(Những kỷ niệm về kỷ niệm)
Tôi được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ suốt từ đầu
đến cuối, nghĩa là ngay từ khi có quyết tâm của Bộ Chính trị, chuẩn bị bộ đội,
hành quân, chuẩn bị chiến trường kéo pháo vào, kéo pháo ra, rồi mở màn, đợt
một, đợt hai, đợt tổng công kích, bắt tù binh, nuôi tù binh, giải tù binh, tổng
kết, mừng công, v.v…
Sư đoàn tôi là sư đoàn được mở đầu chiến dịch lại được kết
thúc chiến dịch. Sư đoàn tôi tham gia mở đường kéo pháo, đánh trận đầu, tiêu diệt
cứ điểm Him Lam. Cùng các chiến sĩ sư đoàn, tôi xông vào hầm chỉ huy sở và bắt
sống tướng Đờ Cát cùng bộ tham mưu của hắn. Sư đoàn tôi được thưởng lá cờ
“Quyết chiến quyết thắng” là giải thưởng luân lưu của Bác Hồ tặng chiến dịch.
Chúng tôi đã sống đủ 55 ngày đêm ở trận địa, đã cùng đồng chí, đồng đội nếm
trải các mùi vị của chiến dịch, lo âu, hồi hộp, phấn khởi, bốc lên rồi lại căng
thẳng, đau khổ, thiếu thốn, gian nan và cuối cùng hưởng trọn niềm vui chiến
thắng.
Đó là một kỷ niệm lớn của đời tôi, những ký ức ấy lặn vào
hết trong người tôi, tôi yên chí về nó, nên chẳng mấy khi nhắc lại. Nhưng trên
những bước đường đi của cuộc đời, tôi lại cứ bắt gặp nó, như bắt gặp những
truyền thuyết kỳ lạ, phi thường, đến nỗi có lúc tôi tưởng tôi không phải là một
chứng nhân hay một nhân vật của chính truyền thuyết đó nữa. Tuy rằng đôi lúc
tôi phải làm chứng nhân để xác nhận sự thật hay để sửa sang lại vài điều chưa
đúng sự thật… Những lần như thế, 30 năm qua tôi gặp đã nhiều. Nhưng có lẽ có 3
lần đáng ghi nhớ nhất.
Mới gần đây, năm 1981, từ tháng 4, tôi được cùng một
số đồng chí hoạt động văn hóa sang Liên Xô dự một lớp bổ túc ngắn hạn trong
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tôi được
giới thiệu là một viên tướng đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 5 ở
Liên Xô là một tháng tưng bừng nhất, rực rỡ nhất, náo nhiệt nhất với ngày hội
Lao động 1-5 và ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức 9-5. Các đồng chí Liên
Xô bận rộn rất nhiều vào những ngày lễ trọng đại đó. Nơi chúng tôi học tập cũng
nhộn nhịp sôi nổi. Chúng tôi, một mặt tích cực tham gia các ngày lễ của bạn,
một mặt cũng cùng nhau chuẩn bị một buổi sinh hoạt văn hóa để kỷ niệm ngày sinh
của Bác 19-5 có dự kiến mời các bạn tham gia. Nhưng sau khi dự lễ 1-5 về, tôi
được thông báo là có một số đồng chí trong Viện sẽ đến mừng tôi về ngày 7-5.
Tôi lo lắng, bồn chồn không yên tâm. Đó là ngày kỷ niệm khá lớn của đất nước.
Tôi là cái gì mà lại thành một mục tiêu cho sự chào mừng? Tôi lại lo lắng thêm
nữa là làm thế nào để tiếp đón các đồng chí ấy đây? Những ai đến và phải tiếp
đón ra sao?
Thế rồi mải học tập, ngày 7-5 ập đến đột ngột. Các
đồng chí Liên Xô gồm có một Phó Viện trưởng, một Bí thư Đảng ủy, một Chủ nhiệm
Khoa và một đồng chí phụ trách lớp Việt Nam, thân cận với chúng tôi nhiều nhất,
kéo đến chỗ ở của tôi, thân tình như những người anh em ruột. Các đồng chí lôi
từ trong túi ra rượu, bánh, trái cây, tự bày ra trên bàn, tự lấy cốc rót rượu,… Tôi lúng túng đến mức không kịp nghĩ ra cần mời vài đồng chí trong Đoàn học
tập đến để liên hoan và tiếp đãi. Các đồng chí Liên Xô đều là những chiến sĩ đã
chiến đấu bảo vệ Liên Xô trong những năm 1941 – 1945. Nhưng các đồng chí Liên
Xô đã rất hồn nhiên kéo tôi ngồi quanh bàn và nâng cốc. Một đồng chí nói đại ý: “Ý nghĩa ngày chiến thắng Điện Biên Phủ rất lớn, các đồng chí Liên Xô đánh
giá rất cao chiến thắng đó của Việt Nam. Trong chiến dịch bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Liên Xô đã
chịu đựng hy sinh lớn lao. Bản thân các đồng chí giáo viên, cán bộ của Viện Hàn
lâm cũng có người hy sinh trong sự nghiệp đó (mấy hôm ấy ở Viện có cho dựng một
bia đá hoa cương ghi tên hơn 10 đồng chí hy sinh trong chiến tranh Vệ quốc đặt
ở phòng khách trung tâm của Viện và sẽ khánh thành vào ngày 9-5). Chính vì vậy,
các đồng chí Liên Xô coi thắng lợi Điện Biên Phủ cũng như thắng lợi của nhân dân
Liên Xô. Nhân ngày kỷ niệm này, các đồng chí muốn gặp tôi là người đã có mặt
trong trận Điện Biên Phủ để chúc mừng chiến thắng lớn lao đó của dân tộc Việt
Nam và chúc mừng tôi đã có vinh dự lớn tham gia trận đánh đó. Chúng tôi uống
rượu và câu chuyện xoay quanh nội dung là các đồng chí hỏi tôi có chuyện gì
hay, có kỷ niệm gì lý thú nói cho các đồng chí nghe. Qua cuộc gặp gỡ, tôi hiểu
ở Liên Xô đã hình thành một tập quán rất văn hóa là có những cuộc họp mặt nhỏ
để kỷ niệm những sự kiện có ý nghĩa với tinh thần thân mật, sâu sắc, tự nhiên,
không nghi lễ, không gò bó. Mọi điều nói với nhau trong cuộc gặp mặt đều thân
tình cởi mở và thú vị.
Lần khác, đầu năm 1982, tôi có việc phải đi họp ở thủ
đô Tiệp Khắc. Một đồng chí cán bộ của trường Đảng bạn đi cùng tôi. Trong một
cuộc đi tham quan thành phố, bỗng nhiên đồng chí đó nói: Tôi biết đồng chí là
một vị tướng có tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Tôi rất khâm phục chiến
thắng đó của nhân dân Việt Nam. Tôi đọc rất nhiều sách nói về Điện Biên Phủ kể cả
tác giả Việt Nam và tác giả phương Tây. Tôi hiểu biết khá nhiều về
trận đánh này. Nhưng đây mới là lần may mắn tôi gặp được chính người đã tham
gia trận đánh. Vậy mong đồng chí kể cho tôi nghe một số chuyện về trận đánh
thần kỳ đó.
Tôi cố nghĩ xem kể chuyện gì mà không có viết ở trong
các sách. Tôi bèn kể những chuyện thần kỳ về kéo pháo, về đào trận địa và kèm
theo những chuyện vui buồn như đào chiến hào lầm hướng, càng ngày đào thêm lại
càng xa cứ điểm địch, chuyện cắt đứt sân bay và cả chuyện “quân ta đánh nhầm
vào quân mình” ở sân bay mà cả hai bên đều báo cáo lên cấp trên của mình là
đang đánh địch phản kích. Đồng chí đó rất thú vị về chuyện cắt sân bay. Đồng
chí ấy nói, khi đọc sách thì đồng chí chỉ biết là đến lúc ấy, sân bay không sử
dụng được nữa, còn tại sao, thì đồng chí không biết. Nay đồng chí ấy mới biết
các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã dùng hai tay mà cắt đứt sân bay.
Có một điều lạ là sau gần 30 năm khi tôi kể lại những
chuyện đó, chính tôi cũng cảm thấy tôi đang kể lại những truyền thuyết. Những
truyền thuyết này hầu như tôi được nghe từ ở đâu rồi kể lại, chứ không phải là
những sự việc mà tôi đã từng sống trong đó. Và rồi tôi cũng tự mình chiêm
ngưỡng cái thần kỳ của chiến dịch và thấy nó quả thật thần kỳ. Rất gần đây, tôi
lại có một cuộc gặp gỡ thú vị. Số là năm 1983, tôi vào công tác tại thành phố
Hồ Chí Minh, tình cờ tôi được một người bạn giới thiệu một cụ già. Cụ có một
cuộc đời thật đặc sắc. Một cuộc đời “võ hiệp kỳ tình” như cuộc đời các nhân vật
trong tiểu thuyết cổ của Trung Quốc. Cụ là một cao thủ trong giới võ lâm, cụ
mang một danh hiệu không đẹp của xã hội cũ: “Tướng cướp” nhưng thực ra cụ vẫn
“hào hiệp; cứu khốn phò nguy” và cụ có lòng yêu nước sâu sắc, có một nghĩa khí
cao cả. Cụ còn được người đời biết và tặng cho danh hiệu là “Đề lao hiệp khách”.
Năm nay cụ gần 80 tuổi rồi. Anh bạn tôi giới thiệu là cụ giữ một kỷ lục ở tù
lâu nhất thế giới, vì kỷ lục người ở tù lâu nhất thế giới là 35 năm, thế mà cụ
đã ở tù từ 1933 đến cuối 1968, cộng lại là 35 năm 3 tháng 3 ngày. Cụ nói rằng
cụ bị 4 án tù, cộng lại là 79 năm tù (nếu mỗi án chung thân tính 32 năm). Nếu
cụ ở tù hết 79 năm thì đến năm 2012 mới hết hạn. Cụ không phải là cộng sản,
nhưng cụ yêu nước và cảm tình với cộng sản. Sau cách mạng tháng Tám, cụ được cử
là Chủ tịch Ủy ban hành chính ở Côn Đảo, và cụ cảm phục ông Nguyễn An Ninh sâu
sắc nên tự cụ đổi tên Côn Đảo thành “An Ninh quần đảo”. Cụ ghét bất công, ghét
gian trá, ghét xâm lược, nhưng cụ chỉ mới biết dựa vào bản lĩnh của riêng mình
để trừ hại và làm việc nghĩa. Do đó, cuộc đời của cụ là một cuộc đời đầy những
việc nghĩa và gặp nhiều nhân vật đặc biệt; cũng gặp mối tình rất đặc sắc, nên
thơ. Cụ viết một tập hồi ký về Côn Đảo hơn 400 trang chưa công bố và cụ có một
tên hiệu rất võ hiệp: Sơn Vương. Cụ là con cháu dòng dõi Trương Công Định.
Từ sự môi giới của anh bạn tôi, cụ cũng rất thích gặp
tôi. Theo anh bạn tôi bình luận cụ là con nhà võ, mà lại là tướng. Tướng thì
phải thuộc về võ, có là võ mới làm Tướng. Cho nên gặp nhau chắc là tâm đầu ý
hợp. Cụ mở đầu câu chuyện cũng giống như đồng chí cán bộ Trường Đảng của Tiệp
Khắc. Cụ đã đọc nhiều sách nói về Điện Biên Phủ. Nhưng có mấy điều cụ chưa rõ,
cụ phán đoán theo ý cụ, cụ không tin là nó chính xác. Cụ gặp được người trực
tiếp chiến đấu ở Điện Biên Phủ cụ muốn hỏi cho rõ. Những điều cụ thắc mắc và tự
phán đoán là:
Một: Làm thế nào ta có thể đem pháo tới các đỉnh núi
bao quanh thung lũng Điện Biên Phủ để có uy thế mạnh đến nỗi áp đảo cả pháo
binh của Pháp vốn là một pháo binh hùng mạnh. Phải
chăng ta tháo ra từng bộ phận (từng pièce – cụ nói bằng tiếng Pháp chữ pièce)
rồi khiêng dần lên mà lắp lại?
Hai: Ta làm thế nào mà xông vào tận chỉ huy sở của
địch bắt sống tướng, nghe nói có câu chuyện đào hầm. Phải chăng ta đào hầm từ
ngoài vòng vây xuyên thẳng vào dưới chính giữa hầm của Đờ Cát, rồi ta bung lên
và bắt sống nó?
Hoa ban miền Tây Bắc. Ảnh : Trần Độ |
Đại khái còn một vài điểm nữa, nhưng chủ yếu là ở hai
điều trên. Tôi có được đọc hồi ký của cụ, tôi cũng có những thắc mắc về một số
sự kiện trong đời của cụ. Ví dụ, cụ nói cụ có lên núi Vân Sơn, gặp một đại lão
sư râu tóc trắng như cước ở ẩn trên núi. Đại lão sư truyền thụ cho cụ cả võ
nghệ, cả thuốc tẩm da thịt cho nó thành đồng thành sắt, giáo dục cụ cả về lòng
nghĩa khí và trung thực khi sống ở đời,… Tôi tưởng như đó là những chuyện chỉ
có thể có từ ngàn xưa và ở bên Tàu mà thôi. Tôi cũng muốn nhân dịp này hỏi cụ
cho rõ thực hư.
Vì vậy tôi hết sức vui vẻ nói để cụ rõ ta tổ chức làm
đường kéo pháo như thế nào, bố trí trận địa pháo ra sao, tổ chức nghi binh trận
địa như thế nào để suốt chiến dịch toàn bộ pháo binh ta vẫn toàn vẹn và nói rõ
việc đào hầm để đánh đồi A1 và công trình đào trận địa bao vây đánh lấn, rồi
tổng công kích và chiến sĩ ta vào tới sào huyệt của địch ra sao. Cụ rất vui vẻ
khi được biết những chuyện thần kỳ mà đơn giản như vậy và cũng vui vẻ kể lại
cho tôi nghe chuyện gặp Đại lão sư.
Thế là cụ hiểu sự diễn biến của trận đánh Điện Biên
Phủ như những truyền thuyết, mà tôi cũng hiểu cuộc đời cụ như những truyền
thuyết. Sau khi chuyện trò đều thấy những truyền thuyết đó là có thật, nó đều
có những nguyên nhân và điều kiện lịch sử để nảy sinh ra. Và tuy ta đã trải qua
nó rồi, nó vẫn còn tồn tại trong trí óc ta như những truyền thuyết, vì nó quá
thần kỳ, quá phi thường.
Thời gian càng xa thì những truyền thuyết ấy càng lung
linh óng ánh, càng đẹp đẽ, thiêng liêng hơn khi nó đã thực sự xảy ra.
Như vậy trong ba năm gần đây tôi đã ba lần nói lại
những câu chuyện “truyền thuyết” về Điện Biên Phủ với ba đối tượng khác nhau.
Và mỗi lần kể lại, tôi lại thấy rõ ràng mình đã thực sự sống trong những truyền
thuyết đó - những truyền thuyết vẻ vang của lịch sử dân tộc. Đó là những sự
việc có thật, nhưng nó đẹp như những truyền thuyết.
Tháng 5.1984
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Tháng 5.1984
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét