Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

Những ngày ở Điện Biên Phủ


Chu Phác thể hiện
 I
Hồi tháng 12-1953, theo ý định chiến lược của Trung ương và Tổng Quân uỷ, đại đoàn chúng tôi còn bí mật giấu quân trong những khu rừng già thuộc vùng Yên Bái, sẵn sàng đánh địch ra vùng tự do và cũng sẵn sàng làm đội dự bị chiến lược của Bộ, sẵn sàng thực hiện phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.

Sau một thời gian khá dài vừa chỉnh quân chính trị học tập về cách mạng ruộng đất, vừa huấn luyện quân sự khá kỹ, chúng tôi cảm thấy mình đã có một sức chiến đấu mạnh chưa từng có: tinh thần chiến đấu bắt nguồn ở một lòng căm thù giai cấp rất cao, từ cán bộ đến chiến sĩ, ai nấy đều hăm hở muốn đi giết giặc. Cán bộ được bố trí khá vững mạnh, hầu hết là các đồng chí có kinh nghiệm chiến đấu, trình độ giác ngộ chính trị tốt. Các đơn vị từ đại đội đến tiểu đoàn đều có truyền thống chiến đấu anh dũng và được rèn luyện qua nhiều chiến dịch. Sự đoàn kết trong nội bộ đơn vị vốn đã có từ trước, nay càng được củng cố thêm. Đối với các cán bộ chỉ huy và lãnh đạo không còn có gì vui sướng hơn khi thấy đơn vị mình có một lòng tin yêu nhau sâu sắc. Chúng tôi cảm thấy như phía trước một cái gì vĩ đại và vẻ vang đang chờ đón. Tôi muốn nhân dịp bộ đội tập kết bí mật này, xuống cơ sở nghiên cứu một số vấn đề lãnh đạo còn vướng mắc trong các cấp và trong cả bản thân tôi nữa.
Một hôm, trời như muốn trở rét, mưa dầm ướt át, đường rừng lầy lội và có chỗ rất trơn. Tôi xắn quần cao quá đầu gối, đeo chiếc “xà-cột” vào người, chống chiếc gậy bằng cây hóp, xuống thăm Đại đội 366 - đại đội chủ công của Trung đoàn 209. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ miên man về nhiệm vụ sắp tới và tình hình đơn vị. Điều mà tôi đang băn khoăn là trong mỗi một đơn vị vẫn còn một vài chiến sĩ chưa tiến bộ, trước nhiệm vụ còn cáo ốm, chây lười hoặc ngang bướng không chấp hành mệnh lệnh. Trong khi đó, có một số cán bộ mới được lên cấp thì lại tự ti, e dè, lúng túng trong lãnh đạo và chỉ huy.
Trước đây đã có nhiều đêm tôi thao thức suy nghĩ về vấn đề này, đã có nhiều lần tôi xuống đại đội nghiên cứu, trao đổi trong đảng uỷ, trao đổi với các chính uỷ trung đoàn và các cán bộ khác, tìm mọi cách cải tiến phương pháp lãnh đạo của mình, của các đồng chí khác. Tôi nhớ có một đồng chí cán bộ đại đội gặp tôi, vẻ mặt nhăn nhó:
- Anh ạ, đề nghị đổi chiến sĩ khác cho tôi, nếu không, tôi xin trả lại đại đoàn. Thà ít quân còn hơn có cậu ấy; thật, chỉ làm vướng chân anh em.
Có đồng chí khác tỏ ra chín chắn hơn, nhưng vẫn nặng trĩu một giọng không lấy gì làm thích thú lắm:
- Thì cũng phải kiên trì thôi, nhưng các cậu ấy cũng khó mà tiến bộ, gặp khó khăn thì “chứng nào tật ấy”.
Những câu nói đó càng khơi sâu mối suy nghĩ của tôi. Trước đây, tôi đã biết một Tiểu đội trưởng tên là H., nổi tiếng là “ngang”, lúc thì chây lười từ chối nhiệm vụ, lúc thì tỏ ra ngang tàng, anh hùng cá nhân hay trêu chọc, chèn cán bộ. Nhưng H. lại là một đồng chí chiến đấu rất dũng cảm, bị thương nhiều lần và được nhiều huân chương. Thấy vậy, tôi tìm hiểu kỹ đồng chí đó. Sau nhiều lần chuyện trò thân mật, tôi rủ rỉ hỏi anh:
- Mình hỏi thật nhé! Tại sao cậu hay “ba gai” thế?
Im lặng một lát, anh đáp:
- Tôi chỉ “ba gai” tuỳ lúc thôi. Chắc anh cũng biết, ra trận thì tôi chiến đấu như thế nào.
Nói đến đây anh tỏ ra kiêu hãnh, bàn tay gân guốc nắm chặt lấy cổ báng súng tiểu liên đã bạc phếch, đôi lông mày rậm rướn lên làm cho nét mặt của anh càng thêm vẻ bướng bỉnh. Dần dà, anh kể cho tôi nghe, anh có thành kiến rất xấu với đồng chí chính trị viên đại đội của mình, tuy anh cũng thừa nhận là đồng chí chính trị viên rất dũng cảm và tận tuỵ. Vốn là năm 1952, trong trận đánh Nghĩa Lộ, H. bị thương vào chân không đi được, bị lạc đơn vị, phải lê hai ngày mới tới một bản nhỏ. Anh kiệt sức tưởng như không sống được nữa. Nhưng anh đã tuyên truyền giải thích cho nhân dân, được nhân dân giúp đỡ, rồi sau anh gặp các đồng chí tải thương cáng anh về đơn vị. Anh đã nhường cơm cho người cáng. Thế mà, sau một thời gian ở quân y về tới đơn vị, đồng chí chính trị viên lại hỏi một câu làm H. choáng váng cả người: “Sao đồng chí về quân y chậm thế? Ỷ lại vào cáng phải không?…” H. nói với tôi là: Vết thương đã làm H. đau đớn, mấy ngày lê đi đã đói khát, mệt nhọc, nhưng lúc này câu nói của chính trị viên càng làm anh đau đớn hơn nhiều và hầu như không bao giờ quên được.
Về đơn vị, H. hay chuyện trò với Hùng. Thực tâm, anh cũng không biết lúc này Hùng có tư tưởng đào ngũ. Thế là chính trị viên lại nói như dội thêm một gáo nước lạnh nữa vào đầu anh: “Muốn đào ngũ hay sao mà làm bạn với thằng Hùng?”. Từ đó, biết bao nhiêu những ý nghĩ xấu về người chính trị viên đại đội của anh, luôn luôn làm anh mất thăng bằng về tư tưởng. Anh không phục người chính trị viên nọ, trước còn ngấm ngầm, sau bực mình quá anh nói toạc ta, rồi cãi lại,…
Tiểu đội trưởng H. còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện khác. Khi đơn vị cho H. đi học trường quân chính với ý định bồi dưỡng khả năng cho anh, nhưng anh lại cho là “đẩy đi”. Khi cán bộ thực tâm săn sóc, anh lại cho là giả tạo,…
Qua câu chuyện này tôi nghĩ rất nhiều về tác phong lãnh đạo của cán bộ. Tôi biết rõ đồng chí chính trị viên kia là một đồng chí cán bộ rất trung thành, dũng cảm, nhưng có đôi phần giản đơn và chủ quan. Chỉ có một khuyết điểm với một tiểu đội trưởng mà câu chuyện đi xa đến như thế. Cần phải rút ra ở đây một vấn đề lãnh đạo cho cụ thể…
Tôi đang mải suy nghĩ về câu chuyện cũ, thì chợt đã đi tới khu vực của Đại đội 366. Các chiến sĩ chào tôi và reo lên:
- A! Chính uỷ!
- Anh!
- Anh xuống với chủ công đấy à? Có nhiệm vụ chưa anh?
Các chiến sĩ vây tròn lấy tôi. Người hỏi thăm sức khoẻ, người chất vấn nhiệm vụ, có đồng chí trình bày luôn thắc mắc. Vốn các chiến sĩ và tôi có một tình cảm đầm ấm như thế, vì trước đây tôi đã là chính uỷ của trung đoàn này. Hồi ấy chính uỷ trung đoàn đối với Đại đội chủ công có một tình cảm đặc biệt. Ăn, ở, chuyện trò tâm sự với các chiến sĩ và có lúc tôi có cảm giác như chính mình là người của Đại đội chủ công.
Tôi hỏi vui một chiến sĩ người thấp bé:
- Này, cậu thấp thế thì liệu có đánh nhau được không?
Chiến sĩ đó vui vẻ trả lời:
- Tôi khoẻ lắm, có thể gánh được bốn, năm mươi kilôgam, người thấp bé ra trận càng dễ tránh đạn.
Liền lúc ấy, một chiến sĩ khác bĩu môi, mắt lườm người chiến sĩ thấp bé kia, ý chê bai: mày chỉ nói khoác. Người chiến sĩ thấp bé trông thấy, mặt đỏ bừng, miệng lúng búng như định phản đối, nhưng nghĩ thế nào lại lảng đi chỗ khác. Đến khi tôi la cà vui chuyện với một tiểu đội, nhiều chiến sĩ xúm lại pha trò, rồi cười rộ lên thì người chiến sĩ thấp bé lại đến. Một chiến sĩ hỏi tôi:
- Chính uỷ có thuốc không, cho anh em hút với.
- Mình có cả thuốc lào, thuốc lá. Nhưng thuốc lá chỉ còn vài điếu.
Các chiến sĩ xôn xao, chìa ngón tay trỏ và ngón cái vê vê làm hiệu:
- Xin chính uỷ một điếu thuốc lào.
- Xin chính uỷ một điếu.
Đồng chí chiến sĩ thấp bé cũng hớn hở như anh em khác. Nhưng anh lại chìa hai ngón tay duỗi thẳng theo kiểu kẹ điếu thuốc lá.
- Báo cáo chính uỷ! Cho tôi một điếu thuốc lá.
Mấy chiến sĩ trố mắt nhìn chằm chằm gần như mắng, làm cho người chiến sĩ thấp bé phát ngượng đỏ mặt, tiếp theo là những tiếng xì xào trêu chọc. Người chiến sĩ thấp bé lại xịu mặt xuống, tiu nghỉu chuồn đi chỗ khác. Tôi bồn chồn sốt ruột và thấy như chộp đúng được vấn đề tôi đang tìm. Tôi tìm gặp cán bộ đại đội. Một cán bộ đại đội cho tôi biết tên chiến sĩ đó là K. và giới thiệu luôn:
- Cậu ấy lạc hậu lắm! Không hiểu gì cả, lúc hăng lên thì làm một tý, rồi lại đâu vào đấy! Mang nặng cũng ngại, đi xa cũng ngại, chiến đấu cũng ngại…
Tôi hỏi:
- Sao mình đến thấy cậu ấy có vẻ hăng hái thế? Cậu ấy cứ xoắn xuýt lấy mình mà hỏi nhiệm vụ cơ mà.
- Anh đến thì thế, chứ anh đi thì “chứng nào tật ấy”!
Hôm sau, anh em tiếp tục học tập thảo luận phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Tôi đến dự với tiểu đội có người chiến sĩ thấp bé đó.
Trời mưa, người nào lên sàn lán ngồi thường cũng dính theo một tý đất. Cả tiểu đội và cả tôi cũng vậy. Nhưng khi đồng chí chiến sĩ thấp bé vừa bước chân lên sàn nứa thì cả tiểu đội ồ lên, mắng mỏ, gắt gỏng tỏ vẻ nghiêm khắc:
- Bẩn hết cả sàn rồi!
- Cậu K. mang bao nhiêu là đất lên sàn!
- Chẳng ý tứ gì cả.
Thế là suốt buổi thảo luận, K. cúi gằm mặt và lặng thinh không phát biểu một lời. Sau đó, một cán bộ đại đội cho tôi biết là đơn vị anh còn có hai chiến sĩ chây lười, ngang bướng như thế nữa. Đồng chí nói:
- Chúng tôi vẫn kiên trì giáo dục đấy, nhưng gay go lắm.
Liên hệ chuyện Tiểu đội trưởng H. với những kinh nghiệm lãnh đạo của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc mà tôi vừa được nghiên cứu, tôi kể lại cho các cán bộ đại đội nghe về những chuyện mà chính tôi đã mắt thấy, tai nghe ở đơn vị. Sau khi bàn bạc, chúng tôi nhất trí là: phải xuất phát từ lòng chân thành, tình yêu thương giai cấp, nếu hắt hủi, thành kiến thì không thể nào dìu dắt đồng đội, đồng chí, chiến sĩ tiến bộ được. Tôi bắt đầu đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của từng sự việc, của từng người. Đồng chí chiến sĩ thấp bé nói với tôi:
- Tôi không tiến bộ được, ở đây cán bộ và anh em đều ghét tôi, đề nghị cho tôi đi đơn vị khác.
Tôi hỏi:
- Thế nhưng tại sao anh em lại ghét?
Đồng chí chiến sĩ nói giọng cảm động gần như khóc, kể đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe. Thì ra, những mẩu chuyện cũng gần giống như Tiểu đội trưởng H. trước kia. Ví dụ, trước lúc đi chiến dịch, anh cảm sốt khó chịu thì một người chỉ huy nào đó nhìn với con mắt nghi ngờ hoặc buông thõng một câu: “Lại ốm à?”. Đồng chí đó không muốn giữ trung liên, muốn xin giữ súng trường vì tính tò mò, thiếu kiên nhẫn của tuổi trẻ cũng như nay muốn làm xung kích, mai đánh bộc phá thì cán bộ lại cho rằng: “Lý do lý trấu để từ chối nhiệm vụ”. Như vậy là sự giáo dục đã có phần không đáp ứng đúng với lo nghĩ của anh em, không giúp anh em khắc phục được sai lầm, rồi từ thành kiến này đến thành kiến khác, cán bộ đã đẩy anh em xa lãnh đạo đi đến thiếu tin tưởng cả ở mình và mọi người. (Trong đoạn hồi ký nhỏ này tôi chỉ kể một vài sự việc. Tất nhiên, còn những trường hợp phức tạp hơn, tế nhị hơn. Thật cá biệt thì cũng có những chiến sĩ quá lạc hậu, nhiều lần vi phạm kỷ luật. Nhưng hiện tượng giản đơn, chủ quan, quan liêu trong sự lãnh đạo, giáo dục của cán bộ thì khá phổ biến). Tôi cùng cán bộ Đại đội 366 bàn bạc cách giáo dục cụ thể và chú ý theo dõi sự chuyển biến của từng người. Sau này, tôi lại cùng các đồng chí cán bộ và phòng chính trị đại đoàn bàn bạc trao đổi và phổ biến kinh nghiệm chung cho toàn đơn vị.
* * *
Sau đó một thời gian, ngày 24-12 đại đoàn chúng tôi rời khỏi núi rừng Yên Bái, lặng lẽ tiến về Điện Biên Phủ.
Trong thời gian hành quân, có những ngày tôi đi với Đại đội 243 - đại đội chủ công của Trung đoàn 141. Đồng chí Ch. trước khi đi chiến dịch là Chính trị viên phó của đại đội này, nay đã là Chính trị viên trưởng và là bí thư chi bộ. Ch. có nhiều lo lắng, băn khoăn, không bằng lòng với cương vị của mình, không phải vì anh muốn lên cấp cao hơn mà ngược lại anh chỉ muốn được làm việc ở cương vị thấp. Trước chiến dịch Biên giới (1950), được đề bạt tiểu đội phó, anh đã nằng nặc xin thôi. Sau chiến dịch, Ch. lại được lên cấp tiểu đội trưởng. Thật là một sự việc bất ngờ đối với Ch.! Suốt mấy ngày đêm Ch. thao thức, lo lắng nhiệm vụ, ăn không ngon, ngủ không yên. Ch. gặp cấp trên, vẻ mặt khẩn khoản:
- Báo cáo với anh! Tôi không biết chỉ huy đâu. Cứ cho tôi làm chiến sĩ là tôi sung sướng lắm rồi. Tôi xin hứa làm tròn mọi nhiệm vụ.
Nhưng qua những lần chiến đấu thử thách, Ch. lại “bị” lên cấp, đối với anh, đó vẫn là một mối lo, anh nói với tôi:
- Anh ạ, tôi văn hoá kém, chậm chạp, không chỉ huy, lãnh đạo được đâu. Tôi lại ham chiến đấu, ra trận mải đánh một mình bỏ quên anh em thì nguy to.
Qua nhiều lần tâm tình, tôi được biết: Quê Ch. ở Kiến An, gia đình một tấc đất cắm dùi cũng không có, cha mất sớm, mẹ và hai anh chết đói năm 1945. Cuộc đời Ch. là một chuỗi ngày khổ ải và cực nhọc.
Ch. tham gia vào các đội t vệ chiến đấu của Việt Minh mà chưa hề biết rõ mục đích của cách mạng, chưa biết Đảng là gì. Ch. chỉ biết đi chiến đấu vì thấy không còn con đường nào khác để thoát khỏi cảnh làm thuê, làm mướn, bị khinh rẻ. Mãi đến năm 1947, Ch. mới biết ý nghĩa của việc đánh giặc cứu nước và đến năm 1949, 1950, Ch. mới rõ Đảng là thế nào.
Người Ch. vuông vức, rắn rỏi, nói ít làm nhiều, lúc nào cũng trầm ngâm lo lắng công việc. Nhưng lúc gặp gỡ chiến sĩ hoặc cấp trên, Ch. lại hay cười, một nụ cười lạc quan, tin tưởng, rất hồn hậu, gần như ngây thơ.
Trong đêm tối, các chiến sĩ chạy gằn, bám sát nhau. Ch. cũng xốc ba lô chạy cùng bộ đội. Kịp anh em, Ch. lại nói với tôi:
- Lại phụ trách bí thư nữa, khó lắm anh ạ. Khai hội thì làm những gì, anh em thắc mắc thì giải quyết thế nào? Chiến đấu gặp khó khăn có đại đội trưởng chỉ huy, tôi là chính trị viên và bí thư chi bộ thì làm gì lúc bấy giờ?
Trước đây hồi tháng 10, tháng 11, tôi đã chú ý đến vấn đề này và đã đi một số chi bộ nghiên cứu, sau đó báo cáo lại với Đảng uỷ. Đảng uỷ đã uỷ nhiệm cho tôi viết ra những nguyên tắc và kinh nghiệm về công tác chi bộ, chức trách bí thư, cách phân công và chức trách các chi uỷ viên, dưới hình thức một lá thư thân mật của Đảng uỷ gửi các bí thư chi bộ để anh em nghiên cứu cho dễ dàng, thiết thực. Nay tôi lại dựa vào nội dung bức thư đó bàn thêm với Ch., giải đáp thêm những thắc mắc cụ thể (lá thư đó in litô đề ngày 20-11-1953 hiện còn ở Bảo tàng Đại đoàn).
Suốt mấy ngày đêm hành quân, tôi và Ch. bàn bạc cách làm việc. Ch. vừa đi vừa gật đầu lẩm nhẩm như muốn học thuộc lòng từng cách giải quyết.
Tôi nói thêm:
- Đấy là nguyên tắc chung, nhưng gặp tình huống cụ thể lại phải xử trí linh hoạt. Chú ý đừng tách rời với nguyên tắc của Đảng.
Ch. thở phào nhẹ nhõm, vui vẻ nói:
- Tôi sẽ cố gắng, đề nghị các anh giúp tôi.
Tôi lại nhắc thêm những mẩu chuyện của Đại đội 366 và động viên Ch.
Sau đó đồng chí chính uỷ trung đoàn cũng gửi tiếp cho Ch. một lá thư nữa.
Đến nay, ở cương vị trung đoàn trưởng một trung đoàn bộ binh, thỉnh thoảng gặp tôi, Ch. vẫn nhắc lại chuyện cũ.
Khi đại đoàn chúng tôi tới Điện Biên Phủ, Đảng uỷ bàn bạc rút kinh nghiệm và luôn luôn trao đổi, bồi dưỡng cho các anh em cán bộ công nông khác.
Chúng tôi, những cán bộ lãnh đạo và cơ quan chính trị của đại đoàn không khỏi vui mừng sung sướng. Bước vào chiến dịch lịch sử, đại đoàn có một sự chuyển biến lớn lao, trong đó có sự chuyển biến về tác phong của lãnh đạo, về tư tưởng của các chiến sĩ kém và sự trưởng thành, tự tin của tầng lớp cán bộ công nông.
II
Chiều hôm ấy, một ngày cuối tháng 1-1954. Toàn đại đoàn chúng tôi đã dàn quân dưới các chân đồi phía bắc Điện Biên Phủ, sẵn sàng đợi lệnh. Chỉ còn gần nửa giờ nữa pháo binh của ta sẽ đổ lửa xuống các vị trí của địch.
Tôi vừa định nói một mẩu chuyện vui cho giảm bớt không khí căng thẳng chờ đợi thì chuông điện thoại réo leng keng. Tin gì đây? Tôi bình tĩnh cầm ống nói, lắng nghe tiếng đồng chí Thành (Bí danh của Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái) đang rành rọt ra lệnh:
- Kéo pháo ra, tiếp tục công tác chuẩn bị.
Lúc đó, tôi ngạc nhiên, sửng sốt. Nhưng sau khi thoáng nghĩ đến phương châm đánh chắc, với cách đánh bóc vỏ mà hội nghị cán bộ ngày 14-1-1954 ở hang Thẩm Púa đã bàn tới, tôi bình tĩnh lại và bàn bạc trao đổi ngay với đồng chí Lê Trọng Tấn - Đại đoàn trưởng – và các đồng chí trong Đảng uỷ. Sẵn một niềm tin tưởng tuyệt đối ở trên, toàn đại đoàn chúng tôi đã kiên quyết chấp hành mệnh lệnh một cách vô cùng anh dũng.
Kéo pháo ra! - Những hồi ký, những truyện viết về kéo pháo mới chỉ nói lên được một phần nhỏ bé trong trang sử vô cùng lớn lao, trong sự kiện vô cùng độc đáo của quân đội ta.
Ngày 5-2, chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ. Các khẩu pháo đưa ra được nguyên vẹn. Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm cùng một số cán bộ tiểu đoàn tươi cười kéo vào Sở Chỉ huy thân mật nói với tôi:
- Báo cáo chính uỷ, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí có gì thưởng anh em không?
Tôi trả lời:
- Hôm nay ở đây ăn Tết với cánh mình cho vui (thật ra thì Tết đã qua rồi).
Hôm đó, chúng tôi quây quần lại, ăn một bữa cơm thường. Tuy không thịnh soạn như Tết ở hậu phương, nhưng chúng tôi đã cùng nhau ăn trong không khí vô cùng đầm ấm, quý mến nhau như anh em ruột thịt xa nhau lâu ngày nay được sum họp.
Chúng tôi phân công nhau đi thăm các đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ đều gày rộc đi, quần áo bùn đất còn nhem nhuốc hoặc rách mướp, mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ. Sau đó, trong cán bộ lãnh đạo cũng có đồng chí lo lắng vì đơn vị đã có thương vong, quân số hao hụt chút ít và suy nghĩ nhiều hơn cả vẫn là sức khoẻ của bộ đội giảm sút, sợ ảnh hưởng đến chiến đấu sau này.
Trong tình hình phức tạp, không phải cứ hoàn thành nhiệm vụ là ai cũng phấn khởi như nhau. Vẫn có người lo âu, suy nghĩ,… Tôi qua đơn vị chủ công, tình cờ gặp lại chiến sĩ K. Cậu ta gày hơn trước. K. tươi cười nói với tôi:
- Báo cáo chính uỷ! Tôi lớn lên nhiều lắm đấy. Bây giờ được nghỉ, tắm giặt một ngày, ăn no, rồi ngủ vài đêm cho đẫy giấc thì lại khoẻ ngay thôi ạ.
Mấy chiến sĩ khác tỏ ra lém lỉnh hơn:
- Cậu K. bây giờ ra dáng cựu binh rồi đấy!
- Chính uỷ có thuốc lào cho anh em xin một điếu. Mấy hôm nay hết thuốc, đã mệt lại càng mệt thêm.
Qua những buổi tiếp xúc với chiến sĩ đã tăng thêm niềm tin và càng củng cố quyết tâm cho tôi: “Thế là bộ đội đã trưởng thành lên, chứ không phải suy yếu. Các chiến sĩ đã tỏ ra hoàn toàn xứng đáng trước thử thách đầu tiên. Chiến sĩ mới đã được rèn luyện, tập dượt, vượt gian nan nguy hiểm. Sức chiến đấu của đại đoàn rõ ràng được nâng lên. Vấn đề lớn bây giờ là phải xác định niềm tin tưởng ấy và tích cực giải quyết việc bồi dưỡng thể chất cho anh em ngay”. Nhận định đó được Đảng uỷ và các cán bộ lãnh đạo trong đơn vị nhất trí. Vì vậy ngay lúc đó, chúng tôi phải tập trung giải quyết vấn đề nâng cao sức khoẻ cho bộ đội, tổ chức đời sống lâu dài bình thường ngoài mặt trận, chống tư tưởng nôn nóng “ăn xổi ở thì”.
Từ nhận định “bộ đội được rèn luyện trưởng thành thêm”, kết hợp với tình hình thực tế về sức khoẻ anh em kém sút rõ rệt, Đảng uỷ đã phát động một phong trào cải thiện sinh hoạt, phục hồi sức khoẻ nhanh chóng. Cán bộ chính trị phải toả đi mọi nơi động viên phát huy sáng kiến, nghiên cứu vấn đề. Cán bộ hậu cần bắt tay vào tổ chức một cách khẩn trương. Trong thời gian kéo pháo, anh Tấn làm chỉ huy trưởng, anh Mậu làm chính uỷ, còn tôi có trách nhiệm tổ chức hậu phương. Những vốn liếng chuẩn bị được, lúc này đem ra sử dụng rất đắc lực: bò, lợn, đậu, v.v… Nhưng có nhiều vấn đề còn phải giải quyết: vấn đề tăng thêm thức ăn, kiếm rau, nấu xôi (vì có gạo nếp, nếu chỉ ăn cơm nếp thì chóng chán, anh nuôi lại không có chõ để nấu xôi), v.v…
Bộ đội được nghỉ ngơi, tắm giặt, cắt tóc,… Đặc biệt, các cấp đã chú ý lãnh đạo phát huy sáng kiến cải tiến ăn uống, để phục hồi sức khoẻ cho bộ đội. Nấu xôi nếp không có chõ, anh em đã đan “chõ” bằng tre, bịt lá xung quanh. Anh Lê Thuỳ - Trung đoàn trưởng – có sáng kiến làm được một cái bẫy gà rừng. Thế là chẳng bao lâu “chõ tre”, bẫy gà đã phát triển khắp các đơn vị. Có đơn vị một tuần lễ bẫy được hàng chục gà. Các chiến sĩ chia nhau đi các rãy, các nương, các khe suối tìm kiếm rau xanh. Hàng ngày từ các ngả rừng, anh em khoác về hàng tay nải rau tàu bay, rau mùi tàu, rau muống chua, muống rừng, lá lốt, v.v…
Món củ mài càng trở thành một món “chủ lực” đặc biệt quan trọng. Ở các đơn vị có một số anh em đã từng sống cuộc đời cơ cực nên rất giỏi tìm kiếm, nhận biết dây mài, được tổ chức lại thành “tổ củ mài”. Tổ chuyên môn này đã hướng dẫn anh em cách nhận biết củ mài non, già, gày, béo căn cứ vào dây to, dây nhỏ, dây khô, dây tươi. Hàng ngày số lượng củ mài đưa về không phải là hàng tạ mà hàng tấn. Anh nuôi cũng phát huy sáng kiến, chế biến ra đủ các món : xôi củ mài, canh củ mài, chè củ mài, củ mài hầm thịt gà, củ mài luộc chấm muối rang, v.v… Anh nuôi còn ngâm đỗ xanh làm giá. Các đơn vị làm đất, rắc hạt ra ngay bên cạnh lán ven bờ suối, tăng gia sản xuất tại chỗ. Phòng hậu cần đề nghị lập “công trường đánh cá” hàng ngày kĩu kịt gánh cá tươi từ các khe suối quẩy về. Có khi nhiều cá quá phải phơi khô chuyển dần về phía sau.
Lúc này, bữa cơm dọn ra quả là thịnh soạn. Hoạt động thơ, ca, hò, vè, đọc truyện chiến đấu lại phát triển rộng rãi. Sức khoẻ bộ đội được phục hồi rất nhanh chóng, tinh thần càng thêm phấn chấn.
Sau vài ngày nghỉ ngơi, đại đoàn chúng tôi bắt tay và làm hơn 30 kilômet đường vòng cung, men theo các sườn núi cao ngất, vây quanh thung lũng Điện Biên, bảo đảm cho xe pháo cơ động dễ dàng. Mỗi đại đội đã trở thành một công trường. Với dăm cái choòng, vài con dao rựa, mấy cái cuốc chim, chúng tôi đã bạt núi, san rừng, hạ cây, phát huy hàng trăm ngàn sáng kiến và đã hoàn thành nhiệm vụ. Lúc này có một câu chuyện nhỏ, nhưng lại là một vấn đề lớn: câu chuyện thuốc lào. Tôi đi đến đâu, cũng thấy anh em xì xào về thiếu thuốc hút. Tôi hỏi một chiến sĩ:
- Thế nào, đồng chí có thắc mắc gì về chiến dịch này không?
Chiến sĩ đó vớ ngay cái điếu để bên cạnh, lấy tăm thông luôn mấy cái nõ điếu, nói luôn một hồi:
- Thưa chính uỷ! Thắng chứ! Quân ta nhất định thắng! - Chiến sĩ đó cười gượng nửa vui đùa, nửa ý muốn tôi thông cảm với lời nói thành thật của anh – Nhưng nếu chiến sĩ có thuốc lào hút thì nhất định càng thắng to hơn.
Một chiến sĩ khác vẻ láu lỉnh đề nghị:
- Tôi tính cấp trên nên bớt đi một xe ô tô gạo, chở một xe ô tô thuốc lào lên mặt trận cho anh em. Vì một ô tô gạo thì mỗi người chỉ được độ nửa miếng cơm, chứ một ô tô thuốc lào thì anh em sống được đến một tháng - Chiến sĩ này cười to hơn, nói tiếp – Giá tôi làm chủ nhiệm cung cấp thì nhất định tôi làm thế!
Tôi gặp anh Cao Long – Trung đoàn phó – anh cũng nói với tôi:
- Thắng thì nhất định thắng, nhưng lúc chỉ huy mà không có thuốc lào thì cũng gay go, mất sáng suốt.
Còn Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm lại nói một cách khác:
- Thiếu thuốc lào, quân ta vẫn khắc phục được, nhịn đói đánh giặc còn được nữa là thuốc lào. Nhưng nếu có thì cũng thêm rôm rả câu chuyện đấy.
Nhân câu nói của anh Hoàng Cầm, làm tôi nhớ lại “lịch sử” hút thuốc lào của tôi.
Bắt đầu kháng chiến tôi nghiện thuốc lá. Đến Chiến dịch Hoà Bình (1952), tôi cùng một cán bộ tham mưu xuống thăm một đơn vị. Các chiến sĩ xúm quanh chúng tôi hàn huyên vui vẻ. Đang nói chuyện, tôi thèm thuốc lá quá (thuốc lá rời, lúc hút mới cuốn) nhưng cứ đấu tranh mãi không dám bỏ ra hút vì chỉ còn một dúm nhỏ độ hai ba điếu, bỏ ra ai hút, ai đừng, vả lại các chiến sĩ đều hút thuốc lào, riêng người chỉ huy lại hút thuốc lá, quả là bất tiện. Đang nói chuyện, đồng chí cán bộ tham mưu chạy ra đầu lán, lấy chiếc điếu cày vỗ bồm bộp, rồi rao lên:
- Thuốc lào Kiến An đặc biệt đây!
Các chiến sĩ chạy ồ cả lại xúm quanh đồng chí cán bộ tham mưu. Chỉ còn mình tôi với một chiến sĩ trẻ không biết hút thuốc ngồi nói chuyện với nhau. Còn anh cán bộ tham mưu thì có rất đông “khách” tâm tình. Chỉ một việc nhỏ ấy đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Là một chính uỷ, tìm được một cách gì càng dễ gần chiến sĩ thì càng tốt. Tôi quyết định phải tập hút thuốc lào. Quả nhiên “điếu thuốc, miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, câu chuyện thuốc lào có lẽ đã ràng buộc gắn bó tôi thêm với chiến sĩ. Có lẽ vì có sự phản ánh chung tình hình thiếu thuốc lào của toàn mặt trận nên sau đó ít lâu, hậu cần mặt trận đã cung cấp thuốc lào rất đầy đủ (không biết có phải bớt xe gạo nào không?). Tôi nghĩ nhiều khi chiến sĩ tính toán rất giỏi và rất sát.
Ít ngày sau, khi đơn vị phòng ngự đồi 674 chiến thắng oanh liệt tôi gửi tặng luôn một món quà đặc biệt cho anh em, đó là: thuốc lào!
* * *
Sau một thời gian chuẩn bị, đại đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch. Tôi không sao kiềm chế nổi niềm vui sướng. Gặp các đồng chí chỉ huy, gặp các đồng chí chiến sĩ lúc nào tôi thấy ai cũng bận rộn, vất vả nhưng rất vui vẻ, phấn khởi.
Chiến sĩ K., Chính trị viên Ch. và nhiều cán bộ chiến sĩ khác gặp tôi đều hớn hở, chan chứa niềm tin: nhất định thắng!
Các chiến sĩ văn công chia nhau đi xuống các đơn vị, ra tận chiến hào, mang theo đàn “ắccoócđêông”, “ghita” ca hát động viên bộ đội. Một cô gương mặt hớn hở, khoe với tôi:
- Văn công mới tập được một số bài hát hay lắm!
Tôi bảo:
- Hát thử nghe nào?
Anh chị em văn công hát thử. Anh Tấn và tôi cùng nghe. Sau chỉnh quân chính trị, trình độ được nâng lên, các bài hát đều biểu hiện được tốt ý thức giác ngộ giai cấp. Chúng tôi liền cho phổ biến khắp các đơn vị. Thế là từ hôm đó, các đơn vị ở trong rừng, ngoài cánh đồng, trong chiến hào, dưới lòng suối khô, chỗ nào cũng rộn ràng tiếng hát.
Hồi ấy, các đồng chí văn công cho tôi một cái sáo bằng nứa rất đẹp. Tôi tập thổi bài Nhị Lang Sơn của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc để hoà cùng tiếng hát với anh em. Những hình ảnh vui tươi, đầm ấm ấy gợi cho tôi nhớ lại cảnh đoàn văn công nhân dân không chuyên nghiệp của tỉnh Lai Châu tới uý lạo khi chúng tôi còn trú quân trong rừng. Các cô thiếu nữ người Thái cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị tôi nhảy xòe “đoàn kết” và nói nhiều chuyện về đời sống khổ cực của nhân dân Lai Châu khi còn quân Pháp chiếm đóng.
Hình như tiếng hát trong trẻo và những lời nhắn nhủ ân cần, chân thật: “Mong bộ đội giải phóng Điện Biên” của nhân dân Tây Bắc vọng tới chúng tôi trong giờ phút chuẩn bị chiến đấu náo nhiệt này. Các đơn vị tổ chức những cuộc nói chuyện nhắc lại những trang sử chiến đấu anh dũng và vẻ vang của mình, khí thế bừng bừng sôi sục…
Tôi thấy từng chiến sĩ đều lớn lên rõ ràng. Ba trung đoàn đều trưởng thành như nhau. Tiểu đoàn nào cũng đều đánh công kiên được. Cán bộ trung đoàn, có những đồng chí hăng hái, xốc vác và tận tuỵ như Hoàng Cầm, Lê Thuỳ, Trần Quang Tuyến… Cán bộ tiểu đoàn, có thể gọi là khá linh hoạt, vững vàng. Chúng tôi không còn gì sung sướng nào hơn khi thấy đơn vị mình chưa lúc nào mạnh bằng lúc này và ai ai cũng háo hức chờ mong xuất trận với một lòng tin nhất định thắng lợi!
Các cô văn công lúc nào cũng tươi cười, ríu rít như chim sơn ca. Tất cả đều vui mừng, tự hào vì đang được làm một việc quan trọng và đầy ý nghĩa. Các cô cũng đào hầm và tự nguỵ trang lấy hầm của mình như những chiến sĩ thành thạo. Riêng các cô ở đội văn công đại biểu thanh niên đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên thế giới ở Bucarét (chúng tôi cứ gọi tắt là văn công Bucarét) đã lấy vải đỏ, vải vàng may cờ và cắt chữ “Quyết chiến Quyết thắng”, cặm cụi khâu thành lá cờ rất đẹp.

Ảnh: Người chính ủy Đại đoàn bắt sống tướng Đờ Cát-tơ-ri thăm lại chiến trường sau 35 năm
 Đại đoàn làm lễ trao cờ “Quyết chiến Quyết thắng” cho Đại đội 243, đại đội chủ công của Trung đoàn 141. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh người đại đội trưởng cụt tay, đội mũ nan bọc vải, choàng lưới gai mấy chùm lá, mặc áo trấn thủ và một ống tay áo bên phải bằng sợi dệt buông thõng xuống. Anh có đôi mắt nghiêm nghị và sắc sảo, gò má cao, với nước da dày dạn sương gió. Người đại đội trưởng đại đội chủ công ấy tên là Noạ. Tên anh khó gọi và khó nhớ, nhưng khi đã gặp và đã gọi tên anh một lần thôi thì không bao giờ quên được vì anh đã từng lập nên bao nhiêu chiến công hiển hách, lừng tiếng khắp đại đoàn về lòng dũng cảm và sự khôn ngoan mưu trí của mình.
Noạ ghì chặt lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” vào ngực, xúc động, nghẹn ngào, hứa hẹn: “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”.
Các đơn vị tiến ra chiếm lĩnh trận địa, lòng tôi tràn ngập niềm tin, nhưng vẫn có băn khoăn, lo lắng. Là một người lãnh đạo, dù vui mừng, phấn khởi thế nào chăng nữa cũng không thể gạt hết được những mối lo khi tính toán đến những giả thuyết ngược lại. Những bài học sâu sắc của Chiến dịch Tây Bắc lần thứ nhất (1951) lại diễn ra trong trí nhớ tôi, lần này đánh to hơn trước nhiều, chắc có nhiều khó khăn bất trắc mà mình chưa tính trước được. Thương binh, tử sĩ cũng nhiều hơn, giải quyết phức tạp hơn. Tôi tự đặt ra hàng loạt câu hỏi, rồi lại tự giải đáp, rồi bàn bạc với anh Tấn. Nhưng do cá tính, bề ngoài lúc nào tôi cũng vui cười tự nhiên, nói chuyện khôi hài để làm dịu bớt những giây phút căng thẳng. Ngồi trong Sở Chỉ huy đại đoàn, anh Tấn tươi cười nói với tôi:
- Sướng thật! Lần đầu tiên mình đánh có pháo to. Cứ tính ra, trung bình có lẽ mỗi thằng Tây ở cụm Him Lam phải “ăn” đến dăm, ba quả.
Tôi cũng phấn khởi nói thêm:
- Lát nữa, pháo ta bắn, mình lên đài quan sát xem cho khoái một tý đã.
Khi pháo binh của ta bắt đầu dội xuống cụm cứ điểm Him Lam, tôi ở đài quan sát nhìn thấy rõ những đồn địch như những cái đe khổng lồ, đang nằm chịu những nhát búa lửa liên tiếp.
Trận đánh mở màn ấy đã diễn ra vô cùng oanh liệt. Cuốn Kể chuyện Điện Biên, Đại đoàn Chiến thắng, một số sách báo, v.v… đã nói nhiều về trận này. Ở đây, tôi chỉ kể lại một vài nỗi lo âu và vui mừng trong rất nhiều cảm nghĩ của tôi lúc ấy.
Trong khi Tiểu đoàn 130, 428 đã tiến sâu vào trong cứ điểm thì Tiểu đoàn 11, trong đó có Đại đội chủ công 243 vẫn “mắc kẹt” ở hàng rào cuối cùng. Quân địch vẫn đổ dồn hàng tấn đạn vào đó. Hình ảnh Chính trị viên Ch., Đại đội trưởng Noạ chập chờn trong trí tưởng tượng của tôi. Tôi đứng lên, ngồi xuống, ra chỗ máy điện thoại, lại trở về bàn bạc với anh Tấn. Đầu óc chúng tôi luôn căng thẳng và mức độ căng thẳng ngày càng cao vì những báo cáo từ trận địa dội về:
- Súng phun lửa của địch bắn ra chặn đường tiến của ta.
- Có một ụ súng bất ngờ xuất hiện.
- Hết bộc phá dự bị, anh em đang tìm cách vượt dây thép gai.
- Các mũi phối hợp của Tiểu đoàn 130 và 428 không sang được.
- Vân vân và vân vân…
Tuy lo lắng nhưng chúng tôi vẫn tin chắc chắn là Đại đội 243, Tiểu đoàn 11 nhất định làm tròn nhiệm vụ. Đã bao nhiêu năm sống với nhau, chúng tôi đã hiểu những con người ấy, đơn vị ấy không bao giờ bó tay khuất phục trước khó khăn. Đặc biệt những cán bộ công nông mới đề bạt lúc bình thường còn rụt rè, tự ti, từ chối không dám nhận “lên một cấp”, thì nay những lúc “vàng thử lửa”, các đồng chí đó đã tỏ ra vô cùng xuất sắc.
Quân địch xả từng loạt đạn pháo, cối xuống dòng sông Nậm Rốm quãng quân ta vượt qua. Chính trị viên Ch. đã bình tĩnh nép mình vào một tảng đá ngay bên bờ sông, động viên từng tổ vượt qua, nhắc nhở các đảng viên nhớ vai trò tiên phong của mình. Về sau chúng tôi còn được nghe các chiến sĩ kể lại rằng: Đêm tối, lúc xung phong gặp khó khăn, từng chùm lửa đạn xanh lè, đỏ ối đan chằng chịt trên mặt đất, anh em thấy một người cứ bò ngược, bò xuôi, rì rầm với người này lại đến với người khác. Anh em hỏi:
- Ai!
- Ch. đây!
Thì ra, chính trị viên Ch., bí thư chi bộ đi hội ý chi uỷ, truyền đạt nghị quyết và động viên các đảng viên. Anh còn tìm gặp các chiến sĩ tỏ ra ngại ngần hoặc nóng ruột để tiếp sức củng cố quyết tâm. Các chiến sĩ còn nói với tôi: Mỗi lúc nghe thấy tiếng nói: “Ch. đây!”, lòng anh em bồi hồi, rạo rực, vừa cảm động, vừa yêu thương và chan chứa niềm tin, trong lòng chiến sĩ lại càng bừng sức mạnh.
Chúng tôi lại được tin, chiến sĩ K. đã đánh hai quả bộc phá thành công. Anh xách súng tiếp tục lao vào lô cốt giặc… Những tin ấy đã làm cho tôi tăng thêm tin tưởng, đầu óc đỡ căng thẳng phần nào.
Khoảng 11 giờ đêm, từ Trung đoàn 141 báo cáo về:
- Một tiểu đội của ta đã xung phong vào lô cốt và chiến hào của địch.
Không ghìm nổi xúc động, tôi reo lên:
- A! “Ăn” rồi! Thế thì nhất định xong đến nơi rồi!
Đồng chí Tấn cũng trầm ngâm gật gù:
- “Ăn”! Chắc là “ăn” rồi!
Tôi đoán chắc rằng chỉ một thoáng nữa thì toàn bộ cứ điểm sẽ lọt vào tay những người chiến sĩ dũng cảm ấy. Vì tôi đã nắm chắc đặc điểm của đơn vị này, phá xong hàng rào, mở được cửa thì xung kích sẽ đánh thốc vào trong như vũ bão, rất xông xáo và táo bạo, giải quyết trận địa rất nhanh. Quân địch sẽ trở tay không kịp.
Quả nhiên, khoảng 11 giờ 30 phút đêm, cứ điểm Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt.
Ngay sau đó, chúng tôi cùng các đồng chí đơn vị bạn lo chuẩn bị đánh đồi Độc Lập và đã hoàn thành nhiệm vụ mở toang cửa chính tiến vào Điện Biên.
Trận đầu, chúng tôi đã chiến thắng! Tôi đang suy nghĩ lãnh đạo nhiệm vụ tiếp theo thì anh Văn có ý kiến căn dặn tôi: “Không phải theo quy luật giản đơn là cứ thắng thì chủ quan tự mãn, mà phải đi sâu lãnh đạo tỉ mỉ để phát hiện giải quyết tốt mọi vấn đề”.
Tôi lại đi dự hội nghị chi bộ, đảng uỷ của một số đơn vị. Một cán bộ đại đội rất trẻ đã tham dự trận chiến thắng Him Lam, nói với tôi:
- Thắng! Nhưng chất lượng hơi giảm sút anh ạ! Mấy đồng chí “mũi nhọn” của chúng tôi vắng mặt cả rồi!
Quả vậy, quy luật tư tưởng có phức tạp thật. Nhưng do trình độ giác ngộ giai cấp được nâng cao, các chi bộ, tổ đảng lãnh đạo chặt chẽ, tư tuởng lo ngại của một số cán bộ lại được ổn định. Lúc này chúng tôi phải làm việc khẩn trương để phát hiện và phổ biến ngay các gương chiến đấu và kinh nghiệm công tác, nhất là công tác cổ động chiến trường. Những chuyện chiến đấu của Phan Đình Giót, Trần Can ở Him Lam và Tiểu đội trưởng Doãn ở đồi Độc Lập được kịp thời nêu lên, tôi viết ngay chuyện “Phan Đình Giót” và “Lá cờ của Bác” để in litô phát luôn xuống cho khắp các đơn vị.
* * *
Sau một thời gian làm trận địa để xiết chặt thêm vòng vây và chuẩn bị đợt hai của chiến dịch thì lại có nhiều vấn đề phức tạp đặt ra. Cán bộ gặp tôi thường phàn nàn:
- Bây giờ lại làm nhiệm vụ xây dựng trận địa, thỉnh thoảng lại vài người lên cáng. Thật, đánh không ngại bằng đào! Đánh phắt đi cho xong.
Có một đơn vị khi làm công sự lấn dần, đào một mũi giao thông hào chọc thẳng qua các hàng rào dây thép gai của địch. Trong lúc đang tiến, một chiến sĩ bị dây thép gai móc vào ống quần nhùng nhằng, chiến sĩ đi sau bực mình gắt:
- Rứt ra! Rứt ra!
Anh đi sau nữa nghe chẳng thủng, lại truyền tiếp thành lệnh:
- Rút ra! Rút ra!
Cả đơn vị ùn ùn vác xẻng, cuốc quay trở về. Người chỉ huy sửng sốt ngạc nhiên, còn các chiến sĩ thì lấy đó làm thú vị vì không phải đào.
Nghe chuyện, chúng tôi vừa buồn cười, nhưng lại vừa thấy trách nhiệm lớn lao của mình trong vấn đề này, lại còn bao nhiêu chuyện đào lệch hướng, đào không đúng quy cách. Quân số đào thiếu hụt đi nhiều. Tổ chức ăn, ngủ cho chiến sĩ cũng gặp nhiều khó khăn… Lại một phen họp Đảng uỷ, họp cán bộ, họp chi bộ. Vừa may lúc đó có thư của Đại tướng gửi các chiến sĩ giải thích về nhiệm vụ làm trận địa. Chúng tôi lại ra sức công tác… Sau một thời gian tiếp tục quán triệt nhiệm vụ, tôi được đọc một bài ca dao do chiến sĩ sáng tác, chuyền tay nhau:
Đúng rồi, muốn đánh thì đào,
Muốn thắt cổ địch phải có nhiều hào vây quanh.
Chiến hào cùng với chiến binh,
Họ “chiến” chúng mình cùng quyết chiến lập công.
Nhiệm vụ xây dựng trận địa đã hoàn thành, ngày 30-3-1954, đơn vị chúng tôi cùng các đơn vị của chiến dịch nổ súng tấn công đợt hai. Lúc này Chính trị viên Ch. đã lên cấp chính trị viên phó tiểu đoàn, nhưng anh vẫn băn khoăn từ chối, muốn xin về Đại đội 243 trước kia của anh - Đại đội chủ công đã từng làm cho kẻ địch phải kiêng nể, run sợ.
Đại đội trưởng Noạ, người có đôi mắt sắc sảo và kiên quyết đã dẫn đại đội mở đường, táo bạo vượt qua khe hở giữa các cứ điểm D1 và E. Như một mũi dao nhọn, đại đội đã ào ào thọc sâu, đánh tan Tiểu đoàn dù nguỵ thứ 5 (5è BPVN), đánh thốc vào Tiểu đoàn Âu – Phi thứ 1 (1è BPC), một bộ phận xuyên thẳng vào cứ điểm 210 do Đại đội thứ 12 của địch chiếm giữ. Trước sức tấn công bất ngờ như vũ bão của Đại đội 243, quân giặc hoảng hốt vất cả pháo để chạy thoát thân. Các dũng sĩ anh hùng 243 đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các đại đoàn tiêu diệt địch, đánh chiếm và giữ vững đồi D1, D2 và E. Các chiến sĩ Đại đội 243 đã nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời của các chiến sĩ Điện Biên (Xem Đại đoàn Chiến thắng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1963, tr.263 – 269).
Sau đó Đại đội 243 được nhanh chóng bổ sung, chấn chỉnh tổ chức, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Về sau này, mỗi lần nhắc tới hành động chiến đấu của các chiến sĩ ở những trận Him Lam, Độc Lập và 210, tuy không hình dung được những sự việc cụ thể, tôi cũng thấy dậy lên niềm tự hào và tình mến yêu thắm thiết với Đại đội 243 trong phần sâu kín nhất của trái tim tôi.


III
Trong những kỷ niệm về Điện Biên Phủ, tôi không thể nào quên được câu chuyện đấu tranh tư tưởng chống hữu khuynh tiêu cực, nâng cao tinh thần tích cực cách mạng, vượt mọi khó khăn để đi tới toàn thắng. Trước đây trong mỗi chiến dịch, tôi đều có một số khuyết điểm, sai lầm và mỗi lần có sự tổng kết phê phán, tôi lại suy nghĩ được rộng rãi sâu sắc thêm về các mặt công tác.
Mỗi lần nhận thấy được khuyết điểm, trong lòng có nhiều nỗi chua xót nặng nề nhưng là cái chua xót nặng nề trong niềm tự hào về trách nhiệm lớn lao của một người đảng viên, của một cán bộ lãnh đạo.
Tôi thường nhận thức thấy một cách rất sâu sắc rằng mình vấp váp là vì mình có trách nhiệm phải giải quyết các vấn đề rất lớn, mà vì đâu mới có trách nhiệm đó? Vì mình là một đảng viên tự nguyện đem thân phấn đấu cho một lý tưởng vĩ đại. Mình làm sai là mình kém, nhưng cái điều đó lại chứng tỏ một cách rõ rệt nhất là mình đang làm cách mạng.
Tôi rất khó chịu khi nghe có người phàn nàn: “Cán bộ chính trị là quyền rơm vạ đá”. Những người đó coi trách nhiệm với cách mạng là một cái “vạ đá” và coi việc không được trực tiếp chỉ huy hò hét, quyết định công việc là không có quyền hành. Và những người đó thích quyền hành hơn trách nhiệm. Có những đêm tôi nằm suy nghĩ rất nhiều về các tiểu đội có những đảng viên tận tuỵ chăm lo giáo dục động viên anh em được tặng danh hiệu “chính uỷ tiểu đội” và tôi thấy chức vụ chính trị viên và chính uỷ thật là một danh hiệu cách mạng rất vẻ vang.
Ở Điện Biên Phủ, những nhận thức ấy của tôi càng được củng cố. Trong đợt hai, tôi cùng các đồng chí phụ trách khác của đại đoàn bị phê phán rất nặng nề, nghiêm khắc, lắm lúc ngồi nghe tưởng chừng như bị nghẹt thở. Thế rồi sau đó, suy nghĩ sâu sắc hơn về mọi công tác lãnh đạo, chỉ huy, nỗ lực hơn trong công tác, phân tích tình hình được kỹ hơn và tất cả những cái đó tác động đến hành động chiến đấu của cả đại đoàn đem lại thắng lợi, thì tôi lại càng thấm thía câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quy luật phát triển của Đảng ta là phê bình và tự phê bình”. Tôi thấy rõ quy luật phát triển và trưởng thành của bản thân tôi cũng y như vậy. Kẻ địch muốn tìm hiểu bí quyết của sức mạnh của quân đội ta ư! Ta chẳng cần giữ bí mật mà cứ mách cho nó cái “bí quyết” đó và thách nó thực hiện cho được. Thực ra đó là quy luật của Đảng cách mạng, của quân đội cách mạng chứ chẳng phải của bất cứ ai đâu!
Từ đợt hai đến đợt ba của Chiến dịch Điện Biên Phủ có một quá trình diễn ra trong tôi và trong đại đoàn của chúng tôi, theo quy luật như vậy.
Trong đợt hai, đại đoàn chúng tôi vẫn chiến thắng dồn dập: Hai trung đoàn đánh đồi E, đồi D đều được thưởng Huân chương Quân công. Nhưng trung đoàn đánh đồi 105 (bắc sân bay) gặp khó khăn. Đêm đầu đánh mở được đột phá khẩu rồi xung phong không được, đêm thứ hai và thứ ba chuẩn bị lúng túng kéo quân ra rồi lại kéo quân về. Mãi đêm thứ tư mới đánh được, nhưng khi vào được đồn, địch chỉ còn một ít mà bên ngoài ta không kịp đưa quân vào tiếp. Trời gần sáng, địch ra phản kích. Hai cánh chặn phản kích của ta thì một cánh đi lạc, một cánh chiến đấu rất anh dũng hạ được xe tăng địch, nhưng cũng vì ít quân nên không ngăn được địch. Khi đại đoàn điều quân tới thêm thì địch đã lấy lại hẳn được đồn.
Chúng tôi nhìn nhau nặng nề đau xót. Nhưng tôi cũng chỉ mới thấy: thực sự chiến sĩ ta rất anh dũng, nhưng trung đoàn và tiểu đoàn chỉ huy trận đánh chưa tốt. Chúng tôi họp Đảng uỷ, thống nhất nhận định rồi nhận xét các trung đoàn. Và tôi cũng yên tâm như vậy là chính xác.
Khi tôi báo cáo lên trên, các đồng chí trong Tổng Quân uỷ liên hệ tình hình nhiều mặt chỉ ra những thiếu sót đó và phê phán một câu như mũi dao đâm thẳng vào trái tim tôi: “…Không có quyền để cho những chiến sĩ anh dũng của chúng ta phải hy sinh một cách không cần thiết, để rồi đến đây tự kiểm thảo và ca ngợi tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ đó!”.
Đúng thế! Tại sao trước đây trong Chiến dịch Tây Bắc khi đánh Bản Hoa, tình hình rất phức tạp, chúng tôi biết đặt năm điều yêu cầu cho trung đoàn và đợi giải đáp được đầy đủ mới cho đánh. Tại sao trận Him Lam, đồi Độc Lập, trận đồi D, đồi E, chúng tôi nắm chắc tình hình, bố trí chu đáo, đôn đốc tích cực, kiểm tra đi lại nhiều lần và tự mắt chúng tôi trông thấy được bộ đội xuất kích, sờ nắn được vào các ống bộc phá và tin chắc là chúng sẽ nổ. Thế mà lần này, chúng tôi lại giản đơn như vậy. Đó là thấy thắng lợi liên tiếp sinh ra chủ quan tự mãn rồi qua loa đại khái, đánh giá địch không đúng, kiểm tra ta không kỹ, ngại khó trong việc kiểm tra đôn đốc…
Theo truyền thống cũ của đại đoàn, chúng tôi quyết định sau hội nghị ở Bộ Chỉ huy chiến dịch (ngày 8-4), chúng tôi mở hội nghị tự phê bình. Trước hết, nói rõ những khuyết điểm của chúng tôi và sau đó khêu gợi anh em cán bộ để cùng nhau tự phê bình. Hội nghị này tiến hành ngay ở Sở Chỉ huy đại đoàn, có cả anh Lê Liêm thay mặt Đảng uỷ mặt trận đến dự.
Trong hội nghị, chúng tôi thẳng thắn phê bình nhau, nêu cao những gương anh dũng tận tuỵ, phê phán những hiện tượng ngại khó, vô trách nhiệm (trong các việc làm trận địa, nuôi quân, bố trí trận đánh). Có đồng chí cán bộ đã khóc khi tự phê bình. Chúng tôi nhắc lại ý nghĩa của chiến dịch. Chúng tôi nói cho nhau nghe rõ quyết tâm của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dốc toàn lực huy động toàn dân quyết thắng ở Điện Biên Phủ. Sau đó, chúng tôi theo chỉ thị của Đảng uỷ mặt trận mở tiếp các cuộc hội nghị đấu tranh phê bình suốt đến cán bộ các cấp dưới. Chúng tôi phân công nhau đi khắp các đơn vị giải thích, động viên cán bộ, xem xét tình hình chiến sĩ để có kế hoạch giáo dục, huấn luyện thêm, chuẩn bị bước vào đợt ba. Tôi lại còn thêm một lo lắng nữa: có một số chiến sĩ mới bổ sung, một số cán bộ các cấp ít tin tưởng vào các chiến sĩ mới. Tôi thấy phải tìm hiểu rõ thêm vấn đề.
* * *
Anh Tấn và tôi cùng đi xuống các trung đoàn. Tôi đi gặp chiến sĩ, cán bộ, anh Tấn nghiên cứu kỹ thêm tình hình địch ở tiền duyên.
Lúc ấy chúng tôi ra tiền duyên vào một buổi sáng sớm, sương trắng mờ mờ còn phủ kín Mường Thanh. Các giao thông hào ẩm ướt lép nhép đầy bùn quánh đi rất trơn và dễ bị thụt. Vài quả pháo địch bắn vu vơ tung đất đỏ lên cao, những lùm khói đen toả chậm. Mặt đất ở cánh đồng và ven các đồi vắng lặng một cách kỳ lạ. Chúng tôi phải nhảy lên bờ hào đi cho nhanh, tuy rằng đã có quy định cấm đi như thế. Thỉnh thoảng gặp một tốp chiến sĩ cấp dưỡng gánh cơm sáng ra trận địa, một vài cán bộ tất tưởi đi hội ý và kiểm tra. Ở chỗ suối gần Him Lam có một đám mổ bò náo nhiệt. Đến gần chân đồi D, từ trong một ngách giao thông hào vang ra một giọng ngâm thơ. Tôi đi nhanh một chút, tiếng người ngâm thơ im bặt, rồi hỏi vọng về phía tôi:
- Anh nuôi đấy phải không?
- Không phải, anh nuôi còn đi sau.
Vẫn cái giọng trong trẻo ấy, hỏi tiếp:
- Ai thế? Vào đây đánh một ván “phăng teo” đã.
Bước vào hầm, tôi gặp một chiến sĩ đang loay hoay buộc lại chiếc quai mũ bằng dây dù đỏ. Nghe giọng nói và nhìn đôi mắt tinh nhanh, nụ cười tươi rói đượm vẻ ngây thơ, tôi nhớ ngay đây là cậu Xuyến, một tân binh mới 18 tuổi. Thật là một sự tình cờ thú vị. Tôi đã được gặp cậu ta một lần rồi.
…Vừa vào bộ đội buổi sáng thì buổi trưa Xuyến đã cùng đơn vị đánh lại hai tiểu đoàn Âu – Phi có xe tăng yểm hộ phản kích lấp giao thông hào ở sân bay. Xuyến mới kịp học ném lựu đạn và bắn tiểu liên. Nhưng anh đã cùng tiểu đội chiến đấu đánh lui bốn đợt xung phong của địch. Đến khi tiểu đội trưởng và tiểu đội phó bị thương, Xuyến đã được anh em công nhận là tiểu đội phó tiếp tục chỉ huy đánh lui mấy đợt xung phong tiếp theo của địch, giữ vững trận địa. Sau mấy trận chiến đấu nữa, Xuyến đã lên cấp tiểu đội trưởng. Xuyến được về Bộ tư lệnh đại đoàn báo cáo thành tích. Lúc ấy tôi đã chú ý hỏi kỹ Xuyến:
- Khi chiến đấu đồng chí thấy thế nào? Có sợ không?
Xuyến hớn hở trả lời ngay:
- Lúc đầu cũng bỡ ngỡ, nhưng khi thấy giặc mà được trực tiếp giết nó thì thích lắm!
Tôi nắm tay Xuyến vui vẻ hỏi thêm:
- Thế có lo lắng gì nữa không?
Xuyến hồn nhiên đáp:
- Báo cáo chính uỷ, chiến đấu mà sợ hy sinh thì phải làm nô lệ mãi mất ạ!
- Có vất vả, gian khổ lắm không?
- Báo cáo chính uỷ, ở nhà tôi lao động nhiều nên cũng quen với vất vả, gian khổ rồi ạ!
Lúc ấy nghe Xuyến nói, tôi chợt thấy câu hỏi của tôi hơi ngớ ngẩn. Tôi vừa cảm thấy mến phục anh chàng trai trẻ này lại vừa thấy kiêu hãnh, tin tưởng.
Tôi nhìn vào hầm của Xuyến và xem các hầm bên cạnh, thấy hầm nào cũng có vải dù che phủ đẹp đẽ, có lọ hoa bằng vỏ đạn và khẩu hiệu. Có hầm kiến thiết hẳn cả một cái gường nằm (đó là miếng đất nổi lên được các chiến sĩ xén gọn ghẽ) phủ đầy lá và có cả khăn trải cũng bằng vải dù.
Gặp Xuyến và nhớ lại một số cuộc gặp gỡ các đoàn tân binh mới bổ sung đi đào trận địa, nhớ lại bước đường trưởng thành của một số chiến sĩ thi đua rất trẻ của đại đoàn như Nguyễn Hải, Trần Thành, v.v… tôi bỗng thấy rất nhiều đề tài nói chuyện để giải quyết cái thắc mắc “đơn vị mất chốt”.
Đi qua một quãng giao thông hào khác, tôi lại thấy có tiếng hát rè rè, tôi ngó vào thấy một chiến sĩ đang ngồi khâu lại chiếc giày rách. Anh ta ngừng hát một chút nhưng chẳng nhìn lên, hỏi buông sõng:
- Đi đâu sớm thế? Xê ra kẻo tối, người ta không khâu được.
Anh Tấn và tôi mỉm cười kéo nhau đi và bàn với nhau về cái không khí “cuộc sống bình thường” ở nơi lửa đạn này, rút ra được cái triết lý về cuộc sống lạ lùng và thú vị này.
Trong khi đi đường tôi thích nhất là thấy giữa những khoảng đất bị bom đạn cày lên nham nhở, giữa những màu đỏ quạch, xám xịt bẩn thỉu của đất, những bông hoa riềng to bằng bắp ngô mọc dựng đứng lên một cách mạnh mẽ, cánh hoa màu tím hồng hơi nhạt lại lóng lánh những giọt sương mai trông tươi mơn mởn, những bông hoa hiện ra đẹp đẽ như những hứa hẹn của tương lai, những dấu hiệu báo trước của chiến thắng.
Tôi chạy đi hái một bó khá lớn định bụng sẽ đem tặng các đồng chí ở trung đoàn mà chúng tôi sẽ tới.
Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm đón chúng tôi ở cạnh chiến hào. Chúng tôi không vào hầm mà ngồi lên những chiếc ghế (hòm đạn không) ở cửa hầm để hưởng chút không khí mát mẻ và nói chuyện cho thoải mái. Tôi tặng Hoàng Cầm bó hoa và tự tay cắm vào một cái vỏ đạn đại bác rồi đặt lên bàn (một hòm đạn to để úp xuống). Trong khi nghe trung đoàn báo cáo tình hình thì máy bay địch tiếp tục thả bom và ném dù xuống. Một cán bộ tham mưu reo lên: “A, có quà từ Hà Nội mang lên, chúng tôi xin thết tư lệnh và chính uỷ”. Anh chạy nhanh ra đón cái dù, rồi chạy về ngay và trịnh trọng một cách tinh nghịch:
- Báo cáo, dù dây thép gai!
Chúng tôi đều phì cười.
Tôi hỏi chuồng xí của trung đoàn bộ đâu. Hoàng Cầm chỉ vào một hố bom mới gần đó. Tôi ngạc nhiên, anh giải thích:
- Đi vào đấy vừa không phải đào “hố mèo”, “hố cọp” gì mà lại sạch nhất, hết cái này Tây lại đào cho ta cái khác, tiện lợi lắm.
Sau khi cùng các đồng chí ở trung đoàn ăn bữa cơm sáng “bình thường” nghĩa là cơm vẫn nóng, có canh đậu hẳn hoi, với món thịt ướp gửi từ hậu phương lên và liên hoan một loạt thuốc lào, anh Tấn cùng đồng chí Hoàng Cầm đi xem trận địa, bàn kế hoạch cho các trận đánh sắp tới. Tôi và đồng chí Lập, Chính uỷ trung đoàn, đi dự hội nghị cán bộ trong một khu rừng gần đó.
Hội nghị họp ở một ngã ba giao thông hào. Báo cáo viên đứng ở giữa ngã ba, những người dự hội nghị ngồi rải rác trên các bờ giao thông hào. Mỗi lần pháo địch bắn gần, mọi người nhảy xuống, nép mình vào mép giao thông hào, xong lại nhảy lên tiếp tục họp. Tuy vậy không ai có cảm giác là hội nghị bị ngắt đoạn cả. Hội nghị này cũng như hội nghị ở đại đoàn, các cán bộ đều hăng hái, thành khẩn vạch ra những hiện tượng thiếu tích cực, ngại khó khăn, đề ra nhiều phương hướng tích cực khắc phục khó khăn và biểu thị ý chí quyết chiến quyết thắng. Trong hội nghị, tôi thấy nhiều cán bộ đại đội mới được đề bạt rất trẻ và rất nhiệt tình. Tôi thấy cả Trần Can mới làm Trung đội trưởng (khi đánh Him Lam anh mới là Tiểu đội trưởng. Anh đã hy sinh ngày 7-5, một giờ sau khi được đề bạt làm Đại đội trưởng tại trận địa).
Đến chiều, anh Tấn và tôi cùng trở về Sở Chỉ huy đại đoàn bằng đường khác, đi qua chỗ hậu cần của trung đoàn, chúng tôi vào thăm anh em thương binh và xem xét tình hình dự trữ thực phẩm, đạn dược của trung đoàn. Chúng tôi vui vẻ thấy công việc tiếp tế vẫn được liên tục, điều hoà. Chúng tôi lại vào thăm cả trạm quân y đại đoàn. Hầm mổ được anh em tổ chức rất chu đáo, các anh, các chị dân công đều phục vụ rất tận tuỵ. Một số anh chị em văn công vừa làm hộ lý vừa làm diễn viên ở đây.
Từ hôm đó, chúng tôi vẫn tiếp tục gặp gỡ nhiều cán bộ, chiến sĩ khác, trao đổi ý kiến để đẩy mạnh công việc chuẩn bị chiến đấu. Ngày 18-4, cứ điểm 105 bị diệt, sự nhức nhối trong đầu óc chúng tôi đã giảm bớt được một phần nào. Chúng tôi tiếp tục bắt được những chiếc dù thả lạc, trong đó có cả một số hòm của vợ Đờ Cát gửi cho chồng. Trong các hòm này, một nửa là thuốc lá, bánh kẹo, một nửa là sách, nhưng toàn những sách trinh thám và khiêu dâm. Cùng trong thời gian này, chúng tôi còn dự hội nghị ở Trung đoàn 141. Ở đây, anh Mạc Ninh là Chính uỷ, tổ chức đời sống có vẻ “thành thị” hơn. Cái hầm ngồi họp được đến ba chục người. Bàn ghế là những thỏi đất xén đẹp đẽ, được phủ bằng vải bạt. Trong hầm có những ngọn đèn điện rất sáng thắp bằng pin (vì chúng tôi bắt được hàng mấy tấn pin của địch thả lạc vào trận địa ta). Cũng trong thời gian này, các anh em tân binh được huấn luyện ngay gần Him Lam. Đồn Him Lam trở thành cứ điểm diễn tập. Trong các tiếng nổ hàng ngày, còn có cả những tiếng nổ bộc phá liên tục diễn tập đánh hàng rào dây thép gai thật ở Him Lam.
Lúc này, những tin tức về Hội nghị Giơnevơ sắp họp, về đoàn đại biểu của ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu làm cho không khí trận địa lại càng náo nhiệt hơn. Trời bắt đầu mưa nhiều. Các cuộc hội nghị bàn về việc đào rãnh thoát nước, lợp mái hầm, đắp nền hầm cao lên, cách đi lại trong chiến hào, v.v… được tổ chức liên tiếp. Có đơn vị phải thay phiên nhau dùng mũ sắt tát nước khỏi chiến hào. Tuy vậy, những hôm mưa to, quân địch nhoi lên mặt đất, anh em thiện xạ bắn tỉa của ta lại có dịp “làm ăn” được nhiều hơn. Đúng như lời anh Văn đã phân tích: “Chính kẻ địch là kẻ sợ mưa hơn, chứ không phải ta”.
Dù sao cách sống trong mùa mưa rất sôi nổi, phong phú nhưng nhiều khi cũng rất căng thẳng. Đêm nghe tiếng mưa rả rích, anh Tấn và tôi lại nhìn nhau. Tiếng mưa như xối vào trong gan ruột. Hình ảnh các chiến sĩ dùng mũ sắt tát nước, những đồng chí anh nuôi gánh nặng lội bì bõm trong bùn dưới chiến hào đã làm cho tâm trí chúng tôi nặng nề thêm.
Chúng tôi nóng lòng chờ đợi đợt ba của chiến dịch.
* * *
Ngày 26-4, tôi nhận được điện triệu tập họp ở Bộ Chỉ huy mặt trận. Điện của Đảng uỷ mặt trận triệu tập các bí thư đảng uỷ đại đoàn. Tôi đã hơi cảm thấy tính chất quan trọng đặc biệt của hội nghị này.
Cũng như lần trước, chiều hôm đó tôi lại đi qua một đoạn giao thông hào, qua trạm quân y, qua một trận địa cao xạ pháo, mấy con mương, lội qua đoạn suối (đầu sông Nậm Rốm) rồi leo lên đường cái 41. Đến gần một trạm tiếp tế đạn dược, tôi sẽ đi xe “díp” (xe đoạt được ở trận Him Lam) tới Sở Chỉ huy của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Khi ra đến đường cái, trời hãy còn sáng, tôi dừng lại trò chuyện với anh chị em dân công và xem cao xạ của ta bắn máy bay địch, xem địch thả dù. Một cáng thương binh đang qua suối, hai chị dân công trẻ khiêng cáng, chị đi trước gặp rêu trơn, trượt chân, chị đi sau xuýt xoa: “Khéo mày, không có anh ấy đau!”; chị đi trước như bị oan ức, đỏ bừng mặt chửi Tây những câu rất độc. Một chị trong tốp dân công tải đạn đứng trên đường nói lên một ý nghĩ rất ngộ: “Chửi nữa đi để nước suối mang vào Mường Thanh cho Tây nó nghe”. Hai anh dân công khác lật đật chạy xuống giúp đỡ cáng thương binh.
Thấy xe “díp” ra, các anh, các chị reo lên:
- A! Xe “díp”! Các anh về “hậu phương” đấy à? Có về Phú Thọ cho em gửi quà cho bố cháu mấy nào!
Mọi người cười vui vẻ. Một chị khác tinh nghịch hơn, tiến đến trước đồng chí cần vụ cùng đi với tôi, nói:
- Các anh đi ô tô mang gậy làm gì, để em xin cái gậy cho.
Chúng tôi vui vẻ tặng lại chị những chiếc gậy trúc rất xinh. Chúng tôi chào nhau. Chiếc xe con mở máy giòn giã, bon bon chạy.
Đến Sở Chỉ huy chiến dịch bao giờ chúng tôi cũng có những cảm giác thú vị: vừa hồ hởi ấm cúng, vừa trang nghiêm, ai nấy đều cảm thấy công việc ở đây to lớn hơn, căng thẳng hơn, đồng thời cũng thấy vững chắc, tin tưởng hơn.
Đây là một cuộc hội nghị của Đảng. Anh Văn với tư cách là Bí thư Đảng uỷ mặt trận báo cáo. Nội dung báo cáo vẫn là vấn đề đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực. Nhưng sự phân tích sâu sắc hơn, nghiêm khắc hơn vì vừa có điện của Bộ Chính trị Trung ương đảng gửi tới. Chúng tôi ngồi nghe lần này không có cảm giác gì là một cán bộ cấp dưới lên nghe cán bộ cấp trên phê phán, dù là nhiều đoạn phê phán trúng thẳng vào khuyết điểm của đơn vị tôi hay bản thân tôi làm cho tôi lại chua xót, khổ sở. Tôi tự thấy mình ở vào một cương vị rất đặc biệt: vừa thấy mình có trách nhiệm to lớn trong việc phải cùng các đồng chí khác lãnh đạo thắng lợi chiến dịch này, lại vừa thấy mình là một đảng viên gắn chặt với anh em cán bộ và chiến sĩ đang cùng nhau ghé vai gánh vác một việc rất to lớn, nặng nề; nếu để lỡ một chút thì ảnh hưởng tới hàng triệu con người ở hậu phương đang đặt hết niềm tin tưởng vào đây!
Thêm nữa, tôi lại vừa thấy mình như đang dự một cuộc hội nghị quan trọng của cán bộ cao cấp, đồng thời lại như đang dự một cuộc hội nghị chi bộ rất thân mật, thiết thực và cụ thể. Tôi chợt nhớ lại ngày mới vào Đảng, chị tôi là đảng viên nói với tôi: “Muốn hoạt động được nhiều hơn cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa phải ở trong một tổ chức rất cao, một tổ chức nghiêm ngặt mà hoạt động lãnh đạo quần chúng…”. Phải, ở đây tôi không phải là một cán bộ chỉ huy, ở đây tôi đang hoạt động trong một tổ chức cao, một tổ chức để lãnh đạo. Trong suốt hội nghị tôi cũng không có cảm giác anh Văn là một vị Đại tướng Tổng Tư lệnh mà là một bí thư chi bộ hiền hậu nhưng lại nghiêm khắc.
Chúng tôi, anh Mậu, anh Vũ, anh Chưởng… trao đổi với nhau thêm thân mật và cởi mở. Chúng tôi hỏi nhau tình hình đơn vị, thẳng thắn nêu cả ý kiến của mình với đơn vị bạn, giới thiệu cho nhau hiểu biết thêm về những cán bộ mà mình đã biết từ trước, kể chuyện những kinh nghiệm công tác, giúp nhau tìm nguyên nhân những trận không thắng lợi, v.v…
Ở đây không có chuyện đơn vị anh, đơn vị tôi mà là quân đội của chúng ta, quân đội của Đảng chúng ta, anh lo cũng như tôi lo, ta cùng lo với nhau, ta là các đồng chí với nhau, sự nghiệp của chúng ta là của chung. Với những cảm giác như vậy, nghe những lời phê phán của anh Văn, tôi không cảm thấy anh nhằm vào ai để phê phán cả, mà đó là những lời kêu gọi, những lời kêu gọi như ở đâu ngay trong người chúng tôi mà anh nói hộ ra. Khi kết luận, anh Văn nhấn mạnh: “ …Tư tưởng của Đảng ta, của quân đội ta là tư tưởng tích cực cách mạng của giai cấp vô sản, là tinh thần đấu tranh bất khuất, đấu tranh đến cùng với kẻ thù, tinh thần đấu tranh không nhân nhượng, không thoả hiệp của giai cấp vô sản. Tư tưởng đó là tinh thần triệt để cách mạng, lúc thắng lợi không say mê, lúc khó khăn không chùn bước, bất kỳ trong hoàn cảnh nào cũng kiên trì đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng”.
Đối với tôi lúc ấy, những câu nói này cũng không phải là mới mẻ, nhưng không hiểu sao từng câu, từng câu nó cứ như giọt nến chảy nóng bỏng và đắp vào trái tim tôi. Tôi thấy trái tim tôi như căng ra, tôi muốn về ngay đơn vị và tôi tự thấy có đủ khôn ngoan để giải quyết các công việc, xử trí các trường hợp dù khó khăn đến đâu. Tối hôm kết thúc hội nghị, chúng tôi được ăn cháo gà, tôi ăn không thấy ngon, nhưng mà lại thấy một vị gì khác, nó không tác động vào lưỡi, vào môi, vào cổ mà nó tác động vào đầu óc, vào tâm hồn, làm nóng ran các mạch máu. Các vị ấy giống như vị rau má, rau sam mà tôi cùng các đồng chí khác ăn trong những ngày tháng 7, tháng 8-1945 ở một túp lều nát nào đó trong khu vực hoạt động của tôi.
Lên xe ra về, lần này tôi cũng chẳng kịp thưởng thức cảnh xe “díp” xếp hàng như của “Hồng quân Liên Xô” theo trí tưởng tượng của tôi nữa. Tất cả đầu óc tôi tập trung vào một điểm vô hình. Tôi không nghĩ nữa hay sao ấy vì tôi có cảm giác trong người tôi đã có một kết luận nào đó dứt khoát lắm và sâu sắc lắm!
Tôi không còn là tôi nữa mà là một phần rất nhỏ, một khẩu súng chẳng hạn, của toàn bộ chiến dịch. Chỉ có một con đường thắng lợi và chỉ có thắng lợi, chỉ được thắng lợi. Trung ương Đảng đã kết luận thế rồi; toàn dân đã kết luận thế rồi! Và toàn bộ thịt da, gân máu tôi cũng kết luận thế rồi. Điện Biên Phủ là tôi và Điện Biên Phủ là thắng lợi. Mưa cũng chẳng nghĩa lý gì; bùn nước cũng không có nghĩa lý gì; thiếu đạn, thiếu gạo cũng chẳng có nghĩa lý gì. Chỉ có nhất định thắng lợi thôi, không thắng đợt này thì thắng đợt sau, không thì đợt sau nữa. Không ngủ khô thì ngủ ướt, không có thịt có gạo thì ăn rau rừng hoặc tạm nhịn vài bữa, không có đạn thì tìm đạn của địch. Cả nước đang rầm rộ tiến quân lên Điện Biên Phủ kia mà. Rồi chắc chắn là sẽ có đủ cả! Nhưng phải thắng! Nhất định phải thắng! Không có thắng lợi thì không có cả tôi nữa, vì tôi và các đồng chí tức là thắng lợi kia mà… Cùng một lúc tôi nhớ đến anh Tấn mắt trũng sâu, gò má nhô ra, đến Quang Trung mạnh mẽ và đẹp như sư tử, đến Hoàng Cầm tự tin và nhanh nhẹn như sóc, Lê Thuỳ vững chắc như gấu…, tôi thấy rõ cả vẻ ngây thơ bồng bột của Nguyễn Hữu Oanh, Nguyễn Hải…, vẻ trưởng thành già dặn của Trần Can, vẻ khắc khổ của Nguyễn Văn Cấc, sự tiến bộ của chính trị viên Ch., của K., của H., nhớ lại Noạ, Hiệu, Phan Đình Giót, v.v… tôi thấy tôi thật là đang “sống giữa những người anh hùng”, sống trong một sức mạnh phi thường, trong thắng lợi rõ ràng và chắc chắn.
Cùng với những đồng chí ấy trong các chiến dịch trước, chúng tôi chẳng đã nhịn đói đuổi giặc mà vẫn thắng lợi đấy ư?
Phải, tôi chỉ là một bộ phận nhỏ gắn chặt trong một cơ thể lớn. Cơ thể đó cường tráng và tôi cũng cường tráng, tôi tin tưởng mạnh mẽ lên thì cũng góp phần làm cho cả cái cơ thể to lớn đó hùng mạnh lên!
Phải, trận đánh đã gần năm mươi ngày rồi, kể cả thời gian kéo pháo, làm đường thì đã hơn một trăm ngày rồi. Hơn một trăm ngày sống trong hầm hố; hơn một trăm ngày bên bom đạn, khói lửa, sắt thép, hơn một trăm ngày hàng bao nhiêu gạo, thịt, thuốc men từ hàng triệu tấm lòng của nhân dân tiến lên Điện Biên Phủ, bao nhiêu thư, điện, hướng dẫn và chỉ thị của Trung ương, của Bác Hồ, bao nhiêu thư, quà khuyến khích từ hậu phương, bao nhiêu dân công cùng ra chiến đấu, bao nhiêu là thương binh đã hoàn thành nhiệm vụ trở về và bao nhiêu đồng chí đã hy sinh…

Cũng hơn một trăm ngày Hà Nội xôn xao, Pari xôn xao, thế giới xôn xao, bọn phản động Pháp và can thiệp Mỹ lồng lộn… Chỉ có thể có một kết quả: Quân và dân ta thắng lợi, không còn lý do gì khác. Ta đủ điều kiện, cái điều kiện quyết định hạng nhất. Ý chí của chúng ta đây! Ta là thắng lợi!…

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

1 nhận xét:

  1. Bài này lấy từ cuốn Điện Biên Phủ, tuyển tập hồi ký (trong nước), NXB Chính trị Quốc gia, 2004 xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuốn sách hơn 1000 trang, với 50 bài viết, nhưng duy nhất bài này nói đến công tác chính trị trong Chiến dịch nên Ban biên tập quyết định đưa vào sách, mặc dù họ rất ngại đưa tên tác giả. In xong, Nhà xuất bản đã trân trọng mang tới nhà ông, thắp hương và biếu gia đình cuốn sách.

    Trả lờiXóa