Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

Vượt xích thành công


Sau khi bị đưa từ Hỏa Lò lên Sơn La, tôi ở nhà tù Sơn La được hơn một năm. Vào khoảng cuối năm 1943, bọn thực dân Pháp có chủ trương chuyển dần một số lớn tù chính trị ở Sơn La vào Côn Lôn. Cho đến trước Tết âm lịch, chúng đã đưa hai chuyến tù Sơn La đi. 


Và chúng tôi cũng biết mang máng là chúng đang chuẩn bị một chuyến thứ ba. Tôi được trốn thoát tù trong chuyến đi thứ ba này. Trước khi nói chuyện trốn như thế nào, tôi xin kể vài mẩu chuyện có liên quan đến chuyện vượt xích của chúng tôi.

Từ sau khi chúng tôi tiến hành cuộc trốn hụt ở Hỏa Lò Hà Nội thì tư tưởng vượt ngục không buông tha tôi lúc nào. Khi chúng tôi lên đến Sơn La, tư tưởng đó ám ảnh chúng tôi một cách day dứt.

Lúc ấy tôi chưa hiểu hết được là ở Sơn La đã có một tổ chức Đảng hết sức chặt chẽ, và lúc ấy chi bộ lãnh đạo hết mọi tổ chức sinh hoạt và đấu tranh ở trong nhà tù. Mỗi đảng viên tới đây đều phải qua thử thách một lần nữa rồi mới được “kết nạp” vào chi bộ - tuy không cắt tuổi Đảng - bản thân tôi cũng còn đang có thử thách như thế. Trong thời kỳ này thì tôi cứ loay hoay với cái sôi sục của mình. Tôi không biết rằng anh Đ. đã ở trong chi bộ và chi bộ đã có những quyết định xa rộng về vấn đề này. Thỉnh thoảng tìm gặp anh Đ. để “thắc mắc” thì anh Đ. chỉ dịu dàng và nghiêm khắc nói vài câu: “Được, cứ để từ từ”.

Lúc ấy tôi rất thân với đồng chí Kh. Hai chúng tôi gặp nhau ở chỗ đều là học sinh, thanh niên sôi nổi, bồng bột, giàu tưởng tượng. Chúng tôi lại  cùng ở trong nhóm vượt ngục hụt Hỏa Lò, Hà Nội cả. Vì thế nên chúng tôi có những chuyện nói với nhau không dứt. Chúng tôi lại ở gần nhau, đồng chí Kh. là họa sĩ của báo Suối Reo, còn tôi vừa là trợ bút vừa là nhân viên “ấn loát” (chính ra là chép tay thôi). Đồng chí Kh. cũng đọc nhiều truyện trinh thám như tôi, lại sống nhiều ở thành phố, nên đầu óc tưởng tượng của đồng chí ấy hiện đại lắm. Kh. bàn với tôi là sẽ tổ chức một cuộc trốn “hiện đại hóa” (cho riêng hai người thôi – thú vị thế). Kh. sẽ thư cho chị của Kh. tên là T. (chị này tôi cũng biết từ hồi 1938 – 1939 ở Hà Nội). Theo kế hoạch, chị T. sẽ thuê một ô-tô du lịch đi lên Sơn La, mang theo hai khẩu súng săn, hai bộ quần áo săn và đủ giấy tờ. Chị T. sẽ nghỉ ở khách sạn tỉnh, và một buổi sáng nào đó chúng tôi sẽ làm ở kíp lấy củi, lên rừng đi rồi đón chị ấy ở một địa điểm hẹn sẵn trên con đường Sơn La – Hà Nội, cách Sơn La độ mấy cây số; lên ô-tô, chúng tôi sẽ thay quần áo và cứ như thế chỉ đến chiều tối đã ở Hà Nội rồi, v.v…

Một phương án “nửa hiện đại” nữa không kém phần hấp dẫn là chị T. cùng một người nữa lên Sơn La chơi, mang lên hai cái xe đạp. Thế là chúng tôi phóng xe đạp về xuôi. Ước lượng là sau một ngày ít ra chúng tôi đi gần về đến Hòa Bình. Khi đó chúng tôi sẽ vứt xe đạp xuống khe, tạo nên những dấu vết của một tai nạn, rồi chúng tôi thay quần áo chuồn thẳng và hẹn gặp lại chị T. ở một địa điểm khác để chị T. đưa đi.

Chúng tôi còn bàn nhiều đến việc sau khi ra khỏi nhà tù, chủ trương của Kh. là chưa bắt liên lạc vội, hãy tìm một nơi ẩn nấp độ một năm trời, trong một năm đó, tập cưỡi ngựa, đánh bốc, đánh kiếm, bơi, bắn súng lục, v.v… để khi đi hoạt động có đủ “bản lĩnh cao cường” mà đối phó rồi mới bắt liên lạc. Tôi không tán thành chủ trương này lắm vì tôi ít nhiều có công tác quần chúng hơn Kh. Nhưng bản chất học sinh của tôi lại thúc tôi say sưa với những ý định hết sức lãng mạn ấy, nên tôi chỉ phản đối sơ sơ, rồi lại “thả hồn” với những giấc mơ đẹp đẽ hùng tráng và luôn mồm hỏi Kh.: “Có kiếm được súng lục cả cho tớ không? Cậu dạy tớ cưỡi ngựa nhé!…”.

Những câu chuyện như thế cứ cột chặt chúng tôi lại như hình với bóng, nhiều lúc khẩn trương quá, cả trưa không ngủ, đang đêm cũng thức dậy xì xào với nhau. Điều đó đã làm các đồng chí trong chi bộ lo ngại. Và chúng tôi bị một cái rầy rà lớn là hình như có người theo dõi để tìm hiểu và ngăn chặn chúng tôi…

Nhưng thật ra thói học sinh tiểu tư sản chúng tôi là “nghĩ và nói thì nhiều, làm được thì ít”. Cho nên những kế hoạch của chúng tôi rút cục chỉ là những câu chuyện thần thoại mơn trớn trí tưởng tượng chúng tôi, cho chúng tôi được những thời gian “thoát ly thực tại” để sống những phút hùng tráng một cách mê ly ảo tưởng thế thôi.

Thời gian trôi qua… đến mùa thu 1943. Tôi đã được chi bộ nhà tù Sơn La xét để kết nạp vào chi bộ nhà tù lúc ấy, tôi nóng lòng chờ đợi những quyết định của chi bộ và thường công tác say sưa tích cực trong các ngành mà chi bộ giao cho. Tôi cũng có cảm giác hình như có một sự chuẩn bị gì bí mật lắm…

Thế rồi một hôm (đó là ngày 5-8-1943) sáng sớm, cũng như mọi sáng sớm khác, các cửa trại tù mở tung để chúng tôi ra đi làm, tôi chạy sang trại “Hai gian”, nơi anh Sao Đỏ (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng) ở, tôi chợt nhận xét: Nón anh Sao Đỏ đâu? trong khi mọi người chưa ai lấy nón đi làm? Thế rồi tôi thắc mắc day dứt; suốt trong buổi xếp hàng điểm danh đi làm, tôi đưa mắt tìm kiếm. Suốt buổi đi làm tôi vẫn day dứt và trưa về ăn cơm, tôi cũng im lặng tìm kiếm, tôi phát hiện thêm: không thấy cả anh Trân và anh Đ.  Tôi còn nhận xét thấy các đồng chí trong ban lãnh đạo mặt nghiêm trọng hội ý với nhau và một số đồng chí cười nói có vẻ không tự nhiên. Tôi đã đoán được sự việc, nhưng chưa rõ cụ thể ra sao.

Đến tối thì sự việc rõ ràng. Bọn cai ngục lùa chúng tôi vào các trại, giận dữ điểm danh và tiếng giầy đi lại cáu kỉnh, bực dọc, bất lực. Chúng tôi không cười to, nhưng chúng tôi sung sướng quá, tụm năm tụm ba tán chuyện. Tôi tự hài lòng với những nhận xét của tôi.
Cần phải kể rõ rằng bọn đế quốc Pháp chọn Sơn La làm một nơi giam tù chính trị, chúng có những lý do xác đáng. Sơn La nằm heo hút ở giữa những dãy núi trùng điệp, người xuôi rất ít, đường xá đi về khó khăn, nhân dân lúc ấy chưa giác ngộ, chúng nắm được chặt ở trong tay. Ngoài lính khố xanh canh gác tù, chúng có một trại lính khố đỏ và lê dương ở cạnh thị xã. Nhưng thâm độc nhất là chúng nắm hệ thống địa chủ, quan lại và kỳ hào (phìa, tạo) rất chặt. Chúng có một hệ thống báo động khá nhanh và chu đáo. Mỗi khi có tù trốn, tất cả các bản đều được báo động, trai tráng bị đôn đốc ra các khe suối, lạch rừng để đón, tất cả các đường cái bị phong tỏa. Chúng ra lệnh, ai giết được tù trốn đem đầu về thì được thưởng trăm đồng, ai bắt được tù dẫn về được thưởng năm mươi đồng. Như vậy người tù trốn khó mà thoát chết, và chúng đã thúc đẩy việc người Việt giết người Việt một cách cay độc. Chúng thường bắt dân Sơn La nộp gạo, lợn rất nhiều. Nhưng chúng lại tung dư luận vì có tù người Kinh lên ở nhiều, nên dân Thái phải tốn nộp gạo, lợn, v.v…

Chính vì vậy, năm 1942, có hai đồng chí đã trốn đi, nhưng kết quả là chúng mang được đầu các đồng chí trở về treo lên cổng. Tình hình ấy làm cho các đồng chí lãnh đạo trong nhà tù phải hết sức cân nhắc và các đồng chí đã lãnh đạo một công cuộc tuyên truyền lớn trong nhân dân. Chúng tôi, tất cả mọi người đều học một số tiếng Thái để đi tuyên truyền. Qua những cử chỉ thái độ, qua công tác tuyên truyền của chúng tôi, nhân dân quanh Sơn La đều hiểu rõ tù chính trị và rất thương yêu tù chính trị và đã xuất hiện những người tích cực. Đó là nhóm trung kiên đầu tiên.

Chính cuộc vượt ngục của anh Đ., anh Trân và anh Sao Đỏ thành công… là kết quả của một công tác chính trị lâu dài gian khổ cộng với những sự chuẩn bị về tổ chức và vật chất cụ thể. Các anh đi có người dẫn đường. Và người đó, anh Giá, sau khi giúp cuộc vượt ngục thành công xong trở về đã bị bọn đế quốc ám hại một cách hèn mạt và dã man.

Sau cuộc trốn của các anh, bọn Công sứ, giám binh, cai ngục khủng bố chúng tôi, tước nhiều quyền lợi, nhưng sau đó chúng tôi có một cuộc đấu tranh tuyệt thực năm ngày, chúng lại phải nhượng bộ lại hết.

Trở lại tình hình mùa đông năm 1943. Sau cuộc vượt ngục và cuộc đấu tranh của chúng tôi, mùa đông năm 1943, chúng tôi chuẩn bị ăn tết. Tết này, chúng tôi chủ trương ăn to nhưng chỉ lấy ăn cho tốt làm chủ yếu. (Tết trước chúng tôi có rạp hát diễn bốn chương trình: kịch dài, kịch ngắn, ca vũ, kịch tây; có “Gánh hàng xuân” – căng-tin; có nhà hát cô đầu, thi trang trí, v.v…). Ban kinh tế hoạt động sôi nổi. Chúng tôi chuẩn bị rượu mùi, các món ăn ngon và dự tính mỗi người có đến một nửa cái giò và bốn bánh chưng.

Rủi thay cho tôi, khoảng những ngày “tiễn ông công lên trời” 23 tháng chạp âm lịch thì tôi bị đi kiết lỵ. Sức khỏe của tôi diễn biến khá gay go, lúc cuối năm 1942 và đầu năm 1943, tôi mỗi tháng sốt rét một lần, và theo chế độ riêng của chúng tôi, thì chưa bao giờ tôi phải ăn “cháo cứu tế” và “cơm cứu tế” (đó là món cơm, cháo đặc biệt ngon và bổ, có trứng, có bầu dục, v.v… để bồi dưỡng cho những anh em ốm nặng sau khi khỏi). Đến cuối năm 1943 thì cứ vài ngày lại sốt một lần và đến kỳ kiết lỵ này thì tôi như quỵ hẳn và đó là lần đầu tiên tôi chắc chắn sẽ ăn đến mấy ngày “cơm cứu tế”.

Tôi đi lỵ rất nặng, được độ hai ba ngày thì không đi lại được, nằm liệt một chỗ. Các đồng chí phải khoét một lỗ sàn, để “pô” ở dưới gầm sàn cho tôi cứ nằm mà đại tiện. Nhiều đồng chí đã lo cho tính mệnh của tôi. Lúc đầu các đồng chí còn chúc chóng khỏi để ăn tết, về sau các đồng chí rút mức xuống là chúc sao cho chóng khỏi đã, chưa nói gì về chuyện ăn tết. Đến mãi hai chín, hay ba mươi tết gì đó, tôi mới khỏi đi ỉa và nhấm nháp được tí cháo. Theo chế độ, tôi phải ăn độ ba hay bốn ngày cháo “cứu tế” từ chiều 30 tết.

Nhưng đùng một cái, bọn cai ngục vào lấy danh sách để tổ chức một “công-voa” (convoi: tiếng Pháp, nghĩa là một chuyến đi) về xuôi – đó là đoàn thứ ba như tôi nói trên kia. Chúng chọn những người án nặng trên năm năm tù. Tôi bị mười lăm năm, nên chắc chắn vào danh sách đó. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, tôi rất thích đi, không muốn ở lại Sơn La tý nào. Vì hình như nhiều bạn thân của tôi đã đi, tôi cũng thấy ao ước muốn đi xem nơi xa lạ có gì hay, vì tôi biết gần chắc chắn rằng chúng tôi sẽ bị đưa đi Côn Lôn. Tôi nói với các đồng chí là tôi xin ghi tên đi. Các đồng chí khuyên ngăn nhiều, tôi cũng không nghe. Cuối cùng, khi chúng đến ghi tên, có những đồng chí thân với tôi đến nói trước với bọn ghi tên là “anh này yếu”. Chúng hỏi tôi yếu thế nào có đau chân không? Tôi nói “không đau chân!” Thế là nó bảo “đi được!”. Một mặt thì căm ghét lối làm việc không coi con người ra gì của chúng nó, nhưng một mặt thì cũng vui mừng là được đi chuyến này xem nó ra làm sao và thế là đến ngày lên đường, các đồng chí bạn tôi bắt tay tiễn và nói đùa rằng: “Nếu dọc đường có tin về là có người chết thì chúng tao cứ việc truy điệu mày đấy nhé!” Tôi cười, trả lời: “Được lắm!”

Ngày đó là mồng bốn tết âm lịch tức là đã bước sang đầu năm 1944 rồi. Hồi này tôi được kết nạp vào chi bộ nhà tù rồi. Chi bộ nhà tù lúc ấy cũng tổ chức sinh hoạt theo lối bí mật. Mỗi nhóm mấy người, thành ra tôi cũng không biết chi bộ có bao nhiêu người. Tôi chỉ biết mang máng là chi bộ nhà tù có chi ủy và chi ủy đại khái có đồng chí Nghị, đồng chí Trân, đồng chí Hoàn, đồng chí Tô Hiệu, v.v… Lúc này đồng chí Tô Hiệu đã yếu lắm rồi. Anh đã phải ở riêng một xà-lim. Đêm đêm, chúng tôi phải cắt nhau bốn người trông nom anh. Khi chúng tôi đi, anh muốn ra sân tiễn chúng tôi phải có hai người dìu anh đi và đỡ anh đứng ở sân để anh vẫy tay tiễn chúng tôi. Anh gày và xanh lắm rồi chỉ còn một tinh thần cách mạng sôi nổi giữ vững sự sống cho thân hình đã gần kiệt của anh mà thôi.

Sau khi lên đường không biết được mấy ngày, tôi được đồng chí Quỳnh là bí thư chi bộ đi đường nói riêng với tôi như sau:

- Tao đưa cho mày giữ bốn chục đồng bạc đây nhé, tiền của chi bộ đấy. Mày ở trong danh sách những người chi bộ bố trí cho trốn dọc đường. Mày đứng thứ tư trong danh sách, nếu ba người đi được thôi thì không có mày, nếu bốn người thì có mày. Giữ lấy tiền này để lúc đó thì dùng.

Tôi sướng quá, sướng vì được trốn thì ít, nhưng sướng vì sự tin cậy của chi bộ, sướng vì được làm một nhiệm vụ mà Đảng trao cho, tôi bỗng thấy mình nghiêm trang lên nhiều, và có cảm giác chuẩn bị làm một nhiệm vụ rất hệ trọng. Tuy nhiên, cuộc đi của chúng tôi tiếp tục một cách bình thản và tôi chỉ biết mang máng kế hoạch của chi ủy là có một đồng chí biết đường từ Suối Rút về xuôi, và khi có cơ hội thì đồng chí đó sẽ dẫn đi. Có thế thôi.

Chuyến đi này của chúng tôi có những đặc điểm đáng chú ý và nhiều kỷ niệm hay hay. Áp tải chuyến đi này là một tên quan một tây. Tên này cao lớn, bụng to phệ, đi lại nặng nề, lại cận thị nặng. Nhưng tên này xử sự như kiểu một tên bất mãn. Không biết có phải nó tử tế với chúng tôi không, nhưng nói chung nó chả bắt buộc gì chúng tôi lắm. Riêng tôi mấy hôm đầu còn yếu, đi vào tốp yếu, đi sau. Sau nó cho tôi cưỡi một con ngựa gày, yên bằng gỗ, đi cùng tốp khỏe. Về đến khoảng quá Mộc Châu thì tôi bình phục hoàn toàn. Thường thường đi như thế này một ngày chúng tôi đi bộ trên dưới hai mươi cây số, có chặng dài nhất là 32 cây số. Chúng tôi mặc quần áo có đóng số tù, có một túi dết đựng một ít tư trang và có một cái áo tơi. Chúng xích chúng tôi hai người vào với nhau bằng một cái xích, và cứ sáu người tù thì có một lính áp tải. Đi đường, chúng tôi hát các bài ca cách mạng, và những người lính khố xanh áp giải quen miệng cũng hát theo luôn, có lúc lại còn tự động giục chúng tôi hát hoặc dạy họ hát nữa. Xích có từng mắt, nếu hai cổ tay xích lại với nhau mà chỉ có sáu mắt xích thì chặt và đau lắm, không chịu được; nhưng nếu để bảy mắt thì lại có thể tụt ra được. Lúc đầu chúng xích sáu mắt, chúng tôi đi khó và kêu ca nhiều, về sau chúng nới ra bảy mắt và rồi sau nữa thì chúng khoác bừa vào, lắm lúc chúng tôi cứ phải vừa đi vừa giữ xích và tự quấn lại cho có vẻ xích. Nếu không, xích tụt rơi mất.

Chẳng biết thằng quan một nó tin chúng tôi thật hay nó nói để lấy lòng chúng tôi. Nó bảo: “Tôi tin là các anh không trốn, tôi tin là tôi đối tốt với các anh, thì các anh không làm cho tôi phải khó dễ” – Đó cũng là một trong những điều kiện thuận lợi trong chuyến đi của chúng tôi.

Nhưng cuộc trốn của chúng tôi cũng gặp lắm cảnh trở trêu. Càng gần đến Suối Rút, tôi càng xúc động vì thấy sắp đến lúc được tự do, được tiếp tục cuộc đời hoạt động, được sống những ngày sôi nổi mà mấy năm trong tù cứ ước mơ… và vì vậy ở một bản nào đó dưới Mộc Châu, tôi bán thêm một cái áo len của tôi được một ít tiền nữa thêm vào số vốn chuẩn bị cho chắc chắn.

Nhưng khi gần đến Suối Rút, đồng chí Quỳnh đến rỉ tai cho tôi biết là “kế hoạch thất bại” - về sau tôi biết thêm là đồng chí phụ trách dẫn đường đến đây lại bảo là lâu ngày quên mất rồi. Thế là cái kế hoạch sơ sài của chúng tôi cũng chỉ gặp một trở ngại sơ sài là tan nát cả. Lần này tình cảm bồng bột của tôi lại bị đả kích một lần khá mạnh nữa. Tôi bàng hoàng, chua chát nghĩ như mình vừa ngã xuống vực sâu. Trong tâm trí cứ réo rắt lên những câu than thở chua cay, căm giận, tưởng như muốn làm thơ.

Suối Rút là một thị trấn nhỏ ven sông Đà. Suối Rút cũng là nơi đón đưa nhiều đoàn chiến sĩ cách mạng bị đi đày qua đây. Nhân dân ở Suối Rút có người Thái, người Hoa kiều và người Việt. Lần này qua đây, chi bộ đã biết rõ tình hình như vậy, nên bố trí một cuộc tuyên truyền lớn. Cử một số đồng chí biết tiếng Pháp bám sát tên quan một để nó không biết và không ngăn cản được hoạt động của ta. Một số đồng chí biết tiếng Thái tuyên truyền đồng bào Thái, một số đồng chí biết tiếng Trung Quốc thì vận động Hoa kiều và một số đồng chí tiếp xúc với bà con người Việt. Khi bước vào đến thị trấn, chúng tôi hát các bài ca cách mạng rất to và sau đó lại hát cả bài “Si-lai” (tức là quốc ca Trung Quốc hiện nay) bằng tiếng Trung Quốc. Chúng tôi cảm thấy rõ rệt nhân dân Suối Rút có cảm tình với chúng tôi nhiều lắm.

Chiều tối hôm đó, chúng tôi phải có quyết nghị là không mua bán gì. Vì chúng tôi đi mua gì nhân dân cũng không lấy tiền. Chúng tôi chỉ đi các gia đình hỏi chuyện và tuyên truyền. Đêm hôm đó, vừa xúc động trước tình cảm của nhân dân, vừa xúc động trước việc vỡ kế hoạch chạy trốn nên tôi không thể nào ngủ được. Tôi nằm ở tầng cao của cái lô-cốt đồn khố xanh ngay cạnh bờ sông. Trời lạnh, trăng sáng, dòng sông Đà cũng sáng trắng lên một màu trắng bạc mềm mại và hoang vắng. Tôi ngó ra ngoài ngắm trăng, ngắm sông mà dường như “thổn thức can tràng”. Muốn hát lên, muốn ngâm ngợi mấy câu thơ, mà chả thấy câu gì hợp cảnh …
Bỗng giữa đêm khuya, từ mấy chiếc thuyền heo hút đỗ bên bến vắng lạnh, có le lói ngọn đèn con, vút lên một tiếng hát sa mạc trong veo. Tiếng hát dâng vút lên lanh lảnh rồi lan ra trên mặt sông dập dờn như hòa với nhịp sóng, quyện vào trong sương mờ mờ rồi như cứ thế lên mãi mãi như xoắn lấy mặt trăng đang lững lờ xa xôi ; tôi như lịm đi trong tiếng hát, giọng hát cứ dìu dặt đưa tâm hồn tôi triền miên đi xa mãi. Tôi cảm thấy trong tâm can nhức nhối của mình có một cái gì xoa dịu làm nhẹ nỗi đau đớn dằn vặt. Và tôi cảm thấy bãi sông kia, dòng sông kia, ánh trăng kia, làn sóng kia, tất cả hoà trong một màu trắng lạnh lẽo, man mác kia cùng với tiếng hát là một cái gì thích hợp với tôi lúc ấy, là một cái gường rộng, thật êm ái ấm áp, tôi đang nằm trên gường đó và đang trằn trọc trên gường đó.

Tôi nghe tiếng hát có lúc như oán hờn, như than vãn, lại có lúc như nỉ non, vuốt ve, nó vừa làm cho tôi dịu được nỗi bực dọc, lại vừa làm cho tôi thêm kiên định, cảm thấy đang chuẩn bị sức mạnh vững chắc bước đi trong những ngày giông tố sắp tới…

Còn lâu nữa, tôi khó quên cái đêm bên sông Đà đầy cảm xúc ấy. Và từ đó, tôi mê tiếng hát sa mạc vô cùng. Nhất là sau này, trong kháng chiến trên đường hành quân cũng những đêm trăng…

Sáng hôm sau, khi chuẩn bị lên đường, đồng bào Suối Rút ra tiễn chúng tôi đông lắm. Tôi làm nhiệm vụ tuyên truyền, tôi cùng đồng chí cùng xích, đứng trước đồng bào, tôi diễn thuyết. Tôi đem tất cả nỗi xúc động của tôi từ chiều hôm trước trút vào bài diễn thuyết. Đại khái tôi nói rõ: “Chúng tôi là những người tù chính trị. Chúng tôi không có tội gì. Chúng tôi là những anh em thân thiết và ruột thịt của đồng bào, chúng tôi không ăn cướp ăn trộm, không làm hại đến một ai mà chúng tôi căm thù trước cảnh nước mất nhà tan, chúng tôi đi hoạt động cách mạng, làm cộng sản. Chúng tôi làm gì?  chúng tôi đã nói cho mọi người biết rõ thế nào là nô lệ, thế nào là bất công, thế nào là mất nước, chúng tôi vạch ra con đường, kêu gọi mọi người đoàn kết đấu tranh giành lại độc lập, và xây dựng cuộc đời tự do hạnh phúc”.

Ảnh: Thăm lại nhà tù Sơn La năm 1999.

Tôi khêu gợi lên những hình ảnh căm thù và rồi tôi thành thật xúc động khêu gợi lên những hình ảnh có tính chất rất tiểu thuyết, đại khái tôi nói:

“Thôi, xin tạm biệt đồng bào, những người con em, những người thân thích của đồng bào sẽ tiếp tục con đường gian nguy, tù ngục để tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng, cứu nước cứu nòi. Đây, những vòng xích ác nghiệt này còn giam hãm thân thể chúng tôi, nhưng chúng không thể giam nổi ý chí chúng tôi. Chúng tôi còn nuôi mãi chí căm thù, chúng tôi sẽ đấu tranh thoát khỏi cùm xích, và tiếp tục đấu tranh cho toàn dân ta thoát khỏi cùm xích…”.

Tôi thấy có các bà các chị khóc, tôi thấy có người chấm nước mắt và có tiếng nức nở trong đám đông, tôi càng xúc động:

“Đồng bào hiện tưởng chừng đang sống yên vui trong gia đình, đồng bào thương hại cho chúng tôi sống cuộc đời tù ngục. Nhưng thưa đồng bào, chúng tôi chỉ là “những chim nhỏ trong lồng con của một lồng to”! Đồng bào còn chịu sưu cao thuế nặng, đồng bào còn bị khinh rẻ, và cuộc đời của đồng bào luôn luôn bị đe dọa từ những người tuần phiên, lý dịch, đến mật thám, lính đoan, khố xanh, khố đỏ, lính tây, đến những tên quan lại, những thằng Tây… Đồng bào thương chúng tôi, đồng bào hãy đoàn kết với chúng tôi, đồng bào hãy đoàn kết lại…, làm cho nước Việt Nam ta không còn cảnh tù ngục cùm xích, không còn nghẹt thở, được tự do yêu nước, tự do làm ăn…”.

Cho đến lúc cả đoàn ra đi, tôi còn chưa hết xúc động, còn hô khẩu hiệu và rất lâu còn quay lại vẫy đồng bào đứng đầy ở đầu phố mà tôi thấy thân thiết như những người ruột thịt.

Ngày hôm đó, trên đường đi, chúng tôi bước đi nặng nề im lặng… Đến chợ Bờ, tôi cảm thấy tâm trí được yên ổn nhẹ nhàng hơn. Hầu như tôi đã xác định lại quyết tâm mới, lại yên trí cùng các đồng chí trong tù tích cực hoạt động, đấu tranh và học tập chờ thời cơ khác. Chúng tôi đến chợ Bờ rất sớm vì từ Suối Rút về chợ Bờ có mười hai ki-lô-mét.

Nhưng ngay chiều hôm đó, một sự việc lại xáo động tâm hồn sôi nổi của tôi. Số là, khi đến chợ Bờ, sau khi đã yên ổn chỗ ở (chúng tôi ngủ ở mấy quán chợ, có lính gác xung quanh), thì hầu như chúng tôi công khai bỏ xích ra và từng người một tự do đi lại trong lều chợ.

Lúc này tôi phát hiện có một người trong đoàn tù chúng tôi tự nhiên tháo túi dết lấy áo len, quần trắng mặc ra ngoài và thò tay vào ngực khẽ dứt bỏ miếng vải số, rồi đi ra ngoài. Tôi chú ý theo dõi mười phút, rồi mười lăm, hai mươi phút không thấy anh ta trở lại. Tôi vội vàng tìm đồng chí Quỳnh là bí thư chi bộ báo cáo sự việc và đề nghị cần phải có kế hoạch ứng phó kịp thời.

Đồng chí Quỳnh lập tức gọi hai đồng chí khác lại trao nhiệm vụ xin đi phố mua bán để theo dõi và xác định sự việc. Một lúc sau hai đồng chí (dùng cách hai người xích lại với nhau xen một lính khố xanh giải đi) trở về báo cáo là trông thấy bóng người tù trốn đã vượt được sang bên kia sông. Cùng trong lúc các đồng chí còn đi điều tra thì ở nhà đồng chí Diện (tức đồng chí Trần Cư bây giờ) là một công nhân xe lửa, mà tôi rất mến vì đồng chí còn rất trẻ, tính  thẳng thắn hăng hái, tháo vát, nói ít làm nhiều – đồng chí Diện cũng là một trong những bạn thân của tôi – đến bảo với tôi: “Chúng mày xem đề nghị với thằng Quỳnh tổ chức trốn đi một “cú”.

Trước sau rồi cũng phải “tháo cũi sổ lồng”, đằng nào cũng phải đối phó thì cứ tùy cơ ứng biến trốn gấp, đi thoát được thì hay, bằng không thì cũng là một cuộc đối phó.

Tôi như cái xe được mở máy, hăm hở chạy lại chỗ đồng chí Quỳnh, Đồng chí Diện cũng đi theo tôi ngay.

Đồng chí Quỳnh đang suy nghĩ cách đối phó nên cũng xúc động. Đồng chí bỗng nói lắp, một tay giơ cái bút chì lên cứ run run: 

“Được! Được, tao cho chúng mày đi! Nhưng có thằng nào biết đường không?”.

Đồng chí Diện bảo: “Tao biết!”.

Chính đồng chí Diện nói bừa để mọi người nhanh chóng quyết tâm. Và chính cái mạo hiểm này của đồng chí Diện thật quý giá vô cùng. Mạo hiểm rất đúng lúc!

Đồng chí Quỳnh đã nhanh chóng quyết định: cho tôi, đồng chí Diện, đồng chí Đệ (tức đồng chí Nguyễn Khang bây giờ) chuẩn bị đi ngay. Đồng chí đó đưa một gói thuốc (gồm ký-ninh, pa-luy-đơ-rin, v.v…) và đưa thêm mấy chục đồng nữa cho đồng chí Diện. Chúng tôi hối hả chuẩn bị. Nhưng bỗng đồng chí Diện lại đổi ý kiến: “Này! Hay là thằng Quỳnh đi đi, thêm thằng Quỳnh ra nữa tốt hơn”.

Đồng chí Quỳnh lại lắp bắp: “Đi nhiều quá không được! Ba thằng thôi! Tao ở lại đối phó”.

Đồng chí Diện lại nói: “Thế thì mày ra đi, mày ra lợi hơn, để chúng tao ở trong này đối phó được. Tao ở lại!”.

Đồng chí Quỳnh giận dữ: “Đ… ai chả muốn ra, nhưng tao là bí thư chi bộ, tao có trách nhiệm chung, tao phải đối phó. Thôi đi đi, muộn mẹ nó bây giờ”.

Và bỗng đồng chí đó dịu dàng: “Đi cẩn thận nhé! Tao cho thêm bộ quần áo đây!”.

Thực ra lúc ấy tôi không kịp suy nghĩ. Nhưng về sau này, mỗi khi nhớ lại lúc này, tôi thấy cảm động lạ lùng. Đồng chí Quỳnh là một công nhân, đồng chí Diện cũng là một công nhân, trong những lúc cần hành động, các đồng chí đó hành động nhanh chóng, dứt khoát lạ thường, mà hành động rất đúng, rất giản dị, không khách sáo, không lôi thôi. Đồng chí Quỳnh người to lớn, chắc nịch, gân guốc, mắt hơi kèm nhèm, cái đầu húi cua cứ gật gật, lúc bấn lên thì nói lắp. Đồng chí Quỳnh có nụ cười như trẻ con, cười rất cởi mở, hồn nhiên. Đồng chí Diện thì người xương xương, nhưng chắc như gỗ lim, da ngăm đen, khỏe mạnh, cử chỉ rất nhanh nhẹn, vui tính, đùa quấy rất nhộn.

Các đồng chí nghĩ và nói với nhau những điều kể trên rất nhanh và rất tự nhiên bình thường. Hầu như tinh thần trách nhiệm, sự suy tính và lợi hại chung của cách mạng nó tự nhiên ở trong máu trong thịt các đồng chí đó rồi. Tôi nghĩ đến chuyện ấy và thường tự nhủ một chân lý cũ kỹ và luôn luôn mới mẻ: “Cánh tiểu tư sản mình phải rèn luyện nhiều và thường xuyên rèn luyện. Không thể tự mình có được những cái tinh thần cách mạng của người công nhân được”.

Chúng tôi hầu như không có gì phải chuẩn bị. Tôi mặc thêm một cái áo vệ sinh mà mẹ tôi gửi lên Sơn La cho, trùm ra ngoài áo số. Tôi vẫn mặc cái quần trắng của nhà tù, nhưng chữ số đã phai đi nhiều. Đồng chí Đệ hẹn, tay chỉ bừa lên một quả đồi ở cạnh đó: “Tao lên kia thay quần áo xong thì đi, ra đó cùng đi nhé!”.

Lúc ấy đang bữa ăn, tôi ăn vội vài miếng cơm rồi kêu đau bụng, đi lên đồi. Đồng chí Diện theo sát tôi ngay, thế là tôi và đồng chí Diện đi với nhau. Lên đồi quanh quẩn mãi không thấy đồng chí Đệ đâu, chúng tôi cứ kéo bừa nhau đi vì trời chiều lắm rồi, nếu không mau thì tối mất. Chúng tôi đi loanh quanh mãi ở phố không tìm được đường ra bến đò và lúc ấy đồng chí Diện mới bảo: “Cứ ra bờ sông đã, rồi xoay sau. Tao cũng không biết đường đâu”. Đi một lúc, chúng tôi lại thấy xa xa trước mặt mấy cái quán chợ, anh em đang ăn cơm. Lại quay đi, loanh quanh lại đến một dãy nhà, trước dãy nhà đó hai tay cai khố xanh áp tải chúng tôi đang đánh pinh-pông; lại quay lại rẽ đường khác, đang cắm cúi đi thì thấy có tiếng người, vội ngẩng lên té ra chúng tôi đang đi vào một cái dốc dẫn vào cổng trại lính khố xanh. Cũng vừa lúc đó, nhìn về phía tay trái, chúng tôi thấy thấp thoáng bóng con sông Đà. Chúng tôi kéo nhau vượt qua các bụi rậm, đi thẳng ra bờ sông và sau đó chúng tôi cứ vượt qua các ụ đá liên miên ở bãi sông, như kiểu chơi nhảy cừu. “Nhảy cừu” một lúc lâu, đã hơi mệt, mới trông thấy bến đò. Vừa bước chân đi trên bãi cát được mấy bước thì thấy đồng chí Đệ diện bộ quần áo đen (của đồng chí Quỳnh cho) ở trong bụi nhảy xổ ra gọi: “Chúng mày làm gì mà lâu thế, tao chờ ở đây sốt cả ruột!”.

Chúng tôi ra bờ sông chưa có quyết tâm rõ rệt ra sao còn đang đi dọc bãi cát để nghĩ mưu, thì có tiếng gọi từ ở dưới một cái thuyền nhỏ:

- “Này, có về chợ Phương không đấy?” (Chợ Phương Lâm ở Hòa Bình) - thế là chúng tôi bám ngay lấy chặng đường này. Chúng tôi mặc cả ngay và lên thuyền. Thuyền này là thuyền chở khách từ bến Phương Lâm (Hoà Bình) lên chợ Bờ, nay chuẩn bị về không, họ thấy chúng tôi thì họ thích quá đi rồi còn gì. Chúng tôi thì cứ hãy biết là có điều kiện thuận lợi thoát lấy một chặng đường đã.

Trên thuyền có hai vợ chồng người lái. Người chồng chừng độ ngót bốn mươi tuổi, vóc người gày gò, hiền lành ít nói, vẻ mặt hơi xanh và nhiều nết nhăn, tóc anh ta chờm chợp, coi bộ dạng như người đần, chả thèm chú ý gì sự đời. Chị vợ, ngược lại, người thấp và đậm, đen giòn. Chị ước chừng ngoài ba mươi, vẻ mặt tròn nhỏ, môi mỏng vết cốt trầu cắn chỉ, đôi mắt nhỏ, nhìn ai cứ như soi mói, nhấp nháy, nhấp nháy. Mọi việc mà cả, giá cả và giao thiệp chị vợ gánh vác hết.

Khi đã lên thuyền, đồng chí Diện bí mật phân công cho chúng tôi. Đồng chí Đệ phụ trách tổ trưởng, lãnh đạo chung, phụ trách nội bộ; tôi phụ trách “ngoại giao” (đồng chí Diện thấy tôi hay nói cho là tay giao thiệp giỏi). Còn đồng chí Diện phụ trách “hành động”, nghĩa là phụ trách kế hoạch và hành động đối phó. Tôi nhận trách nhiệm xong, ra ngồi khoang sau, chỗ chị vợ cầm lái và chèo để nói chuyện. Nhưng chết cái sau vài câu hỏi mua mấy miếng sắn luộc ăn thì liền bị chị ta tấn công:

- Các bác có đói không? Về Phương Lâm rồi đi đâu nữa đấy? Ở chợ Bờ hay ở Suối Rút về? - Ở Hà Nội lên à? Lên có việc gì đấy?…

Tôi đang ấp úng: “Ơ! ờ! Ở Hà Nội lên. Chả là có người nhà mà. Ở Suối Rút ấy…” và thấy bấn tinh lên, không biết xoay làm sao, thì đồng chí Diện tới gỡ ngay cho tôi. Đồng chí Diện đối đáp khá quá, làm tôi ngạc nhiên. Theo đồng chí đó thì tình cảnh chúng tôi là thế này:

- Chúng tôi là ba người làm thuê cho một gia đình giàu có ở Hà Nội, vì ở Hà Nội sợ máy bay Nhật ném bom, nên tản cư lên Suối Rút – Chúng tôi chuyển đồ đạc cho ông bà chủ lên Suối Rút hôm kia, hôm nay về để lại còn tiếp tục chuyển chuyến nữa!…

Nhưng chị lái đò vẫn tiếp tục nêu những câu hỏi bâng quơ mà chúng tôi bí quá. Chúng tôi bèn “hoãn binh chi kế” vào một khoang hội ý bí mật với nhau, xong lại ra nói chuyện với chị ta – Từ lúc này tôi bị truất chức “ngoại giao” vì đi vào công việc làm ăn tôi chẳng biết lối nào mà lần và đồng chí Diện lại kiêm cả “ngoại giao”.

Đồng chí Diện tỏ vẻ tin cẩn và thân mật với chị lái đò và có vẻ tiết lộ một bí mật ghê gớm. Bí mật đó là:

- Chúng tôi là cánh buôn lậu thuốc phiện, vì tránh đoan, nên phải đi đường sông – về đến Phương Lâm, chúng tôi muốn về thẳng Sơn Tây. Lần này chúng tôi đi tìm đường – Nếu đường đi tốt thì từ lần sau chúng tôi mang thuốc về - Và nếu chị đồng ý bảo đảm đường cho chúng tôi đi về thì được bao nhiêu lãi sẽ chia nhau với vợ chồng chị.

Chị lái đò có vẻ thắng lợi, chị nói giọng kẻ cả:

- “Gớm, biết ngay mà, các ông anh cứ… vải thưa che mắt thánh. Mới nhìn tôi đã biết ngay mà, cứ nói loanh quanh mãi, nói thẳng ngay ra thế có phải dễ nghe không nào?” Thế rồi chị ta truy chúng tôi xem lần này có mang thuốc theo không? Theo chị nói thì nếu lần này mang thuốc là phải thực hiện hợp đồng ngay, nghĩa là phải chia cho chị ta ngay. Kẻo chị ta chở người mang thuốc phiện lậu thế này cũng là “xông pha nguy hiểm” lắm. Chúng tôi thề sống thề chết và mời chị ta khám, mới làm cho chị ta tin. Cuộc đàm phán kéo sang nhiều vấn đề và kết quả đối với chúng tôi thật là vượt yêu cầu rất xa. Được mấy khoản như sau:

1. Chị ta đồng ý ngay đêm ấy sẽ tiếp tục chở chúng tôi đi thẳng sông Đà về Trung Hà. Theo chị nói thì không nên về tận Sơn Tây, nguy hiểm lắm. Lên bến Trung Hà rồi đi đường tắt về tiện hơn, về vấn đề này anh chồng phản đối. Chị ta liền hạ lệnh:

- “Thôi, về bến Phương, bố mày về nhà mà nghỉ, tôi bảo cậu nó đi (em chị ta). Đàn ông đàn ang gì mà đụt thế!” – Anh chồng phục tùng ngay.

2. Do chỗ chúng tôi ăn mặc lố lăng quá, chị ấy bán lại cho một bộ quần áo cũ của người chồng, một cái mũ, một cái kính râm và sau đó anh Diện còn lấy trộm thêm cái thẻ của anh kia nữa.

3. Chị ta bắt chúng tôi nằm kín vào trong khoang không được nói năng gì, chị ta lấy chăn của nhà chị ta đắp cho chúng tôi và bảo rằng: Có gì cứ để mặc chị ta đối phó.

4. Sau này có lãi phải chia cho chị ta một nửa.

Chúng tôi nằm trong khoang bấm nhau cười thầm nhưng cũng vẫn còn nhiều áy náy. Có điều là dù có thắc mắc bây giờ thì cũng đã nằm trên thuyền rồi, họ có phản trắc cũng đành chịu, có nhảy ra bây giờ cũng không biết đi đâu. Chỉ có một căn cứ để vững tâm là chúng tôi nắm được bản chất chị lái đò này là tay quen buôn lậu và hám lợi. Vì chính thái độ và cách nghi ngờ của chị đã đưa chúng tôi đến chỗ đóng kịch buôn thuốc phiện lậu – điều mà chúng tôi không hề dự tính tới. Và khi biết chúng tôi là buôn thuốc phiện lậu thì chị ta hồ hởi, cởi mở như gặp “đồng chí” vậy. Và chính chị ta bày ra nhiều mưu kế và vạch đường cho chúng tôi.

Đêm ấy, con thuyền lặng lẽ trôi trên sông Đà. Hai bờ sông lặng lẽ và mặt trăng âm thầm đang chứng kiến một sự kiện bình thường mà vĩ đại.

Không biết là mấy giờ khuya, tôi chỉ nhớ là tối đã lâu lâu, thì chúng tôi tới bến Phương Lâm. Từ xa chúng tôi trông thấy vạn thuyền ở dọc theo bờ sông thành một vệt đen dài đặc cả ở vạn thuyền và trên bờ vẫn còn le lói mấy cái đèn dầu đỏ quạch, hắt ánh sáng xuống mặt sông dài ngoằng.

Thuyền chúng tôi vừa tới đầu vạn thì bỗng có tiếng nói to:

- Hôm nay cấm đổ ngang đấy nhé!

Chúng tôi bấm nhau trong bóng tối. Tôi vẫn nằm trong chăn hỏi vọng ra:

- Sao lại cấm đò… ò… ò?

- Tù trốn!

Tôi lạnh toát người, chắc các bạn tôi cũng như thế. Chúng tôi lại bấm nhau lần nữa.

Tôi lại hỏi nữa, không biết sao tự nhiên lúc này tôi lại nhanh nhảu mồm miệng và hoàn thành tốt nhiệm vụ ngoại giao thế:

- Tù gì trốn đấy?

- Tù chính trị đấy ạ!…

Trong đêm tối, không biết mặt mũi chúng tôi ra sao, chúng tôi lại bấm nhau lia lịa, tỏ ra mỗi người chúng tôi đều thấy tình thế có phần gay go.

Tôi như người đang có đà, tôi hỏi tiếp (có vẻ không khéo):

- Họ trốn có đông không thế?

- Tám người!

Câu trả lời ngắn gọn và chắc chắn khiến chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Không cần nói với nhau, chúng tôi đều biết chắc chắn là các đồng chí ở trong nhà tù Hòa Bình trốn. Chúng tôi không ngạc nhiên lắm, vì biết là Đảng ta tích cực tổ chức cho tù chính trị của ta trốn ở các nhà tù ra, để tăng thêm lực lượng cán bộ cho phong trào, trước yêu cầu cấp bách của phong trào đang lên cao. Thế là cuộc trốn của chúng tôi đáp ứng đúng chủ trương của Đảng, nhưng không phải là do bên ngoài tổ chức.

Có lẽ bọn đế quốc hoảng sợ nhất là tình cờ có hai cuộc trốn này thực hiện cùng một ngày, như là có một sự chỉ huy thống nhất chặt chẽ tài tình.

Tôi vừa dứt lời hỏi và vừa xong câu trả lời thì chị lái đò ghé vào thì thào:

- Thôi các bố ạ, tôi bảo các bố nằm im kia mà, cứ léo nhéo mãi!

Chúng tôi ngoan ngoãn nghe theo, vì cũng không có gì hỏi thêm. Chúng tôi chỉ hỏi thầm chị lái đò xem kế hoạch của chị thế nào?

Chị ấy cho biết: Chị ấy ghé vào bến Vạn cho chồng chị ấy về, rồi chị ấy lần thuyền dọc theo Vạn, đến cuối Vạn, thì chị sẽ chèo “nước rút” để đi thật nhanh. Chúng tôi liền giữ anh chồng lại, thuyết phục anh chồng và nêu lý do với chị vợ là: Đi ngay cho nhanh kẻo nguy hiểm và không kịp sáng đến Trung Hà. Họ đồng ý. Thế là chúng tôi đỡ lo việc anh chồng về, dễ lộ bí mật của chúng tôi.

Nói chung kế hoạch được thực hiện hết sức thuận lợi, và độ mười lăm phút sau, con thuyền của chúng tôi thênh thang lướt trên dòng sông Đà, nhằm phía Trung Hà tiến tới. Riêng tôi vùi đầu vào chăn làm một giấc, chờ khi đến bến. Các đồng chí Diện và Đệ có lẽ ngủ ít hơn.

Chúng tôi bắt đầu đi từ chợ Bờ lúc 4 giờ chiều; theo đúng khả năng thì với dòng nước xuôi ấy, sáng ngày hôm sau chúng tôi có thể ra tới sông Hồng Hà và đến bến Mía cách Sơn Tây mấy cây số về phía đông bắc.

Nhưng theo lời khuyên của chị lái đò, chúng tôi sẽ lên ở bến Trung Hà thôi vì ở đó tương đối vắng vẻ, và “đổ bộ” vào lúc gà gáy dễ tránh được sự đón bắt của lính đoan. Chị ta có hứa sẽ cho cập thuyền vào chỗ nào để chúng tôi có thể đi qua đồn lính đoan Trung Hà được dễ dàng nữa.

Tất cả mọi việc đều xảy ra đúng như dự đoán, thuyền cập bến Trung Hà đúng vào lúc chưa sáng, gà các nơi đang gáy dồn. Chúng tôi trả tiền đò hầu như gấp đôi để còn bù cả lúc họ trở về không mà lại ngược nước.

Thế là chỉ trong một đêm chúng tôi vượt được bảy, tám chục cây số đường sông, và nếu cứ đi đường bộ thì cũng mất đến gần trăm cây số. Thật là đạt được một tốc độ không ngờ, và đi được một con đường rất bất ngờ.

Khi lên bờ còn xảy ra một chuyện buồn cười. Vốn là chúng tôi thay đổi quần áo với nhau để ăn mặc cho nó hợp lý một tý. Đồng chí Đệ mặc cái áo đen và cái quần trắng, đội cái mũ mua của nhà đò. Đồng chí Diện mặc cái quần đen và cái áo vệ sinh bằng sợi của tôi; bên trong vẫn còn mặc cái áo trắng nhà tù có cả chữ P.S. (Prison Sơn La) còn rõ. Tôi mặc bộ quần áo nâu của anh lái đò. Như vậy “trang bị” vẫn có vẻ thiếu thốn lắm. Khi bước lên bờ, đồng chí Diện lại làm chuyện bất ngờ, đồng chí đó rủ chị lái đò cùng lên bờ và nhờ để chỉ lối cho rõ ràng. Đến lúc sắp sửa chia tay thì đồng chí Diện nửa đùa nửa thật lấy luôn cái nón chị ta đang đội ở đầu:

- “Chị cho chúng tôi mượn cái nón làm kỷ niệm nhé!” – Chị lái đò bị bất ngờ, không kịp giằng lại, chạy đuổi theo để đòi, thì đồng chí Diện lại nói đùa:

- “Thôi mà, tiếc nhau làm gì, chuyến đò nên nghĩa… lần gặp sau sẽ trả mà, trở lại đi, kẻo anh ấy trông thấy kia kìa!” Chị ta ngượng quá, và cũng không thể đuổi xa hơn, đành quay lại và lủng bủng những gì không rõ.

Đi được một đoạn, đồng chí Diện mới giải thích hành động của mình:

- Sở dĩ tao phải làm thế là vì tao tính chúng ta chỉ có mỗi cái mũ. Tao biết là mua thêm cái nón nữa thì cũng phiền, nên lừa cho chị ta lên, vờ như đùa cợt để chị ta khỏi nghi, lấy thêm cái nón nữa, thêm có cái kính râm mua hôm qua đây thì như vậy mỗi thằng có một cái khoác vào đầu cho nó đỡ trơ.

Tôi mặc bộ quần áo nâu và đeo kính râm, có lẽ trông “trơ” nhất. Nền nã nhất có đồng chí Đệ, còn đồng chí Diện đội cái nón trông cũng đến thất thểu…

Bây giờ đường đất đã rõ ràng, chúng tôi mới xác định thêm kế hoạch: cứ liều đi qua tỉnh lỵ Sơn Tây, vì một là chúng tôi không biết đường nào khác, hai là chúng tôi đoán mới qua một đêm, thông tri của địch chưa thể tới Sơn Tây, nhất là địch sẽ chỉ vây đón nhiều ở quanh Hòa Bình và đường Hoà Bình – Hà Nội mà thôi. Chúng tôi cần tăng thêm tốc độ vượt qua Sơn Tây sớm, sau đó về Phùng rẽ vào chùa Thầy, để đồng chí Đệ đi bắt liên lạc với cơ sở cũ của đồng chí Đệ. Nếu không được hoặc có gì trở ngại, sẽ về Hà Nội, đồng chí Diện chịu trách nhiệm lo liệu ăn ở.

Thế là đến sáng rõ, chúng tôi thuê xe tay đi, gần đến Sơn Tây, chúng tôi lại đi bộ.

Quãng hơn chín giờ, gần mười giờ gì đó, chúng tôi đi vào thị xã Sơn Tây. Ba người đi hàng một, tôi đi sau cùng, thỉnh thoảng lại phải ra hiệu, hoặc chạy lên bấm đồng chí Diện, kẻo hai chữ P.S. chết tiệt ấy cứ lòi ra ngoài, trông rõ quá.

Tất cả chúng tôi đều lần đầu tiên qua tỉnh Sơn Tây, thành ra chẳng anh nào biết lối đi ra Hà Nội; lại không dám hỏi thăm đội xếp, cứ cắm cổ đi, đoán hướng mà đi. Bỗng chúng tôi đi qua cửa thành Sơn Tây cũ, chúng tôi lại chứng kiến một cảnh vô cùng xúc động: một người lính khố xanh đang đứng coi một đám tù mặc áo xanh in số rửa chân tay ở bên hồ. Người lính khố xanh cầm roi đứng quát tháo, anh em tù thì cứ phớt đi như không, đầu đội nón rách, cúi xuống kỳ cọ một cách chậm chạp, chán chường. Người lính cầm roi vụt một vài người, đoàn tù náo động lên…

Tuy chúng tôi biết chắc những anh em kia là tù “kinh tế” nhưng không hiểu sao, chúng tôi cũng thấy có một sợi dây liên hệ gì rất mật thiết ràng buộc số phận chúng tôi lại với nhau. Chúng tôi bỗng cảm thấy sự việc chúng tôi tự do đi lại ở đây có vẻ như là một cái gì không thật, và cuộc đời cùm xích, có người áp tải kia vẫn đang chờ đợi chúng tôi. Tôi thấy nóng ruột lắm. Đồng chí Đệ và đồng chí Diện cũng nóng ruột thì phải, nhân dịp một lúc chúng tôi đi sát gần nhau, đồng chí Diện trao đổi: “Làm thế nào bây giờ?”. Chợt có một cô gái “tân thời” mặc quần trắng, áo “lơ-muya” hồng, che dù tha thướt trước mặt chúng tôi cách độ vài chục thước. Một ý nghĩ tinh nghịch thoáng qua đầu tôi. Tôi cười bảo:

- Kia kìa, tiên nữ hiện lên đưa đường chúng ta đi đấy! Cứ theo cô kia, thế nào cũng ra đường về Hà Nội.

Chúng tôi đi theo cô ta thật, lòng vui vui vì ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy. Quả nhiên qua một lần rẽ theo đường phố được một lúc, chúng tôi liền trông thấy cái biển xanh chỉ đường hình mũi tên, đề chữ Hà Nội. Chúng tôi nhắm theo đường đó, rảo bước thật nhanh.

Ra khỏi Sơn Tây được một quãng, chúng tôi lại thuê xe tay đi về cầu Phùng.

Đến cầu Phùng chúng tôi rẽ vào chùa Thầy. Lúc này đồng chí Đệ đi trước và hẹn chúng tôi là anh sẽ cho đón chúng tôi ở chùa Thầy. Sau khi đã hẹn ký hiệu đón nhau, thì anh bước ra khỏi “đội hình” và chúng tôi đi chậm lại.

Lại một cảnh trớ trêu.

Đến làng Thầy, thì cả tôi và đồng chí Diện không ai biết chùa nào là chùa Thầy. Thế là chúng tôi cứ lơ ngơ đi dọc làng mấy lần. Tôi phát hiện một sáng kiến vô duyên: vừa đi vừa huýt sáo điệu các bài ca cách mạng may ra gặp chăng. Nhưng sáng kiến đó không đem lại kết quả gì. Đi lại nhiều lần, chúng tôi thấy có thể bị người làng nghi ngờ. Chúng tôi đành vào một cửa hàng ăn mấy cái bánh chưng trừ bữa, xong, bàn nhau tìm đường đi tắt về Hà Nội. Chúng tôi mất một người, chúng tôi rất lo, không biết đồng chí Đệ có bắt được liên lạc hay không, có bị lộ và bị bắt không hay lại lạc đi đâu mất.

Chúng tôi hỏi thăm đường, biết cách qua sông Đáy, qua làng Sấu Giá và ra đường cái Sơn Tây – Hà Nội. Ra đến đường cái thì vừa tối. Chúng tôi đến ngã tư Cầu Giấy thì đã chín giờ tối, chúng tôi lại thuê xe tay đi về khu phố chợ Khâm Thiên để vào nhà cậu đồng chí Diện. Đêm đã khuya, chúng tôi gõ cửa một căn nhà lá lụp xụp trong ngõ Khâm Thiên. Một ông già hơi thấp bé, tóc bạc ra mở cửa cho chúng tôi, và sau khi nhận rõ đồng chí Diện thì cụ vội đóng cửa lại, kéo chúng tôi vào trong nhà, ôm lấy chúng tôi, xoa đầu vuốt mặt… Cụ cảm động quá, không nói lên lời, cụ khẩn trương pha nước và bàn cách giữ chúng tôi ở đó sao cho yên ổn, kín đáo.

Tôi nhớ lại lúc chúng tôi bị đưa từ Hỏa Lò, Hà Nội đi Sơn La, bọn đế quốc cho chúng tôi vào mấy xe ô-tô chở khách thuê và đưa đi qua phố Khâm Thiên để đi Hòa Bình. Khi qua phố Khâm Thiên này chúng tôi buộc những khăn mặt đỏ vào đũa giơ ra ngoài xe làm cờ đỏ và đồng thanh hát bài Quốc tế ca, hô khẩu hiệu: “Đoàn tù chính trị bị đày đi Sơn La gửi lời chào đồng bào!”. Lúc ấy tôi cũng ngồi cùng xe với đồng chí Diện. Bỗng có tiếng hét: “Anh Diện, anh Diện!” và một cô con gái lao động mặc áo nâu quần đen cứ chạy theo xe tôi vẫy vẫy. Đồng chí Diện ngó ra dặn vài câu rồi chúng tôi mất hút bóng người con gái đó. Lúc ấy đồng chí Diện bảo tôi:

- Em gái tao đấy, con ông cậu tao, cậu tao tốt lắm, ông ấy rất thích cách mạng.

Giờ đây tôi đã được ở ngay trong nhà ông già thích cách mạng ấy đây rồi. Sau khi chuyện trò, nói rõ cho ông già biết hoàn cảnh của chúng tôi, chúng tôi đi ngủ một đêm đầy tin cậy, yên ổn và sung sướng.

Thế là chúng tôi tin chắc là cuộc trốn đã hoàn thành.

Chúng tôi vẫn thắc thỏm về đồng chí Đệ, nhưng dù sao chúng tôi cũng ngủ một giấc ra trò.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét