tuyệt đối. Số anh em trước cách mạng Tháng Tám đã được rèn luyện thử thách đủ cho ta tin cậy.
Đây là điểm hết sức quan trọng cần làm rõ. Chính điều này là tư tưởng chỉ đạo cho việc định ra các chính sách và thái độ đối với văn nghệ.
Chính văn nghệ sĩ có kêu ca phàn nàn nhiều về đời sống và điều kiện làm việc, nhưng điều họ quan tâm hơn cả và họ mong chờ sâu sắc hơn cả là chính sách tinh thần và thái độ tinh thần của Đảng đối với họ và với sự lao động của họ.
Vấn đề thứ hai là đánh giá về sự lãnh đạo của Đảng về văn nghệ và một số đề xuất phương hướng sắp tới cần phải như thế nào.
Phải xác định quan điểm về mục đích và yêu cầu của sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa văn nghệ. Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm cho văn nghệ phát triển, phục vụ lợi ích của cách mạng, của nhân dân, và đồng thời phải bảo đảm cho văn nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo các điều kiện thuận lợi về vật chất và về tinh thần cho sự phát triển đó.
Đảng đã nói “khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo”, như vậy tăng cường và cải tiến không chỉ là chỗ “không buông lỏng mà phải nắm chặt hơn” với ý nghĩa là phải kiểm soát chặt hơn, kỹ hơn.
Lãnh đạo văn nghệ muốn nó phát triển mạnh mẽ, phải có sự khoan dung, độ lượng để khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo, phải nâng cao tính thuyết phục, làm cho văn nghệ sĩ hiểu thấu hiện thực cách mạng, hiểu thấu đường lối chủ trương của Đảng.
Nắm chặt, không phải là “bịt miệng”, không phải là cấm đoán, tất nhiên ta phải có sự kiểm soát cần thiết. Nhưng nắm chặt là phải nâng cao trình độ lãnh đạo có thái độ đúng, đầy tính thuyết phục để thu hút tất cả văn nghệ sĩ chung quanh đường lối của Đảng. Muốn thế phải nâng cao trình độ hiểu biết của cơ quan lãnh đạo và quản lý. Những người và cơ quan lãnh đạo phải là niềm tin tưởng của văn nghệ sĩ, phải là nơi người ta đặt lòng yêu mến mong đợi, không phải là nơi để người ta sợ, người ta tránh.
Trong cuộc đấu tranh gay gắt giữa ta và địch, ở mỗi mặt trận khác nhau, phương thức đấu tranh diễn ra một cách khác nhau. Ở quân sự là tấn công, phòng ngự, tiêu diệt địch. Ở kinh tế, là phải kết hợp cả các biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế, phải có sự ganh đua về kinh tế.
Trên mặt trận văn hóa tư tưởng cũng có biện pháp hành chính, dùng luật pháp để ngăn cấm và thủ tiêu các loại văn hóa tư tưởng phản động. Nhưng phương thức chủ yếu có tính chất quyết định phải là phương thức ganh đua có tính thuyết phục. Phải thu phục được cả về trí tuệ và tình cảm các tầng lớp trí thức một cách sâu sắc, làm họ trở thành những chiến sĩ thực sự trên mặt trận này, kể cả những người là đảng viên và những người ngoài Đảng.
Nếu không có chính sách và thái độ đúng đắn để thu phục được họ, mà chỉ có đe nẹt, cấm đoán và ngăn chặn thì không thể có thắng lợi được. Một điểm thuận lợi cơ bản là các lớp trí thức của ta đều rất yêu nước, họ có thể có lúc bị mơ hồ về chính trị ở mặt này mặt khác, nhưng ta có thể tin cậy lớn vào lòng yêu nước thực sự của họ, từ lòng yêu nước đó họ sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Đảng và họ cũng tin Đảng ta là Đảng có tinh thần yêu nước cao nhất, thật nhất.
Họ có nhiều băn khoăn, nhưng điều băn khoăn lớn nhất và cơ bản nhất là họ muốn làm được cái gì có thể có ích cho dân tộc, cho xã hội, ta phải khích lệ mạnh mẽ mặt tích cực ấy của họ. Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận này, kẻ địch xảo quyệt và có nhiều kinh nghiệm. Biết rõ được tâm lý của trí thức, biết được chỗ yếu của trí thức là dễ giao động và mơ hồ, chúng thường khoét sâu vào những lý tưởng nhân đạo chung chung, vào tự do dân chủ, vào vấn đề nhân cách và tài năng. Chúng thường xoáy vào chỗ cộng sản là khô khan, là kỷ luật sắt, bóp nghẹt mọi sáng tạo của trí thức, làm tổn thương đến tinh thần tự do sáng tạo và nhân cách của trí thức.
Chính vì vậy, Đảng ta phải là Đảng vô địch về tự do dân chủ, về sự tôn trọng nhân cách và tài năng mọi người. Không nên để kẻ địch các loại tranh lấy những ngọn cờ về tự do, dân chủ, tôn trọng nhân cách và tài năng. Điều này không thể chỉ biểu hiện bằng những lời nói tốt đẹp trong những dịp long trọng, và những cử chỉ tốt đẹp trong những trường hợp đột xuất. Nó phải được thể hiện bằng một chính sách tốt đẹp được đảm bảo bằng một cơ chế làm việc thích hợp để thực hiện sự lãnh đạo và quản lý.
Phải nói thực rằng tình hình thực tế hiện nay là ý thức và tác phong lãnh đạo, phong cách làm việc của ta chưa biểu hiện được điều này. Và tình hình này đang tác động tiêu cực tới nhiệt tình của văn nghệ sĩ và của cả giới trí thức nói chung. Cần phải xem xét thực chất của vấn đề để giải quyết cho thật chính xác. Không nên quá coi thường ý thức chính trị, ý thức trách nhiệm của văn nghệ sĩ và trí thức. Đối với văn nghệ sĩ mà ta không thu phục được tâm hồn họ, chỉ dựa vào biện pháp tổ chức và hành chính thì hiệu quả chỉ có hại. Lãnh đạo văn nghệ về cơ bản phải là một sự thuyết phục có chất lượng cao và một sự giúp đỡ có hiệu quả (nhất là về mặt tinh thần) không phải chỉ có “dạy dỗ”, “răn đe”, “uốn nắn”. Muốn thuyết phục được phải có sự hiểu biết sâu sắc, phải biết nghe nhiều ý kiến và phải biết chấp nhận và đồng ý với những ý kiến có cơ sở của họ.
Nói cách khác, lãnh đạo văn nghệ phải có thái độ cởi mở. “Cởi mở khác với buông lỏng” và không thể xem tất cả cử chỉ thái độ cởi mở đối với văn nghệ sĩ đều là buông lỏng. Chỉ có “cởi mở” mới “nắm chặt” được mặt trận văn nghệ, mới làm cho các văn nghệ sĩ thật sự hào hứng và hăng hái với các mục tiêu của Đảng. Nếu “nắm chặt” chỉ bằng cách dạy dỗ răn đe, uốn nắn thì thực ra lại là “buông lỏng” mặt trận văn nghệ. Vì người ta sẽ quay mặt đi.
Qua thực tế tình hình cụ thể trong nước và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, tôi nêu ý kiến cần phải có những chính sách, thể chế, cụ thể hóa tinh thần chính sách đó và nhất là phải “nâng cao năng lực, kiến thức và bản lĩnh lãnh đạo”.
Nói chung, các anh chăm chú lắng nghe ý kiến của tôi. Cuối cùng, các anh yêu cầu về soạn thảo thành một văn bản hẳn hoi, coi như một báo cáo của Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương về thực trạng nền Văn hóa Văn nghệ hiện nay và những đề xuất đổi mới hòa nhịp với sự nghiệp đổi mới chung của đất nước theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.
Trong quá trình chuẩn bị Nghị quyết 05, chúng tôi được anh Đỗ Mười, lúc bấy giờ là Thường trực Ban bí thư hết sức ủng hộ. Sau Đại hội VI, anh Trường Chinh được cử làm Cố vấn và vẫn rất quan tâm đến Văn hóa Văn nghệ, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm anh vừa để báo cáo với anh tình hình Văn hóa Văn nghệ vừa tranh thủ xin ý kiến của anh về phương hướng công tác sắp tới. Anh tỏ ra rất vui khi được biết tình hình Văn hóa Văn nghệ đang có những khởi sắc mới.

Ảnh: Khi tâm tình trong một chiều hồ Tây.
Nhớ một hôm, anh nhắn tôi lên chơi thăm anh ở Hồ Tây, trong câu chuyện, tôi có nhắc đến những bài phát biểu của anh trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, rất được mọi người tán thưởng. Đi dạo một đoạn quanh hồ, anh dừng lại, kéo tay ngồi xuống ghế đá, tiếp tục nói theo dòng tư tưởng: “Lấy dân làm gốc” chính là tư tưởng của Bác Hồ, quán xuyến trong toàn bộ lời nói việc làm của Bác Hồ và đã trở thành một chân lý vĩnh cửu rồi. Xa hơn nữa, đây chính là tư tưởng của Mạnh Tử, được Bác Hồ tiếp thu, phát biểu trong những hoàn cảnh thích hợp để giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên ta”.
Được vinh dự làm người giúp việc anh Trường Chinh từ hơn 40 năm trước, hơn ai hết, tôi hiểu anh là một lãnh tụ của cách mạng Việt Nam với trí thức uyên bác nhiều mặt, có nhân cách lớn. Nói đến đổi mới ở Việt Nam phải kể đến công đầu là anh, với khẩu hiệu đã đi vào lịch sử: “Đổi mới hay là chết”. Chính nhờ tư tưởng đổi mới của anh mà Văn hóa Văn nghệ Việt Nam cũng đang trên đà đổi mới. Không có Nghị quyết Đại hội VI thì không có Nghị quyết 05.
Giữa tháng 9 năm 1987, sau khi làm xong nhiệm vụ lắng nghe, sàng lọc và “chưng cất” những ý kiến các anh chị em ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi và Nguyễn Văn Hạnh bay ra Hà Nội, mang theo 2 văn kiện đã được đánh máy sạch sẽ.
Ngay tối hôm đó, tôi đến thăm và làm việc với anh Nguyễn Văn Linh, báo cáo với các anh tình hình chuẩn bị các mặt cho hội nghị Bộ Chính trị về Văn hóa Văn nghệ. Anh Linh tỏ ra rất vui khi nghe tôi báo cáo về các cuộc hội thảo trong Nam, ngoài Bắc, đóng góp nhiệt tình của anh chị em văn nghệ sĩ. Không kể những buổi trao đổi nhỏ của từng ngành, từng bộ phận, tính ra có đến hàng chục cuộc hội thảo chính thức, có hình thức tổ chức khá quy mô. Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa và văn nghệ sĩ tiêu biểu, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhiều đồng chí làm công tác quản lý chủ chốt trong các ngành, nhiều người làm công tác nghiên cứu lý luận, phê bình giảng dạy có uy tín và nhiều kinh nghiệm, đã hào hứng tham dự và phát biểu trong các cuộc hội thảo...
Một số người không có điều kiện tham dự hội thảo đã viết ý kiến gửi đến Ban Văn hóa Văn nghệ, hoặc gặp các đồng chí có trách nhiệm để phát biểu : Thấm nhuần tinh thần Nghị quyết Đại hội VI, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, anh chị em đã mạnh dạn thẳng thắn phát biểu những suy nghĩ rất trung thực, xây dựng và tâm huyết. Các chuyên viên của Ban Văn hóa Văn nghệ đã tập trung sức lực làm việc ngày đêm chuẩn bị cho bản dự thảo Nghị quyết. Sau khi có dự thảo Nghị quyết, Ban lại tổ chức trình bày trong một số đồng chí có trách nhiệm quản lý, một số nhà văn hóa và văn nghệ sĩ để các đồng chí đóng góp cho bản dự thảo. Sau đó lại thảo luận, rà soát, sửa sang.
Nghe tôi báo cáo, anh Linh tỏ ý hài lòng về phong cách làm việc đó của Ban Văn hóa Văn nghệ, rồi cuối cùng anh nói một câu làm tôi hết sức vui mừng:
- Anh về nghiên cứu tổ chức cho tôi một cuộc gặp mặt các tầng lớp văn nghệ sĩ, để tôi có điều kiện trực tiếp nghe tiếng nói của anh em. Sau đó ta sẽ bàn các bước tiếp theo. Anh thấy có nên không ?
Được lời như cởi tấm lòng, tôi nói với anh Linh:
- Được như thế thì tốt quá anh ạ! Đây cũng là mong muốn của nhiều người. Có đồng chí sau khi phát biểu ở các cuộc hội thảo xong đều có vẻ băn khoăn là không hiểu những suy nghĩ của mình có đến được tai lãnh đạo không? Có đến được tai Tổng Bí thư không?
Anh Linh nói:
- Thế thì Ban Văn hóa Văn nghệ khẩn trương về làm kế hoạch đi, còn bên này tôi sẽ báo cho Ban Bí thư và Văn phòng chuẩn bị.
Tin vui đồng chí Tổng Bí thư sẽ trực tiếp gặp mặt đối thoại với các văn nghệ sĩ như một luồng gió mát thổi từ Nam chí Bắc làm phong trào văn hóa văn nghệ sau Đại hội VI đang sôi nổi, càng thêm náo nức, có thể dùng một câu ví văn hoa là như diều gặp gió. Kể từ đây trung tâm của phong trào lại hướng về cuộc gặp mặt này. Tuy chưa diễn ra, nhưng tôi dự đoán, cuộc gặp sẽ là một sự kiện lịch sử: Một là, từ trước tới nay chưa từng bao giờ có một cuộc gặp như thế. Hai là, cuộc gặp có mục đích là trực tiếp chuẩn bị Nghị quyết 05, cũng sẽ là nghị quyết lịch sử chưa từng bao giờ có. Một Nghị quyết chuyên đề về Văn hóa Văn nghệ của Bộ Chính trị.
Lại thêm một niềm vui nữa đến với tôi.
Thực ra, ý định tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư và các văn nghệ sĩ chúng tôi cũng đã có nghĩ đến. Một số anh chị em văn nghệ sĩ đã có lần rỉ rả tôi cần tận dụng lợi thế quen biết anh Linh để yêu cầu anh về cuộc gặp. Nhưng tôi phân vân là liệu có được chấp thuận không? Tính tôi luôn luôn biết tự kìm chế, lượng sức mình không muốn làm cái gì thái quá, nhất là đối với cấp trên. Nhưng trước sự thôi thúc của nhiều người, tôi và anh Hạnh bàn nhau cứ mạnh dạn đề xuất xem sao. Và một trong những nội dung làm việc với anh Linh lần này có vấn đề đó. Nhưng may sao, tôi đang định chọn thời cơ, lựa lời đặt vấn đề, thì chính anh Linh lại nói trước. Tôi cho đây là một sự kỳ diệu. Một sự gặp gỡ giữa lãnh đạo và quần chúng, giữa cấp trên và cấp dưới. Và tôi nghĩ, nếu như trong xã hội ta, trong Đảng ta, luôn luôn là sự gặp nhau như thế này thì mọi điều sẽ tốt đẹp biết bao.
Đêm đó, ở chỗ anh Nguyễn Văn Linh ra về, tôi đến thẳng nhà Nguyễn Văn Hạnh báo tin vui. Bởi vì một tin vui như thế này không thể không có người chia sẻ và người đó không ai khác phải là Nguyễn Văn Hạnh. Niềm vui của Nguyễn Văn Hạnh cũng chẳng kém gì tôi. Bởi đây chính là điều mà hai chúng tôi đã từng bàn với nhau trong lớp nghiên cứu ở Liên Xô năm 1981.
Thấy rõ giá trị của những bài giảng, tôi bàn với Nguyễn Văn Hạnh, Bí thư chi bộ lớp học, phải tổ chức phân công nhau ghi chép thật đầy đủ để có tài liệu về truyền đạt lại cho các đồng chí ở nhà. Những bài giảng về đặc trưng của Văn nghệ, trong đó nêu rõ một quan điểm rất hay về tài năng mà tôi còn tâm đắc mãi cho đến hôm nay. “Tài năng là của hiếm, tài năng là của chung mọi người. Vì là của hiếm, nên phải trân trọng nó. Vì là của chung mọi người, chứ không phải của riêng ai nên phải quan tâm giải quyết cho tốt mối quan hệ giữa tài năng với nhân dân”. Hoặc, quan điểm về đánh giá một tác phẩm nghệ thuật không thể tùy tiện do một cá nhân nào, dù cá nhân đó là người có quyền cao nhất. Chỉ có hai yếu tố quyết định hàng đầu để đánh giá một tác phẩm đó là công chúng và thời gian.
Cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, với các văn nghệ sĩ trong hai ngày 6 và 7 tháng mười là một cuộc gặp gỡ lý thú. Có thể nói, đây là một cuộc gặp có tính chất lịch sử. Cuộc gặp được tổ chức theo chính sáng kiến của Tổng Bí thư.
Mặc dầu vì điều kiện xa xôi, các anh chị ở miền Nam không ra dự được nhiều song trong một chừng mực nhất định, có thể nói là quây quần trong cuộc trò chuyện thân mật mà nghiêm trang với người lãnh đạo cao nhất của Đảng hôm nay, là một phần tinh hoa giới trí thức văn hóa nghệ thuật của đất nước,... những tên tuổi gắn liền với những công trình sáng tạo văn hóa, nghệ thuật và khoa học đã đành. Những tên tuổi ấy cũng gắn liền với những tìm tòi, trăn trở trong nhiều năm qua về những vấn đề lớn, nóng bỏng của đất nước, của xã hội, của thời đại. Vâng, không phải chỉ của nghệ thuật. Bởi suy cho cùng, những trăn trở sâu xa nhất về nghệ thuật bao giờ cũng bắt nguồn từ những suy tư về xã hội, về dân tộc và thời đại. Và cuối cùng, cũng lại để hướng về đó. Chính vì thế mà cuộc đối thoại hôm nay giữa đồng chí Tổng Bí thư của Đảng và các văn nghệ sĩ của Đảng về những vấn đề cấp thiết của văn hóa nghệ thuật, lại mang đậm những biến đổi rộng lớn đang diễn ra trong xã hội, những biến đổi mà sự khởi đầu được đánh dấu bằng Đại hội lần thứ 27 Đảng Cộng sản Liên Xô và Đại hội lần VI Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc đối thoại hôm nay là nằm trong và là một bộ phận của tiến trình rộng lớn đó.
Có một con số có lẽ cũng rất đáng chú ý: Hai ngày làm việc, tổng cộng khoảng 15 tiếng đồng hồ, thì sau vài lời giới thiệu của Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ nói mấy lời mở đầu trong chừng 5 phút và trước khi kết thúc cuộc họp, đồng chí phát biểu trong đúng 50 phút. Còn thì, suốt hai ngày, đồng chí Tổng Bí thư chăm chú lắng nghe ý kiến của anh chị em.
Lời mở đầu của đồng chí Tổng Bí thư là một câu hỏi nhìn ngay thẳng vào sự thật. Đồng chí nói : “Tôi có một băn khoăn : Hình như từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay, những thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo hơn trước, không biết có đúng thế không ? Nếu không đúng như thế, thì tôi mừng. Còn nếu đúng như thế thì tại sao ? Hay do lãnh đạo có sự kiểm duyệt, sự hạn chế gì? Nếu có tình hình ấy, tôi đề nghị có thể đó là chủ đề để chúng ta trao đổi. Tôi mong được nghe ý kiến của các đồng chí,...”
Không khí cuộc gặp là đặc biệt chân thành, cởi mở và tâm huyết. Mỗi người phát biểu đều như muốn dốc hết bầu tâm sự với đồng chí Tổng bí thư, với biết bao điều day dứt từ lâu muốn bày tỏ mà chưa biết bày tỏ cùng ai. Thực ra cũng đã có nói nơi này nơi khác, nhưng nói chỉ để mà nói chứ có ai nghe đâu, hoặc nghe để mà nghe chứ với cơ chế cũ thì liệu có làm được gì.
Còn trong cuộc gặp này, tiếng nói của họ được đồng chí Tổng Bí thư nghe chăm chú hầu như không bỏ sót một ý nào. Có thể, đây là lần đầu tiên giới văn hóa nghệ thuật cảm thấy tiếng nói của mình được Đảng đánh giá cao và tiếp nhận một cách trân trọng. Do đó, khi đồng chí Tổng Bí thư phát biểu kết thúc cuộc gặp, đã nói lên đầy đủ những điều then chốt và bản chất nhất làm cho anh chị em hết sức xúc động.
Cuộc gặp giữa đồng chí Tổng Bí thư với anh chị em văn nghệ sĩ và một số nhà hoạt động văn hóa có thể nói là đỉnh cao của một phong trào sôi nổi của giới văn hóa nghệ thuật kéo dài gần một năm trời nhằm góp ý với Đảng về công cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã lắng nghe và thấu hiểu những vấn đề căn bản nhất, nóng bỏng nhất của tình hình văn nghệ nước nhà. Trực tiếp nghe tiếng nói tâm huyết của anh chị em, đồng chí Tổng Bí thư càng thấy rõ cần phải nhanh chóng triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị để có nghị quyết càng sớm càng tốt. Đây chính là đòi hỏi của cuộc sống.
Chỉ 10 ngày sau cuộc gặp của Tổng Bí thư, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VI đã họp để thông qua dự thảo Nghị quyết về Văn hóa Văn nghệ. Dự họp ngoài các thành viên Bộ Chính trị, cả ba đồng chí cố vấn Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ đều có mặt đầy đủ. Trước đó, chúng tôi đã gửi toàn văn bản dự thảo Nghị quyết đến từng đồng chí. Điều không ngờ là Nghị quyết được thông qua rất nhanh, hầu như không có tranh luận gì. Có lẽ vì nó đã quá chín muồi, không thể để chậm hơn nữa. Hai là, vì công tác chuẩn bị được tiến hành kỹ càng, chu đáo, có tiếng vang gần suốt nửa năm trời. Cơ quan của Đảng, từ Văn phòng, Tổ chức, Tuyên huấn đến Ban Bí thư đều ít nhiều có tham gia vào sự kiện này, một sự kiện mà vào giai đoạn cuối, đích danh Tổng Bí thư đứng ra điều hành, chỉ đạo.
Nghị quyết đã được nhất trí hoàn toàn. Có lẽ đây là một trong những hạnh phúc lớn nhất của đời tôi.
* * *
Sau hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đã từng bị tra tấn dã man trong nhà tù đế quốc, từng cầm súng chiến đấu trên khắp các chiến trường, lắm phen vào sinh ra tử, tôi trở về đời thường một cách bình thường.
Hiện tại cuộc sống của tôi hoàn toàn dựa vào đồng lương hưu. Tôi chỉ có một nỗi ân hận là không lo cho vợ con được nhiều về cuộc sống. Các con tôi đứa nào cũng phải tự bươn chải trong cuộc sống, kể cả khi tôi còn tại chức.
Tôi bắt đầu nghĩ đến việc phải chăm lo cho cuộc sống của một người già bình thường, một ông già nghèo nhưng vẫn ham thích quan tâm đến văn hóa nghệ thuật.
Tôi thấy tôi không thể nào chống những lý tưởng cao đẹp của Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng tôi sẽ phải phê phán và chống lại sự làm ô nhiễm lý tưởng cộng sản, chống lại những kẻ xấu xa đang ở trong Đảng. Những kẻ luôn miệng rao giảng đạo đức nhưng thực chất lại là những kẻ tha hóa đạo đức nhất. Tôi sẽ phải chống lại những kẻ làm ngược lý tưởng cộng sản, sẽ phải chống lại những kẻ làm cho nhân dân mất lòng tin vào Đảng Cộng sản. Suốt đời tôi yêu tha thiết Đảng thân yêu của mình, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, với biết bao đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng ngã xuống, vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì lý tưởng đẹp đẽ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

        (Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét