Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

Nữ liên lạc của Xứ ủy Bắc Kỳ

Phan Quế
 
          Mùa thu năm 1995, ở một huyện ngoại thành Hà Nội có một câu chuyện vừa cảm động vừa ý nghĩa. 


       
        Trong nhiều hoạt động chào mừng ngày đất nước tròn 50 tuổi có một cuộc họp mặt truyền thống long trọng. Khách từ Trung ương xuống, khách dưới cơ sở lên. Có đủ gương mặt già, trẻ, gái, trai… nhiều thế hệ đánh giặc giữ nước ngồi chung trong một hội trường lớn. Sau lễ chào cờ nghiêm trang, ban tổ chức buổi họp mặt đã trân trọng giới thiệu những đại biểu theo thứ tự chức vụ… Ban Tổ chức chưa nói được mấy lời đã bị ngắt câu. Một đồng chí cao cấp ở Trung ương về dự đã trân trọng giới thiệu giúp huyện một người phụ nữ bình dị, tuổi ngoài bẩy mươi, lưng còng nhưng đã có tới bẩy thâm niên lão thành cách mạng, từng tham gia lãnh đạo đội quân đánh Nhật, đánh bọn tay sai phong kiến trong ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 – 1945 ở huyện. Bà là Nguyễn Thị Phúc Hằng.


Ảnh: Lễ trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng năm 2011.
  
 Bà Phúc Hằng là quê miền Kinh Bắc – con gái đất Liễu Khê – Song Liễu – Thuận Thành. Thuở mới lớn, nhà nghèo bà đi ở rồi đi làm thuê cho thiên hạ. Năm 1938, bà tham gia Phụ nữ phản đế ở quê. Người giác ngộ cho bà lúc ấy là nhà báo Nguyễn Thành Diên. Năm 1939 do làng quê bị vây ráp, khám xét nhiều, bà được tổ chức cho đi thoát ly. Bà làm liên lạc ở địa bàn Bắc Giang, rồi sau đó được điều về Vạn Phúc (Hà Đông). Hồi ấy, Vạn Phúc có thể coi là trụ sở chính của xứ ủy. Lúc ấy bà Phúc Hằng còn rất trẻ. Hào hng và nhiệt huyết, người nữ liên lạc từng đi bộ mỗi giờ tới 6 km hoặc 7 km từ Hà Đông về Hà Nam. Đi nhanh và về nhanh. An toàn – bí mật… Tài liệu, thư từ, sách báo được bà ngụy trang trong các gánh hàng, tay đẫy. Ông Hoàng Văn Thụ hoạt động bí mật ở Vạn Phúc. Ông Trần Tử Bình bị giặc Pháp quản thúc ở ga Bình Lục. Con thoi liên lạc giữa hai ông là bà Nguyễn Thị Phúc Hằng.

Năm 1940, ở ga Văn Điển có một quán cơm bình dân thường phục vụ ăn uống cho thợ thuyền. Bây giờ ta gọi là cơm bụi nhưng ngày ấy thường gọi là cơm đầu ghế, cơm thợ. Bà Phúc Hằng được điều từ Vạn Phúc ra đây. Anh Ba chủ hàng nhận bà là em gái ở quê ra. Lý do ra đây làm ăn của bà là vì chuyện tình duyên trắc trở ở nhà nên trốn xuống Văn Điển theo anh sinh sống.

Quán cơm Văn Điển nhiều người ra vào ăn uống. Có người còn nghỉ lại qua đêm. Khách cơm nước hàng ngày là chuyện bình thường. Quan trọng là những khách đặc biệt. Các ông là những nhà hoạt động cách mạng của Đảng, của đất nước. Ông Hoàng Văn Thụ, ông Trường Chinh, ông Hoàng Quốc Việt, ông Trần Quốc Hoàn, …

Bà Phúc Hằng có nhiều kỷ niệm về những ngày được làm liên lạc viên cho nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ. Ông Thụ và các ông lớn tuổi gọi bà là Bé con. Lúc ấy, ông Thụ có tên hoạt động là ông Thứ, ông Bảy… trong tài liệu viết ông Thụ hay hỏi Bé con về nghĩa của các chữ viết tắt. Ví dụ ĐD là gì (ĐD: Đông Dương!), CS là gì (CS: Cộng sản!). Ông Thụ tính hiền, lẳng lặng, người thanh mảnh, hay mặc áo đen khăn gõ, nói giọng miền ngược.

Năm 1940, giặc khủng bố gắt. Quán cơm Văn Điển bị lộ. Bà Phúc Hằng theo ông Trần Quốc Hoàn vừa rút buổi sáng thì đêm đó giặc ập vào. Cô bán hàng cơm lại được điều về số 2 Hàng Nón giúp việc cho cơ quan báo của Đảng hồi ấy do ông Lưu Quyên phụ trách. Thời kỳ đó Pháp có chuyến tầu quân sự chở lính khố đỏ Bắc Kỳ vào Nam đàn áp phong trào khởi nghĩa Nam Kỳ. Bà Phúc Hằng tham gia rải truyền đơn phản đối. Giặc phát hiện đuổi bắt. Sau đó bà sa vào tay mật thám Pháp. Bà chỉ một mực khai là con sen đi ở… Giặc đâu tin. Nhiều cực hình tra tấn không làm bà khuất phục. Tòa án binh quân đội Pháp xử tù bà với án năm năm khổ sai, năm năm biệt xứ. Ở trong nhà lao Hỏa Lò, nơi giam giữ tù nhân nữ là những ký ức đau thương và bất khuất. Ở đây tình chị em, tình đồng chí đằm thắm hơn bao giờ hết. Bà Nguyễn Thị Quang Thái, bà Tạ Thị Câu bị giặc đày đọa đã hy sinh ở trong tù. Trong tù chật chội, nữ tù nhân ở theo kiểu xếp cá mè, chị em phải thay phiên nhau để nằm và thở hít khí trời. Cảnh ngục này kéo dài mãi cho tới ngày Nhật đảo chính Pháp.

Ra tù bà Phúc Hằng lại tiếp tục theo Đảng đi hoạt động!
          
(Trích Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, Nxb Phụ Nữ, 2013)

2 nhận xét:

  1. Chuyện có nhắc tới ông Hoàng Văn Thụ, ông Trần Tử Bình ngày xưa.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa