Lời tuyên dương Quân đội của Quốc hội nói rõ: “Quân đội
đã có những cống hiến lớn lao đối với Tổ quốc, đã luôn anh dũng tuyệt vời, hy
sinh cao cả, chịu đựng gian khổ, kỷ luật nghiêm minh, đoàn kết keo sơn, lao động
dũng cảm, biểu thị một truyền thống cách mạng tốt đẹp”.
Đó thực là truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, đó là những đạo đức tốt đẹp được bồi dưỡng nên trong
mười lăm năm xây dựng và bây giờ được trở thành những tiêu chuẩn cụ thể để mỗi
quân nhân rèn luyện. Những đạo đức đó hình thành nên một cách kỳ diệu và đầy
vinh dự: đó chính là những điều mà Hồ Chủ tịch hay nhắc tới, giáo dục mọi
người và tự mình gương mẫu. Đó là đạo đức Hồ Chí Minh. Đó chính là đạo đức của
quân đội được Hồ Chí Minh, người lãnh tụ cao
cả của dân tộc Việt Nam, vị thống soái và người cha già vô cùng kính yêu của quân đội nhân dân
Việt Nam rèn đúc nên.
Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, chiến đấu và trưởng thành dưới ánh sáng
của những nguyên tắc của chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và những
kinh nghiệm quý báu của quân đội Xô-viết và giải phóng quân Trung Quốc. Nhưng đồng
thời quân đội ta, trong quá trình trưởng thành, đã hình thành nên những nét độc
đáo của mình và điều đó càng mang lại thêm nhiều vinh dự cho lịch sử của mình. Đó
là vì ngay từ lúc sơ sinh quân đội ta đã gắn chặt với vị thống soái của mình không
một phút nào rời ra nữa. Hồ Chủ tịch là người thể hiện đạo đức cách mạng trên một
đỉnh cao, với những nét phi thường và độc đáo của mình. Hồ Chủ tịch là nơi kết
tinh tất cả những đức tính trong sáng, hồn nhiên, chân thật của những người lao
động bình thường. Hồ Chủ tịch lại là nơi kết tinh tất cả tình yêu sâu sắc bao
la, nồng hậu của con người với con người. Với đức tính ấy và tình yêu ấy, Hồ Chủ
tịch đã cảm hoá được bao nhiêu tâm hồn bị vẩn đục, đã khích động được bao nhiêu
lòng dũng cảm, chí hy sinh, khuyến khích khêu gợi bao nhiêu đức tính lành mạnh
của con người và xây dựng nên những nguyên tắc đạo đức phổ biến có sức mạnh, ăn
sâu vào trong đời sống của mọi người. Quân đội ta có một vị thống soái như vậy,
không thể nào không mang trong mình những nét đặc sắc về đạo đức của Người.
Hồ Chủ tịch đã giáo dục quân đội như thế nào ? Người
không hề đẻ ra những quyển sách lý luận, những bài luận văn dài, lớn, để thuyết
minh các nguyên tắc đạo đức. Người chỉ hoàn toàn dựa vào nguyện vọng thiết thực
của quần chúng, vào hành động cụ thể của quần chúng, vào những sự việc của quần
chúng, Người chỉ ra điều hay lẽ phải và tổng kết lại những nguyên tắc giản đơn
như những khẩu hiệu hành động, mà quần chúng nghe qua cảm ngay thấy điều đó là
của mình đã từ lâu và rồi từ đó không bao giờ quên nữa.
Ngày xưa trong dân gian có câu nói: “Cha mẹ sinh con
trời sinh tính”. Câu nói đó không đúng lắm. Nhưng xin phép nhắc lại ở đây để ví
Hồ Chủ tịch với “ông Trời”, một “ông Trời” ngay giữa trần gian sinh ra những đức
tính tốt đẹp cho những người con yêu quý. Ngày nay trong bộ đội có câu hát đầy
hình ảnh và ý vị: “Tôi là quân đội nhân
dân, con ông bà nhân dân lao động, cháu Bác Hồ”. Đó cũng chính là nét đặc sắc
của lịch sử quân đội ta. Quân đội ta do nhân dân lao động đẻ ra dưới sự lãnh
đạo của Đảng. Đạo đức trong quân đội ta hình thành nên là do công lao của toàn
Đảng xây dựng, sự nỗ lực hoạt động của tất cả các cán bộ đảng viên và ý chí anh
hùng của toàn thể chiến sĩ. Nhưng công lao dạy dỗ số một phải là ở Hồ Chủ tịch.
Trong những giờ phút nghiêm trọng như những ngày say sưa chiến đấu ở Hà Nội,
những ngày gian khổ, xa xôi, thiếu thốn của Nam Bộ, những phút gian truân vất
vả trong các vùng địch hậu, những trận đánh tập trung đầu tiên của quân đội ta
ở biên giới, những lúc gặp khó khăn, những khi có những khuyết điểm, những lúc
tình hình phức tạp cần phải nhìn nhận sáng suốt, những phút vui mừng chiến
thắng… Tất cả những giờ phút đó, quân đội đều được gặp Hồ Chủ tịch, hoặc Người
đến thăm hoặc Người đến chỉ dẫn ở hội nghị hoặc Người viết thư gửi đến. Những
lời nói và thư từ của Người đều là những lời bảo ban dặn dò rất chính xác rất
nghiêm túc rất thiết thực nhưng lại rất dịu dàng, âu yếm, ân cần, nó vô cùng
sâu sắc.
Không ai không thấy rằng quân đội ta là một quân đội có
đạo đức. Đó là một nền đạo đức cách mạng của một quân đội cách mạng. Nền đạo đức
đó có những quy tắc của nó do Hồ Chủ tịch đề ra và vun trồng cho nó.
Bản thân Hồ Chủ tịch là một tác phẩm tuyệt vời, phong
phú tuyệt vời, sâu sắc tuyệt vời và trong sáng, sinh động tuyệt vời. Hồ Chủ tịch
đã “sáng tác” ra một tác phẩm khác nữa đó là nền đạo đức trong quân đội với cả
một lịch sử của nó. Vì muốn nghiên cứu việc giáo dục của Hồ Chủ tịch với quân đội,
không thể đi tìm ở sách vở mà phải tìm ngay vào bản thân đời sống của quân đội,
bản thân lịch sử của quân đội, không thể tìm thấy những lý thuyết phân tích mà
phải tìm thấy những nguyên tắc đanh thép, sắc gọn như những khẩu hiệu linh động
và đã biến thành ngay trong sự sống hàng ngày.
Tuy vậy nội dung đạo đức của Hồ Chủ tịch giáo dục cho
quân đội lại rất phong phú. Trong mỗi hoàn cảnh cụ thể đều có những yêu cầu, những
chỉ thị, những nguyên tắc cụ thể chỉ đạo hành động lúc đó chứ không phải những
nguyên tắc chung chung nói lúc nào cũng được. Nhưng dù sao trong những lời dạy
bảo phong phú ấy vẫn nổi bật lên những nguyên tắc cơ bản. Mà nhân dịp này chúng
ta thử lần lại, ghi chép lấy, đánh dấu để học tập mãi về sau này.
Qua tất cả những lời dạy bảo ta thấy những điểm làm cơ
sở cho nguyên tắc đạo đức quân nhân là như sau :
1. Trước hết phải trung với nước, hiếu với dân, đó là
sáu chữ Hồ Chủ tịch tặng các học viên trường võ bị Trần Quốc Tuấn năm 1948.
Điều này xuất phát từ nguyên tắc Hồ Chủ tịch đề ra “Vệ
quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào giữ gìn Tổ quốc” (thư gửi
báo Vệ quốc quân năm 1947).
Suốt trong thời gian kháng chiến Hồ Chủ tịch thường
xuyên kêu gọi quân đội “thi đua giết giặc lập công”, Hồ Chủ tịch tặng cờ “Quyết
chiến quyết thắng” chỉ thị cho quân đội phải “luôn luôn phát triển kỷ luật nghiêm
như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo
đức trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân”.
Hồ Chủ tịch tặng tên cho đơn vị, có đơn vị là “Trung Dũng”,
“Tất Thắng”, “Quyết Thắng” và tặng Nam bộ là “Thành Đồng Tổ quốc”.
Có thể nói đó là những yêu cầu cụ thể và lòng trung thành
của quân đội đối với sự nghiệp cách mạng. Hồ Chủ tịch cùng toàn Đảng lãnh đạo
quân đội hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc vì vậy nội dung cơ bản của nhiệm
vụ chiến đấu của quân đội trong giai đoạn cách mạng này là trung với nước, nhưng
trung với nước phải gắn chặt với hiếu với dân. Hai điều đó thống nhất với nhau
thành một yêu cầu vì quân đội ta là quân đội nhân dân, là quân đội của nhân dân
lao động do Đảng của giai cấp công nhân sáng lập và lãnh đạo. Hồ Chủ tịch không
nói nhiều nhưng ngay từ khi bắt đầu thành lập, dưới ảnh hưởng của ngôn ngữ của
Hồ Chủ tịch, hình ảnh quân với dân như cá với nước, đã trở thành rất sâu sắc trong
dân gian. Đó cũng là thực chất của mối quan hệ hoàn toàn mới mẻ giữa một quân đội
kiểu mới với nhân dân lao động. Trong 12 điều yêu cầu báo Vệ quốc quân giáo dục
chiến sĩ, Hồ Chủ tịch đã nêu thì chín điều là những yêu cầu cụ thể của mối quan
hệ quân dân, yêu cầu tư cách, phẩm chất của một chiến sĩ quân đội nhân dân, một
điều yêu cầu về kỷ luật, một điều yêu cầu tôn trọng của công, một điều yêu cầu
nội bộ đoàn kết đồng cam cộng khổ. Mười hai điều này là cơ sở cho mười hai điều
kỷ luật quân đội được quy định sau này.
Người còn yêu cầu quân đội (cũng như yêu cầu chung đối
với cán bộ) phải làm cho “dân tin, dân phục, dân yêu”. Người yêu cầu bộ đội phải
“bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc”, “không được động đến cái kim sợi chỉ của dân,
không những thế khi đến đóng, lúc kéo quân đi còn phải không để tổn thất gì cho
dân, làm cho nhà cửa vườn tược thêm sạch sẽ, mượn phải trả, làm hỏng phải đền”.
Như thế là làm cho dân tin còn phải làm cho dân yêu, phải kính già, yêu trẻ, không
được ve gái, say sưa, cờ bạc. Hơn nữa phải hết sức giúp đỡ nhân dân từ việc nhỏ
đến việc to, phải giúp đỡ việc tăng gia sản xuất. Như thế mới được dân phục. Đó
là chưa kể trong khi chỉ đạo tác chiến, Hồ Chủ tịch hết sức chú ý đến chiến
tranh du kích, giúp đỡ nhân dân đánh giặc. Người đã tặng cho một đơn vị ở đồng
bằng danh hiệu “Giúp dân đánh giặc” để khen thưởng những cố gắng và thành tích
của đơn vị đó.
Hồ Chủ tịch hết sức chú ý đến những thành tích dù nhỏ
của chiến tranh du kích và những hành động nhân dân giúp đỡ bộ đội. Hồ Chủ tịch
đã đề ra sáng kiến cụ thể “đón thương binh về xã”, “may áo cho chiến sĩ” (mùa đông
binh sĩ), “bán gạo khao quân”, v.v… Những điều đó càng làm cho quan hệ quân dân
ngày càng sâu sắc bền chặt và ruột thịt ; làng nào có một thành tích cụ thể, Hồ
Chủ tịch trực tiếp viết thư khen ngay (thư gửi xã Vĩnh Thành, xã An Phú và Văn
Giáo tháng 3-1948 về thành tích giúp Mùa đông binh sĩ).
Hồ Chủ tịch còn đề ra mười hai điều răn (sáu điều nên
tránh và sáu điều nên làm) cho tất cả bộ đội, cán bộ và nhân viên cơ quan.
Trong đó Hồ Chủ tịch dạy cả việc “không nên đưa gà sống vào nhà đồng bào miền
ngược”, dạy việc “mua giùm nhân dân xa chợ những đồ dùng cần thiết” và trong các
câu thơ cổ động, Hồ Chủ tịch nêu lên :
Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân
Hồ Chủ tịch dạy bảo rất cụ thể. Mỗi khi đến thăm đơn vị,
ngoài việc kiểm tra và khuyến khích tinh thần chiến đấu, tinh thần đoàn kết trên
dưới, Hồ Chủ tịch thường hết sức chú ý đến quan hệ quân dân. Người hay kiểm tra
kỷ luật quần chúng.
Sau chiến dịch Biên Giới, Người thăm đơn vị tôi, Người
hỏi: “Các chú có ỉa bậy không?” và sau đó Người dặn phải giữ vệ sinh chung để
bảo đảm sức khoẻ cho quân đội và nhất là cho nhân dân. Một lần khác, Người đến
thăm bộ đội ban đêm, bộ đội vác đuốc đưa đường cho Người, tàn đuốc rơi gần đống
rơm của đồng bào, Người dừng lại tự mình dập tắt tàn đuốc và nhắc ngay: “Phải
cẩn thận không nên vì sơ ý một chút mà hại đến tài sản đồng bào”. Những cử chỉ
giản dị và sâu sắc như vậy rất nhiều, rất gần gũi với toàn thể quân đội từ cán
bộ đến chiến sĩ, nó trở thành những câu tuyên truyền và những bài học rất thiết
thực hàng ngày nhắc nhở nhau.
Tất cả những lời dạy bảo của Hồ Chủ tịch đã biến thành
truyền thống vẻ vang của quân đội ta ngày nay. Hiếu với dân đó là cơ sở của đạo
đức của quân đội, có hiếu với dân mới trung với nước vì “nước lấy dân làm gốc”
(trong mười hai điều răn) và hiếu với dân thì phải cụ thể thiết thực, tức là hiếu
với nhân dân lao động, bảo vệ, bênh vực, giúp đỡ, tôn trọng nhân dân lao động.
Ngày nay đối với Hồ Chủ tịch cũng như đối với tất cả chúng ta nước là dân, dân
là nước.
Trung với nước, hiếu với dân là tuyệt đối trung thành
với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, là hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân. Đó
thật đã là tôn chỉ rõ rệt của quân đội được quy thành một khẩu hiệu: “Vì nhân
dân phục vụ”, thành lời ca: “Vì nhân dân quên mình” luôn vang lên trong quân đội,
đó là sự nghiệp phấn đấu giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi ách áp bức bóc lột,
là sự nghiệp bảo vệ mọi công cuộc xây dựng, sản xuất, hoà bình của nhân dân lao
động.
Quân đội phải hiếu với nhân dân như con hiếu với cha mẹ,
quân đội phải tự đặt cho mình một mối quan hệ với nhân dân là mối quan hệ ruột
thịt trong nhà, tự thấy nguồn gốc sinh ra mình là ở nhân dân, đặt mình là ở địa
vị phục vụ nhân dân, nghe theo lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, tuyệt không
phải là đàn áp chống lại hoặc làm ơn với nhân dân. Phải là người con chí hiếu
chăm lo săn sóc đến gia đình mọi nhà và phải nhường cơm sẻ áo, chia ngọt, sẻ bùi
với nhân dân. Đó vừa là một yêu cầu về chính trị của quân đội, lại là một hình ảnh
rất đáng yêu đáng quý, nó vừa xác định thái độ và nhiệm vụ quân đội một cách sâu
sắc cụ thể, dễ nhớ mà lại hoàn chỉnh nghiêm túc, nó lại vừa chỉ rõ nguồn gốc và
bản chất quân đội: “Từ nhân dân mà ra, chiến đấu vì nhân dân”.
Nói theo lời dạy của Hồ Chủ tịch, lịch sử quân đội ta
cũng là lịch sử “tận tuỵ với nước, chí hiếu với dân”, vậy: với tấm lòng trung
thành vô hạn, quân đội ta đã trải qua hơn mười năm chiến đấu gian khổ, đã nêu lên
những tấm gương chói lọi vừa phảng phất khí phách của Phù Đổng Thiên Vương, Phạm
Ngũ Lão, Trần Quốc Toản, v.v… lại vừa có những phong cách anh hùng mới mẻ, khiêm
tốn giản dị kiểu Hồ Chí Minh. Chúng ta có Trần Cừ, Phan Đình Giót, Cù Chính
Lan,… đều là những người bình thường trở thành anh hùng vang danh mãi mãi, chúng
ta có Bùi Chát căm thù địch hết lòng bảo vệ nhân dân, có Phạm Minh Đức xả thân
bảo vệ lấy đời sống của nhân dân, chúng ta còn có hàng ngàn vạn chiến sĩ vô
danh hoặc lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm, mang đến cho nhân dân rẻo cao, sống heo
hút cô đơn cực khổ, những lời dạy bảo của cụ Hồ, bát cơm manh áo, viên thuốc, hạt
muối cụ Hồ hoặc chết không khai để bảo toàn lực lượng cách mạng dưới cùm kẹp của
quân thù hoặc nằm hầm rúc bụi, chịu cho nhân dân khi tạm thời còn bị lừa bịp,
chửi rủa dè bỉu, để tìm mưu diệt địch, nhẫn nại giải thích và đoàn kết nhân dân.
Trong những năm gần đây khi kẻ thù của nhân dân định gây
rối loạn, xúi bẩy nhân dân, nhân lúc Đảng sửa sai để tranh cãi nhau cướp nước,
nhận ruộng. Quân đội nhân dân ôm đầu xông vào giữa những đám người nóng tính nói
những câu bất hủ: “Nhân dân lao động là người một nhà, muốn đánh nhau, hãy đánh
con em của nhân dân lao động là bộ đội trước đã”.
Trong những cuộc chống cưỡng ép di cư, bộ đội cũng hết
sức nhẫn nhục để giảng giải điều hay lẽ phải, mặc cho những điều mắng chửi vô ý
thức nhất thời.
Những khi đói kém, bộ đội bớt gạo nhịn ăn, nhịn mặc,
chia nhau nấu cháo, nâng giấc những người đói lả. Trong những khi gian khổ chống
hạn, chống lụt, chống bão, bộ đội lấy thân mình ngăn nước đắp đê, nằm cả đêm trên
mái nhà chống bão.
Tất cả những hành động ấy không thể có ở bất cứ một quân
đội nào không phải là quân đội cách mạng của nhân dân, đã được thấm nhuần một đạo
đức tốt đẹp. Đó thật là những hành động vô cùng đẹp đẽ của quân đội : Trung với
nước, hiếu với dân vậy. Không thể nào không hết lòng cảm ơn Hồ Chủ tịch, người
thày vĩ đại đã đề ra và giáo dục đạo đức đó cho quân đội.
Đó chính là nền tảng của bản chất quân đội ta, là đường
lối xây dựng của quân đội ta. Nền tảng ấy và đường lối ấy thấm nhuần rất rõ lập
trường quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Hồ Chủ tịch đã chỉ vạch ra, dẫn đạo
từng bước một, một cách hết sức cụ thể sáng sủa mà hết sức vững chắc với một
phong cách hết sức độc đáo của Người.
Cũng trên nền tảng ấy mỗi thời kỳ và giai đoạn của cách
mạng, Người lại chỉ vạch nhiệm vụ quân đội rõ ràng.
Trong thời gian kháng chiến, Người dặn:
“Luyện thân thể cho mạnh mẽ,
Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo,
Trau dồi tinh thần cho vững chắc,
Hun đúc đạo đức quân nhân cách mạng cho vững vàng”.
(Gửi Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, 11-1949)
Để “Ra sức giết giặc lập công”, “Giết cho nhiều giặc, đoạt
cho nhiều súng” (Kêu gọi thi đua 6-1948).
Trong những năm chiến đấu gian khổ và bắt đầu có những
thắng lợi lớn. Hồ Chủ tịch nhắc lại nhiệm vụ “…Cần phải thấm nhuần tư tưởng kháng
chiến nhất định thắng lợi nhưng phải trường kỳ và gian khổ, cần phải nâng cao
tinh thần trách nhiệm đi sát với nhân dân, để thắng nhiều trận to hơn nữa, để
tiêu diệt sinh lực địch, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn” (22-12-1951).
Khi hoà bình lập lại, Hồ Chủ tịch lại nhắc ngay nhiệm
vụ: “Trước tình hình mới, nhiệm vụ của các chú là phải làm hậu thuẫn vững chắc
cho cuộc đấu tranh thống nhất để củng cố hoà bình, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thống
nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc,…”.
“Bác kêu gọi toàn thể cán bộ và chiến sĩ hãy giữ vững
và nâng cao ý chí chiến đấu, ra sức thi đua học tập quân sự và chính trị, làm
cho quân đội ta ngày càng mạnh mẽ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang” (22-12-1954).
Trong những năm củng cố hoà bình, khôi phục kinh tế ở
miền Bắc, Hồ Chủ tịch lại vạch rõ “Ngày nay nhân dân ta ở miền Bắc đã thoát khỏi
ách đế quốc và phong kiến, nhưng nhiệm vụ xây dựng miền Bắc của chúng ta còn nặng
nề, sự nghiệp đấu tranh để thống nhất nước nhà còn lâu dài gian khổ”.
“Quân đội ta cần phải phát huy
truyền thống cách mạng anh dũng và vẻ vang, nâng cao chí khí phấn đấu, giữ vững
kỷ luật, đoàn kết trên dưới, đoàn kết quân dân, ra sức làm tròn nhiệm vụ do
Đảng và Chính phủ giao phó cho”.
Gần đây, khi nhiệm vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền
Bắc đã đặt ra rõ ràng, Hồ Chủ tịch lại chỉ ra nhiệm vụ cho quân đội : “Phải không
ngừng nâng cao trình độ chính trị kỹ thuật và văn hoá, ra sức công tác và lao động,
tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Phải trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết khiêm tốn
hết lòng vì Đảng, vì dân,
- Phải nâng cao chí khí chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng
bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình”.
Xét cho kỹ đó chính cũng là những nội dung mới của
“Trung với nước, hiếu với dân” thích hợp với từng thời kỳ của cách mạng.
2. Phải hun đúc đạo đức quân nhân cách mạng là trí, dũng,
liêm, trung, cần, kiệm, liêm, chính.
Trong khi giáo dục cán bộ và bộ đội, Hồ Chủ tịch thường
nói nhiều lần mấy điểm đạo đức cơ bản:
Cần, kiệm, liêm, chính,
Chí công, vô tư,
Trí, dũng, liêm, trung.
Mấy điều đó có liên quan với nhau. Nội dung của Liêm,
Chính là Chí công, vô tư. Nội dung của Trung là trung thành với sự nghiệp cách
mạng. Đã là cán bộ và chiến sĩ trong quân đội nhân dân không thể nào có những nguyên
tắc đạo đức gì riêng biệt. Hồ Chủ tịch cũng không hề đưa ra một công thức nào cứng
nhắc và vẹn toàn không chuyển. Trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, Hồ Chủ tịch lại yêu
cầu cán bộ, bộ đội những điều cụ thể.
Nhưng riêng với quân đội ngoài nội dung giáo dục cơ bản
“Trung với nước, hiếu với dân” vừa nói trên, Hồ Chủ tịch rất chú ý giáo dục quân
đội phải trau dồi Trí, Dũng và Cần, Kiệm, đặc biệt Trí, Dũng. Tất nhiên phải có
trung thành mới có trí dũng nên Trí, Dũng của Hồ Chủ tịch nêu ra đấy là tinh thần
chiến đấu cách mạng, một tinh thần chiến đấu hết sức ngoan cường bền bỉ, nhưng
hết sức linh hoạt cơ mưu để đoạt thắng lợi. Người quân nhân cách mạng không thể
“Hữu dũng vô mưu” chỉ biết phục tùng mù quáng, chấp hành mọi mệnh lệnh một cách
máy móc cứng đờ. Phải Dũng, dũng cảm tuyệt vời, nhưng phải Trí, phải cảnh giác,
phải cơ trí.
Ngay từ lúc đầu kháng chiến, quân
đội ta hết sức non trẻ, đi vào cuộc chiến đấu với một quân đội thực dân dày
kinh nghiệm và trang bị, tổ chức hơn hẳn ta. Hồ Chủ tịch đã nhắc ngay cán bộ và chiến sĩ Trung
đoàn thủ đô như sau :
“Chí kiên cường dũng cảm, các em đã có sẵn, đây tôi chỉ
nhắc lại một vài điều mà các em phải nhớ luôn luôn :
1. Phải hết sức khôn khéo nhanh chóng, bí mật, phải biết
cách hoá chỉnh vi linh.
2. Phải rút kinh nghiệm hàng ngày hàng giờ, phải đề phòng
Việt gian, trinh thám.
3. Phải hết sức cẩn thận. Phải
luôn luôn có sáng kiến để lợi dụng thời cơ.
…”
Toàn quân đã thấm nhuần đạo đức Trí, Dũng thành một
truyền thống vẻ vang và sâu sắc “anh dũng tuyệt vời, hy sinh cao cả”. Hồ Chủ tịch
có nhiều cách để giáo dục Trí, Dũng cho quân đội và Người đã chỉ vạch ra nội
dung Trí, Dũng rất phong phú đầy tinh thần cách mạng. Người nói: “Đối với địch
kiên quyết dũng cảm. Phải có mưu trí, kế hoạch: phải hữu tiến vô thoái” (thư
cho dân quân du kích 27-5-1947).
Ai đã trải qua kháng chiến đều nhớ chuyện Hồ Chủ tịch
giáo dục quyết tâm cho quân đội. Thường mỗi khi trước khi đi chiến dịch, hội
nghị cán bộ quân sự đều được gặp Người. Trước chiến dịch Biên Giới, Người đến tận
mặt trận và dặn dò “Trận này chỉ được đánh thắng”. Trước chiến dịch Tây Bắc, Hồ
Chủ tịch đến hội nghị và nói chuyện. Người đến hội nghị gặp mưa lũ lại phải qua
suối, suối nước lớn và chảy xiết, nhiều người chờ nước xuống. Nhưng Người thấy
hội nghị chờ nên Người quyết tâm tìm cách qua suối và cuối cùng qua được. Người
lấy điều đó làm bài học quyết tâm và kết luận “Việc dễ như hái cái lá mà không
quyết tâm thì lá cũng không dứt, nhưng việc khó khăn bao nhiêu có quyết tâm thì
cũng làm được”. Câu chuyện Người qua suối và bài học giản dị sâu sắc đó đã biến
thành một sức mạnh rất lớn ăn sâu vào trong cán bộ và chiến sĩ. Thường mỗi khi
trao nhiệm vụ hay dặn dò xong, Hồ Chủ tịch thường hỏi “Có quyết tâm làm được không?”. Mọi người trả lời “Có!”. Người vui vẻ gật đầu “Thế là tốt. Bác chờ khen các
chú”. Những cuộc gặp gỡ giữa vị Thống soái tối cao và quân đội thường kết thúc
như vậy. Và chỉ như vậy thôi, chữ “Quyết tâm” không bao giờ phai nhạt được nữa.
Quyết tâm là ý chí chiến đấu, quyết tâm là tinh thần dũng cảm hy sinh của quân
đội. Chữ quyết tâm còn được nhắc đi nhắc lại hàng nghìn lần trong hội nghị, bên
sa bàn, bên bờ chiến hào, cạnh dây thép gai của địch và nó biến thành muôn nghìn
hành động anh hùng của quân đội để xứng đáng với những lời hứa quyết tâm với Người.
Cuối năm 1953, Hồ Chủ tịch tặng cờ “Quyết chiến Quyết thắng”. Lá cờ đó đã kích
động những Bế Văn Đàn, Hoàng Văn Nô, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, lá cờ đó đã
kiêu hãnh phất phới trên Điện Biên Phủ và là tiền đề cho quân kỳ “Quyết thắng”
hiện nay. Đó cũng là hiện thân cụ thể của những lời dạy bảo của Hồ Chủ tịch về
Trí, Dũng.
Nội dung Trí, Dũng còn có nghĩa là cơ trí linh hoạt, là
thể hiện những tư tưởng chiến thuật của quân đội nhân dân. Trí đây không phải
chỉ có yêu cầu thông minh, tài năng thao lược. Trí đây là phải có nhận định được
rõ địch ta, biết đánh giá tương quan lực lượng cho thật chính xác, biết cảnh giác,
không chủ quan khinh địch, hết sức chú trọng tổng kết kinh nghiệm, kiểm điểm ưu
khuyết điểm, bằng phương pháp phê bình và tự phê bình, biết giữ bí mật, tôn trọng
kỷ luật, có sáng tạo, sáng kiến.
Hồ Chủ tịch nói: “Thế địch như lửa, thế ta như nước.
Nước nhất định thắng lửa” (kỷ niệm sáu tháng kháng chiến 6-1947).
Thật là một hình ảnh hết sức cụ thể và sinh động về
chiến lược trường kỳ kháng chiến, ta rõ cái ý thắng mau của địch và cái thế trường
kỳ của ta.
Hồ Chủ tịch lại nói: “Lực lượng của địch trước to sau
nhỏ, trước mạnh sau yếu, tình hình của địch như mặt trời đã xế tàn, gần tắt. Lực
lượng của ta trước nhỏ sau to, trước yếu sau mạnh, thanh thế của ta như những
nguồn nước nhỏ nhóm dần thành đại dương” (kỷ niệm hai năm kháng chiến toàn quốc
19-12-1948).
Thật là một sự phân tích tương quan lực lượng hết sức
khoa học, lại giản đơn, sâu sắc, ai đã nghe qua là nhớ mãi.
Không một lần nói chuyện nào và một lời dặn dò nào Hồ
Chủ tịch không dặn quân đội phải cảnh giác, bí mật, khiêm tốn không được chủ
quan khinh địch.
Hồ Chủ tịch nêu cao khẩu hiệu “Thắng không kiêu, bại
không nản” làm một quy tắc rèn luyện của mỗi quân nhân cách mạng hết lòng vì Đảng,
vì dân. Hồ Chủ tịch thường dạy rõ những nguyên nhân thắng lợi để mọi người thấy
rõ thắng lợi là do công của tất cả nhân dân, của toàn Đảng, cấm tiệt thói kiêu
căng, tự phụ.
Sau chiến thắng Biên Giới, Người dặn: “Nhưng chúng ta
chớ vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan khinh địch” (Gửi chiến sĩ thắng trận
Cao - Bắc - Lạng, 10-1950).
Sau chiến thắng Hoà Bình 1950, Người dặn: “Canh phòng
cẩn thận, tuyệt đối không được vì thắng mà kiêu, không được chủ quan”.
Khi khen ngợi bộ đội Thừa Thiên thắng to, Người cũng dặn
: “Chớ vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch”.
Thư gửi đồng bào và bộ đội Tả ngạn 10-11-1951 của Người cũng có câu : “Chúng ta quyết chiến quyết
thắng, nhưng tuyệt đối không được chủ quan khinh địch”.
Sau chiến dịch Tây Bắc, Hồ Chủ tịch dặn dò bộ đội và dân
công: “Phải luôn luôn làm đúng phương châm “thắng không kiêu, bại không nản” làm
được như thế bộ đội ta bao giờ cũng thắng” (25-12-1952).
Cho đến sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Hồ Chủ tịch vui
vẻ khao bộ đội nhưng vẫn không quên : “Bác dặn các chú một lần nữa, chớ vì thắng
mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch…”.
Hồ Chủ tịch dặn “khi có địch coi như không có địch,
khi không có địch coi như có địch” (Những câu nhớ lại những buổi được nghe Hồ
Chủ tịch nói chuyện với cán bộ, bộ đội. Không nhớ rõ thời gian, địa điểm).
Trong thư gửi cho dân quân du kích toàn quốc ngày 27-5-1947, Người dặn: “Lúc có địch cũng trấn tĩnh như không có
địch, lúc xa địch cũng nghiêm ngặt như gần địch”.
Người lại nói : “khi tĩnh như núi, khi động như biển”
(Những câu nhớ lại những buổi được nghe Hồ Chủ tịch nói chuyện với cán bộ, bộ đội.
Không nhớ rõ thời gian, địa điểm) để nói rõ hành động của bộ đội phải nhanh
chóng, bí mật có thể lừa được địch và bất ngờ tiêu diệt được địch.
Qua mấy ý tứ sâu sắc ấy ta cũng thấy rõ là trí không
phải là một cái gì thần thánh. Nó chỉ là yêu cầu người quân nhân cách mạng hết
sức trung thành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, đánh giá địch ta cho đúng,
không kiêu căng mà khiêm tốn bình tĩnh thì sẽ có thể sáng suốt đối phó với mọi
tình hình. Điều này thật là một tư tưởng
nhất quán trong các lời dặn của Hồ Chủ tịch vậy.
Ngoài ra trong rất nhiều buổi nói chuyện và dặn dò, Hồ
Chủ tịch đều chỉ thị cho bộ đội phải biết rút kinh nghiệm, tổng kết ưu khuyết điểm
bằng phương pháp phê bình và tự phê bình.
Sau chiến dịch Biên giới, Hồ Chủ tịch đã nói:
“Trận này ta đã thắng hai trận: Thắng lợi thứ nhất chúng
ta đã tiêu diệt và giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Thắng lợi thứ hai là
ta đã thấy rõ những ưu điểm và khuyết điểm của ta.
Lợi dụng triệt để những thắng lợi đó, Bộ Tổng tư lệnh
sẽ tổ chức những hội nghị kiểm thảo và những ban huấn luyện rộng khắp để tổng kết
kinh nghiệm phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, nâng cao lực lượng về mọi
mặt”.
Và Hồ Chủ tịch kêu gọi:
“Tôi nhắc rằng: các cán bộ và chiến sĩ đã hăng hái
thi đua giết giặc lập công thì sẽ hăng hái thi đua trong cuộc phê bình và tự phê
bình và do đó ta sẽ thắng lợi to hơn nữa…”.
Thực ra nội dung Trí, Dũng của Hồ Chủ tịch rất rõ là
phải quán triệt tư tưởng quân sự của Đảng, phải rèn luyện quan điểm quần chúng
trong quân sự, phải có tinh thần cách mạng triệt để trong hoạt động quân sự vậy.
Ở đây không thể nhắc lại và phân tích hết những ý kiến về chiến lược và chiến
thuật của Hồ Chủ tịch được mà chỉ mới ôn lại những điểm dạy dỗ để rèn luyện đạo
đức quân nhân mà thôi.
Hồ Chủ tịch cũng nhấn rất mạnh “cần, kiệm, liêm, chính”
mà trong đó nổi bật nhất là tinh thần “Cần kiệm”. Tinh thần đó được thể hiện ra
trong tác phong giản dị, gian khổ của Người và Người đã đem tác phong đó rèn
luyện cho bộ đội thành ra truyền thống tốt đẹp của bộ đội.
Người dạy: “Trong bộ đội phải đồng cam cộng khổ. Phải
giữ kỷ luật, phải siêng năng tập tành” (thư gửi dân quân du kích toàn quốc 27-5-1947).
Tinh thần cần kiệm sâu sắc, cảm động nhất là trong thư
Hồ Chủ tịch gửi các nhân viên cơ quan Chính phủ. Tinh thần đó được thấm nhuần
trong bộ đội rất nhiều. Người nêu lên những chân lý giản đơn :
“1. Người mà chịu được khổ thì
việc to lớn, khó khăn mấy cũng làm được.
2. Ta đã biết ta cần phải chịu khổ, thì ta chịu một cách
vui vẻ dần dần ta sẽ không thấy khổ.
…
Chớ bao giờ ngồi không. Lúc rảnh việc thì nên nghiên cứu
các vấn đề hoặc theo sức mình mà tăng gia sản xuất…”
Hồ Chủ tịch dạy quân đội: “Của
công là do mồ hôi nước mắt của đồng bào đóng góp lại. Bộ đội phải bảo vệ giữ
gìn, không được hoang phí. Phải chấm dứt những hành động bán gạo của dân góp
cho, làm hư hỏng dụng cụ, bắn phí đạn dược…” (huấn thị ở Hội nghị Tổng kết
chiến dịch Biên Giới, 1950).
Hình ảnh của Người là bài học vĩ đại nhất về Cần, Kiệm.
Mỗi khi gặp Người xong thì các chiến sĩ, cán bộ bàn tán nhiều nhất là bộ quần áo
của Người, cái khăn mặt vắt vai của Người, nhất là đôi dép cao su của Người. Những
điều đó đi thẳng vào lòng mỗi người cán bộ và chiến sĩ, xúc động mọi người mạnh
mẽ hơn hàng trăm bài lên lớp về cần kiệm gian khổ của những chính trị viên có tài.
Có lẽ về điều này cho đến bây giờ cũng thế, nói bao
nhiêu cũng không thể nào làm sáng rõ hơn được ba chữ “Hồ Chí Minh” mà cả thế giới
ca tụng.
Trong kháng chiến quân đội ta có những khi bữa rau bữa
cháo, đi chân đất, nằm sương gối đất, tắm giặt không có quần áo thay… nhưng không
bao giờ sờn chí, không lúc nào người ta nghĩ đến Hồ Chủ tịch mà lại lùi bước trước
những khó khăn như vậy. Cho đến ngày nay, quân đội ta luôn luôn là quân đội chiến
đấu, quân đội lao động và công tác, được dân khen là bộ đội cụ Hồ “đánh giặc tài
mà sản xuất cũng hăng”, đó cũng là một điều không tách rời khỏi tấm gương cần
kiệm gian khổ vĩ đại của Người.
Đạo đức cần kiệm của Hồ Chủ tịch vừa nêu cao đức tính
hy sinh của người cách mạng, vừa làm cho đời sống thiết thực giản dị, vừa soi rõ
một yêu cầu của đặc điểm tình hình chiến đấu của quân đội ta. Quân đội ta đã
“chân không, áo vải, bao gạo, súng trường” đi đánh giặc, lấy của giặc đánh giặc,
một viên đạn một quân thù mà chiến thắng giặc, như thế vừa không phí phạm công
sức của nhân dân, biểu thị rõ rệt hiếu với dân, lại vừa phát huy sức mạnh tinh
thần của mình, thắng sức mạnh dựa vào vũ khí của địch, như thế lại vừa rèn luyện
được chí khí “giàu sang không siêu lòng, nghèo khổ không nản chí”, làm cho mỗi
người có một sức mạnh tinh thần rất cao. Cho đến ngày nay trước nhiệm vụ xây dựng
đất nước, trong hoàn cảnh hoà bình, đạo đức của Hồ Chủ tịch lại càng tăng thêm ý
nghĩa trọng đại của nó. Cần kiệm hiện nay chính là một yêu cầu khách quan của
ta trong khi xây dựng quân đội.
Nước ta nghèo, lạc hậu, bị tàn phá nay cần phải xây dựng
trở nên giàu mạnh, nếu không cần kiệm không thể nào tiến nhanh được. Trong hoàn
cảnh hoà bình, trong khi Đảng và Chính phủ tuy rất nhiều thiếu thốn nhưng vẫn cố
gắng tìm cách giảm bớt khó khăn về đời sống của nhân dân, cán bộ, bộ đội. Tuy nhiên vẫn có thể nảy ra nhiều suy bì, tỵ nạnh
nhiều cách nhìn hẹp hòi, cục bộ, thiển cận. Những cách nhìn đó không xuất phát
từ toàn cục để tăng thêm ý nghĩa của những cố gắng của Đảng và Chính phủ, mà
lại đi tới “xiêu lòng trước một số lợi ích vật chất”, nảy ra nhiều ý nghĩ xấu
xa. Cho nên càng trong lúc này ta càng phải nêu cao “cần kiệm” không những
trong tu dưỡng đạo đức mà phải ngay cả trong phương hướng những công tác xây dựng
quân đội.
3. Phải luôn luôn xây dựng và củng cố mối đoàn kết nhất
trí
“Hồ Chủ tịch không chỉ chủ trương kêu gọi đoàn kết. Hồ
Chủ tịch ngày đêm thực hiện sự đoàn kết ấy. Hơn nữa, Hồ Chủ tịch tiêu biểu sự đoàn
kết ấy. Chính Hồ Chủ tịch là sự đoàn kết ấy”. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói về
tinh thần đoàn kết của Hồ Chủ tịch như vậy (trong cuốn Hồ Chủ tịch, hình ảnh cả
dân tộc – Nhà xuất bản Văn nghệ - 1955 – trang 13) và đồng chí Phạm Văn Đồng còn
nói rất chí lý như sau:
“Học toàn dân đoàn kết là học hoà hợp quyền lợi riêng
rẽ của mình trong quyền lợi chung của dân tộc, đồng tâm nhất trí với toàn thể
nhân dân, mưu cầu lợi ích chung của dân tộc. Hy sinh cái nhỏ để giành cái to. Hy
sinh một lúc để giành vĩnh cửu, vì nước chung quy là vì mình. Nước mất thì nhà
tan.
Học toàn dân đoàn kết là tẩy cho sạch đầu óc cô độc hẹp
hòi cố chấp, thành kiến, tự cao, tự đại, tự ái, tự phụ, nghi kỵ, vô căn cứ,
xung đột vô nguyên tắc. Chúng ta có thể khác nhau lắm về tư tưởng, chính kiến,
tính tình cũng như chúng ta có thể khác nhau lắm về địa vị xã hội, nhưng chúng
ta đều yêu nước tất cả. Hiểu nhau để cùng nhau thương nhau là đoàn kết.
Học toàn dân đoàn kết là đánh đổ cá nhân chủ nghĩa, bản
vị chủ nghĩa, chủ nghĩa “cái gì của tôi là trên tất cả”…
Học toàn dân đoàn kết là gột rửa tất cả cái gì có thể
chia rẽ chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta” (cũng sách trên,
trang 25).
Đó chính là cái nội dung bao quát, cái bản chất của
tinh thần đoàn kết mà Hồ Chủ tịch nêu lên. Chúng ta ai mà không thuộc lòng những
khẩu hiệu sau đây:
“Đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, đại thành công”,
“Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”.
Ai mà không biết Hồ Chủ tịch luôn nhắc đến câu ca dao
cũ kêu gọi đoàn kết :
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Ai mà không biết Hồ Chủ tịch luôn luôn nêu lên những câu: “Quân dân nhất trí”, “đồng cam cộng khổ”, “thương yêu đội viên”, “đồng tâm hiệp
lực”, “cùng chung một chí hướng”, v.v…
Thực chất của những câu nói đó chính là muốn nêu lên cái
bản chất đạo đức của quân đội ta. Quân đội ta do nhân dân lao động tổ chức ra,
dưới sự lãnh đạo của Đảng. Về thành phần mà nói, quân đội ta là nhân dân lao động,
về mục đích chiến đấu mà nói, quân đội ta chiến đấu vì nhân dân lao động. Cho nên,
tự nhiên, đã là quân đội nhân dân thì phải nhất trí với nhân dân lao động. Đã
chiến đấu vì mục đích của nhân dân lao động thì tất nhiên cán bộ và chiến sĩ phải
“cùng một chí hướng”, phải “đồng tâm hiệp lực”, “đồng cam cộng khổ”, phải nhất
trí. Hồ Chủ tịch kêu gọi đoàn kết, dạy mọi người phải đoàn kết chính là Hồ Chủ
tịch đã giữ vững việc bồi dưỡng bản chất quân đội nhân dân vậy.
Hồ Chủ tịch đã chỉ thị cụ thể:
“3. Thương yêu đội viên: Cán bộ phải thương yêu đội
viên. Đối với anh em ốm yếu, thương tật, cán bộ phải trông nom thăm hỏi. Người đội
trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên,
chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ. Cán bộ có thân hội viên như chân với
tay thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị mệnh lệnh
và kế hoạch cấp trên đưa xuống đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành…” (Huấn
thị ở Hội nghị Tổng kết chiến dịch Biên giới 1950).
4. Tôn trọng nhân dân :
“Phải biết trọng nhân dân, tôn trọng có nhiều cách, không
phải ở chỗ chào hỏi, kính thưa mà đủ,… Không được phung phí nhân lực, vật lực
của dân… Phải biết khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết
giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng nhân dân…” (Huấn thị ở Hội nghị Tổng kết
chiến dịch Biên giới 1950).
Ngày từ khi bắt đầu kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã chỉ thị
cho quân đội phải “Tuyệt đối đoàn kết” (thư gửi chiến sĩ trung đoàn thủ đô
1947). Hồ Chủ tịch dạy bộ đội phải đoàn kết nội bộ và luôn luôn yêu cầu bộ đội
phải “thực hành chính sách toàn dân đại đoàn kết” (lời dặn sau các chiến dịch).
Ý nghĩa của những điều đó hết sức rõ ràng. Nhưng xét
cho kỹ đến nay cán bộ và chiến sĩ chúng ta thực sự còn ít hiểu cho thấu đáo điều
này. Chúng ta thường nói về bản chất quân đội nhân dân với rất nhiều lý luận có
đầu có đuôi. Nhưng thực hiện những chữ đơn giản “đồng tâm hiệp lực”, “đồng cam
cộng khổ” thì lại có nhiều thiếu sót. Trong quân đội chúng ta còn không ít những
hiện tượng cá nhân chủ nghĩa, bản vị cục bộ, rồi từ ở đó kèn cựa, ghen tỵ, không
chịu học tập, nhường nhịn nhau, chỉ thấy công lao của mình, không thấu công lao
người khác, bất phục người khác, tự cho mình là tài là giỏi. Những điều đó nó làm
cho chúng ta quên mất chân lý giản đơn “chúng ta cùng chung một chí hướng”. Và
như vậy là có những hiện tượng “mất đoàn kết”. Ở chỗ nào, ở đồng chí nào có điều
đó, thật là đắc tội với những lời dạy bảo của Hồ Chủ tịch nhiều lắm.
5. Phải trau dồi lòng Nhân Đạo cao quý của quân đội cách
mạng
Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng nói về lòng nhân đạo của Hồ
Chủ tịch như sau:
“ … Chính Hồ Chủ tịch thường nói người cách mạng là người
rất giàu tình cảm và vì giàu tình cảm nên làm cách mạng. Người mà cả dân tộc tôn
làm vị cha già của mình phải có lòng thương mênh mông, xúc động đến tâm can của
mọi người. Trong thời kỳ bí mật, phút mặc niệm chiến sĩ cách mạng là lúc Hồ Chủ
tịch rơi nước mắt. Tại Quốc hội, Hồ Chủ tịch vừa khóc vừa ôm hôn anh Nguyễn Văn
Tạo sau khi anh đọc một bài diễn văn thống thiết về Nam Bộ.
Người xưa nói: “Có việc phải lo, lo trước thiên hạ, có
việc đáng vui, vui sau thiên hạ”. Hồ Chủ tịch nói một cách giản dị, thống thiết
hơn: “Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không
yên”.
Câu nói đó đã bộc lộ tâm trạng Người, mối tình cảm ruột
thịt bao bọc trăm họ của Đại gia đình Việt Nam” (Hồ Chủ tịch, hình ảnh dân tộc, trang 9).
Đồng chí còn nói thêm:
“Đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng
hơn biển cả. Người dạy phải khoan hồng vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh
ngộ mà lạc bầy…
…Hồ Chủ tịch tin rằng người Việt Nam nào cũng yêu nước, muốn nước thống nhất, độc lập, ta
khéo nhen chút than hồng ấy nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa”.
Đối với quân đội, tình thương yêu của Hồ Chủ tịch thật
là không bờ bến, sâu sắc ruột thịt và ân cần lạ thường.
Trước hết tình thương yêu ấy biểu thị ở chỗ Hồ Chủ tịch
thương yêu thương binh tử sĩ, lo lắng đến gia đình tử sĩ. Không Ngày thương
binh nào là Hồ Chủ tịch không có thư và quà cho thương binh, nhiều khi Hồ Chủ tịch
bớt cả lương của mình để gửi tặng thương binh, có ai tặng Hồ Chủ tịch cái gì
ngon, tốt, Hồ Chủ tịch cũng để dành cho thương binh. Hồ Chủ tịch còn nêu sáng
kiến đón thương binh về xã để giải quyết đời sống cho những thương binh không
chiến đấu được nữa.
Người còn viết thư cho Bộ Thương binh để căn dặn sự săn
sóc. Sau mỗi chiến dịch, Người không quên thăm hỏi, tự Người trực tiếp hỏi han
và an ủi nhiều gia đình tử sĩ.
Hồ Chủ tịch còn dặn cán bộ quân y: “Vì sự kích thích
trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy
đủ, hoặc vì những điều kiện thiếu thốn, một số anh em quân nhân không được trấn
tĩnh, đối với thày thuốc không được nhã nhặn,… Gặp những ca như vậy, chúng ta
nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm hoá họ. Người ta có câu “Lương y
kiêm từ mẫu”,…
Người thương yêu quân đội như cha thương con. Tình yêu
của Người là kết tinh cả tình thương yêu của tất cả nhân dân, nên nó cao cả vô
cùng.
Hồ Chủ tịch có một nhân sinh quan hết sức sáng sủa của
chủ nghĩa cộng sản, Người phân biệt rất dứt khoát, bọn thực dân Pháp và nhân dân
Pháp, bọn sĩ quan địch và binh lính địch bị cưỡng bức lừa bịp.
Là Chủ tịch một nước mà Người đích thân viết thư thăm
hỏi, an ủi và giải thích cho tù binh, Người đích thân viết thư kêu gọi nguỵ
binh, những người lầm đường lạc lối (1951).
“Nguỵ binh cũng là con dân đất Việt, nhưng vì dại mà đi
lầm đường, cho nên tôi và Chính phủ sẵn sàng tha thứ những người sớm biết hối và
quay trở về với đại gia đình kháng chiến” (thư ngày 28-9-1951).
Hồ Chủ tịch dạy bộ đội: “Đối với địch phải kiên quyết
dũng cảm… Song đối với tù binh thì phải đối đãi họ một cách nhân đạo” (thư cho
dân quân du kích toàn quốc 1947).
Tinh thần nhân đạo của Hồ Chủ tịch không phải chỉ là
xuất phát từ một lòng thương chung chung mà xuất phát từ một quan điểm giai cấp,
từ đó có nhận định sáng suốt vào hàng ngũ địch, phân biệt rõ ràng những kẻ thống
trị bóc lột và những người bị lừa bịp, cưỡng bức, từ tình cảm một người lao động
bình thường, có thể thấu hiểu những mâu thuẫn sâu sắc trong hàng ngũ quân địch,
thông cảm những băn khoăn bế tắc của những kẻ lầm đường, đồng thời nó cũng xuất
phát từ một lòng yêu mến hoà bình, muốn tránh hết tất cả những sự đổ máu vô ích,
từ một ý chí tha thiết : mang lại hạnh phúc cho tất cả những người lao động.
Tình nhân đạo ấy đã thấm nhuần trong bộ đội ta nhanh
chóng, biến thành những kỷ luật, chính sách cụ thể của quân đội ta trong các trận
chiến đấu. Những hành động “không đánh tù binh, không sỉ nhục tù binh, không lấy
đồ dùng của tù binh” đã trở thành những cử chỉ cao thượng ngoài sức tưởng tượng
của bọn quân quan xâm lược.
Điều đó đã tăng thêm sức mạnh cho quân đội ta, làm rã
rời tinh thần chiến đấu của quân địch, làm kẻ thù của chúng ta hết sức hốt hoảng
và trong những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến đã làm cho hàng ngũ quân địch
rụng từng mảng lớn.
Làm tan rã hàng ngũ địch cũng là một trong những nguyên
tắc xây dựng quân đội của ta, nhưng về mặt đạo đức mà nói, nó là một trong những
hành vi đạo đức cao thượng nhất, tiến bộ nhất và mới mẻ nhất của loài người. Điều
này xác định rõ phẩm chất của một quân đội cách mạng. Quân đội cách mạng là một
tập đoàn vũ trang của giai cấp vô sản và nhân dân lao động cách mạng, chiến đấu
tiêu diệt những kẻ xâm lược, bóc lột tàn ác, xây dựng tương lai mới mẻ đầy tình
yêu và hạnh phúc. Đó mới là mặt chủ yếu của lòng nhân đạo của Hồ Chủ tịch mà quân
đội ta luôn luôn cần rèn luyện tiến tới.
6. Phải luôn luôn thi đua để tiến lên
Hồ Chủ tịch là chiến sĩ thi đua số một của toàn dân,
là lá cờ thi đua vô địch, là bông hoa thi đua bất diệt của mọi phong trào thi
đua. Điều đó thật là hiển nhiên không ai không biết. Sau lời kêu gọi thi đua
1948 thì Xuân Kỷ Sửu (1949), Hồ Chủ tịch gửi toàn thể nhân dân và quân
đội bài thơ chúc Tết như sau :
Kháng chiến lại thêm một năm mới,
Thi đua ái quốc thêm tiến tới.
Động viên lực lượng và tinh thần,
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.
Người người thi đua,
Ngành ngành thi đua,
Ta nhất định thắng,
Địch nhất định thua.
Khi nói rõ về mục đích và ý nghĩa thi đua, Người nói :
“Nhân dân ta thi đua tăng gia sản xuất tiết kiệm để : cải thiện đời sống tinh
thần và vật chất của quân và dân, cung cấp đầy đủ cho kháng chiến. Quân đội ta
thi đua diệt giặc lập công để tiêu diệt nhiều sinh lực của địch: để kháng chiến
thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới để tiến lên xã hội chủ
nghĩa”.
Và:
- Thi đua là đoàn kết… thi đua tăng cường đoàn kết mà
đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thực sự và rất chặt chẽ.
Thi đua là yêu nước… thi đua là yêu nước, yêu nước phải
thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất.
Thi đua là tinh thần quốc tế. Nhân dân Liên Xô, Trung
Quốc và các nước bạn khác cho chúng ta nhiều kinh nghiệm thi đua. Chúng ta học
nhiều kinh nghiệm thi đua ở các nước bạn và ta sẽ cố gắng ta học nhiều kinh nghiệm thi đua ở các nước bạn để cùng các bạn tiến
bộ. Đó là tinh thần quốc tế…
- Thi đua là góp sức giữ gìn hoà bình và dân chủ thế
giới…
- Thi đua cải tạo con người…
Cho nên có thể nói: “Chiến sĩ thi đua là những người
mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người
tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”. (Khai mạc hội nghị chiến sĩ thi đua
toàn quốc 5-1952).
Qua những lời lẽ giản dị và xúc tích trên kia, ai cũng
thấy rõ ý nghĩa thi đua của Hồ Chủ tịch nêu ra là tinh thần phấn đấu cách mạng,
không có tinh thần phấn đấu cách mạng thì không thể thi đua.
Thi đua là thái độ người cách mạng đối với nhiệm vụ, đối
với sự nghiệp cách mạng: phải luôn luôn cố gắng, luôn luôn lạc quan, phấn khởi,
luôn luôn khắc phục mọi khó khăn sáng tạo nhiều phương pháp và thành tích mới mẻ
càng ngày càng lớn.
Hồ Chủ tịch đã nói rõ: “Ở các nước đế quốc không bao
giờ có và không thể có phong trào thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Vì nhân
dân lao động các nước ấy không dại gì mà làm lợi cho những giai cấp bóc lột họ”.
…
“Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm chỉ có Liên Xô,
Trung Quốc, Việt Nam và các nước dân chủ mới khác. Thi đua giết giặc lập công chỉ có trong
các quân đội cách mạng” (Trần Độ).
Trong những năm kháng chiến, Hồ
Chủ tịch chỉ thị cho bộ đội thi đua :
- Luyện tập giỏi,
- Diệt nhiều địch,
- Khắc phục khó khăn chấp hành mệnh lệnh, làm tròn nhiệm
vụ.
Hồ Chủ tịch thường xuyên có những hành động và lời nói
khích lệ thi đua, không chiến dịch nào là Người không treo giải thưởng, khi thì
cờ, khi thì tặng vật, khi thì tiền, không chiến dịch nào Người không kêu gọi
thi đua. Người có tiền hay có cái gì quý đều đem ra làm giải thưởng thi đua hết.
Bất cứ ở đâu có một phương pháp gì mới, một thành tích gì mới, Người nghe thấy
là Người khen thưởng ngay, dù chỉ là việc nhỏ. Trước đây, trong kháng chiến, Người
tự tay viết thư hàng chục lần, khi thì khen hai lão du kích, khi thì khen hai
chú liên lạc, khi thì khen một trung đội, một xã, một cơ quan, khi thì khen một
tỉnh, một huyện về thành tích đánh giặc, thành tích chống lụt, thành tích diệt
dốt. Tuy Hồ Chủ tịch khen một địa phương, cụ thể một việc, nhưng sự việc ấy thực
tế đã góp phần cổ vũ hết sức mạnh mẽ cho phong trào thi đua. Cũng như gần đây
ai cũng biết Hồ Chủ tịch rất chú ý gửi huy hiệu tặng những đồng chí lái xe giỏi,
coi kho giỏi, công tác giỏi trong bộ đội, gửi huy hiệu khen ngợi các em nhỏ bắt
được của rơi không lấy mà gây thành hẳn một quy tắc đạo đức mới của chế độ xã hội
chủ nghĩa, mọi người đều biết và nô nức làm theo.
Hồ Chủ tịch làm gương trong tất cả mọi phong trào. Khi
cứu đói, tự Hồ Chủ tịch nhịn trước. Khi kêu gọi tăng gia sản xuất tiết kiệm, tự
Người trồng trọt chăn nuôi, tự Người làm lấy những phong bì bằng giấy viết rồi… khi quân đội ta bắt đầu đánh trận lớn với phong trào “giết giặc lập công” ở
chiến dịch Biên Giới, tự Người ra tận mặt trận quan sát, chỉ đạo khích lệ cán bộ
chiến sĩ và dân công.
Lê-nin có nói nhiều đến vấn đề thi đua. Lê-nin đã từng
nói nhiều đến “tinh thần anh dũng bất diệt”, đến “một kỷ luật mới trong lao động,
một tổ chức lao động mới” đến “tinh thần của những công nhân bình thường đã tỏ
ra có ý chí tự nguyện đầy hy sinh và có thể khắc phục được nặng nhọc trong công
tác nâng cao hiệu suất”, “Những lao động tự giác, không lấy thù lao, lao động
anh dũng và đầy hy sinh của những người lao động bình thường”.
Lê-nin lại khuyên mọi người: “Hãy bớt những lời hoa mỹ
đi và hãy làm thêm công việc giản dị, thường ngày đi, hãy quan tâm thêm chút nữa
đến pút lúa mì và pút than” (Những câu này đều trích trong cuốn Sáng kiến vĩ đại
của Lê-nin, Nhà xuất bản Sự thật, 1957).
Về mặt này Hồ Chủ tịch quả đã làm một học trò trung thành,
vĩ đại và tuyệt vời của Lê-nin.
Phong trào thi đua trong quân đội thường được toàn dân
chú ý. Từ phong trào “giết giặc lập công” đến phong trào “quyết chiến quyết thắng”
và cho đến bây giờ phong trào “học tập, lao động” đều bắt nguồn từ những sáng
kiến và sự chỉ đạo vừa nguyên tắc vừa cụ thể của Hồ Chủ tịch. Phong trào đó thực
sự đã sản sinh ra những con người lao động bình thường kiểu mới “tận trung với
nước, chí hiếu với dân”, những con người “trí dũng song toàn! Cần kiệm rất mực”
những con người đầy lòng nhân đạo cao quý. Đó là những anh hùng của quân đội
ta, những chiến sĩ thi đua toàn quân toàn quốc của ta. Thi đua là một phẩm chất
không thể thiếu được của một quân nhân cách mạng, thi đua là biểu hiện cụ thể của
lòng tận tuỵ chí hiếu và là biểu hiện cụ thể mà sự rèn luyện “trí dũng” của mình.
Hồ Chủ tịch đã khích lệ tinh thần phấn đấu mới mẻ ấy,
bồi dưỡng tinh thần ấy cho quân đội một cách công phu. Về mặt này trong kháng
chiến quân đội đã tỏ ra đền đáp lại công lao của Người được nhiều. Và cho đến
ngày nay quân đội ta đang tích cực và sẽ còn phải tích cực mãi mãi trau dồi cho
mình tinh thần thi đua yêu nước trong nhiệm vụ cách mạng mới.
Đạo đức của Hồ Chủ tịch mênh mông như biển cả. Đó là một
cái gì rất hoàn chỉnh bao gồm đủ mọi mặt của một nền đạo đức cách mạng mới, nó
lại đầy màu sắc giản dị bình dân và đầy màu sắc dân tộc Việt Nam. Nó biểu thị ý chí chiến đấu, biểu thị cách nhìn nhận
sự việc, nhìn nhận con người tinh tường sáng suốt, biểu thị nghị lực, tình yêu,
lòng nhân từ, tính nghiêm khắc, nó biểu thị những quy tắc linh động thiết thực đối
nhân xử thế hàng ngày. Ai cũng có những điều phải học ở trong đó. Từ cụ già cho
đến em bé, từ công nhân, nông dân cho đến trí thức học sinh, từ thanh niên cho đến
quân đội. Nói sao cho hết được.
Ở đây chỉ xin mạnh dạn đề nghị:
Hãy nhặt lấy đôi nét cơ bản chủ yếu trong các lời dạy
dỗ đối với quân đội của Hồ Chủ tịch, tạm đề ra mấy điểm như những tiêu chuẩn,
quy tắc đạo đức quân nhân, để ta cùng học tập về sau:
- Trung với nước, hiếu với dân,
- Trí, Dũng, Cần, Kiệm,
- Đoàn kết nhất trí trong nội bộ với nhân dân,
- Lòng nhân đạo,
- Tinh thần thi đua.
Hãy cố học tập tu dưỡng lấy những điều đó. Hiểu nó thì
dễ nhưng tu dưỡng cho nó trở thành phẩm chất của mình ngày một cao thì thật là
một việc khó, lâu dài gian khổ, đầy nghị lực, đấu tranh. Nhưng đúng như đồng chí
Phạm Văn Đồng nói:
“Học Hồ Chủ tịch thực ra dễ lắm, là vì những điều Hồ
Chủ tịch dạy chúng ta đã sẵn có trong tâm hồn, trong trí óc”…
“Hồ Chủ tịch là hình ảnh của dân tộc Việt Nam, là cái tầm của dân tộc, Người hạ mình cho vừa tầm mọi
người Việt Nam để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên vừa tầm Người”.
Tư tưởng của Hồ Chủ tịch phong phú và vĩ đại như cả một
cánh rừng già tươi tốt. Người viết bài như đứa trẻ chạy quanh trong rừng tránh
sao khỏi được mặt nọ mất mặt kia. Nhưng năm nay, năm Người tròn 70 tuổi thọ, chỉ
xin góp phần nhỏ mọn để cùng toàn thể quân đội tỏ dạ nhớ ơn Người,…
1960
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét