Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

Lý tưởng chiến đấu


         (Vài dòng cảm xúc kỷ niệm Điện Biên Phủ 1959)

Mỗi khi nhắc đến Điện Biên Phủ, thì không biết bao nhiêu là bài học kinh nghiệm, kỷ niệm và hình ảnh dồn dập đến trong đầu và bao nhiêu cảm xúc tràn ngập trong tim. 
         Có những hình ảnh đầy ý nghĩa, sâu sắc và luôn luôn tươi tắn, mãi mãi không quên. Tôi còn nhớ như in hình ảnh một cây mận, thân hình nó cháy xém đen, vươn lên khẳng khiu trên một nền đất bẩn thỉu đầy tro than đen sì của những nhà bị cháy trụi. Nhưng ở các đầu cành nó, rất nhiều mầm non xanh mơn mởn nhú ra, mỗi buổi sáng đọng những giọt sương long lanh như bạc. Tôi đến bên cạnh nó, quây quần những anh bộ đội hành quân qua ghé lại nấu cơm, những anh chị dân công ngồi nghỉ chân hút thuốc lào hỏi nhau tin tức mặt trận.
Mỗi lần qua nó, tôi có một cảm giác rất phấn khởi như kiểu được tăng thêm một sức mạnh tin tưởng nào, tôi cảm thấy ngay như trong người tôi cũng nảy lộc đâm chồi, nhiều sức mạnh rạo rực hẳn lên : sự sống vẫn luôn luôn vươn lên, chiến thắng cái chết, cái tàn phá và cái bẩn thỉu xấu xa và không bao giờ đạt được thắng lợi. Ngay ở trong cây mận gày nhỏ kia cũng có một nguồn sống vô cùng mạnh mẽ trong trắng mạnh hơn sự tàn phá rất nhiều, vươn lên vừa tươi tắn, vừa hùng dũng vừa trong trẻo, vừa rực rỡ.
Cảm giác ấy tự nhiên xâm chiếm tôi củng cố cho lòng tin tưởng thêm sâu xa vững chắc.
Tôi cũng không bao giờ quên được những hình ảnh một số anh chị dân công tôi đã gặp. Trên đầu đường kéo pháo, hai anh dân công người Thanh Hoá ngăn tôi lại vừa cười, vừa thủ thỉ: “Anh có điếu thuốc lào nào cho em một điếu. Chả giấu gì anh từ sáng đến giờ không có thuốc nhạt mồm quá”. Tôi biếu anh mấy điếu. Anh sung sướng nắm tay tôi lắc lắc: “Cảm ơn anh! Nhất định thắng lợi, nhất định thắng lợi”. Tôi nhìn theo bóng hai anh loắt choắt đi trong bóng tối. Một cái gì hết sức bình thản mà hồn hậu ở giữa nơi đấu tranh quyết liệt đầy sống chết này. Tiếng nói của anh dân công lại vang lên bên tai tôi bình tĩnh và tươi vui như những tiếng nói làm ăn vui vẻ, trong một ngày mùa, như tiếng chuyện trò của những người bạn bên bờ ruộng, trước cổng làng. Bóng dáng hai anh không có vẻ gì là hùng dũng, mà chỉ là cần cù yên lặng, nhưng “nhất định thắng lợi! nhất định thắng lợi!”. Tôi bỗng càm thấy chính cái nhẹ nhàng hồn hậu kia là sức mạnh đè bẹp tất cả những tiếng súng địch gầm thét tuyệt vọng chung quanh chúng tôi. Trong hình dáng hiền lành của hai anh dân công kia có một cái gì vững chắc lạ thường. Các anh cười, các anh xin thuốc hút để tiếp tục dùng sức lao động của mình để tiêu diệt kẻ thù địch của mình. Tôi còn gặp một anh dân công khác vác xe đạp thồ qua núi để làm nhiệm vụ vận tải sâu trong tuyến chiến đấu gần địch. Gặp đại bác bắn, anh hoảng hốt ẩn nấp, đến lúc khác một ánh chớp loè anh giật mình tái mặt túm lấy chúng tôi. Sau đó anh lại mỉm cười gượng gạo. Và anh mắm môi vác xe đạp tiến mau lên phía trước. Trong bụng tôi nghĩ : tướng này hốt lắm, không chắc có dám vào nữa không. Nhưng tôi đã nhầm, anh vẫn đi với chúng tôi tiến sâu mãi vào nơi còn nhiều đại bác hơn. Thì ra một đôi giây phút hèn yếu không thể át được một sức mạnh kín đáo thầm lặng dũng cảm trong người anh. Nhờ có sức mạnh cứng cỏi mà yên lặng, làm cho anh trở thành người dân công dũng cảm.
Tôi gặp các chị dân công ở một trạm khuân vác, một buổi chiều nhìn dù địch bay lạc, vui vẻ soi gương vuốt mái tóc, chào chúng tôi hỏi thăm chúng tôi có phải người Phú Thọ quê của chị hay không ? Tôi được nghe chị Lan, một chị bé nhỏ, cả người chị chắc chỉ nặng hơn bốn mươi cân mà đã luôn mấy đêm ngày chị vác hai quả đạn đại bác nặng hơn bốn mươi cân để tiếp tế ra trận địa. Khi bom na-pan đốt cháy trạm thương binh, chị cởi ngay chiếc áo len rất đẹp và duy nhất của chị, chị lăn vào dập lửa, cháy mất áo, chị vứt đó cõng thương binh, … Tôi lại còn thấy hai chị khác cáng một anh thương binh, đứng khóc giữa suối vì hai chị đã trượt chân để anh thương binh bị đau quá kêu lên trong cáng.
Tôi không muốn nói đến những hình ảnh phi thường của các đồng chí Phan Đình Giót, Nguyễn Hữu Oanh, … và của các chiến sĩ xông vào hầm tướng Đờ-cát, … Tôi muốn nhắc đến nhiều nhất cảnh các anh nuôi những buổi sáng mờ sương xắn quần móng lợn gánh cơm lần giao thông hào đi ra trận địa, những anh thông tin gác máy giữa ngã ba đường trục ngồi rỗi việc, ngâm thơ chơi, giữa tiếng nổ chung quanh, anh quay máy điện đài lầm lì kiên nhẫn quay suốt ngày đêm. Thỉnh thoảng tin chiến thắng đưa về anh hát lên sung sướng như chính anh thắng trận, anh quay máy in, anh giao thông liên lạc, anh lái xe, anh vận tải, anh cán bộ quân nhu chở thịt ướp từ hậu phương ra, anh cán bộ cấp dưỡng đi chỉ huy đánh cá ở ngọn suối xa. Những anh nhân viên cơ quan lập các đội công tác “vinh quang” đi chở thương binh từ tiền tuyến về, lại còn những anh làm nghi binh đốt lửa câu máy bay địch chạy từ đồi này sang đồi khác, v.v…
Tôi không thể quên được mấy đoạn trong một bài thơ của chiến sĩ :
Đồng chí đi mô đó
Có về chỗ chiến hào
Hãy vào chơi tôi tý …
… Gian nhà tôi sân đầy những cỏ,
Nó ấm êm tựa chiếc nệm bông
Trên tường treo bản kế hoạch lập công
Tranh quyết chiến lá cờ reo quyết thắng.
… Ở đây chơi giải trí
Có bàn tu-lơ-khơ
Cạnh đây có bàn cờ
Chúng tôi vui đánh những giờ nghỉ ngơi.
Ngồi đây lâu chắc đồng chí bí hơi,
Những việc đó có chi là đáng ngại.
Đó là niềm kiêu hãnh của người chiến sĩ khi sống trong những hầm chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Đó cũng nói lên cả nguồn gốc sức mạnh của các chiến sĩ trong những ngày vô cùng gian khổ. Ở giữa chiến trường, ngoài cảnh sống trực tiếp chiến đấu đầy khí phách anh hùng sôi nổi, còn có bao nhiêu cảnh sống chiến đấu và cảnh sống “bình thường” trong khắp các ngách suối, ngách hào, các nẻo rừng, các khe núi, vệ đường. Nhưng cảnh sống im lặng cần cù. Tất cả sự sống ấy rì rào rạo rực đúng như nhựa sống của cây mận dào dạt chạy trong tất cả các nhánh các cành. Chính cái nhựa sống ấy đã coi thường mọi sự tàn phá mà từ trong những đầu cành tàn phá vụt bật ra ngoài thành những mầm non, lộc thắm, vươn mình rực rỡ dưới ánh sáng tưng bừng của buổi bình minh.
Cũng một ý nghĩa như vậy, còn hình ảnh khác của những đồng chí bị địch bắt nằm âm thầm trong các hầm giam, nghe tiếng súng địch và tiếng súng ta mà phán đoán tình hình, tin tưởng chắc chắn có lúc tự giải phóng, biết chuẩn bị kế hoạch để hành động, … Còn hình ảnh của các đồng chí chỉ huy thức thâu đêm suốt sáng hết lặn lội ở chiến hào lại nằm bò ra trên quan sát sở nhìn ngắm hoặc vươn mình bên những bản đồ, chau mày suy nghĩ hoặc ngồi bên nhau họp bàn, cắn môi đến chảy máu trước những vấn đề khó giải quyết trước những lời phê bình nghiêm khắc của Trung ương Đảng, của các đồng chí, v.v…
Sau năm năm trời !
Chà, này đây ! Những tiếng máy cày giữa cánh đồng Điện Biên bát ngát bên bờ sông Nậm Rốm duyên dáng, ánh bạc. Này đây ! Những cánh hoa ban trắng muốt viền lên nền rừng xanh biếc.
Những chiếc hào, hầm pháo, đèo cao, dốc thẳm nay đã im lặng vùi lấp dưới rêu cỏ xanh um, đầy hương dại của rừng sâu đang ôm ấp trong lòng mình bao nhiêu dấu vết thần kỳ của một cuộc sống mãnh liệt mà bình thường, xa xôi mà sao còn gần gũi.
Nhiều thanh niên nam nữ thủ đô đã hăng hái lên đây cùng các chiến sĩ cũ trong quân đội, cùng các bạn ở bốn phương trời họp lại để xây dựng đất Điện Biên nổi tiếng. Những bàn tay nõn nà đã nắm chặt những bàn tay chai rắn, những gót chân yểu điệu đã sóng bước với những bắp chân vững chãi, những mái đầu óng mượt đã cùng tắm nắng bên những mái đầu sù bụi, những thở than rền rĩ lo lắng ích kỷ đã khép nép lùi dần về phía sau ngầu đục của dĩ vãng. Từ đất đồi nứt nẻ cuộc đời đang mọc lên, ánh sáng đang loé lên, từ rừng sâu thẳm cũng có cuộc đời đang mọc lên, ánh sáng loé lên. Cuộc đời sẽ thân ái no đủ và đầm ấm. Cuộc đời do tự tay ta xây dựng, cuộc đời mà ta hằng mong ước, ôm ấp, cuộc đời lý tưởng của ta vì nó mà ta đã không ngừng chiến đấu !
Hỡi những bàn tay dũng cảm, hỡi những tâm hồn trong sáng, hỡi tất cả các đồng chí, các bạn hiện đang vươn mình bên luống cày Điện Biên. Tôi muốn trân trọng, thân ái, nồng nàn gửi đến các bạn tất cả nhịp thở thiêng liêng của Tổ quốc, của nhân dân trong những ngày chiến thắng lịch sử vinh quang thuở nọ.
Các đồng chí ơi ! Cái gì đã tạo nên những ngày vinh quang vĩ đại ấy cho Tổ quốc ta, sức sống dào dạt như nhựa cây bất khuất bắt nguồn tự đâu ? Đó chính là lý tưởng chiến đấu của mỗi người chúng ta vậy. Không phải không có liên quan gì giữa đầu óc những người bên chiến hào năm ấy với quang cảnh lao động cần cù, gian khó những rộn ràng bình yên hiện nay ở Điện Biên Phủ. Vì người chiến sĩ trong chiến hào lúc ấy vẫn ngâm ngợi :
Giờ đây
Tôi nằm hố
Nhưng rất vinh quang,
Chắc quê hương tôi tất cả dân lành
Đang phấn khởi vì được chia đồng ruộng
Em nhỏ tôi đang vui vẻ đến trường
Yên tâm học văn chương cách trí
Em nhỏ hơn chắc đang hú hí
Mồm hát vang : đồ mí la sòn
Ngoài đồng nương tất cả lớp mạ non
Đang mơn mởn lớn lên xanh tốt.
Và người chiến sĩ kéo pháo cũng hò lên :
Căm thù quân giặc ghi sâu,
Quyết tâm kéo pháo cho mau hoà bình.
Phải ! Chiến tranh của ta là để có hoà bình, gian khổ của ta là để có hạnh phúc, rèn luyện gay go của ta là để có chiến thắng vinh quang.
Lý tưởng chiến đấu của ta chính là mục tiêu chiến đấu. Mục tiêu chiến đấu ấy không phải là những cái đích cụ thể gần gũi và tầm thường, nó là những mong ước lớn lao nhưng hiện thực, nó là những mong ước cho cả mọi người, những mong ước đẹp đẽ, những mong ước chân chính cho tất cả những người lao động chân chính. Những mong ước của những người lao động chính là chân lý của cuộc sống là chính nghĩa của cuộc sống. Vì người lao động không mong ước bóc lột người khác, không mong ước làm hại người khác, chỉ mong ước tự tay mình xây dựng cuộc đời mình và tin tưởng nơi tay mình có thể xây dựng được cuộc đời mình rất vĩ đại, rất tốt đẹp. Cái mong ước ấy cũng là cái tin tưởng ở tay mình ở nơi sức mình, là cái mong ước được giải phóng đôi tay mình giải phóng sức mình để xây đắp lấy cuộc đời mình, cuộc đời của những người lao động.
Mác-xim Goóc-ki có nói một câu rất thú vị :
- Chúng tôi là những người giản dị, những người lao động. Chúng tôi có một lối sống riêng, những ý nghĩ riêng. Chúng tôi có quyền xây dựng một đời sống theo ý chúng tôi, một đời sống tốt đẹp nhất cho chúng tôi.
Theo chủ nghĩa xã hội ư ? Ồ ông bạn ạ, người lao động đẻ ra là đã theo chủ nghĩa xã hội rồi. Theo ý tôi, dù không đọc sách, nhưng chúng tôi chỉ ngửi qua là nhận được ra chân lý ngay, vì mùi chân lý đưa đi rất xa và ở đâu cũng như nhau, đâu cũng đều là mùi của mồ hôi lao động cả (Những mẩu chuyện nước Ý).
Đúng quá ! đúng như vậy đấy. Lý tưởng hay là mộng ước của chúng ta thật giản dị biết bao nhiêu, nhưng lại vĩ đại biết bao nhiêu ! Chỉ vì từ trước ta đâu có quyền mong ước. Nay ta tha hồ mong ước mà khi ta đã mong ước thì ta có sức mạnh vô cùng. Mong ước của ta càng to lớn, càng khó khăn thì sức mạnh của ta càng lớn. Mong ước của ta càng rõ rệt to lớn thì nó càng xán lạn, rực rỡ, càng thu hút lòng người, tinh thần dũng cảm của ta càng lớn. Đó là sức mạnh kỳ diệu của lý tưởng của chúng ta. Ngày xưa lý tưởng chiến đấu cho nước nhà độc lập tự do, đem lại cho chúng ta sức mạnh chịu đựng hết mọi gian khổ, vượt mọi khó khăn trước mắt, gạt phăng mọi tính toán thiển cận và đưa chúng ta thực sự đến cảnh độc lập tự do trên nửa nước. Ngày nay, lý tưởng thống nhất đất nước, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa phải mang lại cho chúng ta một sức mạnh mới, một sức mạnh càng to lớn hơn, càng sôi nổi hơn nhiều.
Lý tưởng ta càng rộng lớn thì khó khăn ta càng nhiều. Những lý tưởng ta càng rộng lớn và ta đang trên con đường đi tới thì cũng nhiều lúc ta nhầm là ta đã đạt được phần nào lý tưởng mà ta đâm ra chùn bước lỏng tay.
Ngày nay có nhiều đồng chí đã không biết tiếp tục nhìn xa mãi vào lý tưởng lâu dài của mình, gắn chặt công việc bình thường hàng ngày với sự nghiệp cao xa của mình, không thấy công việc nhỏ nhặt gian khổ của mình thấm đượm một ý nghĩa cao quý vĩ đại, như anh dân công vác xe đạp, như chị dân công cáng thương binh, như anh bộ đội đi đánh cá ở Điện Biên Phủ. Chính những đồng chí đó đã tước của mình mất nguồn sức mạnh. Cũng có người có tâm lý : thắng lợi rồi, hãy hưởng thụ đã. Cũng có người có tâm lý : thắng lợi rồi mà người khác hưởng thụ mất ! Cũng có người có tâm lý hãy xây dựng lấy đời riêng cho lâu dài. Đó đều là tâm lý thắng rồi dừng lại, tâm lý của những người thấy không có gì cần phấn đấu nữa, không có đấu tranh nữa, không có hàng ngũ ta và kẻ địch nữa, mà chỉ có mình và người khác. Không thấy cùng nhau phấn đấu trên mọi cương vị khác nhau mà thấy mình kém, người hơn, mình không may, người may mắn, mình thiệt thòi, người “vớ bở”. Trong giây phút đó, ranh giới địch ta bị xoá bỏ, lý tưởng cao xa bị quên lãng lịch sử đấu tranh đầy vinh dự bị coi như lãng phí hoặc dại dột đáng tiếc.
Thật ra đáng tiếc thay cho những tâm hồn như vậy ! Ta có thể mời tất cả những đồng chí trong giây phút đã có sự lạc lõng trong tư tưởng, tâm hồn, dạo chơi đôi chút với ta.
Này đây, những bộ quần áo chiến thuật rách mướp bẩn thỉu, những thân hình gò xuống dưới những khối sắt nặng nề, những bước chân mệt mỏi, những hình ảnh này lại gắn liền ngay với hình ảnh một đoàn quân diễn tập thắng lợi trở về, cờ bay gió phất, tình dân đưa đón, ngọt ngào bát nước, đậm đà hơi thuốc khói xanh. Hình ảnh ấy cũng không tách khỏi hình ảnh đoàn Đại biểu quân đội Việt Nam hùng dũng với lá cờ Quyết thắng sóng hàng với hai lá cờ Xã hội chủ nghĩa giữa tiếng hò reo, âu yếm, khâm phục của hàng vạn nhân dân Lép-dích. Bình thường bao nhiêu mà cũng vinh quang chói lọi bao nhiêu. Bình thường và vinh quang ấy cũng chỉ là một: một tổ chức: Quân đội nhân dân Việt Nam, một danh hiệu: Quân đội nhân dân Việt Nam, một vinh dự: Quân đội nhân dân Việt Nam.
Này đây nữa, anh thợ vẽ, vôi vữa bùn cát đầy người, anh chiến sĩ mặt mũi nhọ nhem bẩn thỉu bên cạnh những mái nhà ngói đỏ tươi, những con đường thênh thang thẳng tắp, những luống rau, những bồn hoa và vườn cây quả, hồ cá, bể bơi. Cực nhọc là bao nhiêu và cũng thênh thang biết bao nhiêu. Mái ngói vườn hoa là những phần thưởng trực tiếp gần gũi cho người lao động vất vả, đồng thời cũng là hình ảnh cuộc đời do những bàn tay lao động đã xây nên, cũng là lý tưởng âu yếm say sưa của những khối óc trái tim giản dị hằng ôm ấp.
Vinh quang thay những người tự mình xây dựng cuộc đời thực hiện lý tưởng.
Chúng ta hãy cần cù, nhẫn nại, dũng cảm thực hiện lý tưởng cao xa của chúng ta trong những việc nhỏ nhặt bình thường đầy gian khổ hy sinh trong từng ngày từng phút. Vinh dự luôn luôn thuộc về những phấn đấu khắc khổ đó. Thắng lợi đến ngay với chúng ta bên cạnh những cố gắng cực nhọc đó.
Vinh quang thay, vĩ đại thay lý tưởng chiến đấu của chúng ta.
Tháng 5-1959

          (Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

1 nhận xét:

  1. Tướng sĩ đồng lòng, đồng cam cộng khổ cùng chung lý tưởng thì kẻ thù nào cũng dánh thắng, khó khăn nào cũng vượt qua.

    Trả lờiXóa