Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

Bước đầu làm chính trị viên


Hồi ấy, vào khoảng đầu năm 1940, Đảng ta mới rút vào hoạt động bí mật được ít lâu, tôi là một phần tử tích cực trong thanh niên Phản đế của xã nhà. Tôi đã tổ chức một đội “Thiếu niên tiền phong” hoạt động có tính chất quân sự. Ảnh hưởng của truyện kiếm hiệp, trinh thám mà tôi thường đọc hồi còn đi học, đã làm tôi thích thú với những gì có vẻ ly kỳ hay võ hiệp.

Phong trào thanh niên làng tôi có từ năm 1938; có tổ chức thanh niên Dân chủ, có đội bóng tròn nhưng sau đó đã xẹp đi. Đến cuối năm 1939 tôi được chi bộ giao cho củng cố lại. Tôi thích quá, nên hoạt động rất hăng, và cứ tưởng mình đã là đảng viên Cộng sản rồi.

Đội thiếu niên tiền phong chúng tôi tự trang bị bằng gậy tre đực, làm nhiệm vụ canh gác cho các cuộc họp, mít tinh, bảo vệ cán bộ. Ngoài ra, tối tối chúng tôi vẫn thường… đi rong trong làng. Chả là, trước kia, hồi những năm 1936 – 1937, chúng tôi đã có một nhóm học võ. Võ vẽ thì chẳng ra gì, nhưng tự đặt cho mình trách nhiệm: đánh trộm, trừ gian, bảo vệ an toàn cho dân làng! Mặc dù hồi đó bọn tôi còn bé lắm, mới mười bốn, mười lăm tuổi đầu và còn sợ cả ma lẫn trộm.

Tôi nhớ trận “xuất quân” đầu tiên của đội chúng tôi là đi đón cán bộ về xã và canh gác cho cán bộ ở trong nhà một đồng chí. Việc này chị tôi hồi ấy là đảng viên trao cho tôi. Tôi đóng vai trò cốt cán trong đội, nên ra sức đôn đốc việc canh tuần, cắt gác, đem xôi cho đội viên gác ăn đêm và đó là lần đầu tiên trong đời tôi hăng hái đi đêm một mình. Tôi tự lấy làm hài lòng và phấn khởi vì đã thắng hẳn được tật sợ ma và làm nhiệm vụ một cách mẫn cán.

Lúc đó, về làng tôi hoạt động có hai cán bộ của xứ ủy và liên khu ủy, trong đó có anh Phong, tên thật là Nguyễn Thượng Mẫn. Anh người nhỏ nhắn, gày gò, da đen, mắt kèm nhèm. Trông bề ngoài anh có vẻ yếu đuối, lúc nào cũng như đang xúc động, run rẩy. Thân thể nhỏ bé của anh phải vất vả lắm mới chứa đựng nổi nhiệt tình cách mạng luôn luôn sôi sục trong người anh. Lúc nào anh nói năng cũng sôi nổi, bàn tay gày nhỏ của anh vung lên, chặt xuống liên tiếp. Đôi mắt hơi đục của anh cố gương to làm rung rung hàng lông mi hơi rối, lưỡng quyền nhô ra làm cho vẻ mặt anh thêm khắc khổ. Tiếng nói anh nhỏ gần như thì thào, nhưng tha thiết lạ thường. Hồi đó tôi còn nhỏ, tôi chỉ biết thán phục anh và bị lôi cuốn bởi nhiệt tình của anh. Qua đôi lần theo dõi hoạt động của tôi, (tôi chắc thế) anh ngỏ ý muốn cho tôi tham gia đội tự vệ do anh tổ chức ở xóm bên. Đến lúc đó tôi mới biết được thêm những phạm vi hoạt động rộng rãi của các tổ chức Đảng.

Trong ký ức tôi bây giờ chỉ còn đọng lại rõ ràng quang cảnh một buổi tập dưới đêm trăng. Đội tự vệ có chừng ba mươi người. Đồng chí đội trưởng là một anh nông dân to, chắc, hơi lùn và vổ răng. Các đội viên đều là thanh niên nông dân quanh xóm đó. Anh Phong đứng ra tập hợp mọi người, chia thành đội ngũ (xếp ba hàng dọc), xong giao cho đồng chí vổ răng làm đội trưởng chỉ huy tập và chỉ định tôi làm “chính trị viên”. Tôi chưa hiểu chính trị viên là thế nào, nhưng cũng không thắc mắc gì. Anh Phong xếp tôi đi sau cùng. Đội trưởng và toàn đội đều có gậy thay súng, riêng tôi đi tay không.

Chúng tôi chỉ tập có mỗi mục là đi đều. Bãi tập của chúng tôi là mấy cánh ruộng mới gặt xong chưa kịp cấy, cách xa xóm chừng vài trăm thước. Anh Phong mặc bộ quần áo nâu, đi theo chúng tôi để sửa chữa. Lúc đó tôi cũng không cần biết ý nghĩa của tiết mục này là như thế nào? Tôi cứ yên trí là nó quan trọng lắm và nhất định bước đầu của quân sự là phải như thế, không lôi thôi gì cả. Dưới ánh trăng mờ hơi lạnh, xóm làng hiện thành những vệt đen kéo dài, ngủ im dưới làn sương mờ nhẹ. Chúng tôi tập rất say sưa. Tất cả chung quanh im lặng và vắng vẻ, chỉ có tiếng chân chúng tôi bước thình thịch và tiếng gốc rạ kêu rào rào. Thỉnh thoảng một vài tiếng chó khắc khoải trong làng nổi lên như nhắc chúng tôi: đêm đã về khuya.

Tập được một lúc lâu, anh Phong ra lệnh nghỉ. Anh em ngồi quanh một cái gò, quấn giấy hút thuốc lào. Chợt anh Phong bảo tôi:

- Khi bộ đội hành quân mệt, ngồi nghỉ, chính trị viên phải động viên anh em. Bây giờ cậu hãy làm thế đi.

Tôi bối rối quá, hỏi lại:

- Làm thế nào anh?

Anh nói:

- Kể vài câu chuyện về cách mạng, chẳng hạn.

Tôi vốn có một kho truyện trong đầu, đủ các loại: Tam Quốc, Thủy Hử, Bồng Lai hiệp khách, Lệ Hằng phục thù và cả Người Mẹ của Mác-xim Goócki mới được đọc nữa. Nhưng kể thế nào đây? Phải là truyện cách mạng, mà truyện Người Mẹ thì dài lắm, biết bắt đầu sao đây? Tôi cứ đằng hắng mãi, toát cả mồ hôi vẫn chưa cất được tiếng. Anh vổ răng lại oang oang khích tôi:

- Lắm chữ nghĩa như chú, thì thiếu gì chuyện…

Thấy tôi bối rối, anh Phong liền dịu dàng nói:

- Thôi để mình kể hộ một chuyện nhé. Và anh kể chuyện chiến đấu gian khổ của Hồng quân Liên Xô, đi trên tuyết không có giầy, phải lấy rơm bó vào chân mà đi, áo rách quá phải lấy rơm buộc lại để đỡ rét, v.v…

Câu chuyện thu hút mọi người, đưa trí tưởng tượng của mỗi người đến những cuộc chiến đấu sắp tới và lại gợi lên những câu hỏi sôi nổi về tình hình Liên Xô, bàn tán về tương lai của ta sau cách mạng thành công, về máy cày, về nông trường… Sau này, trong kháng chiến, đôi khi tôi cũng đã kể lại câu chuyện của anh Phong cho bộ đội nghe.

Hết giờ nghỉ, chúng tôi lại tập một lúc nữa mới giải tán ra về. Anh Phong giữ tôi lại, đi sau nói chuyện. Anh vạch ra một chương trình tập luyện, tổ chức và phát triển đội tự vệ.

Nhưng sau đó, không còn buổi nào có thể tập luyện được nữa; chỉ ít ngày sau chúng tôi phải tổ chức cuộc mít tinh bí mật kỷ niệm ngày thành lập Đảng và bị tuần phiên của cường hào, hương lý chặn các đường vây bắt. Đội tự vệ đã dùng gậy gộc chiến đấu rất dũng cảm, bảo vệ an toàn cho quần chúng tham gia mít-tinh. Nhưng nhiều anh chị em tích cực của phong trào đã bị bắt. Cuộc khủng bố bắt đầu và do đó tôi phải thoát ly – lúc này tôi là đảng viên dự bị.

Đầu năm 1941, tôi bị bắt và trong khi đang bị tra tấn ở Sở mật thám Thái Bình thì lại có một chuyện liên quan đến anh Phong làm tôi nhớ mãi. Sau một thời gian khá dài bị tra tấn, tôi đang tìm cách để cho mật thám kết thúc vụ của tôi mà chưa xong, thì tôi nhận được tin anh Phong cũng bị bắt ở Nam Định. Tôi còn được biết, anh Phong đã bị tòa án quân sự của Pháp kết án tử hình vắng mặt. Ông cụ thân sinh của anh tuy làm quan, nhưng lại là một trí thức cách mạng. Khi bị bắt, anh tuyệt thực để phản đối mọi tra tấn dã man của địch. Do đó sở mật thám Nam Định không thể kéo dài tra tấn, nên đã phải kết thúc mau chóng, sau tám ngày. Anh Phong đã giữ kín được các cơ sở, không bị lộ chỗ nào. Tôi liền học theo kinh nghiệm đó và tuyên bố tuyệt thực. Sau ba ngày nhịn đói lại thêm sức tôi đã yếu sẵn, nên bị lả, và sau vài trận đòn, tôi hầu như bị ngất đi… Thế là bọn mật thám phải kết thúc cuộc hỏi cung, đành để tôi ký vào cung của tôi và trao sang tòa án xử…

Nhưng, duyên nợ giữa tôi với anh Nguyễn Thượng Mẫn chưa hết! Trong thời gian ở Hỏa lò, tôi lại được tin anh đang bị giam ở xà lim án chém để chờ ngày xử án lại… Trong cuộc xử án này anh đã chuẩn bị bài để tự bào chữa, chứ không cần đến luật sư. Và vì không đủ chứng cớ, tòa án quân sự đã phải hủy bỏ án tử hình. Thế nên, chỉ sau đấy ít lâu, tôi lại được sống cùng với anh trong một nhà giam. Anh gầy hơn trước, nên người anh càng nhỏ và dáng điệu càng có vẻ run rẩy, xúc động nhiều hơn. Nói chuyện với tôi, mắt anh cứ chớp chớp. Anh bàn với tôi lập chi bộ để lãnh đạo anh em trong tù, và lập tức anh bắt tay vào việc. Nhờ anh, tôi đã hiểu rõ thêm: nhiệm vụ người cộng sản lúc nào cũng phải đi tiên phong lãnh đạo. Trong hoàn cảnh nhà tù gian khổ, những người bị bắt thuộc nhiều tầng lớp quần chúng trình độ khác nhau, cần phải có một trung tâm lãnh đạo, có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, để định ra những chủ trương đấu tranh với địch cho thích hợp. Những người cộng sản phải tập hợp nhau lại, làm bộ tham mưu cho quần chúng. Nhưng rất tiếc là chưa hoạt động được bao nhiêu ngày, thì anh bị ho lao nặng. Thế rồi tôi bị đưa đi Sơn La, và ít lâu sau được tin anh mất!

Anh Nguyễn Thượng Mẫn là một trong những đồng chí đầu tiên dìu dắt tôi đi theo con đường của Đảng. Tuy được gặp, được sống bên anh rất ít, song tôi đã thấy được ở anh nhiều tấm gương sáng nói lên tinh thần và nghị lực cách mạng hết sức kiên cường, bền bỉ của người chiến sĩ cộng sản.

Mỗi lần nhớ tới anh, tôi lại nghĩ đến những hoạt động không mệt mỏi của bao nhiêu đảng viên cộng sản để xây dựng nên những tổ chức vũ trang sơ khai, tiền thân của Giải phóng quân và của Quân đội nhân dân ngày nay.

Tháng 12-1961

         (Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét