Nhà văn Trần Độ
Đầu tháng Tám năm 1945, chúng tôi mở một lớp huấn luyện
chính trị ở Chèm. Lớp học đang sôi nổi thì có tin Nhật đầu hàng Đồng minh. Tôi
vội vã trở về Đông Anh tìm các đồng chí trong đội công tác để bàn cách hành
động trong tình hình mới.
Qua sông Hồng, đang đi trên đê làng Chài, tôi lấy
làm lạ khi thấy một chiếc ô-tô, cắm lá cờ đỏ sao vàng, trên có người cầm loa
dõng dạc kêu gọi đồng bào đi hộ đê.
“Có lẽ Hà Nội đã cướp chính quyền rồi chăng?” –
Nghĩ vậy, tôi càng sải bước rõ nhanh đi tìm các đồng chí trong đội. May quá,
anh Thiệp và cả chị Điệp (cùng trong đội) cũng đang đi ngược tìm tôi. Chúng tôi
kéo nhau vào ngay làng Ruộng, cách đê sông Hồng vài chục thước để họp.
Trong những ngày giờ vô cùng khẩn trương ấy, các anh
Trường Chinh, Lê Đức Thọ lại đi công tác cả. Đội của chúng tôi chỉ có ba người
ở nhà: anh Thiệp, chị Điệp và tôi. Chúng tôi rất lo lắng. Tuy hăng hái, nhưng
gặp việc lớn như thế, cả ba chúng tôi đều thận trọng. Song nếu cứ chờ các anh
về mới hành động thì e lại chậm trễ, mất thời cơ. Nghĩ vậy, chúng tôi cứ mang
vấn đề vận động quần chúng khởi nghĩa ra bàn. Chúng tôi liền dựa vào nội dung
bản chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ
Trung ương để phân tích tình hình cụ thể ở địa phương chúng tôi phụ trách và
xét tới cả sự liên quan đến tình hình chung.
Phát-xít Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, chính quyền tay
sai đang hoang mang cực độ. Đó là một trong những điều kiện tốt để tổng khởi
nghĩa. Nhưng bọn Nhật đóng ở huyện lỵ Đông Anh này, qua tình hình chúng tôi nắm
được, vẫn chưa cam phận, còn tỏ nhiều thái độ hung hăng, ngạo ngược. Điều này
buộc chúng tôi phải suy tính thật chín chắn.
Chúng tôi còn tự đặt những câu hỏi khác để thảo luận:
- Tổ chức biểu tình đi cướp huyện, lập chính quyền
đã được đông đảo quần chúng hưởng ứng chưa? Quần chúng đã thật quyết tâm chưa?
- Lực lượng vũ trang có đủ
sức đánh bại kẻ địch, nếu chúng ngoan cố chống lại không?
Chúng tôi cũng tự kiểm điểm bản thân và đánh giá xem
các cán bộ cơ sở sắp tham gia dẫn đầu cuộc biểu tình khởi nghĩa này đã kiên
quyết dốc lòng hy sinh chưa?
Đang họp bàn thì tiếng trống ngũ liên rùng rùng từ
ngoài đê vọng vào. Tiếng người chạy rậm rịch… Có một bà nào đó kêu lên:
- Ối giời ơi! Làng nước ơi! Ra cứu đê, làng nước
ơi!
Một thanh niên cứu quốc của địa phương đang canh gác
cho cuộc họp nghe vậy, vào gặp chúng tôi, thì thầm:
- Mặc kệ, Nước to nữa cũng không vỡ đê được đâu. Mà
dù có vỡ đê cũng cứ khởi nghĩa, các anh chị ạ.
Lời nói của anh thanh niên này cũng là một khía cạnh
biểu hiện quyết tâm khởi nghĩa của quần chúng. Nhưng không thể bỏ mặc công việc
chống lụt được. Chúng tôi ngừng cuộc họp và cùng nhau chạy lên đê, xem xét tình
hình cụ thể. Nước vẫn mỗi lúc một dâng cao. Bà con đổ ra đê mỗi lúc một đông.
Chúng tôi liền mời các cụ già và một số thanh niên cốt cán đến trao đổi mấy vấn
đề cần thiết rồi lại vội vã chạy về, tiếp tục cuộc họp.
Sau khi phân tích kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định vận
động quần chúng gấp rút biểu tình khởi nghĩa cướp chính quyền ở khu vực chúng
tôi phụ trách, đồng thời vẫn để một lực lượng tiếp tục việc hộ đê.
Lúc này tôi phụ trách công tác đội trong an toàn khu
của Trung ương vùng ven sông Hồng thuộc Phúc Yên, phương thức hoạt động là
tuyệt đối an toàn, không rải truyền đơn, không mít-tinh.
Sau đấy chúng tôi nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của
Kỳ bộ Việt Minh gửi xuống. Chúng tôi quyết định tổ chức một cuộc biểu tình võ
trang thật lớn để cướp huyện và lập chính quyền nhân dân, chẳng cần bí mật gì
nữa. Tôi ngang nhiên đạp xe đi khắp vùng, khai hội cấp tốc của các Ủy ban dân
tộc giải phóng và các Ủy ban chấp hành Việt Minh. Xe tôi thường bị níu lại vì
rất nhiều người muốn hỏi han tin tức. Có những cụ già nháy mắt nhìn tôi hóm
hỉnh: “Cố lên cho lão nhờ cút rượu. Uống rồi chết cũng hả”. Những khẩu súng
bấy lâu bị giam hãm trong những ống tre, mái bếp, nay được đưa ra lau chùi cẩn
thận; những con dao, mã tấu, những thanh gươm các kiểu được mang ra mài và bôi
dầu sáng loáng.
Nước sông vẫn mênh mông. Những nhà cao nhất ở các
làng ngoài bãi đã bị ngập tới mái ; sóng đã tràn lên mặt đê. Dân làng phải thi
nhau đắp con chạch trên mặt đê. Có tin đồn đê ở Vĩnh Yên sắp vỡ rồi. Một vài
nhà trong đồng đã chạy thóc gạo và làm lều trên đê. Trâu bò dồn lên kín mặt đê,
mỗi quãng lại có người coi trâu nấu cơm, khói bay nghi ngút. Mọi người lo lắng
cuống cuồng, trâu bò cũng lầm lì buồn bã. Trời vẫn xam xám nằng nặng, gió cứ vi
vu đều đều. Sóng từng lớp rào rào, dữ dội. Không khí khởi nghĩa cũng tràn ngập
khắp mọi nơi, sôi nổi không kém.
Tôi đặt làng Ruộng làm tổng hành dinh. Sau khi đã
họp với anh Thiệp, chị Điệp và phân công rõ rệt, tôi sẽ làm tổng chỉ huy cuộc
biểu tình và địa điểm tập trung nhân dân toàn khu vực để đi biểu tình sẽ là ngã
ba Cây gạo Ba Đê, một nơi mà mọi bà con trong vùng từ già chí trẻ đều biết.
Chiều nay nước đứng không làm dân làng yên tâm mà mọi người càng lo lắng, vì có
người đạp xe đạp ngược đê mười cây số để xem xét thì thấy quả là nước đã trắng
xóa trong đồng có lẽ sắp tràn về tới đây. Lại thêm tin ở chỗ điếm canh đê đầu
làng bị thẩm thấu. Nhất là tin dân làng bên kia sông muốn “gửi nước” bên này,
(vì họ định sang phá đê bên này, chịu thiệt thòi một bên để cứu lấy lúa một
bên).
Thành ra dân làng Ruộng cũng như nhiều làng khác đều
lo chuyện nước lụt. Dưới ánh trăng mờ người ta tíu tít gồng gánh lên đê. Nào
chuyển thóc, gạo, ngô, khoai lên những chỗ cao nhất: nào gửi nhau đồ thờ, quần
áo; nào chạy trâu bò, trên đê cảnh huyên náo gọi nhau, van la, quát nạt nhốn
nháo. Rất ít tiếng cười. Đội hộ đê lo phát hiện kịp thời chỗ thẩm thấu. Thỉnh
thoảng họ lại trao đổi với nhau về mức nước để mà thất vọng. Nước mà lên nữa,
sẽ tràn đê, còn nếu rút đi thì tất có vỡ đê ở đâu rồi. Trời vẫn lầm lỳ u ám.
Con sông đầy ắp nước cứ cuồn cuộn, mang mang, như một con quái vật khổng lồ.
Thế nhưng Ủy ban dân tộc giải phóng cứ họp. Có mấy
việc gấp rút phải làm để chuẩn bị cho cuộc biểu tình cướp chính quyền ngày mai:
1) Thảo những lời kêu gọi thật mạnh mẽ, hào hùng ;
2) Viết biểu ngữ và hẹn ngày giờ tập trung đi biểu
tình ;
3) Tổ chức mít tinh ngay tại làng để cổ động cho
cuộc biểu tình.
Ngoài Hà Nội phong trào đã rầm rộ lắm rồi, cả một
vùng kinh thành náo động, tiếng vang khua rộn khắp nơi. Dân chúng xôn xao bàn
tán, chờ đợi, ai nấy đều náo nức sửa soạn cướp chính quyền, say sưa khởi nghĩa.
Nhưng dòng nước lũ tai ác kia cứ ám ảnh họ. Mọi người hớt hải bồn chồn. Mỗi
người chúng tôi đều thấy ngoài việc cướp chính quyền ra còn phải làm cái gì nữa
rất quan trọng để giải quyết vấn đề lũ lụt. Song chưa ai nghĩ ra việc gì cụ thể
cả. Chỉ có lo thôi!
Các anh trong Ủy ban dân tộc giải phóng làng Ruộng
sau khi mua đủ giấy, bút lông, mực tàu, phẩm đỏ về, cứ độ mười lăm phút lại
chạy thật nhanh về nhà xem xét nhà cửa thế nào rồi trở lại hì hục trải rộng
những tờ giấy ra phản, phủ phục viết lia viết lịa, xong mỗi tờ giấy lại say sưa
ngắm nghía. Đã mười một giờ khuya, trăng lẩn trong mây, sáng mờ mờ. Trong làng
vẫn rậm rịch người đi lại. Chỗ chúng tôi, người ra vào tấp nập. Tôi phải ngừng tay
viết để trả lời đủ thứ câu hỏi hoặc để xem các kiểu dao kiếm, gậy bà con mang
tới hỏi ý kiến. Nhiều anh em hăm hở khuấy hồ và tình nguyện đi dán khẩu hiệu
trong làng. Người được nhận may cờ cứ khăng khăng đòi may khổ lớn để chiếm giải
hôm mít tinh biểu tình. Người lo cán cờ cũng vất vả ngược xuôi tìm cây tre cho
ưng ý.
Việc lập Ủy ban nhân dân hàng xã được bàn đến nhiều
nhất. Nào là việc thu các bằng sắc, triện, việc bầu chủ tịch, cách bầu, cách
đối phó với hương lý, kỳ hào, việc chọn một phụ nữ để bầu vào ủy ban. Ai cũng say
sưa náo nức. Việc mình được tự tay bầu ra ủy ban là dân cũng có quyền rồi. Những
dòng chữ cũng như đang nhảy múa…
Tuy thế, tiếng trống ngũ liên đang đổ dồn cũng làm
nỗi vui mừng không trọn vẹn. Tiếng chó sủa vang khắp làng… Thật là một đêm đầy
ắp niềm vui lớn và nỗi lo âu thắt lòng…
Bỗng có lệnh tù và báo động khẩn cấp ngoài đê. Mấy chị
tay ẵm con nhỏ giật bắn mình, ơi ới gọi những đứa lớn, kêu la đầy kinh hoàng:
“Ối giời ôi! Làng nước ôi! Ra cứu đê mau!”.
Đám đàn ông trầm tĩnh hơn, tỉnh táo đi lấy cuốc, mai
chạy ra. Một anh giúp tôi thu xếp giấy mực, nói giọng đau đớn thiết tha:
- Thôi rồi anh ạ! Thế này thì còn khởi nghĩa làm
sao! Sao mà cái vận nước mình nó oái oăm thế! – Anh như sắp bật khóc. Tôi
chưa biết phải nói gì với anh, cứ lo thu xếp gọn các thứ để lao ra với mọi
người.
- Phải đấy! Anh ra với chúng tôi! Nhỡ có chuyện gì,
anh khuyến khích dân làng vài câu cho đỡ buồn anh nhé!
Tôi nghẹn ngào với ý nghĩ : “Mình chỉ có ít kinh nghiệm lãnh đạo dân chúng chống Pháp, chống Nhật,
còn chống nước lũ thì biết làm sao đây! Những con người này sẽ hăng hái bao
nhiêu nếu cần chiến đấu!”
Tôi giắt khẩu súng vào người, song cảm thấy không tự
tin lắm, khác những lần khi khai hội trừ gian trước đây. Anh thanh niên thì hăm
hở nhắc:
- Súng đâu? Đem theo đi nhá!
Một cụ già lật đật bước vào, thở dốc:
- Hỏng! Hỏng! Hỏng tất!
Chạy vào gường, cụ vớ cái điếu cày vừa thông, vừa
nói tiếp:
- Các cụ đi ra đi! Ra hết đi! Tôi cũng ra bây giờ,
nguy quá!
Tiếng trống, tiếng mõ đổ dồn. Tiếng tù và trầm trầm rền
rĩ kéo dài. Tiếng
trẻ khóc, tiếng người lớn thúc giục. Tôi theo anh thanh niên chạy ra đến đầu
làng thì thấy lố nhố trên đê người và người, mấy anh tay cầm gậy cho hay:
- Có ba chiếc thuyền từ từ tiến vào. Tuần canh đê
hỏi thuyền nào họ không trả lời. Tưởng là thuyền bên kia sông sang “gửi nước”
nên báo động, nhưng họ đã quay ra giữa dòng rồi.
Như thế là tình hình chưa đến nỗi nào. Mọi người lục
đục trở về nhà. Mối lo chưa tan hẳn nhưng cũng tạm yên tâm tiếp tục công việc
chuẩn bị. Rồi có tin: “Nước đứng rồi, nơi thẩm thấu không còn rỉ nước”. Mấy bà
cũng chen vào xem chúng tôi viết và hỏi dò xem họ có được đi biểu tình không?
Sáng hôm sau, các điếm canh đê đều phủ kín biểu ngữ.
Nơi nào người dân cũng chen chúc đọc. Trên đê làng Ruộng, lác đác mấy cái lều
nhỏ. Trời âm u, nước lững lờ trôi. Còn lòng người thì nao nức đến khó tả.
- Giặc Nhật đã đầu hàng,
- Thời cơ khởi nghĩa đã
tới,
- Quốc dân đồng bào mau mau
nổi dậy cướp chính quyền!
- Cách mạng thành công muôn
năm!
Những câu chữ truyền miệng lan đi như cơn lốc. Không
ai nghĩ đến làm ăn gì cả, chỉ khấn trời “cho nước rút mau” và “phen này có chết
cũng thơm thịt”. Khắp nơi, đâu đâu cũng sát khí đằng đằng. Nhìn họ tôi sung sướng
nghĩ tới tờ hịch của đức thánh Trần học thưở trước.
Tờ mờ sáng hôm sau, hàng ngàn người đổ ra chật cả
đường làng, mặt đê. Các cụ già, trẻ em cũng tham gia. Dòng người cứ dài ra mãi.
Nhân dân từ Vọng La đổ lên, Xuân Trạch kéo đến. Cổ Loa đi ra… các nơi khác
trong toàn vùng đổ về tập trung tại Cây gạo Ba Đê.
Giữa lúc tôi đang làm nhiệm vụ tổng chỉ huy, sắp xếp và chỉnh đốn đội
ngũ, đột nhiên một bà từ trong đám đông chạy đến trước mặt tôi, đon đả nói:
-
Ô, thế hóa ra là cậu à? Hôm nay cậu khác hẳn đấy!
Sau
một phút trấn tĩnh, tôi nhận ra bà và mỉm cười:
-
Chào bà, vâng, tôi …
Chả
là suốt từ khi được phân công về phụ trách vùng này, hầu như ngày nào cũng có
việc phải đi qua chỗ ngã ba này, phần nào cũng ỷ vào việc thay hình đổi đổi
dạng thường xuyên của mình – hôm thì áo the quần trắng, hôm thì đóng bộ tây vào,
hôm thì quần nâu áo vải – nên tôi thường đánh bạo nghỉ ở quán bà uống chén
nước, ăn bát bún hay vài cái kẹo ngay ở gốc cây gạo. Và, tôi cứ đinh ninh là bà
chủ quán đông khách thế sẽ không nhận mặt được ai! Vả lại, tôi rất thích được
ngồi nghỉ lại đây. Từ gốc gạo này tôi có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát được
cả một vùng rộng lớn các làng xã ven đê. Mỗi khi dừng mắt lại làng nào, lại
hiện ra hình ảnh thân thương của các đồng chí, các bạn vào sinh ra tử cùng với
cảnh đời và công việc của họ. Tôi cảm thấy mình ấm lòng và nhiệt thành thêm.
Cũng chính bên gốc gạo Ba Đê này, sau bao năm tháng bị tù đày chỉ ước ao ngày
trở lại hoạt động cho cách mạng và lần đầu tiên tôi được đồng chí Trường Chinh
giao công tác cũng trên đê này. Còn bao cuộc hẹn hò gặp gỡ các đồng chí khác.
Thấy
tôi ngập ngừng lúng túng, bà nói vui:
-
Giờ thì biết rõ cậu là tướng Việt Minh rồi. Thôi, lâu nay cậu ăn bún gà của lão
mãi, hôm nay cậu phải cho lão ăn cháo gan… Nhật đấy! – Nói xong, bà tất tưởi
quay lại đội ngũ. Tôi bất giác mỉm cười, thầm nghĩ: “Một bà bán quán cũng
quyết tâm đánh Nhật! Khối quần chúng đông đảo này nhất định sẽ đập tan bọn
phát-xít, giành được chính quyền hôm nay!”
Sau
khi chúng tôi nói mấy lời về tình hình, về thời cơ cướp chính quyền, anh em
thanh niên hát bài Tiến quân ca và đoàn rầm rộ xuất phát. Đi đầu là lá cờ đỏ
chói lọi, bay phần phật. Bốn thanh niên tự vệ chiến đấu khiêng khẩu đại liên,
tiếp đến đội tự vệ với hơn chục khẩu súng trường, rồi đến các khối quần chúng đi
theo từng xã. Trong đoàn có một ông già trước đi lính kèn cho Pháp, lại còn giữ
được cái kèn, thỉnh thoảng ông thổi toe toe. Chẳng hiểu đó là bài gì, nhưng lúc
bấy giờ tiếng kèn có vai trò quan trọng làm thêm phấn chấn đoàn người đi đổi
đời.
Từng
quãng chúng tôi đặt súng nổ lên trời ít phát. Quần chúng sôi nổi hô khẩu hiệu:
-
Đả đảo bọn phát-xít!
-
Cách mạng thành công muôn năm!
Tiếng
hô vang động như sấm rền. Kiếm, dao, giáo, mác lấp lánh dưới ánh mặt trời. Đoàn
đi tới đâu, quần chúng tại chỗ tự động nhập đội ngũ. Chúng tôi lòng rất phấn chấn,
vững tin vào quần chúng. Bây giờ bọn tay sai phản động chắc chẳng dám ngo ngoe.
Nhưng phải đề phòng bọn phát-xít Nhật vì bản chất của chúng rất tàn bạo. Nhất
định quần chúng sẽ toàn thắng, nhưng nếu không chuẩn bị đối phó với tình huống
quyết liệt thì sẽ bị lúng túng. Chúng tôi nghĩ tới cách áp dụng những điều mà
đã được học tập, dự kiến các việc như cắt dây điện thoại, đốn ngã cây, phá
đường, cô lập lực lượng Nhật đóng ở Đông Anh để bảo đảm việc cướp chính quyền
được nhanh chóng.
Lúc
ấy, dù gặp phải cản trở gì, quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền cũng không
hề nao núng, ngược lại còn bốc mạnh hơn. Chị Điệp nai nịt gọn gàng, tay lăm lăm
khẩu súng lục, dây súng quấn vào cổ tay. Anh Thiệp và tôi cũng vậy, luôn luôn ở
tư thế tiến công.
Khoảng
gần trưa, đoàn biểu tình kéo tới huyện. Lúc này, anh em công nhân hỏa xa Đông
Anh đã đến phối hợp cùng làm nhiệm vụ đánh chiếm huyện. Tên tri huyện đã trốn
từ lâu nên việc cướp chính quyền không gặp khó khăn phức tạp. Chúng tôi chuyển
sang trại lính Nhật. Quần chúng vây quanh trại, hô vang khẩu hiệu. Tôi được cử
ra giao thiệp với bọn Nhật. Anh Thiệp chỉ huy tự vệ sẵn sàng… Nếu trong lúc
nói chuyện, bọn Nhật giở trò thì quân ta lập tức đánh trả. Chị Điệp đôn đốc đội
ngũ quần chúng, giữ trật tự chung.
Bọn
Nhật có một tiểu đội. Khi chúng tôi vào đến phố huyện thì gặp tên chỉ huy Nhật
và mấy tên lính. Chúng tôi tìm ngay một thông ngôn và bắt đầu thuyết phục. Tên
chỉ huy đội mũ lưỡi trai bằng vải, mặc quần áo màu cứt ngựa, gặp tôi nó hơi ngơ
ngác một lúc rồi nhìn ngang, nhìn ngửa, quan sát lực lượng của ta. Tôi bảo hắn:
-
Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Ở Việt Nam hiện nay Việt Minh đã làm chủ. Chúng tôi
đã có chính quyền cách mạng. Vậy các anh phải nộp vũ khí, giao trại lính cho
chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo đảm đưa các anh về Hà Nội an toàn.
Hắn
suy nghĩ một lát rồi nói ngập ngừng:
-
Cho tôi gọi điện thoại về Hà Nội vì chúng tôi cần có lệnh từ Hà Nội.
Tôi
đoán có thể là hắn âm mưu gọi xin quân tiếp viện, tôi bảo hắn luôn:
-
Mọi đường dây đều đã bị cắt. Nếu các anh làm theo lời chúng tôi thì sẽ được bảo
đảm an toàn về tới Hà Nội.
Hắn
lấm lét nhìn hai bên, miệng lẩm bẩm một hồi dài nhưng rất nhỏ. Mấy tên lính đi
theo lảng dần. Còn người thông ngôn thì mặt tái đi. Tôi cho là hắn vừa nói điều
gì quan trọng với chúng nó. Nhìn vào trong trại thấy bọn lính đeo vũ khí và tập
hợp về một phía, rồi tỏa ra khuân vác hòm xiểng – chắc là hòm đạn – về phía một
căn nhà kiên cố. Rõ ràng bọn chúng chuẩn bị đánh lại ta rồi. Bên ngoài, quần
chúng cũng thấy như thế, nên đã tiến sát bao quanh lấy tôi, miệng hô khẩu hiệu
vang động. Tôi bình tĩnh bảo tên chỉ huy:
-
Các anh không nên nổ súng vào nhân dân chúng tôi. Làm thế, buộc lòng chúng tôi
phải tiêu diệt các anh.
Hắn
vừa lùi, vừa làu bàu, tỏ vẻ cục cằn và láo xược. Tôi bảo hắn:
- Nên nhớ rằng, chiến tranh đã
kết thúc, các anh sắp được hồi hương…
Tôi
đang nói thì tên Nhật chạy tụt hẳn vào trong trại. Tôi giận sôi lên. Quần chúng
cũng căm phẫn sôi sục. Bên trong, tên chỉ huy Nhật khoát tay ra hiệu. Bọn lính
bắn ra.
Khí
thế quần chúng như một chảo dầu sôi. Tiếng súng của bọn Nhật khác nào một tia
lửa bắn vào làm bùng to lên một đám cháy lớn. Quần chúng gào thét. Các đội viên
tự vệ được lệnh lập tức tản ra và bắn vào trong trại. Các tổ phụ nữ vừa hô khẩu
hiệu, vừa giương cờ ào lên. Tiếng kèn của ông già lại vang lên thôi thúc. Thanh
niên vung kiếm, múa gậy xông vào. Chúng tôi cố ngăn lại để các đội tự vệ có
súng xáp vào chiến đấu. Khẩu đại liên đặt ngay ở cổng trại nổ rầm rầm. Anh em
công nhân xe lửa Đông Anh tới tấp ném lựu đạn vào trại. Quần chúng không ngừng
hô “Đả đảo phát-xít Nhật!”, nhặt đủ thứ ném vào. Anh Môn là bí thư chi bộ làng
Xuân Trạch dẫn đầu tốp thanh niên lao lên bị trúng đạn ở đùi, máu chảy đẫm ống
quần. Anh vẫn thản nhiên động viên:
-
Bà con giữ vững tinh thần. Tôi thấy chúng chết hai thằng rồi!
Anh
thét lên:
-
Anh em tiến lên!
Xô tới
gần cửa trại, anh lại bị thương vào tay. Anh định giấu không để mọi người biết,
nhưng các đồng chí vội kéo anh ra chỗ khuất, băng bó. Vừa được băng xong, anh
lại vùng ra, hô:
-
Anh em xông lên! Tiêu diệt quân phát-xít!
Tiến được mấy bước, anh ngã xuống, miệng vẫn không ngớt
hô:
-
Xông lên! Anh em xông lên!
Tin anh Môn hy sinh truyền đi. Một niềm căm thù sôi
sục:
-
Trả thù cho anh Môn!
-
Tiêu diệt phát-xít Nhật!
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng bên những di sản của ông Trần Độ. |
-
Bà con ơi! Thịt thêm một tên nữa!
Giữa
lúc đó, mấy anh chạy lại níu lấy áo tôi:
-
Anh! Lại chữa hộ chúng em khẩu súng máy, đang bắn thì nó tắc!
Người
đứng bên tôi liền gạt đi:
-
Thôi! Anh đang bận.
Ở
hướng khác, chị Điệp cầm súng lục bò sát tường ló đầu lên cửa sổ dò xét. Đoàng! – Chị phục ngay xuống rồi nhô lên bắn trả lại.
Anh
Thiệp vẫn hò hét ở phía cổng:
-
Bình tĩnh! Giữ vững hàng ngũ!
Một
bà già trạc năm mươi tuổi, tay phất cao cờ đỏ, miệng la lớn:
-
Anh chị em tiến tới! Tiến tới!
Mấy ông cụ quần xắn đến gối, xách
kiếm chạy ngược, chạy xuôi, góp kế:
-
Đốt. Đốt nhà!
Quần
chúng hưởng ứng:
-
Phải đấy! Ném rơm vào! Ném rơm vào!
-
Ra phố lấy rượu, dầu hỏa nữa, mau lên!
Mấy
thanh niên hăng hái lao đi:
-
Rơm đâu? Ném hết vào!
-
Trèo lên mái dỡ ngói, tống xuống!
Em
Diệp, một thiếu niên mười hai tuổi, nhanh nhẹn nói:
-
Em bé, em trèo cho!
-
Không được, để tôi trèo!
Tiếng
hò hét, ai cũng gào như quát. Ai cũng đầy hào hứng góp sức mình hạ bốt.
Trận
chiến đấu kéo dài hàng tiếng đồng hồ cứ sôi sục như thế, càng về sau càng dữ
dội hơn.
Tiếng
súng của địch thưa dần và làn đạn từ trong bắn ra cứ bay lên ngọn cây. Sau một
cuộc hội ý chớp nhoáng, chúng tôi cùng thống nhất nhận định: Bọn Nhật chỉ còn
vài thằng bị thương, ta vào được rồi. Lập tức tôi hạ lệnh xung phong. Cả dòng
thác người ập vào trại địch. Bọn địch bị tiêu diệt. Anh Thiệp, chị Điệp và các
đồng chí đảng viên các xã cùng tôi hô đến khản cả tiếng, đồng bào mới chịu
ngừng tay.
Sau
khi làm chủ hoàn toàn được huyện, Ủy ban khởi nghĩa phân công: chị Điệp chịu trách
nhiệm cùng quần chúng chôn cất bọn giặc đã chết, thu dọn chiến trường. Anh
Thiệp và tôi đi lập chính quyền và tổ chức lực lượng võ trang ở địa phương. Tới
huyện đường, chỉ còn cảnh hoang tàn vô chủ. Chiếc ô-tô hòm nằm chỏng chơ, cửa ngõ
đổ nát hoang tàn, giấy tờ, sổ sách vung vãi …
Ủy
ban khởi nghĩa và đại biểu quần chúng nhất trí cử anh Thiệp làm chủ tịch huyện,
chị Điệp là phó chủ tịch. Sau đó chúng tôi tổ chức đội vũ trang thoát ly gọi là
Giải phóng quân. Có đến hàng trăm thanh niên nhập ngũ. Chúng tôi phải gọi danh
sách và giải thích là hiện nay mới tạm tổ chức một đơn vị nhỏ, sẽ tổ chức lớn
hơn và sẽ gọi thêm sau. Tập hợp thành đội ngũ xong, chúng tôi cử luôn anh em đi
mai phục các ngả đường, đón đánh Nhật nơi khác kéo tới.
Ngay
sau đó, chúng tôi tổ chức lễ truy điệu và an táng đồng chí Môn. Chúng tôi lấy
một lá cờ đỏ sao vàng phủ lên người đồng chí. Hàng trăm người đứng im lặng mặc
niệm, tỏ lòng thương nhớ anh, biết ơn anh và càng nung nấu căm thù bọn phát-xít
xâm lược.
Đám
tang đồng chí được cử hành rất trọng thể ngay chiều hôm ấy.
Để
bảo đảm an toàn, chính quyền huyện tạm dời về làng Cổ Loa, vì ở đó là cơ sở
vững mạnh của ta, địa thế lại hiểm trở, xa đường cái lớn, “tiến khả dĩ công,
thoái khả dĩ thủ”.
Tới
đình Cổ Loa, trời sẩm tối. Chính quyền nhân dân bắt tay vào việc ngay. Việc
trước tiên là phân công thêm một số cán bộ và thanh niên cùng nhân dân tiếp tục
hộ đê chống lụt. Nước sông Hồng đã lại dâng lên, tràn qua đê, chảy xiết ghê người.
Tai họa vỡ đê từng phút, từng giây.
Trong
thời gian chuẩn bị khởi nghĩa cho đến hôm biểu tình cướp chính quyền, đội công
tác chúng tôi suốt ngày đêm bận rộn, có những buổi quên cả ăn uống. Tuy vậy,
người nào cũng cảm thấy mình khỏe mạnh, vui sướng hơn trước.
Nước
sông Hồng vẫn mênh mông. Ngoài bãi nhiều nhà ngập sát mái. Có nơi nước tràn vào
cánh đồng. Dân làng làm lều kín mặt đê. Tuy bị lụt lội uy hiếp, nhưng mọi người
rất hồ hởi. Gặp chúng tôi, ai cũng xúm lại nói chuyện tình hình. Một cụ bảo:
-
Sung sướng quá! Chính quyền về tay mình, bây giờ có chết cũng sướng!
Mọi
công việc vẫn được tiến hành khẩn trương. Chúng tôi đi dọc đê, tới từng làng
thu triện và các giấy tờ của hội đồng hương chính, tuyên bố lập chính quyền
cách mạng. Đồng bào tập trung mít-tinh ngay trên mặt đê. Chúng tôi đọc danh
sách Ủy ban nhân dân cách mạng địa phương do cán bộ hay quần chúng tích cực
giới thiệu và bảo đảm. Nhiều nơi chúng tôi đang tổ chức lập chính quyền ở làng
này, thì làng bên kia đồng bào cũng mít-tinh rầm rộ chờ đợi. Lập chính quyền
đến đâu, tổ chức đội tự vệ đến đấy.
Công
tác ở Đông Anh một thời gian nữa thì tôi được lệnh gọi về Thủ Đô nhận nhiệm vụ
mới. Qua gốc gạo Ba Đê – nơi xuất kích cướp chính quyền ngày nọ - các đồng chí
tiễn tôi đã trở lại, nhưng biết bao nhiêu kỷ niệm từ những ngày chúng tôi còn
“tay trắng, bụng trơn ; đi trăng về thầm” cho đến những ngày chúng tôi đứng
trong “đội ngũ điệp trùng; tay cờ tay giáo”… cứ quấn quýt tâm trí tôi. Và
những con người ấy, việc ấy trong những ngày tháng Tám lịch sử ấy, tôi không
thể nào quên được. Cứ đi được một quãng, tôi lại ngoái lại tần ngần nhìn mãi
cây gạo Ba Đê!
(Trích Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, Nxb Phụ Nữ, 2013)
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa