Thạc sĩ
Ngữ văn Đinh Thị Thanh Huyền
Mỗi nhà văn đều có đặc điểm riêng
trong sáng tác nhưng không phải nhà văn nào cũng có phong cách. Đối với tác giả
Trần Độ, làm nên phong cách riêng của ông là những sáng tác ở thể văn nghị
luận.
Phong cách có thể biểu hiện ở việc
chọn đề tài, ở cảm hứng chủ đạo, xây dựng nhân vật… Phong cách còn biểu hiện ở
thể loại, ở ngôn từ và giọng điệu.
1. Về phương diện đề
tài
Với Trần
Độ, ông là con người vừa lăn lộn với nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị vừa cầm bút,
đề tài ông lựa chọn rất phong phú, bao quát nhiều vấn đề của đời sống. Nhưng đối
tượng chủ yếu trong sáng tác của ông là những con người thực, việc thực, sự kiện
có thực, đồng thời biến những sự thực đó thành sự lôi cuốn, thu hút người đọc
người nghe vào một mục tiêu lớn của dân tộc và thời đại.
Trần Độ rất
nhạy cảm với thời cuộc, với sự chuyển mình của đất nước. Cho nên ở giai đoạn
nào của lịch sử, xung quanh những vấn đề cần quan tâm, ông đều có những trang
viết thể hiện ý thức trách nhiệm của một công dân đối với tổ quốc Việt Nam. Bàn về văn nghệ, ông đặt
ra những vấn đề như bản chất, đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ của văn nghệ. Đổi
mới văn nghệ ở những khâu nào, cách thức đổi mới ra sao... tất cả đều được đặt
trong chỉnh thể văn nghệ dân tộc và bối cảnh đất nước để xem xét một cách thấu
đáo toàn diện. Tựu chung lại, bằng những bức tranh khái quát về một phạm vi hiện
thực mang tính thời sự, Trần Độ đã cho người đọc một cái nhìn toàn diện về văn
hóa, văn nghệ của dân tộc ta lúc bấy giờ.
2. Cảm hứng chủ đạo
Ngoài việc chọn lựa đề tài mang tính thời sự, văn nghị luận
của Trần Độ còn biểu hiện ở cảm hứng của ông trước đất nước, con người.
Đó chính là những trạng thái tinh thần sôi nổi phong phú trong các trang viết
của ông.
Trần Độ có niềm tin mãnh
liệt vào dân tộc Việt Nam, vào cuộc đấu tranh giải
phóng dân tộc và đổi mới đất nước. Dù viết về đề tài gì, ở lĩnh vực nào của cuộc
sống, ngòi bút vẫn luôn đắm say, tràn đầy nhiệt huyết. Trần Độ luôn chú ý hướng cảm hứng với đồng bào, với nhân dân, tới
cái đẹp, cái cao cả, cái vĩ đại. Những
trang viết của ông thấm đẫm truyền thống văn hóa, yêu nước thương dân, khát
vọng hòa bình luôn rực cháy trong từng câu văn.
Ông
in tưởng vào nhân dân, ca ngợi nhân dân, ca ngợi cuộc kháng chiến, ca ngợi chiến
công và trân trọng hình tượng “anh bộ đội”. Có cảm hứng phê phán nhưng nhẹ
nhàng hóm hỉnh. Kết hợp trí tuệ sắc sảo và tình cảm ngọt ngào.
Trần
Độ là một vị tướng lăn lộn với cuộc đấu tranh sinh tử của dân tộc, ở lĩnh vực
nào ông cũng là người lãnh đạo, chỉ huy nhưng điều đặc biệt là ngay cả trong
lúc cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông đều có những
bài viết thiết thực, mang tính thời sự, bám sâu vào đời sống xã hội. Ngay cả
những năm tháng cuối đời nằm trên giường bệnh, đi lại bằng xe lăn, ông vẫn
nghĩ, vẫn viết, nhiệt huyết của ông với đất nước, với nền văn hóa văn nghệ nước
nhà vẫn không hề suy giảm.
3.
Ngôn từ
Không chỉ phát huy thế mạnh ở thể văn nghị luận,
Trần Độ viết ở nhiều thể loại nhưng không chuyên về một thể loại nào. Thể loại
yêu thích của ông là tùy bút vì ông cho rằng nó không bị gò bó bởi những quy tắc,
công thức nhất định và còn bởi nó phù hợp với tính cách của ông. Càng về sau
này, Trần Độ thường viết các bài về loại văn chính luận, bình luận, và tiểu luận
tìm tòi giải đáp các vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa. Ông thành công và để lại
tên tuổi là ở văn nghị luận.
Ngôn ngữ của Trần Độ có sự tiếp thu ngôn ngữ của
Hồ Chí Minh, là sự kết tinh truyền thống văn hóa dân tộc. Trong sáng tác, câu
chữ ông dùng rất tự nhiên. Lời văn gần như không có dụng công gọt giũa. Ngôn ngữ
lí luận giản dị, mộc mạc, trong sáng dễ hiểu nhưng vẫn sống động, giàu hình tượng
có sức gợi sâu xa. Ngôn ngữ ấy
được sử dụng trong hầu hết sáng tác cũng như trong lí luận phê bình của Trần
Độ.
Từ thể
loại bút kí, truyện, lí luận về văn hóa, văn nghệ, quân sự… những nhan đề ông
đặt đều chân thành mộc mạc, không khoa trương, nhưng nội dung vẫn sâu sắc, bộc
lộ tình cảm yêu mến đắm say của người cầm bút. Tác phẩm nào cũng gắn bó với đời
sống hiện thực, từ tư duy khái quát đến với hiện thực, như là sự dẫn chứng hay
minh hoạ cho nhận thức đã được chắt lọc. Với cách nhìn đa chiều, đa dạng, các
bài của ông viết, người đọc dễ theo dõi và dễ chấp nhận.
Bên
cạnh đó, lời văn, cách kể chuyện của Trần Độ rất hóm hỉnh, dí dỏm khiến người
đọc không mệt mỏi, phân tâm.
Những vấn đề Trần Độ bàn đến thường bám sát đời sống thực
tế, đời sống kinh tế, chính trị. Măc dù ông giữ cương vị cao nhưng mọi hành
động và suy nghĩ đều gắn liền với thực tiễn.
Cách
so sánh ví von, câu văn giàu hình ảnh làm cho ngôn ngữ đầy sức sống, tác động
vào nhận thức của người đọc. Luôn
nêu cao tự do sáng tác, Trần Độ đã cụ thể hóa vấn đề đó một cách dễ hiểu: “Tự
do sáng tác phải được thoải mái tự nhiên như thở”.
Trần
Độ am hiểu sâu sắc về văn nghệ, lí luận gắn với thực tiễn. Đi từ cụ thể đến
khái quát. Cách lập luận sắc bén, lôgic giàu
tính thuyết phụ, các thao tác phân tích, giải thích, bình luận và chứng minh
được kết hợp một cách hài hòa. Với cái nhìn biện chứng, kế thừa văn nghị
luận truyền thống nhưng vẫn hiện đại, những vấn đề ông đem ra bàn luận mang
tính thời sự.
4. Giọng điệu
Văn
Trần Độ có nét đặc trưng riêng. Xuyên suốt trong những
sáng tác của Trần Độ từ ngày đầu tiên cầm bút cho đến sau này khi tuổi cao sức
yếu, bệnh tật giày vò, thậm chí cả lúc gian nan… là nhiệt huyết đắm say, là
trái tim sôi động, đầy sức sống, là sự suy
tư trăn trở, trách nhiệm đối với những vấn đề của thời cuộc.
Trần
Độ là nhà văn viết nhiều, viết khỏe và đều tay mà trong tầng lớp văn nghệ sĩ
chúng ta ít gặp. Thậm chí đến những năm cuối đời ở ông vẫn là sự đắm say, không
hề mệt mỏi, lúc nào cũng nồng nàn cùng trách nhiệm lớn lao với thời cuộc. Chính vì thế, ông đã viết “Bức thư tâm huyết” dài 14 trang gửi Bộ
Chính trị về vấn đề canh tân đất nước.
Đối tượng trong sáng tác của ông rất
phong phú. Nhưng điểm đặc biệt là viết về vấn đề gì, ngòi bút của ông lúc nào
thể hiện sự lạc quan, đắm say, trách nhiệm. Dù viết về tướng hay lính, viết bài về lãnh tụ hay về
cô du kích, anh bộ đội lời văn, giọng điệu đều trân trọng như nhau.
Vừa suy tư trăn trở nhưng cũng dạt
dào cảm xúc, đó là giọng điệu riêng trong lí luận về văn nghệ của Trần Độ.
Những bài viết của ông kết hợp giữa lí trí và tình cảm, suy nghĩ, cảm xúc, hình
ảnh và giọng điệu hài hòa lôgic với nhau, diễn đạt những vấn đề lí luận bằng
một lối nói dân dã Việt Nam.
Với cương vị lãnh đạo cấp cao nhưng
ông không huấn thị, không
ra lệnh vì ông quan niệm văn chương không phải là sự dạy
dỗ mà là sự cảm thụ. Toàn bộ các bài viết của ông không
hề có đoạn văn hay câu chữ nào ta thường gọi là “lên gân”, “đao to búa lớn” mà
người viết thời ấy rất dễ gặp phải. Với cách hành văn nhẹ nhàng, dễ hiểu, ông
nói, viết như là trao
đổi mạn đàm, tâm sự với độc giả của mình, giúp
người đọc dễ cảm thụ.
Như vậy, chất suy tư trăn trở và
tình cảm chân thành cùng trách nhiệm của người cầm bút với nền văn nghệ nước
nhà đã tạo nên giọng điệu riêng trong lí luận về văn nghệ của Trần Độ. Văn nghị
luận của ông đa dạng về giọng điệu, có giọng hào sảng, mạnh mẽ, có giọng da
diết ân tình, có lúc lại sôi sục, khi thì tự hào. Kết hợp với cách dẫn dắt và
giải quyết vấn đề, lập luận sắc bén, cách sử dụng ngôn từ, diễn đạt của một nhà
văn đầy bản lĩnh, những trang văn của ông đến nay vẫn hấp dẫn và để lại ấn
tượng khó phai mờ trong tâm trí nhiều thế hệ độc giả.
*Tiểu
kết: Phong cách văn nghị luận của Trần
Độ tuy có nét riêng khó trộn lẫn, thể hiện rõ cá tính sáng tạo của nhà văn
nhưng nó vẫn mang dấu ấn của dân tộc, thời đại. Từ việc lựa chọn đề tài cho đến
ngôn ngữ, giọng điệu và những hình thức diễn đạt cụ thể đều cho thấy bức chân
dung Trần Độ một nhà cách mạng, một nhà văn Việt Nam đi tiên phong trong cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng
đất nước. Tác phẩm nghị luận của Trần Độ đã góp phần vào các di sản văn nghị
luận của dân tộc. Đồng thời, qua phong cách nghị luận của Trần Độ, người đọc
nhận thấy dấu ấn của thời đại Hồ Chí Minh, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cả con người và những sáng tác của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét