Từ cổ chí kim, sách vẫn được coi là một trong số những
di sản văn hóa của nhân loại được loài người trân trọng. Sách của chúng ta ngày
nay, rõ ràng là một nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống văn hóa tinh thần
của con người.
Thế nhưng, chúng ta đã làm sách như thế nào và chúng
ta đã xuất bản ra sao? Nói đến điều này thật vô cùng phức tạp. Cứ nhìn vào
hiện tượng “loạn” sách, báo ở thành phố Hồ Chí Minh và một số những đô thị khác
hiện nay thì chúng ta mới thấy hết được cái gì đang hình thành và cái gì đang
tàn lụi; cái gì là thức thời và cái gì là lỗi thời, lạc hậu. Không bao giờ nên
nghĩ một cách đơn giản rằng chỉ có ngành phát hành sách là làm việc “độc quyền
tư tưởng” cho Đảng, là người nắm giữ huyết mạch của sự lưu hành sách và do đó
có quyền quyết định nhiều điều: quyết định đặt hàng cho các nhà xuất bản, về
tên sách và số lượng in, quyền thẩm định chất lượng của sách.
Không nên quan niệm “độc quyền tư tưởng” một cách lỗi
thời. Đảng lãnh đạo xã hội về tư tưởng. Tư tưởng của Đảng phải được truyền bá,
thuyết phục, biến thành ý thức tư tưởng của nhân dân, nhân dân thấy lẽ phải tự
nguyện nghe theo. Không phải “độc quyền” nghĩa là trong xã hội chỉ có tư tưởng
của Đảng, chỉ có Đảng nói và Đảng nói thế nào là dân buộc phải nghe theo và chỉ
có việc nghe theo. Đảng phải để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra kia
mà.
Chúng ta hãy cố gắng giải đáp câu hỏi: “Tại sao lại
đẻ ra phát hành sách tư nhân, như một phong trào rộng lớn, lan tràn đến tận
những hang cùng, ngõ hèm, cả ở những bến tàu bến xe?”. Rõ ràng là quần chúng
đã coi đọc sách là một nhu cầu không thể thiếu được!
Cách đây chừng 20 năm, tôi có dịp qua Liên Xô. Tôi rất
ngạc nhiên thấy trên bến tàu, bến xe ngay cả trên máy bay, rất nhiều công dân
Liên Xô trong lúc ngồi chờ, đều đang chăm chú đọc sách. Hiện tượng đó làm tôi
kính nể và tôi mong ước: “Bao giờ ở Việt Nam mình có được một hiện tượng như thế”. Điều mong mỏi
ấy của tôi hôm nay, tôi đã nhìn thấy ở Việt Nam. Đó là một điều đáng mừng. Rõ ràng đây là một nhu
cầu. Nhu cầu đọc sách là một sự tiến bộ xã hội. Nhu cầu đọc sách đa dạng, người
đọc muốn đọc nhiều loại sách khác nhau, đọc sách lịch sử, sách khoa học, sách
thế giới, sách trong nước, muốn tìm thấy ở sách cả kiến thức và cả sự giải trí,
thư giãn… Đó cũng là một sự tiến bộ xã hội.
Hiện nay, chúng ta rất nóng ruột với một tình trạng là
sách được in ra khá nhiều, khá phức tạp, quá nhiều đầu sách về vụ án, về gián
điệp, quá nhiều sách dịch từ nước ngoài, mà sự chọn lựa còn tùy tiện và tùy
hứng, không rõ khuynh hướng trong chọn lựa. Sách in giấy xấu, chữ mờ, in nhiều
lỗi, đóng nhầm, nhiều chữ lộn xộn mất hết ý nghĩa. Ta thấy hầu như có một sự
tràn ngập, một sự hỗn loạn về sách ở một số đô thị.
Tình trạng tràn ngập sách có tính bừa bãi này tất
nhiên dẫn đến những hậu quả không mấy tốt đẹp cho công chúng, ít nhất là không
có tác dụng hướng dẫn và xây dựng tình cảm có định hướng cho công chúng, xấu
nhất là tác động tiêu cực đến tình cảm, ý thức, thị hiếu và khả năng thẩm mỹ,
gieo rắc nhiều nọc độc tinh thần, làm mơ hồ nhiều quan điểm nhận thức tư tưởng.
Hiện tượng “bung ra” này có mặt cần thiết và có mặt độc
hại. Chống độc hại về tinh thần không phải giống như y học dùng thuốc giải độc,
hoặc ngăn chặn chất độc. Chất độc tinh thần hòa lẫn ngay trong chất bổ về tinh
thần. Phải tăng chất bổ thật sự về tinh thần thì mới lấn át được chất độc và
mới giải độc được. Cần phân tích kỹ. Không nên chỉ đơn giản hô “lập lại trật tự”
rồi có những biện pháp “ngăn” và “cấm” thô bạo. Khi nó đã là sự cần thiết của
cuộc sống, thì không thể “ngăn” và “cấm”. Không phải cứ dẹp đại lý tư nhân, cấm
các nhà xuất bản không được phát hành là có thể lập lại trật tự. Cũng như trong
lĩnh vực kinh tế, đối với các hiện tượng “bung ra”, một mặt phải nghiên cứu
phân tích kỹ để hướng dẫn sự bung ra
sao cho có lợi, một mặt cần phải thay
đổi cơ chế quản lý sao cho phù hợp với sự cần thiết của cuộc sống đòi
bung ra.
Phát hành là một khâu quan trọng trong toàn bộ quá
trình văn hóa của sách. Còn những khâu khác là tác giả và xuất bản, sau cùng là
khâu công chúng đọc và tiếp thu. Không nên chỉ coi phát hành là khâu quan trọng
nhất. Phải coi khâu tác giả và xuất bản là khâu có ý nghĩa quyết định. Về chỗ
này đang xuất hiện những hiện tượng không hợp lý.
- Phát hành phí là 26 % giá sách, mà tác giả (người
sản xuất) chỉ được 0,9 % giá sách,
- Hình như phát hành là khâu có ảnh hưởng quyết định
đến kế hoạch của khâu xuất bản, có khả năng và uy quyền đánh giá chất lượng các
xuất bản phẩm,
- Phát hành tự cho mình nắm được chắc chắn và đầy đủ
nhu cầu và thị hiếu của người đọc.
Vấn đề đặt ra không phải là cố chứng minh rằng 26 %
phát hành phí của Việt Nam là thấp so với thế giới, mà phải đặt mối quan hệ với
khâu tác giả. Ta không thể nào “tự hào” với thế giới là ta dành cho tác giả phần
thu nhập thấp nhất thế giới. Từ đó vấn đề đặt ra là phải tìm tòi và đổi mới cơ chế của tổ chức phát hành, bảo đảm
sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, bảo đảm thỏa mãn nhu cầu của công chúng, đồng
thời phải bảo đảm lợi ích của những người sản xuất là tác giả và các nhà xuất
bản.
Coi sự “độc quyền” là yêu cầu duy nhất quan trọng là
sai, và bản thân quan niệm “độc quyền” cũng là sai. Quan tâm tới nhu cầu công
chúng mà không quan tâm xử lý lợi ích của tác giả và các nhà xuất bản, cũng là
sai. Phát hành thường “tự hào” về thành tích mang sách báo đến những nơi xa xôi,
hẻo lánh. Nhưng có khi nào ta đã thực sự
tính hiệu quả cụ thể của nó chưa? Chẳng hạn như ở Cao Bằng, sách bị ứ đọng,
không bán được, chỉ bán được loại sách thiếu nhi, hoặc những tranh vẽ dân gian.
Còn những loại sách nghiên cứu và văn học hay thì không tiêu thụ hết. Ở nhiều
nơi miền núi cũng như vậy. Hà Sơn Bình cũng ứ đọng sách tương tự như vậy. Vốn ứ
đọng, lãi suất vay ngân hàng thì tăng. Do đó, không thể nhập khẩu thêm sách
theo kế hoạch.
Riêng về mặt này, bản thân tôi
được chứng kiến một hiện tượng khá lý thú. Có một cuốn sách bàn về những vấn đề
công tác văn hóa. Tôi cần vài cuốn, có hỏi các đồng chí bên xuất bản, thì được
trả lời là sách sắp hết. Tôi tò mò, tìm ở các hiệu sách, thì không có. Thế
nghĩa là sách chưa phát hành, đã hết! Phải chăng chúng ta đã đánh giá sai lầm
về nội dung cuốn sách, dẫn đến xuất bản quá ít và rồi cũng không có để phát
hành nữa. Trong khi nhiều cán bộ trong ngành từ ở các trường đến cơ quan tỉnh,
huyện tìm không ra những sách đó.
Vậy hiệu quả của phát hành là ở đâu?
Tôi chưa có được những ý kiến cụ thể, nhưng tôi đề
nghị nên quan tâm tới những vấn đề sau:
1) Quan niệm về nhiệm vụ phát hành, hiệu quả phát hành
và vai trò thực sự của phát hành. Không nên để tư tưởng bị cầm tù bởi những lối
mòn lâu năm và cứ thỏa mãn với nó. Phải đổi mới tư duy!
2) Phải quan niệm và phân tích cho rõ mối quan hệ giữa
phát hành với xuất bản và tác giả. Phải xây dựng quan hệ cho hợp lý, không nên
để có cảm giác phát hành “cửa quyền” đối với xuất bản (và cũng là đối với tác
giả).
3) Phải thu thập tư liệu, phân tích toàn diện nhu cầu về sách và văn hóa phẩm của nhân dân
các vùng khác nhau, và phải tổ chức phát hành để đáp ứng cho đúng các nhu cầu
đó.
4) Từ đó nghiên cứu xây dựng một cơ chế mới về phát
hành để bảo đảm đáp ứng yêu cầu từ nhiều phía và có hiệu quả xã hội lớn.
Không nên cho rằng tư nhân đại lý phát hành là hiện
tượng xấu. Các nhà xuất bản có quyền tự phát hành để bổ sung vào khả năng phát
hành chung, cũng là việc tốt. Công tác phát hành không phải chỉ là việc riêng
của Công ty phát hành. Phải có một cơ chế đồng bộ và linh hoạt, huy động được
mọi năng lực phát hành để phát hành cho tốt.
Sau cùng, tôi xin chốt lại một điểm, và tôi nghĩ đây là một điểm rất cơ bản. Đó là một việc phải thay đổi cách nhận định về công tác phát hành sách. Phải lấy điểm chuẩn từ tâm lý, từ nhu cầu của dân, những người tiêu thụ sách. Hay nói một cách thật dễ hiểu, ngành phát hành sách cũng luôn luôn đặt vấn đề “lấy dân làm gốc”. Đảng lãnh đạo cũng phải “lấy dân làm gốc”. Ta hay nói ý Đảng, lòng dân. Ý Đảng phải là lòng dân, phải từ lòng dân. Lòng dân phải trở thành ý Đảng. Phải kiên quyết khắc phục tình trạng ý Đảng một đằng, lòng dân một nẻo. Đó là hiện tượng xấu. Theo đúng tinh thần “lấy dân làm gốc” là bí quyết để công tác phát hành có thể có được những thành công trong tương lai.
Sau cùng, tôi xin chốt lại một điểm, và tôi nghĩ đây là một điểm rất cơ bản. Đó là một việc phải thay đổi cách nhận định về công tác phát hành sách. Phải lấy điểm chuẩn từ tâm lý, từ nhu cầu của dân, những người tiêu thụ sách. Hay nói một cách thật dễ hiểu, ngành phát hành sách cũng luôn luôn đặt vấn đề “lấy dân làm gốc”. Đảng lãnh đạo cũng phải “lấy dân làm gốc”. Ta hay nói ý Đảng, lòng dân. Ý Đảng phải là lòng dân, phải từ lòng dân. Lòng dân phải trở thành ý Đảng. Phải kiên quyết khắc phục tình trạng ý Đảng một đằng, lòng dân một nẻo. Đó là hiện tượng xấu. Theo đúng tinh thần “lấy dân làm gốc” là bí quyết để công tác phát hành có thể có được những thành công trong tương lai.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét