Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Nghị sĩ đóng vai “nghệ sĩ bất đắc dĩ”

Vũ Mão

Tháng 7 năm 2012 này, vừa đúng 10 năm lễ tang ông Trần Độ. Hôm nay tôi viết lại đôi dòng về một khía cạnh đã diễn ra ngày ấy.


Tôi là người bị bắt buộc phải làm Trưởng ban Lễ tang và phải đọc Điếu văn. Còn việc vì tôi bị buộc phải làm Trưởng ban Lễ tang sẽ được trình bày vào một dịp khác.


Điếu văn đọc tại Lễ tang Ông Trần Độ được phân công chuẩn bị khá công phu. Dự thảo đầu tiên do Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương chuẩn bị dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban Nguyễn Khoa Điềm. Bản Dự thảo được đưa cho gia đình tham khảo, đóng góp ý kiến. Gia đình nhất trí với hầu hết các nội dung trong Dự thảo nhưng đề nghị bỏ đoạn nói về thiếu sót, khuyết điểm của ông Trần Độ. Văn phòng Quốc hội cũng muốn vậy và trình bày với đồng chí Phan Diễn, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhưng không được chấp nhận với lập luận rằng, phải công bằng và khách quan giữa cống hiến và lỗi lầm.


Bản Dự thảo mới, tuy vẫn nói tới thiếu sót nhưng đã được giảm nhẹ hơn nhiều. Thời điểm này Quốc hội đang họp, đã có một cuộc họp nhanh, nói cho chính xác là có cuộc hội ý của Bộ Chính trị ngay sau phiên họp buổi chiều của Quốc hội. Các ý kiến phát biểu sôi nổi và một số đồng chí đề nghị vẫn giữ ý kiến như cũ, tức là phải nói cả công lao và thiếu sót. Cuối cùng, trước khi ra về, các đồng chí dự Hội nghị vui vẻ dặn tôi: Khi đọc Điếu văn, đoạn nói về những đóng góp của ông Trần Độ thì đọc to và hùng hồn; còn về thiếu sót, khuyết điểm thì đọc nhỏ thôi.


Mọi người đều biết tôi không muốn nhận sự phân công này, đặc biệt trong Điếu văn lại phải đọc cả thiếu sót khuyết điểm của người quá cố là điều tối kỵ, chả ai làm như thế bao giờ, nên tôi càng không đồng tình.


Tuy nhiên, tôi không có cách nào khác là phải chấp hành sự phân công và tôi đã thực hiện nghiêm chỉnh. Cụ thể là:


Tại Lễ truy điệu, tôi đọc Điếu văn. Trong lời đọc của mình, khi nói về công lao, thành tích, cống hiến của ông Trần Độ đối với cách mạng, đối với tổ quốc và nhân dân thì tôi đọc to, rõ ràng, rành mạch và hào hùng đầy khí thế.


Tôi xúc động thực sự từ đáy lòng mình.


Khi đọc đến thiếu sót tôi đọc rất nhỏ, gần như chỉ mấp máy môi để không ai nghe thấy. Trong trường hợp này, có thể nói: “Tôi là một Nghị sĩ đã đóng vai một Nghệ sĩ xuất sắc trong diễn đạt và biểu cảm”.


Thế nhưng, chuyện không may đã xảy ra. Sau khi tôi đọc xong Điếu văn, anh Trần Thắng, đại diện gia đình lên phát biểu. Ngoài lời cảm ơn, anh Thắng còn nói:


- Gia đình chúng tôi không chấp nhận Điếu văn.


Ngay lập tức, từ phía cuối nhà tang lễ có một tiếng hô:


- Đả đảo Điếu văn, đả đảo Điếu văn!


Tiếng hô đó của ai tôi chưa tiện nói ra ở đây. Liền sau đấy có những tràng vỗ tay. Cũng lạ thay, theo thói quen, tôi cũng vỗ 2 cái rồi vội rút tay lại. Một ý nghĩ vụt thoáng qua đầu tôi: “Sao mình đoảng thế!”. Không khí trong nhà tang lễ  “nóng”  lên.


Một anh bạn của tôi từ thời Thiếu sinh quân, đã nghỉ hưu, đeo lon Thiếu tướng, nhìn tôi ái ngại, hình như vừa thông cảm vừa trách móc.


Tôi tự ví von, mình là một Nghị sĩ đóng vai một “Nghệ sĩ xuất sắc” mà thực chất là đóng vai một “Nghệ sĩ bất đắc dĩ ”.


Sự ví von ấy âu cũng là cái hài hước, cái bông đùa để giảm nhẹ bớt nỗi đau của riêng mình. Thế mới biết, dù có dùng bất cứ một thứ nghệ thuật nào và trình độ diễn đạt có siêu đẳng đến mấy cũng không thể thay thế được cái công bằng của sự thật, của tình nhân ái con người.


                                                                      Hà Nội – Năm 2012

2 nhận xét:

  1. Anh Mão ạ, ai vỗ tay thì chả cần nói ra vì đó chính là tiếng vỗ tay của nhân dân, của lẽ phải.
    Biết anh đau khổ lắm khi phải làm điều này nhưng... Giá mà anh lầm rầm thực sự, không phát ra thành âm thì còn hay hơn nhiều, khi đó anh mới thực sự là người dũng cảm vì lẽ phải.
    Tôi là người trong cuộc, chứng kiến từ đầu đến cuối. Buồn vì người Việt ta vốn sống có trước có sau, nghĩa tử là nghĩa tận mà chúng ta không làm được điều ấy.
    (Xin phép nặc danh)

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ cần nghe cái tên VM là muốn ói !

    Trả lờiXóa