Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Buồn vui chiến trường


Sau chiến dịch Tây Bắc và Thượng Lào là chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều người, trong đó có tôi, đã nói và viết nhiều về chiến dịch lịch sử này. Ở đây tôi muốn kể lại một số chi tiết trong chuyện bắt Đờ Cát-tơ-ri.

Chiều hôm 7 tháng 5, đang theo dõi diễn biến trận đánh thì được tin là một số đơn vị của chúng tôi đã vượt qua sông Nậm Rốm vào đến sở chỉ huy của địch rồi. Lát sau, trung đoàn báo cáo lên E 209 bắt sống được Đờ Cát-tơ-ri. Nhận thấy tin này rất quan trọng, tôi và anh Tấn năm lần bảy lượt điện xuống chỗ anh Hoàng Cầm kiểm tra đi kiểm tra lại xem có thật không. Anh Hoàng Cầm trả lời: “Bắt được rồi, đúng rồi ”. Đúng lúc anh Văn ở Bộ tư lệnh gọi điện hỏi chúng tôi tin đó thế nào? Anh Văn còn nói thêm: “Anh Độ và anh Tấn chịu trách nhiệm về tin này nhé! Phải lập tức kiểm tra kỹ lại xem có thật đúng mới được báo cáo. Chớ có báo cáo láo! Bộ tổng tư lệnh sẽ phái người mang ảnh Đờ Cát-tơ-ri xuống và các anh so ảnh xem đã chính xác chưa, hay đã bắt nhầm!”. Nhận được lệnh này, chúng tôi lập tức gọi lại anh Hoàng Cầm thuật tỉ mỉ, thì nghe trả lời một cách rất hể hả: “Nó đang đi trước mặt tôi đây! Tôi cho anh em giải lên chỗ các anh đấy!”. Chúng tôi mừng quá gọi dây nói cho anh Văn. Bấy giờ anh Văn mới yên tâm, yên trí tin đó là đúng sự thật. Đờ Cát-tơ-ri tới chỗ chúng tôi, đầu đội mũ nồi, lon gù vẫn mang đủ. Lão được mời ngồi cùng với chúng tôi, các cán bộ địch vận đứng vây quanh. Ông Tấn hỏi Đờ Cát-tơ-ri tại Điện Biên phủ các anh có bao nhiêu quân, bao nhiêu pháo, bao nhiêu xe tăng? Nó trả lời: “Đứng về tư cách một sĩ quan trong quân đội thì tôi không có quyền nói những điều ấy với các ngài”. Ông Tấn bảo: “Các anh không nói thì chúng tôi cũng biết hết”. Nó bảo: “Tôi tin các ông có biết cả, vậy ông hỏi làm gì nữa?”. Ông Tấn quay sang đề tài khác: “Anh là một tướng quân. Tôi chỉ huy một sư đoàn. Bây giờ chúng ta kết thúc đánh nhau rồi, ngồi đây tôi muốn anh phát biểu cảm tưởng của anh đối với mặt trận như thế nào?”. Đờ Cát-tơ-ri lộ vẻ hào hứng nói: “Vâng, nếu câu chuyện như thế thì tôi rất vui được tiếp chuyện các ông”. Nó khen bộ đội Việt Nam dũng cảm, bố trí pháo binh khéo... Sau cùng nó hỏi: “Tôi xin hỏi các ông một câu hơi tò mò nhưng mong các ông đừng chấp, là lính các ông trước khi ra trận uống rượu phải không? Các ông cho họ uống rượu ư?”. Tôi liền hỏi lại: “Căn cứ vào đâu mà ông hỏi như vậy?”. Nó nói: “Tôi hỏi như vậy là vì khi lính các ông xông vào chỗ tôi mặt mũi người nào cũng đỏ bừng trông ghê lắm! Tôi nghĩ là họ uống rượu nên mới hăng như thế. Có phải thế không?”. Tôi đáp: “Thế thì ông nhầm! Ông không hiểu chúng tôi rồi. Chiến sĩ chúng tôi đi chiến đấu không bao giờ phải dùng rượu để nâng lòng dũng cảm cả. Mỗi người chúng tôi đều mang lòng yêu nước cao độ. Chúng tôi căm thù quân xâm lược các ông. Chính vì lòng căm thù đó mà chúng tôi chiến đấu dũng cảm. Điều mà ông nhận xét chính là sự biểu lộ của lòng căm thù và tinh thần chiến đấu của họ”. Lời tôi nói nghe rất sách vở, nhưng rất thực. Là sự thật một trăm phần trăm, chẳng qua là có nhiều người nói và viết về điều đó mà nó thành sách vở thôi. Về sau Đờ Cát-tơ-ri nói: “Thôi, gặp được các ông ở đây tôi cũng yên tâm là tôi được làm tù binh của các ông. Tôi cũng thấy làm vinh dự được làm tù binh của một quân đội như quân đội Việt Nam. Bây giờ vào trại tù binh chúng tôi có một yêu cầu mong các ông chấp nhận...”. Thấy Đờ Cát-tơ-ri ngập ngừng, tôi nói: “Ông yêu cầu gì thì cứ nói”. Nó bảo: “Tôi có một người cần vụ giúp tôi trong các sinh hoạt hàng ngày và giữ những đồ dùng cá nhân của tôi. Tôi đề nghị khi vào trại các ông cho phép tôi vẫn được sử dụng người cần vụ này vào nhiệm vụ phục vụ tôi. Được như thế tôi xin cảm ơn ông”. Chúng tôi trả lời: “Điều đó không chấp nhận được vì ông đã là tù binh. Vào trại chỉ có sự bình đẳng chứ không có chế độ phục vụ và hầu hạ như khi ông đang đương chức ở trong quân đội của ông. Ông cần phải chấp hành quy tắc trong trại. Còn sinh hoạt của các ông sẽ được bảo đảm. Chúng tôi bảo đảm về vệ sinh, bệnh tật, thuốc men, sức khỏe”. Nghe vậy nó cám ơn và chấp nhận lên đường đi tới trại giam. Việc bắt Đờ Cát-tơ-ri diễn như vậy. Có anh em đã mô tả tôi với anh Tấn gặp nó ra làm sao? Hỏi cung những gì... Có chi tiết chưa thật chính xác, chẳng có nói năng gì to tác rườm rà. Anh Tấn hỏi, Đờ Cát-tơ-ri đáp. Sau cùng anh Tấn và lão ta có trao đổi về trận đánh. Tôi rất nhớ câu Đờ Cát-tơ-ri nói: “Tôi rất hân hạnh được làm tù binh của một quân đội như quân đội Việt Nam!”.
Sau chiến dịch Điện Biện Phủ, sư đoàn chúng tôi được nhận vĩnh viễn lá cờ thi đua luân lưu “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch. Vào chiến dịch Điện Biên, Bác công bố tặng một lá cờ và đơn vị nào lập nhiều chiến công nhất thì sẽ được giữ lá cờ đó. Sư đoàn 312 đã mở đầu chiến dịch Him Lam lại kết thúc bằng chiến công bắt được Đờ Cát-tơ-ri. Trong quá trình chiến dịch đã từng đánh nhiều trận ác liệt. Dù có cả 308 và 316 cùng đánh nhưng sư đoàn 312 đánh nhiều hơn cả. Vì vậy bộ chỉ huy quyết định giao lá cờ cho sư đoàn 312. Lễ giao cờ được tổ chức ngay tại chỉ huy sở chiến dịch. Những sự kiện lịch sử đã trôi qua, những kỷ niệm lịch sử thì cứ theo người ta. Dần dần nó được huyền thoại hoá, càng về sau thì những câu chuyện càng đượm màu huyền thoại. Về chuyện lá cờ quyết chiến quyết thắng cũng vậy, cũng dần dần huyền thoại hoá.


 Gần đây tôi có dịp gặp lại một chiến sĩ thi đua toàn quân toàn quốc đã từng tham gia trận đánh đồi Độc Lập. Tiểu đội của ông thuộc trung đoàn 165. Trận đồi Độc Lập này do trung đoàn 88 của sư 308 đánh phối hợp với trung đoàn 165 của sư chúng tôi. Hai bên cùng mở đột phá khẩu tuy chủ công là 88. Trung đoàn của chúng tôi có một tiểu đội gọi là tiểu đội tiêm dao - dao nhọn - đi sâu thọc vào lòng địch. Tiểu đội trưởng là anh Trần Văn Doãn, tiểu đội phó là anh Nguyễn Văn Cấc, chiến sĩ xung kích trong tiểu đội. Trong trận đánh người cầm cờ này bị, lại có ngay người kia xông lên giương cao cờ xung phong. Cuối cùng anh Cấc đã mang lá cờ cắm lên trọng điểm của đồi Độc Lập. Sau đó, tôi có mời anh Cấc mang lá cờ lên sở chỉ huy sư đoàn kể lại chiến công và chỉ cho chúng tôi xem các vết tích chiến đấu còn lưu lại trên lá cờ. Tôi đã viết bài thuật lại chuyện này trên tờ Anh Dũng, báo của sư đoàn. Sau đem lại in thành sách khổ nhỏ với tên sách “Lá cờ của Bác” truyền đi khắp đơn vị biểu dương tinh thần chiến đấu của tiểu đội dao nhọn và của anh Cấc.
Nay anh Cấc đã hơn 70 tuổi rồi, là thương binh bậc hai, sống túng thiếu quá, phụ cấp thương tật mỗi tháng chỉ được hơn 30.000 đồng. Tôi là chính ủy cũ nên anh tìm gặp hy vọng tôi có thể can thiệp với các cơ quan chức năng cho ông ấy đi khám lại để xin trợ cấp thương tật. Ông đã mô tả lại chuyện ngày xông trận. Vốn đơn giản như ông hôm nay thuật lại chiến công vẫn pha chút huyền thoại phi thường lắm. Tôi đã hết sức liên hệ với Bộ Thương binh Xã hội và ông đã được đi khám lại. Hội đồng giám định cũng xác định là vết thương của ông phải nâng lên cấp ba. Phụ cấp mỗi tháng được hơn 100.000 đồng gấp ba lần trước đây. Song với 100.000 đồng tháng thì vẫn khó sống với giá cả hiện này. Tôi ở sư đoàn 312 từ giữa năm 1950 đến cuối 1954, rồi được điều về Tổng cục Chính trị, bổ sung vào nhóm tổng kết công tác chính trị do anh Nguyễn Chí Thanh chủ trì. Thời gian tôi ở sư đoàn 312 là năm năm, cùng sư đoàn tham gia các chiến dịch. Năm năm, so với năm mươi năm hoạt động của tôi chỉ là một phần mười thời gian nhưng để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm và nhiều cảm xúc. Bây giờ, anh em lớp tôi đã về hưu phần nhiều, thỉnh thoảng gặp nhau lại được dịp ôn lại bao nhiêu kỷ niệm thú vị của một thời. Đại loại: trong một cuộc hành quân trong chiến dịch Tây Bắc hay Điện Biên Phủ không còn nhớ rõ, trong một chặng nghỉ dọc đường, tôi ngồi nói chuyện cùng một cán bộ đại đội. Sau khi chào hỏi người quen, câu chuyện đi vào tâm sự, anh ta bảo tôi: “Tôi đi chuyến này, có linh cảm là sẽ không trở về. Tôi có vợ, một con nhỏ. Tôi muốn gởi anh chiếc đồng hồ đây. Nếu về được thì không nói làm gì. Còn nếu tôi nằm lại chiến trường thì anh mang cái đồng hồ này đưa cho vợ tôi, để nó bù vào nuôi con và báo tin cho nó biết”. Nhìn nét mặt anh ta tôi hiểu điều anh nói là chân thật và nghiêm túc làm tôi rất xúc động, song tôi gạt phắt đi: “Mày chỉ nói dại nói dột thôi. Đi rồi về chứ sao lại nghĩ chuyện chết, đi đánh nhau mà nghĩ như thế là gở lắm. Mày cứ cầm lấy, tao không giữ!”.
Quả thật trong chiến dịch ấy cậu ta là một trong những người đã không trở về. Sau này trong nhiều chiến dịch, khi tiễn chiến sĩ, cán bộ cấp dưới ra trận, tôi bắt tay họ lòng chân thành chúc đi thắng lợi, tôi lại liên tưởng nghĩ rằng sau chiến dịch họ còn quay trở lại không ? Ở chiến dịch nào cũng vậy, một số đã không gặp lại. Tôi thường nói chuyện với ông Tấn về con tim, cõi lòng con người ta ghê gớm thật. Nó như vô đáy, cũng rộng lớn như vũ trụ. Mỗi một trận đánh, mỗi một chiến dịch lòng chúng mình mang bao nhiêu xót thương, tim chúng mình ứ những nỗi đau đớn ngột ngạt, tưởng rằng hết chịu đựng nổi. Nhưng chiến dịch lại tới, lại lên đường ra trận với nhiệm vụ gay go ác liệt, với quyết tâm giành chiến thắng và lòng ta lại chứa đựng những nỗi đau thương mất mát mới. Tôi và anh Tấn không hiếm những lúc trao đổi căng thẳng để xử lý nhung tình huống gay go phức tạp, người cứ căng lên, tim đập mạnh, sắc khí bừng bừng rất khó chịu ! Có lẽ do huyết áp tăng mạnh và cố rán đợi tình huống dịu đi, rồi tâm trí cũng trở lại bình thường, chuyện gây cấn lắm thì cũng vương vấn một chút ít mệt mỏi về thần kinh mà thôi. Với chức trách của tôi, tôi còn gần như thường xuyên tiếp xúc với những người vợ mất chồng, anh mất em, cha mất con và chia sẻ nỗi đau của mỗi người mà tôi hiểu mất mát đó không gì bù đắp lại. Tôi cũng lấy làm lạ là làm sao con người có thể chứa đựng tất cả các nỗi đau của cuộc đời, nhất là nỗi đau chiến tranh! Làm nhiệm vụ chính ủy, tôi phải làm việc báo tin và chuyển những kỷ vật của người hy sinh tại chiến trường trao lại cho vợ con gia đình anh em. Có trong cuộc mới thấy hết nỗi khó khăn cay đắng của việc đó. Hồi tôi còn ở báo Vệ Quốc quân có một chị, chồng là cán bộ tiểu đoàn hy sinh ở chiến dịch biên giới. Anh là sĩ quan của 308, chị ấy làm việc ở cơ quan của Tổng tham mưu, gần cơ quan tôi làm. Các anh 308 đem trao tôi di vật của anh ấy. Tôi mời chị sang cơ quan nói chuyện. Tôi đã vắt óc tìm cho ra cách làm nhẹ nỗi đau của chị, càng nhẹ nhàng càng hay, để báo tin và chuyển giao kỷ vật. Tin chồng hy sinh chị đã biết. Thế mà nét mặt của chị vẫn cứ thất sắc, như không dám, không nỡ tin là sự thật, hai bàn tay chị ôm ấp kỷ vật sao tha thiết, lộ sự đau xót làm thắt lòng người. Tôi thấm thía nỗi đau thắt lòng người. Tôi thấm thía nỗi đau thắt ruột của một người vợ góa và kính trọng im lặng. Lại trường hợp một chị cũng làm việc ở Bộ Tổng tham mưu, tôi có quen biết sơ sơ. Ngày chồng chị là tiểu đoàn phó hy sinh ở chiến dịch Trung du diễn ra ở Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên và núi Đanh, tôi có nhiệm vụ báo tin và chứng kiến sự chịu dựng của người phụ nữ trước mất mát của gia đình. Tôi còn phải báo cái tin quá nặng nề với một chị là hội trưởng hội phụ nữ tỉnh Vĩnh Phú, nơi sư đoàn tôi đóng quân. Người chồng hy sinh cũng là một chính trị viên tiểu đoàn của sư đoàn tôi ở mặt trận biên giới. Ít lâu sau, tôi có mời các nhà chức trách địa phương đến tiễn đưa bộ đội xuất quân, chị đã đứng trước hàng quân nói chuyện. Tôi nhìn chị mà không cầm nổi nước mắt. Là vợ liệt sĩ đứng ra tiễn đồng đội của chồng đi vào chiến dịch tiếp tục sự nghiệp giải phóng đất nước mà chồng mình để lại, hơn ai hết chị hiểu sự hy sinh của con người đứng trước nghĩa vụ với Tổ quốc, chị hiểu nỗi lo lắng của người vợ, người mẹ ngày đêm dõi theo bước chân của người thân trên chiến trường. Chị là hiện thân cái hậu phương phi thường để tiền tuyến diệt giặc. Mấy năm sau, một lần tôi đang đi dọc Bờ Hồ thì nhận thấy phía trước có dáng người quen quen. Tôi bước nhanh lên trước và nhận ra chị. Thật là bất ngờ và chúng tôi đều rất vui mừng được gặp nhau. Đột nhiên chị hỏi tôi: “Này anh ơi, có phải các liệt sĩ ở Đông Khê đã được quy tập cả về nghĩa trang liệt sĩ rồi phải không?”. Thực tình tôi không biết cụ thể nhưng nghĩ về chính sách thì phải như vậy, liền đáp: “Vâng, tôi không rõ lắm, nhưng chắc là có việc quy tập đó”. Chị liền hỏi tiếp: “Anh à, tôi muốn lên thăm anh Du chồng tôi, mà không biết đi thế nào, tìm như thế nào, anh giúp tôi với!”. Tôi xúc động mãnh liệt, thầm nghĩ : từ chiến dịch Biên Giới đến lúc đó chị đã biết có 5-6 người bạn cũ từng chiến đấu với chồng mình, là nhớ ngay đến nghĩa địa thắp hương cho chồng. Nhìn chị, tôi mới hiểu sâu sắc tình nghĩa của người phụ nữ ta đối với chồng đã hy sinh qua đời.
Và năm 1974, tôi được đi nghỉ mát ở Liên Xô. Hôm tôi đang ở phòng tùy viên quân sự thì một cán bộ phòng báo với tôi là chiều tối có khách tới thăm. Tôi hỏi “Khách là ai thế?”. Anh ta nói: “Tôi không được nói! - mà tối nay họ đến anh khắc biết. Anh thông cảm cho”. Tôi lục lại trí nhớ biết không quen ai ở đây cả. Chiều tối, tôi ngồi trông chừng thì nghe tiếng gõ cửa, một chị bước vào và... đứng sững ngay giữa lối đi không chào, không hỏi mà chỉ nhìn tôi. Tôi cũng bị sững ra chưa biết xử lý ra sao. Nhìn chị tôi thấy có nét dáng quen quen nhưng không nhớ ra ai. Đến hàng phút chị mới lên tiếng: “Thế anh đã nhận ra ai chưa?”. Chính lời chị hỏi làm tôi nhớ lại: “Có phải là chị Thủy không?”. Đó là tên chị vợ của anh tiểu đoàn phó hy sinh ở núi Đanh năm nào. Chị cười bảo: “Ờ, thế thì đúng là anh nhớ khá đấy, anh hỏi câu nữa đi!”. Tôi lúng túng với ý của chị, mãi về sau này tôi mới hiểu ý của chị muốn tôi hỏi là: “Có phải vợ của Hồ Kỳ Lân đấy không?”. Tôi vừa tiếc vừa áy náy và đã kịp hiểu tâm trạng chị lúc đó được gặp lại tôi, người đồng chí của chồng là muốn nhắc lại toàn bộ kỷ niệm về Hồ Kỳ Lân. Trong câu chuyện, chị đã nhắc lại tâm trạng của chị lúc Hồ Kỳ Lân mất. Ngày đó, hai người mới làm lễ cưới được mấy tuần thì anh ấy đi chiến dịch: “Tôi buồn vô hạn, phải nói lúc đó nghe tin anh Lân hy sinh tôi cảm thấy lẫn lộn sự cao cả của chồng và nỗi đau đớn mất mát của mình không gì bù đắp được. Đau đớn quá, tôi mất hết hy vọng, tâm hồn tê dại, tôi để mình trôi đi theo công việc và cuộc đời. Tập thể đã âm thầm nhen nhóm lại cho tôi lửa sống. Tôi hòa mình vào một gia đình rộng lớn hơn với tình yêu thương vô tư và chân thành. Tôi được cử sang học ở Trung Quốc. Anh chị em ở sứ quán cứ gán ghép tôi với một ông lớn tuổi hơn. Tôi thấy anh ấy cũng tốt thôi song tôi hoàn toàn không còn sự rung động của tình yêu. Bây giờ chúng tôi đã có mấy cháu. Anh ấy thật sự rất tốt bụng nên cuộc sống gia đình của tôi yên ấm thôi. Tôi không ân hận gì cả nhưng tôi không thể nào quên anh Hồ Kỳ Lân”. Rồi chị nói tiếp: “Tôi là người đàn bà lấy chồng được mấy tuần thì chồng hy sinh ngoài mặt trận. Đến bây giờ con lớn khôn, đòi đi bộ đội, tôi cũng vẫn sẵn sàng tiễn con ra mặt trận. Như thế tôi đã sống xứng đáng với anh Lân và xứng đáng là người phụ nữ. Gặp anh, tôi cũng chỉ muốn nói chuyện như thế để anh anh yên tâm rằng tôi không làm điều gì phải ân hận đối với hương hồn người đã chết”. Nói xong chị ấy ra về.
Câu chuyện đọng lại nơi tôi tâm hồn người phụ nữ cao quý. Càng hiểu sâu nội tâm của họ, ta càng thấy cái tàn bạo của chiến tranh và cũng thấy sức sống phi thường của con người biết hy sinh vì nghĩa vụ.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

1 nhận xét:

  1. Cô Thủy sau lấy chú Huấn, công tác ở Lục quân. Quốc đã đến thăm cô chú ở dưới Tương Mai cùng Đào Thanh, con cụ Đào Chín Nam. Tặng gia đình cuốn sách của cha. Tiếc là cô đi vắng. Sau này cô, cháu cứ điện thoại, thăm hỏi nhau.
    Năm 2009 cô vào SG có đến chơi nhà anh Chiến.
    Năm 2010 cô mất ở HN.

    Trả lờiXóa